Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 29 tháng 12, 2017

Chuyện Đà Lạt không phải ai cũng biết

Chuyện Đà Lạt không phải ai cũng biết - Ảnh 1.

TTO - Kể từ khi bác sĩ Yersin tìm ra cao nguyên Lang Biang, Đà Lạt trở thành tên gọi quen thuộc có sức hút mãnh liệt đối với du khách. Vùng đất này vẫn còn ẩn chứa nhiều điều không phải ai cũng biết.

Ông Nguyễn Đức Hòa (phải) - Ảnh tư liệu
Xin giới thiệu với bạn đọc một số câu chuyện về Đà Lạt ít ai biết, hoặc đã biết nhưng chưa tỏ tường...

Kỳ 1: Lão bộc nhận lương bằng... vàng

Ngày 23-12-2017, bộ sưu tập "Báu vật triều Nguyễn tại Đà Lạt" với hơn 120 cổ vật quý giá được đưa ra trưng bày. 
Bà Đoàn Thị Ngọ, phó giám đốc Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng, đã ghi nhận một cách trân trọng rằng ông Nguyễn Đức Hòa là người có công giữ gìn và bàn giao chúng nguyên vẹn cho chính quyền sau năm 1975.
Ông Hòa là ai mà được quyền lưu giữ, bảo quản những cổ vật quý giá được làm từ ngọc, bạc, vàng, đá quý, ngà voi và mã não...? Không nhiều thông tin về ông cho đến khi chúng tôi lục lại những tư liệu cũ liên quan đến dinh Bảo Đại tại Đà Lạt.
Dinh Bảo Đại là một công trình kiến trúc hài hòa giữa phong cách Á - Âu đầu tiên của triều Nguyễn được xây dựng trong bốn năm (1934-1938). Tên gốc của công trình này là Palais Impérial nằm trên đường Darles (nay là đường Triệu Việt Vương), bao quanh là rừng thông mang tên Bois d’amour (Rừng tình) rộng gần 10ha. 
Sau năm 1975, có tên mới là Dinh 3. Trong biệt điện có một người quản gia tận tụy từ thời vua Bảo Đại qua chế độ Việt Nam cộng hòa cho đến sau ngày 30/4/1975. Đó là ông Nguyễn Đức Hòa (1926-2009). 
Sinh thời, giới văn nghệ sĩ và người dân Đà Lạt gọi ông là "lão bộc qua các triều đại".
Theo vua từ thuở mười ba
Trước năm 1945, dinh thự Palais Impérial là nơi sinh hoạt của gia đình vị vua cuối cùng của vương triều Nguyễn. Khi trở thành quốc trưởng và khai sinh ra Hoàng triều cương thổ (năm 1950), vua Bảo Đại đã sử dụng biệt điện này để ở và tiếp khách. 
Công trình kiến trúc này được xây dựng hai tầng, sắp xếp khéo léo từ trong ra ngoài.
Ông Nguyễn Đức Hòa sinh ra và lớn lên tại làng Dương Nỗ (huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế). Năm 13 tuổi, được một người bác họ làm ở đội kỵ mã đưa vào Đại nội giúp việc và được thái hậu Từ Cung (bà Hoàng Thị Cúc, mẹ vua Bảo Đại) tin cậy cho theo hầu Bảo Đại.
Ngày 28-4-1949, Bảo Đại được Pháp đưa về Việt Nam. Ngày 14-4-1950, Bảo Đại ra dụ số 6/QT/TG xác định Đà Lạt là thủ phủ của Hoàng triều cương thổ và cao nguyên miền Nam. Ông Nguyễn Đức Hòa được theo vua lên Đà Lạt. Ông được vua Bảo Đại hết sức tin cậy.
Khi còn sinh hoạt trong dinh, vua Bảo Đại và Nam Phương hoàng hậu luôn giữ gìn nề nếp gia phong của hoàng tộc. Sau mỗi bữa tối, các hoàng tử, thái tử, công chúa đều được gọi lên phòng để hàn huyên và nghe vua, hoàng hậu giáo huấn, bảo ban. 
Sau khi Bảo Đại không còn làm vua nữa, ông Hòa được Việt Nam cộng hòa giữ lại làm việc trong dinh. Đây cũng là điều đặc biệt, có lẽ nhờ bản tính điềm đạm, hiền lành, trung thực của ông.
Chuyện Đà Lạt không phải ai cũng biết - Ảnh 2.
Chậu ngọc bịt vàng cẩn đá qúy của vua Bảo Đại được ông Nguyễn Đức Hoà lưu giữ - Ảnh: Bảo tàng Lâm Đồng cung cấp
Gìn giữ báu vật hoàng gia
Trước khi ông Hòa mất, chúng tôi có gặp ông và đề nghị ghi âm cuộc trò chuyện, ông vui vẻ đồng ý. Khi hỏi đến tiền lương, ông nói:
- Ngày còn phục vụ vua Bảo Đại, mỗi tháng tôi được 4 lượng vàng.
- Vậy một năm được 48 lượng vàng, bác tiêu sao hết?
- Tuổi trẻ ham chơi, tiêu hết rồi...
- Trong thời gian làm việc với Bảo Đại, có bao giờ bác thấy vợ chồng Bảo Đại to tiếng với nhau không?
- Có chứ! Nhưng mỗi lần cãi nhau thì họ chuyển sang nói bằng tiếng Pháp. Mình chịu. Ông tiếp: Vua Bảo Đại hay dành thời gian nói chuyện với tôi khi đi xa. Ông cũng có nỗi niềm riêng ít ai biết được.
Rồi ông cho biết thêm: "Dưới thời ông Ngô Đình Diệm, tôi được trả lương hằng tháng tương đương 5 lượng vàng, thời ông Nguyễn Văn Thiệu là 7 lượng vàng".
Sau ngày 30-4-1975, chính quyền quân quản cũng tiếp tục nhận ông làm nhân viên, lo các công việc trong dinh Bảo Đại và được hưởng lương theo quy định nhà nước cho đến khi qua đời.
Ông là lão bộc duy nhất được các chế độ khác nhau giữ lại làm quản gia ở dinh Bảo Đại, và là người được Từ Cung thái hậu tín cẩn giao giữ các két sắt có chứa tài sản (gồm tư trang và đồ dùng của gia đình). 
Về sau, tài sản này đã được đơn vị T78 thuộc Ban Tài chính quản trị Tỉnh ủy Lâm Đồng bảo quản, cất giữ.
Năm 2000, ông Hòa là người đặt ra một số câu hỏi đề nghị những người có trách nhiệm trong chính quyền địa phương trả lời về sự mất còn của số tài sản là ngọc ngà châu báu tại dinh Bảo Đại trước đây. 
Ngày 17-2-2000, Văn phòng Chính phủ đã có công văn yêu cầu chủ tịch tỉnh Lâm Đồng làm rõ sự việc và báo cáo kết quả lên Thủ tướng.
Kết quả báo cáo như sau (trích):
"Nguồn gốc số tài sản này (gồm tư trang và đồ dùng gia đình) trước ở dinh III là tài sản của Từ Cung thái hậu (mẹ của vua Bảo Đại). Sau ngày 30-4-1975, đơn vị T78 thuộc Ban Tài chính quản trị Tỉnh ủy Lâm Đồng tiếp nhận, bảo quản, cất giữ (có biên bản bàn giao và niêm phong cẩn thận). 
Đến cuối năm 1996, số tài sản đó được đưa sang Kho bạc Lâm Đồng tiếp nhận niêm phong cất giữ cho đến nay và bảo đảm còn nguyên trạng như khi tiếp nhận từ T78.
Sở dĩ tỉnh chưa có kế hoạch trưng bày các cổ vật này vì: Đây là những cổ vật quý, hiếm, có giá trị về lịch sử nên muốn trưng bày phải có chế độ bảo quản nghiêm ngặt. Ngoài ra, khi cho trưng bày thì phải đầu tư trang bị một số thiết bị chuyên dùng để phục vụ công tác bảo quản tránh hư hao xuống cấp đồ vật".
Cho đến khi mất, ông Hòa có hơn 60 năm gắn bó với dinh Bảo Đại, khu Rừng tình và những ký ức khó để nói tường tận về vua Bảo Đại.
but ngoc
Bút ngọc của vua Bảo Đại được ông Nguyễn Đức Hòa lưu giữ cho đến khi bàn giao cho tỉnh Lâm Đồng - Ảnh: Bảo tàng Lâm Đồng cung cấp
Trưng bày báu vật triều Nguyễn trong festival hoa
Trong thời gian diễn ra Festival hoa Đà Lạt 2017 (từ ngày 23-12-2017 đến ngày 2-1-2018), Bảo tàng Lâm Đồng đã chọn cung Nam Phương Hoàng Hậu (số 4 Hùng Vương, Đà Lạt) làm nơi trưng bày giới thiệu bộ sưu tập "Báu vật triều Nguyễn tại Đà Lạt".
Đây cũng là lần đầu tiên bộ sưu tập hiện vật độc đáo này ra mắt công chúng một cách đầy đủ về số lượng và chuẩn xác về thông tin với trên 120 cổ vật.
Phần lớn các hiện vật này đều do Ngự xưởng triều Nguyễn chế tác từ thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, cá biệt có một ít hiện vật thuộc thế kỷ 18.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét