Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 8 tháng 12, 2017

DÌ GHẺ - Truyện của Phương Lan


Những ai từng có một gia đình hoà thuận, êm ấm, những ai từng lớn lên trong sự yêu thương, che chở của cha mẹ, thì những đêm mưa gió như thế này, hẳn được ở trong một mái nhà ấm cúng, dù mái tranh may mái ngói.  Những ai chưa từng phải đi đâu một mình giữa đêm hôm khuya khoắt ở làng quê, nơi bóng tối bí hiểm ngự trị, nơi đồng trống với những bãi tha ma đầy đe doạ... tất không thể hiểu được nỗi cô đơn, sợ sệt của tôi, một đứa bé mới lên chín tuổi, giữa đêm hôm khuya khoắt bị tống cổ ra đường, vì một lý do không chính đáng.  Gần đến sẩm tối, dì tôi mới bảo:
<!>
          - Tịnh! nhà hết đường rồi.  Mày sang lò đường làng bên, mua cho tao mười cân, nhanh lên!
Tôi chưa dám nói tôi không muốn đi, dường như dì hiểu, nên trợn mắt:
          - Mày phải đi!

          - Để mai được không dì? mai tôi sẽ đi thật sớm?
          - Không được!  Mày phải đi ngay bây giờ, sáng mai trưa trật lò đường mới mở cửa. không kịp cho thợ làm.  Này, cầm tiền đi!
Dì làm bánh để bỏ mối, đủ loại bánh: bánh đậu xanh, bánh su sê, bánh cốm, bánh gai...  Gia đình tôi mở cửa hàng bán bánh, nhưng chẳng ăn thua gì nếu chỉ bán ở cái làng hẻo lánh này, nguồn lợi chính là bỏ mối cho các tiệm ở ngoài tỉnh.  Dì có mướn vài người thợ làm việc đến nửa khuya mới về, nhưng không ai chịu đi thế tôi, vì như vậy phải bỏ một buổi công, không được trả tiền.  Nhưng lý do chính là họ rất ngại phải đi qua bãi tha ma một mình lúc ban đêm.  Chẳng hiểu sao dì tôi không trù liệu từ trước, hoặc sai tôi đi từ chiều, lúc mặt trời chưa lặn, chắc hẳn dì muốn hành hạ tôi cho đã, vì tôi là một cái gai trước mắt dì.
Đường từ nhà tôi đến lò đường làng bên, phải đi qua mấy rặng tre rậm rịt tới một cánh đồng trống vừa gặt xong mùa lúa, và một bãi tha ma, nơi có cây đa cổ thụ, gốc to bằng hai người ôm, nghe đồn trước đây có người tự tử, treo cổ trên cây.  Vào những đêm không trăng sao như thế này, bóng tối đen kịt bao trùm khắp nơi, tiếng côn trùng kêu rỉ rả, không một tí ánh sáng, chỉ có những con đom đóm, hay ma trơi? bay lập loè...  Đến người lớn cũng sợ, không dám đi một mình, huống chi một đứa trẻ yếu bóng vía như tôi.  Thu hết can đảm, tôi cố gặng lần chót:
          - Bây giờ tối rồi, sao dì không nói từ sớm?
Dì quát lớn, dơ tay lên như chực đánh:
          - Mày không được vặn.   Có đi không thì bảo?
Dì dữ đòn có tiếng, anh em tôi luôn luôn là nạn nhân.   Ngay cả đến cha tôi, dì cũng ăn hiếp, chỉ một cái quắc mắt của dì là ông cũng im luôn.  Chẳng bao giờ cha bênh vực được cho tôi, vì vậy tôi biết thân, và phải cầm tiền đi ngay.
Đường từ nhà tôi đến lò đường, đi nhanh lắm cũng phải hơn một tiếng.  Lượt đi, tôi cố tận dụng chút ánh sáng thoi thóp của buổi chiều tà còn rơi rớt lại, cắm cúi đi thật nhanh.  Nhưng đến lúc về, trời hoàn toàn tối đen, mang mười cân đường đâu phải nhẹ.  Gần đến nghĩa địa, tôi đi chậm lại, chần chờ không muốn tiến sâu vào khoảng không tối om phía trước mặt.  Dù sao những ánh đèn dầu hiu hắt của những nhà cửa lác đác trong xóm phía sau lưng cũng làm tôi an tâm hơn, còn phía trước mặt, chỉ toàn là mồ mả chập chùng, và những bụi cây giơ cành khẳng khiu như đe doạ.  Sắp đến cây đa lớn trên đuờng vào nghĩa địa, tôi cố gắng không nghĩ tới chuyện ma quỉ, và chỉ mong có người nào đó cũng băng qua nghĩa địa với tôi cho đỡ sợ.  Ngoái lại phía sau một lần chót, không có ai cả, tôi hít một hơi thật sâu, rồi cắm đầu chạy.  Tôi chạy thục mạng, vì biết đâu ở một xó nào đó trong bóng tối, có người rình sẵn...?  À không, không phải người, mà là một ông ba bị, một người khổng lồ nào đó rình để ăn thịt những đứa trẻ hư.  Tôi thường nghe bà ngoại kể về ông ba bị nhiều lần.  Tôi không hư theo tôi hiểu, và mọi người xung quanh cũng cho như thế, nhưng đối với dì Bích, dì thường bảo tôi là một đứa cứng đầu, mất dậy số một, biết đâu ông ba bị lại chẳng tin lời dì?
Trời đang chuyển mưa, gió thổi tung cát bụi bay mịt mù, những tiếng sấm ầm ì ở phương xa, và trên trời những tia chớp loé sáng, càng làm tăng thêm sợ hãi.  Tôi chạy bở hơi tai, cố gắng làm ngơ những tiếng lộp bộp như tiếng chân đuổi phía sau, rốt cuộc tôi cũng về tới nhà.  Dì tôi ra mở cổng, vừa nhìn thoáng qua, bà đã cau mặt, quát:
          - Thàng ôn vật! mày chạy phải không?
Tôi gật đầu, miệng thở hồng hộc, và chân còn run lẩy bẩy. 
          - Tao biết ngay mà...  Đồ ăn hại! đổ mất một nửa rồi đây, ai bảo mày chạy?
Cốp một cái, dì táng vào đầu tôi một cái thật mạnh.  Tôi đau điếng, nhưng cố nhịn khóc, nhìn xuống gói đường, quả thật đổ mất một ít, nhưng không phải một nửa.  Đưa tay xoa chỗ đau, tôi trả lời:
          - Tôi sợ ma...  Sao dì không bảo con Mai đi?
Mai là con riêng của dì, nó lớn hơn tôi hai tuổi.
          - Nó còn nhỏ.  Dì đáp.
          - Tôi nhỏ hơn nó.
          - Câm mồm!  Lúc nào cũng ghen tị, nó là con gái, mày là con trai, lại cao hơn nó nửa cái đầu.
          - Nếu nó lùn mặc xác nó, nhưng nó nhiều tuổi hơn tôi.
          - À, mày dám cãi hả?  Cãi này, cãi, cãi...
Sau mỗi tiếng "cãi", dì liên tiếp vả tôi những cái tát đau điếng.  Tôi chảy nuớc mắt vì đau, mà cũng vì căm hận.  Con Mai đứng gần đó, về hùa với mẹ, chu mỏ ra:
          - Ê lêu lêu đồ khỉ nhát, đồ chết cha, chết mẹ...  Đáng kiếp!
Tôi gầm lên:
          - Câm mồm! coi chừng tao đấm gẫy răng bây giờ.  Chính mày mới là đồ con hoang.
Thế là dì tru tréo lên ầm ỹ:
          - A thằng này gớm thật, có giỏi mày đánh nó cho tao coi!  Thứ đồ trôi sông lạc chợ, đồ khốn nạn y hệt con đĩ mẹ mày.

Dì xông tới, giơ tay toan đánh nữa.  Tôi lùi lại, dữ tợn:
          - Tôi cấm dì không được nói động đến mẹ tôi.  Dì hạnh hạ tôi, dì coi chừng mẹ tôi, bà không để yên cho dì đâu.

Mẹ tôi chết rồi, bà thiêng lắm.  Có lẽ hơi sợ trước thái độ hung tợn và lời đe doạ của tôi, dì hơi chùn, vội hạ tay xuống, lẩm bẩm:
          - Coi cặp mắt nó kìa! đúng là quân giết người.  Thôi cút đi cho rảnh.
Chẳng cần đợi mời thêm, tôi rút ngay xuống căn phòng xép, sau khi trừng mắt lại dì.  Hai hôm trước, em Hiên đang ăn, đánh đổ bát cơm, dì đã thẳng tay tát nó thật mạnh, đến phun cả cơm ra ngoài.  Con bé tru lên khóc, dai dẳng mãi không nín, khiến dì tức giận kéo xểnh nó đem nhốt vào buồng kho.  Căn buồng này xưa kia là của mẹ tôi, từ khi bà qua đời, căn phòng bỏ trống, chỉ chứa ít đồ đạc lặt vặt, không ai dám ở.  Mẹ tôi thiêng lắm, nghe kể ngày cha tôi đem dì về, mẹ tôi đã hiện ra, hành làm sao mà dì Bích bị á khẩu hai ngày liền, phải ra mộ mẹ tôi van vái mãi, mẹ tôi mới tha. 
Hôm em Hiên bị nhốt, rời mưa giông, sấm sét đùng đùng, nó sợ hãi đấm cửa thình thình lạy van, nhưng dì vẫn không tha, sau cùng, nó mệt là, nằm  thiếp đi ngay trên nền nhà.  Sáng hôm sau, người nhà ra mở cửa, con bé nằm lả, gọi mãi không tỉnh, phải chở đi nhà thương.  Cha tôi thở dài nhưng không nói gì, ông lảng lặng bỏ đi uống rượu.   Trận bão đêm đó lớn lắm, sét đánh trúng nghĩa địa, nơi mộ mẹ nằm, làm bật tung đất, lộ cả áo quan.  Khi lấp lại, người ta nhìn thấy nhiều vết bùn giống vết chân đi, nhiều vết dắt đến căn buồng của dì Bích.  Đêm đó, ngoài tiếng sấm sét lẫn tiếng van lạy của em tôi, người ta nghe tiếng dì kêu thét sợ hãi lắm, như người gặp cơn ác mộng.  Không biết dì đã nhìn thấy gì? nhưng từ đó dì ít dám réo tên mẹ tôi ra chửi, và những khi dì đánh đập hai anh em tôi, hễ tôi đem mẹ ra doạ, thì dì quả có hơi chùn tay.
 Hôm nay, tôi xuống căn phòng xép gần bếp, nơi ổ rơm của hai anh em tôi nằm, Hiên còn thức, mắt nó mở thao láo, hẳn những tiếng quát tháo, đánh đập ở nhà trên không khỏi lọt qua tai nó.  Hiên thì thào:      
          - Dì mới đánh anh hả?
Tôi gật đầu:
          - Ừ, nhưng không đau lắm.
Hiên thút thít:
          - Ước gì mẹ còn sống nhỉ?
          - Nhưng mẹ sẽ phù hộ cho anh em mình.... Thôi khuya rồi, em ngủ đi!
Nhưng chính tôi cũng không ngủ được.  Hai anh em nằm thao thức nhớ lại ngày xưa, những đêm mưa gió như thế này, mẹ tôi thuờng ôm hai đứa con vào lòng, kể chuyện cổ tích, cho tới khi chúng tôi chìm vào giấc mơ của tuổi thơ êm đềm.
Chúng tôi mồ côi mẹ từ khi tôi lên sáu, và em Hiên mới hai tuổi.  Trong trí nhớ non nớt của tôi, mẹ chỉ ốm có vài tháng rồi mất.  Cha tôi bảo mẹ chết vì bệnh thương hàn, nhưng có người cho ràng mẹ tôi tự  tử, còn bên ngoại thì cho rằng mẹ tôi vốn ốm yếu sẵn, còn bị cha tôi đánh trúng chỗ phạm nên vong mạng.  Cho tới khi khôn lớn, tôi cũng không thể khám phá ra sự thực như thế nào, duy có điều chắc chán không phải mẹ tôi tự tử, bởi vì bà thương anh em chúng tôi lắm, không nỡ bỏ chúng tôi côi cút một mình.
Những ngày bà hấp hối trên giường bệnh, tôi vẫn chạy nhông rong chơi đầu làng cuối xóm, tụ tập đánh đinh, đánh đáo với mấy đứa trẻ cùng xóm, em Hiên thì được bác Thêm săn sóc.   Bác Thêm là chị ruột của mẹ tôi, từ Hải Phòng đến chăm lo cho em mình.
Một buổi chiều, bác đi tìm tôi về, dắt tới bên giường của mẹ tôi, chờ nghe bà trăn trối.  Nhưng mẹ tôi không nói gì cả, bà nằm đó, thân hình tiều tụy gầy như xác ve, tóc rụng gần hết, mặt xanh xao, đôi môi khô héo.  Em Hiên không nhận ra mẹ, nó sợ hãi khóc thét, bác Thêm phải bế đi chỗ khác.  Mẹ tôi ứa nước mắt, nắm lấy tay tôi thì thào:
          - Tội nghiệp các con tôi... Tội nghiệp Hiên còn bé quá, con phải thương yêu em thay mẹ, con chăm lo em cho nó nên người.  Cả con nữa, con cũng phải cố gắng thành một người tốt, rồi mẹ sẽ phù hộ cho các con.
Chỉ có thế.  Dứt lời, mẹ nhìn tôi đăm đăm, bà bóp tay tôi như dục tôi hứa, tôi  gật đầu.  Khuya hôm đó, mẹ tôi ngủ giấc ngàn thu.
Cha mẹ tôi bất hoà, nên cái chết của mẹ không làm cha buồn nhiều, có thể đã mở một lối đi cho ông không chừng.  Nhưng đối với mẹ tôi, chỉ có cái chết mới giải thoát cho bà, vì trong cuộc sống chung với cha, mẹ chịu nhiều đau khổ hơn là hạnh phúc.  Từ ngày tôi đủ trí khôn để hiểu biết, thì tôi chỉ nhớ những ngày hạnh phúc của gia đình tôi thật hiếm hoi, đó là những ngày cha mẹ tôi hoà thuận.  Cha tôi thương yêu hai mẹ con tôi lắm, mẹ tôi thuở trẻ, đẹp nổi tiếng ở Bắc Ninh, cha tôi yêu bà mê mệt và tô ra đời trong niềm hạnh phúc chan hoà.  Những buổi chiều đi làm về, cha tôi thường bồng cả hai mẹ con tôi lên xoay tít, mẹ giả vờ sợ hãi, ôm chặt lấy cha, vò đầu ông khiến cho bộ tóc cứng của ông xù lên như cái tổ quạ, rồi hai mẹ con cười như nắc nẻ.  Những buổi tối mùa đông, cả nhà quây quần bên bếp lửa, cha tôi kể chuyện Thạch Sanh Lý Thông cho tôi nghe, trong khi mẹ tôi âu yếm nhổ tóc sâu cho ông.
Nhưng hạnh phúc không kéo dài bao lâu, khi em Hiên ra đời, mẹ tôi bị hậu sản, chữa mãi không dứt.  Mẹ gầy mòn xơ xác, tiều tụy đi trông thấy, cả một nhan sắc đẹp đẽ khi xưa biến đâu cả, còn lại có chăng chỉ là đôi mắt bồ câu sáng long lanh, và một thân hình gầy như que củi.  Cha tôi bắt đầu vắng nhà, mời đầu còn ít, sau gần như thường xuyên.  "Vì công việc làm ăn, buôn bán", mẹ tôi trả lời thế, mỗi khi tôi có thắc mắc hỏi.  Thảng hoặc mới đảo qua nhà, cha tôi đem cho hai anh em tôi vài thứ đồ chơi bằng nhựa mua ở trên tỉnh, và cho mẹ tôi một ít tiền, rồi lại đi nữa.  Những dịp cha tôi ở nhà lâu nhất, khoảng chừng vài ba tháng, lại chẳng phải là những ngày êm đềm, sung sướng, vì thể nào ông cũng thượng cẳng chân, hạ cẳng tay ới mẹ tôi.  Ông có lối đánh thật dã man là quấn tóc mẹ tôi vào cột nhà, rồi tay kia và chân đấm đạp túi bụi.  Mẹ tôi cắn răng chịu đựng, không hề kêu một tiếng, hai anh em tôi xanh mặt đứng then lét ở góc nhà, sợ đến không dám khóc.  Sau cùng, khi cha tôi giận dữ bỏ đi, tôi mới chạy sang hàng xóm kêu cứu, họ tuá sang săn sóc mẹ tôi, bóp thuốc cho bà. 
Có lần tôi nghe một người hỏi:
          - Sao bà không bằng lòng quách đi cho xong, để khổ thân thế này? Giữ người ở, chứ ai giữ được người đi?
          - Không được!  Mẹ tôi đáp, chẳng thà tôi chết đi đã, chứ tôi còn sống sờ sờ đây, nó qua mặt tôi thế nào được?  Họ lén lút ở đâu tôi không biết, chứ đem nó về đây, hất mẹ con tôi ra thì đừng hòng, không đời nào...
Lần cuối cùng, ông đánh mẹ tôi tới ngất xỉu, hàng xóm phải chạy sang can.  Và rồi, một tháng sau mẹ tôi qua đời.  Hai anh em chúng tôi được đưa về ngoại.  Chúng tôi lớn lên như cây cỏ, trong sự thương yêu của bà ngoại, bà tôi dồn hết tình thương cho hai đứa cháu mồ côi, vì thế những ngày sống với bà ngoại là những ngày sung suớng nhất trong suốt quãng đời thơ ấu của chúng tôi từ khi mẹ chết.  Cha tôi thỉnh thoảng về thăm, đem cho chúng tôi một ít quà và quần áo mới rồi lại đi liền.  Nghe đâu chỉ ba tháng sau đám tang của mẹ tôi, ông đã ruớc về dì Bích, người đàn bà ông vẫn đi lại vụng trộm khi mẹ tôi còn sống.
Ba năm sau, một hôm cha tôi về ngoại đón chúng tôi đi.  Lúc này em Hiên đã lên năm tuổi, không cần người ẵm bế, vả lại cũng đã hết tang mẹ tôi, ông không muốn thiên hạ xầm xì về việc mê gái mà bỏ bê con ruột.  Chúng tôi không muốn theo cha tí nào, về cái nhà đầy những kỷ niệm đau thương của mẹ tôi, nhưng ông nhất định bắt buộc.  Bà ngoại tôi đành thở dài, đưa hai đứa cháu mồ côi mẹ ra tận bến xe đò đi Bắc Ninh.  Ôm chặt hai anh em tôi một lần cuối, bà ghé sát tai tôi dặn dò:
          - Có chuyện gì cứ nhắn tin cho bà.
Nói xong bà quay đi, dấu vộ hai hàng nước mắt đang lăn dài.  Xe đò bắt đầu chuyển bánh, không có can đảm nhìn chúng tôi vẫy tay giã biệt, bà úp mặt vào hai lòng bàn tay, rồi xây lưng lầm lũi bước, bóng áo nâu còm cõi xa dần rồi khuất hẳn.

*             *            *
Buổi đầu gặp mặt, cha tôi giới thiệu:

          - Đây là dì Bích, mẹ kế của các con.  Tịnh và Hiên chào... mẹ đi!
Tiếng "mẹ" ông nói hơi có vẻ ngượng ngập.  Tôi ngẩng nhìn người đàn bà đang đứng trước mặt, bà ta còn trẻ, vấn tóc trần, người cao dong dỏng, mắt sắc và đôi môi mỏng dính.  Bà ta mỉm cười làm quen:
          - Tịnh đây hả?  Chà lớn ghê nhỉ?
Rồi bà quay sang Hiên, dơ tay toan vuốt tóc nó, nhưng Hiên sợ hãi chun người lại, còn tôi không nói gì cả, chỉ lặng lẽ cúi chào.  Mọi người đi vào nhà, tôi bồi hồi nhìn cảnh cũ, nhưng người xưa không còn nữa, mẹ tôi đã vĩnh viễn xa rồi.  Tôi nhìn quanh tìm kiếm, biết ý, cha tôi nói:
          - Bàn thờ mẹ dọn xuống nhà kho rồi, dì bảo để dưới đó cho tiện.
          - Tiện là tiện thế nào?
Tôi quắc mắt nhìn bà ta, chạnh nhớ nguyên nhân những nỗi đau khổ cay đáng của mẹ tôi, và có thể cả cái chết của người nữa... tất cả đều do người đàn bà này.  Tôi hỏi giọng gay gắt:
          - Chỉ có cái bàn thờ nhỏ, sao không để yên cho mẹ tôi?   Có phải tại nó làm bà chướng mắt?
Bà ta còn đang ấp úng, cha tôi đã trả lời thế:
          - Phải dọn cho trống, để thợ có chỗ làm bánh.  Bây giờ nhà mình có nghề mới rồi.
Ngưng một lúc, cha tôi lại nghiêm nghị nói:
          - Con không được gọi gọi bằng bà, như thế không phải phép.  Con phải gọi bằng mẹ.
Tôi lạnh lùng nhìn thẳng vào mắt dì:
          - Bà không phải là mẹ tôi.
Dì kinh ngạc, nhìn tôi như nhìn một con quái vật, hẳn dì không ngờ tôi dám xử sự như thế.   Cha tôi có vẻ ngượng, ông mắng cho khoả lấp:
          - Tịnh không được hỗn!  Mày lớn rồi, nên học ăn học nói cho tử tế.
Quay sang dì, ông nói:
          - Để từ từ anh dạy nó.
Nhưng từ đó, cha tôi có làm áp lực cách mấy, tôi và em Hiên cũng nhất định chỉ gọi bà ta bằng dì.  Dì Bích có một đứa con gái riêng mười một tuổi, tên Mai đang ở trong viện mồ côi.  Khi cha tôi bằng lòng cho đón về, dì bảo:
          - Anh chị em một nhà cả, đứa lớn làm chị, làm anh, đứa nhỏ làm em.
Nhưng con Mai chỉ làm chị trong những lần bắt nạt anh em tôi, còn mọi việc khác, nó tỏ ra còn bé bỏng lắm, không biết làm gì cả, và chỉ giỏi tài mách mẹ.  Những lần như vậy, dì Bích bênh con riêng, và thể nào anh em chúng tôi cũng bị những trận đòn chí tử, thâm tím mình mẩy.  Dì khôn lắm, nên cha tôi không bao giờ nhìn thấy các con mình bị dì ghẻ ngược đãi, hoặc giả có nhìn thấy cũng chưa chắc ông dám can thiệp để bênh vực con mình.  Nhưng thật sự, có lẽ ông không được chứng kiến những lúc dì cầm thanh củi tạ phang tôi gần gãy ống quyển, hoặc những lần dì túm tóc em Hiên dập đầu vào cột nhà.  Chúng tôi không dám mách cha, vì biết có mách cũng vô ích, dì sẽ mồm loa mép giải bảo tôi vu khống, và hôm sau lúc cha tôi đi vắng, thế nào chúng tôi cũng bị những trận đòn gấp đôi.  Cha tôi có vẻ tin lời dì, vì ông chỉ nhìn thấy lúc tôi hỗn hào cãi vã, đó là những lúc dì đánh đã chán tay, còn tôi thì đau quá hóa liều, tức nước vỡ bờ nên chẳng sợ gì nữa.  Dì chạy xồng xộc lên nhà trên, tru tréo:
          - Ông ơi, xuống mà xem thằng Tịnh nó đang chửi ba đời nhà tôi đây này!
Cha tôi lừ đừ đi xuống, ông chỉ trông thấy cảnh dì Bích ôm mặt khóc thật yếu đuối, còn tôi mặt mũi đỏ gay, đang nhảy chồm chồm, xỉa xói:
          - Đồ tàn ác dã man...  Tôi không sợ dì đâu, dì coi chừng có ngày mẹ tôi hiện hồn về vặn cổ dì hộc máu.  Đồ yêu tinh, đồ cướp chồng người, đồ.. đồ.. cô đầu!
Tôi dùng đủ mọi danh từ độc địa để rủa sả dì, nhất là mỗi khi tôi nói đến hai tiếng "cô đầu" thì dì tức tối nhất, vì có người kể cho tôi hay rằng dì vốn xuất thân là một ả đào, và con Mai là kết quả của những lần dì ăn nằm với khách làng chơi, một đứa con mà chính dì cũng không biết ai là cha.  Dì dấu dĩ vãng kỹ lắm, ai tiết lộ ra đều bị dì coi là kẻ thù, huống chi người đó lại là tôi.  Dì tức tới xùi bọt mép, ngã lăn ra.  Cha tôi vội chạy đến đỡ, ông quăng một chiếc guốc suýt trúng mặt tôi, quát lớn:
          - Thằng nghịch tử có câm mồm không? mày đang giết dì mày đây này.
Tôi lùi dần ra cửa, buông một câu chót thật độc địa:
          - Hứ! đừng đóng kịch mồi chài cha tôi.  Đây không phải nhà thổ đâu.
Cha tôi gầm lên, ông quăng nốt chiếc guốc còn lại về phía tôi.  Tôi hụp đầu tránh thoát, rồi tông cửa chạy ra ngoài.
Cuộc sống vẫn tiếp diễn với những ngày địa ngục, như những ngày mẹ tôi còn sống, nhưng có khác là đối tượng của sự ngược đãi lần này là anh em tôi.  Cha tôi cũng chẳng có hạnh phúc, vì dì Bích không yêu thương gì ông, cũng chẳng kính trọng, nể nang ông tí nào.  Dì lấn áp ông đủ chuyện, dì chỉ huy, ra lệnh cho tất cả mọi người, kể cả cha tôi cũng phải tăm tắp tuân theo nếu không muốn ồn ào, cãi vã.  Cha tôi trở nên trầm tĩnh, ít nói, có đôi lúc tôi bắt gặp ông ngồi thẫn thờ, nhìn em Hiên không chớp.  Không hiểu ông nghĩ gì? có lẽ ông nhớ mẹ tôi chăng? có lẽ vậy, bởi vì càng lớn, Hiên càng giống mẹ như đúc.
Cha tôi vẫn tiếp tục nghề đi buôn, nhưng không hay vắng nhà như lúc mẹ tôi còn sống.  Buôn bán chắc không mấy khá, nên dì Bích phải làm bánh để kiếm thêm.  Bánh bán chạy, nên dì thuê thêm một người thợ chính giỏi tay nghề là ông phó Đoàn, một người goá vợ nhưng còn trẻ, ở cùng làng.
Tôi thi xong bằng Sơ học yếu lược, thì được gởi đi học lớp nhì ở trường quận, cách nhàvài cây số, sáng đi, chiều về.  Một ngaỳ, tôi về sớm bất thình lình, vì thầy giáo ốm.  Gặp Hiên đang ngồi mút kẹo ở ngoài vườn, tôi hỏi:
          - Em làm gì ngoài này? cha đâu?
Hiên lắc đầu. Tôi hỏi tiếp:
          - Cha không có nhà à? thế ai cho em kẹo?
          - Dì Bích!
          - Dì Bích? sao lại tử tế thế?  Tôi ngạc nhiên nhìn nó chăm chăm, dạo này dì có hay đánh em không?
Hiên gật đầu, tôi thắc mắc:
          - Thế sao hôm nay dì lại cho em kẹo?

          - Dì bảo ra vườn ngồi chơi.
          - Thôi đi vào! nắng rồi.
Nói xong, tôi cầm tay Hiên kéo đứng dậy.  Nó vùng vằng cưỡng lại:
          - Không được, dì cấm.

          - Tại sao?
          - Vì dì đang có khách.
          - Ai?
          - Phó Đoàn.
          - Phó Đoàn à? ông ta tới đây làm gì giờ này?
          - Làm bánh thêm, dì bảo thế.
Tôi nghĩ thầm lạ thật, hôm nay thứ năm là ngày đi giao bánh, như thường lệ, nhà tôi cho thợ nghỉ cả, tại sao một mình ông ta có mặt ở đây?  Vả lại nếu làm bánh thật, thì việc gì phải cấm Hiên vào nhà?  Tôi tự hỏi rồi đi thật nhẹ lên nhà trên, ngang buồng dì Bích, tôi nghe có tiếng thì thầm nói chuyện và tiếng cuời rúc rích.  Một lúc sau, phó Đoàn mở cửa bước ra, hai tay thắt lại giải rút quần, dì Bích theo sau, vừa đi vừa vấn lại mái tóc xổ tung.  Hai người ôm nhau ở ngưỡng cửa.  Đợi phó Đoàn đi khuất, tôi mới ló ra.  Dì Bích nhìn thấy tôi thì hơi giật mình, chột dạ:
          - Tịnh đó à? về hồi nào?
          - Lâu rồi.
          - Mày có gặp con Hiên không?
          - Có gặp.  Nó cản, nhưng tôi cứ vào.
Chẳng hiểu nghĩ sao, dì ngập ngừng một lát rồi thò tay vào túi áo rút ra tờ giấy năm đồng, đưa cho tôi.
          - Mày cầm lấy ăn quà.
Tôi cầm lấy tờ năm đồng, rồi trước cặp mát ngạc nhiên và thù hận của dì, tôi thản nhiên xé tờ giấy bạc ra làm nhiều mảnh, thả tung theo gió.  Dì hơi khựng lại vì tức, rồi quay phắt đi, hằn học:
          - Được, cứ việc! đã vậy tao cũng chẳng cần.
Tôi không kể lại với cha tôi, vì không muốn tạo thêm những bất hoà trong gia đình, tôi không muốn cha phải tăng thêm những dầy vò vì hối hận. Nhưng sự đi lại giữa dì Bích và phó Đoàn càng ngày càng lộ liễu, khiến thiên hạ bắt đầu xầm xì.  Tiếng đồn chắc đã tới tai cha tôi, vì một hôm tôi nghe hai người cãi nhau, cha tôi rít lên:
          - Tưởng đem cô ra khỏi chốn bùn nhơ là cô an phận, ai dè ngựa vẫn quen đường cũ.  Đồ điếm! đừng làm hổ mặt tôi.
Đanh đá không vừa, dì lồng lộn:
          - Này, đừng có mà vu oan giá hoạ.  Người ta đến làm giúp cho, đã không biết ơn thì chớ, còn giở trò ghen tương.  Thử hỏi tiền bạc ông đem về có đủ nuôi mấy cha con ông không?  Hứ! cái thứ đồ vô tài, bất tướng...
Dì chưa nói dứt câu thì bốp, bốp, hai cái tát như trời giáng bay vào mặt dì.  Bà ta lăn kềnh ra đất, tru tréo:
          - Ối giời cao đất dầy, ối làng nước ơi, nó đánh tôi!  Mấy cha con nó ăn báo cô đã không biết nhục, còn dở trò vũ phu..  Ừ, tao làm điếm đấy, nếu không thì lấy phân đổ vào mồm cha con chúng mày à?  Đồ dã man, đồ ăn hại, đồ, đồ...

Dì lăn lộn trên nền nhà, tóc tai rũ rượi, hàng xóm bu xem đông nghẹt.  Cha tôi xấu hổ, mặt mũi đỏ nhừ vì nhục nhã, ông hầm hầm bỏ đi uống rượu.
Năm sau, tôi thi đậu bằng tiểu học và đậu luôn vào trường Bưởi, nên phải ra Hà Nội học. Tôi xin được học bổng và ở nội trú ngay tại trường, chỉ về nhà vào những dịp nghỉ hè, lễ lớn hoặc giỗ tết.  Thỉnh thoảng tôi vẫn nhận được thơ của Hiên, cho biết tình hình trong gia đình.  Con Mai đã bỏ nhà, đi theo một thằng vô lại, thật là nòi nào giống nấy, cũng chẳng có gì ngạc nhiên.  Dì Bích lúc này công khai ăn ở với phó Đoàn, thách thức cả chồng.  Còn cha tôi chỉ lầm lì uống rượu cả ngày, ông bỏ cả việc làm ăn, buôn bán, dì Bích càng lên mặt làm phách, coi cha tôi không bằng nửa con mắt.  Không khí trong gia đình ngày một thêm căng thẳng.  Dì Bích đánh đập em Hiên thường hơn trước, cha tôi không làm ngơ nữa, ông ra mặt bênh con, và những cuộc gấu ó giữa ông và dì Bích xảy ra hàng ngày, nhiều hơn cơm bữa.
Tôi thương em, nhưng chưa biết làm cách nào cứu nó ra khỏi cảnh địa ngục trần gian đó, thì một hôm tôi nhận được điện tín của Hiên đánh đi từ Bắc Ninh: "Dì mất, anh về gấp để thu xếp việc nhà." 
Tôi vô cùng ngạc nhiên, mấy lúc này đâu thấy ai nói dì Bích đau ốm, vậy tại sao lại chết mới lạ chứ?  Và còn cha tôi đó, sao lại cần đến tôi, một đứa trẻ chưa tới mười sáu tuổi thu xếp việc nhà?  "Chậc! Tôi nhủ thầm, thì cứ về hẵng hay."  Em Hiên đón tôi từ ngoài ngõ.  Vừa nhìn thấy anh, nó chạy ùa tới ôm chầm lấy tôi, oà lên khóc:
          - Cha uống rượu say, đâm chết cả dì Bích lẫn phó Đoàn...  Cha bị bắt rồi.
Tôi rùng mình sởn gai ốc, kinh ngạc và sợ hãi làm tôi đứng chết trân.  Một lúc sau mới định thần lại được, tôi kéo Hiên vào nhà, bảo nó thuật lại đầu đuôi câu chuyện, nhưng Hiên lắc đầu:
          - Em cũng có biết gì đâu?  Khi em đi học về thì sự đã rồi, em chỉ thấy dì Bích và phó Đoàn trần truồng nằm chết bên nhau, còn cha thì bình tĩnh cầm con dao đẫm máu ngắm nghía, cười một cách ghê rợn.  Vừa thấy em, cha bật lên khóc nức nở.  Cha cứ vừa cười vừa khóc như thế, giống hệt người điên, không ai dám lại gần, hàng xóm đi báo nhà chức trách và một lúc sau, phú lít tới còng tay cha dẫn đi...
Chúng tôi đi thăm cha trong khám đường của tỉnh.  Cha tôi trông tiều tụy không thể tả, ông gầy hốc hác, mắt trũng sâu, mái tóc trước đây chỉ mới hoa dâm, sau vài ngày đã trở nên bạc trắng như cước.  Ông nhìn hai anh em tôi, ứa nước mắt:
          - Cha có lỗi với hai con, cha hối hận đã để cho các con khổ cực bấy lâu nay...  Bây giờ muộn quá rồi, không thể cứu vãn được nữa.
Tôi ngập ngừng:
          - Cha có cần con nhắn với chú Út, nhờ thuê luật sư biện hộ?
Ông xua tay buồn bã:
          - Không cần!  Đời cha coi như bỏ đi rồi, chỉ thương các con không nơi nương tựa...
Ngưng một lúc, nhìn hai anh em tôi bằng ánh mắt đau đớn, cha tôi dặn dò như người đang trăn trối:
          - Tịnh điện tín ngay cho bà ngoại đón Hiên về ở với bà, còn con thì trở lại trường Bưởi tiếp tục việc học.   Dù có thế nào cũng không được bỏ học, bố đã dặn chú Út và chú ấy đã hứa là sẽ chăm lo, giúp đỡ cho con.  Cha còn một ít ruộng đất bên làng Phủ Lý, Hà Nam.  Giấy tờ, văn tự cha để trong cái rương gỗ ở dưới gầm giường, trong phòng cha.  Tịnh phải cất giữ cẩn thận, đó là tất cả gia sản cha để lại cho các con.  Hai anh em thương yêu, đùm bọc lẫn nhau, các con ăn học thành tài, nên người là cha mãn nguyện.
Ông chợt ngưng, khi nhìn thấy từ xa một người cảnh sát đang đi tới,  ông vội nắm lấy tay tôi, nước mắt nhỏ ròng ròng:
          - Các con lại đây cho cha hôn!

Hiên và tôi vội ghé sát vào song sắt, Hiên kiễng chân bá lấy cổ cha.  Ông thò tay qua chấn song, cố ôm cả hai anh em tôi một lúc mới buông ra, thở dài đau đớn:
          - Hết giờ thăm rồi, các con về đi.

Người cảnh sát tới gần, tiến lại khoá cái còng sắt vào tay cha tôi, dẫn đi.  Ông ngoái lại lần chót:
          - Các con nhớ thắp hương trên mộ mẹ, xin bà tha thứ cho cha.
Đó là những lời cuối cùng của cha tôi, vì sau đó ít hôm, chúng tôi được báo tin là cha tôi đã tự tử trong khám.  Tôi chôn cha bên cạnh mộ mẹ, theo như ước muốn cuối cùng của ông trong lá thơ tuyệt mạng ông để lại. 
Nhìn đứa em gái bé bỏng, đầu chít khăn tang, nhào lăn trên mộ, lòng tôi dau như dao cắt, thương em và thương thân mình, thương mẹ phận bạc, thương cha đã phải trả một giá quá đắt cho sự lỡ lầm của ông.
PHƯƠNG - LAN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét