Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 12 tháng 12, 2017

8 tháng Mười Hai là ngày gì?

Không biết vô tình hay hữu ý, cứ sau mỗi lần gặp Tập Cận Bình, ông Trọng lại gặt hái được một số kết quả trong cuộc chiến nội bộ.
Ảnh: Báo Thanh Niên

Vietnam – Cali Today News – 8 tháng Mười Hai năm 2017 là ngày mà lần thứ hai kể từ vụ Hoàng Văn Hoan năm 1979, thể chế chính trị cộng sản Việt Nam khởi tố và tống giam một “ủy viên bộ chính trị”, hay nói chính xác hơn là người vừa ra khỏi Bộ Chính trị.
<!> 
Ở nhiều nước khác, những sự kiện như vậy không đến nỗi chiếm toàn bộ bề mặt trang nhất. Nhưng trong thể chế độc đảng ở Việt Nam, đây là chuyện chưa có tiền lệ. Lớn đến mức mà các tờ báo lớn như Reuters, BBC, AFP, France24, DailyMail, Nikkei, Bangkok Post…đều đồng loạt đưa tin ông Đinh La Thăng bị khởi tố và bắt giam.
8 tháng Mười Hai năm 2017 là ngày xảy ra vụ bắt em trai ông Đinh La Thăng – Đinh Mạnh Thắng – bị bắt để điều tra tội tham ô tài sản.
8 tháng Mười Hai năm 2017 là ngày khởi tố, bắt tạm giam cựu Chủ tịch PVN Nguyễn Quốc Khánh.
8 tháng Mười Hai năm 2017 cũng là ngày xảy ra hàng loạt vụ bắt bớ khác trong nội bộ đảng: bắt nguyên Tổng giám đốc Công ty xổ số Đồng Nai, bắt nguyên trưởng ban tổ chức Thành ủy Biên Hòa, bắt cán bộ Sở Giáo dục – đào tạo Đắk Nông vì lừa ‘chạy việc’…
Hiếm khi nào trong mục tin chính trên mặt báo đảng nổi rõ đến 3 – 4 tin “bắt”.
Có thể cho rằng 8 tháng Mười Hai năm 2017 đã đi vào lịch sử của đảng CSVN như một trong những ngày có nhiều vụ bắt bớ nội bộ nhất.
Sự trùng lắp về thời điểm của các vụ bắt bớ trên là ngẫu nhiên hay có chủ ý?
Có thể là ngẫu nhiên bởi các vụ bắt bớ xảy ra ở một số địa phương khác nhau.
Nhưng lại có vẻ giống như một cuộc ra quân đồng loạt của ngành công an, để nếu kết nối với sự kiện gần nhất là cuộc họp của Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng trung ương vào ngày 25/11/2017 mà Tổng bí thư Trọng đã bất ngờ công bố cho báo chí và dư luận về việc sẽ đưa ra xét xử hai vụ án Trịnh Xuân Thanh và Hà Văn Thắm giai đoạn 2 lần lượt vào tháng 1 và tháng 2 năm 2018, khó mà cho rằng những vụ bắt nội bộ trên không mang tính hệ thống, không được chỉ đạo thống nhất từ Bộ Công an theo một kế hoạch đã được lập từ trước, trong đó công an địa phương nào có bắt người đều được ghi nhận thành tích.
Nhưng thành tích lớn nhất có lẽ thuộc về Tổng bí thư Trọng – nhân vật đã có thâm niên hơn một năm trong Thường vụ đảng ủy công an trung ương. Sau một thời gian có vẻ lần khân, thậm chí bị ông Trọng chê “khâu yếu vẫn là khâu điều tra”, Bộ Công an đã tiến đến quyết định bắt Đinh La Thăng. Tổng bí thư Trọng cũng bởi thế đã sải một bước dài về quyền lực chi phối như thể chính ông Trọng, chứ không phải ông Tô Lâm, mới là bộ trưởng công an.
Một khả năng có thể là ông Trọng đã chọn ngày 8 tháng Mười Hai năm nay là thời điểm phát động một chiến dịch “chống tham nhũng giai đoạn 2”, nhưng không chỉ bằng hô hào hay kỷ luật suông, mà bằng biện pháp “bóc lịch” – mạnh mẽ hơn hẳn chủ thuyết “việc cần làm ngay” của chính ông phát ra một năm rưỡi về trước.
Một năm rưỡi về trước, vào ngày 3/6/2017 lần đầu tiên Tổng bí thư Trọng dùng cụm từ “việc cần làm ngay” trong văn bản của Văn phòng trung ương đảng truyền đạt chỉ đạo của Tổng bí thư về kiểm tra vụ xe Lexus của Phó chủ tịch Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh. Việc nhắc lại cụm từ này dường như thể hiện ý chí của ông Trọng muốn trở thành “Nguyễn Văn Linh thứ hai” và để lại dấu ấn cho đời.
“Những việc cần làm ngay” được coi là một khẩu hiệu phục vụ cho cuộc “chỉnh đảng”, khởi đầu vào năm 1987, sau khi ông Nguyễn Văn Linh chấp nhiệm chức vụ tổng bí thư vào năm 1986 và khởi sự phong trào “Đổi mới”.
Vào năm 2016, một số dư luận đánh giá rằng cho dù muốn “làm ngay” và lặp lại hình ảnh của Cố tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, ông Nguyễn Phú Trọng đang vấp phải tình trạng tham nhũng hiện thời gấp hàng trăm lần so với cách đây ba chục năm. Do vậy, không có gì bảo đảm là Tổng bí thư Trọng có thể làm được một chiến dịch lớn nhằm “xoay chuyển tình thế” cho đảng cầm quyền rất thiết thân của ông.
Vào năm 2017. Sau “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi đưa vào cũng phải cháy” – một phát ngôn “xuất thần” của Nguyễn Phú Trọng, ông đã được một số văn nhân xưng tụng thành “Sỹ phu Bắc Hà”, “Minh quân”. Và cả “Bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo”.
Trước Nguyễn Phú Trọng, chưa có một tổng bí thư nào được tụng ca ngút trời như thế.
Nhưng cuộc chiến “chống tham nhũng” của ông Trọng lại mới chỉ bắt đầu. Bắt đầu sau gần hai năm chấp nhiệm chức vụ tổng bí thư nhiệm kỳ 2, và gần 6 năm từ khi ông ngồi ghế này. Gần đây, nghe nói ông Trọng đã phải nhận một số phê phán và chỉ trích từ giới cách mạng lão thành về “chống tham nhũng nửa vời”.
Một khả năng khác là sau cuộc gặp với Tập Cận Bình – Chủ tịch Trung Quốc – tại Hà Nội vào tháng 11 năm 2017, Tổng bí thư Trọng đã được “lên dây cót” về công tác “trị đảng” và có thể cả “trị quân”. Cần nhớ lại vào tháng 11 năm 2015, không hiểu có “điềm” gì mà sau chuyến thăm Việt Nam của Tập Cận Bình, ông Trọng đã tiến liền một mạch đến đại hội 12 và loại luôn đối thủ chính trị lớn nhất khi đó là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khỏi vị trí tổng bí thư.
Không biết vô tình hay hữu ý, cứ sau mỗi lần gặp Tập Cận Bình, ông Trọng lại gặt hái được một số kết quả trong cuộc chiến nội bộ.
Ảnh: Báo Thanh Niên

Tập Cận Bình đã chọn Bạc Hy Lai – Ủy viên bộ chính trị, Bí thư Trùng Khánh – làm quan chức cao cấp đầu tiên bị “trảm”. 5 năm sau đến lượt cựu ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng ở Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét