Vietnam – Cali Today news – Vì sao Đoàn Luật sư Phú Yên quyết định rút thẻ hành nghề của Luật sư nhân quyền Võ An Đôn vào thời điểm này? Ý định rút thẻ của Luật sư Đôn đã manh nha từ Đoàn Luật sư Phú Yên cả vài năm qua. Vào đầu năm 2017, ý định này có vẻ đã chuyển thành một kế hoạch với lộ trình cụ thể, tuy chưa thực hiện được. Trong năm 2017, báo Phú Yên (thuộc tỉnh ủy Phú Yên) đã tìm cách “đánh” Luật sư Đôn với những vu cáo về vị luật sư nhân quyền này có “hành vi xấu, độc”, thậm chí còn đe dọa xử lý Luật sư Đôn bằng Luật Hình sự.
Sau lần vào trại giam gặp Nguyễn Ngọc Như Quỳnh mới đây và nghe Quỳnh kể lại, Luật sư Võ An Đôn đã công bố lên mạng xã hội một thông tin quan trọng (hoặc rất quan trọng): trước đó, Luật sư Hà Huy Sơn – một trong những luật sư bào chữa cho Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, đã chuyển lời của Bộ Công an cho Quỳnh là nếu cô chịu nhận tội thì sẽ được giảm án rất nhiều.
Ngay sau khi tin tức trên được Luật sư Đôn công bố, anh đã bị rút thẻ hành nghề luật sư. Vụ rút thẻ này đã được Đoàn Luật sư Phú Yên tiến hành rất nhanh, rất vội vã, và “có hiệu lực ngay”. Điều đó cũng có nghĩa là Luật sư nhân quyền Võ An Đôn sẽ bị tước quyền có mặt trong phiên tòa phúc thẩm xử Nguyễn Ngọc Như Quỳnh vào ngày 30/11 tới.
Nhiều người rất nghi ngờ rằng Đoàn Luật sư Phú Yên đã chịu sức ép từ “trên”, có thể là chính Bộ Công an, để ngay lập tức phải chấm dứt sự hiện diện của Luật sư Đôn tại tòa.
Phải chăng vì lời khuyên của Luật sư Đôn khi gặp Nguyễn Ngọc Như Quỳnh – rằng nếu cô nhận tội thì phong trào dân chủ sẽ bị ảnh hưởng và do đó Quỳnh không thể nhận tội – đã khiến cho Bộ Công an cay cú và tìm cách trả đũa Võ An Đôn?
Nhưng nếu nhớ lại những vụ bào chữa trước đây của Luật su Đôn cho những người bất đồng chính kiến, Võ An Đôn cũng thường khuyên những người này không nhận tội và anh cũng công bố lời khuyên của mình trên mạng xã hội như việc công bố lời khuyên với Nguyễn Ngọc Như Quỳnh mới đây, thì khi đó Võ An Đôn chỉ phải chịu sức ép không đáng kể từ phía công an chứ không bị rút thẻ.
Trong thực tế, không chỉ Võ An Đôn mà một số luật sư khác cũng thường khuyên người bất đồng chính kiến không nên nhận tội – điều mà Bộ Công an biết rõ và đã “thành quen” (nói theo từ ngữ rất đặc thù của cố trưởng ban nội chính Nguyễn Bá Thanh). Nhiều khả năng là không phải do lời khuyên như thế mà Võ An Đôn bị rút thẻ luật sư.
Nhưng tin tức mà Võ An Đôn thuật lại trên mạng xã hội về “nếu Nguyễn Ngọc Như Quỳnh nhận tội thì sẽ được giảm án rất nhiều” rất có thể đã làm sôi máu Bộ Công an. Tin tức này có thể đã khiến một ý đồ hoặc kế hoạch nào đó của Bộ Công an cho phiên tòa xử phúc thẩm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị công khai hóa. Mà đã công khai hóa thì đương nhiên phải chịu mổ xẻ và còn có thể phải chịu búa rìu của dư luận xã hội, đặc biệt dư luận từ giới ủng hộ cuộc đấu tranh vì dân của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.
Một dấu hỏi khác được đặt ra là vì sao Đoàn Luật sư Phú Yên phải vội vã rút thẻ hành nghề của Luật sư nhân quyền Võ An Đôn vào thời điểm này mà không phải “để dành” sau phiên tòa xử phúc thẩm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh?
Bởi với truyền thống “án bỏ túi”, ngành tư pháp và công an Việt Nam từ lâu đã chẳng mấy quan ngại ảnh hưởng của giới luật sư nhân quyền. Tại phiên tòa sơ thẩm xử Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, bất chấp nhiều ý kiến phản đối của Luật sư Đôn và những luật sư khác, tòa vẫn tung ra cái án tù giam đến 10 năm kia mà!
Vậy phải chăng vào ngày 30/11 tới, tòa án và công an lo ngại sự có mặt của Luật sư Đôn có thể gây ảnh hưởng đến phiên tòa phúc thẩm? Hoặc họ sợ Luật sư Đôn sẽ nắm được diễn biến và cả những ẩn ý nào đó trong phiên tòa để sau đó anh thông tin ra ngoài?
Và nếu tâm lý lo ngại trên là có thật, phải chăng phiên tòa phúc thẩm đó sẽ có thể diễn biến khác với “kịch bản” trước đây, có thể sẽ có một vài thay đổi nào đó về luận tội và cả mức án?
Nhìn khách quan, nếu bối cảnh xử án diễn ra như trước đây, Luật sư Đôn sẽ không phải chịu nhiều rủi ro từ cơ chế rút thẻ hành nghề. Nhưng việc rút thẻ vào lần này khiến dư luận có cảm giác rằng Bộ Công an “giận cá chém thớt”.
Nếu cảm giác trên là đúng, vì sao Bộ Công an “giận cá” – “giận” Nguyễn Ngọc Như Quỳnh – trong khi cô đã hoàn toàn nằm trong tay công an và chính quyền muốn giáng bao nhiêu năm tù cũng được?
Có thể, đang có một tính toán và thay đổi ngấm ngầm nào đó từ phía chính quyền.
Phiên tòa xử phúc thẩm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh chỉ diễn ra vài ngày trước một cuộc đối thoại nhân quyền rất quan trọng giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam tại Hà Nội. Kết quả cuộc đối thoại nhân quyền này sẽ là cơ sở chính để EU xem xét có tiếp tục đàm phán và thông qua sau đó về Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA) hay không.
Bối cảnh trên cũng có nét tương đồng với năm 2013, khi Việt Nam đôn đáo lấy lòng Mỹ để được vào Hiệp định TPP. Sau chuyến đi Mỹ của Trương Tấn Sang – Chủ tịch nước – vào tháng 7/2013, đến tháng Tám năm 2013 đã diễn ra phiên tòa phúc thẩm xử Nguyễn Phương Uyên – một người hoạt động nhân quyền trẻ tuổi.
Dù tại phiên tòa sơ thẩm, Phương Uyên đã bị “bỏ túi” đến 6 năm tù giam, nhưng vào buổi chiều của phiên tòa phúc thẩm, tòa án bất ngờ quyết định trả tự do cho cô ngay tại tòa.
Ngay sau đó, một nguồn tin đáng tin cậy cho biết Phương Uyên nằm trong danh sách 5 tù nhân lương tâm mà Hoa Kỳ yêu cầu chính quyền Việt Nam trả tự do vô điều kiện. Phương Uyên đứng thứ 5 trong danh sách đó.
2017. Bản án phúc thẩm với Nguyễn Ngọc Như Quỳnh liệu có thay đổi?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét