Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 23 tháng 9, 2017

Thầy trò - NGUYỄN HỒNG DŨNG

Người Việt Nam có tiếng là ham học khi có cơ hội so sánh với các quốc gia khác trên đất nước của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Nếu nghiên cứu trong bản tin US census đầu thiên niên kỷ (1) thì cứ trăm người tuổi trung bình từ mười lăm đến hăm lăm thì số phần trăm theo học các trường dạy nghề có đến bốn năm mươi phần trăm là Á Châu, ba bốn mươi phần trăm là người da trắng; còn người Hispanic và da đen dưới con số này.  Nhìn vào bảng phân loại của Á Châu thì Việt Nam đứng thứ hai sau Trung Quốc, ngang bằng với Ấn Độ vả hơn Đại Hàn một điểm.
<!> 
Con số này có thể thay đổi trong vòng mười năm, tuy nhiên trên thực tế các niên khóa hai ngàn lẻ tư đến nay của trường đại học Berkerly, Standford, San Jose State University thuộc tiểu bang California thì sinh viên Việt Nam khá lớn mạnh đến nổi trong cùng một campus có tới hai hội sinh viên Việt Nam điều hành. Dù sao thì đây cũng là một biểu hiện tích cực trong tinh thần cầu tiến của một dân tộc hiếu học, đem tinh hoa phục vụ cuộc sống và làm cho con người bớt nhọc nhằn trong việc kiếm cách sinh nhai bằng tay chân bởi có thể áp dụng kỷ năng tinh xảo vào các mục tiêu kinh tế.

Từ ngàn xưa ông cha ta đã thấm nhuần tư tưởng tôn sư trọng đạo, dù là Nho học, tân học, nghề nghiệp hay tâm linh thì vị trí của người Thầy (được hiểu là Thầy hay Cô giáo) vô cùng quan trọng và được tôn kính theo thước đo của Khổng giáo là Quân, Sư, Phụ, với tinh thần này thì ngoài công ơn sinh thành dưỡng dục của song thân, và lòng trung thành đối với quốc gia dân tộc, một con người đúng nghĩa phải tôn kính và biết ơn vị Thầy mà mình từng học qua dù chỉ với vài chữ vở lòng. Trong ba ngày tết linh thiêng nhất của dân tộc thì lễ Thầy được đặc biệt ghi nhận như một tất lòng của kẻ sĩ thành danh hay ngườì học trò lỡ vận để thể hiện ân tình qua cuộc viếng thăm và ân cần trình lên những tâm đắc sở học mà mình đạt được khi xa cách Thầy.

Quan hệ huyết thống giữa cha mẹ và con cái đã tạo nên tấm thân đầy đủ tứ chi nhưng vị Thầy là người rót vào tâm tư não trạng những trí tuệ, hiểu biết, bổn phận, trách nhiệm, phân biệt, tư cách, đạo đức, luân thường, lời ăn, tiếng nói, cư xử v.v.. như phần mềm trong bộ vi tính. Từ đó tình yêu thương dân tộc, lòng trung thành với quốc gia mới định hình và đưa từng bước chân đi theo lẽ phải. Nói tóm lại vị Thầy có trách nhiệm giáo dục bằng những kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng phân định chung quanh để tạo cho người học trò tiếp nhận những tinh túy ấy tiếp tục hành trính bước vào tương lai.

Sở dĩ thấu đáo như vậy để chúng ta có dịp nhìn lại hệ thống giáo dục của xã hội dựa trên những biến cố lịch sử, việc làm, sinh hoạt tinh thần, nghệ thuật văn hóa liên tục từ thế hệ này qua thế hệ khác truyền trao, kế thừa, phát huy. Nhờ thế mà con người càng ngày càng cải tiến, giảm thiểu những rủi ro và gia tăng những liên hệ mật thiết giữa đồng loại.

Giáo dục đã thành tựu khi con người xuất hiện trên quả đất nếu chúng ta hiểu theo chữ Hán, giáo nghĩa là chỉ bày, dục nghĩa là trưởng dưỡng thì từng thế hệ nọ nối tiếp thế hệ kia đã có biết bao vị Thầy truyền trao cho học trò điều hay lẽ phải như Đức Phật Thích Ca Mâu Ni với hai ngàn năm trăm đệ tử, Khổng Phu Tử có đến ba ngàn học trò, Socrates có hàng trăm môn đệ từ nhiều ngàn năm trước. Mục tiêu của nó chính là uốn nắn, chỉ bảo cho từng cá nhân có đầy đủ kiến thức về thể chất cũng như tinh thần làm lợi lạc cho chính bản thân người ấy cũng như ích quốc lợi sanh.

Vì thế chữ giáo dục và chữ Thầy trò gắn liền vô cùng mật thiết bởi công hạnh của Thầy luôn là ngọn hải đăng lèo lái con thuyền giữa biển khơi mênh mông, là kim chỉ nam cho đoàn hải hành tìm ra bờ bến; thật là tôn quý và kính trọng biết dường nào.

Từ ngàn xưa việc giáo dục được đặt lên hàng đầu vì kẻ sĩ tức là người có học được trọng vọng trong thứ bậc của xã hội. “Tước hữu ngũ sĩ cư kỳ liệt, dân hữu tứ sĩ vi chi tiên” (2) là một chứng minh hùng hồn nhất để diễn đạt tầm quan trọng của việc giáo dục hầu xây đắp nền tảng “vốn liếng tri thức phong phú” của quốc gia. Để cho “một vốn bốn lời” này thì người Thầy luôn quan tâm trao truyền ba chiếc chìa khóa cho người học trò có khả năng khai mở cánh cửa tự tin thanh thản bước vào cuộc đời, đó là trí, đức và mỹ dục.

Môi trường chung quanh sẽ biến hiện thành, trụ, hoại, không, mà kiến thức của học trò chưa thông thì vô cùng tai hại, vì vậy trí dục là chìa khóa khai mở bộ óc để khám phá, tìm tòi những gì đã, đang và sẽ xảy ra làm thành bộ sưu tập riêng cho chính mình. Từ đó mà sống giữa thế gian, người học trò có thể giúp ích được chính mình và kẻ khác, tận dụng trí dục để phát minh ra những công cụ kỹ thuật trong tiến trình phát triển xã hội. Nhưng căn bản của nó chính là câu tục ngữ giản dị, bình dân mà thật là đúng ý: “không thầy đố mày làm nên” rõ ràng toát lên những thành tựu sáng chói của Albert Einstien, của Pythagore, của Mozart (3) có hình bóng vị thầy dày công nghiên cứu, tìm tòi, âm thầm chỉ bảo phía sau.

Cổ nhân có dạy là “đức thắng tài vi quân tử, tài thắng đức vi tiểu nhân” (4) ý nghĩa trong việc lấy đức hơn trí thì cũng đáng thành bậc hiền nhân, ngược lại có trí, có tài mà thiếu đức, thiếu nhân thì chỉ là hạng đâm thuê, chém mướn. Nói như vậy chắc không ngoa lắm, bởi lẽ ngay từ ngày đầu tiên theo mẹ đến trường, tấm bảng đen trên tường thầy giáo đã chép và đọc từng chữ cho đứa học trò chưa biết nét a, b là: “tiên học lễ, hậu học văn”. Cái lễ nghĩa được nói ra đây chính là ngọc báu của trần gian, cái khiêm cung, lễ phép, thành thật, hòa ái, đi thưa, về trình với ông bà cha mẹ trong nhà đến bè bạn thân hữu ở xã hội là nét đặc thù của nhân bản, nhân cách sống dựa trên công bằng, hợp pháp chứng tỏ một quốc gia hòa bình, an lạc và phú cường. Sách cổ học tinh hoa có nói rằng “Không gì cao quý bằng đạo, không gì đẹp đẽ bằng đức, đạo đức hưng thịnh, tuy làm kẻ thất phu cũng không hoạn nạn; đạo đức suy vi, tuy làm hoàng đế cũng như ngồi trên than lửa” (5).

Mỹ dục là học về cái đẹp của cuộc sống cần chia sẻ, hỏi han giữa người thân kẻ sơ, sự quan tâm cho vạn vật  chung quanh với tấm lòng bao dung giữa cuộc sống trần gian đầy sa đọa. Yêu vẻ đẹp thiên nhiên, hùng tráng sanh ra tâm bảo vệ môi trường, từng ý thức không làm đớn đau cho những ai hiện hữu bên ta, đem phúc lợi bình an và thân ái sớt chia cùng khắp. Tục ngữ Việt Nam có câu: “lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” chính do mỹ dục mà ra để làm đẹp trần gian bằng âm thanh hòa ái.

Những gì trên đây đã xảy ra trong những năm tôi học tiểu học đến trung học tại quê nhà. Môn công dân giáo dục ở bậc trung học đệ nhất cấp hồi trước năm bảy lăm có một sức hấp dẫn thâu miên, tôi thuộc lòng từng câu ca dao trên vách tường dù ý nghĩa chưa hẳn rành rọt lắm, “uống nước nhớ nguồn, lá lành đùm lá rách, bầu ơi thương lấy bí cùng, một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ” v.v..không ngờ là những “khẩu khuyết võ học bí truyền” để khi lớn lên tôi “xuất chiêu” đều đạt như sở ngưyện, mỹ dục là ở chổ vì người chứ không vì mình, nhưng nhân quả là mình gieo lòng thành thật để hái được hoa trái bình an; gieo sự cởi mở để gặt được quả thân ái và lòng khiêm cung lúc nào cũng nhận được sự thương yêu, mến mộ.

Ngồi tính lại các vị Thầy đã khai trí từ mẫu giáo đến hậu đại học có đến hơn trăm người, ngần ấy bộ não đã dày công tìm tòi, học hỏi, rút tỉa và trau chuốc để rót lại vào tâm trí tôi những tinh hoa tuyệt mỹ hình thành nhân cách, cuộc sống, ý thức và tâm tư thì ân nghĩa ấy có đặc vị trí vị Thầy vào hàng số một, số hai cũng chỉ là phương tiện tỷ giảo tạm thời…ngôn ngữ trần gian đâu có thể nói rằng mình thương bộ óc hơn đôi bàn tay?
*
*  *
Sau năm Một chín bảy lăm thì nước nhà thay đổi thể chế thành Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam nằm dưới sự kiểm soát của cơ chế Đảng trị, từ đấy những giá trị trong xã hội đều thay đổi ngược chiều theo chủ trương của nhà đương quyền hiện tại, trước hết là ý niệm về lòng yêu nước đã bị lợi dụng khi kẻ cầm quyền có súng trong tay hô hào yêu nước là yêu xã hội chủ nghĩa. Kế đến là niềm tin tôn giáo bị xuyên tạc khi chủ nghĩa Macxist tuyên bố “tôn giáo là liều thuốc phiện”(6) và địa vị người Thầy khai tâm mở trí được Mao Trạch Đông đánh giá rằng “trí thức còn thua cục phân”(7), rồi thân phận thiêng liêng của người cha, người mẹ sinh thành cũng bị ngưởi cầm đầu nhà nước là ông Trường Chinh từng tố cáo song thân mình là kẻ cường hào, địa chủ cần phải giết (8). Hỡi ôi! tôn ti trật tự của giềng mối quốc gia còn đâu nữa khi con người sống trong bối cảnh mà ai nấy phải dối trá để sống, lừa lọc để sinh tồn và khủng bố kẻ khác để được chiến thắng dù đó chỉ là những thấp hèn của bản chất hạ tiện, ích kỷ và lưu manh. Cũng theo nguyên tắc nhân quả nêu trên thì xã hội đã có biết bao người gieo mầm gian dối thành ai nấy đều gặt hái quả ngờ vực, gieo lòng tham lam nên gặt toàn nỗi tổn hại, gieo rắc đố kỵ nên gặp ai cũng thấy ê chề đầy phiền muộn, và oán thù chồng chất mãi nên chẳng gặp cảnh trái ngang cũng đụng bao oan khiên nghiệp báo.

Làm gì để khôi phục lại tinh thần văn hóa Việt, làm sao để tinh thần tôn sư trọng đạo  được xiển dương mà ý thức mầm non được bén rể về lễ, nghĩa, liêm, sĩ. Làm sao mà tình người được trang trải trong cuộc sống, không sợ hãi, e dè, không gian dối, lừa lọc, biết kính già, nhường trẻ, biết chia sẻ đùm bọc, nói đúng sai phải trái theo lương tâm,  ý thức không bóp miệng a dua hay làm cho lấy lệ, cầu an… Tất cả là những câu hỏi bình thường ấy cần giải quyết hơn là đầu tư những tòa nhà nguy nga tráng lệ, những khách sạn cao tần hùng vĩ với những thời nhảy nhót suốt thâu đêm, những bãi biển xanh ngát trùng dương với toán vũ nữ thoát y trên cát trắng. Đồng Dollar thu nhập từ đó phải chăng đã góp phần làm suy sụp lương tâm?  bóp méo những giá trị đích thực mà bài giảng đạo đức với vị Thầy đầu bạc bên bảng đen bụi phấn rơi rơi, những tấm thân gầy gò của thầy còng lưng trên đống bài gò lại từng nét chữ nghệch ngoạt, cong queo. Nếu cho đó chỉ là hình ảnh quê mùa của dĩ vãng tầm thường, nhà quê, thiếu văn minh, khoa học…; mà phải là những laptop gọn nhẹ, iphone đầy tiện nghi, áo phạch ngực, váy sát hán mới là thời đại thì ôi thôi! văn hóa Lạc Hồng biết bao giờ mới phục hưng để câu cách ngôn “tiên học lễ, hậu học văn” thuộc lòng trước khi đánh vần hai chữ Việt Nam.

Để xây dựng một lâu đài tuyệt mỹ trên mảnh đất khô cằn cần phải có chất liệu tươi mát của cái hồn dân tộc thật sự đã hình thành từ nhiều ngàn năm trước chứ không cần phải tìm tói, sáng tạo hay vay mượn ở đâu đâu, nó có sẵn và chờ đợi ta trao truyền vào não trạng trong tuổi thơ học đường và áp dụng từng hành vi xã hội. Nếu nghiêm chỉnh thừa nhận mục đích chính của giáo dục là sự truyền thụ và đào tạo con người có đạo đức và kiến thức hầu tạo nên một cuộc sống chung quanh thăng hoa và tươi đẹp thì thầy giáo chính là kiến trúc sư của tòa lâu đài kiên cố kia được xây dựng trên cái đức sáng ngời, cái trí minh bạch và tâm thức trong sáng hiền lương.

Như dòng nước chảy xuôi, như tình thiêng liêng mẫu tử, vị Thầy chẳng bao giờ mong đứa học trò lễ mễ đáp nghĩa tri ân mà chỉ ước mơ những gì mình truyền thụ được thực nghiệm chu toàn. Nhưng bổn phận người học trò không vì thế mà quên mất cái trí tuệ vốn có bởi công khó mà Thầy nâng niu chia sớt bằng sự đền bù cụ thể: Sống cho đáng sống của một kiếp người đúng nghĩa như Thầy từng giảng dạy trên chiếc bảng đầy bụi phấn rơi rơi.

Viết cho Kỷ Yếu Hội Ngộ Liên trường Quảng Ngãi 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét