Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 26 tháng 9, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Hai 25/9 - Lê Minh Nguyên

Triều Tiên cáo buộc Mỹ 'tuyên chiến' với lãnh tụ Kim --- Mỹ đưa Triều Tiên vào danh sách cấm nhập cảnh --- Ông Trump không muốn chiến tranh hạt nhân với Triều Tiên --- Giới chức: Mỹ không muốn thay đổi chế độ Triều Tiên --- Ngoại Trưởng Nga: ‘Mỹ không dám đánh Bắc Hàn’

Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho hôm 25/9 cáo buộc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên chiến với lãnh tụ nước này, ông Kim Jong Un, đồng thời khẳng định rằng Bình Nhưỡng có quyền bắn hạ máy bom ném bom chiến lược của Hoa Kỳ.

Kênh CNBC của Hoa Kỳ dẫn lời ông Ri nói trong một cuộc họp báo hiếm hoi ở New York rằng Triều Tiên có thể nhắm mục tiêu vào máy bay của Mỹ kể cả chúng có không bay trong không phận của nước này.

Ông nói thêm: “Toàn thế giới nên nhớ rõ rằng chính Mỹ đã tuyên chiến với đất nước chúng tôi.”

"Kể từ khi Hoa Kỳ tuyên chiến với đất nước chúng tôi, chúng tôi sẽ có mọi quyền hành đưa ra biện pháp đối phó.”

"Các biện pháp này bao gồm quyền bắn hạ các máy bay ném bom chiến lược của Hoa Kỳ, ngay cả khi chúng không nằm trong không phận của chúng tôi."

Hôm 23/9, các máy bay ném bom của Mỹ bay trong không phận quốc tế ở phía đông Bắc Hàn trong một động thái thể hiện sức mạnh quân sự.

Trước đó, theo Reuters, Bộ trưởng Ngoại giao Bắc Hàn Ri Yong Ho hôm 23/9 nói trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc rằng việc dùng tên lửa nhắm mục tiêu vào Mỹ là điều không thể tránh khỏi, sau khi “Ngài Tổng thống Gian ác” gọi ông Kim Jong Un là “gã rocket” trong sứ mệnh tự sát.

Ông Trump viết trên Twitter cuối ngày 23/9: “Mới nghe Bộ trưởng Ngoại giao Bắc Hàn phát biểu tại Liên Hiệp Quốc. Nếu ông ta nói lại suy nghĩ của Gã Tên lửa Nhỏ bé, chúng sẽ không còn tồn tại lâu”.

Triều Tiên gần như chưa từng thực hiện cuộc họp báo nào trước đây. Bình Nhưỡng chọn cách loan tin qua các hãng thông tấn của họ.

Trong một diễn biến liên quan, Trung Quốc hôm 25/9 kêu gọi tất cả các bên trong cuộc khủng hoảng tên lửa Triều Tiên nên kiềm chế, không nên "đổ thêm dầu vào lửa" giữa lúc Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un đấu khẩu, theo Reuters. - VOA

***
Tổng thống Donald Trump hôm 24/9 đã đưa thêm Triều Tiên, Venezuela và Chad vào danh sách cấm nhập cảnh vào Mỹ.

Như vậy sẽ có tất cả 8 quốc gia bị cấm nhập cảnh vào Mỹ, một sắc lệnh vốn bị chỉ trích và bị tòa án thách thức, theo Reuters.

Iran, Libya, Syria, Yemen và Somalia vẫn còn nằm trong danh sách các nước bị ảnh hưởng trong thông báo mới của ông Trump. Sudan đã được đưa ra khỏi danh sách này.

Biện pháp trên giúp thực hiện lời hứa trong chiến dịch cử của ông Trump, nhằm thắt chặt thủ tục nhập cảnh của Hoa Kỳ và phù hợp với tầm nhìn chính sách đối ngoại "nước Mỹ trên hết." Không giống như lệnh cấm ban đầu, lệnh cấm mới là lệnh cấm mở và không giới hạn về thời gian.

Trong một Twitter ngắn sau khi ra tuyên bố, Tổng thống Trump nói: "Làm cho nước Mỹ an toàn là ưu tiên hàng đầu của tôi. Chúng tôi sẽ không chấp nhận cho nhập cảnh những người mà chúng tôi không thể điều tra an ninh kỹ lưỡng."

Các công dân Iraq sẽ không nằm trong lệnh cấm đi lại tới Mỹ, nhưng sẽ phải đối mặt với sự điều tra kỹ lưỡng.

Lệnh cấm hiện hành được ban hành vào tháng 3 và đã hết hạn vào tối ngày 24/9. Dự kiến những hạn chế mới sẽ có hiệu lực vào ngày 18/10. Lệnh mới này đã được tái xem xét sau khi những quy định cấm đi lại ban đầu của ông Trump gây ra sự phẫn nộ của quốc tế và cả thách thức pháp lý.

Một viên chức chính phủ Mỹ nói với các phóng viên rằng số người Triều Tiên hiện nhập cảnh vào Hoa Kỳ rất thấp, theo Reuters.

Ông Trump đe dọa sẽ "tiêu diệt" Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng tấn công Hoa Kỳ hoặc các đồng minh của Mỹ. Bình Nhưỡng hồi đầu tháng này đã tiến hành thử nghiệm bom hạt nhân mạnh nhất. Tổng thống Trump cũng đã đưa ra những lời chỉ trích đối với Venezuela, và từng có ý định dùng biện pháp quân sự để đối phó với chính quyền Caracas.

Tuy nhiên, các viên chức mô tả việc bổ sung hai nước này vào danh sách cấm nhập cảnh của ông Trump là kết quả của việc rà soát hoàn toàn khách quan.

Trong trường hợp Triều Tiên, các quan chức cho biết rất khó để Hoa Kỳ xác nhận danh tính của một người đến từ Triều Tiên hoặc để tìm hiểu xem người đó có phải là mối đe dọa hay không. Lệnh tạm đình chỉ nhập cảnh áp dụng cho cả người nhập cư và người không nhập cư từ Triều Tiên.

"Nói thẳng ra là Triều Tiên không hợp tác gì cả," một quan chức cho hay.

Tổ chức Ân xá Quốc tế USA đã lên án các biện pháp hạn chế này.

Liên đoàn Tự do Dân sự Hoa Kỳ nói trong một tuyên bố rằng việc bổ sung thêm Triều Tiên và Venezuela vào danh sách cấm nhập cảnh Mỹ "không che mờ một thực tế rằng lệnh cấm của chính quyền vẫn là lệnh cấm đối với người Hồi giáo."

Tòa Bạch Ốc cho rằng các hạn chế này là hậu quả của việc các nước không đáp ứng các yêu cầu về kiểm tra người nhập cư và cấp thị thực. Tòa Bạch Ốc nói đã chia sẻ những yêu cầu này trong tháng 7 vừa qua với các chính phủ nước ngoài, trong đó có 50 ngày để cải tiến, nếu cần.

Lệnh cấm mới này được đưa ra khi Toà án tối cao Hoa Kỳ chuẩn bị phiên điều trần vào ngày 10/10 về các luận cứ hợp pháp của lệnh cấm du hành trước đây của ông Trump, bao gồm việc liệu có phân biệt đối xử với người Hồi giáo hay không. - VOA

***
Tổng thống Donald Trump không muốn có chiến tranh hạt nhân với Triều Tiên và chính quyền ông sẽ tìm đủ mọi cách để ngăn chặn việc này xảy ra, Bộ trưởng Tài chánh Steve Mnuchin ngày 24/9 tuyên bố.

Bảo đảm này được đưa ra trong lúc ông Trump gia tăng khẩu chiến với lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un về chương trình hạt nhân và phi đạn đạn đạo của Bình Nhưỡng.

Tuần trước, Tổng thống Mỹ đe dọa “hủy diệt hoàn toàn” Triều Tiên nếu nước này tấn công Hoa Kỳ và đồng minh. Ông Trump nói “Ông Rocket” Kim đang thực hiện “sứ mạng tự sát” đối với bản thân và chế độ.

Ông Kim phản pháo rằng sẽ tính tới biện pháp giáng trả “ở mức độ cao nhất” mà Bộ trưởng ngoại giao của ông Kim nói là có thể liên hệ đến việc thử nghiệm một bom khinh khí trên Thái Bình Dương.

“Tôi có thể đảm bảo là ưu tiên số một của Tổng thống là sự an toàn của người dân Mỹ và các đồng minh của chúng ta,” ông Munichin nói trong một cuộc phỏng vấn của đài truyền hình ABC.

“Tổng thống không muốn một cuộc chiến tranh hạt nhân. Và chúng ta sẽ làm mọi việc có thể được để đảm bảo là chuyện này không xảy ra.”

Ông Mnuchin từ chối bình luận về việc Hoa Kỳ đáp ứng như thế nào trong trường hợp Triều Tiên thử nghiệm bom H tại Thái Bình Dương.

Vào ngày 21/9 ông Trump đã ký một sắc lệnh cho phép Bộ Tài chánh phong tỏa các cá nhân và thực thể nước ngoài giao dịch với Triều Tiên, ngăn không cho họ tiếp cận với hệ thống tài chánh Hoa Kỳ.

Sắc lệnh này, ông Mnuchin nói, cho phép đưa ra “những chế tài mạnh mẽ nhất chưa từng có trước đây.”

Tuy nhiên vẫn còn chỗ cho nhiều chế tài khác nữa, Thượng nghị sĩ Cory Gardner thuộc đảng Cộng hòa cho biết trong một cuộc phỏng vấn khác của CBS.

Thượng nghị sĩ Gardner, tác giả của dự luật chế tài Triều Tiên đã được ký thành luật vào năm ngoái, nhấn mạnh đến mục đích tối hậu là phải phi hạt nhân hóa một cách hòa bình chế độ Triều Tiên vì bất cứ những sự kiện nào khác nữa sẽ dẫn đến những đe dọa tiếp tục chống lại nước Mỹ và việc cấm phổ biến hạt nhân trong vùng.

Trong khi đó, các đảng đối lập bảo thủ Hàn Quốc đang tìm cách tái triển khai vũ khí hạt nhân để chống lại mối đe dọa của việc Triều Tiên phóng liên tiếp các phi đạn và thử hạt nhân lần thứ sáu trước đây trong tháng.

Chính quyền cấp tiến của Tổng thống Moon Jae-in đã bác bỏ ý kiến này, cho rằng việc này đi ngược lại nguyền tắc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Hôm 24/9, một cuộc thăm dò mới cho thấy đại đa số người Mỹ chống lại một cuộc tấn công phủ đầu vào Triều Tiên và hầu hết người Mỹ tin tưởng các nhà lãnh đạo quân đội Hoa Kỳ, thay vì tin vào Tổng thống Donald Trump, trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân một cách có trách nhiệm. - VOA

***
Chính quyền Mỹ khẳng định không cổ súy thay đổi chế độ ở Triều Tiên sau khi Tổng thống Donald Trump viết trên Twitter rằng lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un “sẽ không tồn tại được lâu.”

Phản ứng trước phát biểu của ông Trump, giới chức ngoại giao hàng đầu của Triều Tiên ngày 25/9 phát biểu trước báo giới tại Liên hiệp quốc rằng Bình Nhưỡng xem đây là lời tuyên chiến và Triều Tiên có quyền bắn hạ máy bay Mỹ trên không phận quốc tế.

Một giới chức cấp cao trong chính quyền Mỹ không muốn nêu tên cùng ngày tuyên bố chính sách của Hoa Kỳ không phải là nhằm thay đổi chế độ ở Bình Nhưỡng.

Cuộc khẩu chiến giữa Mỹ với Triều Tiên tuần rồi leo thang khi nhà lãnh đạo Hoa Kỳ dọa sẽ tiêu diệt hoàn toàn Triều Tiên và đôi bên ‘lời qua tiếng lại’ đe dọa, thóa mạ lẫn nhau. - VOA

***
Ngoại Trưởng Nga Sergey Lavrov cho hay ông tin tưởng rằng Mỹ sẽ không đánh Bắc Hàn, với cùng lý do Bình Nhưỡng nêu ra để khoe chẳng sợ Mỹ tấn công: đó là vì Kim Jong Un có võ khí nguyên tử.

Bản tin của hãng thông tấn AFP nói rằng lời tuyên bố của ông Lavrov được đưa ra một ngày trước khi Choi Sun Hee, người đứng đầu Sở Bắc Mỹ của Bộ Ngoại Giao Bắc Hàn, tới Hải Sâm Uy (Vladivostok) để gặp các giới chức cao cấp Nga.

Ông Lavrov, người đến New York tuần qua để tham dự cuộc họp đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, cho hay các nhà lãnh đạo khác của thế giới ông từng gặp ở New York đều có cùng quan điểm, theo đài truyền hình NTV Nga hôm Chủ Nhật.

“Người Mỹ sẽ không dám đánh Bắc Hàn,” ông Lavrov nói với NTV. “Bắc Hàn không chỉ bị nghi ngờ là có võ khí nguyên tử, người Mỹ biết Bắc Hàn thật sự có võ khí nguyên tử.”

Lavrov cũng nói rằng không quốc gia nào có thể dám chắc rằng biết hết võ khí nguyên tử của một quốc gia thù nghịch, theo AFP.

“Về vấn đề này, Tổng Thống Vladimir Putin từng nhiều lần nói rằng không thể nào Mỹ hay bất cứ quốc gia nào khác, biết 100% về võ khí nguyên tử của các nước khác,” ông Lavrov cho hay.

Lavrov nói thêm, “Tôi không bênh vực Bắc Hàn. Tôi chỉ nói rằng tôi đồng ý với tất cả những ai đưa ra nhận định này.”

“Nếu tình hình vượt ra ngoài tầm kiểm soát, hàng trăm ngàn người vô tội ở Nam Hàn, Bắc Hàn, Nhật, Nga và Trung Quốc sẽ chịu thống khổ,” Lavrov cảnh cáo, theo bản tin AFP. - nguoiviet

2.
Trung Quốc đưa 4 tàu đến gần đảo tranh chấp với Nhật

Các tàu hải giám của Trung Quốc hôm 25/9 đã di chuyển vào gần các hòn đảo tranh chấp với Nhật Bản trên Biển Hoa Đông, lần thứ hai trong vòng chưa đầy một tuần qua, theo hãng tin AFP.

Theo Lực lượng Tuần duyên Nhật Bản, bốn tàu Trung Quốc đã tiến vào vùng biển xung quanh quần đảo do Nhật Bản kiểm soát và được phía Nhật Bản gọi là đảo Senkaku, và phía Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, vào khoảng 10 giờ sáng (giờ địa phương) và di chuyển theo hướng tây nam.

Một tuyên bố trực tuyến của Cục Hải dương Nhà nước Trung Quốc cho biết rằng bốn tàu tuần tra Trung Quốc "tuần tra ở vùng biển của Trung Quốc ngoài khơi quần đảo Điếu Ngư."

Tuần duyên Nhật Bản cho biết đây là lần thứ hai kể từ ngày 21/9 bốn tàu Trung Quốc đã đi vào vùng biển này.

Nhật Bản thường xuyên chỉ trích Trung Quốc làm leo thang căng thẳng trong khu vực bằng cách đưa tàu đến chuỗi đảo bất chấp phản đối của Tokyo.

Hai quốc gia đã “bị kẹt” trong một cuộc tranh chấp kéo dài về chủ quyền đối với các hòn đảo ở Biển Hoa Đông, được cho là có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú mà phía Trung Quốc tuyên bố là của họ.

Bắc Kinh cũng tham gia vào các tranh chấp hàng hải ở Biển Đông, khẳng định chủ quyền đối với hầu hết các khu vực mặc dù Philippines, Brunei, Malaysia, Đài Loan và Việt Nam cũng có tuyên bố chủ quyền. - VOA
|
3.
Philippines trấn an Việt Nam sẽ điều tra vụ ngư dân Việt bị bắn chết

Chính phủ Philippines hôm thứ Hai nói rằng một tàu cá Việt Nam đã có “những động thái vô cùng nguy hiểm” khi đâm vào một tàu hải quân Philippines trong một cuộc rượt đuổi, khiến thủy thủ Philippines bắt buộc phải nổ súng cảnh cáo, sau đó phát hiện hai người Việt đã tử vong trên tàu.

Bản tin của hãng thông tấn AP hôm 24/9 tường thuật rằng sự cố chết người xảy ra vào sáng sớm thứ Bảy 23/9 ngoài khơi bờ biển Tây Bắc Philippines, và trong cùng ngày Ngoại Trưởng Philippines Peter Cayetano đã báo tin với vị tương nhiệm Việt Nam bên lề một buổi họp tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York. Ông Cayetano hứa với Ngoại trưởng Phạm Bình Minh rằng chính phủ nước ông sẽ thực hiện một cuộc điều tra công bằng.

Thông cáo của Bộ Ngoại giao công bố ở Manila dẫn lời ông Cayetano nói với ông Minh: “Chúng tôi xin chia buồn về những mất mát sinh mạng đáng tiếc này và chúng tôi sẽ tiến hành một cuộc điều tra công bằng và đầy đủ vào sự cố này.”

Vẫn theo tin AP, ông Cayetano còn trấn an rằng 5 ngư dân Việt Nam khác đang bị chính quyền Philippines câu lưu sẽ được đối xử tử tế, và các giới chức Việt Nam được tự do tiếp xúc với họ.

Hôm 24/9 một giới chức an ninh Philippines lên tiếng với điều kiện danh tính được giữ kín, nói với hãng tin AP rằng vụ chạm trán diễn ra gần bờ biển Philippines và không có liên quan tới các cuộc tranh chấp chủ quyền Biển Đông.

Giới chức an ninh cho hãng tin AP biết các tàu của người Việt đã dùng đèn pha chiếu sáng để thu hút cá, là điều bị pháp luật Philippines nghiêm cấm.

Báo Nikkei Review dẫn lời Bộ Ngoại giao Philippines ở Manila cho biết một chiếc tàu tuần tra của hải quân Philippines phát hiện 6 tàu đánh cá Việt Nam cách Mũi Bolinao, tỉnh Pangasinan của Philippines, khoảng 63 km, sâu bên trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (370 km) của Philippines.

Phía Philippines nói tàu Philippines đuổi theo các tàu cá Việt Nam, một chiếc tàu Việt Nam đã có “động thái nguy hiểm”, tông vào mạn trái tàu tuần duyên Philippines, buộc các thủy thủ Philippines phải nổ súng cảnh cáo, và khi lên tàu, phát hiện hai ngư dân đã thiệt mạng, 5 thuyền viên khác trên tàu đầu hàng và bị câu lưu.”

Báo Nikkei của Nhật Bản nói thông báo của Philippines không nói rõ liệu các phát súng cảnh cáo đã giết chết các ngư dân người Việt hay không. Ngoại Trưởng Cayetano cho biết các nhà điều tra của Hải quân, Đội Tuần Duyên và Cảnh sát Quốc gia Philippines đã được phái tới Pangasinan để tiến hành điều tra.

Phía Philippines khẳng định là chiếc tàu hải quân của họ đã tuân thủ các quy định đòi hỏi trong các vụ chạm trán trên biển. 

Theo Cổng Thông tin của chính phủ Việt Nam, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines liên hệ với các cơ quan chức năng của Philippines, kể cả Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng, để xác minh thông tin và tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết.

Trang mạng này xác nhận là chiều ngày 24/9, Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines đã cử đại diện đến thăm lãnh sự các ngư dân bị giam giữ.

Báo điện tử của chính phủ Việt Nam cho biết Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã “phản đối việc sử dụng vũ lực đối với ngư dân và đề nghị Philippines điều tra, làm rõ vụ việc”.

Theo AP, vụ chạm trán gây tử vong nêu bật nguy cơ tiềm ẩn của các sự cố tương tự do các tuyên bố chủ quyền chồng chéo trong một khu vực nơi có nhiều cạnh tranh để tranh bắt hải sản, khai thác dầu và khí đốt cùng những tài nguyên khác. - VOA

4.
Bà Merkel đắc cử nhiệm kỳ thứ tư

Phe bảo thủ của Thủ tướng Đức Angela Merkel giành thắng lợi thứ tư liên tiếp hôm 24/9 trong cuộc bầu cử còn chứng kiến một đảng cực hữu lần đầu tiên giành ghế tại quốc hội trong vòng hơn một nửa thế kỷ.

Reuters dẫn kết quả thăm dò cử tri rời phòng phiếu cho biết rằng phe bảo thủ, gồm Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) của bà Merkel cùng đồng minh là Đảng Liên đoàn Xã hội Thiên chúa giáo (CSU), giành được 32,5% số phiếu, biến phe này trở thành nhóm lớn nhất trong quốc hội.

Sau các kết quả gây sốc năm ngoái, gồm người Anh bỏ phiếu rút khỏi Liên hiệp châu Âu và ông Trump đắc cử, nhiều người giờ hướng về bà Merkel với hy vọng bà sẽ giúp khôi phục trật tự phương Tây và lãnh đạo châu Âu thời kỳ hậu Brexit.

Theo Reuters, đối thủ “bám” sát phe bảo thủ là đảng trung tả Dân chủ Xã hội (SPD) với 20% số phiếu, thấp nhất thời kỳ hậu chiến tranh.

Trong khi đó, đảng cực hữu Sự lựa chọn cho nước Đức (AfD) đã gây sốc khi đứng vị trí thứ ba và lần đầu tiên tiến vào quốc hội Đức với 13,5% số phiếu. - VOA

5.
Bộ trưởng thương mại Mỹ thăm Bắc Kinh

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross ngày 25/9 tuyên bố Washington hy vọng đạt được những tiến bộ cụ thể trong chuyến công du tới đây của Tổng thống Donald Trump tới Trung Quốc giữa những căng thẳng về thương mại gia tăng.

Ông Ross gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, giới chức kinh tế hàng đầu của nước này, trong chuyến đi thăm ba quốc gia châu Á.

Ông Trump sẽ đi thăm Bắc Kinh cuối năm nay và gặp Chủ tịch Tập Cận Bình. Ông Tập đã công du Mỹ hồi tháng 4 năm nay.

“Chúng tôi hy vọng sẽ có một số kết quả rất tốt,” ông Ross nói vào lúc bắt đầu một cuộc họp tại Trung Nam Hải.

Ông Ross không cho biết thêm chi tiết, nhưng Tổng thống Mỹ lâu nay đã chỉ trích thặng dư mậu dịch khổng lồ của Trung Quốc với Hoa Kỳ và đe dọa tăng thuế quan đối với thép. Ông Trump còn ra lệnh điều tra liệu Trung Quốc có áp lực không thích đáng lên những công ty buộc phải giao công nghệ nếu muốn được tiếp cận thị trường Trung Quốc hay không.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nỗ lực chặn đứng những hành vi trừng phạt của Hoa Kỳ bằng cách nhấn mạnh đến những lợi ích của mối quan hệ thương mại lớn nhất thế giới.

Ông Ross sẽ đến thăm Hong Kong ngày 26 và sau đó sẽ đi thăm Thái Lan và Lào. - VOA

6.
ASEAN ‘rạn nứt’ vì Malaysia và Myanmar bất đồng

ASEAN một lần nữa bất đồng ý kiến sau khi Malaysia nói tuyên bố của Philippines, nước đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN hiện nay, là sai lệch thực tế về làn sóng lánh nạn gồm 430 ngàn người sắc tộc Rohingya từ Myanmar.

ASEAN, gồm 10 quốc gia Đông Nam Á, là một trong những vùng tăng trưởng nhanh nhất thế giới từ lâu đã phải đối phó với những quyền lợi mâu thuẫn trong việc giải quyết những vấn đề như việc Trung Quốc đòi chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông và cuộc khủng hoảng người Hồi Giáo Rohingya hiện nay.

“Philippines, với tư cách nước Chủ tịch, dung chấp việc phát biểu công khai những ý kiến khác biệt,” Bộ Ngoại giao Philippines nói trong một tuyên bố ngày 25/9.

Động thái này cho thấy một “mức độ chín chắn mới” trong việc đẩy mạnh những nguyên tắc đồng thuận của ASEAN khi đối phó với những vấn đề ảnh hưởng đến các quyền lợi quốc gia, tuyên bố nói.

Malaysia đã có lập trường rõ ràng “trong vài cuộc họp của ASEAN” tại New York, Bộ ngoại giao Philippines nói, tuy nhiên cũng phải chú ý đến quan điểm của những quốc gia thành viên khác.

Ngày 24/9, Malaysia không đồng ý với tuyên bố của chủ tịch ASEAN vì tuyên bố này không biểu hiện đúng “thực tế của tình hình” và không công nhận người Rohingya là một trong những cộng đồng chịu ảnh hưởng.

Myanmar bác bỏ cụm từ Rohingya, cho rằng những người Hồi Giáo tại bang Rakhine phía tây Myanmar không phải là một sắc tộc mà là những di dân bất hợp pháp đến từ Bangladesh.

Các nhà ngoại giao cao cấp và Bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN đã thảo luận về nội dung của tuyên bố bên lề phiên họp Đại hội đồng Liên hiệp quốc ở New York trước khi công bố, các nguồn tin của Bộ ngoại giao Philippines và chính phủ Malaysia nói.

Tuy nhiên, các Ngoại trưởng ASEAN không đạt được đồng thuận, theo hai giới chức chính phủ Malaysia biết rõ về các cuộc thảo luận này.

Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN do Philippines công bố không phản ánh những quan ngại của Malaysia, một trong những giới chức này nói và yêu cầu được dấu tên vì tính nhạy cảm của vấn đề.

Trước đây Malaysia đã có lần bác bỏ tuyên bố tương tự về cuộc khủng hoảng tại bang Rakhine phía tây Myanmar, nhưng phản ứng của Malaysia hôm 24/9 là điều bất ngờ vì ASEAN có chính sách không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của các nước thành viên.

Myanmar phải ngưng “việc tàn sát đã trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo,” Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Anifah Aman ngày 24/9 tuyên bố.

“Phải tìm ra những giải pháp lâu dài và có thể thực hiện được đối với nguồn gốc của xung đột,” ông nói trong một tuyên bố.

Tuy nhiên, bất đồng ý kiến của Malaysia chỉ phản ánh sự căng thẳng trong khối ASEAN, theo nhận xét của ông Shahriman Lockman, một nhà phân tích kỳ cựu của Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại thủ đô Malaysia.

Trong tuyên bố, Ngoại trưởng các nước ASEAN lên án những cuộc tấn công vào lực lượng an ninh Myanmar và “tất cả các hành vi bạo động đưa đến kết quả là thường dân thiệt mạng, nhà cửa bị hủy hoại và nhiều người phải lìa bỏ nơi ăn chốn ở.”

Có hơn 400 người thiệt mạng và 430.000 người Hồi Giáo Rohingya đã bỏ chạy khỏi bang Rakhine. Các cuộc tấn công của các phần tử chủ chiến Rohingya hôm 25/8 vào các vị trí quân đội và cảnh sát đã khiến cho quân đội Myanmar mở những cuộc tấn công mà Liên hiệp quốc gọi là “hủy diệt sắc tộc thiểu số.” - VOA

7.
Các nước trong danh sách cấm nhập cảnh Mỹ phản ứng

Chính phủ Chad bày tỏ kinh ngạc trước quyết định của Mỹ đưa tên nước này vào danh sách cấm nhập cảnh Hoa Kỳ.

Thông cáo của chính phủ Chad ngày 25/9 nói họ ‘thật sự không hiểu lý do chính thức của quyết định này là gì vì nó hoàn toàn đi ngược lại những nỗ lực và cam kết thường xuyên của Chad trong cuộc chiến chống khủng bố khu vực và toàn cầu.’

Chính phủ Chad kêu gọi Tổng thống Trump đánh giá đúng tình hình và cân nhắc lại quyết định mà họ nói là gây tổn hại đến hình ảnh của Chad và mối giao hảo giữa hai quốc gia.

Chad nói sẵn sàng thảo luận để tăng cường hợp tác với Mỹ.

Trong khi đó, Tổng thống Venezuela, Nicolas Maduro, tố cáo quyết định của chính quyền Trump cấm giới chức Venezuela nhập cảnh Mỹ là một hình thức ‘khủng bố chính trị và tâm lý.’

Bộ Ngoại giao Venezuela ngày 25/9 ra thông cáo nói lệnh cấm du hành của Mỹ vi phạm các giá trị trong hiến chương Liên hiệp quốc và luật quốc tế và tố cáo rằng đây là một phần trong nỗ lực tiếp diễn của Mỹ nhằm lật đổ ông Maduro.

Bộ Ngoại giao Venezuela cho biết đang cân nhắc mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia.

Chính quyền Mỹ nói chính quyền Venezuela không hợp tác trong việc minh định rõ ràng những ai bị xem là mối đe dọa an ninh quốc gia và cho biết lệnh cấm du hành nhắm vào các giới chức thuộc các bộ và các cơ quan chịu trách nhiệm rà soát.

Triều Tiên chưa phản ứng về lệnh cấm du hành mới loan báo của Mỹ.

Sắc lệnh Tổng thống Trump ký hôm qua cũng đình chỉ mọi visa, kể cả định cư và không định cư, cho những người mang quốc tịch Triều Tiên.

Triều Tiên không cho phép thường dân du hành ra nước ngoài ngoại trừ các trường hợp đặc biệt như công nhân xuất khẩu lao động mang về ngoại tệ hay vận động viên tham gia thi đấu thể thao. - VOA

8.
Nhật tổ chức bầu cử sớm giữa quan ngại về Triều Tiên

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố sẽ giải tán Hạ viện vào ngày thứ năm tuần này để tổ chức bầu cử sớm, tìm cách được sự tín nhiệm mới để giữ vững lập trường mạnh mẽ của ông đối với Triều Tiên và tái cân bằng hệ thống an ninh xã hội.

Ông Abe lên nắm quyền đã 5 năm dự kiến sẽ tổ chức bầu cử vào tháng tới để tận dụng thế đang được gia tăng ủng hộ và những xáo trộn trong hàng ngũ đối lập.

“Tôi sẽ chứng tỏ sự lãnh đạo mạnh mẽ và đứng vào tuyến đầu để đối phó với một cuộc khủng hoảng quốc gia,” ông Abe nói với các phóng viên, đề cập đến dân số đang lão hóa nhanh chóng của Nhật Bản và vấn đề Triều Tiên.

Ông Natsuo Yamaguchi, người đứng đầu đảng Komeito đối tác Liên minh của ông Abe nói theo ông hiểu thì cuộc bầu cử sẽ được tổ chức vào ngày 22 tháng 10.

Ông Abe nói ông sẽ chuyển một số lợi tức từ việc gia tăng thuế bán buôn vào năm 2019 vào công tác chăm sóc trẻ em và giáo dục thay vì trả lại nợ công, dù rằng ông sẽ không bỏ cải cách tài chánh. Tái cân bằng chi tiêu sẽ giúp vượt qua ảnh hưởng tiêu cực có thể xảy ra đối với sức tiêu thụ vì tăng thuế, ông Abe nói.

Ông Abe bác bỏ những chỉ trích cho rằng tổ chức bầu cử vào lúc này sẽ tạo ra một khoảng trống chính trị vào thời điểm căng thẳng tăng cao vì chương trình phi đạn và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Bình Nhưỡng đã hai lần phóng phi đạn ngang qua Nhật Bản trong tháng này và thử nghiệm hạt nhân lần thứ 6 vào ngày 3 tháng 9 vừa qua.

Ông Abe nói mục tiêu của ông là Liên minh cầm quyền vẫn giữ được đa số tại Hạ viện.

Một cuộc thăm dò cuối tuần qua của Nikkei cho thấy 44% cử tri dự trù bỏ phiếu cho Đảng Dân chủ Cấp tiến của ông Abe so với 8% của Đảng Dân chủ đối lập chính và 8% của một đảng mới do Thị trưởng Tokyo Yuriko Koike thành lập. - VOA

9.
Mỹ-Ấn tăng cường quan hệ quốc phòng

Chuyến thăm New Delhi ngày 26/9 của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis sẽ chú trọng đến việc xây dựng các quan hệ với người tương nhiệm Ấn Độ, Bộ trưởng Quốc phòng Nirmala Sitharaman, và “củng cố những tiến bộ trong mối quan hệ Ấn-Mỹ”.

Ông Mattis là thành viên đầu tiên của chính quyền Trump thăm Ấn Độ. Dịp này, ông cũng sẽ gặp Thủ tướng Narendra Modi và Cố vấn An ninh Quốc gia Ajit Doval.

Các nguồn tin nói với The Indian Express là kết quả cụ thể trong chuyến đi này sẽ là việc loan báo cuộc tập trận trên biển song phương giữa hải quân Ấn Độ và Mỹ, chú trọng vào việc Trợ giúp Tai họa và Cứu trợ Nhân đạo (HADR). Đề nghị tập trận này đã được thảo luận trong Đối thoại Chiến lược Hàng hải giữa hai nước trước đây trong năm và có sự tham gia của các tàu đổ bộ và các cuộc hành quân trực thăng.

Các nguồn tin cho hay dù có những cuộc thảo luận về đề nghị của Hoa Kỳ cung cấp cho Ấn Độ máy bay phản lực chiến đấu F-16 và loại máy bay không người lái Guardian, nhưng sẽ không có loan báo nào trong chuyến viếng thăm của ông Mattis lần này.

Hai bên cũng sẽ thảo luận tình hình Afghanistan và sự giúp đỡ hỗ của Ấn để hỗ trợ cho chiến lược Afghanistan của Tổng thống Trump. Việc trợ giúp của Ấn Độ chắc chắn giới hạn trong việc huấn luyện quân đội Afghanistan, vì trang bị quốc phòng do Ấn Độ sản xuất không thích hợp với kho vũ khí của Afghanistan.

Ông Mattis đến New Delhi cuối ngày 25/9 và sẽ lên đường đi Kabul vào sáng sớm ngày 26/9. - VOA

10.
Báo Trung Quốc cảnh cáo Úc chớ xen vào tình hình Biển Đông

Một hạm đội gồm 6 tàu chiến Úc đang trực chỉ Biển Đông để thực hiện một cuộc hành trình dài 2 tháng bao gồm các cuộc diễn tập quân sự và các chuyến đi ghé thăm các hải cảng trong khu vực. Động thái này chưa gì đã bị truyền thông nhà nước Trung Quốc đả kích như một hành động nhằm ‘vây hãm’ Trung Quốc.

Báo Daily Telegraph tường thuật rằng chính phủ của Thủ Tướng Malcolm Turnbull đã xúc tiến kế hoạch đã ấp ủ từ lâu, là điều hải quân Úc tham gia các cuộc tập trận quy mô trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, được coi là nhiệm vụ tác chiến lớn nhất của Úc trong hơn 30 năm qua.

Dẫn đầu hạm đội Úc gồm các tàu chiến HMAS Melbourne, HMAS Darwin, HMAS Toowoomba, HMAS Parramatta và HMAS Sirius, là tàu đổ bộ trực thăng lớp Canberra HMAS Adelaide, tàu chiến lớn nhất được chế tạo cho Hải quân Hoàng gia Australia. Tàu này được hải quân Australia miêu tả là “một trong những tàu chiến không - thủy - bộ lợi hại nhất trên thế giới, giúp Úc củng cố khả năng chiến đấu trên các vùng biển lớn quanh lục địa Úc Châu.

Với trọng tải 27.000 tấn, chiều dài 230 m và chiều rộng 32 m, ngoài thủy thủ đoàn 325 người, tàu có thể chở theo 18 trực thăng, hơn 1000 binh sĩ được trang bị vũ khí đầy đủ cùng 110 xe tải, xe bọc thép và xe tăng. HMAS Canberra còn có cả một bệnh viện 3 tầng với 56 giường.

Tàu được hạ thủy vào thời điểm căng thẳng đang lớn dần ở Biển Đông sau những hành động hung hăng của Trung Quốc để khẳng định tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.

Trong một bài phân tích về sức mạnh của Hải quân Úc cách đây vài năm đăng trên trang mạng chinamil, Tiến sĩ Hùng Chí Vĩnh, một nhà nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu Nam Hải của Trung Quốc, cảnh giác về sự lợi hại của các chiến hạm lớp Canberra. Ông Vĩnh nói khi hai chiếc tàu đổ bộ chiến đấu lớp Canberra của Hải quân Úc đi vào hoạt động, nó sẽ trở thành “mối đe dọa lớn nhất đối với chiến lược của Bắc Kinh trên Biển Đông”.

Chiến lược Biển Đông của Australia

Các chi tiết về lộ trình của hạm đội Úc khởi hành từ hôm 4/9 trong một sứ mệnh kéo dài 2 tháng, vẫn chưa được công bố. Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne cho biết nhiệm vụ của hạm đội này là “chứng minh khả năng của Lực lượng Quốc phòng Úc tiến hành một loạt hoạt động quân sự, từ chiến tranh chống tàu ngầm, cho tới các hoạt động cứu trợ nhân đạo và hỗ trợ thiên tai.”

Ý nghĩa chiến lược sâu xa hơn của động thái của Canberra, điều hạm đội Úc đến Biển Đông, điểm nóng của thế giới nơi xung đột quân sự có thể xảy ra, là để chứng tỏ quyết tâm của Australia muốn duy trì sự hiện diện tại Tây Thái Bình Dương, theo tinh thần các bạch thư quốc phòng Úc từ năm 2009. 2013 và 2016.

Báo Daily Telegraph của Anh mới đây tường thuật rằng đã có các cuộc thảo luận cấp Bộ trưởng để xác định lập trường của Canberra về các cuộc tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, và. bàn về những giải pháp chiến lược của Australia cho khu vực Tây Thái Bình Dương.

Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc nói từ trước tới nay, nước Úc vẫn chú trọng tới vấn đề ngăn chặn di dân và tị nạn, nhưng các cuộc diễn tập quân sự và các chuyến cập cảng của hạm đội Úc trong sứ mệnh lần này, là “tự nguyện và bất thường”.

Tờ Hoàn cầu Thời báo nói: “Rõ ràng Canberra muốn chứng tỏ sức mạnh của mình, củng cố quan hệ với các nước láng giềng, và đóng một vai trò lớn hơn trong an ninh khu vực”, tuy nhiên tờ báo cảnh cáo rằng khi sử dụng các lực lượng quân sự của mình trong khu vực hay xa hơn, “Canberra tự đẩy mình vào thế chấp nhận vai trò thứ yếu, theo chân Hoa Kỳ, rập khuôn theo lập trường của Mỹ”.

Nước Úc từ trước tới giờ vẫn tự coi mình như một cường quốc bậc trung, không hoàn toàn độc lập về mặt an ninh. Nhưng tình hình thế giới đã thay đổi từ khi Tổng thống Trump lên nhậm chức tại Hoa Kỳ. Có dấu hiệu cho thấy Mỹ không tha thiết với việc đóng một vai trò tích cực trong các vấn đề an ninh khu vực, thậm chí có thể triệt thoái khỏi khu vực Á Châu-Thái Bình Dương nếu làm như vậy có thể phục vụ các lợi ích chiến lược riêng của mình. 

Các nhà chiến lược Úc tin rằng một nước Trung Quốc hùng mạnh, quyết đoán hơn, có thể mang lại một số bất định cho khu vực. Mặc dù không có cách nào có thể thay thế được cường quốc số 1 thế giới, Canberra muốn tập hợp các nước láng giềng để cùng nhau, cưỡng lại chính sách bành trướng của Trung Quốc.

Bài viết của Tờ Hoàn cầu Thời báo trích lời Thủ Tướng Australia Malcolm Turnbull phát biểu tại cuộc Đối thoại Shangri-La hồi đầu năm nay, ví von trật tự mới tại vùng Á Châu-Thái Bình Dương là “Cá lớn nuốt cá bé, cá bé nuốt tôm tép”, để bình luận rằng Canberra không dấu giếm ý định muốn trở thành phát ngôn nhân của “các con cá bé và tôm tép.”

Tác giả bài viết, một nhà nghiên cứu tại Học viện Quốc phòng Quân đội Nhân dân Trung Quốc, lưu ý rằng trong thời gian gần đây, Úc đã tìm cách ve vãn Nhật Bản và Ấn Độ để mưu tìm một vai trò lớn hơn trong ASEAN và khu vực. Úc tỏ ý muốn độc lập khỏi Hoa Kỳ, và sẵn sàng hành động một mình dù cho Mỹ có mặt hay không, tác giả đặt câu hỏi: “vấn đề là liệu vai trò đó có tính xây dựng hay không”? 

Tác giả cảnh báo “Canberra cần phải thận trọng để tránh bị sa lầy trong các cuộc tranh chấp khu vực ở biển Hoa Đông và Biển Đông.

Tác giả bài viết kết luận:

“Nước Úc nên duy trì sự trung lập của mình thay vì “kết bè kết đảng” với các nước khác. Dù gì đi nữa, Australia cũng nằm bên ngoài khu vực Biển Đông và Biển Hoa Đông.”

Ngân sách quốc phòng của Úc trong năm tài chính 2017-2018, là 27,4 tỷ đô la. Bộ Quốc phòng Úc cho biết trước năm 2021, sẽ tăng ngân sách quốc phòng lên tới 2% GDP. Và như vậy, Australia sẽ là một trong những nước có tỷ lệ tăng ngân sách quốc phòng nhanh nhất khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. - VOA

11.
Syria: Một tướng Nga thiệt mạng gần Deir Ezzor

Cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà Nước Hồi Giáo ngày càng căng thẳng. Bộ Quốc Phòng Nga, hôm qua 24/09, thông báo, một tướng lĩnh quân đội Nga bị thiệt mạng gần Deir Ezzor, phía đông Syria, trong một trận pháo kích của những kẻ khủng bố nhằm vào Trung tâm chỉ huy của quân đội Syria.

Paul Khalifeh tường trình từ Beyrouth :

"Tướng Valery Asapov là sĩ quan quân đội cao cấp nhất của Nga thiệt mạng trong cuộc giao tranh ở Syria kể từ khi Nga tiến hành can thiệp quân sự tại đất nước này, vào tháng 9/2015. Theo bộ Quốc Phòng Nga tại Matxcơva, vị tướng này bị tử thương do mảnh đạn trong một vụ nã pháo bất ngờ của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo vào trung tâm chỉ huy của quân đội Syria.

Các nguồn tin tại Damas cho biết thêm tướng Asapov đứng đầu một đoàn cố vấn Nga được triển khai ở Syria để giúp đỡ quân đội chính phủ. Khoảng 40 quân nhân Nga đã chết kể từ khi Nga bắt đầu can thiệp vào nước này.

Hôm thứ Sáu tuần trước, Đài Quan Sát Nhân Quyền Syria thông báo đã có 3 binh sĩ Nga bị sát hại trong những cuộc giao tranh với tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo ở Deir Ezzor. Song những nguồn tin chính thức của Nga không xác nhận báo cáo này. Cái chết của tướng Asapov cho thấy sự kháng cự mãnh liệt của những kẻ thánh chiến Hồi giáo ở tả ngạn sông Euphrate, nơi nhiều binh đoàn quân đội chính phủ Syria đã đổ bộ vào tuần trước.

Đài Quan Sát Nhân Quyền Syria khẳng định, những chiến binh của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo cố thủ tại những căn cứ cuối cùng của chúng quanh thành phố Deir Ezzor, nhất là trong khu vực Howeijet Sakr. Theo tổ chức có trụ sở tại Anh, quân đội Syria tiếp tục tiến quân với cái giá phải trả là những tổn thất nặng nề." - RFI
|
|

12.
Miến Điện: Phát hiện hố chôn tập thể 28 tín đồ Ấn giáo

Lãnh đạo quân đội Miến Điện, tướng Min Aung Hlaing, hôm qua 24/09, trên tài khoản Facebook của mình đã thông báo phát hiện một hố chôn tập thể của 28 tín đồ Ấn giáo và cáo buộc những “kẻ khủng bố” người Rohingya đã thực hiện cuộc thảm sát. 

Theo AFP, phát ngôn viên của chính quyền dân sự Miến Điện Zaw Htay cũng đã lên tiếng khẳng định cuộc thảm sát “dựa trên những nhân chứng sống sót tị nạn tại Bangladesh”.

Hố chôn tập thể này được phát hiện gần làng Kha Maung Seik, tại vùng Maungdaw thuộc bang Rakhine, tây bắc Miến Điện, nơi bùng phát cuộc đàn áp của quân đội đối với sắc dân thiểu số theo Hồi giáo Rohingya cách đây vài tuần, khiến khoảng 430000 người phải tị nạn ở Bangladesh.

Lãnh đạo cộng đồng Ấn giáo tại địa phương Ni Maw cho biết, cuộc thảm sát đã xảy ra từ ngày 25/08 khi có khoảng vài trăm người nổi loạn Rohingya tấn công vào làng của tín đồ Ấn giáo.

Đây là lần đầu tiên một hố chôn tập thể được tìm thấy ở Miến Điện kể từ khi bạo lực diễn ra. - RFI

13.
Bầu Thượng Viện: Thất bại đầu tiên của tổng thống Pháp

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nếm mùi thất bại bầu cử đầu tiên. Trong cuộc bầu cử bán phần Thượng Viện, đảng Cộng Hòa Tiến Bước của ông Macron chỉ đạt được 27 ghế tại Thượng Viện.

Hôm qua, hơn 76 300 đại cử tri Pháp được kêu gọi bầu mới 171 trong tổng số 348 ghế thượng nghị sĩ. Với hơn 1 990 ứng viên tranh cử, các kết quả sáng nay cho thấy đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa LR đã về đầu, củng cố thêm đa số tại Thượng Viện. Như vậy, với thắng lợi này của đảng LR, Gerard Larcher, chủ tịch Thượng Viện mãn nhiệm vẫn có thể giữ nguyên chức vụ.

Về phần đảng Cộng Hòa Tiến Bước LREM của tổng thống Macron, đây là thất bại bầu cử đầu tiên. Có đa số ở Quốc Hội, nhưng LREM chỉ có được 27 ghế, quá xa với con số mong ước là 50 ghế nghị sĩ.

Trên đường phố, các cuộc tuần hành phản đối sắc lệnh cải cách Luật Lao Động vẫn tiếp diễn. Hôm nay, 25/09/2017, đến lượt các nghiệp đoàn tài xế xe tải biểu tình với những « hành động mạnh mẽ » như rào chặn các địa điểm chiến lược, nhất là những kho bãi nhiên liệu. - RFI

Tin Hoa Kỳ
14.
Cầu thủ NFL không chào cờ để phản đối Tổng thống Trump

Hàng trăm cầu thủ, huấn luyện viên và chủ của các các đội bóng thuộc Liên đoàn Bóng bầu dục Quốc gia (NFL) bày tỏ phản đối Tổng thống Donald Trump hôm Chủ nhật bằng việc quỳ xuống và quàng tay đoàn kết với nhau thay vì đứng nghiêm chào cờ trước các trận đấu.

Các cầu thủ nói rằng sự phản đối của họ là để kêu gọi sự chú ý vào tình trạng người sắc tộc thiểu số bị đối xử bất bình đẳng tại Mỹ, trong đó có những vụ cảnh sát hành xử hung bạo với người Mỹ gốc Phi.

Richard Sherman của đội Seattle Seahawks nói: “Có tình trạng bất bình đẳng. Không có tự do và công lý cho tất cả. Và tôi thấy ít nhất cả năm trời nay rồi đã diễn ra các cuộc phản đồi bằng cách quỳ, ngồi xuống, đưa nắm đấm lên… nhưng hình như những tiếng nói đó chẳng gây được sự chú ý nào.”

Các cuộc phản đối bắt đầu hổi năm ngoái khi cựu trung phong Colin Kaepernick của đội San Francisco 49ers không chịu đứng lên chào cờ để phản đổi cách cảnh sát đối xử với người thiểu số. Mùa bóng này không đội nào hợp đồng với Kaepernick. Nhiều cổ động viên tin rằng chủ các đội bóng NFL không hợp đồng với anh vì chuyện gây tranh cãi đó.

Một số nhỏ các cầu thủ NFL khác cũng đã quỳ xuống khi chào cờ để phản đối trong các trận đấu trước ngày Chủ nhật 24/9. Một số nữ cầu thủ của Liên đoàn Bóng rổ Nữ Quốc gia, một nữ cầu thủ của đội tuyển bóng đá quốc gia và một cầu thủ của Liên đoàn Bóng chày Quốc gia cũng phản đối bằng cách đó. Nhưng hôm Chủ nhật 24/9 đánh dấu sự phản đối lan rộng tiếp theo sau những chỉ trích mới nhất của Tổng thống Trump.

Hôm thứ Sáu trước đó, Tổng thống Trump nói: “Quý vị có muốn thấy một trong những người chủ của NFL khi thấy một cầu thủ nào bất kính quốc kỳ của chúng ta, nói rằng ‘đuổi thằng đó ra khỏi sân ngay lập tức. Đi ra. Sa thải nó, đuổi nó? Quý vị có thích như vậy không? Một số ông chủ sẽ làm việc đó. Ông chủ đó sẽ nói ‘thằng đó không tôn trọng quốc kỳ của chúng ta. Nó bị đuổi.’ Và ông chủ đó … họ là bạn của chúng ta, có rất nhiều ông chủ như vậy. Họ sẽ là những người nổi tiếng nhất trong tuần ở đất nước chúng ta.”

Ông Trump cũng gợi ý rằng người hâm mộ có thể tẩy chay các trận đấu của môn bóng bầu dục chuyên nghiệp, một trong những môn thể thao được ưa chuộng nhất ở Mỹ. Hôm Chủ nhật, khi được hỏi liệu hành động của ông có làm tăng thêm cẳng thẳng chủng tộc hay không, Ông Trump nói: “Không, việc này không liên quan gì tới chủng tộc. Tôi chưa bao giờ nói điều gì liên quan đến chủng tộc. “

Ủy viên NFL Roger Goodell nói rằng phát biểu của Tổng thống Trump gây chia rẽ và không tôn trọng đối với các cầu thủ, những người tìm cách nói lên tiếng nói thành tâm của họ.

Tại các trận đầu bóng bầu dục hôm Chủ nhật, nhiều khán giả đã la ó phản đối các cầu thủ đã đứng chào cờ, trong lúc nhiều người khác vỗ tay hoan nghênh những cầu thủ phản đối. Truyền thông xã hội cũng loan tải những hình ảnh, thông tin tương tự về những phản ứng đó.

Các chống đối được thể hiện bằng những hình thức khác nhau, phản ảnh những quan điểm khác nhau trong liên đoàn. Lorenzo Alexander của đội Buffalo Bills thuộc nhóm các cầu thủ quỳ xuống khi chào cờ hôm Chủ nhật. Nhưng Alexander cho biết trong trận đấu kế tiếp, anh sẽ đứng nghiêm chào cờ.

Alexander nói: “Việc tôi quỳ khi chào cờ không làm thay đổi việc tôi ủng hộ quân đội của chúng ta, tôi là một người ái quốc và tôi yêu nước Mỹ. Nhưng tôi cũng nhận thấy có những bất công xã hội trên đất nước của chúng ta và hôm nay tôi muốn quỳ để bày tỏ ủng hộ anh em đồng đội của tôi đã chọn cách thể hiện sự phản đối như vậy.”

Cầu thủ Terrell Suggs của đội Baltimore Ravens nói không có sự chia rẽ giữa các cầu thủ. Anh nói: “Phản đối, phản đối bất bạo động như người Mỹ vẫn thể hiện. Do đó chúng tôi quỳ xuống hôm nay để cho họ biết rằng chúng tôi là một mặt trận đoàn kết.”

Hai đội Seattle Seahawks và Tennessee Titans không ra sân làm lễ chào cờ. Đội Pittsburgh Steelers ở ngoài đường biên sân trong lễ chào cờ ngoại trừ một cầu thủ đó là cựu Lục quân Alehandro Villanueva – cầu thủ này đứng nghiêm, đưa tay lên ngực chào cờ.

Villanueva không nói chuyện với phóng viên báo chí sau trận đấu, nhưng năm trước anh đã chống đối việc cầu thủ Kaepernick quỳ khi chào cờ để bày tỏ phản đổi.

Villanueva nói: “Tôi đồng ý là Mỹ không phải là hoàn hảo. Tôi đồng ý còn có rất nhiều vấn đề về người thiểu số ở nước này. Tôi đồng ý rằng chúng ta phải có một hành động nào đó về vấn đề này.” Nhưng anh nói rằng anh không biết liệu cách thức hữu hiệu nhất có phải là ngồi xuống trong lễ chào cờ của đất nước đã cho các cầu thủ quyền tự do và hàng triệu đôla một năm trong lúc có nhiều người thiểu số “hy sinh tại Iraq và Afghanistan để bảo vệ sự tự do của chúng ta chỉ nhận được chưa đến 20.000 đôla một năm.”

Tại London, nơi diễn ra trận đấu của đội Jacksonvilles Jaguars và Baltimore Ravens, tất cả các cầu thủ đứng nghiêm chào cờ Anh, nhưng nhiều cầu thủ đã quỳ xuống khi chào cờ Mỹ.

Chủ của đội Jaguars, ông Shad Khan, người tặng một triệu đôla cho lễ nhậm chức của Tổng thống Trump, đã quàng tay với các cầu thủ của ông. Chủ của đội Ravens, ông Steve Bisciotti, lên tiếng ủng hộ các cầu thủ tham gia phản đối trong đội của ông.

Ông Robert Kraft, chủ của đội New England Patriots, một người cũng từng ủng hộ ông Trump cả triệu đôla khác, nói rằng ông “hết sức thất vọng về luận điệu” trong phát biểu của ông Trump.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Ben Sasse, một người ủng hộ ông Trump, nói các cầu thủ có quyền phản đối tổng thống, nhưng ông đặt câu hỏi “Liệu có cách nào tốt hơn là quỳ trong lễ chào cờ mà bao binh sĩ đã hy sinh để bảo vệ?”

Đội khúc côn cầu Penguins của Pittsburgh loan báo hôm Chủ nhật rằng họ nhận lời mời đến thăm Tòa Bạch Ốc trong nghi thức tôn vinh danh hiệu vô địch Cúp Stanley của họ.

Tin này xảy ra một ngày sau khi Tổng thống Trump rút lại thư mời ngôi sao Stephen Curry của Liên đoàn Bóng rổ Quốc gia (NBA) đến thăm Tòa Bạch Ốc để tôn vinh danh hiệu vô địch NBA của đội Golden State Warriors. Curry trước đó lên tiếng rằng có lẽ anh sẽ không tham gia vì những phát biểu của ông Trump về các người thiểu số bị đối xử.

Curry nói: “Chúng tôi không đại diện cho những gì mà tổng thống của chúng ta đã nói và những gì mà tổng thống của chúng ta đã không nói và đúng thời điểm. Chúng tôi không đại diện cho điều đó.”

Sau khi Tổng thống Trump bỏ thư mời Curry, một siêu sao NBA khác là LeBron James của đội Cleveland Cavaliers, lên tiếng ủng hộ Curry. James gọi Tổng thống Trump là “một tên vô lại” trên mạng Internet, va nói: “Cho đến khi nào bạn xuất hiện thì đến Tòa Bạch Ốc mới là một vinh dự lớn.” - VOA
|
15.
Kushner dùng email cá nhân trong một số công vụ của Tòa Bạch Ốc

Con rể và là cố vấn cấp cao Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, ông Jared Kushner sử dụng một email cá nhân, ngoài email công vụ, để liên lạc với với các giới chức Tòa Bạch Ốc.

Luật sư Abbe Lowell của ông Kushner cho biết trong một thông báo rằng cố vấn của tổng thống đã dùng địa chỉ email cá nhân để gởi dưới 100 email cho các trợ lý ở Tòa Bạch Ốc trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 8, và hầu hết các email đó trao đổi về các tin tức báo chí và “bình luận chính trị.”

Truyền thông báo chí tại Washington trích lời luật sư Lowell nói rằng các email đó “thường xảy ra nhất khi một ai đó khởi sự trao đổi một vấn đề bằng việc gởi email vào địa chỉ email cá nhân thay vì vào email công vụ Tòa Bạch Ốc của ông Kushner. Ông Lowell nói tiếp rằng “Tất cả email không phải cá nhân đều được chuyển tiếp vào địa chỉ email công vụ và được lưu trữ trong mọi tình huống.”

Tổng thống Trump đã dùng việc đối thủ tranh cử Hillary Clinton đã sử dụng máy chủ email cá nhân và cách bà lưu giữ thông tin mật khi là ngoại trưởng làm vũ khí tấn công chính trong suốt quá trình vận động tranh cử tổng thống năm 2016.

Theo đạo luật về thông tin tài liệu của tổng thống, tất cả mọi hồ sơ tài liệu của tổng thống đều phải được lưu trữ. Hãng tin Bloomberg dẫn lời một nguồn tin thân cận với chuyện này nói rằng ông Kushner không sử dụng máy chủ cá nhân cho bất cứ thông tin nhậy cảm hay thông tin mật nào.

Theo Politico, hãng tin loan tải tin này đầu tiên, các giới chức khác trong chính quyền cũng sử dụng email cá nhân liên lạc với ông Kushner.

Ông Kushner và vợ là Ivanka Trump đã lập email cá nhân trước khi ông Trump vào Tòa Bạch Ốc và trước khi ông Kushner được phong làm cố vấn cấp cao của tổng thống vào tháng 1. Tờ Washington Post trích lời các nguồn tin thân cận với chuyện này nói rằng khi đã đến làm việc ở Tòa Bạch Ốc, ông Kushner nhiều lúc sử dụng email cá nhân cho tiện, nhất là khi công du phải làm việc trên máy tín xách tay. Một người chuyên xem lại các email nói rằng nhiều email từ địa chỉ cá nhân của ông Kushner đã được nhanh chóng chuyển vào email công vụ của ông và không có email nào trong số đó cho thấy có chứa thông tin mật.

Bà Clinton đã giải thích tương tựa như vậy vào năm 2015 khi nổi lên tin nói rằng bà đã lập email cá nhân để làm phương tiện trao đổi thông tin riêng trong khi bà làm ngoại trưởng. Bà Clinton nói bà sử dụng email cá nhân “vì tiện dụng.” Bà quả quyết chưa bao giờ chia sẻ thông tin mật từ email cá nhân và chưa bao giờ không tôn trọng luật liên bang quy định phải lưu trữ tất cả thông tin liên lạc của chính phủ. Bà nói hầu hết thông tin liên lạc của bà đã được lưu trữ bởi vì bà gởi liên lạc của bà đến địa chỉ email công vụ của các giới chức. - VOA

16.
Cựu chiến lược gia Tòa Bạch Ốc lưu tâm đến ‘người Cộng Hòa thối nát’

Cựu chiến lược gia Tòa Bạch Ốc Steve Bannon nói với những người bảo thủ hôm Chủ Nhật rằng họ chớ lo đến phe Dân Chủ mà cần lưu tâm đến “những người Cộng Hòa nòng cốt thối nát và bất lực.”

Ông Bannon nói chuyện trước khoảng 400 người tại một khách sạn ở St. Louis trong cuộc họp mặt do Phyllis Schlafly Eagles, một tổ chức ly khai của diễn đàn nghiên cứu bảo thủ Eagle Forum do bà Schlafly thành lập và lãnh đạo cho đến khi bà qua đời hồi năm ngoái ở tuổi 92.

Cuộc họp mặt diễn ra vào thời điểm căng thẳng ở St. Louis, nơi gần 200 người bị bắt trong những cuộc phản kháng từ ngày 15 Tháng Chín, sau khi một chánh án tha bổng một cựu cảnh sát viên da trắng trong vụ bắn chết một nghi can da đen.

Một nhóm người chống đối đứng bên ngoài khách sạn tay cầm nhiều biểu ngữ, trong đó có khẩu hiệu viết bằng hàng chữ lớn “Kỳ Thị Chủng Tộc.”

Ông Bannon rời khỏi chức vụ ở Tòa Bạch Ốc hồi Tháng Tám sau một thời kỳ rối ren kéo dài bảy tháng. Từ đó ông trở lại với tờ báo cực hữu Breitbart News mà ông từng lãnh đạo trước khi tham gia vận động chiến dịch tranh cử của Tổng Thống Donald Trump.

Trong cuộc nói chuyện dài ba phút, ông Bannon nói rằng ông rời Tòa Bạch Ốc vì Tổng Thống Trump “cần người giúp sức để chống lại thành phần cốt cán của đảng Cộng Hòa.”

Ông Bannon nhấn mạnh, không phải lo đến những người của đảng Dân Chủ vì “chúng ta sẽ đánh bại họ như chúng ta đã từng hạ bà Hillary Clinton. Nhưng điều đầu tiên cần lưu tâm là thành phần Cộng Hòa nòng cốt thối nát và bất lực.”

Ông thêm rằng những người Cộng Hòa ở Quốc Hội đã không nhiệt tâm ủng hộ lý tưởng “dân túy, dân tộc, bảo thủ” của Tổng Thống Trump.

“Họ không phải là người có đầu óc bảo thủ. Họ là những kẻ cấp tiến, và đó là điều mà chúng ta cần phải đấu tranh chống lại mỗi ngày,” ông nói thêm. - nguoiviet

17.
Mercedes-Benz chi $1 tỷ tại Alabama để sản xuất xe chạy điện

Mercedes-Benz cho biết sẽ bỏ ra $1 tỷ để nâng cấp khả năng sản xuất của họ ở Alabama và khởi đầu chương trình chế tạo xe chạy điện tại Hoa Kỳ.

Theo đài truyền hình CNN, công ty chế tạo xe hơi Đức dự trù chế tạo kiểu xe SUV chạy điện tại nhà máy hiện hữu, và xây thêm một nhà máy chế tạo bình điện ở cạnh bên.

Sự đầu tư này của Mercedes sẽ đặt công ty vào vị thế cạnh tranh trực tiếp với Tesla.

Ông Markus Schafer, người phụ trách kế hoạch sản xuất của công ty, nói: “Với địa điểm sản xuất xe chạy điện và bình điện ở Âu Châu, Trung Quốc, và nay, ở Hoa Kỳ, hệ thống toàn cầu của chúng tôi coi như sẵn sàng cho kỷ nguyên xe chạy điện.”

Quyết định chuyển sản xuất qua xe chạy điện được thực hiện sau sự thoái trào trên khắp thế giới đối với xe chạy bằng diesel do quan ngại về thay đổi khí hậu và ô nhiễm môi sinh.

Nhiều quốc gia trong đó có Ấn Độ, Pháp, Anh, Na Uy, và Trung Quốc, từng cam kết sẽ loại bỏ xe chạy xăng và diesel để thay thế bằng xe chạy bằng năng lượng “sạch.”

Mercedes nói, họ đáp ứng đòi hỏi ngày mỗi cao đối với xe chạy điện và xe hybrid, tức xe vừa dùng xăng vừa dùng điện.

Năm ngoái, Mercedes trình làng kiểu xe chạy điện Mercedes-EQ tại hội chợ xe quốc tế tổ chức tại Paris.

Việc đầu tư của Mercedes ở Alabama chắc hẳn làm hài lòng Tổng Thống Donald Trump, người từng chỉ trích các công ty ngoại quốc nói chung và các nhà chế tạo Đức nói riêng, vì không chịu sản xuất sản phẩm của họ ngay trên đất Hoa Kỳ.

Vào đầu năm nay, Mercedes từng loan báo sẽ đẩy mạnh việc sản xuất phụ tùng xe hơi tại nhà máy của họ ở Tuscaloosa. - nguoiviet

Tin Việt Nam
18.
Vụ Nguyễn Xuân Anh: Thêm ‘dấu vết’ quan chức khác

Phát hiện thêm quan chức Việt Nam từng lấy bằng tiến sĩ từ trường đại học Mỹ ở California, hiện là tâm điểm của trong vụ bê bối liên quan tới Bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh.

Tiến sĩ Donald Hecht, người sáng lập và là chủ tịch của trường Southern California University for Professional Studies (SCUPS) [nay gọi là California Southern University (CSU)], tiết lộ với VOA Việt Ngữ rằng chính cơ quan điều tra và thông báo các sai phạm của ông Anh từng thông qua bằng cấp mà trường trao cho một quan chức của Tổng Thanh tra Chính phủ.

Ông Hecht nói với VOA Việt Ngữ: “Tiến sĩ Mai Quốc Bình, Phó Tổng thanh tra Chính phủ, tốt nghiệp tiến sĩ Quản trị Kinh doanh (DBA) từ trường SCUPS và Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từng điều tra việc học của ông Bình và chấp thuận [bằng cấp] lúc ông ấy được bổ nhiệm chức vụ này”.

VOA Việt Ngữ không thể liên lạc để xác nhận với ông Bình, hiện đã nghỉ hưu, về chuyện bằng SCUPS của ông.

Ông Hecht nói thêm rằng không chỉ có hàng trăm người có chức quyền Việt Nam từng nhận bằng từ SCUPS, còn có nhiều cá nhân và các lãnh đạo khả kính của Campuchia và Trung Quốc “cũng nhận bằng” từ trường của ông.

Ông cho biết thêm: “Thủ tướng [Campuchia] Hun Sen, [cựu] đồng Thủ tướng Ranarith và [cố] chủ tịch đảng [Nhân dân Campuchia] Chia Sim từng nhận bằng tiến sĩ danh dự từ SCUPS. Chủ tịch của một số ngân hàng lớn nhất ở Trung Quốc từng tốt nghiệp từ trường SCUPS”.

Sau khi VOA tiếng Việt tuần trước dẫn lời ông Hecht đăng tin về việc trường SCUPS từng hợp tác với Đại học Bách khoa Hà Nội và được Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) cho phép cấp bằng ở Việt Nam, nhiều tờ báo ở trong nước đã vào cuộc điều tra về sự liên đới này.

Theo báo Tuổi Trẻ, năm 1999, Bộ GD&ĐT đồng ý cho Đại học Bách khoa Hà Nội hợp tác đào tạo từ xa trong lĩnh vực quản trị kinh doanh ở mục sau ĐH với SCUPS, với khuyến cáo rằng "đây là chương trình thử nghiệm và đào tạo từ xa, nên đại học phía Việt Nam “phải phối hợp các cơ quan hữu trách để quản lý tốt chương trình”.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương hôm 18/9 thông báo rằng một trong các vi phạm của ông Anh là “kê khai, sử dụng bằng cấp không đúng quy định”.

Bí thư thành ủy Đà Nẵng từng nhận bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh Doanh (MBA) năm 2002 và tiến sĩ Quản trị Kinh doanh (DBA) năm 2006 từ SCUPS, tức trước thời điểm trường này được chứng nhận chất lượng năm 2010.

Ngoài ông Anh, VOA tiếng Việt đã tìm thấy lý lịch của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp ở Việt Nam ghi phần học vấn là tiến sĩ tại SCUPS.

Trong khi đó, tờ Dân Việt hôm 22/9 dẫn lời Đại biểu quốc hội Lê Thanh Vân cho rằng, “nếu tiến hành tổng rà soát bằng cấp của các cán bộ công chức, cơ quan chức năng có thể sẽ khui ra nhiều trường hợp cán bộ lãnh đạo sử dụng bằng cấp chất lượng còn thấp hơn so với trường hợp ông Nguyễn Xuân Anh”. Tuy nhiên, chưa rõ ông Vân dựa vào dữ liệu nào để đi tới nhận định này.

Báo này năm 2013 cũng đã đăng tải một bài viết về chuyện “dư luận xôn xao” việc một phó hiệu trưởng một trường đại học có tiếng ở TP HCM “sử dụng bằng giả” của SCUPS.

Trong một diễn biến liên quan tới chuyện bằng cấp của quan chức Việt Nam, nhiều tờ báo ở trong nước hôm 25/9 đưa tin về việc “đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng vừa chuyển đơn của công dân tới Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị kiểm tra, xác minh bằng cấp của ông Nguyễn Mạnh Hiển, Bí thư tỉnh ủy Hải Dương”. Trả lời tờ Dân Trí sau đó, ông Hiển nói rằng “mình học thật, có bằng thật”. - VOA
|
|

19.
Trung Quốc ‘rút’ phim chiến tranh Việt – Trung vào phút chót

Một bộ phim của đạo diễn Phùng Tiểu Cương về các cựu chiến binh tham chiến trong chiến tranh biên giới với Việt Nam năm 1979 đã bị hoãn chiếu vào phút chót, ngay trước thềm đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc, báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng dẫn một nguồn tin cho biết.

Bộ phim “Phương Hoa” của đạo diễn Phùng Tiểu Cương, dự kiến sẽ được phát hành trên khắp Trung Quốc vào ngày 29/9 trong dịp lễ quốc khánh nước này.

Tuy nhiên, trong một tuyên bố ngắn trên mạng hôm 24/9, nhà sản xuất phim cho biết ngày phát hành sẽ bị hoãn lại sau khi "thảo luận với cục quản lý phim và các cơ quan hữu quan."

"Ngày phát hành mới sẽ được công bố sau. Chúng tôi xin lỗi các rạp chiếu bóng và khán giả về bất kỳ sự bất tiện nào gây ra," bản tuyên bố nói.

Bộ phim kể về câu chuyện của một đoàn văn công quân đội trong Cách mạng Văn hoá và cuộc chiến tranh biên giới giữa Trung Quốc và Việt Nam.

Việc hoãn ra mắt bộ phim xảy ra khi vé đã bán và việc quảng cáo cho bộ phim này đang được tiến hành, theo Global Times.

Ông Wang Zhonglei, Chủ tịch của công ty truyền thông Huayi Brothers Media, một trong những đơn vị tài trợ bộ phim, khẳng định bộ phim sẽ không được chiếu trong dịp lễ Quốc khánh Trung Quốc.

Cả văn phòng của đạo diễn Phùng Tiểu Cương và công ty Huayi Brothers đều không đưa ra lý do vì sao có sự thay đổi vào phút chót.

Cục Báo chí, Xuất bản, Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình, cơ quan giám sát ngành điện ảnh ở Trung Quốc, không trả lời điện thoại vào ngày 24/9, theo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng.

Một nguồn tin trong ngành điện ảnh nói rằng bộ phim đã đề cập đến nhiều chủ đề nhạy cảm và các nhà chức trách không muốn phát hành bộ phim này trước khi Đảng Cộng sản tiến hành đại hội vào tháng tới.

Đại hội dự kiến khai mạc vào ngày 18/10 và sẽ dẫn tới sự thay đổi lãnh đạo cấp cao.

Để đảm bảo sự chuyển đổi suôn sẻ, chính quyền sẽ ngăn chặn các vấn đề nhạy cảm từ giới truyền thông, ngăn cản những người biểu tình xâm nhập thủ đô Bắc Kinh và đóng cửa hàng chục nhà máy gần thủ đô để giảm thiểu nạn ô nhiễm.

Nhiều năm qua truyền hình và điện ảnh Trung Quốc tràn ngập các đề tài về các cuộc chiến tranh của Trung Quốc với Nhật Bản vào những năm 1930 và 1940, nhưng rất ít nói về cuộc xung đột biên giới Trung - Việt.

Các cựu chiến binh cũng đã từng nhiều lần tổ chức các cuộc biểu tình ở Bắc Kinh trong vài năm qua, yêu cầu chính phủ bồi thường và cấp phúc lợi xã hội tốt hơn.

Được mệnh danh là “Steven Spielberg của Trung Quốc”, đạo diễn Phùng Tiểu Cương, 60 tuổi, nói với đội sản xuất của mình rằng ông muốn phim “Phương Hoa” là một xuất phẩm tri ân những người lính chiến đấu trong cuộc xung đột biên giới Trung - Việt.

Báo Dazhong Daily trích lời ông Cương nói hôm 22/9: "Những gì tôi đang cố gắng nói với khán giả hoàn toàn không phải về sức mạnh của chiến tranh. Tôi sẽ không ca ngợi chiến tranh. Tôi muốn khán giả nhìn thấy sự tàn ác của chiến tranh."

Tin cho hay, đạo diễn Phùng Tiểu Cương đã bán ra 10.000 vé cho bộ phim, thúc giục giới trẻ cùng phụ huynh xem phim “Phương Hoa”. Ông hy vọng những người trẻ tuổi sẽ không quên những bài học về lịch sử, và học tập để bảo vệ hòa bình và hiểu thêm về cha mẹ của họ, ông Feng nói trên blog hôm 20/9.

Phùng Tiểu Cương là một trong những đạo diễn nổi tiếng nhất Trung Quốc. Ông từng phục vụ trong quân đội vào đầu những năm 1980.

Bộ phim dài 146 phút, nói về khoảng thời gian 20 năm từ giữa những năm 1970 đến những năm 1990, đã ghi lại sự trưởng thành của một số nghệ sĩ trong đoàn văn công của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.

Trong phim có 6 phút nói về cuộc xung đột Trung-Việt (1978 - 1979), một bước ngoặc quan trọng đã làm thay đổi số phận của nhân vật chính. - VOA

20.
An ninh ‘sách nhiễu’ các nhà hoạt động ở Tp.HCM

Nhà hoạt động Nguyễn Đình Hà cáo buộc bị “sách nhiễu” ở thành phố Hồ Chí Minh cuối tuần qua. Cùng bị “sách nhiễu” là hai học viên của một lớp về hoạt động xã hội dân sự.

Ông Hà cho VOA biết, vụ việc xảy ra tối hôm 23/9 với việc các sỹ quan an ninh Việt Nam mặc thường phục thừa lúc ông đi vắng đã “đột nhập” vào và “lục soát” căn hộ nơi ông tạm trú ít ngày ở phường 5, quận 11.

Khi ông quay lại căn hộ, các nhân viên an ninh vẫn ở trong đó và ép buộc ông phải trả lời các câu hỏi của họ. Ông Hà, người đã có nhiều bài viết trên Internet về dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam, nói rằng ông đã bị các nhân viên an ninh đánh nhiều lần vào đầu, nhưng không nguy hiểm đến tính mạng.

Phía an ninh nói với ông Hà rằng họ nghi ông có mặt ở Tp.HCM để tham gia dạy về hoạt động xã hội dân sự trong chương trình do một nhà hoạt động khác là ông Nguyễn Hồ Nhật Thành điều hành.

Ông Thành xác nhận với VOA rằng căn hộ nơi ông Hà tạm trú là nơi diễn ra các “buổi chia sẻ kiến thức căn bản về dân chủ”.

Hai học viên của các buổi học học gồm một nữ và một nam đã đến căn hộ không lâu sau khi ông Nguyễn Đình Hà bị an ninh “phục kích”, và họ cũng đã bị đưa về một đồn công an phường gần đó cùng với ông Hà.

Quát nạt và đe dọa dùng vũ lực, các nhân viên an ninh khăng khăng cáo buộc ông Hà tham gia dạy cho các lớp “chống phá chính quyền” của ông Nguyễn Hồ Nhật Thành. 

Nhưng ông Hà khẳng định “không biết”, “không liên quan” đến các lớp học như vậy, ông chỉ ở tạm thời trong căn hộ trước khi tìm nơi ở mới. Nhà hoạt động từng tự ứng cử đại biểu quốc hội nhận định:

“Chứng tỏ ở đây là họ muốn đánh phá một lớp học về xã hội dân sự. Cái đó chính là nguyên nhân họ ‘phục kích’ trong căn hộ đó. Họ sợ người dân biết kiến thức liên quan đến pháp luật, chính trị, truyền thông. Đó là những kỹ năng rất cơ bản giúp con người nói thật, biết những quyền cơ bản của mình, từ đó thức tỉnh những ý thức chính trị, từ đó bước qua nỗi sợ hãi và dấn thân vào con đường đưa Việt Nam trở thành nước dân chủ và tôn trọng nhân quyền”.

Hồi tháng 12 năm ngoái, một vụ sách nhiễu tương tự với một lớp về xã hội dân sự cũng đã xảy ra ở Tp.HCM. Nhà hoạt động Nguyễn Hồ Nhật Thành, người đóng vai trò chủ chốt thực hiện các lớp học đã bị đe dọa và tạm giữ khi đó.

Hơn nửa năm trôi qua không có vấn đề gì với các lớp học này, nên ông Thành “khá bất ngờ” về sự việc vừa xảy ra với ông Hà. Ông Thành đưa ra ý kiến:

“Tư duy ‘ta và địch’ họ vẫn giữ cho đến hôm nay. Đối với những hoạt động có tính chất không vâng phục nhà cầm quyền thì họ luôn đánh giá những hoạt động như vậy là mang tính thù địch. Họ luôn kiếm mọi cách họ ngăn chặn, đàn áp, mặc dù tất cả những hoạt động đó đều ôn hòa và hợp pháp”.

Nhà hoạt động Nguyễn Đình Hà cho biết tại đồn công an, các nhân viên an ninh đã buộc ông phải cho họ tiếp cận các dữ liệu trong máy tính xách tay, điện thoại di động, máy ảnh, các thẻ nhớ của ông, sau khi họ “tịch thu” các thiết bị này mà không giao cho ông Hà biên bản. 

Theo lời ông Hà, trong máy ảnh và các thẻ nhớ có các cuộc phỏng vấn giữa ông và một số nhà hoạt động.

Phía an ninh đã in ra các bài viết của ông dành cho đài Á châu Tự do (RFA) và các tin nhắn trong tài khoản Facebook cá nhân của ông, ông Hà cho hay.

Đã có hai nhân viên tự xưng là sỹ quan hình sự mặc thường phục ép ông Hà viết một “bản thú tội” rằng ông là “phản động” cũng như tham gia và nhận tiền từ các tổ chức chống phá Việt Nam. 

Nhà hoạt động Nguyễn Đình Hà, người cũng là luật gia, nói:

“Đối với tôi, an toàn sức khỏe của cá nhân là quan trọng hơn, nên tôi thực hiện theo yêu cầu của họ. Tôi vẫn khẳng định một điều trong đầu mình rằng những tờ giấy đó mình ghi nó như giấy gói xôi ấy. Nó không có giá trị pháp lý đối với tôi hay cộng đồng quốc tế”.

Ông Hà cũng bị ép phải viết rằng ông đồng ý “làm cơ sở cho cơ quan an ninh” – thuật ngữ để chỉ người làm chỉ điểm hoặc hoạt động ngầm để thu thập thông tin cho Bộ Công an Việt Nam. Riêng về điều này, ông cho VOA biết ông chỉ viết trong “bản thú tội” rằng ông sẽ “không làm điều gì gây phương hại đến an ninh quốc gia và lợi ích dân tộc”.

Sau 20 tiếng bị tạm giữ và thẩm vấn, ông Hà đã được thả nhưng ông sẽ phải “làm việc tiếp” với Tổng cục An ninh - Chi nhánh phía Nam của Bộ Công an ở Tp.HCM vào ngày 27/9 tới, ông cho hay.

Chiều tối ngày 25/9, VOA Việt Ngữ không thể liên lạc được với cơ quan an ninh này để hỏi ý kiến về trường hợp liên quan tới ông Hà. - VOA

21.
Tướng Trung Quốc ‘giao lưu’ trên biên giới với Việt Nam

Phái đoàn quân sự từ Trung Quốc và Việt Nam đã tham dự cuộc họp cấp cao lần thứ tư trong đó hai bên nhất trí duy trì ổn định biên giới và thúc đẩy quan hệ song phương, theo Tân Hoa Xã.

Cuộc họp kéo dài hai ngày được tổ chức ở tỉnh Lai Châu của Việt Nam và tỉnh Vân Nam của Trung Quốc, bắt đầu từ ngày 23/9.

Phái đoàn Trung Quốc do Phó Chủ tịch Quân Uỷ Trung ương Phạm Trường Long dẫn đầu và phái đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch dẫn đầu đã chứng kiến cuộc diễn tập chung chống khủng bố và tuần tra của lực lượng biên phòng hai bên.

Ông Phạm Trường Long nói: "Quân đội Trung Quốc sẵn sàng làm việc với quân đội Việt Nam để kiểm soát sự khác biệt giữa hai bên và đưa năng lượng tích cực vào sự phát triển quan hệ song phương."

Báo Thanh Niên cho biết trong hai ngày 23– 24/9, chương trình Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt - Trung lần thứ 4 gồm nhiều hoạt động, trong đó có lễ cắt băng khánh thành công trình Nhà văn hóa hữu nghị biên giới Việt - Trung tại bản Pô Tô (xã Huổi Luông, H.Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) và đến thăm người dân, học sinh ở hai bên biên giới.

Theo trang Biên Phòng, ông Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh ý nghĩa tích cực của các hoạt động hợp tác, giao lưu giữa quân đội, nhân dân hai nước, “góp phần tích cực củng cố, xây dựng tình cảm hữu nghị, đoàn kết giữa chính quyền địa phương,…qua đó tăng cường sự tin cậy chính trị, thúc đẩy quan hệ giữa quân đội và hai nước phát triển ổn định, bền vững.”

Hồi tháng Sáu năm nay, báo chí trong nước đưa tin, ông Phạm thăm Việt Nam từ ngày 18 rồi dự kiến cùng Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch “đồng chủ trì các hoạt động giao lưu hữu nghị tại tỉnh Lai Châu và Vân Nam ngày 20/6”.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, ông Phạm “đã cắt ngắn chuyến thăm và rời Việt Nam vào chiều tối ngày 18/6”.

Khi ấy, giới quan sát nhận định rằng đôi bên bất đồng về dự án thăm dò dầu khí của công ty Tây Ban Nha là Repsol với Việt Nam ở Biển Đông. - VOA

22.
TBT Trọng 'không chỉ muốn chống tham nhũng'

Một chuyên gia thường theo dõi chính trị Việt Nam cho rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang dùng chiến dịch chống tham nhũng để "làm yếu đi các đối thủ chính trị và sắp xếp người cùng phe cánh trước Đại Hội Đảng kỳ sau".

Tiến sĩ Zachary Abuza, giáo sư tại National War College, Washington, DC, Hoa Kỳ, nói với BBC rằng ông Nguyễn Phú Trọng cũng muốn lập lại kỷ luật trong Đảng Cộng sản, duy trì vai trò lãnh đạo của Đảng với Chính phủ.

"Câu hỏi mà mọi người đặt ra về các điều tra tham nhũng ở Việt Nam là chúng nhằm loại trừ tham ô hay là các tranh chấp chính trị trong hệ thống độc đảng," ông Abuza chia sẻ.

"Ban lãnh đạo đất nước quả thực lo ngại đảng có thể mất tính chính danh" vì tham nhũng tràn lan, giáo sư người Mỹ nói.

"Nhưng kiểu tham nhũng mà đa số người dân gặp hàng ngày - hối lộ, đóng tiền cho con đi học…- lại không phải là ưu tiên cho giới lãnh đạo."

Vì vậy, Tiến sĩ Zachary Abuza khẳng định ông xem các vụ điều tra nổi trội gần đây như việc "hạ bệ" ông Đinh La Thăng khỏi Bộ Chính trị, xử vụ án OceanBank và PetroVietnam… là "mang tính chất chính trị".

"Ông Nguyễn Phú Trọng đang dùng công cuộc chống tham nhũng để làm yếu đi các đối thủ chính trị và sắp xếp người cùng phe cánh trước Đại hội Đảng 13 lần sau."

Cặp 'Bảo thủ-Đổi mới' không còn phù hợp?

Giới quan sát chính trị nước ngoài đôi khi chia thành nhóm "Bảo thủ" và "Đổi mới" khi nói về chính trị Việt Nam.

Tiến sĩ Zachary Abuza thừa nhận ông cũng từng suy nghĩ như vậy.

"Nhưng khi vị Tổng Bí thư 'bảo thủ' vào thăm Tòa Bạch Ốc để ủng hộ TPP, ủng hộ thương mại, đầu tư, thì chúng ta cần nghĩ lại những nhãn hiệu đó."

Thay vào đó, Tiến sĩ Zachary Abuza nay cho rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đại diện cho quan điểm rằng Đảng Cộng sản cần khôi phục và khẳng định vai trò lãnh đạo trong các quyết định.

"Đại hội Đảng 12, về nhiều mặt, đã là trận chiến giữa những người cổ vũ sự phát triển do giới kỹ trị dẫn dắt, và những người lo ngại Đảng đang để mất quyền quyết định."

"Ông Nguyễn Phú Trọng và những người khác lo ngại Đảng mất ảnh hưởng trong bối cảnh kinh tế trở nên phức tạp và phụ thuộc lẫn nhau."

Ông Abuza nói từ sau khi được bầu lại tại Đại hội 12, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã "dùng chống tham nhũng làm cây gậy để nhấn mạnh kỷ luật đảng và đảm bảo Đảng giữ quyền quyết định".

'Dựa trên đồng thuận'

Hôm 21/9, viết trên báo Asia Times, cây bút David Hutt cũng cho rằng ông Nguyễn Phú Trọng đang "chuẩn bị cho đại hội Đảng năm 2021, tại đó ông hầu như chắc chắn sẽ về hưu và sẽ bàn giao chức vụ của mình và những vị trí cấp cao khác cho những đồng minh được tin tưởng".

Bài báo này dẫn lời chuyên gia về Việt Nam Carlyle Thayer cho rằng kể từ sau Đại hội 12 năm 2016, ban lãnh đạo muốn xóa bỏ phong thái lãnh đạo "mang tính cá nhân" của nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Thay vào đó, họ muốn trở lại "kiểu lãnh đạo tập thể dựa trên đồng thuận".

Bài của David Hutt đoán rằng ba vị trí hàng đầu - tổng bí thư, thủ tướng, chủ tịch nước - vào năm 2021 sẽ rơi vào tay những đảng viên "ủng hộ chính trị đồng thuận và lảng tránh phong thái cá nhân được gắn với nhiệm kỳ và các đồng minh của Thủ tướng Dũng".

Nhưng bên cạnh vấn đề nội bộ đảng, cây bút David Hutt cũng chỉ ra rằng Việt Nam đang đứng trước nhiều thử thách, như "gia tăng sức ép của công chúng về cải thiện quyền con người và thậm chí là kêu gọi dân chủ trong số những nhà hoạt động xã hội".

Kinh tế đang trong "tình thế nhạy cảm, với các dự án cơ sở hạ tầng trọng yếu chậm trễ vì thiếu vốn nhà nước và những vấn đề ngày càng nghiêm trọng về sức khỏe của hệ thống ngân hàng vốn thiếu minh bạch". 

Cũng có thêm đòi hỏi từ người dân muốn có "thái độ cứng rắn hơn với Trung Quốc" vì tranh chấp trên biển.

Vì thế, David Hutt bình phẩm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng "không chỉ đang chiến đấu để duy trì ổn định trong Đảng Cộng sản, mà còn để bảo đảm sự tồn tại của Đảng như là cơ chế người cầm trịch của quốc gia (national guardian) tiếp tục sau năm thập niên cai trị độc đoán".

Các bài trên Tạp chí Cộng sản của đảng cầm quyền ở Việt Nam những tháng qua có vẻ xác nhận đánh giá của giới quan sát nước ngoài.

Đó là dùng bộ máy Đảng CS để giám sát, kỷ luật, kiểm tra "thường xuyên và đột xuất" với mọi cơ quan ban ngành.

Về tính cấp bách của công tác này, một bài trên Tạp chí Cộng sản (12/09/2017) nói rằng "nhiều nhiệm vụ được Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao đột xuất với yêu cầu ngày càng cao, phải hoàn thành trong thời gian ngắn, có tác động cả hệ thống chính trị".

Như thế, không cần phải chờ đến các hội nghị trung ương hay kỳ Đại hội Đảng CSVN tới mà ngay bây giờ, các cấp cao nhất của đảng này đang " kiểm tra, giám sát; chỉ đạo, theo dõi và tham mưu" một cách toàn diện bộ máy chính quyền ở Việt Nam. - BBC

23.
Tàu hải quân Ấn Độ thăm Hải Phòng

Hai tàu hải quân Ấn Độ đang ở thăm cảng Hải Phòng từ ngày 23 đến ngày 27 tháng Chín. Hai tàu này có tên là Ins Satpura và Ins Kadmatt với 65 sĩ quan và 580 thủy thủ.

Theo một viên Đại tá chỉ huy của phái đoàn hải quân Ấn Độ, thì trong những ngày hai tàu này lưu lại cảng Hải Phòng, hải quân hai nước sẽ huấn luyện chung, thực hành cứu nạn trên biển, sửa chữa tàu, huấn luyện công việc hậu cần.

Việc hợp tác quân sự giữa Ấn Độ và Việt Nam đang ngày càng tăng trong thời gian gần đây trước sự lớn mạnh và lấn lướt của hải quân Trung Quốc trên Biển Đông. Hiện Ấn Độ đang đóng cho Việt Nam 12 tàu tuần duyên trị giá 100 triệu đô la Mỹ. New Delhi cho Hà Nội vay một khoản tín dụng quân sự trị giá 500 triệu đô la Mỹ để mua sắm các trang thiết bị quốc phòng.

Việt Nam và Ấn Độ trở thành đối tác chiến lược từ năm 2007. Về quan hệ quốc phòng, vào năm 2015, Bộ trưởng Quốc phòng hai nước đã ra Tuyên bố chung về tầm nhìn, định hướng hợp tác quốc phòng song phương đến năm 2020.

Đại sứ Ấn Độ tại Việt nam Parvathaneni Harish mới đây nói rằng hợp tác quốc phòng là một thành tố quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Ông Harish cũng nhìn nhận Việt Nam là một trụ cột quan trọng trong chính sách hướng Đông của Ấn Độ. Đây là chính sách nhằm tăng cường quan hệ giữa Ấn Độ với các nước ở khu vực Đông Á. - RFA

24.
Bí thư Tỉnh Ủy Hải Dương bị tố dùng bằng giả

Sau vụ bí thư Đà Nẵng “lùm xùm’ về bằng cấp chưa kịp lắng, thì đến lượt bí thư tỉnh Hải Dương bị tố “sử dụng bằng cấp của người khác và đã đề bạt, không xử lý người khai man về bằng cấp.”

Xác nhận với báo Tuổi Trẻ ngày 25 Tháng Chín, một lãnh đạo Văn Phòng Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương của đảng CSVN cho biết, đã tiếp nhận đơn thư tố cáo đề nghị xác minh bằng cấp của ông Nguyễn Mạnh Hiển, bí thư Tỉnh Ủy Hải Dương, từ một đại biểu Quốc Hội.

“Hồ sơ đơn thư đã được chuyển đến đơn vị có chức năng của ủy ban để xác minh. Lúc này, Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương chưa thể cung cấp thông tin gì thêm vì còn phải có quá trình tìm hiểu, điều tra, xác minh,” lãnh đạo “văn phòng Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương,” nói với báo Tuổi Trẻ.

Báo Tuổi Trẻ dẫn một nguồn tin khác từ cơ quan này cho biết thêm, việc có cá nhân chính danh tố cáo vấn đề bằng cấp của bí thư Tỉnh Ủy Hải Dương không phải bây giờ mới xuất hiện, mà trước đây cũng như qua thông tin trên mạng xã hội đã đề cập.

“Việc bằng giả hay thật thì xác minh những người học cùng là rõ. Vì thế phải cần có thời gian để Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương xác minh sẽ rõ trắng đen, thật giả,” vị này nói.

Trong khi đó, ông Bùi Hữu Uyển, chủ nhiệm Ủy Ban Kiểm Tra Tỉnh Ủy Hải Dương, cho biết, cơ quan này chưa nhận được đơn thư, phản ảnh nào của công dân về việc ông Nguyễn Mạnh Hiển dùng bằng cấp 3 của người khác.

Theo ông Uyển, ông Hiển là cán bộ thuộc diện Bộ Chính Trị quản lý, do vậy hồ sơ nằm ở Ban Tổ Chức Trung Ương.

Trước đó, từ thời điểm Tháng Mười 2015, dư luận địa phương đã xôn xao về việc ông Hiển bị tố sử dụng bằng thạc sĩ không hợp pháp.

Cụ thể, ông Hiển có bằng thạc sĩ theo chương trình đào tạo liên kết giữa Đại Học Quốc Gia Hà Nội và nước ngoài, tuy nhiên chưa được Bộ Giáo Dục Việt Nam công nhận.

Liên quan đến vụ việc ông Hiển bị tố cáo sử dụng bằng cấp giả, nói với báo Người Lao Động cùng ngày, ông Lưu Bình Nhưỡng, ủy viên Thường Trực Ủy Ban Về Các Vấn Đề Xã Hội của Quốc Hội, cho biết, đơn thư tố cáo chính danh của người dân Hải Dương cho rằng ông Hiển, sử dụng bằng cấp của người khác và đã đề bạt, không xử lý người khai man về bằng cấp.

“Tôi đã nhận được đơn tố giác của người dân về việc ông Nguyễn Mạnh Hiển sử dụng bằng cấp của người khác và tìm hiểu sơ qua cũng như dư luận trên mạng cũng từng bàn tán về chuyện bằng cấp này nên đã chuyển đơn thư tố cáo đến Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương để làm rõ theo đúng thẩm quyền,” ông Nhưỡng nói.

Cũng theo ông Nhưỡng, hiện kết quả xác minh sự thật, giả bằng cấp của ông Hiển “phải chờ kết luận của Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương.” - nguoiviet

25.
Công an dùng roi điện, vòi rồng đàn áp người biểu tình ở Hải Dương

Hôm 25 Tháng Chín 2017, hơn 500 công an đã dí roi điện, xịt vòi rồng đàn áp 200 người biểu tình chống ô nhiễm và đòi bồi thường tại khu công nghiệp Lai Vu thuộc tỉnh Hải Dương.

Hàng trăm người đã thường xuyên căng lều bạt biểu tình suốt nhiều tháng qua tại khu công nghiệp Lai Vu, huyện Kim Thành, Hải Dương, vừa là đòi hỏi phải đền bù thỏa đáng cho nhà đất ruộng vườn đã bị nhà cầm quyền giải tỏa để làm khu công nghiệp. Đồng thời chống ô nhiễm môi trường do nhà máy sợi dệt Pacific Crystal Textiles gây ra cho địa phương.

Người dân đã chia nhau canh giữ suốt ngày đêm chờ đợi các câu trả lời thỏa đáng của nhà cầm quyền không biết đến bao giờ mới có. Sự chống đối của người dân địa phương đã kéo dài suốt 15 năm qua và nhà cầm quyền đã đàn áp nhiều lần, kể cả đánh đập, bắt giữ nhưng không làm người ta nản lòng.

Đến sáng 25 Tháng Chín, nhà cầm quyền tỉnh Hải Dương đã đưa một lực lượng khoảng 500 người gồm cả công an, cảnh sát, cán bộ, mang theo roi điện và cả xe vòi rồng đến để đàn áp, theo lời nông dân Bùi Văn Nguyệt nói với phóng viên của thông tấn Reuters.

Hai người đã bị thương khi công an đánh đập các người biểu tình. Công an cũng đốt một lều bạt của họ dựng ngay phía trước nhà máy dệt sợi Pacific Crystal Textiles.

“Thật là quỷ quái không thể tưởng tượng.” Ông Nguyệt nói như vậy với hãng tin Reuters và thề sẽ tiếp tục tranh đấu.

Một viên chức địa phương cho hay các cuộc thương thuyết với người dân đã không thành công. Ông ta nói thêm rằng công ty Pacific Textiles đã hứa hẹn bảo đảm nâng cao hơn tiêu chuẩn bảo vệ môi trường.

“Người dân đã dựng lều bạt tại đó từ nhiều tháng trước.” Trương Văn Hơn, viên chức của tỉnh Hải Dương nói. “Nhà đầu tư đã đầu tư nhiều và Bộ Tài Nguyên-Môi Trường đã thanh tra và cho phép công ty sửa chữa các vụ làm ô nhiễm và đầu tư thêm để bảo đảm mọi tiêu chuẩn bảo vệ môi trường.”

Ông Hơn còn cho Reuters hay, nhà cầm quyền địa phương sẽ ra lệnh đóng cửa nhà máy nếu họ vi phạm trở lại. Trong một bản tuyên bố, Pacific Textiles cho biết nhân viên của họ không thể vào nhà máy hôm Thứ Hai và cũng không biết vấn đề phức tạp đã được giải quyết hoàn toàn hay chưa.

Xưởng dệt sợi Pacific Crystal Textiles ở khu công nghiệp Lai Vu là liên doanh giữa Pacific Textiles của Hồng Kông và tập đoàn sản xuất quần áo Crystal Group, vốn đầu tư $180 triệu USD, Tháng Mười năm ngoái, dân địa phương đã biểu tình, chận quốc lộ 5 vì nhà máy Pacific Crystal Textiles xả nước thải độc hại ra môi trường. Đến ngày 24 Tháng Mười Hai 2016 công ty mới loan báo đã thực hiện các biện pháp để không xảy ra nữa và nhìn nhận họ chỉ xả thải không lọc có một lần.

Nhà cầm quyền địa phương đã phạt công ty Pacific Crystal Textiles số tiền 672 triệu đồng về vụ xả chất thải độc hại bất hợp pháp, Reuters thuật lại.

Báo của nhà cầm quyền tỉnh Hải Dương hôm Thứ Hai, 25 Tháng Chín, đưa bản tin “Giải tỏa lều bạt, vật cản trong khu công nghiệp Lai Vu” viết là “Các cơ quan chức năng đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giải thích nên việc giải tỏa không gặp sự phản đối của người dân.”

Tuy nhiên, hình ảnh phổ biến trên trang mạng của tỉnh Hải Dương cho thấy nước xịt từ xe vòi rồng vào một căn lều khi một nhóm công an, cán bộ đang bắt giữ một người nằm trên đất, trong khi một số đang giật phá lều bạt. Môt tấm hình khác cho thấy lều bạt của người biểu tình bị phá được đưa lên xe tải chở đi.

“… từ ngày 12 Tháng Tư 2017, sau khi công ty TNHH Dệt Pacific Crystal để xảy ra sự cố nước thải chưa qua xử lý tràn ra hệ thống thoát nước chung trong KCN Lai Vu, một số người dân xã Lai Vu đã vào KCN dựng lều bạt, vật cản trên đường nội bộ KCN gần cổng công ty TNHH Dệt Pacific Crystal để cản trở cán bộ, công nhân viên và chuyên gia vào công ty làm việc,” báo Hải Dương viết.

Năm ngoái, ngày 15 Tháng Mười 2016, khoảng 200 người, đa số là phụ nữ ở xã Lai Vu, đến trước khu công nghiệp Lai Vu dùng các chiếc xe đạp làm hàng rào chặn cổng, đòi hỏi nhà cầm quyền phải trả tiền đền bù thỏa đáng. Trong cuộc biểu tình này, công an đánh một phụ nữ bị thương nặng phải nhập viện. Chống lại sự đàn áp, người biểu tình đã lấy phân bò ném vào phía công an. Đoạn quốc lộ 5 đi ngang qua phía trước khu công nghiệp bị kẹt xe và công nhân công ty dệt sợi buộc phải nghỉ việc nhiều ngày.

Nhiều hộ dân xã Lai Vu không nhận tiền đền bù đã 15 năm qua và rất nhiều lần ra Hà Nội khiếu kiện nhưng không được giải quyết, còn số người nhận tiền là cán bộ, đảng viên. Theo báo cáo của UBND tỉnh Hải Dương, tổng số tiền chủ đầu tư khu công nghiệp Lai Vu phải chi trả cho 1,154 hộ dân bị cướp đất là 78.4 tỉ đồng. Trong đó, 838 hộ đã nhận tiền bồi thường, còn 316 hộ chưa chịu nhận, tin tức từ cuộc biểu tình năm ngoái.

Trước đó, vào ngày 10 Tháng Bảy 2015, một phụ nữ trong đoàn biểu tình chống giải tỏa đất làm khu công nghiệp Lai Vu đã bị xe xúc đất cán qua người. Video clip ghi lại vụ việc xe xúc cán qua bà Vũ Thị Châm, 54 tuổi, được phổ biến trên YouTube gây phẫn nộ dư luận nhưng nhà cầm quyền tỉnh Hải Dương vẫn ngang nhiên nói clip đó là giả. - nguoiviet

Link:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét