Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 30 tháng 11, 2017

Thăm nuôi người tù cải tạo

Image result for người đàn bà đi thăm chồng tù cải tạo
 Từ hộp thư 7590 L2 T3 B4, anh viết về:
 ‘’ Kà Tum 25-8-1976,
M... yêu thương,
Từ Long Khánh anh được chuyển về Tây Ninh cách đây một tháng. Sáng nay trại cho phép anh viết thư. Anh mừng quá, viết cho em những lời yêu thương nồng nàn của những ngày đầu mình về với nhau
Rừng Kà Tum, vùng biên giới,  nơi toán cải tạo của anh đến ‘’ định cư’’ là một căn cứ mới được thành lập. Nơi đây mặc dù điều kiện vật chất khó khăn, nhưng anh hy vọng và tin rằng đây là giai đoạn cuối cùng trong thời gian học tập cải tạo, trước khi trở về với em, với con. Niềm vui và hy vọng đầu tiên là anh được phép viết thư báo tin người nhà được đi thăm nuôi…’’
<!>
 Kà Tum là địa danh của một khu rừng già nằm dọc theo biên giới Việt – Miên, về hướng Tây và cách thị xã Tây Ninh độ chừng 40 km.
Tháng này trời Kà Tum đang vào cuối mùa mưa. Thỉnh thoảng đâu đó còn để lại các vũng nước màu nâu sậm. Những người tù cải tạo mới đến, phát hoang, phá rừng để thành lập một khu trại tù cải tạo. Trại là những chòi tranh cất liền nhau, gọi lá ''láng'', tập trung thành từng khu, mang tên, T1, T2, T3,…chạy dọc theo biên giới Việt-Miên.
Nhờ địa thế rừng rậm, sát biên giới cho nên Katum trước kia được cộng sản sử dụng như khu an toàn trong mật khu Dương Minh Châu.
Từ thị xã Tây Ninh chỉ có một con đường đất gập ghềnh duy nhất để cho các xe thồ, xe ôm, xe hàng dã chiến…chế biến từ các xe phế thải,…đưa các hành khách bất đắc dĩ đến khu rừng Katum hẻo lánh, xa xôi này.
Con đường dài không quá 40 km, không bị ‘’ Việt cộng đấp mô chận đường,..’’ thế mà phải mất từ 4 đến 5 tiếng đồng hồ mới gặp được người tù thân yêu.
Nhận được thư anh, tôi mừng vô hạn.Tôi báo tin cho Bá Má tôi biết, tôi được đi thăm chồng.Tôi gởi bé Khôi – thằng bé khi sinh ra không có Cha bên cạnh, nay đã gần tròn nửa năm – cho Bà Ngoại. Tôi quyết định đi thăm anh một mình. Tôi hình dung ra con đường lầy lội, chen chúc trong những chiếc xe ọp ẹp, ngồi cả ngày trời trong cái nắng, cơn mưa,..chắc chắn bé Khôi, con của anh không chịu được.
Tôi thức dậy sớm, ra bến xe tỉnh, lấy vé đi Sài Gòn. Khi đổi chuyến xe từ Sài Gòn về đến Tây Ninh, trời đã sụp tối. Trong lúc tìm nơi nghỉ trọ, tôi chợt nhớ đến một cô bạn thân, trước kia cùng chung học tại trường Trung Học, có chồng Tây Ninh. Tôi tìm đến nhà cô bạn. Cô bạn không có ở nhà, nhưng cò bà mẹ chồng.  Bà vui lòng cho tôi tá túc qua đêm khi nghe tôi kể chuyện đi thăm anh ở trại tù kà Tum. Sáng hôm sau, cô em chồng của cô bạn chở tôi ra bến xe. Ngang qua khu chợ tuy còn lờ mờ tối, nhưng đã có nhiều người rộn ràng bày hàng và người mua hàng qua lại, tôi ghé mua thêm hai xâu bánh dừa, cái bánh mà anh và tôi vẫn thường thích ăn. Nhớ lại những ngày cuối tuần, từ Sài Gòn anh về thăm tôi, khi xe đò ghé lại Vũng Liêm, anh mua vài xâu đem về làm quà cho tôi.
Trên bãi đã có đậu sẵn 3 chiếc xe,  ghi bảng Tây Ninh – Katum, dành riêng cho khách thăm nuôi tù cải tạo. Đó là ba chiếc xe loại nhỏ, phòng lái chỉ đủ cho tài xế và một người khách. Phía sau là một cái thùng trống. Trong thùng, có 2 cái băng dài, đóng chặt  vào thành xe và một cái băng giữa, thả lỏng. Loại xe chỉ dùng để chuyển chở hành khách trên các đoạn đường ngắn, ở những vùng hẻo lánh.
Mặt trời vừa ló dạng ở phương Đông. Những tia nắng sớm, lung linh thật nhẹ nhàng, xuyên qua những tàn cây, dường như còn mang chút sương mù của đêm qua.
Thật ra, đây là một phần của công viên ngày xưa…Nay vì không có người chăm sóc nên công viên bị bỏ hoang, cây cỏ mọc lan tràn. Cộng sản đã dùng khu công viên cũ này như bãi đậu xe, đặc biết dành riêng cho hành khách đi thăm nuôi thân nhân  tại trại tù cải tạo Katum.
Khi bước vào bãi, tôi thấy mấy người cùng cảnh ngộ như tôi, tụ tập khá đông. Một số đã vào ngồi trong xe; số khác còn đang quây quần chung quanh một cái bàn nhỏ. Trên bàn có một miếng gỗ, ghi hàng chữ màu đỏ: Trạm Kiểm Soát.
Họ đến đó để trình giấy đi đường và giấy phép thăm nuôi.
Hai bàn tay xách hai cái giỏ thức ăn vừa đủ nặng, trong đó lon guigoz đựng đường, món ăn duy nhất anh dặn dò tôi cố gắng đem theo, tôi bước vội đến xếp hàng, đứng chờ đến phiên mình trình giấy tờ.
‘’ – Chồng chị ở T nào ? ‘’
Tôi nghe giọng của người đàn bà gốc miền Bắc ở phía sau hỏi vọng tới. Tôi quay lại, hơi ấp úng, nhưng cuối cùng tôi cũng cố tươi cười thân thiện:
‘’ – T3, B4. Còn chị, ảnh ở trại nào?’’
‘’ – T2, B2 ‘’
Thấy cái vẻ lúng túng của tôi, chị hỏi thăm dò:
‘’- Lần đầu chị đi thăm chồng phải không?’’
Tôi gật đầu.
Người đàn bà đứng phía trước tôi bước lên xe, tôi cũng chen chân theo, tìm một chổ ngồi ở cái băng hàng bên trái xe. Không mấy chốc, xe đầy khách. Những mẫu chuyện trao đổi của những người đi thăm nuôi không cùng lứa tuổi, không cùng giọng phát âm, nhưng tôi cảm nhận ở họ cùng có chung cùng tâm trạng với tôi. Họ tỏ ra thân mật với nhau một cách nhanh chóng, dễ dàng, như có một định mệnh nào đó đã đưa họ đến đây để cùng chia sẻ số phận.
Chiếc xe chở đầy khách mà đa số là đàn bà, ì ạch rời thị xã, lắc lư chạy trên con đường đất lồi lõm, đầy ổ gà ngập nước mưa.
Gần giữa trưa, xe dừng lại ở ngã ba Đồng Bang. Ngã ba bình thường là tụ điểm của  trục lộ giao thông, xe qua xe lại, người lên kẻ xuống, hàng quán rộn ràng,…nhưng ngã ba Đồng Bang ở đây không có cái sắc thái sầm uất  nhộn nhịp đó. Ngã ba Đồng Bang thật vắng lạnh. Ngã ba buồn thiu như đang đi vào cõi chết.
Ở góc đường bên tay phải, tôi thấy chỉ có một quán tranh lụp xụp. Trước cửa treo lủng lẳng một nãi chuối, vỏ từ màu vàng sậm đã bắt đầu ngả dần qua màu đen, mà không thấy người bán hàng.
Phía trước mặt, phía bên trái,  là con đường mòn đất nhỏ, dẫn đến các trại tù cải tạo nằm sâu trong rừng.
Xe tiếp tục bò lên phía trước. Trên một đoạn đường, cách ngã ba Đồng Bang ở phía sau độ chừng 5 hoặc  6 km, xuất hiện một đoàn tù cải tạo đi thành hàng dọc theo lề đường. Cứ cách 7, 8 người tù, có một người lính cộng sản tay cầm súng đi canh chừng bên cạnh. Khi chiếc xe chạy ngang qua, những người tù len lén nhìn lên và nhìn theo chiếc xe như để tìm thân nhân.
‘’ – Đây là trại T3, có ai xuống không? ‘’
Người tài xế  cho xe chạy chậm lại và quay ra phía sau la lớn.
‘’ – Dạ có. ‘’
Có hai ba tiếng trả lời đồng loạt.
Xe đừng lại bên đường.
Hai người đàn bà ngồi đối diện và tôi cùng bước xuống xe.
Người tài xế lấy mấy giỏ hành lý đặt xuống đất, rồi tiếp tục chạy đến các ‘’ T’’ khác.
Một chị gánh 2 cái cần xé thức ăn, dường như đã quen, băng qua đường, rời con lộ chính, bước vào con đường mòn cỏ mòn, đi nhanh về khu rừng trước mặt. Tôi và người đàn bà thứ hai bước theo.
Băng qua một lùm cây, rồi một khoảng trống dài, xuất hiện trước mặt tôi một căn nhà tranh.
Cả ba chúng tôi, cùng với hành lý, theo hướng chỉ dẫn của người lính đứng bên ngoài căn nhà, đi vào bên trong. Căn nhà được dựng bằng mấy cột tre và cái nóc tranh. Bốn vách tranh chỉ cao khỏi mặt đất chừng 1 thước. Phần còn lại để trống. Căn nhà là trạm tiếp tân của trại tù.
Giữa căn nhà có một cái bàn gỗ. Một người lính cộng sản ngồi sau cái bàn đang đọc giấy tờ thăm nuôi. Hai người đàn bà đi với tôi đã làm xong thủ tục và rời trạm kiểm soát với cùng với người thân của mình.
Người lính cộng sản nhìn tôi, cất giọng:
‘’ – Còn chị, chị đi thăm ai? ”
‘’ -  Dạ thưa, tôi đi thăm chồng tôi, .Trần …., A1, B4…’’
Người lính cộng sản cầm lấy lấy tờ giấy, đọc thoáng qua, rồi bão tôi ngồi chờ.
Tôi quay ra, tìm đến cái ghế dài, do mấy cành cây khô ghép lại, đặt dọc vách tranh, lòng nôn nao khó tả. Lúc ngồi, lúc đứng, mắt ngong ngóng nhìn về phía trại.
Suốt hơn 4 tiếng đồng hồ ngồi trên xe chật chội mà tôi không thấy lâu bằng giây phút ngồi trong căn nhà ‘’ tiếp tân ‘’ này.
Bỗng từ phía sau bụi cây xanh cách căn nhà tiếp tân mươi thước, tôi nhận ra dáng anh thấp thoáng. Anh mặc bộ độ lính màu xanh lá cây, rộng phình phàn và cũ mốc. Quần xăn lên khỏi mắt cá, chân mang hai mảnh gỗ như đôi guốc, nhờ 2 sợi cao su gắn chéo giữ chật bàn chân.
Tôi đứng lên đi về phía cửa, đón anh.
Anh bước vào nhìn tôi thật nhanh rồi nghiêng đầu chào người lính. Người lính vẫn ngồi đó, trên tay cầm cây viết khỏ nhẹ xuống mặt bàn, đưa mắt nhìn anh, rồi nhìn tôi như là một nhân chứng cho giây phút tái ngộ của đôi vợ chồng trẻ.
Rồi, hai đứa chúng tôi nhìn nhau thật lâu, không nói nên lời.  Anh chợt cười thật nhẹ. Tôi nhận ra có cái gì đó không tròn trên nụ cười của anh. Ôi cái nụ cười cao vút, vô tư của ngày nào trên hành lang của giảng đường, mỗi lần anh và tôi gặp nhau, không còn nữa. Có phải vì đã trải qua nhiều trại tù kham khổ, với những địa danh không mấy quen thuộc Trảng Lớn, Long Khánh, Katum, hay vì tư tưởng đã bị gông trong hơn một năm qua, đã biến đổi không những cái dáng dấp thân người  mà cả nụ cười hồn nhiên và quen thuộc của anh???
Tôi muốn đưa đôi bàn tay nắm lấy tay anh, ôm anh vào lòng mà,…sao vẫn không làm được.
Anh nhìn tôi, khẻ nói:
‘’ – Em, mình đi về trại ‘’.
Nói xong, anh chồm người xuống, xách 2 cái giỏ đựng thức ăn, bước ra khỏi căn nhà tiếp tân. Tôi bước theo anh, sau khi ngỏ lời cám ơn và chào người lính kiểm soát giấy tờ.
Một lúc sau, chúng tôi đến một vùng đất vừa mới khai hoang. Đó đây còn để lại các gốc cây thầu dầu thật lớn. Trời đã vào xế chiều. Anh nắng đã bắt đầu ngả vàng, đổ lên vùng đất còn bay mùi nhựa gỗ vừa mới bị chặt bị cưa,..
Ở giữa khu đất hoang là hai dãy nhà nằm song song. Mỗi dãy gồm nhiều căn chòi ghép đôi, nằm xây lưng vào nhau. Chòi được lợp bằng những tấm tranh thưa. Ngồi trong chòi bên này, tôi có thể thấy thoáng thoáng người và nghe cả tiếng nói chuyện của người bên kia…
Vài cụm khói tỏa lên cao, từ những cái bếp dã chiến, được dựng lên bằng ba cục đá chu đầu vào nhau như trong những câu chuyện huyền thoại Ba Ông Táo ngày xưa. Từng gia đình thăm nuôi quây quần thổi lửa, chuẩn bị cho buổi cơm chiều…
Ngồi trong chồi tranh, nhìn quanh, tôi lấy lại bình tỉnh sau chuyến đi kinh hoàng và nhất là sau giấy phút gặp lại anh.
Một anh bạn tù cùng lán với chồng tôi,  anh Sáu - Nguyễn Sáu – mang vào một thùng nước, kèm theo một cái lon bằng nhom, móp méo. Tôi ngạc nhiên nhìn hai cái dụng cụ bằng kim loại, xuất hiện ở giữa rừng cây này. Anh Sáu đặt thùng nước xuống đất, tỏ vẻ hiểu ý. Anh chào tôi, hỏi thăm chuyến đi,  kể qua loa vài chuyện sinh hoạt trong trại và nguồn gốc của cái thùng thiếc và cái lon nhôm. Anh Sáu cho biết, đó là những dụng cụ do chính các anh tự biến chế ra. Vật liệu được tìm thấy khi đến tạm trú lần đầu tiên tại sân bay lúc còn ở Trảng Lớn và nhất là tại khu gia binh ở Long Khánh.Thùng đựng đạn làm nồi nấu canh, nấu cơm, miếng tole làm thùng chưa nước, , lon guigoz làm ấm nấu nước nóng pha trà, pha cà phê, nấu rễ tranh … Nòng súng chống chiến xa làm ống thuốc lào, vòng đeo tay, mài làm dao, làm lược, làm thùng đàn guitar…
Khi anh Sáu rời chòi, tôi mới đến gần và nhìn chồng tôi rõ ràng hơn.
Tôi không còn nhận ra cái dáng vóc thanh nhã, vô tư của một ông thầy giáo ngày nào. Da anh đen sạm và óm nhiều. Cái thân hình của anh như bơi trong bộ quần áo nhà binh rộng quá cỡ. Đôi mắt thâm sâu, hai gò má nhô lên làm cho gương mặt của anh dài ra và già hơn lứa tuổi.
Nắm tay anh, tôi tay gầy guộc, lòng tôi se lại. Tôi thương anh vô cùng. Anh ghì chặt lấy tôi, ôm thật chặt. Tựa đầu vào vai anh, tôi kể cho anh nghe chuyện bé Khôi, con của anh. Tôi đưa cho anh xem tấm hình bé Khôi do ông Ngoại chụp lúc Khôi gần nửa năm tuổi. Anh nhìn chăm chú thằng bé trong hình. Đôi mắt anh bắt đầu đỏ. Rồi tôi kể cho anh nghe cuộc sống cùng cực của gia đình ở quê nhà, chuyện quái gỡ xảy ra ở trường, chuyện thay lòng đổi dạ vì miếng ăn, cái sống của đồng nghiệp,…
Mặt trời đã tắt hẵn ở phía sau cánh rừng. Các bếp lộ thiên cũng không còn bốc khói.  Bóng tối đã tràn vào căn chòi. Đàn muỗi rừng bắt đầu rời tùm lá xanh, bay vào các căn chòi, đi tìm máu người.
Các chòi đã lên đèn.
Nằm bên anh, tôi lắng nghe anh kể chuyện.
Nhóm của anh, thuộc A1. Các mẫu tự A, B, C, K….là ký hiệu để chỉ con số người, tụ lại nhánh nhóm.  Cũng giống như ngày xưa trong quân đội. 10 người tù lập thành 1 A ( tương đương 1 tiểu đội ) .  Bốn A, tức là 40 người tù, lập thành B,( cũng như một trung đội )…
Trong A của anh, đa số  là những quân nhân có ngành nghề chuyên môn.
Anh Nguyễn Vũ Phấn là Đại úy quân y nhà ở Phú Nhuận. Anh Nguyễn Văn Khôi, còn rất trẻ, chưa có gia đình là Trung Úy quân y  nhà ở Khánh Hội. Anh Nguyễn Ngọc Tường, gốc ở Ban Mê Thuộc, Trung Úy Nha sĩ, cũng vừa cưới vợ, có đứa con đầu lòng chư thấy mặt. Anh Nguyễn Sáu, còn độc thân, quê ở Đà Nẵng, giáo sư kỹ thuật trung tâm huấn nghiệp Thủ Đức. Anh Đàm Xuân Việt, Trung Úy kiến trúc sư….
Trong A, các anh chia nhau từng miếng cơm, từng cộng rau, từng hạt muối. Khi làm công tác, các anh phụ giúp nhau tận tình., từ công tác chặt tre, đốn cây, đốt than, xây nhà, cắt tranh, cưa gỗ cho đến nấu ăn, dọn dẹp quanh trại.
Anh Sáu là người khỏe nhất trong A. Anh Sáu, rất trẻ,  có một thân hình to lớn, chắc nịch. Trong khi đó anh Phấn lớn tuổi hơn, cho nên, thường, anh Sáu nhận các công tác nặng thay cho anh Phấn. Anh Tường có gương mặt rất thông minh, đôi mắt sáng quắt, nhanh nhẹn và rất chân tình. Anh Việt, với biệt tài xây cất, anh đã giúp anh em trong A, làm những cái giường ngủ rất là …kỹ thuật. Phần lớn, các căn nhà trong trại tù là do anh,…thiết kế và tính toán vật liệu xây cất.
Các anh chia nhau thay phiên ,…phục vụ cho nhau trong ngày có người thân thăm nuôi. Như xách nước, nấu trà, pha cà phê…Chiều nay, anh Sáu phụ vụ nước tắm  cho chồng tôi. Ngày mai đến phiên anh Tường …
Các anh có đủ kiến thức, có thừa khả năng để làm nền tảng cho một đất nước văn minh, cho một quốc gia giàu mạnh. Quê hương của các anh là Miền Nam. Con lốc đau thương Tháng Tư lịch sử đã lùa các anh vào rừng hoang, mà ‘’ họ’’ gọi là đi học tập cải tạo. Học tập cái gì ở trong rừng hoang ???!!! Cải tạo cái gì trong góc núi ???!!!
Mới đó mà tôi đã nghe tiếng gà rừng gáy ở phía sau khu trại. Tôi nhìn chung quanh, dường như suốt đêm chẳng có ai chịu chợp mắt.
Sáng nay anh Tường đến thật sớm, đem cho chúng tôi một lon guigoz nước trà nóng.
6.30 giờ, được lệnh các người tù được thăm nuôi phải trở về trại và tất cả người thăm nuôi phải tập hợp tại căn nhà tiếp tân để ra xe trở về.
Anh trao cho tôi một cái lược bằng nhôm, trên đó có khắt chữ L.K. 1975. Đó là kỷ vật đầu tiên anh làm lúc còn ở trại tù Long Khánh năm 1975. Một con ngựa gỗ làm quà cho đưa con trai đầu lòng chưa thấy mặt. Con ngựa này, theo như anh kể, là làm theo con ngựa mẫu của anh kiến trúc sư Đàm Thanh Việt. Và món quà cuối cùng mà anh đã làm trong suốt thời gian rảnh rỗi khi vào rừng đốn cây hay vào những buổi chiều sau bữa ăn tối. Đó là chiếc giỏ đan bằng những sợi mây nhỏ.

 


Có cái gì đó làm nghẹn trong cổ. Tôi từ giã anh bằng hai tiếng nhẹ nhàng :
‘’ – Em về ! “.
Tôi theo đòan người thăm nuôi, trở ra con lộ cái, êm lặng đứng chờ xe.
 Biết co bao nhiêu người vợ không có cái cơ hội đi thăm chồng bởi vì người chồng của họ đã nằm xuống trong rừng hoang vì không có thuốc để trị bịnh, kiệt sức vì không đủ ăn, không may mắn trốn thoát trại tù hay .. vì chống lại cách hành xử vô nhân đạo của cai tù ???…
Biết bao giờ cái địa ngục trần gian này phải chấm dứt ???
Biết bao giờ, các bà vợ được ngủ yên trên cánh tay của người chồng thân yêu ???
Làm sao có thể trả lời được  bởi vì con người tôi, con người Miền Nam quá nhỏ trong cái chủ nghĩa cộng sản độc tài bịp bợm, lừa đão to lớn kia.
Chiếc xe đưa người thăm nuôi trở lại thành phố, bỏ lại đằng sau đám bụi mù.
Những người khách ngồi yên lặng trên xe, ngủ gà ngủ gật, vì qua một đêm dài thức trắng. Cũng có thể họ êm lặng để tận hưởng dư âm của một đêm hội ngộ, sau bao nhiêu tháng năm dài xa vắng.
Tôi cũng chìm trong cái không gian yên tỉnh đó. Tôi nghĩ đến bé Khôi, nghĩ đến cách làm sao cho bắt kịp chuyến xe  về luôn đến nhà trong ngày.
Những người đàn bà trở lại thành phố với những cái giỏ trống không,…để ngày mai tiếp tục làm thân con cò lặn lội bờ sông, mong một ngày nào đó nhận được thư chồng báo tin, gồng gánh trở lại thăm nuôi người tù cải tạo../

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét