Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 2 tháng 11, 2017

Giáo sư Carlyle Thayer nói về chuyến thăm VN chính thức của ông Trump

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ Tổng thống Donald Trump trong chuyến thăm Hoa Kỳ hồi tháng 5/2017.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ Tổng thống Donald Trump trong chuyến thăm Hoa Kỳ hồi tháng 5/2017.


Nhà Trắng hôm 16/10 thông báo Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ đến Hà Nội, thăm chính thức Việt Nam vào ngày 11/11, sau khi dự Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng.
<!>
RFA trò chuyện với Giáo sư Carl Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Úc xoay quanh chuyến thăm Hà Nội của ông Trump.
Lan Hương: Thưa Giáo sư, như chúng ta đã biết vào ngày 11/11 tới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ thăm chính thức Hà Nội sau khi dự Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Đà Nẵng. Vậy Giáo sư có thể cho biết hai bên sẽ bàn thảo những vấn đề gì?
GS. Carl Thayer: Tôi nghĩ việc Tổng thống Trump quyết định thăm chính thức Hà Nội sau khi dự Hội nghị thượng đỉnh APEC là một điều rất quan trọng. Đặc biệt khi ông ấy quyết định rời Malina sớm hơn lịch trình và quyết định không dự Hội nghị Cao cấp Đông Á. Tại APEC, ông ấy sẽ gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhưng có lẽ sẽ không gặp Tổng thống Nga Putin.
Nhưng tôi nghĩ chuyến thăm này cũng là thường tình thôi, bởi vì Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa rồi là lãnh đạo quốc gia Đông Nam Á đầu tiên đến thăm Nhà Trắng. Và Việt Nam cũng được chính quyền của ông Trump hứa hẹn là sẽ mở rộng quan hệ đối tác toàn diện được thiết lập dưới thời Tổng thống Obama. Mối quan hệ này bao gồm 9 lĩnh vực hợp tác khác nhau. Việt Nam rất năng nổ trong việc chủ động đề nghị bàn thảo các thỏa thuận thương mại song phương, bởi vì Việt Nam xuất siêu hơn 30 tỷ đô la sang Mỹ và đứng thứ 6 trong danh sách các quốc gia xuất siêu sang thị trường này.
Hơn nữa, trong chuyến thăm Mỹ vừa rồi của ông Phúc, họ cũng thông báo là sẽ ký các thỏa thuận thương mại trị giá hơn chục tỷ đô la, trong đó sẽ dành vài tỷ mua sắm máy bay.
Tôi nghĩ rằng trong lần gặp gỡ này hai bên sẽ không đề cập chuyện gì cụ thể, mà chỉ nhắc chung chung chuyện hợp tác thương mại trước đây đã nói tới. Nhưng tôi nghĩ họ đồng quan điểm về chuyện biển Đông, và họ sẽ nhắc tới chuyện những quy tắc chung, không sử dụng vũ lực và ủng hộ phán quyết của Tòa trọng tài, nhưng có lẽ sẽ sử dụng tiến trình ngoại giao tiêu chuẩn mà ASEAN đề ra.
Hợp tác tuần duyên biển giữa hai nước ngày càng tăng, nên cũng có thể được nhắc tới. Đặc biệt họ có thể tuyên bố sẽ mua thêm chiếc tàu lớp Hamilton.
Nhìn chung họ sẽ nói rằng muốn mở rộng hay tăng cường mối quan hệ đối tác toàn diện giống như đợt ông Phúc sang Washington vậy. Nhưng những vấn đề khác có thể được nhắc đến như khoa học, công nghệ, giáo dục, cam kết của Mỹ trong việc hàn gắn vết thương do chiến tranh gây ra bởi chất độc màu da cam và chuyện tìm kiếm những người lính mất tích trong chiến tranh của cả hai bên. Việt Nam muốn Mỹ cung cấp những thông tin về những người lính bị bắt giữ và chôn cất trong chiến tranh. Vì vậy, họ có thể bàn đến chuyện này trong cuộc gặp.
Nhưng điều sẽ không được nhắc tới đó là cam kết của Mỹ về bất cứ quan hệ đa phương nào với khu vực. Mỹ tất nhiên sẽ hỗ trợ ASEAN nhưng sẽ là sau chuyến thăm Việt Nam.
Lan Hương: Ông có nghĩ Tổng thống Trump sẽ nhắc đến vấn đề nhân quyền với chính phủ Việt Nam không?
GS. Carl Thayer: Trong thông cáo thì họ có nhắc tới đó, nhưng tất nhiên họ sẽ nói rằng họ tổ chức đối thoại rồi thì Mỹ nói thế này, Việt Nam nói thế kia rồi ghép lại thành một bài. Mỹ đang phản đối chính quyền Myanmar liên quan đến khủng hoảng người Hồi giáo Rohingya. Việt Nam gần đây ngày càng gia tăng việc bắt giữ các blogger, các nhà bất đồng chính kiến và số vụ đàn áp, đánh đập do côn đồ có quan hệ với chính quyền cũng ngày càng nhiều. Tuy nhiên tôi không nghĩ ông Trump sẽ nói đến chuyện này.
Lan Hương: Các Tổng thống Mỹ khác đến thăm Việt Nam vào cuối nhiệm kỳ của họ, trong khi ông Trump quyết định thăm Việt Nam vào đầu nhiệm kỳ đầu tiên của ông ấy. Điều này có ý nghĩa thế nào với quan hệ hai nước?
GS. Carl Thayer: Một trong những chính sách của ông Trump là chú trọng vào khu vực Đông Bắc Á vì Bắc Triều Tiên. Thông cáo từ Bộ Ngoại giao nói rõ rằng chuyến thăm lần này có hai mục đích chính thứ nhất là để tham dự Hội nghị thượng đỉnh APEC, thứ hai là dịp để Mỹ cùng Nam Hàn, Nhật Bản và Trung Quốc bàn bạc chuyện Bắc Hàn. Và khi ông Trump tới Đông Nam Á, ông ấy muốn mọi người ủng hộ ông ấy liên quan đến chuyện Bắc Hàn.
Về chuyến đi Việt Nam, ông ấy muốn đến dự APEC là vì có nhiều “mật ngọt” tại sự kiện này. Đó là dịp ông ấy được gặp gỡ những doanh nhân hàng đầu của APEC. Và thông điệp ở đây là nếu anh muốn tự do thương mại đa phương ở châu Á – Thái Bình Dương, anh phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế rất cao về dịch vụ, thương mại kỹ thuật số, hay thương mại nói chung. Và đây cũng là những yếu tố trong thỏa thuận thương mại tự do. Nếu anh muốn tự do thương mại với Mỹ thì đây là những tiêu chuẩn anh phải đáp ứng. Thỏa thuận thương mại tự do của châu Á – Thái Bình Dương vẫn đang trong giai đoạn treo, vì ông Trump sẽ không ký trừ khi quốc gia đó đáp ứng được các tiêu chuẩn đề ra.
Về việc ông Trump quyết định thăm chính thức Hà Nội thay vì tới APEC rồi về nước, tôi nghĩ chúng ta phải thừa nhận công lao của đại sứ Việt Nam tại Mỹ ông Phạm Quang Vinh và đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius. Họ đã thuyết phục ông Trump rằng Việt Nam là một đối tác chiến lược chủ chốt trong khu vực, mang lại lợi ích to lớn cho nước Mỹ. Mặc dù Việt Nam không phải là đồng mình của Mỹ, nhưng đem đến nhiều lợi ích kinh tế, quan hệ quân sự và an ninh hàng hải. Và hơn nữa, ông Phúc đã tới thăm Mỹ thì ông Trump cũng nên tới thăm Việt Nam vì có đi thì nên có lại.
Lan Hương: Ông nghĩ chuyến thăm này có ý nghĩa như thế nào với Việt Nam?
GS. Carl Thayer: Một phần của chuyến đi là để bàn chuyện Bắc Hàn, mà Việt Nam lại rất quan tâm làm thế nào để tránh xảy ra mâu thuẫn giữa các nước vì sẽ ảnh hưởng đến thương mại và làm rối loạn trật tự trong khu vực, ảnh hưởng đến lợi ích của Việt Nam. Hơn nữa Việt Nam và ASEAN cũng tích cực kêu gọi thực hiện chính sách phi hạt nhân hóa. Và Việt Nam rất cần đến sự can thiệp của Mỹ vì lợi ích chung cho cả hai bên. Chính vì vậy khi tàu Mỹ tới biển Đông, Việt Nam luôn luôn hoan nghênh điều đó, miễn là điều đó phục vụ lợi ích khu vực. Nhưng tất nhiên ý đồ của Việt Nam là Mỹ cân bằng sự lấn át của Trung Quốc.
Việc Mỹ không tham dự Hội nghị Cao cấp Đông Á cũng có thể khiến nhiều kế hoạch không được đảm bảo, trong đó có dự tính duy trì Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP thứ hai với 11 thành viên mà không có sự góp mặt của Mỹ. Việt Nam là một trong những nước tham gia TPP. Một mặt Việt Nam không muốn làm ảnh hưởng đến mối quan hệ thương mại song phương Việt – Mỹ được thiết lập sau chuyến thăm của ông Phúc. Trong khi Thủ tướng mới của New Zealand đang cố gắng thay đổi TPP. Nhưng sau APEC, chúng ta sẽ biết liệu những quốc gia này có tiếp tục duy trì thỏa thuận hay không bởi vì không có Mỹ nhiều mục tiêu trong TPP khó lòng đạt được. Và Việt Nam cần lựa chọn hướng đi phù hợp cho mình.
Việt Nam sẽ rất vui vì chuyến thăm chính thức này của ông Trump. Bởi vì một khi những lãnh đạo cấp cao đồng ý thì các bộ ngành sẽ tuân theo. Đó là mục tiêu quan trọng nhất của Việt Nam.
Lan Hương: Chuyến thăm này có ý nghĩa như thế nào với Mỹ?
GS. Carl Thayer: Đây là một câu hỏi rất khó, bởi vì như chúng ta đã biết chính sách ngoại giao kiểu kinh doanh của ông Trump. Ông ấy chẳng có chiến lược toàn diện nào hết. Theo luật của Quốc hội Mỹ thì sau khi nhậm chức 150 ngày lẽ ra ông ấy phải công bố kế hoạch cụ thể cho nhiệm kỳ của mình, nhưng đến giờ này vẫn chưa thấy có.
Việt Nam thì luôn muốn sự hỗ trợ song phương và hỗ trợ cho cả ASEAN, cho APEC, hay EAS và muốn Mỹ thể hiện vai trò lãnh đạo. Nhưng với ông Trump thì chẳng có vai trò lãnh đạo nào cả, vì quan điểm của ông ấy là phải theo cách của tôi không thì không có cách nào hết. Và miệng ông ấy chưa bao giờ phát ngôn ra được từ “đa phương”. Điều này khiến Việt Nam không vui, vì Việt Nam muốn quan hệ đa phương vì dễ điều chỉnh mà mang lại ảnh hưởng dễ dàng hơn.
Tuy nhiên nếu ông Trump không đến Việt Nam, thậm chí là để dự APEC, mới thực sự là thảm họa. Chuyến đi này là dịp để ông ấy học hỏi về châu Á những điều ông ấy chưa biết. Và ông ấy sẽ đến Việt Nam sau chuyến thăm Trung Quốc, như vậy sẽ là dịp để Việt Nam hỏi han về chuyến thăm này. Vì bấy lâu nay Hà Nội luôn lo sợ hai quốc gia này sẽ gắn bó keo sơn với nhau và Việt Nam sẽ là nạn nhân.
Lan Hương: Nếu ông có cơ hội được tư vấn cho ông Trump, ông sẽ khuyên ông ấy nói với Việt Nam điều gì?
GS. Carl Thayer: Đầu tiên tôi phải nói với ông ấy thật là sai lầm khi không đến dự Hội nghị Cao cấp Đông Á.
Tôi cũng muốn nói với ông ấy một vài điều rằng vị thế quân sự của Hoa Kỳ đang ngày càng lớn mạnh trong khu vực nhờ Bộ trưởng Mattis, đó là sự tự do tuần tra hàng hải. Nhưng Hoa Kỳ cần thể hiện vai trò lãnh đạo mạnh mẽ hơn, lấy các tiêu chuẩn của Trump và cố gắng đa phương hoá chúng. Tôi sẽ khuyên rằng nếu Hoa Kỳ cắt sự trợ giúp thông qua Bộ Ngoại giao, điều đó sẽ ảnh hưởng đến an ninh con người, quyền của phụ nữ, sức khoẻ hàng ngày của người dân khu vực sông Mê Kông.
Hoa Kỳ cần phải có tất cả các yếu tố quyền lực quốc gia kết hợp với nhau.  Đó là các yếu tố quyền lực về kinh tế, chính trị, ngoại giao, văn hoá và quân sự kết hợp lại với nhau. Tôi đã nghe ông bộ trưởng James Mattis nhắc đến thuật ngữ này nhiều lần nhưng chưa thấy ông Tillerson và các bộ trưởng khác nhắc tới.
Tôi nghĩ Mỹ nên khuyến khích Việt Nam trong việc đóng vai trò chủ chốt. Việt Nam là một thành viên không thường trực trong Hội đồng Bảo an LHQ trong năm 2008 và 2009, và bây giờ là một ứng cử viên một lần nữa. Và Việt Nam sẽ bắt tay vào việc gìn giữ hòa bình bằng cách hỗ trợ bệnh viện dã chiến cấp 2 và cung cấp binh chủng cho Nam Sudan. Mỹ đang ủng hộ điều đó, và tôi nghĩ rằng điều này sẽ mang lại kết quả tích cực. Như vậy, Việt Nam đang góp phần giúp đỡ chống lại chiến tranh khủng bố bằng cách ổn định hóa một khu vực của thế giới.
Lan Hương: Ông sẽ khuyên chính phủ Việt Nam nói gì với ông Trump?
GS. Carl Thayer: Tôi nghĩ rằng rõ ràng là ngoài khía cạnh song phương, họ nên thúc đẩy ông ấy rằng ASEAN cần giữ vai trò trung tâm cho kiến ​​trúc khu vực. Và cách tốt nhất là Hoa Kỳ hỗ trợ, phối hợp và thảo luận các sáng kiến ​​với ASEAN hơn là cứ đơn phương ban hành. Việt Nam đánh giá cao chuyến thăm của ông tới khu vực, và nên nói rằng ông và nội các của ông nên đến  thăm Việt Nam nhiều hơn. Ông Obama từng nói rằng tất cả các thành viên nội các nên đến thăm châu Á mỗi năm một lần. Việt Nam cũng có thể khen ông ấy rằng sự lãnh đạo mạnh mẽ của ông là rất cần thiết, và làm ông ấy hãnh diện. Ngay cả các đồng minh thân cận trong khu vực như Úc có thể hợp tác với Hoa Kỳ nhưng chúng tôi cần sự lãnh đạo, chứ không muốn sự phiền nhiễu. Việt Nam rất giỏi trong việc làm người khác hãnh diện và đó là một điều tốt. Cứ nói với ôngTrump rằng Việt Nam trân trọng tính nhất quán trong mục đích của Hoa Kỳ, và khuyến khích ông ấy đưa Việt Nam vào chiến lược an ninh quốc gia vì hiện giờ nó đang được soạn thảo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét