Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 29 tháng 11, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Tư 29/11 - Lê Minh Nguyên


Triều Tiên: Tên lửa vừa phóng ‘đặt toàn bộ nước Mỹ trong tầm ngắm’ - - - LHQ nhóm họp khẩn cấp về việc Bắc Hàn mới phóng tên lửa đạn đạo
Triều Tiên cho biết họ đã thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới cực mạnh (ICBM) hôm thứ Tư 29/11. Tầm bắn của tên lửa mới này đặt toàn bộ lục địa Hoa Kỳ vào trong phạm vi có thể bị tấn công bằng vũ khí hạt nhân, theo Reuters.<!>

Kể từ giữa tháng 9, đây là cuộc thử tên lửa đầu tiên của Triều Tiên -- một tuần sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa Triều Tiên vào danh sách các nước bảo trợ khủng bố, cho phép Washington áp dụng thêm các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng.

Triều Tiên đã thử nghiệm hàng chục tên lửa đạn đạo dưới sự lãnh đạo của Kim Jong Un, bất chấp các lệnh trừng phạt của quốc tế. Tên lửa mới vừa phóng hôm thứ Tư đã bay cao nhất và xa nhất so với tất cả các tên lửa phóng trước đó của Triều Tiên và đã rơi xuống biển gần Nhật Bản.

Triều Tiên cho biết tên lửa mới đạt độ cao khoảng 4,475 km (2.780 dặm) – cao hơn 10 lần khoảng cách từ mặt đất đến Trạm vũ trụ quốc tế - và bay xa 950 km (590 dặm) trong thời gian 53 phút.

Theo một tuyên bố do xướng ngôn viên truyền hình Triều Tiên đọc: "Sau khi giám sát việc phóng thành công loại tên lửa ICBM mới, Hwasong-15, lãnh tụ Kim Jong Un tuyên bố với sự tự hào rằng giờ đây chúng ta đã nhận biết được sự nghiệp lịch sử vĩ đại của việc xây dựng thành công lực lượng hạt nhân nhà nước, và phát triển thành công sức mạnh tên lửa."

Triều Tiên nói tên lửa Hwasong-15, còn gọi là Hỏa tinh – 15, là một phiên bản nâng cao của một loại tiên lửa ICBM được thử nghiệm hai lần vào tháng 7. Tên lửa này được thiết kế để mang một "đầu đạn siêu nặng và lớn."

Các nhà khoa học thuộc Liên hiệp các nhà khoa học liên quan có trụ sở tại Hoa Kỳ nói căn cứ vào quỹ đạo và khoảng cách, tên lửa này có tầm xa hơn 13.000 km (8.100 dặm) – thừa sức vươn tới thủ đô Washington DC hay bất cứ nơi nào trên đại lục Hoa Kỳ.

Bình Nhưỡng tự xưng tên lửa này là một "sức mạnh hạt nhân có trách nhiệm", và nói rằng Triều Tiên phát triển vũ khí chiến lược này để tự vệ “trước mối đe dọa hạt nhân và chính sách bức hiếp bằng hạt nhân của đế quốc Mỹ.”

Hội đồng Bảo an LHQ dự kiến sẽ họp vào thứ Tư 29/11 để thảo luận về việc Triều Tiên phóng tên lửa Hỏa tinh - 15.

Các quan chức Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc đều đồng ý rằng tên lửa vừa được phóng rơi xuống vùng biển trong vùng độc quyền kinh tế của Nhật Bản, có thể là một tên lửa ICBM. Ngũ giác đài nói cuộc thử nghiệm này không gây ra mối đe dọa đối với Hoa Kỳ, các vùng lãnh thổ hay các đồng minh.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis nói với các phóng viên ở Tòa Bạch Ốc rằng: "Tên lửa này đã được phóng cao hơn so với các đợt phóng trước, một nỗ lực tiếp tục phát triển các tên lửa đạn đạo của Triều Tiên để có thể đe dọa khắp nơi trên thế giới."

Ông Trump đã điện đàm với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-In. Cả ba nhà lãnh đạo tái khẳng định quyết tâm chống mối đe dọa của Triều Tiên.

Ông Trump nói với các phóng viên: "Đó là một tình huống mà chúng tôi sẽ giải quyết."

Ông Trump được thông báo về việc Triều Tiên phóng tên lửa trong khi tên lửa này đang bay. Ông nói rằng việc thử tên lửa này không làm thay đổi cách tiếp cận của Washington đối với Triều Tiên.

Theo văn phòng tổng thống Hàn Quốc, ông Abe và ông Moon, trong một cuộc điện đàm riêng, nói rằng họ sẽ "không thể chịu đựng được" mối đe dọa ngày càng gia tăng của Triều Tiên và sẽ thắt chặt các biện pháp chế tài.

Washington quả quyết rằng tất cả các lựa chọn, bao gồm cả quân đội, đang được xem xét để đối phó với Triều Tiên, trong khi nhấn mạnh mong muốn một giải pháp hòa bình.

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres lên án mạnh mẽ việc phóng tên lửa.
Trung Quốc, đồng minh duy nhất của Triều Tiên, đã bày tỏ "mối quan ngại nghiêm trọng" về cuộc thử tên lửa này, trong khi kêu gọi tất cả các bên phải hành động thận trọng.

Tại Moscow, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng kêu gọi tất cả các bên phải bình tĩnh, nói rằng điều cần thiết là phải tránh tình huống xấu nhất trên bán đảo Triều Tiên. - VOA

***
Ít giờ dồng hồ nữa, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc sẽ nhóm phiên họp khẩn cấp, để thảo luận về việc Bắc Hàn mới phóng tên lửa đạn đạo.

Yêu cầu Hội Đồng Bảo An triệu tập phiên họp khẩn cấp được Hoa Kỳ đưa ra từ chiều hôm qua, giờ Washington, và được sự ủng hộ của 4 nước hội viên thường trực khác là Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc.

Bắc Hàn cho phóng thử tên lửa đạn đạo hồi 3 giờ 17 phút sáng nay. Tin xuất phát từ quân đội Nam Hàn cho hay đây là một loại tên lửa đạn đạo mới có tên là Hwasong-15, đạt độ cao 4.500km và tầm xa 960km, trước khi rơi xuống vùng biển Nhật Bản, ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Nhật.

Ngay sau khi vụ Bắc Hàn phóng thử tên lửa xảy ra, ông James Mattis, Tổng trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ nói với báo chí tại Nhà Trắng rằng đây là loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có tầm hoạt động cao nhất, gây ra mối đe dọa toàn cầu.

Nhà Trắng cũng cho hay Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump đã nói chuyện với Thủ tướng Shinzo Abe của Nhật Bản và Tổng Thống Moon Jea-In của Nam Hàn. Vẫn theo Nhà Trắng, cả 3 nhà lãnh đạo cũng nhắc lại lời cam kết sẽ cùng hợp tác để chống lại mọi nguy cơ đến từ Bắc Hàn.

Dựa theo các chi tiết có được, một số chuyên gia võ khí và khoa học gia Mỹ cho rằng loại tên lửa đạn đạo mới của Bắc Hàn có thể bắn tới thủ đô Washington D.C. cũng như mọi địa điểm khác trên lãnh thổ Hoa Kỳ.

Trong những cuộc phỏng vấn dành cho báo chí, các chuyên gia võ khí và khoa học gia Mỹ cũng nói rõ điều chưa thể biết được là nếu chở theo đầu đạn hạt nhân, loại tên lửa mới của Bắc Hàn sẽ bay bao xa, vì còn tùy thuộc vào sức nặng của đầu đạn gắn ở tên lửa.

Cũng cần nói thêm một số chuyên gia võ khí nghĩ rằng phải mất ít nhất vài năm nữa, Bắc Hàn mối có thể chế tạo được đầu đạn hạt nhân. Nhưng mới hôm qua, Bộ Trưởng Bộ Thống Nhất của Nam Hàn là ông Cho Myoung-gyon lại nói rằng Seoul không loại trừ khả năng Bắc Hàn hoàn tất chương trình này chỉ trong vòng 1 năm nữa.

Tại Bình Nhưỡng, bản tin phổ biến trên đài truyền hình Bắc Hàn xác nhận đã phóng thử thành công loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới, nói rõ là loại mạnh nhất từ trước đến giờ, đủ sức để đặt toàn bộ lục địa Mỹ trong tầm phóng.

Bản tin của Bình Nhưỡng cũng cho biết lãnh tụ Kim Jong-un là người chỉ thị thực hiện vụ phóng tên lửa, cũng là người tuyên bố thành công vừa đạt được sứ mệnh to lớn để Bắc Hàn thật sự trở thành một cường quốc hạt nhân.

Hãng thông tấn nhà nước Bắc Hàn KNCA gọi thành công này là thành công vĩ đại của người dân Bắc Hàn, vì tên lửa mới phóng là loại có khả năng tấn công toàn bộ lục địa Mỹ. - RFA

2.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe có thể đi dự Olympic Pyeongchang

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang cân nhắc kế hoạch đi dự Olympic mùa đông ở Hàn Quốc vào tháng 2 sắp tới, bất chấp tình hình căng thẳng leo thang tiếp theo sau vụ phóng tên lửa của Triều Tiên hôm thứ Tư 28/11, theo tin của văn phòng tổng thống Hàn Quốc.

Ông Abe nêu khả năng sẽ đến dự Olympic trong cuộc điện đàm với Tổng thống Moon Jae-in của Hàn Quốc. Trong cuộc điệm đàm, hai nhà lãnh đạo nói rằng họ “không thể dung thứ” cho các mối đe dọa an ninh đang ngày cáng tăng của Triều Tiên nữa và hai nước Nhật-Hàn sẽ thắt chặt hơn nữa các biện pháp chế tài và tăng áp lực lên Bình Nhưỡng, thư ký báo chí của Tổng thống Moon, ông Yoon Young-chan nói với các phóng viên báo chí. - VOA

3.
Trung Quốc có thể ứng dụng công nghệ năng lượng biển Đông cho ‘tàu hạt nhân quân sự’ - - - Trung Quốc thúc đẩy xu hướng toàn trị ở Đông Nam Á

Tờ Global Times của Trung Quốc hôm thứ Ba 28/11 nói rằng các chuyên gia nhận thấy các nhà máy điện hạt nhân nổi trên Biển Đông có những tiềm năng công nghệ "có thể ứng dụng cho các tàu hạt nhân quân sự."

Tờ Breitbart nói rằng Global Times dùng ngôn ngữ rất mơ hồ để loan tải tin này, không rõ liệu Trung Quốc có ý định đưa tàu hạt nhân vào những nơi họ đã chiếm đóng bất hợp pháp ở Biển Đông để tiếp cận với các nhà máy này hay liệu Bắc Kinh sẽ bắt đầu xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tương tự trên đại lục để sử dụng cho các cơ sở quân sự ở đó.

Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố rằng các công trình xây dựng của họ trên các đảo nhân tạo thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa – nơi mà Việt Nam và Phililiipines cũng tuyên bố chủ quyền - chỉ dành cho mục đích dân dụng, trong khi những nơi này lại đang có máy bay chiến đấu, tên lửa đất đối không và các công nghệ quân sự khác.

Báo Global Times viết: "Theo các nhà phân tích Trung Quốc, trọng tâm chính của các cơ sở hạt nhân ngoài khơi của Trung Quốc – dự kiến được thực thi trước năm 2020 - sẽ được sử dụng cho các đảo trên Biển Đông và khi công nghệ này phát triển, nó có thể được áp dụng cho các tàu hạt nhân quân sự.”

Dẫn lời ‘chuyên gia quân sự’ Song Zhongping, tờ Global Times nói rằng công nghệ này có thể tạo các phiên bản "công nghệ liên quan đến lò phản ứng hạt nhân" đã được thu nhỏ trên quần đảo Hoàng Sa và sử dụng cho "các tàu quân sự của quốc gia, tàu sân bay hoặc tàu ngầm hạt nhân thế hệ mới."

Ông Song không giải thích chi tiết liệu khi sử dụng các lò phản ứng ở Biển Đông có đòi hỏi phải vận chuyển các tàu quân sự đến đó hay xây dựng chúng ở nơi khác.

Báo Global Times trích lời ông Song nói thêm rằng một "nhà máy điện hạt nhân hạt nhân biển" sẽ có cả phần nổi và phần chìm và sẽ "tập trung vào mục tiêu cung cấp điện cho quần đảo Tây sa (Việt Nam gọi là Hoàng Sa) và các đảo khác ở Biển Đông, nơi cơ sở hạ tầng đang được xây dựng."

Ông Zhang Jinlin, một chuyên gia, kỹ sư học thuật, mô tả nhà máy này là "một dự án tổng thể dân sự-quân sự điển hình."

Chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần đề cập đến các dự án ở Biển Đông theo cách này - nhằm mục đích sử dụng cho cả dân sự và quân sự, nhưng Bắc Kinh bị cáo buộc là không công bố sẽ sử dụng các cơ sở được xây dựng này cho quân sự.

Một công ty đóng tàu ở tỉnh Hồ Bắc hôm Chủ nhật 26/11 tuyên bố sẽ bắt đầu xây dựng cơ sở điện hạt nhân hàng hải, được thiết kế để cung cấp điện cho các giàn khoan dầu khí ngoài khơi và hải đảo.

Theo công ty này, một liên doanh giữa Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Trung Quốc (CSIC), Viện Nghiên cứu CSIC 719 và Tập đoàn Đầu tư Vốn Nhà nước Hồ Bắc Hồng Thái (Hubei Hongtai) vào năm 2015, các cơ sở điện hạt nhân sẽ phục vụ như các nhà máy điện hạt nhân loại nhỏ. Báo Hồ Bắc Daily cho biết hiện nay thiết kế kỹ thuật đã được hoàn thành, và dự án đang chuyển sang giai đoạn xây dựng.

Báo Global Times cho biết các cơ sở này có hai phần - nổi và chìm, và phần nổi sẽ được hoàn thành trước năm 2020.

Phần nổi sẽ cung cấp năng lượng hạt nhân nhiều hơn, mặc dù bị ảnh hưởng nhiều bởi điều kiện thời tiết biển, chẳng hạn như gió và sóng, trong khi phần chìm sẽ ổn định hơn nhưng sản xuất ít điện năng hơn. - VOA

***
Chính sự hỗ trợ cả về mặt kinh tế lẫn ngoại giao của Trung Quốc đang thúc đẩy xu hướng toàn trị ở một số quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là tại Cam Bốt, nơi mà chính quyền Hun Sen đã triệt tiêu phe đối lập, bất chấp sự lên án của phương Tây.

Hôm nay, 29/11/2017, thủ tướng Hun Sen rời Cam Bốt sang Trung Quốc dự một cuộc họp thượng đỉnh từ ngày 30/11 đến ngày 03/12, do Đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức. Theo lời một cố vấn của thủ tướng Cam Bốt, nhân dịp này, ông Hun Sen sẽ hội kiến chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cũng như tiếp xúc với các nhà đầu tư Trung Quốc để bàn về viện trợ và đầu tư nhằm tạo thêm công ăn việc làm ở Cam Bốt.

Theo hãng tin Reuters, phát biểu với các phóng viên, ông Sry Thamrong, cố vấn của thủ tướng Hun Sen, cho biết là Cam Bốt cần xây thêm cầu trên sông Mekong, xây thêm đường xá, xe lửa, …. Hiện giờ, Trung Quốc đã là nhà tài trợ lớn nhất cho Cam Bốt và chính sự hỗ trợ của Bắc Kinh khiến ông Hun Sen có thể hành động bất chấp những chỉ trích của phe đối lập rằng lãnh đạo Cam Bốt đang phá hủy nền dân chủ ở xứ chùa tháp.

Hãng tin Reuters nhắc lại rằng, theo yêu cầu của chính phủ Phnom Penh, ngày 16/11 vừa qua, Tòa án Tối cao Cam Bốt đã ra lệnh giải thể Đảng Cứu nguy Dân tộc Cam Bốt, đảng đối lập chính ở nước này. Trước đó, lãnh đạo của đảng, ông Kem Sokha, đã bị bắt giữ vì bị cáo buộc có âm mưu lật đổ chính quyền với sự trợ giúp của Mỹ. Trước hành động này của chính phủ Pnhom Penh, Hoa Kỳ đã ngưng chương trình tài trợ cho bầu cử vào năm tới ở Cam Bốt và đã dọa sẽ thi hành các biện pháp trừng phạt khác.

Trong khi đó, cho tới nay, Trung Quốc vẫn ủng hộ chính sách đàn áp đối lập của chính quyền Hun Sen, một trong những đồng minh quan trọng nhất của Bắc Kinh trong khu vực. Tờ Nikkei Asian Review của Nhật Bản hôm nay đã dành một bài để nói về sự yểm trợ này của Trung Quốc đối với chính phủ Cam Bốt.

Tờ báo này nhắc lại rằng, ngoài việc bị giải thể và lãnh đạo đảng bị bắt giam, Đảng Cứu nguy Dân tộc còn bị còn bị mất  ghế ở Quốc Hội: 55 ghế của đảng này ( chiếm 44¨% tổng số ghế ) đã được chia cho các đảng nhỏ hơn, trong đó có 41 ghế được trao cho đảng hoàng gia mà trước đây không hề có ghế nào.

Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu đã lên án việc giải tán Đảng Cứu nguy Dân tộc là một hành động “phi dân chủ” và đã dọa thi hành các biện pháp trừng phạt chính quyền Phnom Penh. Nhưng thủ tướng Cam Bốt  đã không hề nao núng trước những lời đe dọa đó. Trong bài phát biểu với 5.000 công nhân ngành dệt may, ông Hun Sen đã thách Washington cắt đứt mọi viện trợ cho Cam Bốt.

Theo Nikkei Asian Review, chính sự hỗ trợ của Trung Quốc đã khiến lãnh đạo Cam Bốt dám thách thức Hoa Kỳ như thế. Việc chính quyền Phnom Penh dẹp bỏ phe đối lập chính là đi theo xu hướng toàn trị ở Đông Nam Á, hiện vẫn tiếp diễn bất chấp các chỉ trích của quốc tế. Phần lớn động lực của xu hướng này là do sự hỗ trợ về kinh tế và chính trị của Bắc Kinh.

Trong một thập niên qua, trao đổi mậu dịch giữa Trung Quốc với Cam Bốt đã tăng mỗi năm 26%. Trung Quốc hiện cũng là nhà đầu tư hàng đầu của Cam Bốt, bỏ rất nhiều vốn vào các ngành công nghiệp sản xuất hàng hóa, xây dựng, dệt may và năng lượng. Về du lịch, năm ngoái đã có đến 830 ngàn du khách Trung Quốc đến tham quan xứ chùa tháp, tăng đến 20% so với năm 2015.

Theo Nikkei Asian Review, mối quan hệ Cam Bốt - Trung Quốc  không chỉ quan trọng về mặt kinh tế, mà còn về mặt ngoại giao, chiến lược. Đặc biệt là Phnom Penh vẫn tích cực ủng hộ lập trường của Bắc Kinh trên vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông giữa Trung Quốc với các nước Việt Nam, Philippines, Indonesia.

Tình hình cũng tương tự như đối với Miến Điện, nơi mà các chiến dịch đàn áp thô bạo của quân đội đã khiến hàng trăm ngàn người thiểu số Hồi Giáo Rohingya phải chạy sang nước láng giềng Bangladesh lánh nạn. Mặc dù cộng đồng quốc tế chỉ trích ngày càng gay gắt, Bắc Kinh vẫn ủng hộ lập trường của chính quyền Naypyitaw rằng cuộc khủng hoảng này là chuyện nội bộ của Miến Điện.

Tuy vậy, Trung Quốc cũng cố tìm một giải pháp ngoại giao và đã tự đề nghị làm trung gian hòa giải trong cuộc khủng hoảng này. Vài ngày trước cuộc họp giữa các Ngoại trưởng Liên Hiệp Châu Âu và ASEAN tại Naypyitaw ( 20-21/11 ), Ngoại  trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đến Bangladesh thảo luận về vấn đề người tị nạn với thủ tướng Sheikh Hasina. Sau đó, ông Vương Nghị cũng đã gặp các quan chức Miến Điện, kể cả bà Aung San Suu Kyi.

Cùng với việc thúc đẩy quan hệ ngoại giao, Trung Quốc còn tăng cường quan hệ kinh tế với Miến Điện. Tháng 4 vừa qua, Trung Quốc đã khánh thành một đường ống dẫn dầu băng ngang qua Miến Điện đến vùng Ấn Độ Dương. Từ ngày 21 đến 26/11 vừa qua, tổng tham mưu trưởng quân đội Miến Điện Aung Hlaing cũng đã viếng thăm Trung Quốc để thắt chặt quan hệ hợp tác song phương.

Theo Nikkei Asian Review, giữ quan hệ tốt với Miến Điện, cửa ngỏ rất quan trọng dẫn ra Ấn Độ Dương, là một yếu tố chủ chốt trong sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” do lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đề xướng, nhằm xây dựng “Con đường Tơ lụa” thời hiện đại từ Trung Quốc sang châu Âu. Sự hỗ trợ của Bắc Kinh khiến chính quyền Naypyitaw cảm thấy yên tâm, vào lúc mà họ đang ngày càng bị cô lập trở lại trên trường quốc tế.

Bà Aung San Suu Kyi cũng dự trù sẽ viếng thăm Trung Quốc trong nay mai, cho thấy là dường như giới lãnh đạo Miến Điện đang rời xa phương Tây để quay nhiều hơn về phía một láng giềng vẫn rất “ thông cảm” với họ trong vấn đề người tị nạn.

Chính quyền quân sự Thái Lan cũng tỏ dấu hiệu nghiêng về phía Bắc Kinh. Quan hệ giữa Thái Lan với đồng minh truyền thống Hoa Kỳ đã trở nên nguội lạnh dưới thời tổng thống Barack Obama, vì chính quyền Obama vẫn thường xuyên chỉ trích các tướng lãnh cầm quyền. Tổng thống kế nhiệm Donald Trump thì cũng không mấy hài lòng với đồng minh Đông Nam Á này, vì thâm thủng mậu dịch giữa Hoa Kỳ với Thái Lan vẫn rất lớn.

Trong bài phát biểu tại thượng đỉnh APEC vừa qua ở Đà Nẳng, Việt Nam, tổng thống Trump đã nói rõ là Hoa Kỳ sẽ can dự nhiều hơn vào vùng mà ông gọi là “Ấn Độ-Thái Bình Dương”. Nhưng theo Nikkei Asian Review, một số chính phủ Đông Nam Á nay có vẻ không mấy “hào hứng” với đường lối của Washington, vốn vẫn thường quan ngại về vấn đề nhân quyền, mà “có cảm tình” nhiều hơn với cái chính sách cố hữu của Bắc Kinh là không can thiệp vào chuyện nội bộ của nhau. - RFI

4.
Núi lửa Bali phun tro cao 4 km

Ngọn núi lửa từng cướp đi sinh mạng của nhiều người tiếp tục ‘hoạt động’ trên đảo Bali, một trong những đảo nghỉ mát nổi tiếng của Indonesia.

Ngày 28/11, Núi Agung phun tro cao đến 4 km khiến hàng chục ngàn du khách bị kẹt lại sang ngày thứ hai. Phún thạch đang sôi sục trong miệng núi nhưng chưa biết một khi núi lửa phun trào mức độ tàn phá sẽ nặng nề mức nào và kéo dài bao lâu.

Nhà cầm quyền đã nâng mức báo động lên mức cao nhất, đồng thời yêu cầu 100.000 người rời khỏi khu vực trong vòng 10 km từ miệng núi lửa.
Lần gần đây nhất núi lửa này hoạt động mạnh là vào năm 1963, khiến khoảng 1.100 người thiệt mạng.

Các giới chức đóng cửa phi trường quốc tế Bali thêm 24 giờ nữa vì lo ngại là tro bụi núi lửa dày đặt trên toàn đảo có thể làm nghẹt động cơ máy phản lực.

Phát ngôn viên phi trường, ông Ari Ahsanurrohim, cho hay hơn 440 chuyến bay bị hủy trong ngày 28/11, ảnh hưởng gần 60.000 hành khách, tương tự như con số của hôm trước.

Các chuyên gia nói dự báo có thể xảy ra một vụ phun trào lớn hơn hoặc núi lửa Agung có thể kéo dài hoạt động ở mức độ hiện nay trong nhiều tuần lễ nữa.

Indonesia nằm trên “Vòng đai lửa” Thái Bình Dương và có hơn 120 núi lửa đang hoạt động. - VOA

5.
Tòa án tội phạm chiến tranh LHQ y án 6 bị can Bosnia và Croatia

Một tòa án về tội phạm chiến tranh LHQ hôm thứ Tư 29/11 đã giữ nguyên các cáo buộc đối với sáu cựu lãnh đạo chính trị và quân sự Bosnia và Croatia, những người vào năm 2013 bị kết án vi phạm tội ác chiến tranh trong những năm 1990.

Đây là quyết định cuối cùng của Toà án Hình sự Quốc tế đối với Nam Tư cũ, một tòa án do LHQ thành lập vào năm 1993. Tòa án dự kiến sẽ đóng cửa khi hết hạn nhiệm vụ vào cuối năm nay.

Cách đây bốn năm, những quan chức này đã bị kết tội khi tham gia vào chiến dịch "thanh trừng sắc tộc" chống lại người Hồi giáo Bosnia trong cuộc chiến Bosnia.

Trong số các quan chức này có cựu Bộ trưởng Quốc phòng Jadranko Prlic, người đã bị chính phủ Croatia dưới thời Tổng thống Franjo Tudjmano kết án vì đã tham gia vào một tập đoàn tội phạm để lập ra một nhà nước thuần túy sắc tộc.

Một số hình phạt đối với ông Prlic và các bị cáo khác đã bị đảo ngược trong một phiên phúc thẩm, nhưng thẩm phán chính nói rằng "tất cả sáu bị can vẫn bị kết án về nhiều tội danh và là tội rất nghiêm trọng."

Buổi xét xử đã bị đình chỉ sau khi một trong những bị can, cựu chỉ huy quân đội Slobodan Praljak, được cho là đã uống phải một chai nước có chất độc tại tòa. Khi uống chất này, ông Praljak hét lên: "Tôi không phải là một tội phạm chiến tranh," ngay sau khi tòa tuyên bản án 20 năm tù giam đối với ông.

Bản án ban đầu cho biết ông Tudjman giữ vai trò chủ chốt trong kế hoạch thành lập một tiểu nhà nước Croatia ở Bosnia. - VOA

6.
WHO: Thiếu tài trợ, thành quả toàn cầu chống Sốt rét có thể bị đảo ngược - - - Ở các nước nghèo, 11% thuốc men là ‘đồ giả’

Tổ chức Y tế Thế giới nói những tiến bộ đáng kể trong công tác phòng chống bệnh sốt rét đạt được trong những thập niên gần đây, có thể lâm nguy.

Trong phúc trình thường niên về cuộc đấu tranh toàn cầu chống bệnh sốt rét, Tổ chức Y tế Thế giới nói các ca sốt rét đang tăng tại nhiều quốc gia. Tổ chức Y tế Thế giới cho biết nhiều nước đang tiến gần tới mục tiêu diệt trừ được bệnh sốt rét, gồm có Madagascar, Senegal và Zimbabwe.

Tuy nhiên phúc trình công bố hôm thứ Tư 29/11 cảnh giác rằng tại nhiều nước khác, tiến bộ đã chậm lại. Các ca sốt rét tăng hơn 20% từ 2015 tới năm 2016 tại 8 nước châu Phi kể cả Rwanda, Nigeria, và Cộng hòa Dân chủ Congo.

Cùng lúc, mức tài trợ cho công tác phòng chống và chữa trị bệnh sốt rét đã dừng lại, chỉ đạt 2,7 tỉ USD trong năm 2016, ít hơn phân nửa ngân sách ước đạt trước năm 2020.

Giáo sư David Conway thuộc Trường Y Học Nhiệt đới và Y Tế Quốc tế ở London, nói:

“Tài trợ quốc tế đã dừng lại ở mức đó; rất có thể số tiền tài trợ bây giờ đã đạt mức tối đa của nó trên thực tế. Từ trước tới nay giả định vẫn là, các nước phải cam kết dành riêng một số ngân quỹ để tài trợ cho công tác kiềm chế bệnh sốt rét. Tôi nghĩ rằng bây giờ là cơ hội lớn để các nước dấn thân và nhận thức được giá trị của nỗ lực phòng chống bệnh sốt rét”,

Nói chung, châu Phi vẫn là lục địa phải vác gánh nặng lớn nhất do bệnh sốt rét gây ra, với khoảng 401,000 ca tử vong trong năm 2016, giảm đôi chút so với năm trước.

Ngoài cải thiện các phương pháp hiện hữu để phòng chống bệnh sốt rét, Tổ chức Y tế Thế giới kêu gọi phải khẩn cấp đầu tư vào các công cụ mới.
Giáo sư Conway:

“Từ rất lâu người ta đã thừa nhận rằng một vắc-xin để ngăn ngừa bệnh sốt rét có triển vọng thay đổi tình thế. Thế cho nên, cần nghiên cứu thêm để phát triển một loại vắc-xin hữu hiệu có khả năng bảo vệ các cộng đồng dân cư mà hiện giờ đang có tỷ lệ mắc bệnh sốt rét cao, và có thể, không sử dụng những phương pháp can thiệp hiện có, ngay cả khi chúng được tài trợ trở lại.”

Nhiều loại vắc-xin đang được phát triển. Tổ chức Y tế Thế giới dự định tổ chức một cuộc thử nghiệm cho vắc-xin RTS, S, khởi sự vào năm tới tại Kenya, Ghana và Malawi.

Tuy nhiên phúc trình mới nhất khuyến cáo rằng thế giới đang đứng trước một ngã ba đường. Không được tài trợ tốt hơn và không ra mắt những công cụ cần thiết mới để đói phó với bệnh sốt rét, thì những tiến bộ đã đạt được trong những thập niên gần đây có thể bị lật ngược. - VOA

***
Khoảng 11% thuốc chữa bệnh tại các quốc gia đang phát triển là thuốc giả và có thể là nguyên nhân gây tử vong cho hàng chục ngàn trẻ em mắc các chứng bệnh như sốt rét hay sưng phổi mỗi năm, Tổ chức Y tế Thế giới WHO ngày 28/11 cho biết.

Đây là nỗ lực lần đầu tiên của cơ quan y tế Liên hiệp quốc để đánh giá vấn đề này. Các chuyên gia duyệt xét 100 cuộc nghiên cứu liên hệ đến 48.000 thuốc chữa bệnh. Trong số các loại thuốc giả, thuốc chữa trị sốt rét và nhiễm trùng chiếm gần 65%.

Tổng giám đốc WHO nói vấn đề này ảnh hưởng hầu hết các nước nghèo. Có khoảng từ 72.000 đến 169.000 trẻ em chết vì sưng phổi mỗi năm sau khi được điều trị bằng thuốc giả. Thuốc giả cũng có thể là nguyên nhân gây tử vong thêm 116.000 ca mắc bệnh sốt rét, hầu hết tại tiểu vùng-Sahara châu Phi, theo các nhà khoa học thuộc Trường đại học Edinburgh và Trường Vệ sinh và Thuốc Nhiệt đới London.

Thuốc giả bao gồm những sản phẩm chưa được các nhà ban hành qui định chấp thuận, không đạt tiêu chuẩn chất lượng hay cố ý ghi sai các thành phần trong thuốc, theo hai phúc trình của Tổ chức Y tế Thế giới.

WHO nói những trường hợp thuốc giả được phát hiện chỉ là “một phần nhỏ” và vô số trường hợp có thể đã không được báo cáo. WHO ước tính các nước tiêu tốn khoảng 30 tỷ đô la cho thuốc giả. - VOA

7.
Hoàng tử Saudi dàn xếp trả 1 tỉ đôla để được trả tự do

Một quan chức Ả-rập Sau-đi hôm thứ Tư 29/11 cho hay hoàng tử Miteb bin Abdullah đã được trả tự do sau khi đồng ý trả hơn 1 tỷ đôla để giải quyết vụ cáo buộc ông về tội tham nhũng, theo hãng tin Reuters.

Hoàng tử Miteb, 65 tuổi, con trai của vua Abdullah và là cựu lãnh đạo của lực lượng Cảnh sát Quốc gia ưu tú, nằm trong số hàng chục thành viên hoàng gia, các quan chức cao cấp và các doanh nhân hàng đầu bị bắt vào tháng này trong chiến dịch củng cố quyền lực của Hoàng tử Mohammed bin Salman.

Một quan chức chính phủ yêu cầu không nêu tên, nói rằng ông Miteb đã được thả vào thứ Ba 28/11 sau khi đạt được thỏa thuận “dàn xếp.” Viên chức này nói rằng số tiền dàn xếp được thỏa thuận tương đương với hơn 1 tỷ đôla.

Theo quan chức này, Hoàng tử Miteb đã bị buộc tội tham ô, thuê mướn nhân viên và trao hợp đồng cho các công ty riêng của mình, bao gồm thỏa thuận mua bán máy điện đàm và thiết bị quân sự chống đạn.

Hoàng tử Miteb là nhân vật cao cấp đầu tiên được biết đến trong số những người bị giam giữ. Nhà chức trách cho biết hồi đầu tháng có khoảng 200 người đã bị thẩm vấn trong cuộc đàn áp này. - VOA

8.
Thượng viện Úc thông qua luật hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính

Australia tiến thêm một bước nữa hướng tới việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính.

Chỉ hai tuần lễ sau khi dân Úc tán thành hôn nhân đồng tính với đa số áp đảo trong một cuộc thăm dò bằng phiếu viết tay, Thượng viện Úc hôm 29/11 đã hành động để thỏa mãn nguyện vọng đó. Dự luật cho phép hôn nhân đồng tính được thông qua dễ dàng tại Thượng viện với 43 phiếu thuận,12 phiếu chống.

Dự luật này được thông qua sau khi các nhà lập pháp bác bỏ những sửa đổi của phe bảo thủ, mà nếu được áp dụng, sẽ cho phép nhiều người viện niềm tin tôn giáo để từ chối cung cấp dịch vụ chuyên môn cho các cặp đôi đồng giới, kể cả chủ lễ có giấy phép ký giấy hôn thú, cũng như những người bán hàng hay bán hoa.

Thượng nghị sĩ Penny Wong, người công khai đồng giới tính, phát biểu trước cuộc biểu quyết:

“Hành động của chúng ta, một phần là hành động nói lên sự chấp nhận, mời gọi sự tham gia của đủ mọi thành phần, hành động nói lên lòng tôn trọng người khác, và một hành động để ăn mừng.”

Thượng nghị sĩ Wong nói luật này là một tín hiệu gửi đến các cộng đồng đồng tính và chuyển giới ở Úc rằng “đất nước này chấp nhận các bạn vì các bạn là các bạn. Tình yêu của bạn không vì thế mà giảm thiểu, và cá nhân các bạn cũng thế.”

Dự luật sẽ được chuyển sang Hạ viện vào tuần tới, và dự kiến cũng sẽ được thông qua dễ dàng tại đây. Thủ Tướng Australia Malcolm Turnbull, thuộc phe bảo thủ, đã cam kết sẽ chuẩn y dự luật hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính trước Lễ Giáng Sinh 2017. - VOA

9.
Mỹ hứa hỗ trợ châu Âu trước “sự tấn công” của Nga

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hôm qua 28/11/2017 tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ nhằm đối phó với « sự hung hãn » của Nga trước các nước láng giềng. Đồng thời ông cũng yêu cầu các nước châu Âu phải nỗ lực hơn trong việc bảo vệ an ninh của chính mình.

Ngoại trưởng Tillerson tuần tới sẽ dự các hội nghị của NATO ở Bruxelles và của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) tại Vienna. Phát biểu trước chuyến công du, ông Rex Tillerson xác định : « Cũng như các bạn bè châu Âu, chúng tôi nhìn nhận là mối đe dọa từ Nga lại trỗi dậy ».

Cũng như hồi đầu năm nay, một lần nữa ông khẳng định cam kết « không thể lay chuyển » của Hoa Kỳ trong việc bảo đảm an ninh cho các đồng minh châu Âu và NATO. Song song đó, ngoại trưởng Mỹ cũng kêu gọi các quốc gia châu Âu tăng chi quốc phòng lên mức 2% GDB. - RFI

10.
Thượng đỉnh Âu-Phi khai mạc với trọng tâm là thảm nạn di dân - - - Macron muốn đổi mới quan hệ Pháp-Phi

Trong hai ngày 29 và 30/11/2017, thủ đô Abidjan của Côte d’Ivoire (Bờ biển ngà) đón tiếp thượng đỉnh quy tụ 28 nước Liên Hiệp Châu Âu và 55 quốc gia châu Phi, cùng với Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế khác. Thảm nạn người dân châu Phi trên đường vượt biên bị chính người châu Phi lợi dụng buôn bán như nô lệ ở Libyia làm cho vấn đề di dân trở thành điểm nóng tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ 5 này.
 

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, hiện đang công du châu Phi, tuyên bố là sẽ đề nghị một sáng kiến Âu-Phi để « tấn công các tổ chức và đường dây buôn người và tội ác chống nhân loại ».

Tây Âu không tránh được trách nhiệm đối với châu lục thuộc địa cũ, nơi mà giới trẻ, với 720 triệu dân dưới 25 tuổi, thiếu đường tiến thân.

Từ Bruxelles, thông tín viên Quentin Dickinson phân tích :

" Trong số 28 nước Liên Hiệp Châu Âu, giống như Pháp, Bồ Đào nha hay Anh Quốc, Bỉ là một trong số vài quốc gia châu Âu từng có thuộc địa trong vùng phía nam Sahara của châu Phi. Bởi vậy mà các chính phủ Bỉ nối tiếp nhau vẫn luôn coi mình phải có nghĩa vụ, ít ra là về tinh thần, đối với Congo Kinshasa. Nhất là tình hình vẫn hỗn loạn từ khi trao trả độc lập cho quốc gia này năm 1960.

Từ đó đến nay, mối quan hệ giữa Bỉ và Congo vẫn không rõ ràng, luôn có những ngờ vực lẫn nhau. Một bộ phận không ít chính giới tại Bruxelles vẫn không ngớt chỉ trích những lãnh đạo nối tiếp nhau của Congo, dù đó là Mobutu hay Kabila. Dẫu sao thì Bruxelles vẫn hậu thuẫn cho chế độ hiện nay ở Congo để đối phó với phe đối lập.

Trong một trừng mực nhất định, người Bỉ duy trì các cuộc tiếp xúc với Congo tương tự như với Rwanda hay Burundi, những nước trước kia từng nằm dưới sự bảo trợ quốc tế. Song song đó, Bỉ là nước tích cực thúc đẩy các hợp tác giữa EU và châu Phi và tham gia tích cực vào các chiến dịch của châu Âu và Liên Hiệp Quốc trong việc duy trì hay vãn hồi hòa bình ở châu Phi. - RFI

***
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron công du châu Phi và dự thượng đỉnh Âu-Phi lần thứ 5. Đây là chủ đề chính được nhiều báo Pháp đưa lên trang nhất.

La Croix chạy tựa : « Macron tại châu Phi, đánh cược vào giới trẻ ». Trong khi đó, trang nhất của Liberation đề cập đến « Màn trình diễn của Macron tại châu Phi » và nêu ra « Sáu chủ đề ưu tiên đối với điện Elysée » nhân chuyến công du châu Phi của tổng thống Macron.

Trước hết là vấn đề giáo dục. Tổng thống Macron cho rằng nước Pháp chưa có một chính sách thể hiện mạnh mẽ tình đoàn kết với châu Phi trong lĩnh vực giáo dục. Do vậy, ông đề nghị gia tăng quan hệ đối tác giữa các trường đại học Pháp và châu Phi, lập một dạng thị thực nhập cảnh dành cho các tài năng châu Phi, cho phép hàng ngàn sinh viên châu Phi tới Pháp theo học.

Ưu tiên thứ hai là vấn đề dân số. Không ngần ngại đụng chạm đến chủ đề nhậy cảm, tổng thống Pháp khẳng định lại rằng không thể phát triển nếu tỷ lệ tăng dân số cao hơn tỷ lệ tăng trưởng kinh tế.

Vấn đề thứ ba là đấu tranh chống tệ nạn buôn người. Nhân hội nghị thượng đỉnh Âu-Phi, nguyên thủ Pháp sẽ đưa ra sáng kiến chống lại chiến lược của những kẻ buôn người và tấn công vào các tổ chức tội phạm.

Ưu tiên thứ tư là chống khủng bố. Tuy vậy, trong bài diễn văn tại đại học Ouagadougou, tổng thống Pháp lại tập trung nói đến cuộc đấu tranh chống « chính sách ngu dân » mà ông cho là còn đáng gờm hơn là khủng bố. Đồng thời, ông cũng khẳng định lại sự ủng hộ đối với quân đội Pháp hiện diện tại châu Phi trong cuộc chiến chống khủng bố.

Chủ đề thứ năm liên quan đến kinh tế, đặc biệt là đồng CFA (Cộng đồng tài chính châu Phi), một trong những đồng tiền cuối cùng còn sót lại từ thời thực dân vẫn lưu hành và liên quan đến cuộc sống của 155 triệu người dân châu Phi. Chưa bao giờ, một nguyên thủ Pháp lại bày tỏ thái độ rõ ràng như vậy về tương lai đồng tiền CFA : đây không phải là chủ đề thời sự tại Pháp, thậm chí, ông ủng hộ việc đổi tên đồng tiền này và mọi cải cách tùy thuộc vào quyết tâm chính trị của giới lãnh đạo khu vực đồng CFA.

Sau cùng, nguyên thủ Pháp thông báo 2020 là năm của « mùa văn hóa châu Phi » tại Pháp. Đồng thời, ông cũng mong muốn là trong vòng 5 năm tới, sẽ hội tụ đầy đủ các điều kiện cho phép hoàn trả tạm thời hoặc trao trả hẳn các di sản văn hóa của châu Phi hiện nằm trong các bảo tàng của châu Âu.

Trang nhất của Le Figaro đưa tin : « Macron muốn châu Âu dấn thân nhiều hơn tại châu Phi ». Trong buổi nói chuyện với sinh viên đại học Ouagadougou, Burkina Faso, hôm qua, nguyên thủ Pháp đề xuất một tầm nhìn đổi mới về quan hệ giữa Pháp và châu Phi, quan hệ đối tác mới cởi mở với châu Âu, chú trọng tới giới trẻ.

Trong bài xã luận « Âu-Phi », Le Figaro cho rằng tại đại học Ouagadougou, ông Macron đã có một bài phát biểu thành công, thẳng thắn và đổi mới, đồng thời, nguyên thủ Pháp cũng nói rõ : ông tới đây không phải để đưa ra hay nhận các bài học, thời kỳ thực dân gây ra các tội ác nhưng cũng làm được nhiều việc lớn. Truyền thống văn hóa của châu Phi là tôn trọng các thế hệ tiền bối nhưng giới lãnh đạo trẻ cũng phải được lắng nghe, cần phải nói chuyện với giới trẻ. Ông khẳng định với các sinh viên châu Phi : Các bạn và tôi, chúng ta hiểu nhau.

Theo Le Figaro, tổng thống Pháp chỉ trích những ai muốn tiếp tục làm chính trị như trước. Phải đẩy lùi quá khứ và chính sách Pháp-Phi theo kiểu thực dân, coi châu lục này là sân sau của Pháp không tồn tại nữa và người châu Phi phải tự nắm vận mệnh của mình.

Đối với Macron, châu Phi là nơi va chạm tất cả các thách thức đương đại, đặc biệt là khủng bố và nạn di dân và thách thức này liên quan đến tất cả mọi người. Dường như nguyên thủ Pháp tỏ ra khó chịu về sự nhút nhát, ngần ngại của châu Âu tại châu Phi. Nước Pháp không muốn một mình đi tiên phong, đương đầu với các thách thức ở châu Phi nữa. Ông Macron muốn nước Pháp dấn thân, đảm trách vai trò phối hợp, làm trung gian giữa hai châu lục. Phải chấm dứt chính sách Pháp-Phi cổ hủ, đã đến lúc phát huy quan hệ Âu-Phi.

Thế nhưng theo Le Figaro, ông Macron sẽ phải rất nỗ lực thì mới có thể lay chuyển được các thói quen. Đó là thói quen của châu Âu vốn luôn luôn ẩn nấp sau Pháp trong các vấn đề châu Phi. Mặt khác, có hai lĩnh vực vẫn ngự trị trong quan hệ Pháp-Phi là kinh tế và quân sự. Về kinh tế, khó có thể xóa bỏ một số lô-gích và mạng lưới lợi ích. Về quân sự, thì các quyết định tùy thuộc vào thực tế tình hình. - RFI

11.
Chiến đấu cơ Nga quấy rối phi cơ trinh sát Mỹ ở Hắc Hải

Một phi cơ trinh sát của hải quân Mỹ vừa có cuộc gặp gỡ coi là “không an toàn” với một chiến đấu cơ Nga khi bay qua không phận Hắc Hải (Black Sea) hôm Thứ Bảy, theo Ngũ Giác Đài.

Hãng thông tấn UPI cho hay, chiếc chiến đấu cơ loại Su-30 của Nga tăng tốc khi bay vọt ra trước mặt của chiếc phi cơ trinh sát loại P-8 Poseidon của Hải Quân Mỹ, theo lời nữ phát ngôn viên Ngũ Giác Đài, Trung Tá Michelle Baldanza, cho đài CNN hay.

Chiếc chiến đấu cơ Nga bay đến cách phi cơ Mỹ chỉ khoảng 50 feet (chừng 15 thước) rồi bất ngờ tăng vận tốc vọt qua mặt, từ phải sang trái, trước đầu phi cơ Mỹ.

“Chiếc phi cơ Mỹ đang hoạt động trong không phận quốc tế và không làm điều gì khiêu khích để phía Nga có hành động này,” theo lời Trung Tá Baldanza.

Trung Tá Baldanza nói hành động của chiếc chiến đấu cơ được coi là không an toàn vì khiến phi cơ Hải Quân Mỹ bị ảnh hưởng bởi sức đẩy từ động cơ phản lực, làm phi cơ này nghiêng 15 độ và bị rung lắc mạnh.

“Các hành động không an toàn có thể gây ra các nguy hiểm trầm trọng và thương tích cho cả hai phi hành đoàn,” phát ngôn viên cho hay.

Lần sau cùng có cuộc gặp gỡ “không an toàn” tương tự giữa phi cơ Mỹ và Nga là hồi Tháng Sáu, khi một chiếc Sukhoi Su-27 của Nga bay chỉ cách chiếc phi cơ trinh sát loại RC-135 của Không Quân Mỹ chỉ có 5 feet. - nguoiviet

Tin Hoa Kỳ
12.
Chính quyền Trump được lệnh hoãn trục xuất di dân Indonesia

Một thẩm phán liên bang ngày 27/11 ra lệnh cho các giới chức di trú Mỹ hoãn công tác trục xuất 51 người Indonesia sống bất hợp pháp tại New Hampshire để nhóm người này có thời gian chứng minh là sẽ gặp nguy hiểm nếu bị hồi hương.

Phán quyết ảnh hưởng đến một nhóm người Indonesia theo Cơ Đốc giáo trốn thoát bạo động tại nước này cách đây hai thập niên và đã công khai sống tại New England theo một thỏa thuận không chính thức. Các giới chức thuộc Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan ICE vào tháng 8 vừa qua ra lệnh cho họ chuẩn bị rời khỏi nước Mỹ trong vòng hai tháng.

Hầu hết những thành viên của nhóm, chịu sự chi phối của thỏa thuận năm 2010 với ICE, đã vào nước Mỹ hợp pháp nhưng visa quá hạn và không đệ đơn xin tị nạn chính trị đúng thời hạn.

Trong những cuộc phỏng vấn với Reuters, các thành viên của nhóm cho biết là họ lo sợ sẽ bị đàn áp hay bạo hành vì niềm tin Cơ Đốc và vì gốc là người Hoa, trong trường hợp bị trả về quốc gia có đa số theo Hồi Giáo lớn nhất thế giới.

Luật liên bang cho phép cơ quan hành pháp Mỹ giải quyết các vấn đề di dân, chứ không phải Tòa án. Tuy nhiên, thẩm phán liên bang Patti Saris tại Boston nói bà có quyền đảm bảo cho những người Indonesia này cơ hội chứng minh là những điều kiện tại quê hương đã sa sút tệ hại để mở lại hồ sơ xin lưu trú ở Mỹ.

Các giới chức ICE nói trong đơn gởi lên Tòa án liên bang là họ sẽ kháng cáo một phán quyết trước đây của bà Saris yêu cầu cơ quan này hoãn trục xuất những người Indonesia.

Người Indonesia là một phần của cộng đồng sắc tộc khoảng 2.000 người quây quần chung quanh thành phố Dover, New Hampshire. Trường hợp của họ được sự ủng hộ của các thành viên Quốc hội thuộc đảng Dân chủ trong đó có Thượng nghị sĩ Jeanne Shaheen và Thống đốc Cộng hòa Chris Sununu. - VOA

13.
Người dẫn chương trình hàng đầu của NBC bị sa thải về cáo buộc tình dục

Đài truyền hình NBC vừa sa thải Matt Lauer, người dẫn chương trình tin tức hàng đầu của mạng lưới truyền thông này, sau khi nhận thư khiếu nại miêu tả chi tiết cách hành xử sai trái của ông về tình dục.

Chủ tịch chương trình tin tức của NBC Andy Lack nói trong một thông báo:
“Đêm thứ Hai 27/11, chúng tôi nhận được thư khiếu nại của một đồng nghiệp về những hành vi tình dục không phù hợp của Matt Lauer tại nơi làm việc. Thư này, sau khi xem xét nghiêm túc, tượng trưng cho một sự vi phạm rõ rệt các chuẩn mực của công ty chúng tôi. Vì lý do đó, chúng tôi đã quyết định cho ông thôi việc.”

Ông Lack nói thêm rằng mặc dù đây là thư khiếu nại đầu tiên chống lại ông Matt Lauer, người dẫn chương trình tin tức buổi sáng “Today show”, nhưng trong hơn 20 năm ông Lauer cộng tác với NBC, công ty có lý do để tin rằng đây không phải là sự cố riêng rẽ duy nhất.

“Chúng tôi lấy làm đau buồn về diễn tiến này. Nhưng chúng tôi sẽ cùng nhau đối mặt với tình huống đó trong tư cách là một tổ chức truyền thông – và chúng tôi sẽ làm theo cách minh bạch nhất có thể”, ông Lack nói.

Ông Lack trước đây là Giám Đốc điều hành của BBG - Hội đồng Quản trị Phát thanh và Truyền hình Hoa Kỳ, cơ quan chủ quản của Đài VOA.

Và như vậy, Matt Lauer trở thành nhân vật Mỹ nổi tiếng mới nhất phải đối mặt với những cáo buộc về hành vi lạm dụng tình dục đã phạm trong một thời gian dài. Trong danh sách này có Tổng thống Donald Trump, cựu Tổng thống Bill Clinton thời ông còn tại chức trong những năm 1990, tài tử Bill Cosby, nhà phát hành phim Harvey Weinstein, và nhiều ký giả cũng như giám đốc công ty khác. Khoảng 16 phụ nữ từng tố cáo ông Trump về các hành vi sách nhiễu tình dục, hoặc tệ hơn.

Ông Trump gọi những cáo buộc đó là “tin giả” trên mạng twitter, và các tuyên bố khác.

Bình luận về vụ Lauer bị sa thải hôm thứ Tư, Tổng thống Trump viết trên twitter: “Wow, Matt Lauer vừa bị NBC sa thải vì “hành vi tình dục không phù hợp tại nơi làm việc”. Nhưng biết đến bao giờ thì những nhà điều hành hàng đầu tại NBC & Comcast mới bị sa thải vì đã tung ra biết bao nhiêu là Tin Giả? Hãy xét lại quá khứ của Andy Lack!”

Một người phát ngôn của chương trình tin tức đài NBC không tức thời phản ứng khi được hỏi về bình luận của ông Trump trên trang twitter. - VOA

14.
Tổng Thống Mỹ thảo luận với Chủ Tịch Trung Quốc về tình hình Triều Tiên

Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump đã gọi điện thoại nói chuyện với Chủ Tịch Nhà Nước Trung Quốc Tập Cận Bình, để cùng bàn thảo về tình hình an ninh bán đảo Triều Tiên và việc Bắc Hàn mới phóng thử thành công tên lửa đạn đạo có tầm hoạt động xa nhất và mạnh nhất.

Tin từ Nhà Trắng cho hay trong cuộc thảo luận, Tổng Thống Trump kêu gọi Trung Quốc nỗ lực hơn nữa, sử dụng tất cả mọi thế lực đang có đối với Bắc Hàn, để buộc Bình Nhưỡng phải đình chỉ tức khắc chương trình võ khí hạt nhân, không tiếp tục có những hành động gây bất ổn.

Trước đó, Tổng Thống Hoa Kỳ đã nói chuyện với Thủ tướng Shinzo Abe của Nhật Bản và Tổng Thống Moon Jea-In của Nam Hàn. Vẫn theo Nhà Trắng, cả 3 nhà lãnh đạo cũng nhắc lại lời cam kết sẽ cùng hợp tác để chống lại mọi nguy cơ đến từ Bắc Hàn. - RFA

Tin Việt Nam
15.
GS Lân Dũng: Hồ Chí Minh từng đề nghị thay đổi chữ viết

Cuộc tranh luận có nên thay đổi chữ viết hay không nổ ra sau khi một vị giáo sư ngôn ngữ học đưa ra đề xuất cải tiến bảng chữ cái hiện tại của tiếng Việt.

Lý do cần phải cải tiến chữ viết tiếng Việt, theo TS Bùi Hiền, là vì qua gần 1 thế kỷ đến nay chữ quốc ngữ đã bộc lộ nhiều bất hợp lý nên phải thay đổi để giản tiện, dễ nhớ, dễ sử dụng và tiết kiệm thời gian.

Ngoài một số người ủng hộ, trong đó có á hậu Vũ Hoàng My, nhiều người lại ‘ném đá’ đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt mà TS Bùi Hiền, nguyên hiệu phó trường ĐHSP Ngoại Ngữ Hà Nội, đưa ra trong cuốn sách dày 2.200 trang “Ngôn ngữ ở Việt Nam – Hội nhập và phát triển.”

Những người ‘ném đá,’ gồm cả những người thường và các giáo sư tiến sỹ, cho rằng sự cải tiến này xa rời thực tiễn, không có khả năng áp dụng.
Giáo sư Lân Dũng, hiện đang giảng dạy tại Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng nếu áp dụng thì “cả nước phải đi học lại là không hợp lý.”

"(GS Bùi Hiền) vạch ra những chỗ không hợp lý trong tiếng Việt nhưng anh ta quên rằng tiếng nước nào cũng có những chỗ không hợp lý. Nhưng sửa đổi những chỗ không hợp lý đó là không thực tế. Không thể nào bắt cả nước này đi học lại. Không thể nào mà in lại tất cả các tài liệu từ trước đến nay được. Vì vậy cho nên là không hợp lý."

Công trình nghiên cứu 20 năm của Phó giáo sư-Tiến sỹ Bùi Hiền đưa ra trong bối cảnh người dân đã ‘quá nhạy cảm’ với những cải cách của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Giống như những dự án xa rời thực tế của Bộ Giáo dục và Đào tạo được đưa ra gần đây gây tốn kém nhiều tỷ đồng mà lại không hiệu quả, nhiều người lo ngại rằng để thực hiện việc cải tiến chữ viết phải đầu tư thêm kinh phí lấy từ tiền đóng thuế trong dân. Cuộc cải cách chương trình dạy học và sách giáo khoa gần đây nhất đã gây nhiều rắc rối với hậu quả là trẻ em ngày càng viết chữ xấu và sai chính tả, theo nhận định của Facebooker có tên Nguyen Tan Hao.

Trong con mắt của một người làm chuyên môn, TS Nguyễn Ngọc Bình của khoa ngôn ngữ học trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn cho rằng đề xuất cải tiến của TS Bùi Hiền không phải là một “giải pháp hoàn thiện” nên nếu được áp dụng có thể làm “phát triển thụt lùi.”

Theo đề xuất mới, bộ chữ cái tiếng Việt chỉ còn 31 ký tự thay cho 38 ký tự như hiện nay. Trong ví dụ về chữ viết hiện tại và chữ viết cải tiến theo đề xuất này, “giáo dục” sẽ được viết thành “záo zụk.”

Việc đơn giản hóa chữ viết theo giọng phát âm chuẩn Hà Nội trong đề xuất mới là một “điều dở,” theo TS Bình. Một lập luận trong nghiên cứu của TS Hiền là làm cho các vùng miền đều phát âm như nhau nhưng TS Bình cho rằng điều này sẽ làm mất đi sự đa dạng và tước bỏ những yếu tố văn hóa, lịch sử trong ngôn ngữ tiếng Việt.

Nhưng TS Bùi Hiền không phải là người đầu tiên đề xuất cải tiến chữ viết.
Theo TS Bình, trước đây nhiều nhà nghiên cứu của viện ngôn ngữ học, trong đó người đầu tiên là giáo sư Hoàng Phê, và nhiều những ý kiến riêng lẻ từ những năm 1960 đã đưa ra đề xuất thay đổi cách viết chữ cái tiếng Việt được nhà truyền giáo người Pháp Alexandre de Rhodes phát minh ra vào thế kỷ 17.

Theo GS Lân Dũng, cố chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng muốn thay đổi chữ cái tiếng Việt. Ông lấy ví dụ rằng ông Hồ đề nghị đổi ‘gi’ thành chữ ‘z’
"Mọi người thấy Bác cũng có lý vì người ta không phân biệt được ‘gi’. Nhưng không có lý ở chỗ là có nơi phân biệt được mà nói tất cả đều không phân biệt được. Và Bác rất kiên trì. Trong các tài liệu Bác đều viết thành ‘z’ hết."

Nhận định về cách sử dụng chữ viết của ông Hồ, TS Bình nói cố chủ tịch từng viết ‘k’ thay cho ‘c’ trong cuốn “Đường kách mệnh” (Đường cách mạng) và dùng ‘z’ thay cho ‘d’ và ‘gi.’ Vị tiến sỹ của Đại học KHXHNV cho biết dù Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng chữ viết theo cách riêng của mình nhưng điều này không làm thay đổi chữ cái tiếng Việt.

Trong khi cuộc tranh luận về việc cải tiến hay không theo đề xuất của TS Hiền thì một phần mềm ứng dụng trên mạng xã hội đã lan truyền nhanh chóng trong đó cho phép người dùng đổi tên mình theo bộ tiếng Việt mới đề xuất. Một người có tên “Nguyễn Trung Dũng” sẽ có tên mới là “Quye4n Cuq Zũq.” - VOA

16.
New Zealand tìm thấy 3 thuyền viên Việt cùng 1 xác chết trên tàu Hàn Quốc

Một nhóm 3 thuyền viên Việt Nam mất tích cùng với 1 xác chết trên chiếc tàu đánh cá Hàn Quốc neo tại Vịnh Bluff vừa được giới hữu trách New Zealand tìm thấy vào sáng 29/11.

Trung sĩ, thám tử Dave Kennelly cho biết sau tin báo của người dân địa phương, cảnh sát đã tìm thấy các thuyền viên Việt vào khoảng 5 giờ sáng ở vùng ngoại ô phía nam Invercargill trong tình trạng sức khỏe ổn, theo New Zealand Herald.

“Họ đang bị tạm giam theo khoản 313 Đạo luật Di trú và sẽ được nhân viên Sở Di trú New Zealand thẩm vấn trước khi đưa ra bất kỳ quyết định trục xuất hay hành động nào khác”, Trợ lý Giám đốc Sở Di trú New Zealand, Peter Devoy, cho biết và xác nhận tình trạng cư trú bất hợp pháp của 3 thuyền viên Việt tại New Zealand.

Khoản 313 Đạo luật Di trú New Zealand cho phép giam giữ người tối đa 96 giờ mà không cần có lệnh bắt.

Cảnh sát New Zealand cho hay nhóm thuyền viên trên đã rời khỏi tàu đánh cá Hàn Quốc, Southern Ocean, vào tối thứ Hai (27/11). Chiếc tàu này sau đó đã bỏ lại nhóm thuyền viên và khởi hành khỏi New Zealand vào chiều hôm sau, bất chấp việc giới hữu trách đang tìm kiếm họ.

Khi cập cảng New Zealand vào chiều thứ Hai, trên tàu cá Hàn Quốc đã có một thuyền viên chết và một thuyền viên khác bị thương.

Trung sĩ Kennelly cho biết người chết là một công dân Trung Quốc, qua đời vào ngày 20/11, sau một tai nạn xảy ra trong lúc làm việc trên tàu.

“Sự việc này xảy ra trên tàu Southern Ocean, trong vùng biển quốc tế, nhưng New Zealand là quốc gia gần nhất nên chúng tôi có nghĩa vụ điều tra”, Stuff National dẫn lời Trung sĩ Kennelly cho biết thêm.

Vẫn theo lời giới chức New Zealand, thuyền viên bị thương trên tàu chỉ bị thương nhẹ và đang được điều trị y tế. Trợ lý Giám đốc Di trí Devoy cho biết thêm rằng thành viên này đã được cấp thị thực trong hai tuần lễ cho việc điều trị.

Tin cho hay 5 thành viên trên đã bị hất văng khỏi tàu trong khi gỡ đá ra khỏi một ống khói. Ba người Việt Nam không hề hấn gì, trong khi thành viên Trung Quốc thiệt mạng và 1 người khác bị thương.

Cảnh sát New Zealand không đưa ra kết luận về nguyên nhân cái chết của thuyền viên Trung Quốc cho tới khi có kết quả cuộc khám nghiệm tử thi, dự định tiến hành vào cuối tuần này.

Chủ tịch Hội đồng Cộng đồng Vịnh Bluff, Raymond Fife, được Stuff National dẫn lời nói mặc dù khá hiếm, nhưng đôi khi cũng có vụ thuyền viên tàu cá quốc tế nhảy tàu tại đây.

Ông nói: “Họ chưa bao giờ gây nguy hiểm cho cộng đồng địa phương, sự thực là ngược lại, và cộng đồng cũng giúp đỡ cho đến khi họ có thể hồi hương”.

Ông Fife là một người giám sát về vấn đề lợi ích của thuyền viên, nói tiếp: “Cho dù là do điều kiện ở trên tàu, hoặc họ bị bắt nạt, đôi lúc họ không muốn đi tiếp nữa”.

Điều kiện trên nhiều tàu đánh cá quốc tế “hoàn toàn như địa ngục ở bên dưới boong tàu, nơi các thuyền viên sống”, ông Fife nói, nên nhiều thuyền viên rơi vào tình trạng tuyệt vọng vì không có lựa chọn khác. - VOA

17.
Kinh tế Việt Nam có dấu hiệu khởi sắc?

Hệ thống ngân hàng sạch hơn về nợ xấu, cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước đang diễn ra mạnh mẽ, sự tham gia và chuỗi sản xuất điện thoại thông minh trong bối cảnh tình hình kinh tế toàn cầu đang tốt hơn là những yếu tố đang giúp cho kinh tế Việt Nam khởi sắc mà dấu hiệu là thị trường chứng khoán Việt Nam có tăng trưởng đột biến, một bài báo của hãng tin Bloomberg nhận định.

Trong bài báo có tựa đề “(Nền kinh tế) Việt Nam không còn là con cá bé nữa”, tác giả Andy Mukherjee, cây bút bình luận về kinh tế-tài chính của Bloomberg, lưu ý rằng chỉ mới bốn năm trước, thị trường chứng khoán Thành phố HCM có khối lượng giao dịch trị giá 50 triệu đô la Mỹ một ngày trong khi thị trường chứng khoán ở Manila có quy mô gấp năm lần. Đến năm nay, Việt Nam được dự đoán sẽ vượt qua Philippines.

Lý do thứ nhất, nền kinh tế Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể. Hệ thống ngân hàng vốn chìm đắm trong tỷ lệ nợ xấu cao nhất vùng Đông Nam Á hồi năm 2012, hiện nay đã “sạch hơn rất nhiều” và “đang tăng trưởng nhanh chóng trở lại”. Một ví dụ là Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn-Hà Nội, một trong những nhà băng nhỏ được niêm yết trên thị trường chứng khoán, đã đưa tỷ lệ tài sản không sinh lợi của mình từ mức 5% vào giữa năm 2013 xuống còn 1,4%. Số dư cho vay của ngân hàng này đã tăng từ mức ít hơn 5 tỷ đô la Mỹ hồi năm 2013 lên gần 12 tỷ đô la.

Thứ hai là, Đảng cộng sản cầm quyền ở Việt Nam đang quyết tâm thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Hồi đầu tháng này, Ủy ban Đầu tư Chứng khoán Nhà nước đã cho bán 3,33% cổ phần của công ty sữa Vinamilk cho một bộ phận của Jardine Matheson Holdings Ltd. Tập đoàn đa ngành được niêm yết trên thị trường chứng khoán Singapore này đã sở hữu 10% cổ phần của Vinamilk và hiện đang muốn mua thêm. Tập đoàn Bia và Nước Giải khát Sài Gòn, Sabeco, cũng đang nằm trong danh sách sắp được cổ phần hóa. Chính phủ Việt Nam đã có buổi giới thiệu với các nhà đầu tư ở Singapore hồi tuần trước và họ đang hy vọng sẽ bán được một khối lượng cổ phần lớn của tập đoàn bia này.

Cuối cùng, Việt Nam đã gia nhập vào chuỗi cung ứng thiết bị điện tử và điện thoại thông minh ở châu Á. Mặt hàng xuất khẩu số một hiện nay của nước này không còn là sản phẩm may mặc, giày dép, thủy hải sản, cà phê và hạt điều nữa mà là linh kiện điện thoại thông minh. Kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này đã tăng vọt 29% lên 36,5 tỷ Mỹ kim trong năm nay.

Nền kinh tế toàn cầu đang vững mạnh cũng giúp nâng đỡ các nền kinh tế châu Á lên, do đó các thị trường như Singapore, Thái Lan, Indonesia và Philippines có thể đem đến cơ hội lớn cho các nhà đầu tư. Thêm vào đó, doanh số 3,3 tỷ đô la Mỹ chào bán cổ phần ra công chúng ra công chúng lần đầu (IPO) trong năm ngoái – trong đó có nhà bán lẻ Vincom Retail JSC – khiến Việt Nam trở thành thị trường IPO sôi động thứ ba ở châu Á sau Singapore và Malaysia. Đợt IPO trị giá 300 triệu đô la của Ngân hàng thương mại cổ phần phát triển nhà Thành phố Hồ Chí Minh sẽ chấm dứt vào cuối năm nay.

Cộng thêm vào đó là sự tăng trưởng gần 12% đầu tư trực tiếp nước ngoài, lên mức 16 tỷ đô la Mỹ. Hiện nay FDI chiếm 8% GDP vào khoảng 203 tỷ đô la của Việt Nam. Trên thị trường tài chính, Ngân hàng Credit Suisse của Thụy Sỹ ước tính hiện nay có 12 mã chứng khoán trên thị trường Việt Nam có giá trị giao dịch 3 triệu đô la Mỹ một ngày. Hồi năm 2015 chỉ có hai mã.

Vì những lý do đó, bài báo kết luận rằng Việt Nam “không còn là thị trường bên lề” nữa. - VOA

18.
Mẹ của ‘Mẹ Nấm’ kêu gọi EU dự phiên tòa xử con gái

Bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, mẹ của blogger Mẹ Nấm, kêu gọi phái đoàn Liên Minh châu Âu (EU) tại Việt Nam hãy dự phiên tòa xử phúc thẩm con gái bà vào ngày 30/11.

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, nhà hoạt động nhân quyền tham gia phản kháng thảm họa cá chết biển miền Trung do Formosa gây ra, bị xử 10 năm tù giam về “tội tuyên truyền chống phá nhà nước” tại phiên xử sơ thẩm vào tháng 6/2016.

Bà Lan tải thư ngỏ lên trang Facebook cá nhân hôm 28/11 gửi tới phái đoàn EU tại Việt Nam, mặc dù bà thừa nhận rằng hy vọng vào sự hiện diện của họ rất “mong manh.”

"Không riêng gì trường hợp của con tôi. Tôi mong họ đến mặc dù họ không giúp được gì nhưng để họ biết rằng tình hình nhân quyền ở Việt Nam như thế nào," bà Lan nói. "Họ đã xâm phạm quyền tự do của con người một cách kinh khủng với những bản án đầy bất công và dã man sẵn sàng úp chụp lên những người khi họ lên tiếng nói đòi công bằng lẽ phải, đòi quyền sống quyền con người."

Luật sư Võ An Đôn, người được Mẹ Nấm nhờ bào chữa nhưng vừa bị Đoàn luật sư Phú Yên tước thẻ hành nghề, nói rằng trên thực tế những phiên tòa xét xử các vụ án chính trị thường bị kiểm soát một cách khắt khe.
“Trước đây cũng có nhiều vụ mà lãnh sự quán và các dân biểu ở phương Tây đến dự các phiên tòa xử tù nhân lương tâm ở Hà Nội thì người ta không cho vào mặc dù theo luật là được cho vào,” theo luật sư Đôn.

Luật sư Nguyễn Khả Thành, một trong 3 luật sư sẽ bào chữa cho Mẹ Nấm trong phiên tòa ngày 30/11, cho biết trước đây đại diện của phía Đức bị chặn, không được vào tham dự phiên tòa xử blogger Anh Ba Sàm tại Hà Nội.

VOA không thể liên lạc được với phái đoàn EU để xin bình luận về lời yêu cầu của bà Lan.

Liên minh châu Âu EU đang trong quá trình đàm phán với chính phủ Việt Nam để đạt một hiệp định thương mại tự do (EVFTA) trong đó, nhân quyền là một vấn đề được mang ra thảo luận.

Tuy nhiên, trong cuộc gặp với trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam Bruno Angelet hôm 21/11, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu không đưa vấn đề nhân quyền vào trong các thỏa thuận tự do mậu dịch.

EU và chính phủ Việt Nam sẽ có cuộc đối thoại nhân quyền thường kỳ dự kiến diễn ra tại Hà Nội ngày 2/12.

Trước thềm cuộc đối thoại, tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế Human Rights Watch (HRW) thúc giục EU gây sức ép với chính quyền Hà Nội phải thả tự do cho những tù nhân lương tâm đang bị giam giữ. Theo HRW, hiện có hơn 100 người đang bị giam cầm ở Việt Nam vì lý do chính trị hoặc tôn giáo.

Danh sách này vừa có thêm 1 người nữa khi nhà hoạt động 22 tuổi Nguyễn Văn Hóa hôm 27/11 bị chính quyền Việt Nam kết án 7 năm tù vì tội danh tương tự như đã dành cho Mẹ Nấm qua những bài viết và tường trình của anh về phản ứng của dân chúng trước việc Formosa xả thải độc ra biển miền Trung.

Tổ chức nhân quyền có trụ sở ở New York hôm 28/11 cũng kêu gọi chính phủ Việt Nam hủy bỏ bản án đối với Như Quỳnh, người được Đệ nhất phu nhân Melania Trump vinh danh với giải “Người phụ nữ can đảm quốc tế” vào tháng 3 năm nay.

“EU cần công khai vinh danh những công dân Việt Nam dũng cảm như Mẹ Nấm và luật sư Võ An Đôn, những người đã chấp nhận nhiều rủi ro vì nhân quyền và dân chủ,” giám đốc đặc tránh châu Á của HRW Brad Adams nói trong thông cáo ra hôm 28/11.

“EU cần nói rõ rằng việc thắt chặt quan hệ giữa hai bên phụ thuộc vào liệu Việt Nam có phóng thích tất cả các tù nhân chính trị và chấm dứt sách nhiễu, đe dọa những người bảo vệ nhân quyền.”

Phiên xử phúc thẩm Mẹ Nấm sẽ diễn ra vào sáng ngày 30/11 tại tòa án cấp cao ở Đà Nẵng. Bà Lan cho biết bà không được thông báo về phiên tòa xử con gái mình mà chỉ được biết qua các luật sư bào chữa cho con bà, trong đó có luật sư Hà Huy Sơn và Nguyễn Hà Luân.

Luật sư Nguyễn Khả Thành, người đã tiếp xúc với chị Như Quỳnh trong trại giam gần đây, cho biết bà mẹ đơn thân này sẽ tiếp tục không nhận tội như đã làm cô ở phiên tòa sơ thẩm.

"Mình sẽ cố gắng ráng sức để chứng minh rằng thân chủ mình không phạm tội bằng những chứng cứ này chứng cứ khác," luật sư Thành cho biết. "Chúng tôi sẽ ráng phản biện để hội đồng xét xử thấy những hành vi đó nằm trong quyền tự do ngôn luận."

Mẹ của chị Như Quỳnh, bà Tuyết Lan, nói mặc dù bà không hy vọng nhiều vào phiên tòa sắp tới, nhưng vẫn mong “họ nghĩ lại.”

"Tôi có nói với con tôi rằng mẹ sẽ đi với con hết cuộc đời của mẹ. Nếu họ không giảm án thì chúng tôi sẽ cố gắng và tôi sẽ nói với con tôi ‘chúng ta sẽ đi tới giám đốc thẩm’," bà Lan nói. - VOA

19.
Vietnam Airlines chưa thể mở đường bay thẳng đến Mỹ vì không đủ khách

Hãng hàng không Vietnam Airlines chưa thể thực hiện đường bay thẳng đến Mỹ vì không đủ hành khách.

Cục phó Cục Hàng không Việt Nam, ông Võ Huy Cường cho biết số lượng hành khách bay qua lại giữa Việt Nam và Mỹ chủ yếu là khách thăm thân nhân và du học sinh, chiếm đến 90%, trong khi lượng khách doanh nhân chưa nhiều, cho nên ngay cả khi Vietnam Airlines có đủ điều kiện bay thẳng đến Mỹ thì cũng được dự báo sẽ lỗ nặng.

Báo mạng Vietnamnet.vn, vào ngày 29 tháng 11 dẫn lời của một chuyên gia hàng không Việt Nam rằng nếu Vietnam Airlines thực hiện được đường bay thẳng Việt Nam-Mỹ thì cũng sẽ rất lỗ, giống như một số đường bay thẳng của hãng này đến Châu Âu đang lỗ vì lượng khách căn bản vẫn là khách du lịch, còn lượng khách thương gia chiếm tỉ lệ rất nhỏ.

Vị chuyên gia hàng không Việt Nam này cũng cho biết Việt Nam nên cần xem xét thời điểm thích hợp để thực hiện đường bay thẳng đến Mỹ, vì không chỉ đơn thuần là kinh doanh thương mại mà quan trọng còn là mối quan hệ chính trị giữa hai nước.

Một trong những điều kiện đầu tiên để Vietnam Airlines thực hiện đường bay thẳng đến Mỹ là cần phải đạt được phê chuẩn mức 1 (CAT 1) về an toàn hàng không của Cục Hàng không Liên bang Hoa Kỳ (FAA).

Trong chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hồi tháng 7 năm 2015, Cục Hàng không Việt Nam và Cơ quan Phát triển Thương mại Mỹ (USTDA) đã ký thoả thuận tài trợ gần 600 ngàn đô la Mỹ nhằm nâng cao năng lực giám sát an toàn hàng không của Việt Nam.

Mới đây nhất vào đầu tháng 10 năm 2017, trong cuộc gặp gỡ với Tổng Giám đốc Công ty Boeing của Hoa Kỳ, ông Kevin Mc Allister ở Hà Nội, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi Boeing mở Trung tâm đào tạo phi công tại Việt Nam cũng như nghiên cứu, hỗ trợ Việt Nam thực hiện các chuyến bay thẳng đến Hoa Kỳ. - RFA

20.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trả lời cử tri về việc chống tham nhũng

“Không phải kỷ luật nhiều là thành công”, là điều Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói về việc chống tham nhũng trong buổi tiếp xúc cử tri tại Hà Nội hôm 29 tháng 11 năm 2017.

Khi trả lời cử tri, Ông Nguyễn Phú Trọng giải thích tầm quan trọng của việc chống tham nhũng và những việc tiếp theo cần phải làm để việc chống tham nhũng đạt kết quả như mong muốn.

Tuy nhiên Ông Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam cũng cho biết việc chống tham nhũng không được nóng vội, nêu ra lý do chống tham nhũng nhưng vẫn phải giữ được ổn định cho quốc gia.

Ông Trọng còn nói rằng việc chống tham nhũng không phải cứ kỷ luật nhiều là thành công, mà theo lời ông, phải đánh thức người ta dậy, đừng vi phạm pháp luật, cho người ta cơ hội tiến tới thì việc chống tham nhũng mới thành công.

Về việc thu hồi tài sản do tham nhũng mà có, Ông Tổng bí thư thừa nhận đang là khâu yếu.

Được biết, theo pháp luật Việt Nam thì tội phạm biết cải tà quy chính, tình nguyện trả lại tài sản tham nhũng sẽ được giảm hình phạt. Cụ thể kể từ năm 2018, người bị kết án tử hình về tội tham nhũng, mà sau khi bị kết án đã nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham nhũng và hợp tác trong công tác điều tra thì hình phạt tử hình được giảm thành chung thân.

Cũng trong buổi tiếp xúc cử tri tại Hà Nội, một cử tri đã nêu câu hỏi với ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, là vì sao “Cán bộ bị kỷ luật sao cứ chuyển từ nơi này qua nơi khác?”

Nhắc lại lời Ông Nguyễn Phú Trọng từng nói là “việc chống tham nhũng không có vùng cấm”,  vị cử tri này cho rằng tuy không có vùng cấm nhưng có "vùng nể", "vùng tránh". Ông lấy ví dụ việc xử lý tham nhũng ở Sơn La gần đây: 17 cán bộ bị bắt, vậy trách nhiệm của bí thư tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh Sơn La thế nào?

Ông này cũng cho rằng vi phạm pháp luật thì phải xử lý hình sự, chứ không phải cứ vi phạm nặng thì cảnh cáo Đảng, không dám đuổi cho nghỉ hưu mà chuyển từ nơi này sang nơi khác.

Trước thắc mắc được nêu ra, ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng không đưa ra câu trả lời cụ thể, nhưng có nói là đã làm được nhiều việc, cho dù chưa bằng lòng với những gì đạt được

Ngoài ra, các cử tri cũng thắc mắc về kết luận thanh tra liên quan đến ông Phạm Sỹ Quý - nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Yên Bái, dù phát hiện nhiều sai phạm, nhưng chức vụ chỉ bị tụt xuống là đưa về làm phó chánh văn phòng Hội đồng Nhân dân và không bị xử lý gì về tài sản. - RFA

Link:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét