Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 27 tháng 10, 2017

Ưu Việt - Chưa tốt nghiệp cấp ba vẫn được bổ nhiệm làm Viện trưởng Viện KSND


Đó là trường hợp của ông Trần Đình Sơn, người được đề bạt làm Viện trưởng Viện KSND tỉnh Đăk Lăk từ khi chưa tốt nghiệp phổ thông trung học.Ban đại diện báo Tiền phong khu vực Tây Nguyên từng nhận nhiều đơn thư kêu oan có căn cứ liên quan đến trách nhiệm theo dõi công tố, giám sát việc thực thi pháp luật của ông Trần Đình Sơn.
<!>
Văn bản “đồng tình” với việc man khai lý lịch của ông Sơn, do Viện trưởng Đỗ Khắc Tiệp báo cáo năm 2004
Biết gian dối vẫn bổ nhiệm

Trong hồ sơ của ông Trần Đình Sơn lưu tại phòng Tổ chức cán bộ Viện KSND tỉnh, năm sinh và trình độ văn hoá là 2 mục được ông “sáng tác” lung tung. Trưởng ty Giáo dục tỉnh Thanh Hoá chứng nhận Trần Đình Sơn thi hết cấp II vào tháng 6/1977.
Học bạ cấp II và cấp III cho thấy việc học phổ thông của ông Sơn dừng lại ở học kỳ I lớp 9 tại trường PTTH Hàm Rồng – Thanh Hóa, trước khi ông rời quê theo bố vào xin việc làm tại Đăk Nông từ năm 1978.
Năm 1992, ông Sơn đăng ký học ĐH Luật hệ tại chức tại tỉnh Đăk Lăk. Học xong do không có bằng tốt nghiệp cấp III nên ông chỉ được cấp giấy chứng nhận đã học dự thính. Năm 1996, ông được đề bạt làm Viện trưởng Viện KSND tỉnh Đăk Lăk với lý lịch tự khai trình độ Cử nhân Luật, dù trong tay chưa có một bằng cấp nào thể hiện trình độ văn hoá hay chuyên môn.
Sau vài lần xuôi ngược về quê, tháng 10/2003 ông Sơn mới có giấy xác nhận của Hiệu trưởng trường PTTH Hàm Rồng về việc ông học xong chương trình BTVH hệ 10/10 vào năm học 1977-1978 nhưng không thi tốt nghiệp.
Điều lạ nhất là việc man khai lý lịch của ông Sơn được cấp trên biết rõ, nhưng ông Sơn không bị xử lý kỷ luật mà vẫn được ưu tiên cất nhắc.
Trong báo cáo số 34 gửi Ủy ban Kiểm tra tỉnh uỷ Đăk Lăk, Viện trưởng Viện KSND tỉnh Đăk Lăk Đỗ Khắc Tiệp thay mặt Ban cán sự Đảng của Viện sau khi đã liệt kê các chi tiết khai báo tiền hậu bất nhất của ông Sơn trong hồ sơ, chỉ kết luận đơn giản:
“Đồng chí Trần Đình Sơn sinh ngày 14 tháng 2 năm 1963 là có căn cứ”, và “Khi vào ngành kiểm sát Đăk Lăk đồng chí Trần Đình Sơn chưa tốt nghiệp văn hoá 10/10. Đến ngày 17/6/2004 Sở GD&ĐT Đăk Lăk mới chứng nhận đồng chí Sơn đã tốt nghiệp bổ túc trung học phổ thông khoá thi ngày 2/6/2004”.
Như vậy việc man khai lý lịch của ông Sơn được coi như chuyện… bình thường, không cần làm rõ.
Sau khi kiếm được mảnh bằng bổ túc văn hoá cấp III, năm 2005 ông Sơn học lại Đại học Luật tại chức, tới nay sau 12 năm ngồi ghế Viện trưởng Viện KSND tỉnh ông vẫn chưa có bằng cấp chuyên môn.
Thế nhưng cuối năm 2007 ông vẫn đường đường là Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên giỏi của ngành Kiểm sát Đăk Lăk (!), toàn quyền chấm chọn những kiểm sát viên hầu hết đã tốt nghiệp cao đẳng và đại học.
Hậu quả
Những hồ sơ kêu oan liên quan đến trách nhiệm của ông Sơn mà người dân gửi đến báo Tiền phong
Từ khi ông Sơn lên ghế Viện trưởng Viện KSND tỉnh phụ trách mảng án hình sự tới nay, đã có nhiều vụ án do ông kiểm sát bộc lộ dấu hiệu oan sai được nhiều báo đài phân tích, vạch trần.
Phớt lờ công luận, ông không bao giờ trả lời những câu hỏi trên mặt báo mà cứ lẳng lặng… tiếp tục làm sai. Không ít lần ông sai cẩu thả, lộ liễu đến mức nhiều nhà báo chỉ đọc hồ sơ cũng đã phải kêu lên: Sao tỉnh Đăk Lăk lại đề bạt một ông lãnh đạo Viện Kiểm sát có trình độ “kinh khủng” như vậy?
Xin nêu vắn tắt vài ví dụ: Vụ án tham ô tài sản XHCN tại chi nhánh Cty LTVTNN huyện Ea Kar.  Sau khi ông Sơn ký quyết định phê chuẩn lệnh khởi tố và tạm giam anh T. 11 tháng, vụ án kéo dài 3 năm qua nhiều lần điều tra bổ sung vẫn không đủ căn cứ chứng minh anh T có tội.
Thay vì quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can vì không đủ chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của anh T, ông Sơn lại ký Quyết định số 11 với lập luận: Tuy anh T đã chiếm dụng và làm thất thoát đến 220 triệu đồng nhưng do đã nộp lại 1,4 triệu đồng khắc phục hậu quả, nhân thân tốt, phạm tội lần đầu…nên đình chỉ điều tra (!).
Hai vụ lừa đảo lớn chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng của nhiều người dân gây xôn xao dư luận phố núi gần đây, đều có yếu tố làm giả tài liệu văn bản nhà nước, dùng “bìa đỏ” giả thế chấp vay vốn ngân hàng và vay vốn người quen rồi “xù”. Trong đó 1 vụ do nhóm 7 người cầm đầu bởi bà Hương trú tại huyện Krông Ana, 1 vụ do vợ chồng bà Lan trú tại TP Buôn Ma Thuột gây ra.
Trong vụ thứ nhất, ông Trần Đình Sơn đã ngang nhiên loại bà Mỹ ra khỏi việc khởi tố hình sự, dù tội làm giả giấy tờ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhiều trăm triệu đồng của bà này đã được cơ quan điều tra làm rõ.
Trong vụ thứ hai, ông Sơn đồng tình cùng cơ quan điều tra bỏ lọt tội một đồng phạm quan trọng, là ông Dũng trưởng phòng Đo đạc Sở Tài nguyên môi trường, chồng bà Lan, người đã chủ động làm giả hồ sơ vay ngân hàng, cùng vợ đi vay tiền khắp nơi rồi quỵt.
Việc ông Sơn cố tình bỏ lọt tội phạm trong 2 vụ lừa đảo kể trên đã góp phần khiến các nạn nhân vô phương đòi nợ, lâm sâu vào cảnh tán gia bại sản.
Vụ anh Tiến chạy xe thồ ở phường Tự An bị giết chết, cướp xe đã từ lâu mà tiếng kêu oan của vợ con anh tới nay vẫn chưa dứt.
Diễn biến vụ này khá rõ: Tên Vy, một đối tượng có tiền án tiền sự thuê anh Tiến chở từ phố về huyện, khi qua nghĩa địa buôn Jao đã rút dao chuẩn bị sẵn đâm anh Tiến nhiều nhát liên tiếp. Qua nhiều lời khai và bản cung nhận tội từ đầu, tên Vy đều tự khai đã giết chết anh Tiến để cướp xe.
Cáo trạng ông Sơn ký lần đầu chỉ khép tên Vy vào tội cướp tài sản, bị TANDTC hủy và yêu cầu phục hồi điều tra làm rõ hành vi giết người của bị cáo Vy, cáo trạng ông Sơn ký lần sau vẫn y như cũ v.v…
“Viện Kiểm sát có nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự, thực hiện quyền công tố, bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất” (Điều 23 BLTTHS).
Để làm tròn trọng trách được giao,  trước hết Viện Kiểm sát phải là cơ quan gương mẫu nhất trước toàn xã hội về việc chấp hành nghiêm mọi quy định của pháp luật. Thế nhưng tại Đăk Lăk, việc tiến cử ông Trần Đình Sơn vào vị trí lãnh đạo để ông liên tục chỉ đạo công tố oan sai đã đi ngược lại nguyên tắc này.
HOÀNG THIÊN NGA/ Báo Tiền Phong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét