Vừa có thêm những tín hiệu cho thấy chính thể độc đảng ở Việt Nam đang mở một chiến dịch mới nhằm vận động Liên minh châu Âu (EU) nhanh chóng thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA), trong khi chưa có động thái bắt bớ thêm giới hoạt động nhân quyền tại đất nước này vào tháng Mười Một năm 2017, trong khi 8 tháng trước đó đã xảy ra bắt người bất đồng chính kiến vào mỗi tháng.<!>
Hiện tượng hàng loạt quan chức ngoại giao cao cấp của một số nước Tây Âu đến Việt Nam trong thời gian này và liên quan đến EVFTA cho thấy giới chóp bu Việt Nam một lần nữa bắt được tín hiệu tái khởi động thương thảo về hiệp định này, và lần này là các cuộc bàn bạc để thuyết phục quốc hội các nước châu Âu thông qua EVFTA.
Ngày 22/11/2017, Thứ trưởng ngoại giao Bỉ – ông Dirk Achten – có cuộc tham vấn chính trị với Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam – ông Bùi Thanh Sơn – để trao đổi về hợp tác song phương giữa Bỉ và Việt Nam và về tiến triển liên quan tới EVFTA.
Trước đó, một thông báo từ Bộ Ngoại giao Thụy Điển cho biết bộ trưởng Ngoại giao nước này – bà Margot Wallström – sẽ có chuyến thăm tới ba nước ở châu Á từ ngày 19-23 tháng 11. Thông báo về chuyến đi tới Bangladesh, Myanmar và Việt Nam của Bộ trưởng ngoại giao Thụy Điển cũng cho biết “Tôi cũng sẽ gặp gỡ thanh niên Việt Nam và các nhà hoạt động xã hội dân sự”.
Ngày 16/11/2017, Phái đoàn EU tại Việt Nam đã tổ chức gặp gỡ một số nhà hoạt động dân sự để tham vấn về vấn đề nhân quyền nhằm chuẩn bị cho cuộc đối thoại nhân quyền thường kỳ của EU với chính quyền Việt Nam vào ngày 2/12/2017. Kết quả của cuộc đối thoại nhân quyền này sẽ là một cơ sở quan trọng để Phái đoàn EU tại Việt Nam báo cáo cho EU nhằm quyết định có thông qua hay không EVFTA.
EVFTA, mặc dù đã được hoàn tất đàm phán từ cuối năm 2015, nhưng còn phải trải qua thủ tục lấy ý kiến và bỏ phiếu thông qua ở các nước châu Âu. Có đến 27 nước như vậy, mà chỉ cần một nước không đồng ý thì EVFTA coi như không thành và Việt Nam cũng “xôi hỏng bỏng không”.
Trong thời gian diễn ra Hội nghị APEC Đà Nẵng vào đầu tháng 11/2017 và cả sau hội nghị này, vài ba cuộc hội thảo về EVFTA được chính quyền Việt Nam tổ chức, cùng lúc nhiều tờ báo nhà nước bất chợt đăng tin bài dồn dập về EVFTA với nội dung tập trung vào những cái lợi về kinh tế của Việt Nam khi tham gia vào hiệp định này. Đây là một động thái tương tự với bầu không khí “tích cực chuẩn bị tham gia EVFTA” vào cuối năm 2015 – khi hiệp định này hoàn tất đàm phán song phương, và vào năm 2016 – khi một số quốc hội ở châu Âu bắt đầu tiến trình xem xét EVFTA để quyết định có thông qua hay không.
Tuy nhiên vẫn có một thế lực chính trị nào đó trong công an Việt Nam không muốn EVFTA được suôn sẻ. Ngay sau cuộc gặp với Phái đoàn EU tại Việt Nam, ba nhà hoạt động dân sự là Nguyễn Quang A, Phạm Đoan Trang, Bùi Thị Minh Hằng đã bị công an bắt cóc và câu lưu.
Đặc biệt, hành động Công an Hà Nội bắt giữ Phạm Đoan Trang ngay trước tòa nhà Lotte – nơi đặt trụ sở của Phái đoàn Liên minh châu Âu – như một cú răn đe dằn mặt, bất chấp giới ngoại giao và chính phủ Việt Nam có hứa hẹn trời trăng mây nước gì chăng nữa.
Trong một diễn biến khác, blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh – nhà hoạt động nhân quyền tranh đấu cho người dân miền Trung phản kháng Formosa, đã được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vinh danh “Ngươi phụ nữ can đảm quốc tế” vào tháng 3/2017 – sẽ bị chính quyền Việt Nam đưa ra xét xử phúc thẩm vào ngày 30/11/2017. Thời điểm này lại diễn ra chỉ 2 ngày trước ngày 2/12 là lúc diễn ra cuộc đối thoại nhân quyền giữa EU và Việt Nam tại Hà Nội.
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị bắt cách đây tròn một năm. Vào cuối tháng 6/2017, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã bị “tòa án nhân dân” giáng cho bản án cực kỳ nặng nề – 10 năm tù giam.
Không biết có phải ngẫu nhiên hay hữu ý mà nhà cầm quyền đưa Nguyễn Ngọc Như Quỳnh ra xử phúc thẩm sát ngày đối thoại nhân quyền với EU. Có thể xem vụ xử phúc thẩm này là một phép thử lớn: nếu bản án phúc thẩm đối với Nguyễn Ngọc Như Quỳnh vẫn y án sơ thẩm là 10 năm tù giam, tình hình nhân quyền ở Việt Nam vẫn chưa có bất kỳ cải thiện nào, kéo theo EVFTA giữ nguyên trạng thái trì trệ.
Hiện nay, ba vấn đề khúc mắc lớn mà EU đang đặt ra trong EVFTA đối với Việt Nam là Việt Nam phải cho phép hình thành công đoàn độc lập, cải thiện nhân quyền và xử lý vấn đề môi trường.
Ngay cả Hiệp định CPTPP (tên gọi mới từ TPP) cũng đặt điều kiện phải có công đoàn độc lập đối với Việt Nam
.
Theo Việt Nam Thời Báo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét