Có bài thơ rằng:
“Sông Đằng một dải dài ghê
Sóng hồng cuồn cuộn tuôn về bể Đông
Những người bất nghĩa tiêu vong
Nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh”
Lịch sử như dòng sông dài cuốn đi trong lớp sóng của nó bao nhiêu sự tích, chiến công, thành bại của cả một dân tộc. Thế kỷ 21 hiện đại với quá nhiều thú vui và dục vọng, mấy ai còn lưu tâm đến những huy hoàng của quá khứ, những tinh hoa của cổ nhân hay những bài học sâu sắc từ ngàn xưa?
Việt Nam 4.000 năm văn hiến với nhiều triều đại kiệt xuất thấm đẫm văn hóa Phật Đạo Thần đã đem đến cho dải đất xinh đẹp này biết bao nhiêu kỳ tích và truyền kỳ vẫn còn rọi sáng đến tận hôm nay. Chúng tôi tiến hành loạt bài viết về lịch sử Việt Nam mong muốn đem đến cho quý độc giả một góc nhìn mới về sử Việt, chính là ôn cũ biết mới, ngẫm chuyện xưa nhìn chuyện nay, tự đúc rút cho mình những trải nghiệm riêng.
Chuyên đề “Lịch sử Việt Nam”
Lịch sử Việt Nam đầy ắp những chiến công hiển hách cũng như những vị tướng vĩ đại lưu danh thiên cổ. Thế nhưng thông tin về những loại vũ khí nổi tiếng từng góp phần tạo nên vinh quang ấy thì lại rất rời rạc, ít người biết đến. Loạt bài này sẽ phần nào lý giải những thắc mắc đó.
Ô Long đao của Tây Sơn Hoàng đế Quang Trung
Những Hoàng đế và các tướng lĩnh của Việt Nam và Trung Hoa xưa đều rất ưa thích đại đao. Quang Trung cũng không nằm ngoài số đó. Theo sử sách, cuộc đời binh nghiệp của nhà chỉ huy quân sự bách chiến bách thắng này luôn gắn liền với thanh Ô Long đao đầy huyền bí. Tương truyền Nguyễn Huệ là người có võ công cao cường, nhờ thân vóc cao lớn và nội lực mạnh mẽ, ông ưa dùng đao rất thiện nghệ.
Vào năm Tân Mão (1771), Nguyễn Huệ được giao trọng trách tổ chức và huấn luyện quân sự cho nghĩa binh. Hằng ngày, ông lo luyện tập cho binh sĩ các môn: côn, quyền, đao, kiếm, bắn cung, cỡi ngựa, ghép thành đội ngũ. Trong các môn võ đó, Nguyễn Huệ tinh thông sử dụng đại đao hơn cả. Sách “Võ nhân Bình Định” của Quách Tấn – Quách Giao có chép rằng, sự nghiệp của Nguyễn Huệ luôn gắn với cây Ô Long đao huyền thoại.
Hoàng đế Quang Trung và thanh Ô Long đao huyền thoại. Ảnh: soha.vn
Cho tới nay, do không còn hiện vật nên những gì mô tả về Ô Long đao mang nặng tính truyền thuyết. Chuyện kể rằng vào một buổi sáng sớm khi Nguyễn Huệ dẫn quân đến đoạn đèo An Khê, bỗng có hai con rắn rất lớn, nước da đen tuyền (sách gọi là ô long – rắn đen như mun, to lớn như rồng) chắn ngang đường.
Nghĩa quân ùn lại, rối hàng ngũ vì không dám bước tiếp. Nguyễn Huệ đến xem sự thể, ông bước xuống ngựa chắp tay khấn: “Nếu Sơn thần, Xà thần phù trợ cho việc làm chính nghĩa của anh em nhà Tây Sơn, biết trước sự thành công thì xin Xà thần mở đường cho quân đi, còn sự nghiệp không thành, thì xin Xà thần hãy trị tội mình tôi, để nghĩa sĩ trở về với gia đình, đồng ruộng”.
Lời khấn của Nguyễn Huệ vừa xong, cả hai con rắn to kia quay đầu. Quãng sau, một con lao vào bụi rậm, lúc trở ra miệng ngậm một thanh Ô Long Đao sáng như nước, vươn cổ trao cho Nguyễn Huệ. Thanh đao có cán bằng gỗ mun đen nhánh, lưỡi đao cũng bằng một loại kim khí màu đen. Khi đao ra khỏi vỏ thì khí lạnh tỏa ra một vùng. Trọng lượng đao rất nặng, phải là một người binh lính chuyên vác đồ nặng vác mới nổi.
Trong trận Rạch Gầm, Xoài Mút năm Giáp Thìn (1785) Nguyễn Huệ đã sử dụng thanh Ô Long đao chém được hàng trăm quân tướng Xiêm. Đao loan đến đâu vũ khí và đầu người rụng đến đó. Rồi đến năm Kỷ Dậu (1789), một lần nữa thanh Ô Long đao lại góp công lớn trong chiến dịch đẩy lùi quân Mãn Thanh xâm lược ra khỏi bờ cõi.
Huỳnh Long đao của Trần Quang Diệu
Là thanh bảo đao của tướng quân Trần Quang Diệu, do sư phụ Trần Quang Diệu là võ sư Diệp Đình Tòng truyền tặng. Sở dĩ có tên Huỳnh Long là vì tại đầu con cù nơi ngậm lưỡi đao được thếp vàng. Các chiến công của Trần Quang Diệu đều do thanh Huỳnh Long đao góp phần tạo nên.
Trần Quang Diệu (1760 – 1802) là một trong thất hổ tướng của nhà Tây Sơn. Ông là người có nhiều chiến công nhất cả trong và ngoài nước từ những buổi đầu Tây Sơn khởi nghĩa đến khi mất. Thanh Huỳnh Long đao đã từng tung hoành trong trận đánh quân Xiêm tại Rạch Gầm, Xoài Mút, rồi ra uy trong cuộc chiến với quân Thanh tại miền Bắc. Thanh đao đã cùng với chủ nhân của mình chinh phạt nước Vạn Tượng, binh uy chế áp cả người Xiêm, chỉ do thời thế mà ngậm hờn cùng chủ nhân mình kết thúc đời binh nghiệp ngắn ngủi. Tiếc là thanh đao quý ấy đã không còn để hậu thế có dịp chiêm ngưỡng.
Ngân côn của tướng quân Võ Đình Tú và Thiết côn của tướng quân Đặng Xuân Phong
Côn pháp là gốc của trăm binh khí dài. Nghĩa là từ côn pháp mà người ta sáng tạo ra được cách đánh của các loại khác như thương, kích… Tuy nhiên võ tướng ra trận thì rất hiếm dùng côn làm binh khí vì khả năng sát thương không mạnh như binh khí có lưỡi. Tuy nhiên 2 vị tướng quân nổi tiếng của Tây Sơn lại dùng côn làm binh khí và đã để lại truyền thuyết khá nổi tiếng. Cây ngân côn của tướng quân Võ Đình Tú màu trắng được rèn bằng bạch thiết, rất chắc và khá nặng, phải cần đến hai người khiêng. Cây thiết côn của tướng quân Đặng Xuân Phong màu đen, cũng nặng như cây ngân côn.
Ngân côn và thiết côn chỉ lớn bằng cổ tay, dài quá đầu, song lại rất nặng. Khi lâm trận côn múa lên, ngân côn tạo thành một đạo bạch quang, thiết côn tạo nên một luồng hắc quang. Đường côn đi đến đâu, vũ khí của đối phương văng lên tứ phía, thây người ngã rạp như rạ gặp bão.
Vì danh vang khắp nơi nên đích thân nữ tướng Bùi Thị Xuân đã thêu hai lá cờ đề tặng “Ngân Côn Tướng Quân” cho Võ Đình Tú và “Thiết Côn Tướng Quân” cho Đặng Xuân Phong. Tương truyền 2 vị tướng quân này cũng từng có lần so đấu với nhau nhưng may mắn là không ai bị thương.
Tích xưa kể rằng, do Thị Lang Bộ Lễ Bùi Đắc Tuyên biết Võ Đình Tú có tài nhảy cao nên thường bảo thái tử Nguyễn Quang Toản yêu cầu ông biểu diễn võ nghệ cho xem. Có lần, Võ Đình Tú cùng Đặng Xuân Phong vào cung bệ kiến vua Quang Trung. Biết rằng đó là hai tướng giỏi đánh côn, Bùi Đắc Tuyên tìm cách mua vui cho thái tử.
Bùi Đắc Tuyên mời hai ông Võ – Đặng đến nhà riêng uống rượu cùng Nguyễn Quang Toản. Tiệc xong, thái tử đòi xem hai vị đại thần đấu côn. Đuốc được thắp sáng rực cả sân. Đặng Xuân Phong sử dụng côn đồng, Võ Đình Tú dùng côn sắt. Đường côn qua lại nhanh nhẹn, mạnh mẽ, như “rồng bay phượng múa”. Gia tướng đến xem chật cả trong lẫn ngoài. Tiếng vỗ tay vang không ngớt.
Sau cuộc đấu côn này, dư luận xôn xao, có nhiều ý kiến khác nhau. Người khen hai vị công thần tài nghệ tuyệt luân, xứng danh “Tây côn lưỡng thần công”, người chê bai hai vị đại thần không biết tự trọng. Lời thị phi đến tai vua Quang Trung. Nhà vua liền trách thái tử và hai vị đại thần Võ, Đặng, rồi cấm Bùi Đắc Tuyên không được bày các trò vui làm mất thể thống các quan đại thần như thế nữa.
Thiết Quai cung – Nguyễn Quang Huy
Thiết quai cung. Hình phục dựng minh họa: DKN
Cung tên là vũ khí tầm xa lợi hại nhất trong quân đội. Lịch sử còn ghi dấu những đội Thiết kỵ Mông Cổ hay Khiết Đan, Hung Nô cưỡi ngựa bắn cung, đã từng càn quét chiến trường không có địch thủ. Mặc dù cung tên không phải là thành phần chủ lực trong quân đội Đại Việt do khác biệt về khí hậu và địa hình, nhưng sử sách Việt Nam vẫn ghi nhận những chiến tướng nổi danh dùng cung.
Nguyễn Quang Huy gốc người Phú Yên, được sử sách miêu tả như một nhân vật nổi bật với khả năng tinh thông binh pháp và bản lĩnh võ nghệ cá nhân. Ông đặc biệt được vua Thái Đức (Nguyễn Nhạc) quý trọng và tín cẩn giao cho chức Phòng ngự sứ tại trấn Bình Thuận.
Nguyễn Quang Huy lui về Phú Yên sau khi Bình Thuận bị Nguyễn Phúc Ánh chiếm. Năm Kỷ Mùi (1799), hay tin thành Quy Nhơn bị Phúc Ánh uy hiếp, Quang Huy kéo quân ra, trong một ngày mà hạ gục 25 viên tướng của Phúc Ánh. Giữa lúc đang tả xung hữu đột, chợt thấy Phúc Ánh đứng trên thành, Nguyễn Quang Huy vẫn bình tĩnh giương cung bắn. Trúng tên ngã bất tỉnh, Phúc Ánh buộc phải rút hẳn về Gia Định.
Tương truyền, Nguyễn Quang Huy dùng cây Thiết Quai cung trong suốt đời binh nghiệp của mình. Đó là một cây cung bằng thép (thiết quai) nên nặng gấp ba bốn lần cung thường, uy lực cũng đáng sợ gấp mấy lần như thế.
Vĩ Mao cung – La Xuân Kiều
Hình minh họa phục dựng: DKN
La Xuân Kiều là một văn thần với vẻ ngoài thanh tao, nho nhã và giỏi thơ phú. Dù vậy, ông lại yêu thích cưỡi ngựa bắn cung và là một xạ thủ nổi tiếng suốt thời Tây Sơn. Theo văn hóa Á Đông, binh khí phải xứng với cốt cách của chủ nhân, điều này đặc biệt đúng với trường hợp của La Xuân Kiều.
Cây Vĩ Mao cung của ông là một thanh trường cung, thanh mảnh bằng gỗ quý, dây cung bện bằng lông đuôi ngựa (vĩ mao). Khi bắn tên, dây cung phát ra âm thanh du dương trong trẻo, nhưng với tài nghệ của Xuân Kiều thì âm thanh nho nhã ấy lại chính là tiếng tử thần gọi tên những kẻ bị ông ngắm bắn.
Kỳ Nam cung – Lý Văn Bưu
Lý Văn Bưu là một trong những vị tướng có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình hình thành nhà Tây Sơn. Ông có một cây cung quý, tương truyền được chế tác cùng gỗ Kỳ Nam (một loại gỗ tương tự như trầm hương) nên được gọi là Kỳ Nam cung. Khi treo trong phòng, mùi gỗ Kỳ Nam bay ra thơm ngát khắp nhà.
Lúc chiến đấu, mùi Kỳ Nam cũng khiến ông phấn chấn tinh thần, lập nên nhiều kỳ tích giương cung bách phát bách trúng. Lúc còn đóng quân tại Ninh Thuận, Lý Văn Bưu từng dùng Kỳ Nam Cung bắn chết hổ dữ, trừ họa cho dân khắp vùng. Về sau, cây cung này cùng ông Nam chinh Bắc chiến với quân Xiêm và Mãn Thanh.
Liên Phát cung – Đặng Xuân Phong
Đặng Xuân Phong tương truyền là người có tướng kỳ tài, khí thế hùng dũng hiên ngang nhưng dung mạo trung hậu chất phác, lại có tài cưỡi ngựa. Ông dùng một cây cung bằng thép, được đặc chế để thuận tiện bắn nhiều mũi tên liên tiếp. Lúc mới dựng nhà Tây Sơn, tướng Bùi Thị Xuân đứng ở Kiên Mỹ, trông thấy Xuân Phong tay cầm côn đồng, lưng mang cung thép, cưỡi ngựa ô chạy trên triền núi gập ghềnh mà như đi trên bình địa. Lúc thấy đàn quạ bay qua, ông giương cung bắn 7 phát, 7 con quạ rơi xuống như lá rụng. Biết là người có tài, Bùi Thị Xuân bèn thăm hỏi gốc tích, mời về cùng nhà Tây Sơn lập đại sự.
Hỏa hổ và Hỏa cầu thời Tây Sơn
Hỏa hổ và Hỏa cầu của quân Tây Sơn. Ảnh phục dựng minh họa: DKN
Hỏa hổ và Hỏa cầu không phải là vũ khí mới được tạo ra dưới thời Tây Sơn, nó đã có lịch sử trước đó từ thời Lê còn gọi là Hỏa đồng. Sách “Hổ trướng khu cơ” của Đào Duy Từ mô tả: “Hỏa đồng còn có tên là Hỏa hổ, có bầu lớn dài chừng một thước, khi lâm trận phun lửa, trong ống tống nhựa thông ra, trúng phải đâu, lập tức bốc cháy. Vì lửa cháy dữ dội, nên gọi là hỏa hổ”. Sử sách thời Nguyễn thường gọi Hỏa hổ là Hỏa phún đồng. Gặp địch, người dùng Hỏa hổ châm ngòi, cầm cán tre chĩa vào, thuốc phun và đạn sẽ phóng ra đốt cháy sát thương đối phương. Dùng xong lại có thể lấy ống đó nạp liều thuốc khác.
Hỏa cầu là loại vũ khí xuất hiện từ thế kỉ 17, được nhà quân sự Đào Duy Từ sáng chế dựa trên kĩ thuật hỏa khí phương Tây. Hỏa cầu còn có tên gọi khác là hỏa cầu lưu hoàng. Đây là một quả cầu kim loại rỗng ruột hoặc bằng giấy quết nhựa bên ngoài, có tay cầm, to cỡ quả bưởi, bên trong nhồi thuốc nổ, chất cháy, mảnh gang, sắt vụn và các quả cầu con, để gây cháy, nổ dây chuyền. Khi sử dụng thì châm ngòi nổ và ném vào đối phương. Có thể coi đây là một loại lựu đạn sơ khai có tác dụng gây cháy.
Quân Tây Sơn đã sử dụng Hỏa cầu lưu hoàng trong trận đốt cháy tàu chiến Bồ Đào Nha dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng Manuel năm 1782 và trong trận tấn công đồn Ngọc Hồi năm 1789 đã làm quân Thanh khiếp vía. Theo các nhà nghiên cứu, Hỏa hổ thời Tây Sơn được cải tiến từ các Hỏa đồng (ống lửa) hạng nhỏ thời Lê sơ. Trong tay nghĩa quân Tây Sơn, nó được dùng một cách tập trung, ồ ạt, kết hợp với voi chiến và Hỏa cầu tạo thành hỏa lực giáp chiến hết sức lợi hại.
Lời kết:
Những vũ khí trong chiến trận không chỉ là dùng để chiến đấu mà thực chất nó còn là thứ dụng cụ phản ánh của cả một thời đại về văn hóa và nghệ thuật (võ thuật cũng chính là một loại nghệ thuật, nghệ thuật sử dụng vũ khí và rèn luyện thân thể). Tìm hiểu về binh khí xưa để biết và hiểu rõ hơn về văn hóa của dân tộc cũng là điều nên làm vậy.
Vì chỉ có một dân tộc với nền văn hóa sâu dày và mạnh mẽ thì mới có được nghệ thuật chiến đấu đỉnh cao và những vũ khí mạnh mẽ như vậy để có thể trường tồn xuyên suốt lịch sử đầy biến động. Những người luyện võ đến đỉnh cao để kiện thân vệ quốc cũng đáng quý như những người làm văn hóa vậy.
Tĩnh Thủy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét