Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 18 tháng 9, 2017

VĨNH BIỆT NHẠC SĨ HOÀNG GIÁC, TÁC GIẢ ‘NGÀY VỀ’ - Lê Hoàng Tuấn Kiệt

Hoàng Giác
VĨNH BIỆT NHẠC SĨ HOÀNG GIÁC, TÁC GIẢ ‘NGÀY VỀ’<!>
chim bay

Tung cánh chim tìm về tổ ấm 
nơi sống bao ngày giờ đằm thắm 
nhớ phút chia ly, ngại ngùng bước chân đi 
luyến tiếc bao ngày xanh.
Tha thiết mong tìm về bạn cũ 
nhưng cánh chim mịt mùng bạt gió 
vắng tiếng chim xanh ngày vui hót tung mây 
mờ khuất xa xôi nghìn phương
Trên đường tha hương, vui gió sương 
riêng lòng ta mang mối nhớ thương 
âm thầm thương tiếc cho ngày về 
tìm lại đường tơ nay đã dứt
Nghe tiếng chim chiều về gọi gió 
như tiếng tơ lòng người bạc phước 
nhắp chén men say còn vương bóng quê hương 
dừng bước tha hương lòng đau.
Lời 2:
Trong bốn phương mờ hàng lệ thắm 
mơ đến em một ngày đầm ấm 
nhớ phút chia phôi cùng ai dứt đau thương 
tìm đến em nay còn đâu.
Năm tháng phai mờ lời hẹn ước 
trong gió sương hình người tình mến 
oán trách ai quên lời thề lúc ra đi 
thôi ước mơ chi ngày mai
Phong trần tha hương bao nhớ thương 
tim buồn ta mơ đôi bóng uyên 
lưng trời âu yếm bay tìm đàn 
lòng nguyện giờ đây quên quên hết
Ta sống không một lời trìu mến 
như bóng con đò lạc bến 
lờ lững trôi qua cùng ngày tháng phôi pha 
duyên kiếp sau ta chờ mong.
 
Người dân miền Nam trước 1975 cơ hồ đều đã nghe qua những lời ca thê thiết này; những giai điệu của một thời hỗn mang, lửa khói, ly loạn, điêu linh..
‘Ngày về’ là một ca khúc để đời của Hoàng Giác. Tác giả dùng hình ảnh con chim lạc đàn để tỏ bày nỗi nhớ cố xứ, gia đình, bè bạn, người mình thương quý. Giản dị, chả có gì cao siêu, mà hay là hay.
Ca khúc ấy đã định danh Hoàng Giác, song le, cũng chính vì nó, ông gặp phải tai ương. Những năm 60, chính phủ VNCH đã sử dụng ‘Ngày về’ làm nhạc hiệu cho chương trình Chiêu hồi, kêu gọi những cầm súng bên kia chiến tuyến quay đầu hồi chánh, về với chánh nghĩa quốc gia. Điều này khiến nhà cầm quyền miền Bắc nổi giận, và từ đó, cuộc sống của Hoàng Giác cùng gia đình đảo lộn, khốn đốn, nhiều trắc trở.
Tôi thuộc thế hệ sanh sau đẻ muộn, nhưng quả tình, mỗi lúc nghe lại bài này, nhất là khi Anh Ngọc ca, thì cảm xúc bao giờ cũng lâng lâng khó tả. Con người ta, ai cũng có nơi để hướng vọng về, dầu nó xa xôi cách trở đến mấy. ‘Lang thang từ độ luân hồi/ U minh nẻo trước, xa xôi dặm về’, thơ Vũ Hoàng Chương, là một ví dụ.
Gia tài ca khúc của Hoàng Giác không nhiều, nhưng mấy ai dám bảo nó không giá trị. Quý hồ tinh bất quý hồ đa. Đoàn Chuẩn, ‘công tử Bạc Liêu xứ Bắc’, một người đồng niên, viết nhạc cũng không nhiều, nhưng người đời vẫn sùng bài đấy thôi.
Nghe tin ông vừa thất lộc ở tuổi 94, tôi chợt giật mình. Giật mình khi một gương mặt âm nhạc tiền chiến nổi bật họa hoằn còn lại cũng vừa rời bỏ chúng ta mà đi. Giật mình khi ‘Ngày về’ vọng lên ầm ào trong đầu, thôi thúc tôi bật lên nghe lại, dập tắt sự ủ ê sau một ngày quăng quật áo cơm mệt nhọc. Giật mình, rồi đâm lớ ngớ, nhớ sang…con trai ông, thi sĩ Hoàng Nhuận Cầm, tác giả thi tập ‘Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến’ mà một thời tôi mê đắm.
Cuối cùng thì con người tài hoa ấy cũng tìm được cho mình một ngày về, đúng hơn, một lối về. Về với đất mẹ, về với thiên thu, nhưng tên tuổi của ông thì vẫn mãi neo đậu ở bến trần gian.
15.09.2017
caÌ nh chim bay
Nhạc sĩ Hoàng Giác, tác giả của Mơ hoa, Ngày về… qua đời
15/09/2017 14:32 GMT+7
TTO – Nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm cho biết cha của anh là ca sĩ, nhạc sĩ Hoàng Giác đã qua đời vào tối 14-9-2017 do tuổi cao sức yếu.
 
Nghe Trọng Tấn hát Ngày về, một sáng tác của nhạc sĩ Hoàng Giác
Hoàng Giác sinh năm 1924, quê gốc Hà Nội. Ông là người đa tài, say mê âm nhạc, thể thao. Từ khi còn là học sinh trường Bưởi ông đã tự mày mò học âm nhạc theo các tài liệu của Pháp.
Hoàng Giác sáng tác không nhiều, trong cả sự nghiệp của mình ông sáng tác khoảng 20 ca khúc.
Hai ca khúc nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của ông là Mơ hoa(1945) và Ngày về (1946).
Những ca khúc này đã được nhiều ca sĩ nổi tiếng như Ngọc Bảo, Ái Vân, Mai Hoa, Anh Thơ thể hiện…
Hoàng Giác chuyên sử dụng đàn guitar, từng là giảng viên nhiều năm tại trường Trường sư phạm Nhạc – Họa Trung ương. Ông còn là một ca sĩ, thường đi biểu diễn.
Nghe tài tử Ngọc Bảo hát Mơ hoa – một sáng tác của nhạc sĩ Hoàng Giác
Nhạc sĩ Thụy Kha đánh giá nhạc sĩ Hoàng Giác dù sáng tác ít, nhưng ông là người đã đem lại sự tươi mới cho dòng nhạc Tiền chiến (1938 – 1946).
“Là người xuất hiện về nửa cuối của dòng nhạc Tiền chiến, nhưng ông Hoàng Giác đã đem lại sự tươi mới về tiết tấu, về tình cảm cho dòng nhạc này.
Tiêu biểu là ca khúc Mơ hoa. Cách tỏ tình của ca khúc này trực diện hơn, “Cô hái hoa tươi, hãy dừng bước chân. Trên đường thầm xa, tôi nhắn cô em đôi lời…”, chứ không còn kín đáo, bóng gió như những sáng tác của các đồng nghiệp trước ông.
Ngoài ca khúc Mơ hoa, phải kể tới ca khúc Ngày về, là ca khúc Hoàng Giác viết khi ông được về quần tụ với gia đình tại Vĩnh Yên.
Ông sáng tác không nhiều, mà sau này ông chỉ dạy đàn, đi hát. Ông là một nghệ sĩ đích thực, tính cách của ông hay lắm. Ông có một người vợ Hà Nội rất đẹp”.
Con trai của nhạc sĩ Hoàng Giác, là nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm cho biết gia đình đang chuẩn bị tang lễ.
Tang lễ nhạc sĩ Hoàng Giác được tổ chức từ 9h30 đến 11h ngày 20-9-2017 tại Nhà tang lễ 125 Phùng Hưng, Hà Nội.
 
Chân dung nhạc sĩ Hoàng Giác chụp năm 2013 – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
http://cdn.tuoitre.vn/2017/hoanggiac2-anh-nguyen-khanh-1505460683438.jpg
 
http://cdn.tuoitre.vn/2017/hoanggiac1-anh-nguyen-khanh-1505460683435.jpg
 
 
http://cdn.tuoitre.vn/2017/hoanggiac3-anh-nguyen-khanh-1505460683440.jpg
NGỌC DIỆP
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét