Người đàn ông có vẻ lo ngại khi nhìn cách ăn của cô gái. Anh cầm tay cô:– Coi chừng bị boulimie. Có chuyện gì vậy?Cô ngước lên bướng bỉnh:– Có gì đâu. Anh từ Paris xuống đây nói là để nhờ em cái gì đó, sao không nói đi.– Ừ thì anh sẽ nhờ em một việc. Nhưng hình như em có cái gì bực mình thì nói anh nghe cái đã. Nhìn cách em ăn là anh hiểu. Nói đi!Cô gái đặt nĩa xuống, nhìn thẳng vào mắt anh với cái nhìn sôi nổi rồi buông thõng:Người đàn ông không cười. Bóp nhẹ tay cô, anh nói gần như trang trọng:– Anh sẽ không báo cảnh sát, cũng không ngăn cản em giết người đâu. Nhưng phải nói cho anh nghe chuyện gì cái đã.Khuôn mặt dịu hiền bỗng có cái gì đanh đá lại, môi bĩu ra với vẻ khinh bỉ, cô nheo mắt hỏi:– Anh biết em vừa gặp một bịnh nhân như thế nào không? (Im lặng). Một ông già dê mà em muốn quên đi bởi vì ông ta vừa là kẻ gieo tai hoạ cho em, vừa là ân nhân của em.Lại im lặng. Biết tánh cô gái, anh không hỏi gì giữa chừng câu chuyện, anh để cô cứ tự động lần lượt kể ra thứ tự theo ý cô. Anh chỉ nhìn cô với cái nhìn khích lệ và chờ đợi.– Trước bảy lăm ông ta là chủ ngân hàng, là bạn của bố em. Sau tháng tư bảy lăm bố em đi học tập vì bị coi là một loại luật sư chống cộng, lại viết báo nọ kia, ông ta hay tới lui thăm mẹ con em hơn, gọi là thăm nom vợ con bạn bè. Em với mẹ bán hàng cà phê trước cổng toà án, ông ta bảo dẹp đi, để ông ta giúp đỡ. Thật ra thì bán để cho là có làm gì chớ lời lãi nào được mấy đồng. Ai cũng đổ ra lề đường bán cà phê thì mẹ con em cũng làm vì không biết làm gì khác. Một hôm ông ta nhắn em tới gặp ông ta…Cô gái đi vào ngân hàng. Không một ai chú ý đến cô vì tất cả nhân viên nam nữ đang quây quần bên cái cân để chia nhau khẩu phần bột mì và bánh bích qui, loại bánh nội địa luôn luôn có mùi ẩm mốc dù mới ra lò. Không một thân chủ nào khác ngoài cô. Các bàn làm việc không một thứ giấy tờ hồ sơ gì, ngoài một lớp bụi trắng của bột mì và mẩu bánh vụn vương vãi. Chỉ mấy tháng sau ngày “giải phóng” mà một ngân hàng thuộc loại nhất nhì Sài gòn đã trở thành bẩn thỉu, tiêu điều và vô trật tự. Trời hâm hấp nóng. Hệ thống máy lạnh trước kia bị coi là xa xỉ. Quạt máy mắc trên tường bị coi là phí điện – và dù không phí thì chúng cũng bị tháo gỡ đi đâu mất rồi. Tất cả phải được giảm thiểu và tiết kiệm tối đa. Các cánh cửa mở toang cho không khí có chỗ đi vào cùng bụi bặm và tiếng ồn ào ngoài phố. Nhân viên nhễ nhại mồ hôi không phải bận bịu vì công việc mà nhọc nhằn vì miếng ăn. Những khuôn mặt băn khoăn, bồn chồn cau có không phải vì gặp rắc rối trong hồ sơ thân chủ mà chỉ vì một vài gam bánh nhẹ hơn phần mình được hưởng. Không còn những tà áo dài, không còn những chiếc sơ mi trắng phau và cà vạt. Không còn những khuôn mặt tươi tắn có chút phấn son và những nụ cười săn đón, chỉ còn lại những cặp mày chau và ánh mắt dè chừng. Tiếng nhao nhao chia phần, tiếng phê bình chất lượng, tiếng gọi nhau bảo đưa nộp phiếu lương thực… tất cả làm cô choáng váng. Cô bước vội lên cầu thang, thẳng tới phòng giám đốc, nơi cô vẫn thường theo bố lui tới ngày xưa…– Nhưng có một ông nào lạ hoắc, bận đồ cán bộ, bảo là ông ấy đâu có ở ngân hàng nữa, chỉ thỉnh thoảng mới tới khi nào cần gì về việc giấy tờ thôi, vì ngân hàng đã được tiếp quản rồi. Em bỡ ngỡ quá, không hiểu ông ta bảo em tới là tới đâu? Sau em nghĩ chắc phải tới nhà. Mẹ vẫn thường trách em đoảng vị, hẹn hò gì với ai cứ nhầm chỗ hoài. Thế là em tới nhà ông ta.Ông ta ra tận cổng đón, vui vẻ thân mật lắm, rồi bảo em ngồi chờ ông ta đi tắm một cái chớ mới đánh ten nít xong còn nực quá. Bà giúp việc người Tàu rót nước ngọt cho em. Em ngồi chờ ở phòng khách.Cô gái uống nhâm nhi từng ngụm nước coca và đảo mắt nhìn quanh như mỗi lần cô đến với bố mẹ. Con thích phòng khách của bác quá, nó trang nhã và sang trọng làm sao mẹ nhỉ. Rồi cô se sẽ bỏ giày ra, dạo đôi chân trần trên tấm thảm dày để cho cái êm ái len lỏi vào lòng bàn chân. Cô đi tới đi lui, mắt khép hờ như để tận hưởng cái cảm giác tuyệt vời ấy. Cả căn nhà thênh thang im vắng một cách lạ lùng. Vợ con ông ta đã đi Pháp từ những ngày Sài gòn chưa xáo trộn. Họ có thừa tiền và biết thừa tin tức để thu xếp con đường đi đến thiên đường. Bà người làm già kín đáo trung thành như một con chó nhỏ. Hình như bà nếu không câm thì cũng điếc, bởi cô chẳng bao giờ nghe bà nói một tiếng, trừ nụ cười lúc nào cũng trên môi, lúc nào trông cũng hiền hậu và nhẫn nhục. Mỗi lần bà xuất hiện hay biến đi thì chẳng khác nào một bà tiên, luôn luôn êm ái và bất ngờ. Qua đôi mắt hé mở, cô nhìn những bức tranh lụa trên tường. Những bức tranh này họ mua từ bên Tàu, nghe nói mỗi bức đáng một gia tài, được lồng trong những khung mạ vàng óng ánh sạch như lau. Rồi các đồ vật chưng trong tủ, trên bàn, những món xinh xắn, tao nhã, qúy giá, được mua trong những lần ông hay bà hay cả ông bà đi du lịch đó đây… Mỗi món tượng trưng cho môt xứ sở, một vùng, một lịch sử hay có khi chỉ là một kỷ niệm riêng tư. Căn nhà này như chứa đụng cả thế giới, một thế giới vương giả, an bình, được trời tối đa chiều đãi. Ðã bao lần cô đến đây với bố mẹ, đã bao lần cô ngắm nhìn những món đó, mà lạ, mỗi lần nhìn chúng cô vẫn thấy cứ như lần đầu. Cô nhìn say sưa, âu yếm. Bức tranh người đàn bà đội trên đầu cái vương miện hình con công không còn trên tường như cô vẫn thấy trước kia nữa. Bác nói bức tranh đó thuộc loại rất cổ, đâu cả gần hai ngàn năm. Con công trên đầu tượng trưng cho sự dũng mãnh của phái nam và người đàn bà chắp hai tay tượng trưng cho sự nhẫn nhục chịu đựng của phái nữ – nhưng không phải chịu đựng với vẻ khổ sở bởi nét mặt bà ta thanh thản an vui kỳ lạ. Hai cây kiếm Nhật Bản thời các sứ quân vẫn treo chéo nhau trên tường cũng không còn nữa. Cô nhớ tới những viên ngọc màu xanh biển, những viên ngọc hồng lựu gắn trên chuôi kiếm, mẹ nói cứ mỗi một hạt đủ nuôi sống một gia đình đông con trong nhiều tháng… Bỗng cô giật mình bước nhanh về phía đôi giày vì từ sau lưng cô, ông ta bảo vào đây bác chỉ cho cái này.– Một lát sau em nghe ông ta bảo vào đây bác chỉ cho cái này. Em quay lại thì thấy ông ta mặc quần sọt trắng và áo sơ mi hở cổ. Phải nói là coi ông ta rất đẹp và trẻ so với tuổi. Em theo ông vô nhà trong. Thường hồi xưa ổng cũng bảo bố vào ổng chỉ cho cái gì đó rồi hai ông cùng cười ha hả với nhau. Lúc đó em cũng nghĩ là có cái gì vui vui ổng muốn chỉ cho em…Cô gái vừa bước vào thì cánh cửa phòng khách khép lại sau lưng, ngăn cách cô với thế giới bên ngoài. Ông ta đẩy nhẹ lưng cô tới phía trước, một khoảng hành lang ngắn lót đá cẩm thạch láng bóng, ở góc tường có bình hoa nhỏ đặt trên chiếc bàn thấp cũng bằng đá. Tường dán bằng loại giấy hoa ít khi thấy ở nhà ai, màu kem nhạt có hình kỷ hà màu hổ phách và tím than. Lại còn những bức tranh cảnh tuyết rơi trên tháp chuông nhà thờ bên Pháp, những ruộng nho xanh tươi ngút ngàn bên Ý! Lại còn những chao đèn nho nhỏ gắn sát vào tường toả ra một ánh sáng dịu nhẹ! Và rồi còn một mùi thơm thoang thoảng như mùi hoa lài lẫn vào bầu không khí ấm cúng kín đáo đó. Trong nhà này cái gì cũng hài hoà xinh đẹp đến cảm động. Tất cả đều có vẻ quyến rũ, nồng nàn và tao nhã. Cô bước đi với những bước chân e thẹn, bỡ ngỡ như người vừa nhìn thấy một kỳ quan. Cô đi bằng những bước chân lửng lơ như bước hụt. Bỗng ông ta kéo cô vào căn phòng bên phải. Cánh cửa lại đóng sập sau lưng, với tiếng khoá tách nhẹ và vội. Lúc đó thì cô bước hụt thật sự vì không hiểu gì cả, vì trông thấy cái giường sang trọng thênh thang trước mặt, vì biết là ông ta không cho cô xem cái gì hay ho vui vẻ. Cô quay người lại:– Ơ kià bác ơi, sao…Ông ta ôm chầm lấy cô:– Ơ, không sao cả. Bác thương con lắm.Cô gái cố giẫy giụa nhưng vòng tay như gọng kìm cứ khép mỗi lúc một chặt hơn và cứng như sắt. Cặp môi ông nóng nảy bồn chồn mải miết khắp mặt mũi cô, tham lam, cuống quýt. Rồi bàn tay ông ta lần mò sợi dây kéo của cái rốp cô gái. Một tiếng soạt kéo dài và cô nói như khóc ô bác ơi bác làm gì vậy bác có làm gì đâu con bác thương con mà bác không làm con đau đâu đừng sợ ơ kià bác ơi bác làm con sợ quá đừng sợ gì cả con cứ tự nhiên để bác thương con bác làm con vui nè bộ con không thích bác cưng như vầy sao trời đất ơi bác ơi chết con mất con đừng la bác thương con quá mà… Hai tay ông hối hả, cuống cuồng sờ soạng, run rẩy, thiêu đốt. Hơi thở dồn dập, sôi nổi, ngắt quãng, hạo hực.– Chẳng có gì để chỉ cho em cả, ông ta đè em lên giường. Sau đó thì em khóc như mưa.Cô cắn môi có vẻ bứt rứt:– Lạ là em vừa căm phẫn, vừa như cần ông ôm chặt lấy em chớ buông ra thì em chắc chết mất vì sợ.Ông ta vẫn ôm cô gái trong lòng, vuốt ve trìu mến. Cô gái có vẻ đau đớn sợ hãi khóc rấm rứt trong vòng tay bao bọc của ông. Những giọt nước mắt tội nghiệp, nóng hổi trong suốt, lăn chảy không ngừng. Ông rút một chiếc khăn giấy không biết từ đâu – nhà này cứ như có phép lạ – lau nhẹ nhàng âu yếm khắp mặt mũi cô. Cô nép chặt vào người ông, run như con chim non. Hôn nhẹ lên trán cô, ông bảo:– Nín đi nghe bác nói cái này. Bác sẽ lo cho con đi. Bác có bạn đang tổ chức vượt biên, bác sẽ gửi con đi với họ chớ ở đây thì con chẳng làm được cái gì. Bác là vì có kinh tài cho tụi nó nên tụi nó còn để bác yên, bác đổ của cho tụi nó quá nhiều rồi nên tụi nó còn nể nang bác chút đỉnh. Mà rồi cũng phải lo đi thôi chớ trước sau gì thì tụi nó cũng trở mặt. Ðược ngày nào hay ngày nấy. Thôi con nín đi. Con đau lắm hả? Bác xin lỗi. (Giọng ông nhỏ đi) Bác cũng chỉ là một con người yếu đuối. Nhưng bác thương con. Lần tới sẽ hết đau, con đừng lo.– Rồi ổng còn hẹn hò em là lần tới sẽ hết đau mới tức cười chớ! Vậy rồi anh biết sao không? Tuần sau ổng lại nhắn em tới nữa. Dĩ nhiên là em không dám kể cho mẹ nghe. Mẹ thì vì không biết chuyện, ổng lại giúp đỡ mẹ con em rất nhiều, cả tiền bạc để sống và để ra tận ngoài Bắc thăm nuôi bố, nên mẹ không muốn em làm gì phật lòng bác hết cả, tưởng ổng thương em như con thật. Em cứ đi chơi, gần tối lại mò về nhà thì mẹ biết đâu là em tới bác hay không.Cô gái chợt thở dài, mặt sa sầm:– Anh biết không, bây giờ thì em lạnh cả người khi nghĩ là chắc mẹ cũng có gì với ông ta rồi. Hồi đó ổng thường mời mẹ đi ăn, đi chơi, mỗi lần về mẹ lại có tiền. Trời ơi cứ như hai mẹ con em làm điếm không bằng. Rồi từ ngày chộp em, ông ấy mời mẹ thưa dần đi. Mà cũng chả lâu la gì vì hai tháng sau là em đi vượt biên rồi. Em có bị lần thứ nhì vì mẹ sai em đem thư bố đến cho ông ta, em không tránh vào đâu được. Rồi ông ấy lo cho em đi thật. Mẹ phải ở lại vì còn thăm nuôi bố…Những ngày lênh đênh trên biển, trên nắng dưới nước, giữa là hàng trăm sinh mạng trên một chiếc tàu chỉ chứa được một nửa. Cái sợ, cái đói, cái khát của hàng trăm con người cùng lúc nổi lên, nó biến người ta gần như không còn là con người nữa. Người ta ganh nhau, chửi nhau vì một ngụm nước. Người ta đánh nhau vì một muỗng mì gói. Cái nắng thiêu đốt làm người ta nổi điên. Mùi xú uế lợm giọng làm người ta chết ngộp. Ðủ kiểu chết, vì điên, vì sợ, vì thiếu ăn. Có người “thấy” thân nhân đứng trên mặt nước vẫy tay gọi, thế là họ nhảy tòm xuống biển. Nhiều gia đình chồng ôm vợ chết lả trong tay. Nhiều đứa bé đỏ lừ dưới nắng như tôm rồi lên cơn động kinh và chết. Nhiều người đứng tuổi kiệt sức, chết lịm. Rồi những cái xác ấy bị bạn đồng hành giật trong tay thân nhân để thả trôi xuống biển… Biển thì mênh mông, đêm trên biển thì vô cùng, cái rì rầm của biển như những lời rủ rê của qủy. Có hôm biển không yên, những đợt sóng cao đến nỗi ngộp người từ trên đổ ụp xuống tàu. Người ta mạnh ai nấy la hét vì sợ, còn em thì anh biết không, em la vì chợt nhớ tới những lần thân hình to lớn của ông ta té úp lên em… Tiếng gầm của biển em nghe ra là tiếng thở dồn dập của ông ta phả lên mặt em… Những cơn lắc lư tưởng chừng sắp bị lật úp của tàu làm em nghĩ tới những cách ông vật vã, trăn trở trên em… Cứ thế, em giận hơn là lo sợ. Cũng là một cách cứu em khỏi những hãi hùng trong những ngày dài như vô tận ấy. Những ngày đó sao mà ghê gớm quá, và con người cũng trở nên ghê gớm quá chừng. Những con-vật-người sống sót vất vưởng lây lất cả tháng trời, cho đến một hôm có người muốn la to lên nhưng cổ họng nghẹn cứng vì mừng khi thấy từ xa thấp thoáng bóng một con tàu, và khi tới gần thì thấy lá cờ ba màu phất phới…– Em được tàu Pháp vớt như đã kể anh nghe, và đời em tiếp theo thì anh cũng biết hết rồi. Có điều em không nói là khi ra trường, xin nhận nhiệm sở ở Montpellier vì vào lúc đó có thư mẹ nói ông ta vừa qua Pháp, dĩ nhiên là đi chính thức, và ở Paris. Mẹ còn bảo em nên ghé thăm bác thường, hình như ông ta có để lại cho mẹ một số vốn để sinh sống. Anh coi, ông ta lại là người tình nghĩa mới chết chứ!Cô gái ngừng nói, tháo kính ra dụi vào hai mắt, vẻ thẫn thờ chán nản. Ðôi mắt cận dài dại với cái nhìn lơ đãng bỗng ngừng lại ở mắt anh, rồi say sưa nói tiếp:– Thật là quả đất nhỏ quá. Em tưởng tránh xuống Montpellier là có thể cả đời không gặp lại ông ta. Ðùng một cái, cách đây ba hôm người ta đưa vào cấp cứu một bịnh nhân da vàng. Thoạt nhìn em đâu có nhận ra ngay, ông ấy già đi nhiều, gần hai mươi năm rồi còn gì. Hai mươi năm biết bao là thay đổi, bố mẹ em thì đều mất cả rồi, ông ấy là người duy nhất còn lại trên đời có liên hệ quá khứ lý lịch của em. Khi em coi hồ sơ, trông thấy tên ông ta em ngờ ngợ. Rồi khi nhận ra, em chợt có ý như muốn trả thù. Tê thấp nặng và cấp cứu tim. Anh biết đấy, em chỉ cần khẽ rút một cái van thôi. Anh sao vậy?Rồi cô lại mang kính vào, anh nhìn thấy chiếc xe hơi trắng ngoài đường vừa lướt qua mắt kính của cô. Ðôi mắt tinh anh hơn, cô lý luận:– Cái khổ cho em là dù ông ta phá hại đời con gái của em, nhưng ông ta lại đóng trọn vai trò một người bạn tốt, hay hơn nữa, như một thân nhân hết lòng. Lại nữa, nếu em có tương lai như ngày nay là cũng nhờ ông ấy lo cho em đi, nếu không thì em cũng chết dần mòn bên nhà.Cô cầm chiếc nĩa lên, nghịch với vài miếng khoai tây còn trong đĩa và tay trái thì nắm chặt lại, cắn nhẹ môi. Rồi cô buông nĩa, đan hai tay vào nhau, nhìn sững lên tường. Anh nhìn theo: bức tranh tĩnh vật với ly trà bốc khói thì có gì đáng chăm chú thế? Mắt cô đỏ hoe:– Em suy nghĩ hoài từ mấy hôm nay. Em không ngủ được, em bực bội ai cũng thấy. Lạ là khi nhìn ông ta thở nhọc nhằn, nấc lên từng cơn, có cái gì trắc ẩn trong em, kỳ cục. Vấn đề ân oán nó quay em mòng mòng. Anh coi, em phải làm sao bây giờ?Anh giật mình. Khi cô gái hỏi thì phải trả lời, tuyệt đối phải là một câu trả lời có suy nghĩ. Nhưng anh lại hỏi một câu ngu ngơ:– Ông ta tên gì?– Tên gì? Ô, cái tên thì có gì quan trọng. Là Nguyễn Khanh Hoa Khanh Hòa gì đó.Anh chớp mắt, nhìn xuống. Rồi anh cắn chặt răng, cầm hai tay cô nói nhỏ nhẹ như nói một mình:– Bây giờ em đã là một bà bác sĩ chuyên khoa nổi tiếng, em là một cô gái khôn ngoan có lý trí, em hãy quyết định lấy. Ðây là việc hệ trọng của đời em. Có thật trong thâm tâm em muốn trả thù không?Cô rút tay ra và ngả lưng vào ghế:– Ô, biết là kể anh nghe thì anh sẽ hỏi em câu đó vì anh biết thừa là em cũng không lòng dạ nào làm chuyện đó. Mà kể anh nghe thì em cũng nhẹ người, cứ ôm nó mãi một mình làm em ngộp quá.Anh chợt thở dài:– Em giữ một mình làm gì những chuyện buồn như vậy. Ðáng lẽ em nên kể anh nghe từ lâu, từ lúc tụi mình mới quen nhau.– Ðể làm gì? Em chỉ muốn quên hết, xoá bỏ hết. Cái khổ là bây giờ tình cờ gặp lại.Cô gái này vốn đa cảm, anh biết. Nói nghe hung hăng thế chớ lại dễ động lòng và mau tha thứ. Anh nói mơ màng:– Vả lại, cho dù ông ta đáng tội chết, nhưng giết ông ta thì em được cái gì?Anh đánh trúng chỗ nhược. Cô cắn môi, nhắm mắt, rồi lại nhả môi ra, mở mắt nhìn láo liên nhưng chắc là không trông thấy gì. Nhiều chiếc xe hơi và người đi bộ lướt qua cặp kính của cô. Nắng ngoài kia vàng, một màu vàng rực rỡ muôn đời. Bỗng cô khoát tay, cử chỉ cô vẫn làm mỗi khi có ý nghĩ dứt khoát trong đầu:– Thôi bỏ qua, chuyện em xong rồi. Ðúng như anh nói, giết ông ta thì em được cái gì. Chưa hẳn là em sẽ sung sướng hơn. Vả chăng, buồn quá, cứ xem như em bán đời con gái của mình để lấy cái tương lai hiện tại. Ơ, nhưng em vẫn đau đau, tưng tức thế nào. Em sẽ ráng quên đi. Thôi em không nhắc tới chuyện đó nữa. (Mau mắn hơn) Còn anh, anh muốn nhờ chuyện gì vậy?Anh cười mỉm:– Thôi, anh tính nhờ em… tìm một người quen. Mà thôi, anh ở thêm một ngày làm cũng được. Không quan trọng gì.Khi chia tay, anh nắm chặt hai tay cô gái, nhìn thẳng vào đôi mắt của cô học trò trong lớp y khoa của anh hơn mười năm về trước. Anh vẫn thấy trong đôi mắt ấy ẩn hiện lòng nhân hậu khoan dung và ươn ướt buồn muôn thuở.– Cám ơn em.– Về chuyện gì?– Ðã đến ăn cơm với anh, và dốc lòng tâm sự với anh.– Tối nay anh tới em như thường lệ chứ?– Không… anh đi với cả… phái đoàn, tách riêng ra coi không tiện. Hẹn lần khác anh xuống.Và hai người ôm nhau như một đôi bạn chân tình. Khi cô gái đi rồi, anh thẫn thờ nhìn theo, mắt cay cay. Em thân yêu ơi, anh cám ơn em đã bỏ ý định giết người. Chỉ tại em đoảng vị hay quên, mà bây giờ anh cũng nên cám ơn cái tánh đó của em, chứ anh đã nói với em rồi, là gia đình anh có thói quen ai sinh ở đâu thì đặt tên nơi đó. Ba anh sinh ở Khánh Hoà, chú anh sinh ở Bình Ðịnh, cô anh sinh ở Vỹ Dạ. Còn anh là Nguyễn Bình Long vì sinh ở đó, như em trai anh là Nguyễn Bảo Lộc và em gái anh là Nguyễn Thị Nha Trang. Thôi thì em quên thế là tốt. Cứ quên tuốt hết đi. Và đời cứ tiếp tục. Cũng đừng chờ anh tới gặp và sống với em như xưa nữa. Anh sẽ còn đi Montpellier nhiều lần, cho tới khi nào ba anh mất. Bởi vì tính nhờ em trông nom hộ ba anh nhưng bây giờ thì không được nữa rồi. Phải chi cụ chịu nổi khí hậu thường lạnh của Paris thì em đã không bị lôi kéo trở về quá khứ.Anh thường nói rằng em đã bước vào đời anh, tiếc là bằng cửa phụ. Nhưng bây giờ thì anh tạ ơn trời đã không để em bước vào bằng cửa chính . Anh sẽ giữ trong anh hình ảnh em, người anh đã hết lòng và sẽ còn hết lòng thương yêu. Nhưng bây giờ thì anh sẽ không tìm gặp em nữa. Thôi vĩnh biệt em yêu dấu!Nắng trong veo rực rỡ, trời cao vời vợi không một gợn mây, mà sao anh thấy trời u ám buồn và như có tiếng gầm của giông bão?Và anh bước dài theo đại lộ, hơi ngẩn ngơ. Cha anh sẽ mau bình phục vì được săn sóc chu đáo không thiếu một thứ gì – dù chỉ là một cái van thôi -, nhưng hình như đâu đó trong anh, có một người cha vừa mới từ trần.MiêngParis, Avril 1994
Nhìn Ra Bốn Phương
▼
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét