Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 27 tháng 11, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Hai 27/11 - Lê Minh Nguyên

Công tố viên: Các tay súng trong vụ tấn công ở Sinai mang theo cờ IS
Các tay súng tấn công một nhà thờ Hồi giáo ở phía bắc bán đảo Sinai của Ai Cập đã mang theo cờ của Nhà nước Hồi giáo khi họ xả súng từ cửa vào và cửa sổ, giết chết hơn 300 người thờ phượng trong đó có hơn hai chục em nhỏ, nhà chức trách cho biết hôm thứ Bảy.<!>
Văn phòng công tố viên, dẫn các cuộc phỏng vấn với những người sống sót bị thương như một phần của cuộc điều tra, liên kết những kẻ chủ chiến Nhà nước Hồi giáo (IS), còn được gọi là Daesh, với vụ tấn công nhà thờ Hồi giáo al-Rawdah ở thành phố Bir al-Abed, nằm về phía tây thủ phủ của tỉnh, El-Arish.

"Những người thờ phượng bị bất ngờ về những yếu tố này," công tố viên nói trong một phát biểu. "Bọn chúng có từ 25 đến 30 người, mang cờ Daesh và chiếm giữ các vị trí ở trước cửa nhà thờ Hồi giáo và 12 cửa sổ với súng trường tự động."

Những kẻ chủ chiến tới bằng xe bốn bánh, kích hoạt một vụ nổ và sau đó chạy vào bên trong xả súng vào những người thờ phượng khi tìm cách thoát thân. Các tay súng cũng đốt xe làm chướng ngại vật để chặn lối ra của tòa nhà.

Những người mục kích cũng nói rằng những kẻ chủ chiến xả súng vào xe cứu thương trong lúc nhân viên cấp cứu cố gắng di tản người bị thương đến bệnh viện. Thông tấn xã nhà nước Ai Cập cho biết 128 người bị thương trong vụ tấn công này.

Vụ tấn công nhắm vào nơi thường hay lui tới của người Sufi, những người thuộc một hệ phái thần bí của Hồi giáo.

Không có nhóm nào nhận trách nhiệm ngay tức thì về vụ tấn công này, nhưng một nhóm có liên kết với Nhà nước Hồi giáo đã thực hiện các vụ tấn công trong khu vực này kể từ năm 2013.

Tin cho hay các máy bay chiến đấu của chính phủ Ai Cập đã tấn công các mục tiêu khủng bố ở Sinai sau vụ tàn sát.

Tổng thống Abdel-Fattah el-Sissi tuyên bố vụ tấn công sẽ "bị trừng trị" nhưng không nêu rõ những bước nào có thể được thực hiện.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phản ứng về vụ bạo lực, gọi đây là một vụ tấn công khủng bố khủng khiếp và hèn hạ nhắm vào những người thờ phượng vô tội và không có gì để tự vệ.

Lực lượng an ninh Ai Cập đang chiến đấu chống lại cuộc nổi dậy của Nhà nước Hồi giáo, chủ yếu ở phía bắc Sinai, nơi các chiến binh đã sát hại hàng trăm cảnh sát và binh sĩ kể từ khi chiến sự ở đó gia tăng cường độ trong ba năm qua.

Những kẻ chủ chiến nhắm mục tiêu vào lực lượng an ninh, nhưng cũng mở rộng phạm vi ra ngoài Sinai với những vụ tấn công nhà thờ Kitô giáo và thường dân ở những nơi khác ở Ai Cập.

Truyền thông Ai Cập đưa tin ông Sissi đã họp với các quan chức an ninh hàng đầu, bao gồm bộ trưởng nội vụ và quốc phòng, ngay sau vụ tấn công trong khi an ninh đã được tăng cường xung quanh các tòa nhà chính phủ. - VOA

2.
Indonesia nâng cảnh báo hàng không vì núi lửa

Chính quyền Indonesia hôm 26/11 gia tăng cảnh báo hàng không ở khu vực Agung ở Bali vì núi lửa tiếp tục phun tro bụi.

Reuters đưa tin rằng tro bụi bao phủ đường xá, ôtô và nhà cửa quanh ngọn núi lửa nằm ở đông bắc hòn đảo du lịch này.
Trong khi đó, nhiều chuyến bay đã bị hủy, và các bức ảnh do hãng tin Antara của Indonesia đăng tải dường như cho thấy nham thạch.

Indonesia đã nâng cảnh báo hàng không lên đỏ, mức cao nhất, và nói rằng núi lửa có thể phun tro bụi lên tới hơn 6 nghìn mét.

Tuy nhiên, các quan chức nói rằng sân bay vẫn tiếp tục mở cửa vì các chuyến bay vẫn có thể tránh tro bụi mà hiện mới được phát hiện ở một số khu vực.

Reuters dẫn lời một quan chức tại cơ quan phòng chống thảm họa núi lửa nói rằng “hoạt động của Núi Agung đã bước vào giai đoạn phun trào nham thạch”, và rằng cơ quan này vẫn “cần phải theo dõi và cảnh giác về khả năng phun trào mạnh”.

Bali thu hút gần 5 triệu du khách năm ngoái, nhưng việc kinh doanh đã sụt giảm ở các khu vực quanh ngọn núi trên kể từ tháng Chín, khi chính quyền ghi nhận sự gia tăng hoạt động của núi lửa.

Khi núi lửa Agung phun trào lần cuối vào năm 1963, hơn một nghìn người đã thiệt mạng và nhiều làng mạc bị phá hủy. - VOA

3.
Mỹ cảnh báo Pakistan sau khi một kẻ chủ chiến được phóng thích

Nhà Trắng hôm thứ Bảy nói sẽ có những hệ quả cho mối quan hệ Mỹ-Pakistan trừ phi Islamabad có hành động để câu lưu và buộc tội một người chủ trương Hồi giáo cực đoan mới được thả ra và bị cáo buộc chủ mưu vụ tấn công năm 2008 ở thành phố Mumbai, Ấn Độ.

Một tòa án ở Pakistan đã ra lệnh phóng thích Hafiz Saeed hôm thứ Tư. Ông ta bị quản thúc tại gia hồi tháng 1 sau nhiều năm sống tự do ở Pakistan, một trong những điểm nhức nhối trong mối quan hệ không suôn sẻ với Mỹ. Việc ông ta được trả tự do cũng đã khiến Ấn Độ, đối thủ hàng đầu của Pakistan, phẫn nộ.

Nhà Trắng hôm thứ Bảy hối thúc Pakistan bắt giữ Saeed, kêu gọi truy tố ông ta về vụ tấn công ở Mumbai làm thiệt mạng 166 người, trong đó có người Mỹ.

"Nếu Pakistan không hành động để câu lưu Saeed một cách hợp pháp và khởi tố ông ta về những tội ác của ông ta, thì điều này sẽ có những hệ quả đối với quan hệ song phương và danh tiếng toàn cầu của Pakistan."

Đây là lần đầu tiên Mỹ thừa nhận rằng quyết định gần đây có thể có ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai quốc gia vốn là đồng minh nhưng luôn ngờ vực lẫn nhau.

Saeed đã nhiều lần phủ nhận sự dính líu trong các vụ tấn công ở Mumbai, trong đó 10 tay súng tấn công các mục tiêu ở thành phố lớn nhất ở Ấn Độ, bao gồm hai khách sạn sang trọng, một trung tâm Do Thái và một nhà ga xe lửa trong vụ xả súng kéo dài mấy ngày.

Vụ bạo lực đã đẩy Pakistan và Ấn Độ, hai nước láng giềng có vũ khí hạt nhân, đến sát bờ vực chiến tranh.

Mỹ đã treo giải thưởng trị giá 10 triệu đôla cho thông tin dẫn đến việc bắt giữ và kết án Saeed, người cầm đầu tổ chức Jamaat-ud-Dawa (JuD). Các thành viên nói rằng JuD là một tổ chức từ thiện, nhưng Mỹ nói nó là bình phong cho nhóm chủ chiến Lashkar-e-Taiba (LeT) ở Pakistan.

Nhà Trắng nói việc Pakistan không buộc tội Saeed gửi đi một thông điệp "gây lo ngại sâu sắc về cam kết chống khủng bố quốc tế của Pakistan." Nó cũng mâu thuẫn với tuyên bố của Pakistan rằng họ không cung cấp nơi dung thân cho những kẻ chủ chiến.

Tổng thống Donald Trump đã cáo buộc Pakistan chứa chấp "những tác nhân gây hỗn loạn" và cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho các nhóm chủ chiến tiến hành cuộc nổi dậy chống lại chính phủ được Mỹ hậu thuẫn ở Afghanistan.

Pakistan thì nói họ đã làm rất nhiều để giúp Mỹ truy lùng những kẻ khủng bố. - VOA

4.
Giáo hoàng Francis thăm Miến Điện

Giáo hoàng Francis sẽ thăm Miến Điện vào ngày 27/11, và đây sẽ là chuyến công du khá nhạy cảm tới quốc gia bị Mỹ cáo buộc là “thanh trừng sắc tộc” đối với người Hồi giáo Rohingya.

Sau Miến Điện, người đứng đầu Vatican cũng sẽ tới Bangladesh, nơi hơn 600 nghìn người đã bỏ chạy tới lánh nạn, trước điều tổ chức Ân xá Quốc tế gọi là “tội ác chống nhân loại” như giết người, hãm hiếp, mà quân đội Miến Điện đã bác bỏ.
Lịch trình của Giáo hoàng Francis không bao gồm chuyến thăm một trại tị nạn, nhưng ông dự kiến sẽ gặp một nhóm nhỏ người Rohingya ở Dhaka, thủ đô Bangladesh.

Theo Reuters, chuyến đi này nhạy cảm tới mức một số cố vấn của Giáo hoàng Francis đã cảnh báo ông không được sử dụng từ “Rohingya” vì lo ngại sự cố ngoại giao này sẽ khiến quân đội và chính phủ Miến Điện chuyển hướng nhắm mục tiêu vào các tín đồ Công giáo thiểu số.

Hãng tin này còn nhận định rằng những thời khắc căng thẳng nhất của chuyến công du từ ngày 26/11 tới 2/12 có lẽ là các cuộc gặp riêng với người đứng đầu quân đội Miến Điện, tướng Min Aung Hlaing cũng như với lãnh đạo dân sự Aung San Suu Kyi.

Trong những tuần gần đây, Bangladesh và Miến Điện đã đồng ý về việc hồi hương hàng trăm nghìn người Rohingya đã bỏ chạy sang Bangladesh để tránh tình trạng bạo lực ở bang Rakhine ở Miến Điện, theo VOA News. - VOA

5.
Thủ tướng Campuchia đòi đóng cửa tổ chức nhân quyền

Ông Hun Sen hôm 26/11 kêu gọi đóng cửa một trong các tổ chức nhân quyền chính ở nước này, từng được thủ lĩnh đối lập hiện bị cầm tù, ông Kem Sokha, sáng lập.

Tình trạng đàn áp tiếng nói bất đồng của ông Hun Sen, thủ tướng nắm quyền lâu năm nhất thế giới, đã dẫn tới việc giải tán đảng đối lập chính của Campuchia, cũng như tình trạng hạn chế truyền thông độc lập, khiến nhiều quốc gia viện trợ phương Tây lên tiếng chỉ trích, theo Reuters.

Ông Hun Sen nói với một nhóm công nhân dệt may: “Trung tâm nhân quyền Campuchia (CCHR) phải bị đóng cửa vì nó được thành lập bởi người nước ngoài, không phải bởi người Campuchia. Bộ Nội vụ phải xem xét chuyện này”.

Thủ tướng Campuchia miêu tả phe đối lập là “con” của Mỹ và cho biết rằng ông đã nói chuyện này với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump khi họ gặp nhau ở Philippines đầu tháng này.

Ông Kem Sokha thành lập CCHR năm 2002 trước khi ông theo đuổi sự nghiệp chính trị năm 2007.

Ông bị bắt hồi tháng Chín và cáo buộc tội mưu phản nhằm tiếm quyền với sự trợ giúp của Mỹ.

Đảng Cứu quốc Campuchia bị Tòa án Tối cao giải tán hôm 16/11 theo yêu cầu của chính phủ.

Lãnh tụ đối lập này đã bác bỏ mọi cáo buộc đối với ông và cho rằng đó là cái cớ để Thủ tướng Hun Sen tiếp tục hơn ba thập kỷ nắm quyền sau cuộc bầu cử vào năm tới. - VOA

6.
Bangladesh nói UNHCR sẽ góp phần giúp hồi hương người Rohingya

Bangladesh và Myanmar đã đồng ý nhận sự giúp đỡ của cơ quan người tị nạn Liên Hiệp Quốc để hồi hương hàng trăm ngàn người Hồi giáo Rohingya đã chạy lánh bạo lực ở Myanmar, Bangladesh cho biết hôm thứ Bảy.

Hơn 6000.000 người Rohingya đã tìm nơi nương náu ở Bangladesh kể từ khi quân đội ở nước Myanmar đa phần theo Phật giáo tiến hành một cuộc phản công tàn bạo nhắm vào làng mạc của họ ở phía bắc bang Rakhine, theo sau những vụ tấn công của những phần tử chủ chiến người Rohingya nhắm vào một căn cứ lục quân và các đồn cảnh sát vào ngày 25 tháng 8.

Đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày một trầm trọng, hai chính phủ hôm thứ Năm đã ký một thỏa thuận nhất trí rằng việc hồi hương người Rohingya về Myanmar sẽ bắt đầu trong vòng hai tháng.

Bất định về việc liệu Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn (UNHCR) sẽ có vai trò nào hay không đã khiến các tổ chức nhân quyền lên tiếng yêu cầu phải có những người theo dõi ngoài cuộc để bảo đảm người Rohingya được hồi hương.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Dhaka, Ngoại trưởng Bangladesh Abul Hassan Mahmood Ali bảo đảm rằng UNHCR sẽ góp phần.

"Cả hai nước đều nhất trí nhận sự giúp đỡ của UNHCR trong quá trình hồi hương người Rohingya," ông Ali nói. "Myanmar sẽ nhận sự hỗ trợ theo yêu cầu của họ."

Bước đột phá ngoại giao này diễn ra ngay trước chuyến thăm của Đức Giáo hoàng Phanxicô tới Myanmar và Bangladesh từ ngày 26 tháng 11 đến ngày 2 tháng 12 nhắm mục tiêu thúc đẩy "hòa giải, tha thứ và hòa bình."

Trong khi bạo lực ở Rakhine phần lớn đã chấm dứt, người Rohingya vẫn tiếp tục tháo chạy khỏi Myanmar, nói rằng họ hầu như không tiếp cận được các nguồn sinh kế như nông trại, ngư trường và thị trường.

Hàng ngàn người Rohingya, đa số là người già, phụ nữ và trẻ em, vẫn bị mắc kẹt trên các bãi biển gần biên giới, chờ thuyền đưa họ đến Bangladesh.

Liên Hiệp Quốc và Mỹ đã mô tả các hành động của quân đội Myanmar là "thanh lọc sắc tộc," và các tổ chức nhân quyền đã cáo buộc lực lượng an ninh thực hiện những hành vi tàn bạo, bao gồm hãm hiếp, phóng hỏa và giết người.

Mỹ cũng cảnh báo họ có thể áp đặt chế tài lên với những người chịu trách nhiệm về những vụ vi phạm nhân quyền bị cáo buộc. - VOA

7.
Putin ký luật truyền thông cho phép định danh ‘đại diện nước ngoài’

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Bảy đã ký thành luật những dự luật mới cho phép nhà chức trách định danh các cơ quan truyền thông nước ngoài là "đại diện nước ngoài" để đáp lại điều mà Moscow nói là áp lực không thể chấp nhận được của Mỹ đối với truyền thông Nga.

Luật mới đã được cả hai viện quốc hội của Nga nhanh chóng phê chuẩn trong hai tuần vừa qua. Giờ nó sẽ cho phép Moscow buộc truyền thông nước ngoài xác định tin tức mà họ cung cấp cho người Nga là công tác của "các đại diện nước ngoài" và phải tiết lộ các nguồn tài trợ của họ.

Một bản của luật này đã được đăng lên cơ sở dữ liệu pháp luật trực tuyến của chính phủ Nga hôm thứ Bảy, nói rằng nó có hiệu lực kể từ ngày công bố.

Hành động của Nga nhắm vào truyền thông Mỹ xuất phát từ các cáo buộc nói rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm ngoái theo hướng có lợi cho ông Donald Trump.

Các quan chức tình báo Mỹ đã cáo buộc Điện Kremlin sử dụng các tổ chức truyền thông Nga để gây ảnh hưởng đến cử tri Mỹ, và Washington đã buộc đài RT của nhà nước Nga phải đăng ký một công ty con đặt ở Mỹ dưới tư cách "đại diện nước ngoài."

Điện Kremlin đã nhiều lần phủ nhận can thiệp vào cuộc bầu cử và nói những hạn chế đối với các đài của Nga tại Mỹ là một cuộc tấn công nhắm vào tự do ngôn luận.

Bộ Tư pháp Nga tuần trước đã công bố danh sách gồm chín hãng tin được Mỹ tài trợ mà họ nói là có thể bị ảnh hưởng bởi những thay đổi này.

Bộ nói rằng họ đã viết thư thông báo cho Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) và Đài Âu Châu Tự do/ Đài Tự do (RFE/RL) do chính phủ Mỹ tài trợ cùng với bảy cơ quan tin tức tiếng Nga hoặc tiếng địa phương do RFE/RL điều hành. - VOA

8.
Syria: Nga không kích 'giết hàng chục thường dân'

Ít nhất 53 người dân thiệt mạng trong các cuộc không kích của Nga tại làng Al-Shafa, Syria, một nhóm giám sát cho hay.

Đài quan sát Nhân quyền Syria (SOHR) đặt tại Anh cho biết trong số người bị ghi nhận thiệt mạng sáng 26/11 có 21 trẻ em.
Ngôi làng tọa lạc ở Deir al-Zour, một trong những tỉnh cuối cùng mà Nhà nước Hồi giáo vẫn đang chiếm đóng.

Ban đầu SOHR cho biết 34 người đã bị giết trong cuộc không kích nhắm vào các tòa chung cư.

Nhưng người thành lập nhóm giám sát này nói với AFP rằng họ tin rằng con số nạn nhân cao hơn.

'Điều kiện khủng khiếp'

Ông Rami Abdel Rahman cho biết: "Số người chết tăng sau khi thu dọn đống đổ nát sau một ngày dài tiến hành cứu hộ."
Trước đó, Nga xác nhận sáu máy bay ném bom tầm xa đã tiến hành các cuộc không kích ở khu vực này, nhưng họ nói chỉ tấn công các chiến binh và các thành trì.
Nga là đồng minh chính của Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong cuộc nội chiến kéo dài tại nước này.

Các cuộc hòa đàm do Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn được nối lại ở Geneva trong tuần tới, nhưng một số vòng đàm phán trước đây đã thất bại.

Chỉ tính riêng trong ngày 26/11, 23 người thiệt mạng tại khu vực do phe nổi dậy nắm giữ ở ngoại ô Damascus. SOHR cho biết nhiều thị trấn ở Đông Ghouta bị không kích và pháo kích.

Không có báo cáo nào được xác minh độc lập.

Nhóm giám sát nói 120 người đã thiệt mạng từ khi quân đội Syria mở cuộc tấn công ở đó gần hai tuần trước.

Sau nhiều năm bị vây hãm, 400.000 cư dân Đông Ghouta đang sống trong điều kiện khủng khiếp, đã có ghi nhận về những trường hợp bị chết đói.

Trong báo cáo hồi tuần trước, Liên Hợp Quốc cho biết thực phẩm ở vùng này đã cạn kiệt đến mức một số người dân phải ăn thức ăn gia súc, và thậm chí bới rác tìm đồ ăn thừa.

Đông Ghouta là một trong những khu vực mà Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ công bố sẽ "xuống thang chiến tranh" ở Syria hồi đầu năm nay. - BBC

9.
Trump ‘‘nối giáo’’ cho Trung Quốc khống chế Bắc Cực?

Chủ đề liên quan đến thời sự Pháp chiếm trọn trang bìa các tạp chí lớn ở Paris trong tuần này. Tạp chí L’Obs không ngoại lệ, nhưng đã dành một  hồ sơ nêu bật  một ý đồ bành trướng của Trung Quốc với tựa đề rất gọn : « Bắc Cực Made in China ». 

Bài báo phân tích chiến lược của Bắc Kinh nhằm thâu tóm tài nguyên khoáng sản rất dồi dào, nhưng chưa được khai phá tại vùng đất băng giá này, một chiến lược đã bất ngờ được tổng thống Mỹ Donald Trump hỗ trợ đắc lực.

Theo Pascal Riché, tác giả bài báo, mọi sự khởi đầu từ việc khí hậu toàn cầu bị hâm nóng, làm tan băng ở vùng Bắc Cực, cho phép tạo ra những tuyến đường hàng hải mới, và nhất là mở ra triển vọng khai thác các trữ lượng dầu khí, sắt, kẽm... trước đây còn bị băng phong tỏa. Đối với phóng viên tuần báo L’Obs, có thể nói là « sự mở cửa » của Bắc Cực, dưới tác động của việc Trái Đất bị hâm nóng, là thay đổi địa lý quan trọng nhất kể từ khi kỷ nguyên băng hà kết thúc.

Không giống như Nam Cực, được các hiệp ước cụ thể « bảo vệ », Bắc Cực ngày nay, giống như miền Viễn Tây Far West của Mỹ trước đây, vẫn còn hoang dã và đang trở thành một cục nam châm thu hút mọi tham vọng. Các nước bao quanh Bắc Cực như Nga, Mỹ (nhờ vùng với Alaska), Canada, Đan Mạch (với Greenland), Iceland và Na Uy đều đã tìm cách khai thác và mở rộng khu vực kiểm soát, thế nhưng theo tạp chí Pháp, điểm nổi bật của năm 2017 này là họ đã bị một nước ngoài khu vực qua mặt : Đó là Trung Quốc.
Trump đã giúp Trung Quốc làm chủ Bắc Cực

Vấn đề đáng chú ý là Trung Quốc đã lộ rõ tham vọng khống chế Bắc Cực từ lâu, nhưng cho đến nay đã vấp phải cản lực từ Mỹ. Thế nhưng, ngày 9 tháng 11 vừa qua, trong chuyến thăm Bắc Kinh, tổng thống Mỹ Donald Trump đã đồng ý cho Trung Quốc đầu tư 43 tỷ đô la Mỹ vào bang Alaska để khai thác, hóa lỏng và vận chuyển khí đốt tự nhiên. Đây là khoản đầu tư lớn nhất vào vùng Bắc Cực từ trước đến nay.

Đối với Mikaa Mered, giáo sư chuyên nghiên cứu Nam Cực và Bắc Cực tại Đại Học Khoa Học Ứng Dụng Lapland ở Phần Lan, đồng thời là chuyên gia cho Ủy Ban Châu Âu, hệ quả của thỏa thuận Mỹ-Trung trên đây rất rõ : « Trung Quốc đã trở thành ông chủ của Bắc Cực ».

Chuyên gia này giải thích : « Trung Quốc đã có phần trong các dự án ở Canada, họ đã đầu tư vào hai dự án khí đốt lớn ở Nga, họ đã sưởi ấm quan hệ với Na Uy, họ đã có một thỏa thuận thương mại tự do với Iceland, họ đã nắm trong tay gần như tất cả các dự án khai thác mỏ lớn ở Greenland. Người ta từng cho rằng họ sẽ khó mà vào được Mỹ do quan điểm (được tuyên bố trước đây) của Trump đối với họ. Rốt cuộc, họ chỉ cần sáu tháng để được toại nguyện... »

Theo tạp chí Pháp, tổng thống Mỹ đã bị thống đốc Bill Walker cùng với các nghị sĩ thuộc tiểu bang Alaska, tất cả đều cùng trong đảng Cộng Hòa, thuyết phục. Từ khi giá dầu sụt giảm, bang này bị lâm vào khó khăn kinh tế và tài chính, và dự án Alaska LNG ký với Trung Quốc được coi là mang tính chất sống còn. Các đối tác ban đầu là Exxon Mobile, TransCanada, ConocoPhillips, BP, đã không hứng khởi lắm với dự án do lợi nhuận không chắc chắn, và đã rút lui vào năm ngoái.
Khống chế Bắc Cực để nắm nguồn tài nguyên.

Đối với Trung Quốc thì khác, không có lợi nhuận ngay lập tức không phải là vấn đề, ưu tiên của họ là đảm bảo nguồn năng lượng để duy trì sự tăng trưởng trong nhiều thập niên.

Theo Mark Rosen, chuyên gia về Bắc Cực ở CNA, một cơ quan nghiên cứu thân cận với bộ Quốc Phòng Mỹ thì đối với Bắc Kinh, « Bắc Cực trước tiên hết là nguồn cung cấp các nguyên liệu mà ngành công nghiệp Trung Quốc rất cần. Thay vì đi mua, Bắc Kinh đã quyết định làm chủ các mỏ để nắm quyền kiểm soát sản lượng và giá cả ».

Thế là Trung Quốc đã lợi dụng thời cơ lao vào thương lượng về việc tham gia dự án Alaska LNG. Theo thỏa thuận, thì một đại tập đoàn (consortium) bao gồm 3 tập đoàn Trung Quốc sẽ tiếp quản dự án này (mặc dù Alaska sẽ vẫn nắm đa số) : Đó là tập đoàn hóa dầu Sinopec, quỹ đầu tư nhà nước CIC, và Ngân Hàng Nhà Nước Trung Quốc. Bắc Kinh dự định nhập khẩu 75% khí đốt sẽ được khai thác.

Đối với Hoa Kỳ thì mối lợi sẽ là 12.000 việc làm và giảm được 10 tỷ đô la thiếu hụt thương mại với Trung Quốc (lên đến 350 tỷ đô la vào năm ngoái). Món lợi đó, theo tạp chí L’Obs, đã đập tan luận điệu chống Trung Quốc hùng hồn của ứng cử viên Trump. Thời kỳ mà Trung Quốc « cưỡng bức Hoa Kỳ » giờ đây chỉ còn là ký ức. - RFI

10.
Ukraina: Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu chỉ trích gay gắt Matxcơva

Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk lên tiếng chỉ trích gay gắt Matxcơva. Ngày 24/11/2007, sau thượng đỉnh « Quan hệ Đối tác phương Đông » với 6 nước thuộc Liên Xô cũ tại Bruxelles, ông Donald Tusk còn lên án « những hậu quả đau thương của cuộc xâm lược Nga tại Ukraina ».

Trong khi đó, cùng với nhiều chủ đề khác, cuộc xung đột ở miền đông Ukraina đã không được đề cập trong thượng đỉnh « Quan hệ Đối tác phương Đông ».

Thông tín viên RFI Laxmi Lota tường trình từ Bruxelles :

« Bản thông cáo chung kết thúc thượng đỉnh có vẻ dè dặt. Không có dấu hiệu về việc lên án Nga trong văn bản chính. 

Nhưng, trước báo giới, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk, đã có những phát biểu thẳng thắn. Ông nói :

« Việc năm quân nhân Ukraina chết hôm qua (23/11) một lần nữa cho thấy những hậu quả bi thương của cuộc xâm lược Nga tại Ukraina. Liên Hiệp Châu Âu lên án Nga xâm lược và sẽ không bao giờ công nhận việc sáp nhập bất hợp pháp bán đảo Crimée.

Hôm nay, chúng tôi đã thông qua một thông cáo chung. Như thường lệ, đó là một thỏa hiệp, nhưng chúng tôi muốn thể hiện tính nhất quán của Liên Hiệp Châu Âu vì đây là điều quan trọng nhất. Chính ngoại trưởng Belarus yêu cầu thỏa hiệp, vì Belarus bị kẹt giữa một bên là Nga và bên kia là Liên Hiệp Châu Âu. Đáng tiếc là cả hai khối này lại cạnh tranh nhau và chúng tôi muốn tránh kiểu đối đầu này ».

Quan hệ giữa Liên Hiệp Châu Âu và Nga trở nên xấu đi rất nhiều kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng Ukraina. Các cuộc đối đầu giữa phe ly khai thân Nga và quân đội Ukraina đã khiến hơn 10.000 người chết từ mùa thu 2014 ».

Miền đông Ukraina : Một thủ lĩnh ly khai thân Nga từ chức

Ông Igor Plotnitski, thủ lĩnh phe ly khai thân Nga của nước Cộng Hòa tự xưng Lougansk, đã từ chức « vì lý do sức khỏe », theo thông báo của Leonid Pasetchnik, người đứng đầu các cơ quan tình báo của nước cộng hòa tự xưng này. Chính ông Leonid Pasetchnik tạm thời đảm nhiệm chức vụ trong khi chờ tổ chức bầu cử.

Theo AFP, trước đó, ngày 22/11/2017, ông Plotnitski tố cáo âm mưu đảo chính của cựu bộ trưởng Nội Vụ Igor Kornet. Dường như không lấy lại được quyền kiểm soát, ông Igor Plotnitski đã đến Matxcơva ngày 23/11. - RFI

Tin Hoa Kỳ
11.
Dân biểu Mỹ đối mặt cáo buộc quấy rối tình dục

Dân biểu John Conyers đã quyết định rời khỏi Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ trong khi các đồng nghiệp đang điều tra cáo buộc quấy rối tình dục đối với ông.

Reuters dẫn một tuyên bố gửi qua email của ông Conyers nói rằng sự hiện diện của ông trong ủy ban khi cuộc điều tra được tiến hành sẽ gây phân tâm cho các dân biểu khác, dù ông bác bỏ các cáo buộc.

“Trong vụ này, tôi hoàn toàn bác bỏ các cáo buộc nhắm vào tôi và tôi sẽ tiếp tục làm vậy”, ông Conyers, một trong các nhà lập pháp da màu nổi bật của Mỹ, nói.

Ủy ban Đạo đức Hạ viện tuần trước cho biết đang điều tra các cáo buộc quấy rối tình dục đối với dân biểu thuộc phe Dân chủ từ tiểu bang Michigan.

Theo Reuters, văn phòng của ông Conyers trước đó đã dùng tiền để giải quyết một vụ tố cáo quấy rối tình dục, nhưng dân biểu này không nhận tội.

Các cáo buộc đối với dân biểu này được đưa ra trong khi Quốc hội Mỹ đang xem xét lại các chính sách xử lý các tố cáo về quấy rối tình dục, sau một loạt các vụ việc xảy ra với các nhân vật nổi tiếng trong giới truyền thông, Hollywood cũng như trên chính trường.

Trong một tuyên bố đưa ra sau email của ông Conyers, lãnh đạo phe Dân chủ tại Hạ viện, bà Nancy Pelosi tuyên, bố sẽ “không dung thứ” tình trạng quấy rối tình dục. - VOA

12.
FBI: Hơn 200,000 yêu cầu được mua súng trong ngày Black Friday

Cơ Quan Điều Tra Liên Bang Mỹ (FBI) nhận được con số kỷ lục là hơn 200,000 yêu cầu xét lý lịch của những người mua súng trong ngày Black Friday.

Hãng thông tấn UPI cho biết, FBI nhận được 203,086 yêu cầu xét lý lịch, một điều kiện cần đáp ứng khi mua súng từ các nhà buôn bán súng có giấy phép của chính quyền liên bang Mỹ.

Con số này phá vỡ kỷ lục 185,713 và 185,345 trong ngày Black Friday của năm 2016 và 2015, theo dữ kiện của trung tâm sưu tra lý lịch quốc gia (NICS).

Con số này cũng không cho biết chính xác số súng bán ra trong ngày Black Friday vì một người có thể mua nhiều hơn là một khẩu súng.

Việc có số kỷ lục người mua súng xảy ra sau khi Bộ Trưởng Tư Pháp Jeff Sessions hôm Thứ Tư yêu cầu có sự duyệt xét lại hệ thống sưu tra NICS này, tiếp theo vụ nổ súng giết người tập thể ở Sutherland Springs, Texas, hôm 5 Tháng Mười Một, khiến 26 người chết, kể cả hung thủ.

Hung thủ Devin Kelley được hệ thống NICS coi là lý lịch tốt sau khi Không Quân Mỹ không đưa vào hệ thống dữ kiện này việc Kelley bị kết tội bạo hành trong gia đình, một điều sẽ cấm không được giữ võ khí. - nguoiviet
|
Tin Việt Nam
13.
Ông Trọng muốn ‘khẩn trương’ xử vụ Trịnh Xuân Thanh - - - Hai vụ Trịnh Xuân Thanh và Trầm Bê: có dấu hiệu lạ?

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, đã yêu cầu “khẩn trương" đưa vụ án Trịnh Xuân Thanh” ra xét xử.

Truyền thông trong nước đưa tin rằng chỉ thị của ông Trọng được đưa ra trong cuộc họp của Ban trên hôm 25/11.

VnExpress dẫn lời ông Trọng nhấn mạnh rằng từ sau phiên họp thứ 12 hôm 31/7 của Ban Chỉ đạo, “các cơ quan chức năng đã tích cực điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp với mức án nghiêm minh, đúng pháp luật, được dư luận đánh giá cao”.

Tin cho hay, người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam đã yêu cầu các cơ quan chức năng “phải tập trung, khẩn trương để đưa các vụ án, đặc biệt là vụ án Trịnh Xuân Thanh và vụ góp vốn 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVC) vào Ngân hàng Thương mai cổ phần Đại dương (Oceanbank) ra xét xử”.

Theo VnExpress, ông Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm bị cáo buộc “tham ô tài sản” và “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại PVC.

Hồi tháng Chín, phía Đức dường như đã thay đổi yêu cầu Hà Nội “trả” ông Trịnh Xuân Thanh, mà cựu quan chức tỉnh Hậu Giang này nhiều khả năng sẽ bị đưa ra xét xử ở Việt Nam.

Tuyên bố bằng tiếng Anh hôm 22/9, thông báo về việc Đức tạm ngưng mối quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam cũng như trục xuất nhân viên ngoại giao thứ hai của Hà Nội, có đoạn: “Chúng tôi đã đưa ra các yêu cầu liên quan tới ông Trịnh Xuân Thanh, trong đó có việc phiên xử ông ấy [his trial] phải được tiến hành theo pháp quyền và mở cửa cho các quan sát viên quốc tế”.

VOA Việt Ngữ sau đó đã đề nghị Bộ Ngoại giao Đức cho biết về những điểm chính trong phản ứng chính thức của Hà Nội để xem có đề cập tới chuyện ông Thanh sẽ bị xử tại Việt Nam hay không, và lại được gửi cho thông cáo về việc Đức tạm ngưng mối quan hệ đối tác chiến lược với Hà Nội.

Trong tuyên bố hôm 2/8, cáo buộc Việt Nam gây ra vụ bắt cóc ở Berlin, chính phủ Đức yêu cầu “ông Trịnh Xuân Thanh được cho phép trở lại Đức ngay lập tức để được xem xét toàn diện về chuyện dẫn độ và xin tị nạn theo đúng pháp luật”. - VOA

***
Có vẻ có 'dấu hiệu lạ' qua các diễn biết xảy ra với các vụ án Trịnh Xuân Thanh và Trầm Bê, so với 'thông lệ' những gì thường thấy từ trước trong các vụ án lớn, một khách mời nói với BBC Tiếng Việt hôm thứ Bảy.

Hôm 25/11/2017, blogger, nhà báo tự do Trương Duy Nhất từ Đà Nẵng khi nêu bình luận về hai vụ án trên, nói với Bàn tròn điểm tin tức tuần này của BBC từ Đà Nẵng:

"Có những dấu hiệu lạ qua hai vụ án lớn này, vụ Trịnh Xuân Thanh và vụ Trầm Bê, thường thường trước đây, qua từng giai đoạn, ví dụ điều tra, đến khi kết thúc điều tra là báo chí đã vào cuộc rồi.

"Để dọn đường cho cơ quan điều tra kết thúc điều tra, dọn đường cho công việc truy tố của Viện Kiểm sát và đặc biệt là dọn đường cho công tác xét xử phiên tòa.

"Ban bí thư và tuyên huấn đều làm công tác dọn đường trước qua báo chí, nhưng điều đặc biệt qua hai vụ án này, đến bây giờ, từ khi bắt ông Trầm Bê, đặc biệt là từ khi 'lôi' ông Trịnh Xuân Thanh từ Đức về đây, ông Trịnh Xuân Thanh đã khai gì?

"Đã lấy được tư liệu, cơ quan điều tra đã 'móc' được gì từ miệng ông Trịnh Xuân Thanh, từ miệng ông Trầm Bê, thì hầu như đến bây giờ chúng ta không biết gì cả. Đấy là một điều rất khó hiểu...

"Đây là những dấu hiệu rất lạ, nên tôi đang lo một điều là phải chăng những vụ án này sẽ rơi vào tình trạng đầu voi, đuôi chuột.

"Những gì dư luận chúng ta nghĩ lâu nay, ví dụ như vụ Trầm Bê, là bắt ông Trầm Bê và khởi tố và xét xử vụ án Trầm Bê trước vành móng ngựa có ai nữa không?"

Cựu phóng viên báo 'Công an Quảng Nam - Đà Nẵng' và báo 'Đại Đoàn kết' nhiều năm về trước, ông Trương Duy Nhất cũng đặt dấu hỏi liên quan đến ông Trầm Bê và vụ án Trầm Bê, hay vụ án Trịnh Xuân Thanh, liệu còn có 'trách nhiệm gì' của những quan chức hay cựu quan chức lãnh đạo cao cấp nào đó trong chính quyền hiện nay, hoặc nhiệm kỳ trước hay không.

Trợ thủ là ai?

Nêu quan điểm tiếp tại Bàn tròn điểm tin tức tuần hôm 25/11 của BBC Việt ngữ, Tiến sỹ kinh tế Phạm Chí Dũng, từ Sài Gòn nói:

"Thực ra tôi hơi nghiêng về cảm giác lo ngại của nhà báo Trương Duy Nhất là chiến dịch này có thể thành 'đầu voi đuôi chuột' mà nếu 'đầu voi đuôi chuột', thì sẽ chẳng có ai mà đưa ra nữa, không có nhân vật nào thêm để đưa ra nữa.

"Đúng như nhà báo Trương Duy Nhất phân tích, từ khi ông Trầm Bê bị bắt, không có thêm thông tin gì cả, khi bắt ông Phạm Công Danh, khi bắt ông Hà Văn Thắm, thì còn bắt thêm hàng loạt, bắt ông Nguyễn Xuân Sơn ở Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu, ông Hà Văn Thắm - Ngân hàng Đại Dương, ông Phạm Công Danh - Ngân hàng Xây dựng.

"Sau đó là một dây các lãnh đạo của ngân hàng đó, rồi các trưởng, phó phòng ở các ngân hàng đó, kể cả chi nhánh, nghĩa là mỗi vụ án như vậy còn kéo thêm từ 30 tới 40 người bị bắt.

"Ông Trầm Bê thì rất đặc biệt, bắt từ đầu tháng 8/2017 cho tới giờ là gần bốn tháng rồi, nhưng chưa thấy bắt thêm ai cả.

"Và tôi không nghĩ là vụ việc ông Trầm Bê chỉ liên quan một mình ông, mà chắc chắn là ông phải có trợ thủ của ông, thế thì bây giờ trợ thủ của ông đâu? Và tại sao không có thông tin nào về Trầm Bê?

"Thôi thì không có thông tin thì đó là chuyện của công an, vì công an có quyền giữ bảo mật đối với báo chí về chuyện này, nhưng tại sao bắt ông Trầm Bê lại không bắt thêm ai? Đó là một dấu hỏi rất lớn," Chủ tịch Hội nhà báo độc lập Việt Nam nói.

Và ông Phạm Chí Dũng nói thêm:
"Dấu hỏi thứ hai liên quan chuyện 'đầu voi đuôi chuột' mà chúng tôi vừa đề cập, rõ ràng là trong năm 2017, chiến dịch được cho là chống tham nhũng của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chưa đâu vào đâu cả.

"Trường hợp một ông đã bị cách chức Ủy viên Bộ Chính trị mà lại không cách luôn chức Ủy viên Trung ương Đảng, trong khi đó Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã nhận định trong báo cáo của mình là 'rất nghiêm trọng', ông vẫn là Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, thuộc Ban chấp hành Trung ương, tại sao để đó?

"Và tại sao đến Hội nghị Trung ương 6 lại không có vấn đề của ông đó và tại sao trước và sau Hội nghị Trung ương 6 thì khẩu khí chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng khác hẳn so với trước đó vốn quyết liệt, thậm chí nói như một triết lý mới, khẩu khí mới nói ra như một sự xuất thần: 'lò đã nóng lên rồi, thì củi tươi đưa vào cũng phải cháy'.

"Thế nhưng mà sau đó lại nói là 'mở đường cho người ta tiến', đó là khẩu khí của ông Nguyễn Phú Trọng cũng trong các cuộc họp, như vậy nhiều dư luận cho rằng ông dịu hẳn đi và dường như, thậm chí một số lãnh đạo bây giờ cũng phải nhận xét 'trung ương thì nóng, nhưng địa phương thì nguội', thế thì chống tham nhũng cái nỗi gì?

"Mà nếu không chống tham nhũng được như vậy, thì chỉ 'giơ cao đánh khẽ' thôi và cuối cùng mọi chuyện sẽ trở về 'đầu voi đuôi chuột', có nghĩa là nếu như vụ án Trịnh Xuân Thanh và vụ án Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có đưa ra xử đúng thời hạn, đúng thời điểm vào tháng Giêng và tháng Hai năm sau, năm 2018, thì có lẽ là chỉ xử phần ngọn mà thôi," Tiến sỹ Phạm Chí Dũng nêu quan điểm riêng.

Truyền thông Việt Nam trong tháng 10/2017 đưa tin về các hoạt động tiếp xúc cử tri của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có tường trình một số phát biểu của ông, theo đó, nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam được dẫn lời nói:

"Có vụ án mấy năm không xử được vì liên quan đến nhiều thứ khác, cần có thời gian. Nhiều vụ làm nhanh, nhưng cũng có những vụ phải làm sao cho tâm phục khẩu phục, chứng cứ rành rành không thể chối được nữa thì mới nhận tội... Thông thường anh nào cũng kêu oan, anh nào cũng kêu nặng quá, nhưng dân thì bảo vẫn còn nhẹ, phải làm quyết liệt hơn nữa".

Vẫn theo truyền thông Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng cho biết: "Những vụ việc được xử lý trong thời gian qua, cuối cùng tất cả đều tâm phục khẩu phục. 

Thậm chí, người bị kỷ luật còn cảm ơn, các đồng chí bị kỷ luật nói rằng thi hành kỷ luật tôi rất đúng... Việc xử lý cán bộ cốt để sửa, cốt để tiến bộ, để trưởng thành và tốt nhất là tự giác thấy mà sửa đi..."

"Đấu tranh là để là để giữ ổn định, phát triển; đấu tranh để đoàn kết tốt hơn chứ không phải để làm đổ vỡ đi. Xử lý sao cho người ta giác ngộ, để thu hồi tài sản không để mất mát.

"Để tất cả mọi người thấy được vết xe đổ ấy. Thế mới là thành công, không để gây bất mãn cho xã hội," ông Nguyễn Phú Trọng được báo chí chính thống của Việt Nam dẫn lời nhấn mạnh. - BBC

14.
LS Võ An Đôn: 'Tước giấy phép hành nghề của tôi để ngăn chặn thông tin về phiên toà Mẹ Nấm'

Chiều ngày Chủ Nhật 26 tháng 11, thông tin về việc Luật sư Võ An Đôn, 1 trong 5 luật sư bào chữa cho blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên kỷ luật và tước giấy phép hành nghề. Đài RFA liên lạc với Luật sư Võ An Đôn vào 10g00 tối cùng ngày để tìm hiểu thêm sự việc. Trước tiên, ông cho biết về hình thức nhận được quyết định kỷ luật xoá tên khỏi danh sách Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên.

Luật sư Võ An Đôn: Chiều hôm nay, ngày 26 tháng 11 năm 2017, Ban Chủ nhiệm Liên đoàn Luật sư Phú Yên họp đoàn và ra quyết định kỷ luật bằng hình thức tước tôi ra khỏi danh sách luật sư Phú yên. Hiện tại tôi chưa nhận được văn bản này, chỉ nghe những người làm trong Ban CHủ nhiệm nói cho tôi biết. Vì Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư mới thông qua hồi chiều, có thể là ngày mai hoặc ngày mốt.

Nguyên tắc khi họp phải có người bị kỷ luật nhưng phiên họp hôm nay không có. Trước đây cũng không có, chỉ là trước có mấy văn bản nói là xem xét kỷ luật, yêu cầu tôi trình bày giải trình sau đó tự họ quyết định. Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên Ban khen thưởng kỷ luật gồm 3 luật sư, trong đó tôi là 1 thành viên nhưng gồm nhưng tôi không được mời, còn lại hai người tự quyết định.

RFA: Quyết định này có hiệu lực ngay lập tức hay đến khi nào nhận được văn bản hành chính?

Luật sư Võ An Đôn: Hôm nay Ban chủ nhiệm đoàn quyết định xoá tên tôi khỏi danh sách Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên thì quyết định này có hiệu lực ngay. Người bị kỷ luật là tôi có quyền khiếu  nại lên liên đoàn. Một là liên đoàn giữ nguyên quyết định. Hai là không chấp nhận. Nhưng từ đây về sau, nếu không có gì thay đổi thì tôi vĩnh viễn không được hành nghề luật sư với tư cách luật sư bào chữa trước phiên toà.

RFA: Quyết định kỷ luật của Đoàn Luật sư Phú Yên đưa ra ngay trước phiên toà phúc thẩm Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Theo ông thì mục đính chính có phải chỉ là ngăn cản sự tham dự của ông ở phiên toà hay có chủ ý khác?

Luật sư Võ An Đôn: Những luật sư ở Việt Nam tham gia những vụ án liên quan đến tù nhân lương tâm thì tiếng nói của họ ở phiên toà chẳng ai nghe cả. Cả Hội đồng xét xử chẳng quyết định được gì. Bản án đã được quyết định từ trên ấn xuống. Một phiên toà chỉ là hình thức. Luật sư chỉ là hình thức. Luật sư những vụ án này có vai trò duy nhất là đưa thông tin cho người dân biết, cũng như thâm nhập bị can bị cáo trong trại giam để thông báo tình hình cho gia đình biết. Chỉ có 2 chức năng đó thôi. Nhưng mà người ta sợ. Mình tham gia bào chữa, nói lên sự thật vụ án người ta rất sợ. Nên người ta bị miệng để tôi khỏi nói lên thông tin đó. Mục đích là như vậy.

RFA: Như vậy phiên toà phúc thẩm blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh vào ngày 30 tháng 11 sắp tới sẽ không có sự tham dự của ông?

Luật sư Võ An Đôn: Tôi đã bị đuổi ra khỏi danh sách luật sư Phú Yên cho nên với tư cách luật sư thì tôi không còn nữa và không có quyền tham gia phiên toà bào chữa cho Mẹ Nấm ngày 30 tháng 11 năm 2017 nữa.

RFA: Không có  sự tham dự của ông thì diễn biến chung của phiên toà hôm sẽ bị ảnh hưởng như thế nào? Ông và các luật sư còn lại bào chữa cho Mẹ Nấm đã có trao đổi về sự thay đổi này?

Luật sư Võ An Đôn: Tôi không tham gia cũng sẽ có ảnh hưởng đến phiên toà. Thứ nhất là nhiều chi tiết sẽ không ai nói lên sự thật phiên toà và tình tiết mới của vụ án sẽ nhiều người không biết.

Cách đây khoảng 3,4 ngày tôi có vào gặp Mẹ Nấm trong trại giam. Mẹ Nấm cho biết thông tin là luật sư Hà Huy Sơn nói với Mẹ Nấm, khuyên là nhận tội và chỉ còn 2 luật sư thôi. Trước đây có 5 luật sư tham gia bào chữa, nhưng khuyên là chỉ còn 2 và từ chối tôi bào chữa. Mẹ Nấm không nghe lời khuyên, không chịu nhận tội và muốn tôi là người bào chữa. Cho nên họ tìm mọi cách để loại mình trước phiên toà. Đặc biệt hôm nay là ngày Chủ nhật nhưng Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên vẫn ráo tiết mở 1 cuộc họp để khai trừ tôi ra khỏi đoàn.

RFA: Gia đình của blogger Mẹ Nấm có chọn người thay thế không và phiên toà có bị trì hoãn hay không?

Luật sư Võ An Đôn: Tôi chưa liên lạc với gia đình Mẹ Nấm. Theo đúng luật thì phiên toà vẫn diễn ra bình thường. Những luật sư còn lại vẫn ra toà với những hồ sơ đã có. Không có gì thay đổi. Nhưng theo tôi thì có lẽ bản án sẽ giảm vì áp lực của dư luận trong nước và quốc tế sau phiên sơ thẩm

RFA: Sau khi thông tin này được đưa lên các trang mạng xã hội, cộng đồng mạng đã bày tỏ sự quan tâm rất lớn và nêu lên vấn đề rằng tuy Luật sư Võ An Đôn bị tước giấy hành nghề nhưng ông vẫn có thể đại diện pháp lý cho cá nhân khác hoặc tư vấn pháp luật. Ông có thể giải thích và cho biết cụ thể Quyết định của Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên ảnh hưởng như thế nào đến công việc của ông?

Luật sư Võ An Đôn: Họ tước giấy phép của tôi là không cho tôi tham gia những vụ án trước đây như vụ án chính trị, dân chủ nhân quyền, oan sai, 1 bên là người dân, 1 bên là chính quyền.

Sau khi tôi bị loại ra khỏi Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên thì tư cách luật sư tham gia ở các phiên toà sẽ không còn nữa, chỉ mang tính là 1 công dân biết pháp luật, được quyền tư vấn pháp luật.

Thứ hai là nhận uỷ quyền của người khác bên vụ án dân sự, còn vụ án hình sự thì không được ra toà với tư cách luật sư. Vụ án dân sự thì tôi được ra toà với tư cách là người được 1 công dân uỷ quyền, thay mặt người đó đi đến toà. Việc này ai cũng làm được. Công dân 18 tuổi trở lên là làm được.

Ví dụ 1 ông A khởi kiện ông B đòi nợ hoặc tranh chấp đất đai thì ông A hoặc ông B có quyền nhờ luật sư hoặc 1 người dân bình thường thay mình ra toà. Nhưng với những vụ án hình sự tức là vụ án khởi tốt đi tù, bắt giam thì phải ra toà với tư cách là 1 luật sư chứ với tư cách 1 người dân bình thường được uỷ quyền thì không được. Những luật sư chính thức gia nhập 1 đoàn luật sư nào đó mới được ra bào chữa. Còn luật sư có thẻ mà không gia nhập bất cứ 1 đoàn luật sư nào thì không được hành nghề luật sư.

RFA: Khả năng rút lại quyết định kỷ luật của Đoàn Luật sư Phú Yên có thể xảy ra không? Và cá nhân ông sẽ phản ứng với quyết định này như thế nào?

Luật sư Võ An Đôn: Không đâu. Khó lắm. Trừ khi dư luận phản ứng dữ dội. Ở đây, Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên rút thẻ hành nghề của tôi theo chỉ đạo của Liên đoàn, mà Liên đoàn là chỉ đạo của an ninh cấp trên chứ không phải Đoàn Luật Sư tự ý ra quyết định.

Tôi sẽ khiếu kiện lên Liên đoàn Luật sư Việt Nam vì việc cho mình ra khỏi danh sách đoàn luật sư Phú Yên là hoàn toàn không đúng pháp luật và mang tính chất mờ ám. Tôi không làm  gì sai trái, chỉ làm tròn trách nhiệm của 1 luật sư, nói lên sự thật, đứng về phía người nghèo bênh vực họ và bào chữa nhiều vụ án cho là nhạy cảm ở Việt Nam. Bên phía chính quyền người ta gây sức ép cho Liên đoàn Luật sư Phú Yên tước thẻ hành nghề của mình.

RFA: Xin cảm Luật sư Võ An Đôn.

Theo lời kể lại của Luật sư Võ An Đôn, Chủ nhiệm và  Phó Chủ nhiệm của Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên đã đưa ra 2 phiếu thuận để quyết định kỷ luật ông. Một phiếu chống duy nhất là của Luật sư Nguyễn Khả Thành. Sau cuộc nói chuyện, RFA đã liên lạc với Luật sư Nguyễn Hương Vơ, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên và Luật sư Nguyễn Tâm Hoàn, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên, là hai người đã đưa ra phiếu thuận, để hỏi về quyết định kỷ luật. Tuy nhiên điện thoại của cả hai vị luật sư này đều không liên lạc được. - RFA

15.
Kêu gọi thành lập liên đoàn luật sư độc lập

Chiều ngày 26/11/2017, Ban Chủ nhiệm đoàn luật sư tỉnh Phú Yên cho hay đã họp và bỏ phiếu “xóa tên ông Võ An Đôn khỏi danh sách Đoàn luật sư tỉnh Phú Yên”.

Báo Pháp luật TPHCM dẫn lời Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên cho hay, lý do kỷ luật là “ông Võ An Đôn đã lợi dụng quyền tự do ngôn luận, có nhiều bài viết, phát ngôn, trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài mang tính bịa đặt; nói xấu luật sư, các cơ quan tố tụng, Đảng, Nhà nước Việt Nam nhằm mục đích kích động, tuyên truyền, xuyên tạc, không đúng sự thật, gây ảnh hưởng đặc biệt xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước, các cơ quan tiến hành tố tụng và luật sư Việt Nam”.

Đài Á Châu Tự Do liên lạc với luật sư Võ An Đôn qua điện thoại, ông cho biết mình cảm thấy bất ngờ trước quyết định này, mặc dù đã tiên liệu trước. 

Ông Đôn cũng chia sẻ rằng khả năng Đoàn luật sư tỉnh Phú Yên kỷ luật ông thời điểm này nhằm không cho ông tham dự phiên tòa phúc thẩm blogger Mẹ Nấm.

Trong trường hợp này thì ngày 30-11 này diễn ra phiên tòa Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và tôi là 1 trong những luật sư bào chữa phúc thẩm.

Trước đó có thông tin là bên phía an ninh bắn tin cho luật sư Hà Huy Sơn là phải tìm cách loại tôi ra khỏi phiên tòa này.

Và đưa gửi 1 thông điệp cho Mẹ Nấm là từ chối 2 luật sư bào chữa trong đó có tôi thì sẽ được giảm án rất nhiều. Đó là phương án của người ta từ trước rồi!”

Cũng theo luật sư Võ An Đôn, khi bị loại khỏi Đoàn luật sư tỉnh Phú Yên thì có nghĩa là ông không được tham gia bào chữa bất kỳ phiên tòa nào nữa với vai trò luật sư.

Luật sư Võ An Đôn quê quán tỉnh Phú Yên, ông nổi lên với vai trò luật sư bảo vệ quyền cho gia đình nạn nhân Ngô Thanh Kiều trong vụ án 5 công an đánh chết người ở tỉnh Phú Yên hồi năm 2014.

Ông cũng thường xuyên tham gia bào chữa các vụ án chính trị xử những người bất đồng chính kiến ở Việt Nam, cũng như trả lời phỏng vấn các báo đài nước ngoài.

Năm 2015, Đoàn luật sư tỉnh Phú Yên cũng có văn bản gửi các cơ quan ban ngành tỉnh này đòi rút giấy phép hành nghề của luật sư Võ An Đôn nhưng vấp phải sự phản đối của dư luận .

Ngay sau khi có tin luật sư Võ An Đôn bị kỷ luật và loại khỏi Đoàn luật sư tỉnh Phú Yên, một số luật sư, bloggers, nhà báo đã lên tiếng phản đối quyết định của đoàn luật sư Phú Yên, động viên luật sư Võ An Đôn.

Luật sư Lê Công Định người cũng đã từng bị tù vì lên tiếng chỉ trích chính quyền viết trên facebook cá nhân của mình hôm 26/11 rằng việc xoá tên luật sư Võ An Đôn khỏi đoàn luật sư Phú Yên dẫn đến việc thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư 'một lần nữa chứng minh Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các Đoàn luật tỉnh thành ở nước này chỉ là con rối trong vở kịch công lý vụng về do đảng cầm quyền đạo diễn'.

Luật sư Trần Vũ Hải từ Hà Nội viết trên facebook cá nhân rằng quyết định khai trừ luật sư Võ An Đôn của đoàn luật sư Phú Yên là vì áp lực và đây là  một quyết định sai lầm.

Luật sư Lê Công Định cũng đề nghị luật sư Võ An Đôn cân nhắc việc thành lập Liên đoàn luật sư tự do Việt Nam để đối trọng lại với liên đoàn luật sư Việt Nam.

Lời đề nghị này cũng được Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động dân sự tán đồng. Ông viết trên facebook rằng các luật sư nên lập liên đoàn luật sư độc lập, và các luật sư càng phải biết quyền của mình. - RFA

Link:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét