Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 27 tháng 9, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Ba 26/9 - Lê Minh Nguyên

Washington bác đổ lỗi của Triều Tiên là Mỹ ‘tuyên chiến’ --- Trump: Nếu Mỹ dùng vũ lực, sẽ ‘tàn phá’ Triều Tiên  Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis hôm thứ Ba 26/9 nhấn mạnh rằng Mỹ mưu tìm giải pháp hòa bình cho tình hình căng thẳng leo thang với Bắc Triều Tiên, bất chấp việc Bình Nhưỡng đổ cho tweet của Tổng thống Donald Trump hôm thứ Hai tương đương với tuyên chiến.<!>

Trong các cuộc gặp gỡ với các giới chức Ấn Ðộ ở New Delhi để bàn về việc tăng cường quan hệ Mỹ-Ấn, Bộ trưởng Mattis nói rằng mặc dù sự hiện diện của quân đội Mỹ trên Bán đảo Triều Tiên là cần thiết để ngăn chặn những mối đe dọa của Bình Nhưỡng, Mỹ ủng hộ các nỗ lực ngoại giao nhắm giải quyết cuộc khủng hoảng một cách ôn hòa.

Ngay sau cuộc họp với Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Ðộ, ông Mattis nói: “Đó là mục tiêu của chúng tôi, nhằm giải quyết vấn đề bằng đường lối ngoại giao và tôi tin rằng Tổng thống Trump đã nói rất rõ về vấn đề này.”

Hôm thứ Hai, Tổng thống Donald Trump viết trên Twitter rằng lãnh tụ Kim Jong Un của Triều Tiên “sẽ không tồn tại lâu” nếu Bắc Hàn thực hiện những đe dọa mới đây.

Nói chuyện với các phóng viên báo chí gần trụ sở Liên hiệp quốc ở New York, Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong Ho nói: “tuyên bố đó xuất phát từ người đang giữ chức tổng thống Hoa Kỳ, thì đó rõ ràng là một lời tuyên chiến.”

Ngoại trưởng Triều Tiên nói thêm rằng Liên hiệp quốc và cả thế giới nên nhớ rõ rằng “chính Mỹ đã tuyên chiến trước với đất nước chúng tôi.”

Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Sarah Huckabee Sanders nói cách diễn giải của ông Ri về tweet của Tổng thống Trump là “vô lý.”

Bà Sanders nói: “Chúng tôi không tuyên chiến với Triều Tiên.”

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hôm thứ Ba 26/9 nói với ngoại trưởng của các nước trong khối BRICS rằng tình hình trên Bán đảo Triều Tiên đang ở vào thời kỳ rất nguy hiểm.

Phát biểu tại New York bên lề một hội nghị ở Liên hiệp quốc, ông Vương nói nhiệm vụ cấp bách hiện nay là ngăn chặn sự tiến triển của chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng, tránh leo thang hơn nữa căng thẳng và đặc biệt là ngăn tránh xung đột vũ trang.

Ông Van Jackson, một diễn giả kỳ cựu về quan hệ quốc tế của Đại học Victoria ở Wellington, New Zealand, nói với đài VOA rằng: “Mặc dù trong quá khứ Triều Tiên đã nhiều lần tuyên chiến, nhưng nay chúng ta đã rơi vào một cuộc khủng hoảng thật sự.”

Ông Jackson, cựu giám đốc chính sách Triều Tiên và là một cố vấn chiến lược quốc phòng tại Bộ Quốc phòng Mỹ, nói: “Cho dù nếu chúng ta không đang ở trong một cuộc chiến tranh ngay vào lúc này, hình như chúng ta đang làm mọi thứ trong khả năng của mình để điều đó xảy ra bằng những hành động và tuyên bố khiến cho những biện pháp răn đe, ngăn chặn có nhiều cơ may thất bại.”

Ông Ri nói Triều Tiên có thế bắn hạ máy bay ném bom chiến lược của Mỹ cho dù chưa bay vào không phận của Bắc Hàn. Hãng thông tấn Yonhap của Nam Triều Tiên hôm thứ Ba đưa tin rằng ông Lee Cheol-woo, chủ tịch ủy ban tình báo Quốc hội Nam Hàn, nói rằng các thông tin ghi nhận được cho thấy Bình Nhưỡng đang điều chỉnh vị trí của các chiến đấu cơ của họ và tăng cường các khả năng phòng thủ dọc theo bờ biển phía đông.

Một chiến đấu cơ phản lực của Bắc Hàn hồi năm 1969 đã bắn rơi một máy bay trinh sát không mang vũ khí của Hải quân Mỹ ngoài không phận của Bắc Triều Tiên trong Biển Nhật Bản, làm thiệt mạng 30 thủy thủ và một binh sĩ Thủy quân Lục chiến trên máy bay.

Phát biểu tại một hội nghị an ninh hôm thứ Hai, Cố vấn An ninh Quốc gia H.R. McMaster nói rằng Hoa Kỳ hy vọng tránh nổ ra chiến tranh với Triều Tiên, “nhưng điều mà chúng tôi không làm được là loại trừ khả năng đó.”

Thượng tướng Lục quân này nói thêm rằng Hoa Kỳ đã cân nhắc nhiều giải pháp khác nhau có thể giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên và “có những giải pháp xấu hơn những giải pháp khác.”

Tuy nhiên, ông McMaster nói với hội nghị do Viện Nghiên cứu Chiến tranh tổ chức rằng “không có một cú đánh chính xác nào có thể giải quyết toàn bộ cuộc khủng hoảng này.”

Một giải pháp hòa bình – theo ông McMaster – là Bình Nhưỡng phải để cho thanh sát viên của Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế, tức IAEA, vào kiểm tra. Nhưng ông nói rằng bất kỳ một cuộc thương thuyết ngoại giao nào “diễn ra phải theo điều kiện khác với các cuộc thương thuyết trong quá khứ.” Tuy nhiên, ông nói rằng ông sẽ không đưa ra danh sách các điều kiện ban đầu.

Một số nhà phân tích thấy rằng con đường đối thoại sẽ vẫn phải thông qua Trung Quốc, nước mới đây đã cắt các giao dịch ngân hàng với Triều Tiên, đồng thời ngưng cung cấp khí đốt hóa lỏng cho Bình Nhưỡng và dừng nhập khẩu hàng dệt may của Triều Tiên.

Ông T.J. Pempel, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học California ở Berkeley, nói: “Tôi nghĩ Trung Quốc đang gởi đi một tín hiệu cho Bắc Hàn rằng họ đang liều lĩnh.”

Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên hôm thứ Bảy dọa rằng nước ông đang chuẩn bị thử một quả bom nhiệt hạch ở Thái Bình Dương.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mattis hôm thứ Hai đáp lại rằng nếu Bắc Hàn thực hiện đe dọa đó, thì “đó là một hành động gây ‘sốc’ vô trách nhiệm đối với vấn đề sức khỏe toàn cầu, đối với sự ổn định và đối với hiệp ước cấm phổ biến.”

Máy bay ném bom B-1B Lancer của Không quân Mỹ xuất phát từ Guam được chiến đấu cơ F-16 từ một căn cứ quân sự của Mỹ ở Nhật Bản hộ tống đã bay trong không phận quốc tế trên vùng biển phía đông của Bắc Triều Tiên hôm thứ Bảy.

Giáo sư Pempel của Đại học California ở Berkeley nói với đài VOA rằng ông nghĩ rằng bất chấp những tuyên bố hiếu chiến khuếch đại của Bắc Hàn, Bình Nhưỡng không hăng hái dấn thân vào chiến tranh. Ông nói: “Người Bắc Hàn biết rằng chiến tranh rốt cuộc sẽ dẫn đến chế độ Triều Tiên bị tiêu diệt.”

Gọi lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un là “Ông Hỏa tiễn” trong sứ mạng tự sát, Tổng thống Trump đã dùng phát biểu đầu tiên của ông trước Ðại hội đồng Liên hiệp quốc hôm thứ Ba tuần trước cảnh cáo Bình Nhưỡng rằng cách hành xử hiện nay của họ có thể dẫn đến “bị hủy diệt hoàn toàn.”

Lãnh tụ Kim Jong Un, trong một tuyên bố bất thường, gọi ông Trump là một “kẻ quẫn trí” đang diễn tả “hành động rối loạn tâm thần.” - VOA

***
Tổng thống Donald Trump hôm 26/9 cảnh báo Triều Tiên rằng bất kỳ phương án quân sự nào của Mỹ cũng sẽ "tàn phá" Bình Nhưỡng, nhưng nhấn mạnh sử dụng vũ lực không phải là lựa chọn đầu tiên của Washington để đối phó với chương trình phi đạn và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

"Chúng tôi hoàn toàn chuẩn bị cho lựa chọn thứ hai, không phải là một lựa chọn mà chúng tôi muốn đưa ra," ông Trump cho biết tại một cuộc họp báo tại Tòa Bạch Ốc, nhắc đến vũ lực quân sự. "Nhưng nếu chúng tôi đưa ra lựa chọn đó thì nó sẽ gây tàn phá, tôi có thể nói với quí vị như vậy, tàn phá Triều Tiên. Đó là phương án quân sự. Nếu chúng tôi phải làm thì chúng tôi sẽ làm."

Những phát biểu hằn học của ông Trump và của lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un trong những tuần gần đây đã khơi lên lo sợ rằng một tính toán sai lầm có thể dẫn tới hành động với những hậu quả không lường trước được, đặc biệt là kể từ khi Bình Nhưỡng tiến hành cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ sáu và mạnh nhất của mình vào ngày 3 tháng 9.

Dù căng thẳng leo thang, Mỹ vẫn chưa phát hiện bất kỳ thay đổi nào trong tư thế quân sự của Triều Tiên phản ánh mối đe dọa đang gia tăng, một sĩ quan quân đội hàng đầu Mỹ cho biết hôm thứ Ba.

Nhận định của Tướng Thủy quân lục chiến Mỹ, Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hoa Kỳ, về tư thế quân sự của Bình Nhưỡng trái ngược với phát biểu của một nhà lập pháp Hàn Quốc nói rằng Bình Nhưỡng đã tăng cường hệ thống phòng vệ ở bờ biển phía đông .

"Dù không gian chính trị rõ ràng đang rất căng thẳng vào lúc này, chúng tôi vẫn chưa nhìn thấy sự thay đổi tư thế của lực lượng Triều Tiên và chúng tôi theo dõi điều này rất sát," ông Dunford nói trong phiên điều trần của Ủy ban Quân vụ Thượng viện tái bổ nhiệm ông vào vị trí mà ông đang nắm giữ.

Về tính cấp bách, "Triều Tiên chắc chắn đề ra mối đe dọa lớn nhất hiện nay," ông Dunford phát biểu.

Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho hôm thứ Hai cáo buộc ông Trump tuyên chiến và đe dọa rằng Bình Nhưỡng sẽ bắn hạ máy bay chiến đấu của Mỹ bay gần bán đảo Triều Tiên. Cuối tuần trước, các máy bay ném bom Mỹ đã áp sát khu vực này. Đe dọa của Ngoại trưởng Triều Tiên được đưa ra khi ông phản hồi trước những phát biểu trên Twitter của ông Trump rằng ông Kim và Ri "sẽ không tồn tại lâu nữa" nếu hành động đúng như lời đe dọa của họ nhắm vào Mỹ.

Triều Tiên vẫn đang nỗ lực phát triển phi đạn hạt nhân có khả năng vươn tới lục địa Mỹ, điều mà ông Trump đã nói rằng ông sẽ không bao giờ cho phép xảy ra.

Ông Dunford nói Bình Nhưỡng sẽ "sớm" thủ đắc một phi đạn đạn đạo liên lục địa có khả năng tấn công hạt nhân và điều này chỉ còn là vấn đề "thời gian rất ngắn." - VOA
2.
Bắc Kinh tìm cách đối phó trước nguy cơ Bắc Triều Tiên rối loạn

Bài « Trung Quốc đặt câu hỏi về tương lai Bắc Triều Tiên », của nhà báo Brice Pedroletti - thông tín viên của Le Monde tại Trung Quốc - mở đầu với nhận xét : « Chính quyền của ông Tập Cận Bình rất thiếu sáng kiến trong hồ sơ Bắc Triều Tiên ». Bắc Kinh chỉ quan sát thụ động, trong lúc oanh tạc cơ Hoa Kỳ bay sát biên giới Liên Triều, cùng lúc với việc tổng thống Mỹ đe dọa « sớm xóa số » chế độ Bình Nhưỡng, còn ngoại trưởng Bắc Triều Tiên thì gọi tổng thống Trump là « kẻ rối trí ».

Trên thực tế, trong bối cảnh này, nhiều nhà quan sát đồng ý với nhau ở một điểm, đó là Bắc Kinh không thể không dự kiến « các kế hoạch khẩn cấp », trong trường hợp rối loạn xảy ra.

Điều này phần nào được thể hiện qua tiếng nói của một số học giả Trung Quốc. Trong một bài viết được công bố ngày 11/09/2017, trên trang mạng đại học Úc East Asia Forum, ông Giả Khánh Quốc (Jia Qingguo) – chủ nhiệm Khoa Quan hệ Quốc tế Đại Học Bắc Kinh – nhận định là « trong một thời gian dài Trung Quốc kháng cự lại kêu gọi của Mỹ và Hàn Quốc, chuẩn bị một số kịch bản khẩn cấp về Bắc Triều Tiên », nhưng Bắc Kinh chắc chắn sẽ phải sớm thay đổi lập trường.

Cụ thể là Trung Quốc sẽ phải thảo luận về việc kiểm soát hệ thống vũ khí hạt nhân Bắc Triều Tiên, để tránh mọi nguy cơ lọt ra ngoài. Tiếp đó, Bắc Kinh cũng phải dự kiến đưa quân sang bên kia biên giới, lập « các trại tiếp đón » tại chỗ, để ngăn chặn làn sóng người tị nạn từ Bắc Triều Tiên tràn sang.

Trong trường hợp « khủng hoảng », có nghĩa là « chế độ sụp đổ », học giả Trung Quốc nhấn mạnh là cần phải có sự chuẩn bị để « lập lại trật tự », với quân đội Hàn Quốc hoặc lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc. Tiếp theo đó, cần dự kiến « lập một chính phủ mới dưới sự bảo trợ của cộng đồng quốc tế », hoặc một « cuộc trưng cầu dân ý về tái thống nhất, được Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn". - RFI

3.
Ả rập Saudi bỏ lệnh cấm phụ nữ lái xe

Quốc Vương Ả rập Saudi Salman ban hành sắc lệnh cho phép phụ nữ nước này lần đầu tiên được lái xe, truyền thông cho hay.

Các cơ quan của chính phủ chuẩn bị báo cáo về việc này trong vòng 30 ngày và sắc lệnh sẽ được thực thi trước tháng 6/2018, Thông tấn xã Ả rập Saudi cho biết.

Ả rập Saudi là quốc gia duy nhất trên thế giới cấm phụ nữ lái xe.

Theo luật hiện tại, chỉ nam giới mới được phép lái xe và những phụ nữ không tuân thủ luật có nguy cơ bị bắt và bị phạt tiền.

Vì vậy, nhiều gia đình phải tài xế riêng.

Các nhóm vận động tại nước này đã nỗ lực trong nhiều năm để cho phép phụ nữ lái xe và một số phụ nữ đã bị bỏ tù vì phản đối quy định này.

Thông tấn xã Ả rập Saudi (SPA) cho biết "Sắc lệnh của Hoàng gia sẽ ban hành các quy định về giao thông, gồm cả việc cấp giấy phép lái xe cho phụ nữ giống như cho nam giới."

Hoàng tử Khaled bin Salman, Đại sứ Ả rập Saudi tại Hoa Kỳ, cho biết hôm nay là ngày lịch sử" và "quyết định này đúng đắn và đúng thời điểm". - BBC

4.
Bắt đầu xây mẫu tường biên giới Mỹ - Mexico

Chính phủ Hoa Kỳ thông báo bắt đầu xây dựng tám mẫu tường biên giới với Mexico, động thái cho thấy Tổng thống Donald Trump giữ lời hứa lúc tranh cử.

Cục Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ cho biết có bốn mẫu tường bê tông, những mẫu còn lại dùng "chất liệu khác".

Kế hoạch của họ là xây thử một số đoạn tường gần San Diego.

Ông Trump đã hứa sẽ xây một "bức tường lớn đẹp" giữa hai nước.

Việc xây tường được triển khai với sự hiện diện của viên chức liên bang và địa phương tại Otay Mesa, một trong ba cảng nhập cảnh ở khu vực San Diego-Tijuana.

Các mẫu tường dài 9m, cao 9m, dự kiến sẽ hoàn thành trong vòng 30 ngày.

Giới chức sau đó dành ba tháng để đánh giá mức độ hiệu quả của mẫu tường, gồm việc ngăn đào tường bằng các dụng cụ cầm tay nhỏ. - BBC

5.
Trung Quốc chặn WhatsApp trước Đại hội Đảng

Dịch vụ WhatsApp bị chặn ở Trung Quốc trong lúc chính phủ nước này tăng cường an ninh trước Đại hội Đảng Cộng sản khai mạc vào tháng tới.

Những người dùng WhatsApp gặp trục trặc với ứng dụng này từ hơn một tuần qua.

Đôi lúc, nó bị chặn triệt để và người dùng chỉ có thể truy cập khi vượt tường lửa.

WhatsApp là sản phẩm duy nhất của Facebook được phép hoạt động ở Trung Quốc đại lục.

Facebook và ứng dụng chia sẻ ảnh Instagram bị chặn ở nước này.

Các phóng viên của BBC Tiếng Trung cho biết dịch vụ nhắn tin WhatsApp bắt đầu rớt mạng cách đây hơn một tuần.

Họ thử dùng dịch vụ này hôm 26/9 và nhận thấy người dùng WhatsApp ở Trung Quốc hiện không thể gửi tin nhắn video hoặc hình ảnh tới những người bên ngoài Trung Quốc.

Động thái chặn WhatsApp diễn ra sau những hạn chế về trò chuyện video và gửi ảnh trên ứng dụng này hồi tháng Bảy, sau đó đã được dỡ bỏ.

Việc thắt chặt kiểm duyệt trực tuyến diễn ra khi Trung Quốc tăng cường an ninh trước Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng sản, được tổ chức định kỳ 5 năm một lần.

Robert Lawrence Kuhn, cố vấn kỳ cựu cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc nói với BBC: "Thời điểm cận Đại hội Đảng thường là lúc hạn chế triệt để mọi thứ để đảm bảo rằng sự kiện này được diễn ra trong điều kiện xã hội lý tưởng và không bị gián đoạn".

Ông nói vẫn chưa rõ liệu những hạn chế này sẽ được nới lỏng sau Đại hội Đảng như những lần trước đó.

WhatsApp từ chối bình luận về vụ việc. - BBC

6.
Ba người Israel bị bắn chết tại một khu định cư Do thái

Một người Palestine đã nổ súng vào một nhóm người Israel tại cổng vào một khu định cư Do thái ở gần cổ thành Jerusalem. Cảnh sát cho hay 3 người Israel bị thiệt mạng, gồm một cảnh sát biên giới và hai nhân viên an ninh. Một người thứ tư bị thương.

Kẻ tấn công đã bị các lực lượng an ninh bắn chết. Người này được xác nhận là một người đàn ông 37 tuổi, là cha của 4 đưa con, xuất thân từ một ngôi làng ở kế cận.

Người đàn ông vũ trang đã đến khu định cư Do thái cùng với một nhóm người lao động Ả rập. Cảnh sát trưởng Israel Roni Alsheikh cho biết người này có giấy phép làm việc tại khu định cư, điều đó có nghĩa là ông ta không được coi là một mối đe dọa an ninh.

Thủ Tướng Israel Benjamin Netanyahu quy lỗi cho “sự khích động có hệ thống của người Palestine” về vụ bạo động này.

Ông Netanyahu kêu gọi Tổng Thống Palestine Mahmoud Abbas hãy “lên án vụ tấn công chứ đừng biện minh cho bạo lực.”

Ông Abbas lãnh đạo một chính quyền tương đối ôn hòa trên vùng bờ Tây, nhưng đối thủ của ông, nhóm chủ chiến Hamas đang nắm quyền ở dải Gaza, đã nhanh chóng lên tiếng ca ngợi vụ nổ súng.

Người phát ngôn của Hamas, ông Hazem Qassem, nói đây là “một phản ứng thường tình trước những tội ác của quân Israel chiếm đóng.”

Vụ tấn công xảy ra tại một thời điểm nhạy cảm về mặt tôn giáo và chính trị. Israel đang ăn mừng Ngày lễ Thánh, và đặc sứ Mỹ Jason Greenblatt vừa tới nơi để mở các cuộc đàm phán riêng rẽ với lãnh đạo Israel và lãnh đạo Palestine nhằm hồi sinh các cuộc đàm phán đã tan vỡ cách đây 3 năm. - VOA

7.
Interpol họp tại Trung Quốc, nước bị tố cáo đàn áp đối lập

Interpol ngày 26/09/2017 họp hội nghị toàn thể tại Bắc Kinh, vào lúc Trung Quốc tiếp tục chiến dịch dẫn độ các nghi can bị cho là lừa đảo đã bỏ trốn ra nước ngoài, đôi khi bị tố cáo là vì lợi ích chính trị. Khoảng 1.000 lãnh đạo ngành cảnh sát và chính khách họp kín trong bốn ngày để thảo luận về khủng bố, tội phạm có tổ chức và tội phạm mạng.

Cơ quan cảnh sát quốc tế Interpol có trụ sở tại Lyon (Pháp), nơi trao đổi thông tin giữa cảnh sát 190 quốc gia, là công cụ quan trọng cho Trung Quốc vào thời điểm chủ tịch Tập Cận Bình đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng. Chiến dịch « Săn Cáo » đã giúp dẫn độ về Hoa lục ít nhất 2.500 nghi can tội phạm kinh tế.

Tuy Interpol không ra lệnh bắt, nhưng có thể ban hành các « thông cáo đỏ », tức lệnh truy nã quốc tế, theo yêu cầu của các Nhà nước thành viên. Nhưng nhiều nước phương Tây vẫn tỏ ra thận trọng, do tư pháp Trung Quốc chịu sự chỉ đạo của đảng Cộng Sản. Năm ngoái nước Pháp đã chấp nhận cho dẫn độ một công dân Trung Quốc, lần đầu tiên kể từ khi hiệp định song phương về dẫn độ có hiệu lực năm 2015.

Từ lúc thứ trưởng bộ Công An Trung Quốc Mạnh Hoành Vĩ (Meng Hongwei) được bầu làm giám đốc Interpol, các nhà đấu tranh nhân quyền không ngớt lời chỉ trích.

Nhà ly khai Ngụy Kinh Sinh (Wei Jingsheng), tị nạn tại Hoa Kỳ từ năm 1997, lo ngại Bắc Kinh lợi dụng cơ quan cảnh sát quốc tế để « bắt các nhà đối lập chính trị đưa về nước ». Bà Vương Tùng Liên (Maya Wang) thuộc tổ chức Human Rights Watch nói với AFP : Ông Mạnh « là nhân vật số hai trong ngành công an Trung Quốc vốn nổi tiếng với nạn bắt bớ, tra tấn, sách nhiễu các nhà đấu tranh, chúng tôi lo rằng ông Mạnh không thể đảm trách việc bảo vệ hiến chương Interpol ».

Một trong những nhân vật bị Bắc Kinh truy lùng ráo riết là nhà tỉ phú Quách Văn Quý (Guo Wengui) đang sống lưu vong tại New York, hồi tháng Tư đã là đối tượng bị « thông cáo đỏ ». Doanh nhân này khẳng định đang nắm trong tay những bằng chứng tham nhũng của các quan chức cao cấp Trung Quốc.

Tuần trước, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lục Khảng (Lu Kang) nói rằng những quan ngại trên là « không có cơ sở ». Interpol bác bỏ những cáo buộc thiếu khách quan, nhắc lại điều 3 trong quy chế « cấm hẳn mọi sự can thiệp hay hoạt động mang tính chính trị, quân sự, tín ngưỡng hoặc sắc tộc ».

Một hồ sơ khác có thể gây tranh cãi là việc cơ quan quyền lực Palestine xin tham gia Interpol, chắc chắn sẽ bị Israel phản đối. Sau khi giành được ghế quan sát viên tại Liên Hiệp Quốc từ năm 2012, tham gia Tòa án Hình sự Quốc tế và UNESCO, Palestine mong muốn được gia nhập tổ chức cảnh sát quốc tế, tuy năm ngoái đã thất bại vì không đạt được hai phần ba số phiếu như quy định. - RFI

8.
HRW tố cáo Myanmar về tội ác chống nhân loại

Tổ chức Human Rights Watch hôm 26/9 lên tiếng tố cáo Myanmar là phạm các tội ác chống nhân loại trong cuộc đàn áp những thành phần nổi dậy Hồi giáo ở bang Rakhine. Tổ chức bênh vực nhân quyền quốc tế kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hãy áp đặt các biện pháp trừng phạt và lệnh cấm bán vũ khí đối với Myanmar.

Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc kêu gọi tăng gấp đôi viện trợ quốc tế để giúp ước lượng 480,000 người tị nạn, trong đó 60% là trẻ em, đã chạy sang Bangladesh từ ngày 25/8 để tránh bạo lực.

Người phát ngôn của chính phủ Myanmar đã bác bỏ những lời tố cáo về tội ác chống nhân loại, nói rằng không có chứng cớ để đi tới kết luận đó.

Myanmar đồng thời bác bỏ những cáo buộc của Liên Hiệp Quốc rằng các lực lượng của họ đã nhúng tay vào một cuộc thanh tẩy chủng tộc chống người Hồi giáo Rohingya, để trả đữa các cuộc tấn công có phối hợp của các thành viên phe nổi dậy Rohingya nhắm vào các lực lượng an ninh hôm 25/8.

Người tị nạn Rohingya tới được Bangladesh tố cáo quân đội và một số người cực đoan theo Phật giáo là tìm cách đuổi họ ra khỏi Myanmar, vốn là một nước nơi đại đa số dân theo đạo Phật.

Ông James Ross, Giám Đốc pháp lý và chính sách tại trụ sở của Human Rights Watch ở New York, nói quân đội Myanmar đã dùng những biện pháp tàn bạo để trục xuất người Rohingya ra khỏi bang Rakhine ở miền Bắc. Ông nói:

“Thảm sát dân làng, phóng hỏa để đuổi họ ra khỏi nhà của họ, đều là tội ác chống nhân loại.”

Myanmar, trước đây được gọi là Miến Điện, nói các lực lượng của họ đang chiến đấu chống lại những kẻ khủng bố đã tấn công cảnh sát và quân đội, giết chết thường dân và phóng hỏa đốt các làng mạc.

Tòa án hình sự quốc tế định nghĩa tội ác chống nhân loại là những tội bao gồm tội giết người, tra tấn, hãm hiếp và trục xuất “đã phạm trong khuôn khổ một cuộc tấn công quy mô, có hệ thống, nhắm trực tiếp vào bất cứ một nhóm dân thường nào.”

Human Rights Watch nói các cuộc khảo sát của họ, được hỗ trợ bởi hình ảnh vệ tinh, đã phát hiện ra những tội ác như trục xuất, cưỡng bức người rời nơi cư trú, cũng như giết người và hãm hiếp.

Tổ chức này nói Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và các quốc gia quan tâm nên áp đặt các biện pháp chế tài có chủ đích và ban hành lệnh cấm bán vũ khí cho Myanmar.

Người phát ngôn của chính phủ, ông Zaw Htay, nói không có một chính phủ Myanmar nào quyết tâm cổ vũ cho nhân quyền cho bằng chính phủ hiện nay. Ông nói:

“Những tố cáo không có chứng cớ rõ rệt là rất nguy hiểm. Chúng càng gây khó khăn thêm cho chính phủ để giải quyết vấn đề.”

Một nhóm phối hợp hành động của các tổ chức cứu trợ nói tổng số người tị nạn chạy sang Bangladesh từ ngày 25/8, đã được điều chỉnh cao hơn, lên tới 480.000 người, sau khi phát hiện 35,000 người tại hai trại khác nhau không được đếm trong số người tị nạn mới nhất.

Ông Adrian Edwards, người phát ngôn của Cao Ủy Tị nạn LHQ nói tại Geneve:

“Làn sóng ồ ạt những người ra đi để tìm sự an toàn đã vượt quá khả năng đáp ứng, và tình hình những người tị nạn này vẫn chưa ổn định.”

Cao Ủy Tị nạn LHQ kêu gọi tăng gấp đôi các nỗ lực nhân đạo quốc tế để đáp ứng nhu cầu tại Bangladesh.

Bạo lực và làn sóng tị nạn người Rohingya là cuộc khủng hoảng lớn nhất mà chính quyền của Khôi nguyên Giải Nobel Hòa bình Aung San Suu Kyi phải đối mặt từ khi lên cầm quyền hồi năm ngoái trong cuộc chuyển giao quyền lực, diễn ra sau 50 năm Miến Điện nằm dưới quyền cai trị của tập đoàn quân phiệt. 

Myanmar coi người Rohinya là những di dân bất hợp pháp đến từ Bangladesh, và trong nhiều thập niên nay, những chiến dịch đàn áp bạo động thỉnh thoảng lại bùng phát. Đa số người Rohingya là những người vô tổ quốc.

Bà Suu Kyi đã bị chỉ trích nặng nề vì cuộc khủng hoảng này. Có người kêu gọi nên thu hồi giải Nobel Hòa Bình mà bà đã được trao tặng.

Tuần trước, bà Suu Kyi lên án các vụ vi phạm nhân quyền trong một bài diễn văn đọc trước quốc dân, và cam kết sẽ truy tố những kẻ vi phạm. Bà Suu Kyi còn nói rằng chính phủ Myanmar đang tìm cách xác định lý do vì sao nhiều người đã ra đi.

Bảy chuyên gia của Liên Hiệp Quốc, trong đó có Báo cáo viên đặc biệt về nhân quyền tại Myanmar, Yanghee Lee, kêu gọi bà Suu Kyi hãy gặp người Rohingya để đích thân lắng nghe họ nêu ra những lý do dẫn tới làn sóng di tản.

Họ nói:

“Không một ai chọn, nhất là khi nói đến hàng trăm ngàn người, chọn rời bỏ căn nhà hương hỏa và đất của tổ tiên, bất chấp là nghèo nàn tới đâu, để chạy sang một nước lạ, sống dưới những mái che bằng nhựa trong các điều kiện tệ hại, trừ phi họ chạy để tránh những tình huống khi mạng sống bị đe dọa.”

Các chuyên gia kêu gọi Myanmar hãy cho phép các tổ chức cứu trợ nhân đạo được tự do lui tới bang Rakhine, nơi mà quân đội Myanmar thường hạn chế tự do đi lại.

Dưới hiến pháp do quân đội Myanmar soạn thảo, bà Aung San Suu Kyi ít có, nếu không muốn nói là không có, quyền kiểm soát đối với các lực lượng an ninh. Theo tinh thần hiến pháp hiện hành, cá nhân bà Suu Kyi cũng bị cấm, không được giữ chức Tổng thống, ngoài ra hiến pháp còn giao cho quân đội quyền phủ quyết đối với các cải cách chính trị.

Myanmar đã chứng kiến phong trào dân tộc chủ nghĩa Phật giáo nổi lên trong mấy năm gần đây, trong khi công chúng nói chung cũng hậu thuẫn chiến dịch chống các thành phần nổi dậy.

Từ hôm Chủ nhật, quân đội đã khai quật thi thể của 45 thành viên của một cộng đồng nhỏ theo Ấn giáo, mà nhà chức trách nói là do các phần tử nổi dậy Hồi giáo giết chết ngay sau khi bạo lực bùng phát.

Quân đội Cứu hộ Rohingya Arakan (ARSA), là nhóm tuyên bố thực hiện các cuộc tấn công nhắm vào các lực lượng an ninh từ tháng 10, đã bác bỏ cáo buộc cho rằng họ đã giết dân làng.

Một số người theo Ấn giáo đã chạy sang Bangladesh. Nhiều người khác ẩn nấp tại các thị trấn ở Myanmar, tố cáo các phần tử nổi dậy là tấn công họ vì nghi họ là gián điệp của nhà nước. - VOA

9.
‘Ngồi ít thôi, di chuyển nhiều vào’ sẽ có lợi cho sức khoẻ

“Hãy đứng dậy và cử động sau 30 phút ngồi làm việc” là lời khuyên mới nhất của các chuyên gia sức khoẻ ở Học Viện Sức Khoẻ Hoa Kỳ sau kết quả cuộc nghiên cứu đăng trên Annals of Internal Medicine, theo CNN.

Dựa trên cuộc nghiên cứu với 8,000 người tham gia cho thấy rằng có mối liên hệ trực tiếp giữa việc ngồi một chỗ quá lâu và nguy cơ bị tử vong sớm. Điều đó có nghĩa là bạn càng ngồi lâu thì nguy cơ tử vong cũng cao hơn. Tuy nhiên, đối với những ai ngồi không quá 30 phút và đứng dậy cử động cơ thể, thì nguy cơ mắc bệnh và tử vong sẽ giảm đi rất nhiều.

“Sit less, move more”, hay tiếng Việt có nghĩa là “ngồi ít thôi, di chuyển nhiều vào”, là thông điệp của Hiệp Hội Tim Mạch Hoa Kỳ khuyến khích tất cả mọi người nên làm. Tuy vậy, thông điệp đơn giản này dường như ít ai quan tâm và thực hiện, theo giáo sư Keith Diaz, người đứng đầu cuộc nghiên cứu sức khoẻ của trường Đại Học Columbia.

“Điều này cũng giống như là nói với ai đó là nên tập thể dục nhưng chẳng giải thích hay nói là nên tập như thế nào,” Giáo Sư Diaz cho biết. “Chúng ta có sách hướng dẫn tập thể dục aerobic mỗi ngày để giảm cân, nhưng chúng ta lại không có sự hướng dẫn ngồi như thế nào để giữ gìn sức khoẻ. Hay ít nhất chúng ta phải cho mọi người biết rằng, trong suốt 30 phút liên tục ngồi, bạn phải đứng dậy và di chuyển ít nhất là năm phút với tốc độ nhanh để giảm thiểu nguy cơ sức khoẻ khi ngồi.”

Càng lớn tuổi càng ngồi nhiều

Để hiểu rõ hơn mối quan hệ giữa việc ngồi quá lâu và nguy cơ tử vong sớm, Giáo Sư Diaz và các cộng sự tại trường Đại Học Columbia, trường Đại Học New York (NYU) và Trung Tâm Y Khoa Weill Cornell tập trung khai thác một khía cạnh liên quan đến sự khác biệt giữa địa lý và chủng tộc, qua cuộc nghiên cứu mang tên REGARD, do Viện Y Khoa Hoa Kỳ tài trợ.

“Ban đầu, REGARD được thiết kế để nghiên cứu và kiểm tra tại sao người da đen (đặc biệt là người da đen ở miền Nam nước Mỹ) lại có nguy cơ đột qụy cao hơn so với da trắng,” Giáo Sư Diaz nói. Ông và các cộng sự theo dõi hơn 7,000 người tham gia da trắng và da đen từ 45 tuổi trở lên trong suốt bốn năm liền bằng cách gắn vào hông những người tham gia dụng cụ đo khoảng thời gian ngồi. Các nhà nghiên cứu ghi nhận có khoảng 340 ca tử vong được xem là “tử vong do mọi nguyên nhân,” tức là chết ở bất cứ nguyên do nào.

Khi phân tích các dữ liệu, các nhà nghiên cứu nhận ra rằng khoảng thời gian tịnh, tức là thời gian ngồi yên một chỗ và không hoạt động, hầu như chiếm trung bình khoảng 12,3 giờ trong 16 giờ trung bình thức dậy của người lớn tuổi trong một ngày.

“Khi chúng ta già đi, các chức năng cơ thể và tinh thần của chúng ta dần dần chậm lại, khiến chúng ta muốn ‘tĩnh’ nhiều hơn,” Giáo Sư Diaz giải thích.

Các cuộc nghiên cứu khác cho thấy trung bình một người trưởng thành ngồi khoảng từ chín đến 10 tiếng mỗi ngày. Và con số này ngày càng tăng lên khi chúng ta già đi. Ngoài ra, đối với những ai ngồi hơn 13 tiếng mỗi ngày có nguy cơ tử vong 200% so với những ai ngồi ít hơn khoảng 11 tiếng mỗi ngày. Bên cạnh đó, những ai ngồi thường xuyên trong vòng 30 phút có nguy cơ tử vong thấp hơn 55% so với những người ngồi suốt một chỗ hơn 30 phút mỗi ngày.

Cuối cùng, những người ngồi thường xuyên hơn 90 phút có nguy cơ tử vong gấp hai lần so với những người thường ngồi ít hơn 90 phút.

Tại sao?

Tại sao việc ngồi quá lâu một chỗ không hoạt động đem lại nhiều tiêu cực vẫn là một dấu hỏi lớn, theo Tiến Sĩ David A. Alter, phó giáo sư trường đại học Toronto ở Ontario. Một số chuyên gia nhận định rằng vì ngồi quá lâu sẽ làm giảm sự nhạy cảm insulin, khiến insulin giảm khả năng chuyển hoá mô mỡ thành năng lượng ATP cung cấp hoạt động sống cho cơ thể. Một số nhận định khác thì cho rằng, lượng calories cần để đốt tăng dần khi ngồi lâu.

Cuộc nghiên cứu của Giáo Sư Diaz tập trung vào hai yếu tố: thời gian cơ thể tịnh và thời gian nghỉ ngơi không bị gián đoạn. Tiến Sĩ Alter cho biết, “Những người có thời gian nghỉ ngơi liên tục 30 phút trở lên có nguy cơ tử vong cao nhất nếu thời gian tịnh cũng tăng lên 12.5 giờ một ngày.”

Bác Sĩ Suzanne Steinbaum, giám đốc bệnh viện Lenox Hill ở New York cho biết, “ngồi càng lâu thì sẽ càng tệ, vì nó sẽ tác động tiêu cực đến tim mạch lâu dài mà đôi khi chúng ta không để ý đến.”

Khi được hỏi nếu thay thế bằng các bàn cao hơn để người làm công việc văn phòng sẽ đứng thay vì ngồi thì có giúp ích cho cơ thể không, Giáo Sư Diaz nói, “Có rất ít bằng chứng cho thấy rằng đứng liên tục là một cách thay thế lành mạnh hơn là ngồi lâu. Vì vậy, chúng tôi khuyên rằng đối với ai có công việc phải ngồi trong thời gian dài, bạn nên nghỉ ngơi, đứng dậy, cử động tay chân, giãn cơ mỗi 30 phút. Những phát hiện của chúng tôi cho thấy rằng thói quen thay đổi này có thể làm giảm nguy cơ tử vong của bạn.” - nguoiviet

Tin Hoa Kỳ
10.
Phe Cộng hòa lại thất bại với nỗ lực bãi bỏ Obamacare --- Dự luật bỏ Obamacare tiêu tan khi một nghị sĩ Cộng hòa nòng cốt bỏ Trump --- TT Trump đổ thừa tại TNS McCain mà dự luật y tế thất bại

Phe Cộng hòa một lần nữa không giành đủ sự ủng hộ trong nỗ lực kéo dài bảy năm nhằm bãi bỏ Obamacare, một thất bại cay đắng khơi lên nhiều câu hỏi về khả năng thực thi nghị trình của Tổng thống Donald Trump.

Phe Cộng hòa trong Thượng viện đã không thể giành được sự ủng hộ từ các thượng nghị sĩ thuộc chính đảng của họ về một dự luật bãi bỏ Đạo luật Chăm sóc Y tế Giá phải chăng năm 2010 và quyết định không đưa ra biểu quyết, một số thượng nghị sĩ Cộng hòa nói với Reuters.

Những người bảo trợ tuyên bố sẽ thử lại lần nữa, nhưng sẽ phải đối mặt với những trở ngại cam go hơn sau Chủ nhật, khi mà những điều lệ đặc biệt hết hiệu lực cho phép họ thông qua đạo luật chăm sóc y tế mà không có sự ủng hộ của phe Dân chủ.

Phe Cộng hòa vẫn chưa đạt được bất kỳ thành công lớn nào về chính sách đối nội trong Quốc hội năm nay, điều mà có thể gây tổn hại cho nỗ lực của họ duy trì quyền kiểm soát Thượng viện và Hạ viện trong cuộc bầu cử Quốc hội tháng 11 năm 2018.

Các nghị sĩ Cộng hòa xem luật Obamacare, cung cấp bảo hiểm y tế cho 20 triệu người Mỹ, là sự lạm quyền đầy tốn kém của chính phủ. Ông Trump đã thường xuyên tuyên bố trong chiến dịch vận động tranh cử năm 2016 là sẽ bãi bỏ luật này. Các nghị sĩ Dân chủ thì kịch liệt bảo vệ nó, nói rằng nó đã mở rộng bảo hiểm y tế cho hàng triệu người.

Sau khi không giành đủ sự ủng hộ hồi tháng 7, các nghị sĩ Cộng hòa ở Thượng viện lại cố gắng một lần nữa trong tháng này với một dự luật giúp các bang nắm nhiều quyền kiểm soát hơn đối với hàng trăm tỉ đôla mà chính phủ liên bang chi hàng năm cho lĩnh vực chăm sóc y tế.

Cũng như trước đây, họ vấp phải sự phản đối từ các thành viên cánh hữu và trung dung phản đối việc bãi bỏ vì những lý do mà về cơ bản mâu thuẫn với nhau.

Ông Trump hôm thứ Ba nói rằng chính quyền của ông thất vọng về "một số người được gọi là người theo Đảng Cộng hòa" không ủng hộ dự luật này. Tổng thống Đảng Cộng hòa sau đó tuyên bố ông vẫn không từ bỏ hy vọng rằng Obamacare cuối cùng sẽ bị hủy. "Chuyện đó sẽ xảy ra," ông nói với các phóng viên khi đến New York để gây quỹ.

Phe Cộng hòa chiếm đa số với tỉ lệ 52-48 trong Thượng viện và ít nhất ba thượng nghị sĩ Cộng hòa – Susan Collins, Rand Paul và John McCain – đã công khai chống đối dự luật bãi bỏ Obamacare mới nhất này. - VOA

***
Thượng nghị sĩ Susan Collins khước từ vận động ráo riết của những người đồng Ðảng Cộng hòa của bà lẫn hứa hẹn tăng ngân quỹ cấp cho tiểu bang của bà bằng quyết định hôm thứ Hai 25/9 chống lại cố gắng cuối cùng của đảng bà nhắm bãi bỏ luật chăm sóc sức khỏe Obamacare.

Các nghị sĩ Cộng hòa ôn hòa nhất đã theo ông John McCain và Rand Paul bác bỏ dự luật chấm dứt Obamacare. Đó là một đòn giáng mạnh vào Tổng thống Donald Trump, người đặt kế hoạch hủy bỏ luật chăm sóc sức khỏe mang dấu ấn của Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama của Ðảng Dân chủ lên ưu tiên hàng đầu suốt từ khi vận động tranh cử năm 2016 và đã gọi điện thoại thuyết phục bà Collins hôm thứ Hai.

Thượng nghị sĩ Collins đại diện bang Maine, tiểu bang có đến 20% dân số phụ thuộc vào Medicaid, một chương trình bảo hiểm sức khỏe dành cho người có thu nhập thấp và người khuyết tật sẽ bị dự luật này cắt mạnh tài trợ là lý do chính khiến bà Collins phản đối dự luật.

Bà Collins nói bên ngoài hội trường Thượng viện: “Bỏ một chương trình đã thành luật hơn 50 qua, và thực hiện những thay đổi triệt để về cơ cấu mà lại không lắng nghe thấu đáo để đánh giá ảnh hưởng đối với người dân dễ bị tổn hại nhất là không thể chấp nhận được.”

Một lý do nữa khiến bà Collins phản đối dự luật là vì nó bảo vệ không đủ mạnh cho những người có tiền sử bệnh như suyễn, ung thư hay tiểu đường.

Bà Collins đưa ra quyết định này ngay cả sau khi các Thượng nghị sĩ đề xướng dự luật này là Lindsey Graham và Bill Cassidy đề nghị tăng trợ cấp ngân sách chăm sóc sức khỏe lên 43% và những phúc lợi khác cho các tiểu bang mà các thượng nghị sĩ đại diện đang còn do dự.

Phe Cộng hòa thề sẽ bãi bỏ Luật chăm sóc sức khỏe giá hạ, tức Obamacare, kể từ khi luật này được thông qua vào năm 2010. Mặc dù Obamacare mở rộng bảo hiểm y tế cho khoảng 20 triệu người dân, những người chống đối tin rằng luật này là một sự can thiệp tốn kém và tùy tiện của chính phủ vào lãnh vực chăm sóc sức khỏe, và họ cũng chống thuế đánh vào người giàu.

Phe Cộng hòa chiếm thế đa số mong manh 52/48 tại Thượng viện đang tiến gần đến thời hạn chót ngày 30 tháng 9 phải thông qua dự luật bằng một tỉ lệ đa số tương đối, thay vì mức 60 phiếu thuận thường thấy đối với phần lớn các dự luật khác. Thủ lãnh khối đa số Thượng viện Mitch McConnell muốn biểu quyết trong tuần này, nhưng hiện chưa rõ liệu ông có tiến hành hay không khi mà nay có 3 thượng nghị sĩ cho biết sẽ bỏ phiếu chống.

Thượng nghị sĩ Graham bác bỏ những tin đồn rằng dự luật này sẽ là cơ hội cuối cùng để phe Cộng hòa bỏ Obamacare, và ông hứa sẽ tiếp tục nỗ lực với dự luật này.

Cắt tài trợ Medicaid một ngàn tỉ

Phe Dân chủ tăng nỗ lực hủy bỏ dự luật này. Trong phát biểu chiều hôm thứ Hai tại hội trường Thượng viện, thủ lãnh phe Dân chủ ở Thượng viện Chuck Schumer nói rằng: “Dự luật Trumpcare sẽ hủy hoại Medicaid, sẽ khiến hàng triệu người không có bảo hiểm, sẽ gây náo loạn thị trường.”

Thượng nghị sĩ Schumer nói rằng một khi Obamacare bị bãi bỏ, phe Dân chủ sẽ làm việc với phe Cộng hòa “để tìm ra một giải pháp dung hòa nhằm giữ cho thị trường ổn định và giảm mức bảo phí.”

Hai Thượng nghị sĩ Collins và McCain, những người bỏ phiếu chống trong cuộc biểu quyết hồi tháng 7, đều lên tiếng ủng hộ một giải pháp lưỡng đảng để sửa chữa những chỗ mà Obamacare chưa làm tốt.

Chính quyền Trump, trong đó có Bộ trưởng Y tế Tom Price ráo riết vận động bà Collins trong những ngày qua, Thượng nghị sĩ bang Maine này cho biết.

Bà Collins nói: “Tổng thống điện thoại cho tôi hôm qua, Phó Tổng thống điện thoại cho tôi khi tôi đang ở Maine hồi cuối tuần. Bộ trưởng Price cũng đã điện thoại cho tôi.” - VOA

***
Trước thất bại của kế hoạch thay đổi đạo luật Affordable Care Act, gọi nôm na là Obamacare, Tổng Thống Donald Trump hôm Thứ Hai trút cơn thịnh nộ lên đầu Thượng Nghị Sĩ John McCain (Cộng Hòa-Arizona).

Theo báo The Washington Post, tính đến ngày Thứ Hai, ba thượng nghị sĩ Cộng Hòa, trong đó có ông McCain, đã lên tiếng chống lại dự luật chờ được Thượng Viện biểu quyết, nhưng cho thấy rõ chắc chắn thất bại.

Phe Cộng Hòa chỉ có thể chịu chấp nhận mất hai phiếu của người cùng đảng nếu không có được sự ủng hộ của phe Dân Chủ.

Nữ Thượng Nghị Sĩ Susan Collins (Cộng Hòa-Maine) mới đây nhất loan báo ý định bỏ phiếu chống lại dự luật y tế mới của đảng, như hai đồng viện McCain và Rand Paul (Cộng Hòa-Kentucky).

Tổng Thống Trump tỏ vẻ bực tức ông McCain hơn cả vì đã làm “chìm xuồng” kế hoạch từng là ưu tiên của các nhà lập pháp Cộng Hòa vốn ấp ủ từ mấy năm qua.

Qua cuộc phỏng vấn trong chương trình truyền thanh “Rick & Bubba Show” từ Alabama phát đi khắp vùng miền Nam hôm Thứ Hai, ông Trump gọi sự chống đối của ông McCain là “một cái tát đau điếng vào mặt của đảng Cộng Hòa.”

Trong một văn bản công bố hôm Thứ Sáu, ông McCain nói rằng “lương tâm không cho phép” ông bỏ phiếu thuận cho dự luật được hai thượng nghị sĩ, Bill Cassidy (Cộng Hòa-Louisiana) và Lindsey O Graham (Cộng Hòa-South Carolina), đề nghị. - nguoiviet
|
11.
Tòa Tối cao bỏ điều trần về lệnh cấm nhập cảnh cũ của TT Trump

Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã rút hồ sơ liên quan tới lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Trump ra khỏi nghị trình làm việc tháng 10 sau khi Tổng thống Donald Trump công bố luật mới hôm Chủ nhật vừa rồi. Được loan báo vào đúng thời điểm lệnh cấm du hành cũ sắp hết hạn, các quy định mới tăng số các nước bị chi phối bởi các quy định mới, tuy nhiên lần này, những giới hạn đối với sự đi lại không hết hạn mà có thể được thi hành vô thời hạn. Thông tín viên Molly McKitterick có thêm các chi tiết sau đây.

Như được dự kiến rộng rãi, các giới hạn mới về du hành nhắm vào những ‘mối đe dọa cá thể đến từ những nước cá thể’.

Đặc biệt, luật mới cấm:

- Di dân hay không di dân đến từ các nước Chad, Libya và Yemen. Thành phần này không được nhập cảnh, dù bằng visa làm ăn, du lịch hay cả hai.

- Công dân Iran nhập cảnh Mỹ, nhưng đặc biệt miễn trừ cho sinh viên, mặc dù họ phải trải qua các biện pháp kiểm tra phụ trội.

- Di dân/khách đến từ Triều Tiên và Syria.

- Ngăn di trú đối với công dân Somalia và buộc khách du hành phải trải qua kiểm tra đặc biệt.

- Rút tên Sudan ra khỏi danh sách bị cấm.

Tại một hội nghị về luật di trú ở Đại học Georgetown hôm thứ Hai, lệnh cấm du hành là chủ đề nóng được mang ra thảo luận.

Trong khi tuyên bố của Tổng thống Donald Trump nói ông phải hành động để bảo vệ an ninh của Hoa Kỳ, nhiều người tỏ ra hoài nghi về những động cơ của ông.

Ông Arturo Sarukhan, cựu đại sứ Mexico tại Hoa Kỳ phát biểu:

“Trên thế giới có những mối đe dọa có thực, và những cá nhân mà chúng ta phải luôn theo dõi… Nhưng vấn đề ở đây là đôi khi vấn đề xảy ra trong bối cảnh rộng lớn của chính sách bảo vệ các lợi ích của người bản xứ và cư dân chống lại di dân, và tình cảm bài ngoại. Khi điều đó xảy ra, đôi khi rất khó có thể phân biệt động cơ thực thụ là an ninh quốc gia, hay là những yếu tố khác.”

Ông Trump nói các giới hạn mới sẽ có hiệu lực cho tới khi các nước liên quan cải thiện hệ thống kiểm tra an ninh của họ.

Người phát ngôn của Tòa Bạch Ốc Sarah Huckabee Sanders nói:

“Cách thức lệnh cấm du hành được thiết lập, là các nước khác phải đáp ứng những đòi hỏi tối thiểu, và tham gia chia sẻ thông tin. Trong thời gian qua, một số nước đã đạt tiến bộ và thỏa đáng các đòi hỏi tối thiểu mà Hoa Kỳ vạch ra.”

Các quy định mới sẽ được chính phủ tái xét theo định kỳ, và có thể bị thách thức tại tòa, nếu không đưa ra trước tòa án tối cao.

Tòa tối cao đã chuẩn bị lắng nghe những lập luận về tính hợp pháp của sắc lệnh cấm du hành của Tổng thống Trump, nhưng phiên bản mới có thể bị thách thức lại, khởi sự tại các tòa án cấp dưới. 

Bà Jeanne M. Atkinson, Giám Đốc Trung tâm Công giáo Hỗ trợ Pháp lý cho người Di dân nói:

“Điều gì sẽ xảy ra tại Tòa Tối cao giờ đây khi lệnh cấm du hành đã thay đổi? Theo tôi, nếu ở lại đây hôm nay và lắng nghe mọi người thì chúng ta sẽ nghe những ý kiến rất là khác nhau. Đây là một vấn đề phức tạp bởi vì những thay đổi trong lệnh cấm du hành. Đây là một lệnh cấm du hành mới, và phải được xem xét riêng biệt.”

Trong khi đó, phần đã đáo hạn của lệnh cấm du hành cũ có thể được khôi phục, trong khi lệnh mới có hiệu lực từ ngày 18/10. - VOA

12.
Năm sau Mỹ có thể chỉ nhận 45.000 người tị nạn

Chính quyền Trump dự định sẽ hạn chế số người tị nạn nhập cảnh Mỹ vào năm sau dưới mức 45.000 người, hai người biết về quyết định này nói với hãng tin Reuters hôm thứ Ba.

Đây là mức trần thấp nhất về số người tị nạn được nhận vào Mỹ kể từ khi Đạo luật Người tị nạn Hoa Kỳ được ban hành năm 1980. Kể từ đó, giới hạn này chưa bao giờ được định dưới mức 67.000 người và trong những năm gần đây đã khoảng 70.000 đến 80.000.

Hai bộ trưởng Ngoại giao và An ninh Nội địa sẽ tham vấn các thành viên Quốc hội vào ngày 27/9, theo một quan chức Tòa Bạch Ốc. Quyết định của Tổng thống sẽ được công bố sau cuộc tham vấn này, hai quan chức vừa kể cho biết. Báo The Wall Street Journal lần đầu tiên loan tin về con số 45.000 hôm thứ Ba.

Theo luật, Tổng thống bắt buộc phải thảo luận với các thành viên Quốc hội về số người tị nạn được nhận vào Mỹ trước khi bắt đầu năm tài khóa mới, vào ngày 1 tháng 10.

Số người tị nạn thực sự được nhận vào Mỹ, có thể thấp hơn mức trần, tụt xuống mức thấp nhất trong năm tài chính 2001 sau vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 với chỉ khoảng 27.000 người được nhận.

Đối với năm tài chính 2017, kết thúc vào ngày 30 tháng 9, cựu Tổng thống Barack Obama đã định mức giới hạn 110.000 người tị nạn được tái định cư vĩnh viễn ở Mỹ.

Sau khi nhậm chức vào tháng 1, Tổng thống Donald Trump ban hành một sắc lệnh hành pháp giảm số lượng tối đa xuống còn 50.000 người cho năm 2017, nói rằng nhận nhiều người hơn sẽ "gây tổn hại cho lợi ích của Mỹ."

Những người chỉ trích nói rằng nếu mức của năm 2018 thậm chí còn thấp hơn thì nó có thể gây tổn hại cho thanh danh của Mỹ trên trường quốc tế.

Reuters cho biết một phát ngôn viên của Bộ An ninh Nội địa từ chối bình luận về quyết định cuối cùng của ông Trump liên quan đến mức trần người tị nạn. Bộ Ngoại giao chưa có phản hồi tức thì trước yêu cầu bình luận. - VOA

13.
Tranh cãi vụ phụ tá của Trump dùng email cá nhân cho công vụ

Hai nhà lập pháp chủ chốt trong Quốc hội Mỹ, một Cộng hòa và một Dân chủ, kêu gọi Tòa Bạch Ốc cung cấp tên của những phụ tá cho Tổng thống Donald Trump, những người đã sử dụng địa chỉ email cá nhân và phần mềm được mã hóa để làm công vụ dù đã được khuyến cáo.

Dân biểu Cộng hòa Trey Gowdy, chủ tịch Ủy ban Giám sát Hạ viện, và thành viên Đảng Dân chủ cao cấp trong ủy ban, Dân biểu Elijah Cummings, cho biết họ muốn có câu trả lời trước ngày 9 tháng 10 trong khuôn khổ cuộc điều tra xem các quan chức này có ‘lách’ quy định lưu giữ vào hệ thống máy tính chính thức của Mỹ các hồ sơ giấy tờ về công việc chính phủ hay không.

Cuộc điều tra cũng có thể tìm hiểu xem các quan chức này có chuyển tài liệu bảo mật qua các mắc xích email cá nhân hay không.

"Với nhiều tiết lộ công khai việc các nhân viên cao cấp của nhánh hành pháp cố tình tìm cách né các luật này bằng cách sử dụng các địa chỉ email cá nhân, riêng tư hoặc bí danh để thực hiện công việc chính phủ, Ủy ban nhắm mục tiêu sử dụng các nguồn lực giám sát và điều tra của mình để ngăn chặn và răn đe việc sử dụng sai trái các hình thức thông tin liên lạc bằng văn bản," ông Gowdy và ông Cummings viết trong một lá thư gửi cho Cố vấn Pháp lý Nhà Trắng Don McGahn.

Một luật sư của Jared Kushner, con rể ông Trump và là một cố vấn của Tòa Bạch Ốc, thừa nhận rằng Kushner đã trao đổi dưới 100 email liên quan đến công việc, sử dụng một tên miền riêng tư. Những bài báo ở Mỹ trong những ngày gần đây nói rằng các cố vấn hàng đầu khác của Tổng thống, bao gồm vợ của Kushner, Ivanka Trump, cố vấn kinh tế Gary Cohn, cựu chánh văn phòng Reince Priebus và cựu chiến lược gia Stephen Bannon cũng đã sử dụng các tài khoản email cá nhân để thực hiện công việc ở Nhà Trắng.

Vấn đề này đặc biệt nhạy cảm đối với Tòa Bạch Ốc dưới quyền của ông Trump vì từ lúc còn là ứng cử viên Đảng Cộng hòa, suốt chiến dịch tranh cử năm 2016, ông đã đả kích đối thủ Hillary Clinton về những tài liệu mật mà bà gửi qua máy chủ email cá nhân lúc bà làm Ngoại trưởng. Những người ủng hộ nồng nhiệt nhất của ông Trump thường xuyên hô to khẩu hiệu "Tống giam bà ấy!" bất cứ khi nào ông Trump đem chuyện email của bà ra công kích.

Cục Điều tra Liên bang kết luận rằng việc bà Clinton sử dụng máy chủ email cá nhân là "hết sức bất cẩn," nhưng cáo buộc hình sự là không cần thiết.

Tối thứ Hai, bà Clinton nói rằng việc các trợ lý của Trump sử dụng email cá nhân để thực hiện công việc của chính phủ sau khi đả kích bà trong kỳ vận động tranh cử là "đỉnh điểm của đạo đức giả." - VOA

14.
Tổng thống Mỹ chuẩn bị thị sát Puerto Rico sau bão

Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo rằng ông sẽ tới Puerto Rico vào thứ Ba tuần sau - gần hai tuần sau khi Bão Maria tàn phá hòn đảo thuộc lãnh thổ của Mỹ.

"Puerto Rico cần rất nhiều tiền, tôi sẽ đến Puerto Rico vào thứ Ba (ngày 5 tháng 10)," Tổng thống Trump cho biết trong lúc nói chuyện với các nhà lập pháp. "Thứ ba là thời điểm đầu tiên có thể thị sát mà không gây gián đoạn cho các toán tiếp ứng và cứu hộ," ông nói thêm.

Tòa Bạch Ốc thông báo sẽ tăng ngân quỹ cho Puerto Rico để hỗ trợ dọn dẹp những đống đổ nát và các biện pháp bảo vệ khẩn cấp, bao gồm cả hỗ trợ trực tiếp liên bang trong 180 ngày.

"Tôi đã chỉ đạo tất cả các bộ và cơ quan hữu quan hỗ trợ cho nỗ lực ứng phó và hồi phục," ông Trump nói tại một cuộc họp báo. "Quá trình phục hồi sẽ rất, rất khó khăn. Chúng ta sẽ vượt qua được điều này, và chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua."

Thống đốc Puerto Rico Ricardo Rossello viết trên Twitter rằng ông đã báo cáo cho Tổng thống về tình hình trên thực địa, và cảm ơn ông đã phản ứng nhanh chóng.

Trong một loạt những dòng tweet hôm thứ Hai, ông Trump nói rằng cơ sở hạ tầng của Puerto Rico góp phần làm tác động của Bão Maria nghiêm trọng hơn. Ông cũng lưu ý rằng khủng hoảng nợ của lãnh thổ này "phải được xử lý," mặc dù những dòng tweet của ông không nói rõ sẽ như thế nào.

Carmen Yulin Cruz, thị trưởng San Juan, thủ phủ của Puerto Rico, nói trên CNN rằng đây là hai vấn đề riêng biệt. Bà thừa nhận khoản nợ của Puerto Rico, "Nhưng bạn không coi trọng nợ hơn sinh mạng con người, bạn coi trọng sinh mạng con người hơn nợ," bà nói.

Thống đốc Puerto Rico cảnh báo rằng hòn đảo này đang đối mặt với một "cuộc khủng hoảng nhân đạo" sau hai cơn bão nếu chính phủ Mỹ không xúc tiến nhanh chóng để giúp đỡ.

"Puerto Rico là một phần của Mỹ. Chúng ta cần hành động nhanh chóng," thống đốc Rossello nói trong một cuộc họp báo hôm thứ Hai tại thủ đô San Juan.

"Tầm mức của cơn bão này và hai cơn bão mà chúng tôi đã trải qua là chưa từng thấy," ông nói thêm, ghi nhận khoản nợ của chính phủ Puerto Rico là hơn 70 tỉ đôla ngay cả trước cơn bão.

Puerto Rico hiện vẫn không có điện, ngoại trừ cho các máy phát điện, và dịch vụ điện thoại thì chập chờn, vì nhà chức trách đang cố gắng cung cấp thức ăn và nước uống cho những người bị ảnh hưởng bởi cơn bão nghiêm trọng nhất ập vào hòn đảo 3,4 triệu dân này trong gần một thế kỷ. - VOA

15.
Giá tăng, nhưng nhiều người vẫn không bán được nhà

Cả giá nhà lẫn nhu cầu về nhà ở đang gia tăng, và các địa ốc viên đang chật vật tìm người muốn bán nhà. Những điều đó có vẻ như là một mơ ước đối với bất cứ chủ nhà nào muốn bán nhà. Tiếc thay, gần 3 triệu chủ nhà vẫn không thể bán được căn nhà của họ.

Theo CoreLogic, gần một chục năm sau khi thị trường nhà đất khởi sự hồi phục, 5.4% mọi bất động sản có vay tiền thế chấp vẫn ở trong tình trạng nợ nhiều hơn trị giá căn nhà của họ. Tuy nhiên tỉ lệ đó đã cải thiện nhiều so với một năm trước đây, khi 7.1% các bất động sản có thế chấp ở trong tình trạng nợ nhiều hơn trị giá nhà.

Kể từ khi giá nhà liên tiếp sụt giảm, xuống tới mức thấp nhất vào năm 2009, các chủ nhà đã chứng kiến những gia tăng có vẻ đều đặn về trị giá căn nhà thuộc về họ (home equity), tức trị giá thị trường của căn nhà trừ đi số tiền mà họ còn nợ, những gia tăng này trở nên vững chắc kể từ năm 2013. Trong năm ngoái, các chủ nhà gia tăng tài sản bị cầm cố của họ tổng cộng khoảng $766 tỉ.

Trong ba tháng cuối cùng của năm 2009, hơn một phần tư mọi căn nhà còn nợ tiền thế chấp ở trong tình trạng nợ nhiều hơn trị giá nhà (equity âm). Trên toàn quốc, các chủ nhà tính chung vẫn phải cần $284 tỉ mới cân bằng được tiền nợ và trị giá nhà.

Trị giá căn nhà thuộc về các chủ nhà đã lên tới $8 ngàn tỉ trong tam cá nguyệt thứ nhì của năm 2017, tức hơn gấp đôi so với mức được ghi nhận chỉ mới năm năm trước, theo ông Frank Martell, chủ tịch kiêm tổng giám đốc của CoreLogic. Sự gia tăng nhanh chóng về equity không những giảm bớt rủi ro cho các ngân hàng thế chấp mà còn hỗ trợ sự chi tiêu của giới tiêu thụ và sự phát triển kinh tế.

Sự gia tăng equity cũng giúp ích những người đang gần như mắc nợ nhiều hơn trị giá nhà, có nghĩa họ có một ít equity trong những căn nhà của họ nhưng không đủ để trang trải phí tổn trong việc mua nhà mới, hoặc ngay cả phí tổn dọn nhà hoặc thuê nhà. Gần 710,000 bất động sản có equity chưa tới 5%.

Equity âm là một trong những lý do chính giải thích tại sao có ít nhà bán như vậy. Số nhà bán trên thị trường lại sụt giảm trong Tháng Tám,  theo Hiệp Hội Địa Ốc Toàn Quốc (NAR) sự sụt giảm lên tới hơn 6% so với một năm trước.

Với thị trường việc làm đang mạnh, tình trạng nhân khẩu thuận lợi và lãi suất thế chấp nhà ở mức thấp nhất, tạo thuận lợi cho khả năng mua nhà, thị trường mua bán loại nhà hiện hữu đáng lẽ sẽ tăng vọt thay vì diễn ra ì xèo, theo bà Svenja Gudell, kinh tế gia trưởng của Zillow, khi phản ứng trước báo cáo của NAR về tình trạng mua bán nhà yếu kém. Tất cả những yếu tố đó đáng lẽ sẽ có hiệu quả thúc đẩy, nhưng chúng đang bị đè nén bởi sự kiện giản dị là có rất ít nhà thực sự được cung cấp trên thị trường để mua.

Bà Gudell ghi nhận rằng một nửa số nhà được cung cấp trên thị trường nhà bán có giá cao, không đáp ứng được nhu cầu mạnh nhất ở mức giá thấp hơn.

Tình trạng equity âm, cũng như mọi điều khác trong ngành địa ốc, thay đổi tùy theo thị trường địa phương. Các thị trường với số bất động sản còn nợ thế chấp và có equity âm là Miami (14.7%), Las Vegas (12.2%), Chicago (10.8%) và vùng đô thị thuộc Washington D.C. (7.2%).

Ngoài ra, mặc dù nhà trống trải vì con cái đã ở riêng, nhiều người thuộc thế hệ hậu chiến vẫn ở lại những căn nhà lớn của họ, và theo bà Gudell, đó là lý do tại sao tình trạng thiếu hụt nhà không cải thiện. - nguoiviet

16.
Tư lệnh Hạm Đội Thái Bình Dương của Mỹ bất ngờ xin nghỉ hưu

Sau khi biết không được đưa lên giữ chức vụ chỉ huy cao hơn, Đô Đốc Scott Swift, tư lệnh Hạm Đội Thái Bình Dương của Hải Quân Mỹ, hôm Thứ Hai bất ngờ loan báo việc ông xin nghỉ hưu.

“Tôi được Tư Lệnh Hành Quân Hải Quân cho hay sẽ không được ông chọn để thay thế Đô Đốc Harry Harris, trong chức vụ Tư Lệnh Bộ Chỉ Huy Thái Bình Dương,” Đô Đốc Swift cho hay trong bản thông cáo gửi cho tờ báo địa phương San Diego Union-Tribune cùng các cơ quan truyền thông khác.

“Theo đúng truyền thống và trong sự trung thành với Hải Quân, tôi gửi đơn xin được nghỉ hưu. Tôi làm điều này trong sự cảm kích vì có được vinh dự phục vụ với nhiều người lính Hải Quân và gia đình họ, trong suốt 40 năm, vào Tháng Giêng tới đây,” ông cho hay.

Theo truyền thống, Tư Lệnh Hạm Đội Thái Bình Dương, với bộ chỉ huy đặt tại Hawaii, sẽ lên làm tư lệnh Bộ Chỉ Huy Thái Bình Dương (PACOM) khi vị chỉ huy này nghỉ hưu.

Tuy nhiên, trước đây cũng có trường hợp ngoại lệ là Đô Đốc Samuel Jones Locklear III, chỉ huy lực lượng Hải Quân Mỹ ở Âu Châu và Phi Châu, trước khi được đưa về làm tư lệnh PACOM từ năm 2012 tới 2015.

Hạm Đội Thái Bình Dương là đại đơn vị mà các sĩ quan cao cấp Hải Quân Mỹ ước mơ được chỉ huy.

Hạm đội này bao gồm khoảng 60% các chiến hạm của Hải Quân, với Đệ Tam Hạm Đội có bộ chỉ huy ở San Diego và Đệ Thất Hạm Đội ở Nhật, cùng tất cả  tàu ngầm và phi cơ của Hải Quân ở vùng Thái Bình Dương, cũng như chỉ huy quân sự tại Nam Hàn và vùng quần đảo Marianas.

Đô Đốc Swift, năm nay 60 tuổi, cho hay ông xin nghỉ hưu vì muốn bày tỏ “sự kính trọng và ngưỡng mộ” dành cho Tư Lệnh Hành Quân, Đô Đốc John M. Richardson, theo tờ báo San Diego Union-Tribune.

Trong thời gian gần đây, một số chiến hạm thuộc Hạm Đội Thái Bình Dương liên tục gặp tai nạn trên biển khiến 17 thủy thủ thiệt mạng với số tiền ước tính sửa chữa lên tới hàng trăm triệu đô la. - nguoiviet

17.
Bộ trưởng Nội Vụ: 1/3 nhân viên không trung thành với TT Trump

Bộ Trưởng Nội Vụ Mỹ, ông Ryan Zinke, cho hay gần một phần ba nhân viên trong bộ này không trung thành với ông cũng như với Tổng Thống Donald Trump.

Ông cũng cho hay sẽ tìm cách thay đổi lề lối làm việc nơi đây để thân thiện hơn với các doanh nghiệp.

Ông Zinke, người từng là trung tá Hải Kích Mỹ trước khi nghỉ hưu, hôm Thứ Hai nói rằng khi ông mới đến nhận chức vụ chỉ huy cơ quan với 70,000 nhân viên này hồi Tháng Ba, ông biết “có 30% số người ở đây không trung thành với lá cờ tổ quốc.”

Trong bài diễn văn đọc trước một nhóm doanh gia thuộc kỹ nghệ dầu hỏa, ông Zinke so sánh Bộ Nội Vụ cũng giống như “một tàu hải tặc bắt được một tàu nhiều hàng hóa quý giá ngoài biển mà chỉ có thuyền trưởng và thuyền phó chèo xuồng tới” để hoàn tất nhiệm vụ.

“Chúng tôi có người tốt tại Bộ Nội Vụ,” ông Zinke cho hay, “tuy nhiên phải có hướng dẫn rõ ràng và phải buộc người ta có trách nhiệm.”

Thượng Nghị Sĩ Maria Cantwell (Dân Chủ-Washington), giới chức cao cấp nhất của đảng Dân Chủ trong Ủy Ban Năng Lượng và Tài Nguyên Thiên Nhiên tại Thượng Viện, nói rằng lời phát biểu của ông Zinke cho thấy ông không hiểu gì về vai trò của các công chức.

Bà Cantwell nói phần lớn trong số 70,000 nhân viên của Bộ Nội Vụ là công chức, thi hành các luật lệ do Quốc Hội thông qua, chứ không phải là những người được bổ nhiệm do khuynh hướng chính trị của họ, và nhiều người trong số này có những hiểu biết sâu xa trong phần hành của mình.

“Thay thế các công chức này bằng những người thuần túy chính trị sẽ không bảo vệ được đất công hay người trả thuế trước các đòi hỏi của thành phần quyền lợi đặc biệt,” bà Cantwell nói. - nguoiviet

Tin Việt Nam
18.
Chuyên gia: Việt Nam không nên trông đợi Đức thay đổi chính sách

Chỉ hai ngày sau khi Đức tuyên bố tạm dừng quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, chính trường Đức chứng kiến sự thất bại của Đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD), đảng của vị ngoại trưởng. 

Điều này dẫn đến một số phỏng đoán ở Việt Nam rằng chính sách của Đức về vụ Trịnh Xuân Thanh có thể thay đổi. Nhưng những người am hiểu nước Đức nói phỏng đoán như vậy là điều “hão huyền”.

Theo kết quả bầu cử Đức hôm 24/9, khối Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo và Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của đương kim thủ tướng Angela Merkel giành 33% số phiếu. Tuy thấp những vẫn cho phép bà tiếp tục nắm chức thủ tướng trong thêm một nhiệm kỳ thứ tư.

Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của ông ngoại trưởng Sigmar Gabriel chỉ đạt trên 20%. SPD là một đảng đối tác trong liên minh cầm quyền của bà Merkel cho đến cuộc bầu cử.

Đây được xem là kết quả tồi tệ nhất của SPD trong một cuộc tổng tuyển cử tính từ sau năm 1945. Đảng này tuyên bố “rút kinh nghiệm từ những sai lầm” trong việc liên minh với khối của bà Merkel, và sẽ rút ra khỏi liên minh để quay sang phe đối lập.

Với động thái đó, ông Gabriel sẽ mất chức ngoại trưởng và nước Đức sẽ có tân ngoại trưởng khi bà Merkel lập liên minh với các đảng đối tác khác với trước đây.

Bộ Ngoại giao Đức dưới quyền ông Gabriel hôm 22/9 tuyên bố trục xuất thêm một nhà ngoại giao Việt Nam, đồng thời tạm dừng quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước vì vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh.

Đức nói Hà Nội không hồi đáp một cách phù hợp các yêu cầu của Đức, đề nghị phía Việt Nam xin lỗi và cam kết không thực hiện những hành động vi phạm pháp luật Đức, tương tự như vụ bắt cóc ông Thanh, một quan chức tham nhũng đã bỏ trốn khỏi Việt Nam.

Sự kiện đảng SPD bị xem là “thua to” được một số người Việt Nam đón nhận như một “tin mừng”, thể hiện qua những ý kiến bày tỏ trên mạng xã hội. Họ cho rằng ít nhất là trong khoảng 1 tháng, khi Đức trong quá trình lập chính phủ mới, sẽ không có thêm quyết định gì về vụ này.

Nói với VOA, một chuyên gia am hiểu về Đức đề nghị không nêu tên cho rằng phỏng đoán như vậy là “hão huyền” vì chưa hiểu về bản chất vụ việc theo cách nhìn từ phía Đức.

Theo chuyên gia này, người Đức rất phẫn nộ về việc Việt Nam cử người sang bắt cóc ông Thanh ở Berlin và đây “không phải là chuyện ngoại giao, mà là vấn đề an ninh nội địa của Đức”.

Dù ai là ngoại trưởng Đức, nước này cũng không bỏ qua việc an ninh quốc gia của họ bị xâm phạm, chuyên gia nhận định.

Hiểu sai về quan điểm của Đức là điều nguy hiểm, chuyên gia này cảnh báo. Vị này bổ sung thêm rằng cũng thật “ngây thơ” nếu nghĩ rằng việc thay đổi các quan chức trong nội các sẽ dẫn đến thay đổi về chính sách.

“Ở Đức, các chính trị gia ra đi nhưng các nhiệm vụ tư pháp, hành chính vẫn ở lại”, chuyên gia nói.

Cùng chung nhận định này, chị Thảo Wiesner, một nhà tư vấn thuộc tổ chức Loening - Nhân quyền và Kinh doanh Có Trách nhiệm, nói với VOA:

“Việc thay đổi về nhân sự hay nội các hay là đảng sẽ không liên quan gì đến vấn đề này. Tại vì bất kỳ đảng nào lên, chỉ tiêu quan trọng nhất của họ cũng là dân chủ và nhà nước pháp quyền. Họ không thể chấp nhận rằng có người bị bắt cóc trên đất nước của họ được. Bắt cóc trên nước họ là vi phạm rất nặng nề. Bất kể là đảng SPD, CDU, hay Đảng Xanh hay đảng gì đó, họ sẽ không thể chấp nhận việc đó được”.

Hiện cư trú ở Berlin, với hiểu biết về Đức từ hơn 14 năm qua, chị Thảo dự báo việc nền kinh tế lớn nhất châu Âu và thứ ba thế giới tạm dừng đối tác chiến lược với Việt Nam sẽ có những tác động lớn:

“Viện trợ và phát triển, những quan hệ hàn lâm, khoa học, và quan hệ kinh tế sẽ bị ảnh hưởng rất nặng nề. Tôi nghĩ rằng sức ép này sẽ về lâu về dài và phía Đức sẽ làm cứng rắn và cương quyết. Khi có đối tác hay thiết lập quan hệ ngoại giao, điều họ cần là đất nước đó phải là đất nước pháp quyền. Khi có vi phạm về nhân quyền, hay thỏa thuận giữa hai nước bị vi phạm, họ sẽ không để yên được, họ sẽ làm đến cùng”. 

Chỉ vài giờ sau khi Đại sứ quán Đức ở Hà Nội đăng lại tuyên bố của Bộ Ngoại giao về tạm dừng đối tác chiến lược trên trang Facebook của đại sứ quán hôm 22/9, họ đã bổ sung một đoạn lời dẫn ở đầu.

Trong đoạn văn này, Đại sứ quán Đức nhấn mạnh một điểm quan trọng là trong cuộc chiến chống tham nhũng, Đức và các nước trong Liên hiệp châu Âu “luôn sát cánh” với các đối tác của mình, trong đó có Việt Nam.

Nhưng đại sứ quán lưu ý rằng cuộc đấu tranh này “phải dựa trên luật pháp của nhà nước pháp quyền, luật pháp quốc tế và sự tôn trọng lẫn nhau”.

Chị Thảo nói về những gì Việt Nam có thể làm trong hoàn cảnh hiện nay:

“Tôi không phủ nhận rằng ông Thanh là người có tội. Thế nhưng việc bắt người phải làm đúng thủ tục, chứ không thể tự tiện đem ô tô sang bắt cóc người ta được. Việt Nam nên xin lỗi và có sự công khai để cả phía Đức và phía nhân dân Việt Nam có một sự thỏa đáng”.

VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam để hỏi về phản ứng của họ trước tuyên bố của Đức, nhưng chưa nhận được câu trả lời.

Lúc này, đang có những thông tin trái ngược nhau về các diễn biến liên quan. Trên trang web Thoibao.de, tạp chí của cộng đồng người Việt tại Đức, hôm 26/9 có tin phái bộ ngoại giao Đức từ chối cấp visa cho một đoàn công tác cấp tỉnh của Việt Nam, đồng thời tạm ngừng cấp visa cho du học sinh, người lao động Việt Nam.

Ông Lê Trung Khoa, chủ của báo mạng này, khẳng định với VOA thông tin đã đăng là đáng tin cậy nhưng vì lý do tế nhị ông không thể tiết lộ nguồn tin liên quan đến đoàn Việt Nam. 

Về vấn đề visa cho sinh viên, người lao động, ông Khoa đưa ra bằng chứng là ảnh chụp màn hình trang web của Tổng Lãnh sự quán Đức ở thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, lịch đăng ký phỏng vấn xin visa cho thời gian cư trú trên 90 ngày bị “đóng băng” ít nhất tới hết tháng 1/2018. Lãnh sự quán Đức không đưa ra bất kỳ lời giải thích nào.

VOA đã cố gắng nhưng không liên lạc được với đại diện của Phòng Văn hóa và Báo chí, Đại sứ quán Đức, để kiểm chứng thông tin.

Trong khi đó, trang Facebook và báo điện tử chính thức của chính phủ Việt Nam cho biết sáng 26/9, tại Cần Thơ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã tiếp bà Lucia Bergfeld, Tham tán phát triển của Đại sứ quán Đức tại Việt Nam, và hai quan chức của Tổ chức Hợp tác phát triển (GIZ). Ông Huệ đã cảm ơn sự hỗ trợ của chính phủ Đức và tổ chức GIZ.

Tin cho hay bà Lucia Bergfeld “trân trọng gửi lời mời” tới lãnh đạo chính phủ Việt Nam tới dự buổi lễ kỷ niệm quốc khánh Đức ngày vào 3/10 tới, sẽ được tổ chức tại đại sứ quán nước này ở Hà Nội.

Phó Thủ tướng Việt Nam nói Hà Nội coi trọng việc gìn giữ và phát triển “mối quan hệ hợp tác chiến lược với Chính phủ Đức”. Ông nói thêm rằng “Chúng tôi hân hạnh được dự Ngày Tái thiết nước Đức vào 3/10 tới”. - VOA

19.
Bắc Kinh tìm cách xoa dịu Hà Nội trước Đại hội Đảng?

Vào lúc Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc sắp diễn ra, một tướng lãnh cao cấp của Giải phóng Quân Trung Quốc đã gửi tín hiệu hòa giải với Hà Nội sau khi quan hệ hai nước xấu đi với những diễn biến gần đây trên Biển Đông.

Tại một sự kiện giao lưu quốc phòng biên giới Việt-Trung mới đây, Thượng tướng Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, đã được tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng dẫn lời nói với Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch rằng hai nước “cần nhìn về đại cục, củng cố lòng tin lẫn nhau và luôn làm sâu sắc thêm liên lạc thực tế”.

“Quân đội Trung Quốc sẵn sàng làm việc với quân đội Việt Nam để kiểm soát đúng đắn khác biệt giữa hai nước và tiếp thêm năng lượng cho quan hệ song phương phát triển,” ông Phạm được Tân Hoa Xã dẫn lời nói.

Sự kiện giao lưu quốc phòng hai ngày này diễn ra tại vùng biên giới giữa tỉnh Lai Châu của Việt Nam và tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Lãnh đạo quốc phòng hai nước đã thị sát các cuộc diễn tập chống khủng bố và tuần tra của lực lượng biên phòng hai bên.

Hồi tháng Sáu, tướng Phạm Trường Long đột ngột hủy tham gia sự kiện giao lưu quốc phòng này và cắt ngắn chuyến thăm Việt Nam sau khi Hà Nội từ chối ngưng khoan thăm dò khí đốt tại vùng biển có tranh chấp trên Biển Đông theo yêu cầu của Trung Quốc.

Việt Nam sau đó đã ngưng khoan thăm dò tại Bãi Tư Chính (Vanguard Bank), một số nguồn tin cho là vì sức ép của Bắc Kinh. Trung Quốc đã dọa sẽ dùng vũ lực để tấn công một số thực thể đang nằm dưới quyền kiểm soát của Việt Nam trên Biển Đông.

Tại một hội nghị quy tụ Ngoại trưởng các nước Asean sau đó ở Philippines, Hà Nội tiếp tục làm cho Trung Quốc tức giận khi tìm cách đưa vào tuyên bố chung nội dung phản đối Trung Quốc lấp đất đắp đảo trên Biển Đông.

Ông Hứa Lợi Bình, một nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, được tờ SCMP dẫn lời, nhận định rằng sự hiện diện của ông Phạm tại sự kiện giao lưu biên giới này là “một cử chỉ thiện chí” của Bắc Kinh đối với Việt Nam.

“Thông thường thì Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc tham dự,” ông Hứa giải thích, “Tuy nhiên ông Phạm đã quyết định chủ trì sự kiện này sau khi hủy sự kiện này một vài tháng trước đây. Điều này có nghĩa là Trung Quốc vẫn tiếp tục trân trọng quan hệ với Việt Nam.”

Tờ báo này nói chuyến đi Hà Nội của ông Lưu Vân Sơn, ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị và là nhân vật xếp hàng thứ năm trong bộ máy lãnh đạo Trung Quốc, hồi tuần trước cũng được thực hiện trong tinh thần hòa giải với Việt Nam.

Ông Lưu đã gặp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ông Lưu được Tân Hoa Xã dẫn lời nói với ông Trọng rằng hai nước Việt-Trung “chia sẻ cùng vận mệnh” và hai nước “phải sát cánh để hỗ trợ lẫn nhau.”

Giáo sư Hứa Lợi Bình nhận định rằng chuyến thăm của ông Lưu Vân Sơn phản ánh mối quan hệ tổng thể giữa hai nước, nhất là giữa hai đảng cộng sản cầm quyền. Ông Hứa nói các chuyến thăm gần đây cho thấy hai nước đang cố gắng xây dựng lòng tin.

Trung Quốc sắp sửa tổ chức Đại hội Đảng vào tháng sau – sự kiện chính trị quan trọng nhất ở nước này diễn ra năm năm một lần – trong khi Việt Nam cũng đang chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương ở Đà Nẵng vào tháng 11.

“Không nước nào muốn những sự kiện chính trị quan trọng này bị xáo trộn. Đó là lý do tại sao hai nước đang tìm cách đảm bảo ổn định trong quan hệ song phương,” ông Hứa nói.

Trong diễn biến mới nhất, hôm 26/9, bà Trương Thị Ngọc Anh, phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đã được ông Du Chính Thanh, Chủ tịch Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc, và là nhân vật xếp hàng thứ tư trong bộ máy lãnh đạo, nghênh tiếp ở Bắc Kinh. Ông Du được dẫn lời nói với bà Ngọc Anh rằng sẽ nỗ lực xử lý khác biệt để củng cố mối quan hệ với Việt Nam.

Cũng trong nỗ lực duy trì môi trường khu vực trước Đại hội Đảng, Trung Quốc kêu gọi Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, đã đến thăm Bắc Kinh tuần trước, giúp thúc đẩy mối quan hệ giữa Trung Quốc với Asean. - VOA

20.
VN tìm cách cứu ĐB sông Cửu Long trước nguy cơ biến đổi khí hậu

Chính phủ Việt Nam mở hội nghị để tìm quyết sách phát triển Đồng bằng sông Cửu Long trước nguy cơ khu vực này bị “xóa sổ” do biến đổi khí hậu.

Hội nghị về phát triển bền vững vùng đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu diễn ra tại thành phố Cần Thơ trong 2 ngày 26-27/9, do chính phủ tổ chức và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đích thân chủ trì.

Truyền thông trong nước nói đây là “hội nghị lớn nhất từ trước tới nay” bàn về vấn đề này, kết quả của Hội nghị sẽ là cơ sở để “chính phủ xem xét, ban hành nghị quyết về phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL.”

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Biến đổi Khí hậu thuộc Đại học Cần Thơ nói với VOA về các thách thức mà khu vực có 18 triệu dân này phải đối mặt:

“Trong hội nghị lần này, các chuyên gia ở các ngành khác nhau sẽ đưa ra các đề xuất để làm sao ĐBSCL được phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng, các tác động của đập thủy điện ở thượng nguồn, các vấn đề nội tại như khai thác cát, nước ngầm gây lún sụt, sạt lở. Các nguyên nhận này đã làm cho đồng bằng bấp bênh hơn trước những thử thác bên ngoài và bên trong của đồng bằng.”

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn cho biết ĐBSCL lún nhanh hơn nước biển dâng, nước biển dâng mỗi năm chỉ 1-3 mm trong khi đất lún nhanh hơn sẽ làm cho đồng bằng bị ngập nhiều hơn.

Theo nghiên cứu của Đại học Utrecht Hà Lan, hiện nay ĐBSCL bị lún nhanh, từ 1,1-2,5 cm/năm. Riêng các đô thị và khu công nghiệp bị lún nhiều hơn, trung bình tới 2,5 cm/năm.

Từ năm 2005 đến nay bờ biển khu vực này bị sạt lở với tốc độ khoảng 300 ha/năm, xảy ra chủ yếu dọc bờ biển Kiên Giang và Cà Mau. Khu vực ven biển Cà Mau, Bạc Liêu, lún hơn 10 cm trong giai đoạn 2010-2015.

90% trong số 600 km bờ biển trong khu vực ĐBSCL có hiện tượng xói lở. Riêng tại Cà Mau, mỗi năm biển lấn sâu vào đất liền khoảng 15m, có nơi đến 50m.

​Báo Zing.vn cho biết chiều ngày 26/9, ông Nguyễn Xuân Phúc đã dùng máy bay trực thăng thị sát vùng ĐBSCL trong 2 giờ đồng hồ từ Cần Thơ đến Cà Mau, trước khi chủ trì phiên hợp toàn thể của hội nghị ngày 27/9.

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn nhận định rằng các giải pháp trước đây cho ĐBSCL khá rời rạc và thiếu hiệu quả. Ông kỳ vọng rằng hội nghị lần này sẽ giúp khu vực sản xuất hơn 55% sản lượng lúa cho cả nước tìm ra lối thoát bằng một phương án hài hòa nhất:

“Hội nghị lần này sẽ đưa ra giải pháp liên kết vùng và tích hợp tất cả để tìm ra một giải pháp khả dĩ nhất và chấp nhận được. Hy vọng lần này có sự hỗ trợ của các chuyên gia Hà Lan, và các tổ chức khác để giúp cho đồng bằng tìm ra một lối đi phù hợp.”

Giáo sư Võ Tòng Xuân - nhà nông học ở Cần Thơ viết trên VTC News rằng nhiều chủ trương, chính sách chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp ở ĐBSCL đã được ban hành, nhưng không thể thực hiện hoặc rất khó thực hiện vì “không có chỉ đạo xuyên suốt, có thể thấy rõ các lãnh đạo đều lúng túng không biết phải phá vỡ quán tính trồng lúa như thế nào”.

Giáo sư Xuân nói: “Biến đổi khí hậu buộc ta tiết kiệm nước ngọt tối đa, phải tạm dừng thời kỳ chuyên trồng nhiều lúa, mà phải chuyển sang thời kỳ làm tăng GDP, tăng thu nhập của nông dân. Nói tóm lại là quên ngay tư duy vựa lúa ĐBSCL đi.”

Vào tháng 7, tại buổi thảo luận ở thủ đô Washington về những xu hướng mới trong thị trường năng lượng tiểu vùng sông Mekong, các diễn giả chỉ ra rằng các đập thủy điện của Lào trên dòng chính của sông Mekong như đập Xayaburi, lâu nay vẫn bị chính phủ Việt Nam phản đối mạnh mẽ, có những tác động tiêu cực đối với sinh kế và môi trường vùng ĐBSCL.

Tháng vừa rồi tờ Ecologist trích lời ông Andrew Wyatt thuộc Liên đoàn Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên, hiện đang hỗ trợ người dân ĐBSCL, cảnh báo rằng: "Chúng ta phải hành động ngay trước khi quá muộn."

Ông nêu ra những con số mới nhất của cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA), cho thấy mực nước biển tại khu vực này có thể tăng lên đến 2,6m trước năm 2100.

Khu vực ĐBSCL hiện sản xuất 55,5 % sản lượng lúa, 70% lượng trái cây, 69% thủy sản và góp 1/3 GDP cho cả nước.

VietnamNet trích lời Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập nghiên cứu về sinh thái ĐBSCL đề xuất áp dụng nguyên tắc “không hối tiếc”: “Ưu tiên thực hiện trước những hành động ít rủi ro sai lầm khó sửa chữa được. Tôn trọng quy luật tự nhiên, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên; không thực hiện những công trình lớn, can thiệp dòng chảy làm ảnh hưởng thủy triều.” - VOA

21.
Nguyên Ngọc: “ Người Việt cũng cần xét lại cuộc chiến Việt Nam ”

Là một trong những người có mặt trong bộ phim tài liệu nhiều tập “ The Vietnam War” về chiến tranh Việt Nam của đạo diễn Ken Burns, nhà văn Nguyên Ngọc, nguyên là một sĩ quan trong quân đội miền Bắc, cho rằng Việt Nam cũng nên làm như Mỹ, tức là phải nhìn lại quá khứ, xét lại một cuộc chiến tranh mà theo ông đã dần dần trở thành một cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn do khác biệt ý thức hệ.

RFI: Thưa nhà văn Nguyên Ngọc, khi xem lại toàn bộ phim “ The Vietnam War”, ông có những nhận xét như thế nào về cách thực hiện bộ phim này?

Nhà văn Nguyên Ngọc: Theo tôi, đây là một phim lớn và rất quan trọng về chiến tranh Việt Nam. Trước đây đã có nhiều phim về chiến tranh Việt Nam, kể cả hư cấu và phim tài liệu, nhưng đây là phim lớn nhất, dài đến 10 tập và 18 giờ. Đáng nói hơn nữa, đây là một phim rất quan trọng. Sau hơn 40 năm, phim này cho thấy nước Mỹ vẫn chưa ra khỏi cái ảm ảnh của cuộc chiến tranh đó.

Khi nói rằng nước Mỹ chưa ra khỏi chiến tranh Việt Nam, nhiều người, kể cả tôi, đã nghĩ rằng đó là một điểm yếu của nước Mỹ. Nhưng xem phim này thì tôi thấy hóa ra đó là cái mạnh của nước Mỹ. Đấy là một quốc gia luôn luôn nhìn trở lại và đặt câu hỏi về quá khứ, về cuộc chiến tranh của mình, về những gì mình đã làm trong suốt cuộc chiến tranh đó. Sức mạnh của nước Mỹ chính là luôn luôn biết tự đặt câu hỏi về quá khứ của mình.

RFI: Thưa nhà văn Nguyên Ngọc, cho tới nay, về phía Việt Nam, chiến tranh Việt Nam vẫn được mô tả như là chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Nhưng nay nhìn lại thì ông có thấy cần đặt lại vấn đề về định nghĩa cuộc chiến tranh này hay không?

Nhà văn Nguyên Ngọc: Chính là tôi muốn nói về điều đó. Phim này gợi ý rất nhiều điều cho chúng ta. Vì sao mình làm cuộc chiến tranh đó, mình đã làm nó như thế nào, nó để lại những gì cho mình? Những điều đó không được đặt mạnh, đặt một cách đầy đủ.

Đã hơn 40 năm rồi, khi mà nói về chiến tranh này, bởi vì Việt Nam là người thắng cuộc, nên người ta thường nói theo chiều hướng khẳng định và ca ngợi nó. Còn cuộc chiến tranh đó đem lại những gì cho đất nước này, kể cả mặt tốt và mặt tàn phá của nó, tàn phá cả về vật chất lẫn tinh thần, thì chưa bao giờ được đặt ra một cách nghiêm túc.

Riêng tôi là một người làm nghệ thuật, tôi ao ước Việt Nam có thể có một bộ phim tài liệu theo kiểu như vậy. Giá như Việt Nam cũng tự hỏi mình như thế. Theo tôi đó là điều cần thiết.

RFI: Thưa ông Nguyên Ngọc, một trong những điều cần phải được đặt lại đó thiệt hại quá lớn về nhân mạng về phía Việt Nam để đổi lấy chiến thắng đó? Có nên đặt lại vấn đề là lẽ ra chúng ta có thể chọn cách khác để đạt được mục tiêu thống nhất và hòa bình mà không cần phải đổ máu nhiều như vậy?

Nhà văn Nguyên Ngọc: Để trả lời câu hỏi đó thì tôi xin nói vì sao tôi đã đến với phim này. Người rủ tôi đến với phim này là một người bạn Mỹ Thomas Vallely. Tôi với Vallely có một cái duyên rất kỳ lạ: Hồi sau Mậu Thân, khoảng 1970-1971, tôi hoạt động ở vùng bắc Quảng Nam, trên bờ sông Thu Bồn. Thời kỳ đó vô cùng ác liệt và cả bờ sông đều trắng hết, không còn màu xanh trên mặt đất. Bãi sông Thu Bồn trước đây là một bãi dâu xanh ngắt, thì bây giờ trên đó có mọc lên một loại cây rất lạ, gọi là cây bói, giống như lau sậy. Chúng tôi đào hầm bí mật trong những bãi bói đó.

Sau này, Vallely mới kể rằng chính ông là thủy quân lục chiến đã hoạt động ngay tại khu vực đó. Hàng ngày ông vẫn bắn vào bãi bói vì nghi chúng tôi núp trong bãi bói đó. Có hôm chúng tôi cũng bắn lại. Có lần tôi nói với Vellely rằng: “ May là ông bắn cũng xoàng và tôi thì cũng bắn xoàng!”

Chúng tôi gặp lại nhau và trở nên thân thiết với nhau là vì hai điều. Thứ nhất là chúng tôi gặp nhau trong giáo dục: Vallely là người đã giúp rất nhiều cho giáo dục Việt Nam. Thứ hai là chúng tôi đều hết sức ngưỡng mộ Phan Châu Trinh. Tôi nhắc đến chuyện đó để mà nói như thế này: Phan Châu Trinh đã từng nghĩ đến một con đường khác, mà nếu làm được thì chúng ta đã có thể đạt những điều mà chúng ta tha thiết mong muốn và có thể tránh được hai cuộc chiến tranh bi thảm và tàn phá ghê gớm như thế. Vallely cũng rất ngưỡng mộ Phan Châu Trinh trong ý tưởng đó. Cho nên chính ông đã rủ tôi đến nhóm làm phim của Ken Burns và Lynn Novick.

RFI: Phim nói về nhiều giai đoạn của cuộc chiến, trong đó có một sự kiện mà cho tới nay ở Việt Nam không ai nói đến, đó là vụ thảm sát ở Huế 1968, mà bản thân ông có nhắc đến trong phim. Theo ông biết thì vì sao lại có vụ đó?

Nhà văn Nguyên Ngọc: Trong chiến dịch Mậu Thân 1968 thì Huế là thành phố mà đánh vào được và chiếm lâu nhất. Do chiếm lâu nhất và tưởng là giải phóng hẳn rồi và đã lập chính quyền, cho nên các cơ sở bí mật trong thành phố đều xuất hiện hết, bộc lộ ra hết.

Sau đó, lực lượng chiếm thành phố bị đối phương vây trở lại và phải mở đường máu mà ra. Trước đó, khi vào chiếm Huế, người ta đã bắt những người bị cho là cộng tác với Mỹ, với chính quyền miền Nam. Trong số đó có thể có những người đúng là có làm cho Mỹ và chính quyền miền Nam, và cũng có thể có những người phạm những tội ác với những cơ cơ sở hoặc là những người theo cách mạng ở Huế. Nhưng cũng có thể có những người bị bắt nhầm và thậm chí cũng có thể có những người bị bắt chỉ vì thù hằn riêng tư.

Cho đến khi bí quá, rút ra không được, nếu thả những người này ra thì tất cả những cơ sở bí mật được chuẩn bị bao nhiêu năm, bây giờ bộc lộ ra hết, nếu thả những người bị bắt ra thì họ sẽ chỉ điểm số người hoạt động bí mật.

Trong tình thế như vậy, người ta đã có chủ trương giết những người đó. Tôi không trực tiếp ở đấy và cũng không biết cái lệnh đó là từ ai. Nhưng trong phim tôi có nói, đấy là một vết nhơ, một vết đen trong cuộc chiến tranh, về phía Việt Nam.

Trong phim không chỉ có chuyện đó, mà còn có những vụ như những vụ thanh trừng từ sau Cách mạng tháng Tám. Theo tôi, phim đã nói chính xác, nói đúng, nói khách quan, công bằng về những điều đó, kể cả về phía Việt Nam, kể cả phía Mỹ và phía chính quyền miền Nam. Đấy cũng là một cái quý của phim này và điều đó làm chúng tôi phải nghĩ lại. Chúng tôi đã đi một con đường như thế nào mà để dẫn đến những hành động như thế, những vết đen như thế.

RFI: Chiến tranh đã chấm dứt từ lâu, Việt Nam và Mỹ đã hòa giải với nhau, vì sao giữa người Việt Nam vẫn chưa có hòa giải?

Nhà văn Nguyên Ngọc: Trong phim, Bảo Ninh có nói một ý, mà theo tôi ở Việt Nam bây giờ người ta cũng nghĩ như vậy. Cuộc chiến tranh Pháp rồi chiến tranh Mỹ vừa có tính chất chống xâm lược, vừa có tính chất giải phóng dân tộc, nhưng cũng có tính chất nội chiến. Và càng về sau thì tính chất nội chiến càng sâu đậm hơn. Một cuộc tàn sát nhau, huynh đệ tương tàn vì ý thức hệ. Đó là một sự thật. Bảo Ninh đã nói điều đó và ở Việt Nam bây giờ có người đã nói ra, có người chưa nói ra, nhưng ai cũng thấy điều đó.

Ông Lê Xuân Khoa gọi cuộc chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến tranh mang tính chất ủy nhiệm, chiến tranh mang tính ý thức hệ. Chính cái đó nó đã phá nát xã hội Việt Nam. Trong phim, tôi có nói rằng cuộc chiến tranh này đã chia rẽ dân tộc một cách kinh khủng. Chưa bao giờ dân tộc Việt Nam bị chia rẽ như bây giờ. Cái tính chất ý thức hệ của cuộc chiến tranh làm cho xã hội Việt Nam bị xé nát, hậu quả đó đến bây giờ vẫn còn?

RFI: Sự chia rẽ đó phải chăng một phần xuất phát từ thời gian sau 1975, khi miền Bắc chiến thắng miền Nam thì họ đã đưa nhiều quân nhân, công chức chế độ cũ đi học tập cải tạo, và đã có những chính sách, những hành động khiến cho rất nhiều người đã vượt biên, bỏ nước ra đi và nhiều người đã bỏ mạng?

Nhà văn Nguyên Ngọc: Sự chia rẽ đó chính là hậu quả của tính chất nội chiến càng ngày càng đậm của cuộc chiến tranh. Lẽ ra là sau năm 75 anh phải hiểu ra điều đó để mà quay trở lại. Anh đã lỡ đi qua con đường đã chọn, con đường dẫn đến một cuộc nội chiến như thế. Nhưng sau năm 1975, không những anh đã không sửa chữa những điều đó, đã không tỉnh táo để chủ động hòa giải, mà một loạt những chính sách đã khiến sự chia rẽ thêm sâu sắc, làm cho tình hình thêm tệ hại. - RFI

22.
Kiều hối giúp Việt Nam ổn định tiền tệ, tăng trưởng kinh tế

Khối lượng kiều hối rất lớn từ người Việt Nam đang sống ở nước ngoài giúp ổn định đồng bạc Việt Nam cũng như đóng góp cho phát triển kinh tế trong nước.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, phó giám đốc Ngân Hàng Nhà Nước CSVN chi nhánh Sài Gòn được báo chí tường thuật cho hay lượng kiều hối gửi về thành phố được dự báo sẽ tăng 10%, tức có thể đạt con số $5.5 tỷ trong năm nay.

Theo thống kê, lượng kiều hối gửi về thành phố Sài Gòn chiếm tới 60% của lượng kiều hối cả năm trên toàn quốc vào năm ngoái.

Nhờ vậy, nhà cầm quyền Việt Nam thấy yên tâm về nguồn dự trữ ngoại hối vừa để trả nợ nước ngoài, vừa dùng để nhập cảng hàng hóa các loại. Năm 2016, lượng kiều hối chỉ dược khoảng $9 tỉ sau khi đã tăng vọt lên tới $12.25 tỉ trong năm 2015.

Nhà cầm quyền Việt Nam đang lúng túng tìm cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng cách nới lỏng chính sách tín dụng. Tuy nhiên khả năng đạt mức tăng trưởng 6.7% khó đạt được theo những dấu hiệu được Ngân Hàng Thế Giới ghi nhận.

Theo hãng tin tài chính Bloomberg, ngày 22 Tháng Chín 2017 vừa qua, ông Nguyễn Hoàng Minh cho hay, nhờ lượng kiều hối gia tăng giúp đảm bảo đủ nguồn cung đô la để đáp ứng nhu cầu của các công ty và cá nhân, đồng thời cho phép NHNN tích tụ dự trữ ngoại tệ.

Theo lời ông Minh, nhờ lượng kiều hối dồi dào, áp lực đánh sụt giá đồng nội tệ so với đô la Mỹ giảm thiểu trong dịp cuối năm, đồng thời “giúp Ngân Hàng Nhà Nước theo đuổi các chính sách nhằm giúp tăng trưởng kinh tế.”

“Kiều hối gia tăng vững vàng những tháng gần đây.” Ông Minh nói, “Chúng tôi dự trù khuynh hướng tiếp tục cho đến cuối năm khi Việt kiều ở nước ngoài thường gửi tiền về giúp thân nhân, gia đình vào các dịp lễ Tết.”

Đầu năm ngoái, khi tin về lượng kiều hối tăng vọt bất thường trong năm 2015, một số nhà phân tích đặt nghi vấn về khả năng rửa tiền tham nhũng chạy lòng vòng theo những kênh lậu ra nước ngoài rồi theo các con đường “chính ngạch” chạy về lại Việt Nam.

Kiều hối về Việt Nam từ mức $3.15 tỷ vào năm 2005 đã tăng lên $6.80 tỷ vào năm 2008, sau đó chững lại một thời gian rồi tiếp tục tăng chóng mặt. Kiều hối năm 2014 lên đến $12 tỉ năm nau lên thành $12.25 tỉ nhưng năm sau sụt xuống còn có $9 tỉ.

Trước các tin vui lượng kiều hối để về nuôi guồng máy đảng và nhà nước vừa độc tài vừa tham nhũng, người Việt Nam ở nước ngoài được guồng máy tuyên truyền của chế độ ca ngợi là “khúc ruột ngàn dặm.” Nhưng nếu có ai kêu gọi tự do, dân chủ, nhân quyền thì đều bị cáo buộc là “phản động” và “thế lực thù địch.” - nguoiviet

Link:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét