Blogger Mẹ Nấm trong phiên xử phúc thẩm ngày 30/11/2017.
Tòa án Nhân dân cấp cao Đà Nẵng tại Nha Trang vừa tuyên y án 10 năm tù về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” đối với Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức Blogger Mẹ Nấm, trong phiên xử phúc thẩm hôm 30/11. Các luật sư tham gia bào chữa cho bà Quỳnh nói với VOA rằng bản án “không khách quan”, “nặng hơn cả án giết người” nhằm “răn đe để không có những người làm điều này nữa”.
<!>
Luật sư Hà Huy Sơn, một trong 3 luật sư bào chữa cho Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, cho rằng bản án được giữ nguyên đối với bà Quỳnh là một điều “bất công”. Ông nói:
“Bản án này không khách quan, bất công là vì đây là những hành vi của công dân bày tỏ quan điểm cá nhân. Đây là quyền của công dân giám sát các cơ quan hành pháp, cơ quan công an, chứ không phải nhằm mục đích chống Nhà nước Việt Nam. Tôi cho rằng kết tội chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh về tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam là không đúng”.
Trong khi đó, Luật sư Nguyễn Khả Thành nói đây là một bản án nặng hơn cả án dành cho tội giết người. Ông nói:
“Khoảng 5-7 năm trước, với những hành vi như thế này, phạm Điều 88, thì tối đa chỉ 4,5 – 5 năm tù thôi. Nhưng đợt này, cách đây khoảng 1 năm, như Quỳnh, chị Nga hay em Hóa ở Nghệ An, không biết họ đánh giá thế nào mà trong thời điểm này các mức án rất nặng. Có lẽ họ muốn răn đe để đừng có những người ra làm việc đó nữa. Rất lạ. Đôi lúc có những bản án giết người, tòa xử 8 năm hoặc thấp hơn”.
LS. Nguyễn Khả Thành nói ông đã dự báo trước bản án sẽ được giữ nguyên. Ông cho biết thêm rằng tại phiên xử phúc thẩm, Viện Kiểm sát đã “tranh luận một cách lơ là” đối với những luận điểm mà các luật sư bào chữa đưa ra.
“Ví dụ như tôi đưa ra các bản giám định và cho rằng những chứng cứ này không hợp pháp và nếu việc giám định chỉ do một người thực hiện thì không khách quan, cần phải có một hội đồng để khách quan hơn. Còn về hình thức thì không phù hợp. Viện Kiểm sát nói rằng họ áp dụng điều luật giám định của năm 2012, nhưng tôi nói bây giờ đã có luật mới rồi thì không thể áp dụng như vậy được. Chúng tôi đưa ra những chứng minh, nhưng cuối cùng Viện Kiểm sát cũng không tranh luận lại”.
“Chúng tôi cũng đưa ra quan điểm là phải chứng minh hậu quả của việc Quỳnh làm, nhưng phía bên kia trong tài liệu cũng không có chứng cứ nào để chứng minh hậu quả”.
Luật sư Lê Khả Thành cho biết trong phiên tòa, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh tỏ ra rất “bản lĩnh” và “hiên ngang”. Ông kể: “Hôm nay ra tòa, Quỳnh trả lời rất dõng dạc, không hề nao núng, sợ sệt, nói rất bản lĩnh. Cái nào có làm thì nhận mình làm, cái nào không thì nói không. Trả lời rất dũng cảm và thái độ rất hiên ngang trước tòa”.
Theo kinh nghiệm của LS. Thành, nếu Mẹ Nấm chịu nhận tội, mức án chắc chắn sẽ giảm xuống. nhưng Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã không chọn điều đó..
“Nếu trường hợp Mẹ Nấm ra tòa mà nhận hết tội, tôi nghĩ bản án sẽ giảm, thường là như vậy. Nhưng đối với Quỳnh, Quỳnh trả lời rằng ‘Em có án bao nhiêu đi nữa, 10 hay 15 năm tù đi nữa, thì cái nào đúng em vẫn cho là đúng, cái này sai thì vẫn là sai, chứ em không nhận tội, mặc dù biết nhận tội thì thế nào án cũng giảm, đó là điều chắc chắn”.
Phiên tòa phúc thẩm xử Mẹ Nấm diễn ra công khai. Tuy nhiên, người thân của bà Quỳnh và một số người đứng bên ngoài theo dõi phiên tòa cho biết họ không được phép vào bên trong tham dự phiên tòa.
Sau khi tòa tuyên y án, bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, mẹ Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, và một số người đã lên tiếng công khai phản đối bản án bên ngoài tòa. Bà Lan cho VOA biết một số người đã bị an ninh mặc thường phục hành hung, bị “cướp” điện thoại, thậm chí có người bị bắt đưa lên xe chở đi.
Trịnh Kim Tiến, một trong số những người bị đánh, kể với VOA sau khi được thả về vào tối ngày 30/11:
“Đánh xong, họ lôi mình lê lết trên đường như con heo, rồi quẳng mình lên xe đưa về xã Vĩnh Lương. Những người mặc thường phục đi theo mình về xã Vĩnh Lương. Sau khi về xã Vĩnh Lương thì có hai viên an ninh mặc cảnh phục vào làm việc với mình. Họ hỏi mình tại sao lại có mặt tại phiên tòa”.
Trong chiều cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói với báo chí: “Tôi cho rằng phiên tòa xét xử Nguyễn Ngọc Như Quỳnh hay blogger Mẹ Nấm đã được diễn ra công khai theo đúng các quy định của pháp luật Việt Nam”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét