Thủ tướng Đức: Trump sai lầm khi dọa 'hủy diệt' Triều Tiên --- Bắc Hàn nói phát biểu của Trump là 'tiếng chó sủa' --- Trump gây thêm khó khăn cho chiến lược Bắc Triều Tiên của Mỹ --- Bắc Triều Tiên: Nhật-Hàn hoan nghênh đe dọa của Donald Trump
Thủ tướng Đức Angela Merkel nói Đức và Mỹ không đồng ý về cách giải quyết cuộc đối đầu với Triều Tiên và lên án lời đe dọa của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc "hủy diệt hoàn toàn" Triều Tiên nếu Mỹ bị đe dọa.<!>
Bà Merkel, người dự kiến sẽ giành được nhiệm kỳ Thủ tướng thứ tư trong cuộc bầu cử vào Chủ nhật, nói các biện pháp chế tài và ngoại giao là cách duy nhất để đưa quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân này trở lại bàn đàm phán.
"Tôi chống lại những lời đe dọa như vậy," bà Merkel nói với đài phát thanh truyền hình Deutsche Welle khi được hỏi về những phát biểu của ông Trump tại Liên Hiệp Quốc. "Chúng tôi xem bất kỳ hình thức giải pháp quân sự nào là hoàn toàn không phù hợp và chúng tôi kiên quyết theo đuổi một giải pháp ngoại giao."
Bà nói thêm: "Theo quan điểm của tôi, các biện pháp chế tài và việc thi hành chúng là câu trả lời đúng đắn. Nhưng tôi xem mọi thứ khác liên quan đến Triều Tiên là sai."
Bà Merkel cho biết bà đã nói với ông Trump qua điện thoại vài ngày trước rằng phải tìm ra một giải pháp ngoại giao. - VOA
***
Quan chức ngoại giao hàng đầu của Bắc Hàn gọi bài phát biểu của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ở Liên Hiệp Quốc là "tiếng chó sủa".
Phát biểu tại Đại hội đồng LHQ hôm 20/9, ông Trump nói rằng ông sẽ "hủy diệt toàn bộ" Bắc Hàn nếu Bình Nhưỡng đe dọa Hoa Kỳ hoặc các đồng minh của nước này.
Bình luận của Ngoại trưởng Bắc Hàn Ri Yong-ho là phản ứng chính thức đầu tiên của Bắc Hàn đối với bài phát biểu của ông Trump.
Bắc Hàn vẫn tiếp tục phát triển các chương trình hạt nhân và vũ khí của mình, mặc cho lệnh cấm của LHQ.
Ông Ri nói với các phóng viên gần trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York rằng: "Có một câu nói: 'Chó cứ sủa, đoàn người cứ đi'. "
"Nếu [Trump] nghĩ sẽ làm chúng tôi ngạc nhiên với tiếng chó sủa thì rõ ràng là ông ta đang nằm mơ."
Trước đó tại bài phát biểu ở Liên Hợp Quốc, ông Trump đã gọi nhà lãnh đạo Bắc Hàn là "Anh hùng hỏa tiễn đang lèo lái đất nước vào phi vụ tự sát."
Khi được hỏi ông nghĩ gì về ông Trump gọi ông Kim là "anh hùng hỏa tiễn", ông Ri trả lời: "Tôi cảm thấy tiếc cho phụ tá của ông ta."
Ông Ri dự kiến sẽ phát biểu tại LHQ vào thứ Sáu, 22/9.
Các chuyên gia nói Bắc Hàn có những tiến bộ đáng kinh ngạc trong việc phát triển tên lửa tầm xa và chương trình hạt nhân.
Hôm 3/9, Bắc Hàn cũng tuyên bố tiến hành cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ 6 và là cuộc thử nghiệm lớn nhất.
Vài ngày sau đó, Liên Hợp Quốc đã thông qua một loạt các lệnh trừng phạt mới đối với nước này bằng việc hạn chế nhập khẩu dầu và cấm xuất khẩu hàng dệt may - một nỗ lực nhằm cắt nguồn nhiên liệu và thu nhập cho các chương trình vũ khí của Bắc Hàn. - BBC
***
Ai cũng biết rằng ông Donald Trump không phải là một nhân vật ôn hòa, nhưng hôm qua cả thế giới đã sững sờ khi nghe tổng thống Hoa Kỳ lên tiếng đe dọa « hủy diệt hoàn toàn » Bắc Triều Tiên. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một vị tổng thống Mỹ đưa ra lời đe dọa tiêu diệt một quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc. Cho tới nay, người ta chỉ nghe những lời đe dọa như vậy từ chế độ như Bình Nhưỡng.
Khi phát biểu như trên, ông Donald Trump có lẽ muốn thể hiện quyết tâm của Washington bằng mọi giá ngăn chận Bắc Triều Tiên trang bị vũ khí hủy diệt hàng loạt, cho dù chính quyền Hoa Kỳ hiện nay biết rằng họ không thể chọn ngay giải pháp quân sự với chế độ Bình Nhưỡng. Bởi vì, mọi can thiệp quân sự nhằm tiêu diệt kho vũ khí tên lửa và hạt nhân của Bắc Triều Tiên đều chứa đựng nhiều nguy cơ đối với các đồng minh của Mỹ trong khu vực, đặc biệt là Hàn Quốc và Nhật Bản, những nơi hoàn toàn nằm trong tầm bắn của tên lửa Bắc Triều Tiên.
Bộ trưởng Quốc Phòng Jim Mattis, khi được hỏi về bài phát biểu của tổng thống Trump hôm qua, đã tuyên bố rằng chính quyền Hoa Kỳ vẫn muốn giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên « thông qua các phương tiện ngoại giao ».
Các biện pháp trừng phạt ngày càng nặng nề của Liên Hiệp Quốc nhắm vào chế độ Bình Nhưỡng cho tới nay hầu như không có tác dụng, trong khi mà chính quyền Mỹ vẫn chưa vạch ra được chiến lược nào khác một cách rõ ràng. Nga và Trung Quốc, tuy bỏ phiếu thông qua các biện pháp trừng phạt mới của Liên Hiệp Quốc, vẫn thúc giục Hoa Kỳ tìm cách đối thoại với Bắc Triều Tiên. Nhưng phía Mỹ cho rằng hiện chưa phải là lúc mở lại đàm phán chính thức với chế độ Kim Jong-Un.
Trong khi đó, tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, bài phát biểu của tổng thống Trump có giọng điệu ngày càng hiếu chiến với Bắc Triều Tiên. Tệ hại hơn, tổng thống Mỹ còn đặt hai chế độ Bình Nhưỡng và Teheran vào chung một rọ mang tên là « quốc gia côn đồ ». Bất chấp việc Iran đã chấp nhận ký với các cường quốc một hiệp định về ngưng chương trình hạt nhân của nước này cách đây hai năm, nhưng tổng thống Trump lại dọa sẽ rút khỏi hoặc sửa đổi hiệp định này.
Theo nhận định của chuyên gia Mark Fitzpatrick, thuộc Viện Quốc tế Nghiên Cứu Chiến Lược, IISS, việc ông Trump so sánh Bình Nhưỡng với Teheran có thể khiến cho Kim Jong-Un càng thấy cần phải trang bị vũ khí nguyên tử và tên lửa đạn đạo để đối đầu với Hoa Kỳ, và không thể nào thương lượng một hiệp định tương tự với Mỹ để rồi cũng sẽ có chung số phận như Iran.
Khi thương lượng hiệp định hạt nhân Iran năm 2015, chính quyền Obama vẫn luôn nhấn mạnh rằng thỏa thuận này nhằm chứng tỏ Washington sẵn sàng thương lượng với bất cứ đối thủ nào có thiện chí, ám chỉ đến những quốc gia như Bắc Triều Tiên.
Với những vụ bắn tên lửa và thử hạt nhân khiêu khích cộng đồng quốc tế, Bình Nhưỡng coi như đã loại trừ khả năng đạt thương lượng ngoại giao. Nhưng các đồng minh của Mỹ vẫn không muốn tổng thống Trump từ bỏ hẳn giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Bắc Triều Tiên.
Hôm qua, phát biểu trước ông Trump, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã kêu gọi chọn con đường ngoại giao. Một sự mong đợi không được đáp trả. Vài phút sau, tổng thống Mỹ đã dọa « hủy diệt hoàn toàn » Bắc Triều Tiên và như vậy ông đã khép chặt hơn nữa cánh cửa đối thoại với Bình Nhưỡng.
Nếu Kim Jong Un tiếp tục cho bắn tên lửa và thử hạt nhân mà chính quyền Trump vẫn không có hành động quân sự nào để « hủy diệt hoàn toàn », thì lúc đó còn gì là uy tín của Hoa Kỳ? - RFI
***
Tuyên bố của tổng thống Doanld Trump đe dọa « hủy diệt hoàn toàn » Bắc Triều Tiên được hai đồng minh Đông Bắc Á ủng hộ. Tokyo và Seoul xem đây là một động thái mới có thể làm cho chế độ Bình Nhưỡng ý thức hiểm nguy, dừng tay trước khi quá trễ.
Theo Reuters, phát ngôn viên chính phủ Nhật Yoshihide Suga tuyên bố « cảm kích cách tiếp cận mới của tổng thống Donald Trump thúc đẩy Bắc Triều Tiên từ bỏ hạt nhân cũng như kêu gọi cộng đồng quốc tế nhất là Nga và Trung Quốc hợp tác gây thêm áp lực ».
Hàn Quốc cũng phản ứng tương tự. Thông báo của phủ tổng thống khen ngợi thái độ « cứng rắn và rõ ràng trước những vấn đề sinh tử, duy trì hòa bình và an ninh mà Liên Hiệp Quốc đương đầu ». Dù vậy, Seoul thận trọng, không đổ dầu vào lửa.
Từ thủ đô Hàn Quốc, thông tín viên Frédéric Ojardias phân tích :
"Hàn Quốc tìm cách làm nhẹ đi phần nào những lời tuyên bố bốc lửa của Donald Trump : « Hoa Kỳ chỉ lập lại quan điểm cố hữu, theo đó, mọi giải pháp đều được xem xét. Tổng thống Mỹ chỉ lưu ý tính chất khẩn cấp của vấn đề để gây sức ép buộc Bắc Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán vì đó là giải pháp khả thi duy nhất ». Trên đây là lời bình luận ôn hòa của một viên chức chính phủ nhằm xoa dịu tình hình.
Trong khi đó, hầu hết các chuyên gia của chính phủ Hàn Quốc xem lời đe dọa của tổng thống Donald Trump sẽ gây tác dụng ngược. Bắc Triều Tiên sẽ kiên quyết hơn, tranh thủ thời gian, trang bị vũ khí hạt nhân càng sớm càng tốt cũng như gia tăng các hành động thách thức. Bộ máy tuyên truyền của chế độ sẽ khai thác tuyên bố của Donald Trump để gây thêm ấn tượng trong dân chúng là họ bị kẻ thù bao vây.
Thêm vào đó, tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc, tổng thống Mỹ còn thẳng thừng chỉ trích thỏa thuận hạt nhân của Iran. Vô tình, Donald Trump bắn tín hiệu với Bình Nhưỡng là không nên tin cậy vào lời hứa của Mỹ cho dù có ký kết một hiệp ước." - RFI
2.
Cuba phản đối phát biểu của ông Trump
Hoa Kỳ và Cuba đã họp song phương lần thứ sáu hôm 19/9, vài giờ sau khi Tổng thống Hoa Kỳ gọi chính phủ Cuba là "tham nhũng và gây bất ổn" trong bài phát biểu của ông tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.
Trong một tuyên bố của Đại sứ Cuba tại Washington, La Havana mô tả những nhận xét của ông Trump là "thiếu tôn trọng, không chấp nhận được và là một sự can thiệp vào nội tình Cuba".
Các nhà ngoại giao hai nước cũng đã thảo luận về "các cuộc tấn công vào sức khỏe" mà nạn nhân là một số nhân viên của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Cuba.
Bộ Ngoại giao Mỹ nói trong một tuyên bố sau cuộc họp:
"Hoa Kỳ nhắc lại mối quan ngại sâu sắc về sự an toàn và an ninh của cộng đồng Đại sứ quán Hoa Kỳ tại La Havana, và đòi chính quyền Cuba cấp bách xác định nguyên nhân gây ra những sự cố này và đảm bảo các cuộc tấn công đó phải chấm dứt".
Josefina Vidal, đại diện cao nhất của Cuba tại châu Mỹ, lặp lại rằng La Havana bác bỏ cáo buộc, và khẳng định là không dính líu gì, và ngay cả không biết gì về "các cuộc tấn công vào sức khỏe" nhắm vào các nhà ngoại giao trên lãnh thổ của họ.
Ít nhất 21 người Mỹ là nạn nhân của điều mà Bộ Ngoại giao Mỹ gọi là "những sự cố" dẫn đến nhiều triệu chứng, gồm mất thính lực, chấn động, nhức đầu, tai vo ve, thậm chí họ còn gặp vấn đề về tập trung suy nghĩ và quên các từ ngữ thông dụng. Một số nhà ngoại giao Canada và gia đình họ cũng bị ảnh hưởng. - VOA
3.
Quan chức Campuchia ngày càng lớn tiếng chống Mỹ
Hôm 15/9, các giới chức quân đội cao cấp của Campuchia thề sẽ "tiêu diệt" tất cả nhữngngười nước ngoài nào có ý đồ gây hấn với nước này, theo các tuyên bố được tường thuật lại trên trang Fresh News (Tin nhanh), cơ quan ngôn luận của chính phủ Campuchia.
Phát biểu đó được đưa lên mạng cùng ngày Thủ tướng Hun Sen tuyên bố hai "gián điệp" Mỹ âm mưu lật đổ chính phủ của ông đã bị phát hiện, và ông ra lệnh điều tra tất cả các công dân Mỹ bị tình nghi làm gián điệp.
Trong bài diễn văn đó, ông Hunsen còn đề nghị Tổ chức Hòa bình Mỹ nên rút ra khỏi Campuchia, và tuần lễ trước đó, ông đình chỉ chương trình nhận dạng và hồi hương hài cốt của quân nhân Mỹ đã tử trận trong Chiến tranh Việt Nam.
Trong các tuyên bố đăng trên trang Fresh News hôm 15/9, Trung tướng Prum Pheng, Tư lệnh Lữ đoàn Can thiệp số 1, và Trung tướng Bun Seng, Phó Tư lệnh Bộ binh và Tư lệnh Quân khu 5, đã thề sẽ thực hiện các cuộc điều tra do ông Hun Sen ra lệnh.
Fresh News, một trang mạng thân chính phủ, cho hay cả hai tướng lãnh vừa nêu tên đều là ủy viên trung ương đảng của đảng cầm quyền, họ đã cam kết "quyết tâm đập tan bất cứ kẻ nào có ý định làm cách mạng màu".
Phát ngôn viên bộ Quốc phòng Chhum Socheat bênh vực quyền của các tướng lãnhđược đưa ra những lời đe dọa vừa nêu, ông tuyên bố cá nhân ông cũng không đảm bảo an toàn vô điều kiện cho người nước ngoài chống các hành động như vậy.
Đại sứ quán Hoa Kỳ đã từ chối bình luận về những tuyên bố đó. Đại sứ quán đề nghị phóng viên thảm khảo phát biểu của Đại sứ William Heidt trong một cuộc họp báo hồi tuần trước.
Khi đó, ông Heidt nói rằng những lời lẽ đao to búa lớn chống Mỹ ở Campuchia làm cho các du khách và các công ty Mỹ cũng như phương Tây khác cảm thấy "không còn được hoan nghênh", ông dự đoán "các nhà đầu tư sẽ giảm đi nhiều".
Lee Morgenbesser, một nghiên cứu sinh tại Đại học Griffith, Úc, chuyên về các chế độ toàn trị, cho rằng các công dân Mỹ sống ở Campuchia "chắc chắn nên có một chiến lược rút lui".
Ông viết trong một email gửi đến VOA: "Việc một số quan chức quân đội (cũng như ông Hun Sen) cùng đưa ra một luận điệu đó cho thấy có sự điều phối nội bộ về cách thông tin đối ngoại của chính phủ thuộc đảng Nhân dân Campuchia CPP".
Ông nói thêm: "Sự khác biệt với những gì đã được nói trong quá khứ, là những tuyên bố như vậy đang được đưa ra trong bối cảnh có một cuộc trấn áp, điều này gợi ý rằng chớ có xem thường những tuyên bố đó. Chiến dịch trấn áp ở Campuchia giờ đây khó đoán định hơn nhiều so với trước”. - VOA
4.
Tổng thống Iran ‘ăn miếng trả miếng’ với Tổng thống Trump
Iran ngày 20/9 cam kết sẽ không là bên vi phạm thỏa thuận hạt nhân trước và không trông đợi Mỹ từ bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran cho dù Tổng thống Donald Trump có những lời chỉ trích gay gắt.
Ông Trump, hôm thứ Ba, gọi thỏa thuận quốc tế năm 2015 này là "nỗi hổ thẹn," cho biết ông đã quyết định về việc có theo đuổi thỏa thuận này hay không nhưng từ chối tiết lộ quyết định của mình.
Phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc trước các nhà lãnh đạo thế giới, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đáp trả mạnh mẽ bài diễn văn của ông Trump hôm thứ Ba, khẳng định rằng Iran sẽ không dễ bị bắt nạt bởi một người mới bước vào chính trường thế giới.
Nhưng ông cũng nói rằng Iran muốn duy trì hiệp định này với sáu cường quốc thế giới mà trong đó Tehran đã đồng ý hạn chế chương trình hạt nhân của mình trong khoảng thời gian ít nhất là một thập niên để được nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế vốn làm tê liệt nền kinh tế của họ.
"Nước Cộng hòa Hồi giáo Iran sẽ không phải là nước đầu tiên vi phạm thỏa thuận này," ông Rouhani nói và cho biết thêm rằng Iran sẽ đáp trả "dứt khoát và kiên quyết" đối với bất kỳ vi phạm nào của bất kỳ bên nào.
"Sẽ là điều đáng tiếc nếu thỏa thuận này bị hủy hoại bởi những kẻ ‘bất hảo’ mới bước vào chính trường thế giới: thế giới sẽ mất đi một cơ hội tuyệt vời," ông nói trong một phát biểu chế giễu ông Trump, người hôm thứ Ba gọi Iran là nhà nước "bất hảo."
Phát biểu sau đó với báo giới, ông Rouhani nói ông không nghĩ rằng Washington sẽ rời khỏi thỏa thuận hạt nhân này và nhấn mạnh rằng bất kỳ nước nào từ bỏ hiệp định này sẽ tự cô lập và tự gây xấu hổ.
"Chúng tôi không nghĩ rằng Trump sẽ rời bỏ thỏa thuận bất chấp những luận điệu và tuyên truyền của ông ta," ông Rouhani nói.
"Nếu các quan chức Mỹ nghĩ rằng họ có thể gây áp lực lên Iran bằng việc rời bỏ thỏa thuận này thì họ đang mắc sai lầm lớn," ông nói thêm. "Hoặc là thỏa thuận hạt nhân giữ nguyên, hoặc là nó sẽ sụp đổ."
Ông Trump nói với các phóng viên, "Tôi đã quyết định" khi được hỏi liệu ông đã quyết định hay chưa sau khi chỉ trích thỏa thuận này trong bài diễn văn của ông vào ngày thứ Ba.
Nhưng ông không chịu cho biết ông quyết định ra sao.
Các quan chức Mỹ đã gửi những tín hiệu lẫn lộn về thỏa thuận hạt nhân mà Iran thương thảo với sáu cường quốc Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga và Trung Quốc.
Hôm thứ Tư, Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley nói bài diễn văn của ông Trump là tín hiệu cho thấy "ông ấy không hài lòng với thỏa thuận này" nhưng không phải là một quyết định từ bỏ thỏa thuận.
Tuy nhiên, vào tối thứ Ba, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói với Fox News rằng nếu Mỹ “theo đuổi thỏa thuận Iran thì phải có những thay đổi.” - VOA
5.
Nhật: Giờ không còn là lúc đàm phán với Triều Tiên
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 20/9 kêu gọi các nước cần đoàn kết thi hành các biện pháp chế tài và gây áp lực đối với Triều Tiên để buộc nước này từ bỏ các chương trình hạt nhân và phi đạn của mình.
"Bây giờ không phải là lúc để đối thoại. Giờ là lúc để gây áp lực," ông Abe nói với một nhóm các nhà đầu tư tụ tập tại Sàn Giao dịch Chứng khoán New York, một phát biểu mà sau đó ông nhắc lại trước phiên họp thường niên của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.
Hôm thứ Ba, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo Triều Tiên trong bài diễn văn của ông trước Liên Hiệp Quốc rằng Mỹ sẽ "hủy diệt hoàn toàn" nước này nếu bị đe doạ.
Ngược lại, đối thủ ở Châu Á của Nhật Bản là Trung Quốc và Nga đã nhiều lần kêu gọi quay trở lại biện pháp ngoại giao và đàm phán với Triều Tiên để giải quyết cuộc khủng hoảng về các chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng.
"Chúng ta không thể hài lòng rằng Liên Hiệp Quốc đã chấp thuận những chế tài mới nhắm vào Triều Tiên," ông Abe nói. "Điều hệ trọng bây giờ là đưa các biện pháp chế tài vào hiệu lực mà không để thời gian chết và đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc và Nga."
Trong bài phát biểu tại Liên Hiệp Quốc, ông Abe nói vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đã hoặc đang sắp sửa trở thành bom nhiệt hạch, đề ra một mối đe dọa chưa từng thấy.
"Không bàn cãi gì nữa, đó là vấn đề khẩn cấp," ông Abe nói.
"Chúng ta phải ngăn chặn hàng hóa, ngân quỹ, con người và công nghệ cần thiết cho việc phát triển phi đạn và hạt nhân đến được Triều Tiên," ông nói.
"Liệu chúng ta có thể chấm dứt những hành động khiêu khích của Triều Tiên hay không lệ thuộc vào sự đoàn kết của cộng đồng quốc tế. Không còn nhiều thời gian nữa." - VOA
6.
Singapore-Trung Quốc thắt chặt quan hệ
Chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long trong tuần này cho thấy những nỗ lực nhằm tăng cường mối quan hệ đã có những căng thẳng trong năm qua - cả về thời điểm chuyến thăm và số cuộc họp cấp cao.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tái khẳng định mối quan hệ giữa hai nước khi hoan nghênh ông Lý đến Bắc Kinh hôm 20/9, đỉnh cao của chuyến thăm kéo dài ba ngày mang nặng màu sắc chính trị cho cả hai bên. Ông Lý đã gặp bốn thành viên cao nhất của Ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản là ông Tập, Thủ tướng Lý Khắc Cường, chủ tịch Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trương Đức Giang, và Phó Thủ tướng Vương Kỳ Sơn.
Singapore dự kiến sẽ là nước đi đầu trong mối quan hệ của khu vực với Trung Quốc vào năm sau, khi đảo quốc nhỏ bé này giữ vị trí Chủ tịch Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Các hội nghị thượng đỉnh của khối đôi khi trở thành nền tảng để các nước bày tỏ bất bình với Trung Quốc, đặc biệt là đối với các nỗ lực của Trung Quốc khẳng định tuyên bố chủ quyền rộng lớn ở Biển Đông.
"Chúng tôi đánh giá cao nền tảng mà các thế hệ lãnh đạo trước đây của cả hai nước đã cung cấp và đồng ý tiếp tục thúc đẩy sự phát triển lành mạnh mối quan hệ của hai nước," ông Tập nói với ông Lý tại Đại Sảnh đường Nhân dân. "Chuyến thăm của ông lần này lại phản ánh hơn nữa sự đồng thuận về tình hữu nghị của hai nước chúng ta."
Ông Lý dẫn ra các cuộc thử nghiệm vũ khí của Triều Tiên và một chính quyền Mỹ mới "đang phát triển các chính sách đối với Châu Á" là hai trong số những lo ngại chung của hai nước. "Đó là tất cả những sự kiện ảnh hưởng đến các nước lớn và nhỏ, nhưng chúng không gây xáo động khả năng làm việc cùng nhau và hợp tác của chúng ta," ông nói.
Chuyến thăm này làm yên ắng những đồn đoán về mối quan hệ của ông Lý với Bắc Kinh sau khi các nhà chức trách Hong Kong chặn giữ một lô hàng chứa xe thiết giáp của Singapore trở về từ đợt diễn tập phân sự với Đài Loan, đối thủ của Trung Quốc.
Kim ngạch thương mại hai chiều của Singapore và Trung Quốc đạt 66 tỉ đôla vào năm ngoái - chiếm 13 phần trăm tổng kim ngạch thương mại của Singapore - và ông Lý rất sốt sắng tham gia sáng kiến thương mại và cơ sở hạ tầng toàn cầu mang tên “Vành đai và Con đường” của ông Tập.
Ông Lý cũng dự kiến sẽ đến thăm Mỹ vào tháng 10. - VOA
7.
Động đất mạnh tại Nhật, chưa có cảnh báo sóng thần
Một trận động đất mạnh 6,8 độ Richter xảy ra ngoài khơi Đông Bắc Nhật Bản, theo loan báo từ Trung tâm Địa chất Mỹ. Nhà chức trách chưa ban hành cảnh báo sóng thần và chưa có báo cáo thiệt hại tức thì.
Cơn địa chấn xảy ra lúc 6:12 sáng, giờ địa phương ngày 20/9 ngoài khơi đảo Honshu trong Thái Bình Dương, với độ sâu 38,9km, cách thành phố Ofunato kế cận chừng 33 cây số về hướng Đông Nam.
Cơ quan khí tượng thủy văn Nhật Bản cho hay chưa có đe dọa tức thì về sóng thần.
Những khu vực rộng lớn bị rung chuyển lần này cũng nằm trong số những địa phương từng bị thiệt hại bởi trận động đất-sóng thần 2011 khiến hơn 18 ngàn người thiệt mạng và gây tan chảy hạt nhân tại nhà máy điện Fukushima.
Trận động đất hôm nay chưa làm hư hại các lò phản ứng trong khu vực, kể cả các lò phản ứng thuộc nhà máy điện Fukushima, theo truyền thông Nhật.
Tất cả các lò phản ứng của Nhật đã ngưng hoạt động kể từ thảm họa Fukushima.
Các hòn đảo của Nhật mỗi năm thường hứng chịu các cơn động đất mạnh, nhưng các quy định khắc khe về xây cất và các cuộc diễn tập thảm họa thường xuyên phần nào giúp Nhật giảm thiểu thiệt hại về người và của trong các trận thiên tai. - VOA
8.
Úc thu xếp cho nhóm tị nạn đầu tiên đến Mỹ định cư
Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull nói khoảng 50 người tị nạn hiện đang ở hai trung tâm giam giữ ở Thái Bình Dương sẽ sớm được định cư tại Hoa Kỳ.
Loan báo tin này trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình hôm thứ Tư 20/9, ông Turnbull nói khoảng 50 người tị nạn ở Papua New Guinea và Nauru sẽ tới Hoa Kỳ trong vài tuần nữa.
Đây là nhóm đầu tiên trong tổng cộng 1,250 người tị nạn sẽ được định cư tại Hoa Kỳ theo một thỏa thuận đạt được giữa Canberra và Washington trong những tuần cuối cùng của chính quyền Tổng thống Barack Obama. Người kế nhiệm ông Obama, Tổng thống Donald Trump, mạnh mẽ đả kích thỏa thuận này trong một cuộc điện đàm gây tranh cãi với Thủ tướng Turnbull ngay sau khi ông lên nhậm chức. Hồi tháng 2, ông Trump viết trên trang Twitter rằng là “một thỏa thuận ngu ngốc,” nhưng cuối cùng ông đồng ý thực hiện thỏa thuận này.
Ông Turnbull hôm 20/9 nói trong cuộc phỏng vấn: "Tôi chỉ muốn cảm ơn Tổng thống Trump vì đã tiếp tục thỏa thuận này."
Hơn 1,200 người xin tị nạn từ Châu Phi, Châu Á và Trung Đông đang bị giữ ở đảo Manus của Nauru, và Papua New Guinea, trong khuôn khổ chính sách của Canberra, là đánh chặn những người tìm cách vượt biên bằng thuyền đến Úc xin tị nạn. Nhiều người bị cấm nhập tịch Úc, ngay cả khi họ được cấp qui chế tị nạn. - VOA
9.
Động đất ở Mexico: ít nhất 223 người chết, thiệt hại lớn
Các nhân viên cứu hộ hôm thứ Tư 20/9 tìm kiếm người sống sót ở thành phố Mexico City và các tiểu bang lân cận sau trận động đất mạnh 7,1 độ richter, giết chết ít nhất 217 người, và làm sập hàng chục tòa nhà.
Bộ trưởng Nội vụ Miguel Osorio Chong nói lực lượng vũ trang và cảnh sát Mexico sẽ tiếp tục tận lực làm việc cho tới khi không còn hy vọng gì nữa là có thể tìm được người sống sót.
Thường dân cũng tham gia các đội cứu hộ và tìm kiếm ngay sau khi xảy ra động đất vào chiều thứ Ba 19/9. Họ dùng máy móc hạng nặng và cả tay không để dỡ bỏ những đống đổ nát.
Sáng sớm thứ Tư, người đứng đầu cơ quan bảo vệ dân sự Mexico, Luis Felipe Puente, đã cho biết trên trang Twitter rằng 86 ca tử vong đã được báo cáo tại thành phố Mexico, 71 người ở bang Morelos, 43 người ở bang Puebla, 12 người ở bang Mexico, 4 người ở bang Guerrero và 1 người ở thành phố Oaxaca.
Tâm chấn của trận động đất là ở thành phố Puebla, cách Mexico City 123 km về hướng đông nam.
Ông Ken Hudnut, cố vấn khoa học thuộc Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ ở thành phố Pasadena, bang California, nói các điều kiện địa chất của thành phố Mexico có thể đã góp phần làm sập các tòa nhà.
Ông Hudnut nói với VOA:
"Một số tòa nhà nằm trên khu vực trước đây là đáy của một cái hồ, như vậy nó có thể khuếch đại sức rung chuyển và gây rung lắc kéo dài hơn, có thể điều này đã góp phần gây nên nhiều hư hại hơn."
Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto đã đến thăm một trường học ba tầng bị sập ở thủ đô Mexico City, địa điểm của một trong các hoạt động cứu hộ.
Bộ trưởng Giáo dục Mexico, Aurelio Nuno, cho hay có 25 người thiệt mạng tại ngôi trường này, 11 người khác đã được cứu và 30 người vẫn trong danh sách mất tích. - VOA
10.
Dự báo bão Maria sẽ gây thiệt hại thảm khốc
Bão Maria ập vào Puerto Rico hôm thứ Tư 20/9, các nhà dự báo thời tiết mô tả trận bão mạnh cấp 4 này "có khả năng gây thiệt hại vô cùng thảm khốc."
Trung tâm Bão quốc gia Hoa Kỳ cho biết bão Maria có sức gió cao nhất khoảng 250 km/giờ vào sáng thứ Tư, và mưa lớn sẽ gây ra lũ quét và lở đất.
Tâm bão dự kiến sẽ quét qua Puerto Rico và trở ra ngoài biển vào cuối ngày thứ Tư 20/9, đến sáng sớm thứ Năm 21/9, bão sẽ di chuyển về hướng Cộng hòa Dominica.
Thống đốc Puerto Rico Ricardo Rossello nói "thiệt hại lớn là điều không thể tránh khỏi", Các giới chức đã Puerto Rico đã thành lập 500 nhà tạm lánh trong đó có hơn 10.000 người đang trú ẩn.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã ban hành tình trạng khẩn cấp cho Puerto Rico và quần đảo Virgin của Hoa Kỳ, đồng thời ủy quyền cho Bộ An ninh Nội địa và Cơ quan Quản lý tình trạng khẩn cấp Liên bang Hoa Kỳ (FEMA) phối hợp mọi nỗ lực cho công tác cứu trợ. - VOA
Tin Hoa Kỳ
11.
Chính quyền Trump sắp đơn giản hóa thủ tục xuất khẩu súng
Chính quyền ông Trump đang chuẩn bị tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà sản xuất súng Mỹ bán vũ khí hạng nhẹ, bao gồm súng trường tấn công và đạn dược, cho người mua ở nước ngoài, theo lời các quan chức cấp cao của Hoa Kỳ.
Các phụ tá của Tổng thống Donald Trump đang hoàn tất kế hoạch chuyển việc giám sát các giao dịch bán vũ khí phi quân sự quốc tế từ Bộ Ngoại giao sang Bộ Thương mại, bốn quan chức cho Reuters biết.
Trong khi Bộ Ngoại giao chủ yếu quan tâm đến các mối đe dọa quốc tế đối với sự ổn định và duy trì các hạn chế chặt chẽ đối với các giao dịch vũ khí, Bộ Thương mại thường tập trung nhiều hơn vào việc tạo thuận lợi cho các hoạt động thương mại.
Các quan chức thuộc nhiều cơ quan khác nhau, đề nghị không nêu tên, nói rằng các quy định mới sẽ giảm các thủ tục hành chánhcũng như giảm chi phí liên quan đến các quy định, đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí hạng nhẹ của Mỹ và tạo việc làm trong nước.
Nỗ lực này vừa phù hợp với chủ trương của ông Trump, ủng hộ cuộc vận động hành lang của giới bảo vệ quyền sở hữu súng ống trong chiến dịch vận động tranh cử, mà còn phù hợp với nghị trình "Mua hàng Mỹ" của ông.
Tuy nhiên, giới chỉ trích, trong đó có một số nhà lập pháp và những người ủng hộ chủ trương phải kiểm soát vũ khí, bày tỏ quan ngại rằng bất kỳ biện pháp nào nhằm nới lỏng các quy định xuất khẩu súng ống, cũng có thể làm cho các vũ khí có sức công phá lớn tương tự như các khẩu súng thường được sử dụng trong vụ nổ súng bừa bãi ở Hoa Kỳ, dễ rơi vào tay các băng nhóm tội phạm và các nhóm chủ chiến mà ông Trump đã thề sẽ đánh bại.
Một giới chức Mỹ cho biết, bản dự thảo các quy định mới có thể được gửi đến văn phòng ngân sách Tòa Bạch Ốc để xem xét trong vòng vài ngày tới.
Những thay đổi đó có thể được thi hành mà không cần Quốc hội thông qua. - VOA
12.
California kiện chính quyền Trump về tường biên giới
Tiểu bang California ngày 20/9 đệ đơn kiện liên quan tới kế hoạch của chính quyền Trump xây một bức tường dọc theo biên giới với Mexico, gây thêm những trở ngại cho một trong những lời hứa quan trọng trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống Đảng Cộng hòa.
Tổng thống Donald Trump vẫn khăng khăng nói rằng Mexico sẽ bỏ tiền ra để xây bức tường mà các chuyên gia nói có thể tiêu tốn khoảng 22 tỉ đôla và phải mất hơn ba năm để hoàn thành.
Mexico từ chối chi trả. Ông Trump từ khi nhậm chức vào tháng 1 nói rằng bức tường này ban đầu sẽ cần nguồn kinh phí của Mỹ nhưng ông sẽ tìm cách để buộc Mexico cuối cùng phải bỏ tiền ra.
Tuy nhiên các nghị sĩ Đảng Dân chủ trong Quốc hội Mỹ chống đối bức tường biên giới này, và ít nhất một số thượng nghị sĩ Dân chủ sẽ phải bỏ phiếu để đưa nó vào một gói chi tiêu.
Các tổng chưởng lý bang theo Đảng Dân chủ, bao gồm ông Xavier Becerra của California, đã khởi kiện chính quyền Trump về một loạt các vấn đề.
Vụ kiện bức tường biên giới tại tòa án liên bang San Diego cáo buộc bức tường của ông Trump vi phạm những tiêu chuẩn môi trường liên bang, cũng như các điều khoản của hiến pháp liên quan đến việc phân chia quyền lực và quyền của các bang.
Các đại diện của Bộ Tư pháp Mỹ từ chối bình luận ngay tức thì về vụ kiện.
Vụ kiện yêu cầu thẩm phán ngăn chặn chính quyền xây dựng bức tường cho đến khi chính quyền cho thấy họ tuân thủ các luật về môi trường và đề nghị thẩm phán ra lệnh để Bộ An ninh Nội địa không thể miễn trừ bất kỳ hướng dẫn liên bang nào hầu tạo điều kiện xúc tiến dự án.
Tháng trước chính quyền Trump cho biết họ đã lựa chọn bốn công ty xây dựng để chế tạo các nguyên mẫu bê tông cho một bức tường cao 9 mét và sẽ được thử nghiệm tại San Diego. - VOA
13.
Xin visa H-1B cam go hơn dưới chính quyền Trump
Chính quyền Trump đang gây nhiều khó khăn hơn cho người lao động nước ngoài trình độ cao làm việc tại Mỹ, bằng cách truy vấn các hồ sơ xin visa thường xuyên hơn bất kỳ thời điểm nào dưới thời Tổng thống Obama, theo dữ liệu mà Reuters đã xem qua.
Hãng tin này cho biết sự săm soi ráo riết hơn những hồ sơ xin visa H-1B diễn ra sau khi Tổng thống Donald Trump kêu gọi đưa ra những thay đổi đối với chương trình visa để nó có thể làm lợi cho những người lao động được trả lương cao nhất, dù ông chưa ban hành những cải cách nào như vậy.
Dữ liệu do Cơ quan Nhập tịch và Di trú Hoa Kỳ (USCIS) cho thấy từ ngày 1 tháng 1 đến ngày 31 tháng 8 cho thấy cơ quan này đã gửi đi 85.000 thách thức, hoặc "yêu cầu cung cấp thêm bằng chứng," tới những người nộp đơn xin visa H-1B - tăng 45 phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái, Reuters cho biết. Tổng số đơn xin visa H-1B tăng ít hơn 3 phần trăm trong cùng kỳ.
Theo các dữ liệu của USCIS, những thách thức này, có thể làm chậm việc cấp visa đi hàng tháng, trong năm 2017 đã được gửi đi với tỉ lệ cao hơn so với bất kỳ thời điểm nào trong chính quyền Obama ngoại trừ một năm, 2009, Reuters cho biết thêm.
Hãng thông tấn này nhận định xu hướng này có thể sẽ gây phấn khởi cho những người ủng hộ lập trường cứng rắn của Trump về di trú. Họ nói rằng visa cho người nước ngoài trình độ cao làm nhân công Mỹ mất giá trị bằng cách thay thế họ bằng những nhân viên được trả lương thấp đưa từ nước ngoài vào. Nhưng các công ty công nghệ lớn, các trường đại học và các bệnh viện lập luận rằng visa cho phép họ trám đầy những công việc đòi hỏi chuyên môn cao mà đôi khi ít người Mỹ hội đủ tiêu chuẩn.
Visa H-1B cho phép nhân công nước ngoài, thường có bằng cử nhân trở lên, được làm việc trong khoảng thời gian ba năm mỗi lần cấp visa, thường là trong lĩnh vực công nghệ, y tế và giáo dục. Microsoft, Amazon, Google, Apple, Intel, Oracle và Facebook là những công ty sử dụng nhiều visa H-1B trong năm 2016, theo số liệu của USCIS.
Các luật sư di trú từ nhiều năm qua đã phàn nàn về những thách thức dư thừa và rườm rà đối với visa cho người lao động trình độ cao. Nhưng họ nói rằng họ đang nhìn thấy một xu hướng mới trong kỷ nguyên của Trump, Reuters cho hay.
Ngoài việc truy vấn những hồ sơ xin visa thường xuyên hơn, chính quyền Trump cũng đang nhắm mục tiêu vào những công việc cho người mới tốt nghiệp được trao cho người nước ngoài trình độ cao. Các luật sư nói việc này vi phạm luật quản lý visa H-1B, bởi vì nó cho phép người có visa nhận những công việc dành cho người mới tốt nghiệp. - VOA
14.
Điều tra viên đặc biệt đòi Tòa Bạch Ốc nộp hồ sơ liên quan đến tổng thống
Ông Robert Mueller, điều tra viên đặc biệt, vừa yêu cầu Tòa Bạch Ốc nộp hồ sơ và thông tin liên quan đến nhiều sự kiện xảy ra, bao gồm hai vụ sa thải và một cuộc họp trong Phòng Bầu Dục, theo CNN trích dẫn nguồn tin riêng cho biết.
Các nhà điều tra làm việc cho ông Mueller đòi các hồ sơ và email liên quan đến vụ sa thải ông Michael Flynn, cố vấn an ninh quốc gia, và ông James Comey, giám đốc FBI.
Ngoài ra, một nguồn tin khác xác nhận với CNN là nhóm của ông Mueller muốn có thông tin liên quan đến cuộc họp của Tổng Thống Donald Trump và các giới chức Nga trong Phòng Bầu Dục, mà trong đó, ông Trump khoe là đã sa thải ông Comey, làm giảm sức ép trong Tòa Bạch Ốc.
Các yêu cầu này cho thấy, một phần cuộc điều tra của ông Mueller nhắm vào các hành động của chính tổng thống.
Hôm Thứ Ba, nhật báo The New York Times tường thuật rằng cuộc điều tra cũng đang nhắm vào cuộc họp trong Phòng Bầu Dục.
“Tôi mới sa thải người đứng đầu FBI. Ông ấy điên quá, ông làm việc điên rồ,” ông Trump được nghe nói đã nói như vậy với ngoại trưởng và đại sứ Nga trong lúc cả ba đang ở trong Phòng Bầu Dục hồi Tháng Năm, theo NYT. “Tôi bị sức ép ghê ghớm bởi vì nước Nga. Bây giờ nó biến mất rồi.”
Ông Ty Cobb, một luật sư của Tòa Bạch Ốc, nói với CNN rằng “tôn trọng điều tra độc lập và việc làm của ông,” Tòa Bạch Ốc sẽ không phát biểu gì cả.
Tòa Bạch Ốc hoàn toàn hợp tác với điều tra độc lập, ông Cobb cho biết thêm.
Ngoài ra, theo hai nguồn tin khác, ông Mueller cũng muốn nói chuyện với cựu nhân viên và nhân viên hiện tại của Tòa Bạch Ốc, những người mà các nhà điều tra coi là nhân chứng, trong đó bao gồm cả ông Reince Priebus, cựu chánh văn phòng; ông Sean Spicer, cựu phát ngôn viên; cô Hope Hicks, giám đốc truyền thông; ông Don McGahn, cố vấn Tòa Bạch Ốc; ông Josh Raffel, cố vấn truyền thông; và ông James Burnham, phụ tá luật sư.
Hiện các điều tra viên chưa xếp thời khóa biểu chất vấn những người này, theo nguồn tin trong Tòa Bạch Ốc.
Nhóm của ông Mueller cũng muốn phỏng vấn các nhân viên đi trên chiếc Air Force One, nơi chuẩn bị bản thông cáo báo chí cho ông Donald Trump Jr., con trai tổng thống, liên quan đến chuyện ông gặp một luật sư người Nga trong Trump Tower, các nguồn tin trước đây cho CNN biết. - nguoiviet
15.
Chưa tới 1/4 các nhà lập pháp Cộng Hòa ủng hộ ngân sách xây tường biên giới
Chưa tới một phần tư các nhà lập pháp Cộng Hòa tại quốc hội liên bang Mỹ bày tỏ sự ủng hộ dành cho việc cấp ngân sách để Tổng Thống Donald Trump xây tường dọc theo biên giới Mỹ-Mexico, theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận của tờ báo USA Today, được công bố hôm Thứ Tư.
Tờ USA Today hỏi tất cả thành viên Quốc Hội Mỹ rằng họ có đồng ý cấp số ngân khoản sơ khởi là $1.6 tỶ cho Tổng Thống Donald Trump khởi sự xây tường hay không.
Theo kết quả cuộc thăm dò, chỉ có 69 trong số 292 nhà lập pháp Mỹ trả lời là họ chấp thuận kế hoạch này. Có ba người là Thượng Nghị Sĩ Jeff Flake (Cộng Hòa-Arizona); Dân Biểu Steve Pearce (Cộng Hòa-New Mexico) và Dân Biểu Will Hurd (Cộng Hòa-Texas) trả lời họ chống lại việc này.
Những người còn lại không trả lời thẳng vào câu hỏi hoặc không trả lời.
Bản tin USA Today cho hay cuộc thăm dò được thực hiện bằng cách liên lạc với tất cả các văn phòng dân biểu và thượng nghị sĩ liên bang Mỹ.
Tài trợ để khởi sự xây bức tường được đưa vào trong một đạo luật về an ninh quốc gia, vốn gồm cả $658 tỷ cho Bộ Quốc Phòng và $78 tỷ cho Bộ Cựu Chiến Binh.
Đạo luật này được Hạ Viện thông qua hồi Tháng Bảy.
Chỉ có năm người phía Dân Chủ ủng hộ, và có năm người phía Cộng Hòa bỏ phiếu chống. Dự luật hiện chưa được chuyển sang Thượng Viện. Vấn đề xây tường, cũng như các ưu tiên chi tiêu khác của chính phủ Donald Trump, sẽ không được cứu xét cho tới Tháng Mười Hai này.
Sau cuộc họp hồi đầu tháng này với Tổng Thống Trump để thảo luận vấn đề DACA, Thượng Nghị Sĩ Chuck Schumer (Dân Chủ-New York), lãnh tụ khối thiểu số Thượng Viện, và Dân Biểu Nancy Pelosi (Dân Chủ-California), lãnh tụ khối thiểu số Hạ Viện, cho hay ngân khoản xây tường sẽ không được đưa vào ngân khoản tài trợ chương trình DACA, một điều ông Trump từng mong muốn.
Tổng Thống Trump sau đó nói hai bên không hề có thỏa thuận gì, dù rằng ông xác nhận rằng việc xây tường có thể trì hoãn.
Trong số 240 nhà lập pháp phía Dân Chủ tại Quốc Hội Mỹ, có 133 người trả lời cuộc thăm dò và tất cả đều khẳng định “không,” theo tờ USA Today. - nguoiviet
16.
Thăm dò dư luận: Số người ủng hộ TT Trump đang tăng lên
Mức độ người dân Mỹ ủng hộ Tổng Thống Donald Trump đang tăng lên, tiếp theo cách ông đối phó với hai trận bão lớn và thương thảo với phía lãnh đạo đảng Dân Chủ, theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận mới nhất.
Mức độ ủng hộ dành cho ông Trump nay là 43% trong cuộc thăm dò của POLITICO/Morning Consult, với kết quả được đưa ra vào sáng ngày Thứ Tư.
Mức độ ủng hộ này tăng cao hơn so với con số 39% trong tháng qua, cũng trong cuộc thăm dò do POLITICO/Morning Consult thực hiện, sau khi ông có những phát biểu liên quan tới tình trạng bạo động chủng tộc ở Charlottesville, Virginia.
Có khoảng 80% người theo đảng Cộng Hòa cho hay họ ủng hộ Tổng Thống Trump trong cuộc thăm dò mới nhất, so với 73% trong tháng qua.
Ông Trump cũng có sự gia tăng ủng hộ trong giới cử tri độc lập, từ 35% lên tới 40%.
Politico cho hay sự ủng hộ đối với ông Trump hầu như không thay đổi trong giới Dân Chủ.
Cuộc thăm dò được thực hiện sau khi bão Harvey và Irma gây thiệt hại cho khu vực rộng lớn ở Texas và vùng Đông Nam nước Mỹ.
Ông Trump cũng làm phía Cộng Hòa ngạc nhiên khi có thỏa thuận với giới lãnh đạo đảng Dân Chủ tại Quốc Hội về nâng trần nợ và thảo luận về chương trình DACA. - nguoiviet
Tin Việt Nam
17.
Bóng dáng Việt Nam trong phát biểu của Tổng thống Trump
Dù ông Donald Trump không trực tiếp nhắc tới Việt Nam trong bài phát biểu đầu tiên trên cương vị tổng thống Hoa Kỳ ở Liên Hiệp Quốc, bóng dáng Việt Nam vẫn hiển hiện trong các vấn đề tỷ phú Mỹ nêu lên, theo giới quan sát.
Tranh chấp ở Biển Đông, mà Việt Nam là một nước tuyên bố chủ quyền, đã được ông Trump nêu lên hôm 19/9, khi nói tới các nghĩa vụ “phải bảo vệ quốc gia, các quyền lợi và tương lai của chúng ta”.
“Chúng ta phải bác bỏ các mối đe dọa đối với chủ quyền từ Ukraine cho tới Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông]”, ông Trump phát biểu, đồng thời nói thêm rằng “chúng ta phải tôn trọng luật pháp, tôn trọng biên giới, tôn trọng văn hóa và sự giao tiếp hòa bình”.
Tổng thống Mỹ nói tiếp rằng “chúng ta phải hợp tác và cùng nhau đối phó với những ai đe dọa chúng ta bằng sự hỗn loạn và khủng bố”.
Cuối năm 2015, trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, ông Trương Tấn Sang, Chủ tịch Việt Nam khi ấy, cũng nhắc tới vấn đề Biển Đông, nhất là việc “giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế”, nhưng lần này, sau khi ông Trump đề cập tới cuộc tranh chấp lãnh hải, Bắc Kinh mới phản ứng mạnh.
Phát ngôn viên Lục Khảng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 20/9 nói rằng “một số quốc gia đã sử dụng cái cớ tự do hàng hải để mang máy bay và đội tàu tới gần Biển Nam Trung Hoa”. Washington từng thực hiện các cuộc tuần tra như vậy dưới thời kỳ nắm quyền của ông Trump và của cả người tiền nhiệm Barack Obama.
Ông Khảng nói thêm rằng “thực sự thì chính đây là thái độ đe dọa tới chủ quyền của các quốc gia ở Biển Nam Trung Hoa”, và rằng tình hình ở vùng này “đã nguội bớt” nhờ các nỗ lực của Trung Quốc và Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Ông cũng kêu gọi các nước liên quan thể hiện sự “tôn trọng”.
Dù Hà Nội chưa có phản ứng về tuyên bố Biển Đông của tổng thống Mỹ, báo chí nhà nước đã đưa tin về điều gọi là “dấu ấn của Donald Trump trong lần đầu xuất hiện tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc”.
Trong một tuyên bố mà nhiều nhà phân tích nói là mạnh mẽ nhất từ trước tới nay của một tổng thống Mỹ tại phiên họp khoáng đại của tổ chức lớn nhất thế giới, Tổng thống Trump tuyên bố rằng nếu cần phải bảo vệ Hoa Kỳ hoặc các đồng minh của Mỹ, “chúng tôi không có lựa chọn nào khác là phải hủy diệt Bắc Hàn”.
Ông Trump nêu dẫn chứng về sự tàn bạo của chính quyền Bắc Hàn qua vụ “ám sát người anh em cùng cha khác mẹ của kẻ độc tài [Kim Jong Un] tại một sân bay quốc tế bằng chất độc thần kinh bị cấm”.
Dù tuyên bố bị lừa, nghi can người Việt Đoàn Thị Hương cùng một nữ công dân Indonesia đã bị truy tố và phiên tòa xử hai người Đông Nam Á này sẽ tái tục vào đầu tháng sau.
Trong một động thái gợi nhắc tới khả năng trừng phạt các quốc gia có liên hệ kinh tế với Bình Nhưỡng, Tổng thống Trump cũng nói về “sự phẫn nộ” khi thấy “một số quốc gia không những làm ăn với một chế độ như vậy mà còn cung cấp vũ khí và hỗ trợ tài chính cho một quốc gia đẩy thế giới tới xung đột hạt nhân”.
Việt Nam mới đây bị cáo buộc trong một phúc trình của Liên Hiệp Quốc là điểm đến của than đá, một trong các mặt hàng bị cấm từ Bắc Hàn, bất chấp lệnh trừng phạt đối với Bắc Hàn của tổ chức lớn nhất thế giới.
Bộ Ngoại giao Việt Nam sau đó nói với VOA Việt Ngữ rằng Hà Nội “luôn luôn tuân thủ các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc”.
Tin chính thức cho hay, “Đại sứ Phạm Việt Hùng thay mặt toàn thể cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Triều Tiên đã trao số tiền 1.000 USD (tương đương 7,5 tấn phân bón) ủng hộ Nông trường Hữu nghị Mi Cốc”. Ngoài ra, từ năm 2000 tới 2005, Hà Nội tặng Bình Nhưỡng tổng cộng “12 nghìn tấn gạo”.
Tuyên bố chung sau chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tới Nhà Trắng hồi tháng Năm, đôi bên cũng nhắc tới Bắc Hàn, “bày tỏ quan ngại đối với các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Cộng hòa DCND Triều Tiên”. Động thái này được nhận định răng nó cho thấy Hà Nội đóng một vai trò nào đó đối với tiến tình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Ngoài vấn đề Biển Đông và Bắc Hàn có liên quan tới Việt Nam, ông Trump cũng nhắc tới các thỏa thuận thương mại đa phương mà ông cho rằng đã làm người Mỹ “mất hàng triệu việc làm” và làm “hàng nghìn nhà máy biến mất”.
Ông nói rằng Hoa Kỳ “mưu tìm mối quan hệ thương mại vững mạnh hơn với tất cả các quốc gia có nhã ý, nhưng thương mại kiểu này phải công bằng và có đi có lại”.
Tổng thống Trump đã rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, TPP, ngay sau khi mới nhập chức, gây đình trệ thỏa thuận thương mại đa phương này, giữa lúc Việt Nam kỳ vọng sẽ có được “cú hích” cần thiết từ TPP.
Không chỉ lần này, hình bóng Việt Nam mới hiển hiện khi ông Trump phát biểu mà trong chiến dịch tranh cử năm ngoái, tỷ phú này còn nhiều lần chỉ đích danh Việt Nam.
Ông từng cáo buộc Việt Nam là“một trong những nước trả lương thấp nhất trên thế giới” và “đánh cắp” việc làm tại Mỹ.
Việt Nam xuất sang Mỹ các sản phẩm trị giá hơn 38 tỷ đôla trong năm 2016 và nhập từ Hoa Kỳ tổng giá trị hàng hóa gần 9 tỷ đôla, đẩy Hà Nội vào danh sách các quốc gia châu Á khác mà Mỹ đang có thâm hụt thương mại lớn, và gây quan ngại về “chiến tranh thương mại”. Hiện chưa rõ là đôi bên đã đàm phán để xử lý vấn đề này ra sao. - VOA
18.
Việt Nam đình chỉ 5 công an nghi dùng nhục hình ở tỉnh Ninh Thuận
Việt Nam khởi tố vụ án, đình chỉ công tác 5 công an có liên quan đến vụ một bị can chết trong thời gian bị tạm giam ở tỉnh Ninh Thuận.
Báo Tuổi trẻ trích lời đại tá Phạm Huyền Ngọc, Giám đốc Công an tỉnh Ninh Thuận, tối ngày 19-9 cho biết đã tạm đình chỉ công tác 5 công an. Ông chỉ nêu tên 3 người là Hồ Bá Đồng, Vũ Trọng Trường, và Ngô Văn Sáng.
Cùng ngày, Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội dùng nhục hình theo quy định tại Điều 298 Bộ luật hình sự, để điều tra cái chết của nghi phạm Võ Tấn Minh xảy ra tại nhà tạm giam của Công an thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.
Từ Phú Yên, Luật sư Võ An Đôn, người quan tâm đến các vụ án công an dùng nhục hình, nói với VOA-Việt ngữ:
“Viện Kiểm sát Tối cao, theo quy định, đã vào cuộc và đã khởi tố vụ án. Điều này có nghĩa là sau khi sự việc xảy ra thì cơ quan chức năng đã điều tra ban đầu và đã xác định ai là người gây ra cái chết cho nạn nhân, cho nên họ đã khởi tố vụ án, sau đó sẽ khởi tố từng bị can. Những người bị đình chỉ đương nhiên đã có liên quan đến vụ án.”
Ông Võ Tấn Minh, 25 tuổi, trước đó bị khởi tố về tội "Mua bán trái phép chất ma túy" và bị tạm giam tại nhà tạm giữ Công an thành phố Phan Rang - Tháp Chàm.
Truyền thông trong nước dẫn lời gia đình nạn nhân nói rằng ông Minh bị công an bắt giữ ngày 28/4 do phát hiện trong người có mang theo ma túy. Đến chiều ngày 8/9, công an tỉnh Ninh Thuận thông báo cho gia đình biết ông Minh đã chết.
Báo Tuổi trẻ hôm 19/9 nói rằng căn cứ vào kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi và các chứng cứ, tài liệu thu thập đã xác định được một số cán bộ nhà tạm giữ Công an thành phố Phan Rang -Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận có hành vi dùng nhục hình đối với Võ Tấn Minh, và có dấu hiệu của tội "dùng nhục hình".
Trước đó, trả lời báo chí về cái chết của nạn nhân, chiều 10/9, ông Nguyễn Tiến Hải, Viện trưởng Viện KSND tỉnh Ninh Thuận, bước đầu xác định là có xảy ra một vụ đánh nhau vào chiều 8/9. Theo đó, ông Minh đã bị 1 trong 3 người cùng phòng giam đánh và Minh có đánh lại.
Ngay lúc đó có 4 cán bộ quản giáo vào dẫn Minh ra khỏi phòng giam rồi dẫn vào phòng làm việc. Sau đó Minh được đưa vào khoa cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận và tử vong.
Việt Nam ký Công ước Chống Tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người, (gọi tắt là UNCAT) của LHQ vào năm 2013, Quốc hội đã phê chuẩn công ước này một năm sau đó.
Nhận định về việc công an dùng nhục hình, luật sư Võ An Đôn nói:
“Tuy Việt Nam đã tham gia Công ước chống tra tấn, nhưng trình trạng công an dùng nhục hình cũng như nạn nhân chết trong đồn công an diễn ra rất nhiều và thường xuyên.”
Vào đầu năm nay, một dự thảo Báo cáo quốc gia về thực thi công ước UNCAT mà Bộ Công an công bố, trong vòng 5 năm có 10 vụ án với 26 bị cáo đã được thụ lý và xét xử về tội dùng nhục hình.
Blogger Tuấn Khanh viết trên Facebook: “Tính từ đầu năm đến nay, ở Việt Nam, trung bình mỗi tháng có một vụ chết người trong trại tạm giam.”
Riêng nhà tạm giam tạm giữ ở thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, Ninh Thuận gần đây đã xảy ra 2 vụ chết người trong vòng 2 tháng. Tại đây, trước đó vào tháng 7, ông Nguyễn Hồng Đê, 26 tuổi, được cho là đã thắt cổ tự tử bằng chiếc áo dài tay, sau khi bị tạm giữ vì “cố ý gây thương tích.”
Các tổ chức quốc tế thường xuyên kêu gọi chính quyền Việt Nam hãy hành động để chấm dứt tất cả mọi hành vi tấn công, tra tấn, bạo hành và truy cứu trách nhiệm những người liên quan.
Tuy nhiên, Việt Nam cho rằng “không có nhiều vụ án liên quan đến bức cung, dùng nhục hình.” Và mỗi vụ án phát hiện có bức cung, dùng nhục hình đều được “xử lý nghiêm minh.” - VOA
19.
Ngư dân Việt bị nhốt 'như nô lệ' ở Đài Loan
Các công tố viên Đài Loan ngày 18/9 buộc tội 19 người về tội giam giữ trái phép 81 ngư dân nước ngoài, trong đó có ngư dân Việt, và bắt họ làm việc nhiều giờ với mức lương rẻ mạt.
Cáo trạng nói các chủ lao động đã bắt các công nhân nước ngoài làm việc quá nhiều giờ nhưng lại trả lương cho họ thấp hơn mức lương tối thiểu, nhốt họ trong các căn phòng chật hẹp không có cửa sổ và không cho họ đi ra khỏi đó.
Các công tố viên cho biết các ngư dân thường phải làm việc 10 giờ mỗi ngày, đôi khi làm liên tục 48 tiếng trên biển, với mức lương chỉ 300 – 500 đôla/tháng.
Luật lao động Đài Loan quy định một ngày làm việc tối đa 8 giờ và mức lương tối thiểu vào khoảng 930 đôla.
19 cá nhân trên bị buộc tội buôn người và vi phạm tự do cá nhân. Họ có thể phải chịu án tù đến 7 năm nếu bị kết án.
Các công tố viên cũng tịch thu gần 123.000 đôla từ các chủ lao động để trả lương bù cho công nhân.
Giới hữu trách thành phố Cao Hùng, Đài Loan, phát hiện ra sự việc hồi năm ngoái, sau khi nhận được tố cáo từ một nhân viên xã hội đại diện cho các ngư dân.
Nhà chức trách sau đó đã đột kích vào hai địa điểm mà các ngư dân Việt Nam, Indonesia, Philippines, Tanzania bị giam giữ và giải cứu họ.
Vụ án được đưa ra xét xử sau khi dư luận Đài Loan lên tiếng về vụ một viên cảnh sát Đài Loan đã bắn chết một công nhân Việt Nam không vũ trang hồi tháng trước.
Theo các nhóm quyền, tình trạng áp bức lao động di dân khá phổ biến ở Đài Loan, nơi có khoảng 600.000 lao động nước ngoài đến làm các công việc như hộ lý, đánh cá, xây dựng và trong các nhà máy. - VOA
20.
Điều tra 'mua bán nhà công sản' ở Đà Nẵng
Bộ Công an yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ phối hợp điều tra mua bán nhà công sản từ năm 2006 đến nay, truyền thông Việt Nam cho hay.
Cơ quan An ninh điều tra (A92) thuộc Bộ Công an đang điều tra những sai phạm trong việc thực hiện chín dự án mua, chuyển nhượng 31 nhà, đất công sản thuộc sở hữu Nhà nước tại Đà Nẵng, theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Theo VnExpress, ông Thơ được Cơ quan An ninh điều tra yêu cầu "cung cấp thông tin, tài liệu quy định về quy trình, thủ tục, hồ sơ xin cấp phép, phê duyệt thực hiện dự án xây dựng, giao nhà đất, thuộc đất sở hữu nhà nước cho tổ chức, cá nhân của Ủy ban Nhân dân Đà Nẵng từ năm 2006 đến nay; cung cấp toàn bộ hồ sơ liên quan đến chín dự án, mua, thuê 31 nhà công sản tại Đà Nẵng.
Báo này cũng cho hay Bộ Công an "sẽ cử tổ công tác ba người do Phó Cục trưởng Cù Gia Quảng dẫn đầu, vào xử lý vụ việc."
'Thiếu gương mẫu'
Danh sách 9 dự án nêu trên do báo InfoNet của Bộ Thông tin - Truyền thông công khai gồm: Công viên An Đồn, Khu đô thị Harbuor Ville của công ty Đầu tư Mega, Khu đất tại đường 2/9 - Phan Thành Tài đường quy hoạch, Dự án Phú Gia Compoud phường Tam Thuận, Khu dịch vụ du lịch nhà hàng - cà phê - bar và bến du thuyền nằm trước Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng, Dự án khu đô thị quốc tế Đa Phước, Lô 12 khu B4.1 khu dân cư An Cư mở rộng phường Phước Mỹ, Khu đô thị sinh thái Phú Gia ven sông, Khu du lịch ven biển đường Trường Sa của công ty IVC.
Đáng lưu ý, trong danh sách 31 nhà, đất công sản bị điều tra có ba căn nhà ở địa chỉ 45, 47 và 49 Nguyễn Thái Học mà theo báo Tuổi Trẻ hôm 19/9, "gia đình ông Xuân Anh đang sử dụng nhà 43 và hai ngôi nhà liền kề số 45 và 47. Nhưng rất "khéo léo", số nhà 45 đã được gỡ bỏ và số 43 được gắn vào vị trí giáp ranh giữa hai ngôi nhà."
"Tuy hai mà một, tuy một mà hai, nhìn bề ngoài chỉ còn thấy một số nhà: 43. Và ngôi nhà ấy bao gồm cả nhà 45 nối thông bên cạnh," báo này viết.
Tuổi Trẻ cũng đăng lại lời phát biểu của ông Xuân Anh tại cuộc họp báo ngày 31/12/2015: "Nếu có đồng chí nào phát hiện hay tìm hiểu ra tôi có bất cứ một lô đất nào ngoài căn nhà tôi đang ở số 43 Nguyễn Thái Học thì tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm, thậm chí có thể từ chức bí thư Thành ủy. Tôi nói đến mức như thế, một lô đất thôi!".
Báo Thanh Niên tường thuật, Kết luận thanh tra cho thấy việc giao đất của Ủy ban Nhân dân Đà Nẵng "chủ yếu không thông qua đấu giá và có nhiều sai phạm trong việc quản lý quỹ đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất dẫn tới nhiều nhà đầu tư sau khi được giao đất đã không thực hiện đầu tư mà bán cho người khác thu chênh lệch số tiền rất lớn, làm thất thu ngân sách nhà nước khoản tiền 3.434 tỷ đồng."
Trước đó, văn bản của Ủy ban Kiểm tra Trung ương ghi: "Ông Nguyễn Xuân Anh thiếu gương mẫu trong việc sử dụng hai nhà ở của doanh nghiệp, gây dư luận xấu trong xã hội."
Cùng thời điểm, VnEconomy đưa tin Chính phủ chỉ đạo thanh tra toàn diện các dự án tại Sơn Trà và kết quả thanh tra "phải báo cáo lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trước ngày 31/3/2018."
Báo này cho hay: "Hiện tại ở Sơn Trà, có ba dự án đã đầu tư, một đang triển khai, ba dự án đã triển khai một phần sau đó tạm dừng, 11 dự án chưa triển khai."
Hồi tháng Ba, truyền thông Việt Nam và mạng xã hội xôn xao tin có 40 biệt thự xây không phép trong khu tổ hợp khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng với quy mô hơn 100 phòng tại khu vực bán đảo Sơn Trà.
Dự án của Công ty Cổ phần biển Tiên Sa nằm trong khu vực rừng cấm Sơn Trà. Đây là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đã được kiểm đếm và Thủ tướng đã có quyết định quy hoạch tổng thể kế hoạch đến năm 2025 sẽ trở thành công viên quốc gia.
Ở thời điểm đó, Hiệp hội du lịch Đà Nẵng gửi 'tâm thư' đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị xem xét lại quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà đến năm 2025 "để tránh các hệ lụy về sau".
Nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn, nói với BBC: "Những kiến nghị nêu trong thư có sức nặng ở chỗ nó đến từ chính người đang trực tiếp làm du lịch ở Đà Nẵng, phản ánh tầm nhìn trong việc giải bài toán giữa phát triển du lịch và bảo vệ môi trường. Hiệp hội du lịch Đà Nẵng chọn đứng về xu hướng của thế giới là ưu tiên các loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên gắn với bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học trong tinh thần phát triển bền vững. Thư cũng đã được gửi đến đúng địa chỉ là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vì chính ông có phần liên đới trách nhiệm đối với những gì đang xảy ra ở Sơn Trà hôm nay." - BBC
21.
TBT Trọng kỷ luật cựu Ủy viên Trung ương Đảng
Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, bị Ban Bí thư Đảng Cộng sản cách tất cả các chức vụ trong Đảng.
Đây là kết luận từ cuộc họp của Ban Bí thư, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 20/9.
Ông Nguyễn Phong Quang bị kết luận là phải chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Đảng uỷ và Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2016.
Trong đó có việc ông trực tiếp ký bổ nhiệm trên 30 trường hợp không đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục, điều kiện và tiêu chuẩn.
Ban Bí thư đề cập trường hợp Vũ Minh Hoàng và Nguyễn Tiến Khoa mà "dư luận và báo chí đã nhiều lần nêu".
Ông Vũ Minh Hoàng từng được bổ nhiệm Phó Vụ trưởng, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ ở tuổi 26.
Còn ông Nguyễn Tiến Khoa bị báo chí nêu là đã "thăng tiến nhanh" ở cơ quan này, lên đến chức phó vụ trưởng Vụ Kinh tế - Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ.
Ban Bí thư cũng nói ông Nguyễn Phong Quang đã "buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm để cấp dưới vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng về quản lý tài chính, tài sản, gây thất thoát lớn tiền, tài sản của Nhà nước".
Ông chuyển giao hơn 2.000 m2 đất của Cơ quan Ban Chỉ đạo cho Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Tây Nam Bộ, và lại nhận đề cử chức chủ tịch của hội này.
Ban Bí thư Đảng Cộng sản quyết định cách tất cả các chức vụ trong Đảng của ông Quang (bao gồm cách chức Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; cách chức Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ Cơ quan Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; cách chức Bí thư Đảng uỷ Cơ quan Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ).
Tập đoàn Hóa chất
Trong cùng cuộc họp, Ban Bí thư cũng quyết định cách tất cả các chức vụ trong Đảng với ông Nguyễn Anh Dũng, đang là Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem).
Ông này bị nói là "thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra những vi phạm, khuyết điểm trong công tác cán bộ, trong việc quản lý vốn, tài sản, đất đai và đầu tư của Tập đoàn".
Ông đã "thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra vi phạm nghiêm trọng trong quá trình thực hiện 4 dự án trọng điểm: Dự án Nhà máy sản xuất phân đạm Ninh Bình; Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy Phân đạm Hà Bắc; Dự án sản xuất phân bón DAP số 2 tại Lào Cai; Dự án sản xuất phân bón DAP Hải Phòng".
Với quyết định kỷ luật trong Đảng, xem như ông Nguyễn Anh Dũng cũng sẽ mất chức lãnh đạo tại Tập đoàn Hoá chất Việt Nam - thủ tục còn chờ Bộ Công thương xem xét. - BBC
Link:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét