Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 7 tháng 9, 2017

Từ quốc gia nghèo nhất Châu Á trở thành cường quốc kinh tế: Bí quyết ‘sức mạnh mềm’ của Hàn Quốc ​ - Thu Hiền​

alt
Sông Hangang – Hán Giang, biểu tượng của thủ đô Seoul, Hàn Quốc. 
Thập kỷ 50 vào đầu 60 của thế kỷ trước, Hàn Quốc là một trong những quốc gia nghèo nhất Châu Á sau các cuộc chiến liên miên. 60 năm sau, quốc gia này đã trở thành cường quốc kinh tế đứng thứ 12 trên thế giới và thứ 4 châu Á cùng với sự thành công được cả thế giới ghi nhận trong việc phổ biến văn hòa Hàn Quốc như một sức mạnh “mềm”.<!>
Sau khi thoát khỏi sự thống trị của đế quốc Nhật Bản trong suốt 36 năm, người dân Triều Tiên lúc bấy giờ hân hoan trong niềm vui và hy vọng xây dựng một quốc gia độc lập tự chủ. Nhưng lại một lần nữa, cuộc chiến nổ ra và lần này là cảnh “nồi da xáo thịt”, “huynh đệ tương tàn” giữa hai miền Nam – Bắc của xử sở kim chi này. Hiệp định đình chiến 1953 kết thúc cuộc nội chiến nhưng vẫn không thể xóa bỏ được vết thương chiến tranh trải dài trên toàn lãnh thổ và hai miền đất nước đã bị chia cắt không cách nào hàn gắn được cho tới tận bây giờ. Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc đi theo hai con đường khác nhau, và hiện tại con đường nào tươi sáng hơn đã được khẳng định.
Trong nhiều năm liền, người dân Hàn Quốc phải lo chạy ăn từng bữa, đến nỗi năm 1969, Chính phủ đã chỉ định ngày thứ Tư và thứ Bảy hàng tuần là “Ngày không gạo”, thay vào đó người dân chỉ ăn các loại lương thực từ bột mỳ. Nhưng bằng nỗ lực và sức mạnh nội tại đáng kinh ngạc của toàn dân, hiện nay thu nhập bình quân đầu người của Hàn Quốc đã vươn lên đứng thứ 29 trên thế giới.
Các chuyên gia kinh tế trên thế giới đã phân tích thành công của Hàn Quốc vốn được biết tới với cái tên “Kỳ tích sông Hán” (sông Hangang – Hán Giang hay bị dịch nhầm hành sông Hàn) đã rút ra được những yếu tố làm nên một kỳ tích châu Á thời hiện đại. Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi mạn phép chỉ đề cập tới những yếu tố văn hóa rất đặc trưng đã góp phần trong cú chuyển mình ấn tượng của Đại Hàn Dân Quốc.

Một dân tộc cầu thị
Năm 1968 người Hàn mang nguyên bộ sách giáo khoa của người Nhật về dịch sang tiếng Hàn và giảng dạy, ngoại trừ các môn xã hội như địa lý, lịch sử và văn học. Lúc đó, cũng có nhiều người chỉ trích, vì tính sĩ diện của người Hàn Quốc rất cao, nhưng họ vẫn quyết tâm thực hiện, vì để có chương trình giáo dục đó, người Nhật đã mất cả trăm năm cải biên từ cách đào tạo của giáo dục phương Tây phù hợp với đặc trưng châu Á.
Trong 20 năm phát triển thần tốc với tăng trưởng GDP luôn ở mức hai con số, cả dân tộc Hàn Quốc quyết tâm thoát nghèo bằng sự hiếu học và cầu thị của mình. Trên tivi chỉ có 2 chương trình là “dạy làm người” và “dạy làm ăn”, đất nước với 70% dân số làm nông nghiệp lúc đó bắt đầu học từ cách chào hỏi, mỉm cười của người làm dịch vụ cho tới cách quản lý nhà hàng hay thậm chí điều hành cả một nhà máy.
Năm 1988, sau khi thế giới chứng kiến kỳ tích bên sông Hán qua Thế vận hội Olympic được tổ chức tại Hàn Quốc, quốc gia mới bước chân vào nhóm 24 cường quốc thế giới quyết định đẩy mạnh ngành công nghiệp giải trí. Tổng thống đương nhiệm lúc đó, đồng thời cũng là người đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2000, ông Kim Dae Jung đã quyết định sẽ kiến tạo ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc, sau khi thấy nền công nghiệp điện ảnh Mỹ hay nhạc kịch Anh thu được những khoản tiền khổng lồ.
Người Hàn tuyển chọn ngay 2.000 sinh viên ưu tú nhất, cử sang Hollywood học các ngành từ đạo diễn, diễn viên, phục trang đạo cụ …4 năm sau tốt nghiệp, năm 1992, những bộ phim Hàn Quốc đầu tiên ra đời như Cảm xúc, Mối tình đầu, Hoa cúc… đã khiến cả Châu Á phải trầm trồ thưởng thức.
alt
Bộ phim “Mối tình đầu” của Hàn Quốc làm mưa làm gió trên thị trường phim truyền hình các nước Châu Á một thời. 
Cũng có ngần ấy học sinh được khuyến khích đi Milan và Paris để học về thời trang, mỹ phẩm. Những sinh viên giỏi toán nhất được hướng theo ngành tài chính ở các đại học lớn trên thế giới, với tham vọng biến Seoul thành trung tâm tài chính như London, New York.
Ngày nay, người Hàn Quốc được đánh giá là học tập rất chăm chỉ và có trình độ học vấn cao nhất trong các quốc gia thuộc OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế), với 98% dân số hoàn thành bậc trung học và 63% hoành thành bậc cao đẳng.
Tinh thần kỷ luật, có trách nhiệm và coi trọng hình ảnh “sạch sẽ” không vết nhơ trong nhân cách
Có thể dễ dàng nhận thấy tinh thần kỷ luật và trách nhiệm với công việc của người Hàn Quốc qua các bộ phim truyền hình. Họ luôn ưu tiên công việc lên hàng đầu. Khi màn đêm buông xuống, những ánh đèn của các toà nhà công sở vẫn sáng rực cho đến đêm khuya. Theo số liệu năm 2012 của Bộ Chiến lược và Tài chính của Hàn Quốc, trung bình một người dân của họ làm việc 44,6 tiếng/tuần so với 32,8 giờ của người dân các nước thuộc khối OECD.
Văn hóa doanh nghiệp rất chặt chẽ và kỷ luật, luôn tuân thủ thời gian một cách chính xác. Người Hàn Quốc thường nhìn nhau để làm việc chăm chỉ nên đã tạo ra một tính cách siêng năng, trung thực trong toàn xã hội.
Không phải tự nhiên mà người Hàn sinh ra đã có kỷ luật thép. Ngoài việc thi hành chế tài mạnh mẽ đối với những hành vi phạm pháp ra thì việc được rèn luyện từ nhỏ đã có ảnh hưởng rất lớn đến ý thức của người dân. Nếu phát hiện ăn cắp ăn trộm, hoặc lấy đồng tiền không xứng đáng với công sức của mình, không thuộc về mình thì sẽ có thể bị phạt đánh từ khi còn là học sinh, bị cả nhà trường kỷ luật và bị chính cộng động xung quanh mình ghẻ lạnh, xa lánh. Với những năm tháng khắc nghiệt như vậy, trong xã hội Hàn không phổ biến hiện tượng vi phạm đạo đức và quan niệm truyền thống dân tộc.
Xã hội Hàn Quốc lưu giữ nhiều nét truyền thống và đặt nặng lề thói, coi trọng giáo huấn của Khổng Tử. Việc làm một người đúng đắn, chính trực có ý nghĩa đối với họ nhiều hơn là lợi ích nhất thời rất nhiều. Vậy nên người Hàn rất trọng việc có một hình ảnh sạch sẽ. Họ hiểu rằng một chút lợi ích bây giờ sẽ không mua được cái thể diện về lâu về dài, cho nên dù thế nào cũng không được phạm pháp.
Đằng sau những hào nhoáng của những nghệ sĩ nổi tiếng trong làn sóng Hàn Quốc (Hallyu hay Hàn lưu), người dân thế giới đã biết hơn về một dân tộc coi trọng danh dự thông qua nền công nghiệp giải trí phát triển của đất nước này. Thỉnh thoảng lại có một nghệ sĩ nào đó rất được yêu mến ở nước ngoài lại bị chính những người đồng hương quay lưng lại bởi một lỗi lầm nhỏ khiến đánh mất niềm tin của xã hội. Đối với họ, đã là người của quần chúng, ngoài những ánh hào quang và lợi lộc thì người nổi tiếng phải có trách nhiệm làm tấm gương tốt, thực hành lối sống lành mạnh, xứng đáng là người có tầm ảnh hưởng theo hướng tích cực tới toàn xã hội.
Đã có rất nhiều nghệ sĩ trẻ chỉ vì một lần lái xe trong tình trạng có hơi men, hút thuốc khi chưa đủ tuổi, có những phát ngôn thiếu suy nghĩ có thể gây tổn thương cho một cộng đồng nào đó… là phải tổ chức họp báo xin lỗi ngay lập tức với cái gập người hơn 90 độ để cầu mong sự tha thứ từ những người đã bị tổn thương và những người thật sự hâm mộ, yêu mến mình. Sự khắt khe của người hâm mộ Hàn Quốc giúp người nghệ sĩ phải luôn hiểu trách nhiệm của mình và đem tài năng cũng như phẩm hạnh để làm đẹp cho đời.
alt
Ca sĩ Top nhóm nhạc Bigbang cúi đầu xin lối khán giả vì vụ bê bối sử dụng cần sa. 
Ngay cả nhân vật có quyền lực lớn như cựu tổng thống Park Geun Hye, khi vướng phải vụ bê bối chính trị cũng phải năm lần bảy lượt xin lỗi công chúng. Đảng Hàn Quốc Tự do (LKP) của bà cũng phải cay đắng nói rằng: “Chúng tôi đã không hoàn thành nghĩa vụ là một đảng cầm quyền, không bảo vệ được vị thế và niềm kiêu hãnh của Hàn Quốc do người dân tạo nên” đồng thời gửi lời xin lỗi chân thành tới toàn dân.
Văn hóa xin lỗi của người Hàn Quốc có thể hơi quá nặng nề đối với nhiều quốc gia khác trên thế giới, nhưng ở Hàn Quốc đó là một điều bình thường và là điều tối thiểu để thể hiện sự tôn trọng người khác, cầu thị, khiêm nhường, và đặt lợi ích của cộng đồng lên trên cá nhân.
alt
Con gái chủ tịch Korean Air từ chức và xin lỗi vì vụ bê bối bắt nhân viên quỳ gối. Ảnh Reuters.com
Giữ gìn văn hóa truyền thống với Khổng giáo làm rường cột
Tinh thần cầu thị của người Hàn như ở trên thực ra chính là có nguồn gốc từ truyền thống Nho giáo hiếu học. Chính sự hiếu học của người dân cùng với ý thức đầu tư phát triển giáo dục của chính phủ Hàn quốc trong nhiều năm đã tạo ra lực lượng lao động chất lượng, góp phần tạo nên kỳ tích sông Hán.
Trong thời kỳ bùng nổ phát triển kinh tế dưới sự cầm quyền của Tổng thống Park Chung Hee, sau khi thực hành nhiều cải tiến mạnh tay để hiện đại hóa, ông không tìm ra được một học thuyết chính trị nào phù hợp mà nhận ra rằng không thể không sử dụng những yếu tố tích cực của Nho giáo, trong đó, Trung (trung thành) và Hiếu (hiếu thảo) là giá trị quan xuyên suốt nhiều thế kỷ ở Hàn Quốc. Giống với những nhà lập quốc của một số cường quốc châu Á khác như Tưởng Giới Thạch của Đài Loan, Lý Quang Diệu của Singapore – Park Chung Hee cũng nhận ra có những giá trị của Nho giáo là rất đúng đắn và thích hợp trong khi chèo lái đất nước qua khó khăn trên con đường tạo lập xã hội hiện đại.
Khác với tư tưởng phương Tây tôn trọng tự do cá nhân, tư tưởng Nho giáo luôn xem xét cá nhân con người trong tổng hòa của các mối quan hệ giữa cá nhân với nhau, giữa cá nhân với gia đình và xã hội.
Con cái phải hiếu thuận với cha mẹ, với tổ tiên và vì thế đối với người Hàn Quốc, gia đình có ý nghĩa đặc biệt và là giá trị không thể thay thế trong tâm thức của họ. Mô hình đại gia đình là rất phổ biến, thậm chí dù ở xa nhưng con cái vẫn luôn hướng về gia đình. Các gia đình vẫn họp mặt thường xuyên, đặc biệt là trong những dịp lễ hội lớn hàng năm như Chusok (lễ Trung thu), hay trong những sự kiện gia đình như lễ cưới và lễ thôi nôi. Đặc biệt, ở Hàn Quốc các giá trị gia đình còn giúp hình thành nền tảng của những công ty thành công và đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước – các Chaebol.
Chữ Hiếu sẽ không trọn vẹn nếu không có Trung, dốc lòng trung quân ái quốc, nên người Hàn Quốc có tinh thần dân tộc rất cao. Đó chính là tiền đề để tập hợp sức mạnh tổng thể của cả dân tộc trong cuộc chiến thoát nghèo của họ.
Một nét truyền thống rất đặc biệt khác trong văn hóa của người Hàn Quốc có nguồn gốc từ tư tưởng Nho giáo: “Trưởng ấu hữu tự” – nghĩa là lớn nhỏ nên biết thứ tự. Ngay trong ngôn ngữ, tiếng Hàn cũng có những mức độ trang trọng cho tới thân mật khác nhau. Điều này có nghĩa là sự giàu có không hề nâng cao địa vị của một người. Nếu ở một số nơi, tiền bạc thường được coi là chỉ số quan trọng, thậm chí duy nhất của sự thành công, thì tại Hàn Quốc điều này không hẳn như vậy. Quan hệ “tiền bối”, “hậu bối” chính là điển hình văn hóa Khổng giáo.
Trong một ngành nghề, lĩnh vực hoặc một cộng đồng nào đó, người tiền bối sẽ nhận được sự kính trọng của tất cả các hậu bối dù có thể anh ấy không quá giàu có hay thành đạt. Trong tất cả các lễ trao giải âm nhạc của Hàn Quốc ngày nay, bạn sẽ thấy trước khi bước lên sân khấu nhận hay trao giải, các ngôi sao hạng A cũng đều cúi rạp người chào các đồng nghiệp tiền bối không mấy nổi danh của mình.
alt
Trưởng nhóm GD của Bigbang – ca sĩ thuộc tốp đầu trên thị trường âm nhạc K-Pop với sức ảnh hưởng lớn trong khu vực, cúi đầu chào các tiền bối khi lên nhận giải thưởng âm nhạc. Ảnh bigbangupdates.com
Chính điều này đã góp phần tăng cường tính kỷ luật của dân tộc Hàn Quốc, và sự phân biệt cấp bậc nghe có vẻ phiền hà này đã cho thấy nó không hề ngăn cản được đất nước Kim chi trở thành nền kinh tế năng động của thế giới.
Nhìn rộng ra, chính là vì luôn nhận thức được ai có vị trí của người đó và tuân thủ đúng chức phận của mình, mà tại xã hội Hàn Quốc, mỗi người đều được cố gắng làm tốt nhất vai trò của mình. Học sinh thì phải học hành thật chăm chỉ, người sản xuất thì phải sản xuất cho tốt, người nông dân thì phải làm ra nông phẩm sạch, và người tiêu dùng thì phải mua đồ nội địa.
Từ phục hưng văn hóa cho tới xuất khẩu văn hóa
Ngay trong giai đoạn lấy đà cho kỳ tích của mình, chính phủ Hàn Quốc đã có các kế hoạch 5 năm một để phục hưng văn hóa nghệ thuật nhằm gắn kết tinh thần dân tộc đã bị gián đoạn do ách thống trị của đế quốc Nhật trong hơn 30 năm và cuộc nội chiến Triều Tiên.
Kế hoạch phục hưng văn hóa nghệ thuật được triển khai trên 11 lĩnh vực, bao gồm Hàn Quốc học, mỹ thuật, âm nhạc, văn học, phim ảnh, múa…. Điều này thể hiện ý chí và khát khao khơi dậy văn hóa dân tộc của Chính phủ Hàn Quốc. Các viện nghiên cứu Hàn Quốc học được thành lập và những thư tịch cổ bị bỏ quên trong các kho lưu trữ được biên dịch sang tiếng Hàn ngày nay. Trong suốt thời gian thực hiện kế hoạch 5 năm phục hưng văn hóa nghệ thuật lần thứ nhất, Chính phủ đã đầu tư hơn 70% ngân sách vào bảo tồn di sản văn hóa, khôi phục nghệ thuật truyền thống và thúc đẩy ngành đất nước học
Sức mạnh của sự đồng lòng, tinh thần đoàn kế đã góp phần tạo nên kỳ tích tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc. Và sức mạnh đó được chủ đích tập hợp lại, đẩy lên thành tinh thần dân tộc mới bằng việc kế thừa, phát huy di sản truyền thống.
Sau đó, bước sang thế kỷ 21, từ bệ phóng kinh tế, văn hóa Hàn Quốc nhanh chóng được quảng bá ra thế giới và thâm nhập vào nhiều nước một cách mạnh mẽ. Hiện nay, Hàn Quốc là một trong top 10 nước xuất khẩu văn hóa hàng đầu thế giới với làn sóng Hàn Lưu (Hallyu) thông qua K-pop và các bộ phim truyền hình đã lan rộng và được đón nhận ở rất nhiều quốc gia.
Theo thống kê của Cục nội dung sáng tạo Hàn Quốc (KOCCA), ngành công nghiệp Kpop đã thu về 3,4 tỷ USD trong năm 2011. Doanh thu tại nước ngoài cũng lên 180 triệu USD, tăng 112% so với năm 2010. Số liệu này đã tăng liên tục với tốc độ gần 80% hàng năm kể từ 2007. Theo nghiên cứu, cứ mỗi 100 USD nhạc Hàn được tiêu thụ ở nước ngoài, thì lại có thêm 395 USD hàng điện tử như điện thoại di động hay tivi được xuất khẩu.
Với cái đà quá lớn từ văn hóa K-pop hay K-Drama, Hàn Quốc bắt đầu từng bước xuất khẩu những giá trị văn hóa truyền thống và hàn lâm, sâu sắc hơn. Bởi vì họ biết văn hóa truyền thống hay hiện đại, nếu phù hợp với tiêu chuẩn đạo đức và nhân văn, mới là những giá trị vĩnh cửu và nhận được sự ủng hộ của mọi dân tộc trên thế giới. Người dân Hàn Quốc với mong muốn đất nước được vĩnh hằng cùng vũ trụ và hướng tới sự hòa bình cho nhân loại thể hiện ngay trên lá quốc kỳ của mình, từ lâu đã luôn trân trọng và biết khai thác sức mạnh của văn hóa.
Kỳ tích Hàn Quốc đã khiến nhiều nước trong khu vực phải nhìn lại và nghiên cứu học hỏi. Nhiều quốc gia cũng đã học theo cách hiện đại hóa nông thôn, phát triển công nghiệp, đầu tư cơ sở hạ tầng như Hàn Quốc, nhưng đều bỏ qua hoặc không triệt để áp dụng việc thúc đẩy tinh thần người dân và nuôi dưỡng sức mạnh dân tộc thông qua lưu giữ, bảo tồn những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của cổ nhân.
Khi một dân tộc có bề dày văn hóa truyền thống nhân văn được hun đúc thành bản lĩnh văn hóa không bị mai một, biến tấu trước những biến dị của thời cuộc, thì dân tộc đó sẽ hùng mạnh. Thậm chí, nếu đất nước bị tàn phá, nhưng rồi từ sức mạnh tiềm ẩn đó của văn hóa, dân tộc vẫn có thể vươn lên, hồi sinh và phát triển.
​Thu Hiền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét