Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 26 tháng 9, 2017

MIỀN TÂY - LỊCH SỬ TRĂM NĂM ĐỜN CA TÀI TỬ & SÂN KHẤU CẢI LƯƠNG * VÀI KỶ NIỆM Ở QUÊ NHÀ & TẠI SACRAMENTO - ANH PHƯƠNG Trần Văn Ngà

                                            NGHỆ SĨ CAO VĂN LẦU 
LTG - Bộ môn văn hóa nghệ thuật dân tộc - sân khấu cải lương, nhiều người chưa có thưởng thức và cả đờn ca tài tử nữa, vì thành kiến hay xem thường, theo tân học... chỉ thích xem xi nê, kịch nói, nghe tân nhạc, quên đi văn hóa nghệ thuật dân tộc cải lương, đặc thù của người dân Miền Tây Nam Bộ.
<!>
Người viết bài này, cũng từng lảng quên cải lương trên dưới 60 năm. Khi vào tù cộng sản, đến năm thứ 10 được một người bạn "dụ" tập ca vọng cổ cho quên sự buồn lo gia đình. Thật đúng, cải lương hay nói cách khác là cổ nhạc miền Nam chửa được tâm bịnh, tôi "ngộ",  yêu thích cổ nhạc từ đó và thầm nghĩ dù ở tù bao lâu nữa cũng không sao miễn được học ca vọng cổ và các bản vắn là đủ an ủi "quên đời". Một bài ca vọng cổ 6 câu có rất nhiều lời, soạn giả tha hồ mà tả cảnh, tả tình lâm ly mọi gốc cạnh như một tập truyện mà tân nhạc vì quá cô động, ít lời khó mà diễn tả tình tiết và một bản tân nhạc chỉ có thể so sánh với nội dung một bản vắn của cổ nhạc. Sự phong phú đa dạng về nội dung của vọng cổ - cải lương hơn hẵn tân nhạc. Tuy nhiên, cả hai bộ môn văn hóa này bổ túc cho nhau, không loại nhau.
 Quý vị "hy sinh" một ít thời giờ, thử đi xem một lần đờn ca cổ nhạc - cải lương như buổi văn nghệ cổ nhạc gây quỹ cứu trợ bão lụt Harvey 15.10.2017  tại Sacramento sẽ đánh giá sự trung thực của người viết
Đờn Ca Tài Tử và bộ môn văn hóa nghệ thuật sân khấu Cải Lương như hình với bóng, đã đi sâu vào lòng người, nhứt là tại miền Nam Việt Nam. Đặc biệt, ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, đờn ca tài tử và cải lương đã thấm (ngấm) sâu vào huyết quản và sự đam mê yêu thích nhiệt tình của nhiều người với lịch sử hơn một trăm năm. Từ sơ khai, đờn ca tài tử phát triển theo năm tháng và cải cách không ngừng để tiến tới bộ môn văn hóa nghệ thuật sân khấu cải lương hoàn chỉnh như hiện nay, làm vẻ vang cho nền văn hóa dân tộc Việt Nam, đi sâu vào tâm tư tình cảm, đánh dấu sự thăng hoa cuộc sống của con người.
SƠ  LƯỢC LỊCH SỬ ĐỜN CA TÀI TỬ & CẢI LƯƠNG
Phong trào Đờn Ca Tài Tử của nền Cổ Nhạc miền Nam Việt Nam đã xuất hiện từ xa xưa, những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 - Cải Lương tiếp nối sau đó với mốc thời gian 1917. Bộ môn nghệ thuật sân khấu cải lương đã ra đời được 100 năm, 1917-2017 (H: Tượng đài lưu niệm Đờn Ca Tài Tử Nam Bộ tại Bạc Liêu & Ông Tổ Bản Vọng Cổ - Sáu Lầu vời cây đờn kìm).
Khởi đầu - lúc ban sơ, từ đờn ca tài tử (độc thoại... đối thoại), tiến đến "ca ra bộ" và cải lương ra đời tiếp sau đó. Nói đến cải lương là phải có chủ đề của mỗi vở hát, tuồng tích hẵn hòi, có soạn giả viết tuồng có đào kép chánh và phụ với các phông màn, cảnh trí, y trang thích hợp cho từng loại tuồng cùng với một dàn đờn có nhiều thầy đờn (nhạc sĩ) chuyên nghiệp.

Trong lúc đó, gọi là đờn ca tài tử, mặc diện xuề xòa, thế nào cũng được, chỉ cần một thầy đờn hay hai thầy đờn (thương là 1 đờn kìm - 1 ghi ta) là đủ. Và các bài ca không cần thiết có tuồng tích , hát độc thoại hay đối thoại các bản vắn hay vài câu giọng cổ cũng không cần đủ 6 câu hay 20 câu vọng cổ của thời xa xưa. Hơn nữa, nghệ sĩ đờn ca tài tử ngồi tại chỗ hay đứng ca mà không cẩn phải ca ra bộ và diễn xuất với nhiều tâm tư tình cảm như cải lương. Có thể nói: Cha đẻ của bộ môn nghệ  thuật cải lương là đờn ca tài tử của miền Nam.
Cái nôi của cải lương từ miền Tây - đồng bằng sông Cửu Long, lan tỏa tiến nhanh tiến mạnh ra miền Trung miền Bắc, từ năm 1930 với các nghệ sĩ nổi tiếng và các đoàn hát nổi tiếng trước năm 1954 như "Tiếng Chuông Vàng (Bắc Việt) Kim Chung".
Lịch sử của người Việt tỵ nạn chánh trị, cũng đã trải qua hơn 42 năm viễn xứ (từ 30 tháng 4 năm 1975), những bộ môn điện ảnh, sân khấu, ca nhạc, cổ nhạc cải lương kể cả truyền thông báo chí và văn hóa ẩm thực của tổ tiên quê cha đất mẹ cũng được người Việt tỵ nạn mang theo ra xứ người. Và nay như trăm hoa đua nở, nền văn hóa và nghệ thuật dân tộc đã thật sự sống dậy làm thăng hoa cho cuộc sống lưu vong của người Việt mất quê hương, nhưng, không mất gốc, mất văn hóa dân tộc.
Chúng ta đi đâu trên xứ Mỹ hay các nước Úc, Âu, Canada nơi nào có nhiều cộng đồng người Việt đông đảo đều có cảm nhận như chúng ta đã mang theo đất nước và dân tộc Việt Nam qua những sinh hoạt văn hóa
 nghệ thuật sống động như hồi còn ở quê nhà. (H: Tác giả bài này đứng trước Công viên lưu niệm nghệ sĩ Sáu Lầu tại thành phố Bạc Liêu - tháng 4 năm 2017)
.
Cổ nhạc của ba miền Nam Trung Bắc đều được trải nghiệm ở hải ngoại rất sớm khi người Việt kết hợp, tổ chức thành cộng đồng. Tuy nhiên, chỉ có cổ nhạc Miền Nam như cải lương đã thật sự sống dậy càng ngày càng vững mạnh. Điển hình, qua các đài truyền hình, phát thanh... ở khắp nơi có nhiều người Việt định cư, có những chương trình dành riêng cho bộ môn văn hóa nghệ thuật cải lương. Ngoài phát lại các tuồng cải lương đã thu trong nước, còn có chương trình đặc biệt bàn luận, phổ biến những kiến thức về cổ nhạc (trong số đó có nghệ sĩ đa tài Chí Tâm), hay phỏng vấn các nghệ sĩ cải lương một thời vang bóng, nổi tiếng ở quê nhà trước năm 1975 kể lại thời vàng son của nghệ thuật cải lương - cái nghề của các ngôi sao nghệ sĩ hái ra bạc triệu triệu, hơn tất cả các bộ môn nghệ thuật khác và được nhiều khán giả nhiệt liệt hoan nghinh ủng hộ.

Trên Wikipedia định nghĩa cải lương: Cải lương là một loại hình kịch hát có nguồn gốc từ miền Nam VN, hình thành trên cơ sở nhạc đờn ca tài tử cùng dân ca miền đồng bằng sông Cửu Long và nhạc tế lễ.
Hiện nay, ở Hoa Kỳ, cải lương được quảng bá "live shows" sâu rộng qua hai hệ thống truyền hình nổi bật: đài SBTN (Cổ Nhạc Phương Nam với Tuấn Châu - Ngọc Đáng và nghệ sĩ lão thành 90 tuổi Văn Chung) và TV Việt Face có chương trình ca cổ của nghệ sĩ Hồng Loan (con gái của nghệ sĩ Bảo Quốc và cô ruột là cố nghệ sĩ Thanh Nga) với chương trình đặc biệt thường xuyên hàng tuần. Những đài truyền hình khác và các đài phát thanh cũng có phát những tuồng cải lương đã thu ở quê nhà phát lại cũng thu hút rất nhiều khán giả, nhứt là khán giả lớn tuổi còn mang nặng quê hương trong lòng qua các vở cải lương đặc sắc, chứa chan tình cảm tuyệt vời như  Đời Cô Lựu - Tô Ánh Nguyệt - Thuyền Ra Cửa Biển - Sân Khấu Về Khuya - Tiếng Trống Mê Linh - Bên Cầu Dệt Lụa - Tuyệt Tình Ca - Áo Cưới Trước Cổng Chùa - Lan và Điệp...
Với những soạn giả nổi tiếng viết những vở tuồng qua nhiều thể loại, lịch sử, hương xa, kiếm hiệp và đặc biệt nhứt là các tuồng tình cảm xã hội đã lấy biết bao nước mắt của khán giả mê thích, như: Năm Châu - Hà Triều - Hoa Phượng - Viễn Châu - Thu An - Bảy Cao - Kiên Giang - Quy Sắc - Thiếu Linh - Yên Lang...
Về các ngôi sao đào chánh ăn khách nhứt, được giới thưởng ngoạn hâm mộ và xem như thần tượng riêng của mình, trong số đó có nữ nghệ sĩ thời danh, thanh sắc vẹn toàn Thanh Nga và cô đoạt được giải huy chương vàng cải lương Thanh Tâm đầu tiên. Nối tiếp, các ngôi sao đào thương chánh như Bạch Tuyết - Phượng Liên...cũng nhận được huy chương vàng Giải Thanh Tâm.
Các ngôi sao đào chánh - đào thương: ngoài Thanh Nga - Bạch Tuyêt - Phượng Liên (đang định cư tại miền Nam Cali) còn có rất nhiều đào chánh nổi tiếng: Phùng Há - Út Bạch Lan - Ngọc Giàu - Thanh Thanh Hoa - Lệ Thủy - Hương Lan (thế hệ kế thừa)...Còn những kép chánh nổi tiếng như: Út Trà Ôn - Năm Nghia - Thành Được - Hữu Phước - Việt Hùng - Minh Chí - Văn Chung - Hùng Cường - Dũng Thanh Lâm - Thanh Sang - Thanh Tú - Minh Vương - Chí Tâm (thế hệ 2)...
Giải Thanh Tâm được tổ chức hàng năm bầu chọn các ngôi sao cải lương được khán giải ái mộ và nổi tiếng trong năm. Giải Thanh Tâm do ký giả Trần Tấn Quốc sáng lập từ năm 1958 đến năm 1968 và sau này theo năm tháng chiến tranh gia tăng ác liệt, Giải Thanh Tâm cũng lụi tàn dần và bộ môn  nghệ thuật sân khấu cải lương cũng bị ảnh hưởng sa sút.
Sau cuộc đổi đời năm 1975, miền Nam đổi chủ, ngành nghệ thuật sân khấu cải lương trong nước cũng sống ngoắc ngoải kéo dài cho đến năm 1985. Và đến nay, bộ môn nghệ thuật cải lương ở trong nước với hơn 90 triệu dân lại sống không được. Trong khi đó ở hải ngoại, nhứt là tại Hoa Kỳ với người Việt vài triệu người mà nền cổ nhạc miền  Nam Việt Nam - đờn ca tài tử và nghệ thuật cải lương - có cơ hội được nuôi dưỡng chăm sóc tốt, đang vươn lên sống dậy đều khắp các tiểu bang một cách khá vững chắc mạnh mẽ...Vì vậy, nền cổ nhạc của miền Nam Việt Nam tự do năm xưa sẽ không bị mai một ở hải ngoại, người viết tin tưởng như vậy!. Thực tế cho biết ở hải ngoại, bộ môn nghệ thuật sân khâu cải lương hay đờn ca tài tử được hình thành là nghệ thuật vị nghệ thuật, không  phải như ở trong nước là nghệ thuật vị chánh trị hay vị  nhân sinh, nuôi sống cả gia đình. Ở hải ngoại, các nghệ sĩ cổ nhạc trẻ thường có nghề chánh để sinh sống như công tư chức, làm nail, làm tóc, địa ốc, sửa xe, thương mại, nghề tự do... đã bảo đảm được cuộc sống và còn đam mê phát triển ngành cổ nhạc miền Nam Việt Nam là muốn làm đẹp thêm cho đời, thăng hoa cuộc sống của người Việt xa quê hương.
THỜI NGUYÊN SƠ CỦA BỘ MÔN NGHỆ THUẬT SÂN KHẤU CẢI LƯƠNG
* Năm 1910, đờn ca tài tử được diễn trước nhiều khán giả trước giờ chiếu phim ở rạp chiếu bóng Casino sau chợ Mỹ Tho của ông Nguyễn Tống Triều (gốc gác Cái Thia - Mỹ Tho) vào tối thứ tư và thứ bảy hàng tuần. Tình cờ có một khán giả từ Vĩnh Long đến xem - ông Phó Mười Hai, khoảng năm 1915 - 1916, ông mang hình ảnh đờn ca tài tử tại rạp Casino về quê nhà. Ông quy tụ một số nghệ sĩ ca tài tử địa phương diễn tập trên bộ ván gõ tại nhà ông với ca ra bộ. Đó là bước khởi đầu đầy sáng tạo và đã thai nghén ngành sân khấu cải lương tử thời điểm "lịch sử" này.
* Đến năm 1917, ông André Thân (Lê Văn Thân) ở Sa Đéc lập ra gánh xiếc có thêm màn phụ diễn ca ra bộ trước nhiều khán giả, lưu diễn khắp mọi nơi, được nhiệt liệt hoan nghênh. Từ đây, ngành sân khấu cải lương "có đất dụng võ" với buớc khởi đầu tốt đẹp chánh thức được hình thành.
* Năm 1918, để ăn mừng Pháp chiến thắng trong cuộc chiến thế giới lần thứ I, tại Đông Dương, Toàn quyền Albert Sarraut đưa đờn ca sa lông lên sân khấu lớn biểu diễn ở khắp  Nam Trung Bắc Việt Nam.
Đặc biệt ông Năm Tú (Châu Văn Tú) ở Mỹ Tho "chuộc" (mua lại) gánh hát của ông André Thân (Sa Đéc), cải tiến thêm với phông cảnh, y trang và mời ông Trương Duy Toản (soạn giả đầu tiên) biên soạn tuồng hát cải lương và từ đó hình thái bộ môn sân khấu cải lương khá hoàn chỉnh, chánh thức ra đời tại Mỹ Tho.
* Cũng năm 1918 - ngày 16.11.1918 - tại rạp hát Tây lớn nhứt Sài Gòn (đường Catinat - Tự Do, nay là Đồng Khởi, thời Đệ II Việt Nam Cộng Hòa là trụ sở của Quốc Hội - Hạ Nghị Viện) có diễn tuồng "Pháp - Việt Nhứt Gia, tức là tuồng cải lương Gia Long Tẩu Quốc được khán giả nhiệt liệt tán thưởng.
* Năm 1920, lấn đầu tiên hai chữ Cải Lương được trịnh trọng xuất hiện trên bảng hiệu của gánh hát Tân Thanh với câu liên đối:
CẢI cách hát ca theo tiến bộ
LƯƠNG truyền tuồng tích sánh văn minh.
* Thời cực thịnh của bộ môn nghệ thuật sân khấu cải lương trước và sau thập niên 1960, tại vùng Sài Gòn, Chợ Lớn và Gia Định có đến 39 rạp hát cải lương và có 20 nơi (trung tâm) luyện tập cổ nhạc mà thời bấy giờ gọi lá các "lò" huấn luyện môn sinh vào con đường ca diễn cải lương. Người viết rất hân hạnh thân quen với nghệ sĩ Út Trong (thầy dạy đào hát số 1 Thanh Nga từ hồi còn bé đến thành danh) có lò dạy tư các môn sinh, khá tiện nghi và chuyên nghiệp vào bậc nhứt ở Sài Gòn lúc bấy giờ, tại căn phố lầu đường Trần Hưng Đạo - gần cây xăng ở ngã tư Đại lộ Trần Hưng Đạo & Đại lộ Cộng Hòa (chợ Nancy).
ÔNG TỔ BÀI CA VỌNG CỔ: NGHỆ SĨ CAO VĂN LẦU - SÁU LẦU
Nói  đến bộ môn văn hóa nghệ thuật dân tộc Cải Lương mà không tìm hiểu sâu rộng về bài ca chủ lực của Cải Lương là một điều thiếu sót lớn, khó chấp nhận. Nếu không có một hay nhiều bài ca vọng cổ trong một vở tuồng cải lương, không thể gọi đó là vở cải lương được vì cái tinh hoa của cải lương là phải có ca vọng cổ xuống giọng "xề - hò" muồi rệu còn gọi là muồi "tận mạng", đèn chợt tắt và tiếng vỗ tay vang rần trong rạp hát hay bất cứ nơi nào có trình diễn cải lương. (H: Ông Sáu Lầu với cây đờn "thầy" - đờn kìm)

Bài ca vọng cổ là linh hồn của vở tuồng cải lương, ngoài ra, còn có những bản vắn, nối lối, diễn xuất, sân khấu với đầy đủ phông  màn, cảnh trí, y trang của đào kép và nhiều thứ cần thiết khác mới kết thành một vở tuồng cải lương có ý nghĩa đáng thưởng ngoạn.
Cái nôi của bài ca Vọng Cổ là ở Bạc Liêu, ông Tổ bài ca vọng cổ là ông Sáu Lầu - Cao Văn Lầu.
Bài ca này, ban đầu 22 câu với nhịp đôi, được sự góp ý của các bậc thầy cổ nhạc, tụt xuống còn 20 câu với nhịp 4, rồi tăng dần lên nhịp 8, 16 (như Út Trà Ôn ca Sầu Vương Biên Ải - Tôn Tẩn Giã Điên...). Sau này, từ 20 câu vọng cổ, cô động, rút xuống còn lại 6 câu của bài ca vọng cổ chuẩn mực với nhịp 32.
Tôi mê thưởng thức đờn ca tài tử hồi còn nhỏ lúc lên 7 - 10 tuổi  mà tôi còn ghi nhớ nhiều kỷ niệm cho đến tận bây giờ - trên 73 năm.
Vì vậy, tôi ao ước về thăm lại Bạc Liêu, cũng là nơi ghi đậm kỷ niệm đầu đời quân ngũ của tôi tại chiến trường miền Tây từ năm 1963, và cũng là cơ hội kết hợp với sự thăm viếng tìm hiểu về ông Tổ bài ca Vọng Cổ bất hủ Cao Văn Lầu và viếng nhà lưu niệm công tử Bạc Liêu. Một công tử có cách chơi ngông có một không hai trên cõi đời này của một tên nhà giàu phá của. Một cô bồ cùng ở chung phòng với công tử làm rơi tiền xu dưới gầm giường, công tử nhà ta nổi máu ngông, giựt le, bật hộp quẹt đốt tờ giấy bạc làm "đuốc" soi rọi tìm xu lẻ của người đẹp (nếu tờ giấy bạc con công có 2 loại 5 đồng hay 20 đồng bạc Đông Dương và nếu tờ giấy bạc bộ lư mệnh giá 100 đồng bạc Đông Dương - lúc bấy giờ 1 mét vải chừng hơn 10, 20 xu?). Ao ước về thăm lại Bạc Liêu, đã trở thành hiện thực khi tôi trở về quê chịu tang bà chị ruột trong 2 tuần, tháng 4 năm nay (2017). Sau tang lễ, còn lại đúng 1 tuần, tôi có dịp được hai vợ chồng đứa cháu đưa tôi đi thăm lại "chiến trường xưa": Cần Thơ - Sóc Trăng - Bạc Liêu và Cà Mau.
Có dịp thăm lại "xứ Bồ Líu" - Dưới sông cá chốt trên bờ Triều Châu", tôi đi thăm khu lưu niệm của Vua hay còn gọi là ông Tổ Vọng Cổ Sáu Lầu và nhà lưu niệm Công Tử Bạc Liêu. Ai có dịp đến Bạc Liêu mà không tìm hiểu hay thăm viếng hai khu lưu niệm nổi tiếng này, kể như chưa có đến Bạc Liêu vậy.!
* Ông Cao Văn Lầu, nguyên quán Vàm Cỏ, Long An, sanh ngày 22.12.1892. Từ  4 tuổi, Cao Văn Lầu theo cha mẹ và anh chị em về lập nghiệp ở Bạc Liêu và thành danh ông Tổ Vọng Cổ tại xứ Bồ Líu này.
Ông Cao Văn Lầu mất tại Thành Phố Sài Gòn ngày 13.8.1976 - thọ 83 tuổi.
Cuộc sống từ trẻ thơ của ông Cao Văn Lầu vô cùng khổ cực, làm thuê, làm mướn tiếp giúp cha mẹ có đông con. Thấy cảnh hàn vi cơ cực, Hòa thượng Bảo Minh, trụ trì chùa Vĩnh Phước, thương tình đề nghị với cha mẹ của Cao Văn Lầu, lúc 8 tuổi, đưa vào chùa tu học và có chỗ ăn ở đàng hoàng. Hòa thượng trụ trì, ngoài giảng dạy kinh kệ và Thầy còn dạy chữ nho cho Cao Văn Lầu.
* Đến năm 1905, cha của Cao Văn Lầu muốn cho con học chữ quốc ngữ và xin Thầy trụ trì cho con minh trở về nhà. Cao Văn Lầu học chữ quốc ngữ đến Cours Moyen deuxième année - tức là lớp nhì năm thứ 2 (tương đương với lớp 4 bây giờ - lúc đó lớp 4 phải học 2 năm mới lên lớp 5 được).
* Năm 1908, Cao Văn Lầu đã 17 tuổi, có năng khiếu đờn ca bẩm sinh, xin cha đưa đến thỉnh giáo nghệ sĩ  Hai Khị (nhạc Khị) - một thầy đờn cừ khôi nhứt trong vùng dù thầy Khị bị khiếm thị, nhưng rất tinh thông với ngón đòn thiên phủ tuyệt vời qua các loại đờn: cò - kìm - đờn tranh và trống lễ...
Từ lúc đó, Cao Văn Lầu với tư chất thông minh và có năng khiếu âm nhạc, đờn ca, chẳng mấy chốc, Cao Văn Lầu đã học hết nghề đờn của thầy Nhạc Khị và ông còn sáng tác bài ca nữa.
 * Năm 1916, 25 tuổi vâng lệnh song thân, ông Cao Văn Lầu cưới vợ là cô Trần thị Tần. Hai vợ chồng sống chung đầm ấm hạnh phúc chan hòa tình thương, suốt 3 năm chung sống mà không sanh con. Tục lệ cổ hủ xưa, cưới vợ 3 năm không con, gia đình bắt buộc phải đưa vợ về trả lại cho cha mẹ vợ để còn cuới vợ khác sanh con nối giòng nối giống.
Dù gặp hoàn cảnh éo le ngang trái, đau khổ, 2 vợ chồng  đang sống hạnh phúc, gia đình bắt buộc phải thôi, xa nhau. Nhưng, khi thầy đờn Sáu Lầu đi đờn ca xướng hát ở đâu cũng len lén về thăm lại vợ cũ và đưa hết tiền thù lao có được cho bà tiêu xài hay cất giữ.
Thầy đờn Sáu Lầu càng ngày càng nổi tiếng được gánh hát cải lương của Ba Xú (Bạc Liêu) mời về làm nhạc công cho gánh hát. Gánh hát lưu diễn thường xa nhà người yêu quá lâu, không thường về thăm được. Đêm đêm sau khi màn nhung buông xuống, thầy đờn Sáu Lầu lại nhớ vợ vô cùng da diết nên mới sáng tác 1 bài ca gồm có 22 câu để nghêu ngao hát cho đở nhớ vợ, nhớ nhà và bài ca này chưa biềt đặt tên gì?.
Có dịp trở về quê, thầy đờn Sáu Lầu trình lại với sư phụ Nhạc Khị và ca cho sư phụ nghe, cỏn có nhà sư Nguyệt Chiếu cùng thưởng thức. Thầy Nhạc Khị xin nhà sư đặt tên cho bài ca ai oán não nuột nhớ vợ (hay nhớ chồng) đêm khuya thanh vắng của Sáu Lầu. Nhà sư nghe qua lời tâm sự tỏ bày uẩn khúc của Sáu Lầu, hàng đêm trăn trở vì phải xa nhau nhớ nhau tha thiết cho nên Sáu Lầu sáng tác bài ca này, hát cho đở nhớ vợ. Tên bài ca não nùng ai oán này chưa có, nên nhà sư Nguyệt Chiếu đặt tên là Dạ Cổ Hoài Lang (chữ nho: Dạ là đêm - Cổ là trống - Hoài là nhớ - Lang là chồng) - có nghĩa rộng là nghe tiếng trống đêm khuya lại nhớ chồng hay là:  Đêm khuya vẳng xa tiếng trống - Chạnh lòng nhớ đến chồng yêu.
Đến khi đặt tên bài ca Dạ Cổ Hoài Lang và thể theo đề nghị của Thầy Nhạc Khị, từ 22 câu còn lại đúng 20, từ nhịp đôi lên nhịp 4. Dần dà theo thời gian, bản Dạ Cổ Hoài Lang phát triển không ngừng, là cha đẻ của bản vọng cổ sau này từ 20 câu, cô đọng, rút lại còn 6 câu và nhịp cũng thường thay đổi, từ nhịp đôi, lên nhịp 4, 8,16 và trụ lại ở nhịp 32 như các bài ca vọng cổ chuẩn mực hiện nay đang được trình diễn.
Cũng từ những sự nhớ nhung tha thiết của đôi vợ chồng chung tình đáng trân trọng này, có lẽ ông trời "ngó lại", thương mến "cứu giúp" hai vợ chồng không con khi chung sống chánh thức. Nay hai vợ chồng phải sống chung lén lút lại sanh con liên tiếp. Từ khi hai vợ chồng có con, 2 ông bà Sáu Lầu trở lại sống chung chánh thức rất hạnh phúc, suốt đời bên nhau với đàn con 7 đứa (5 trai - 2 gái).
Bản gốc của bản Dạ Cổ Hoài Lang:
Từ là từ phu tướng 
Bảo kiếm sắc phong lên đàng 
Vào ra luống trông tin chàng 
Năm canh mơ màng 
Em luống trông tin chàng 
Ôi gan vàng quặn đau í a 

Đường dù xa ong bướm 
Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang 
Ðêm luống trông tin bạn 
Ngày mỏi mòn như đá vọng phu 
Vọng phu vọng luống trong tin chàng 
Sao nỡ phũ phàng 

Chàng hỡi chàng có hay 
Đêm thiếp nằm luống những sầu tây 
Bao thuở đó đây sum vầy 
Duyên sắc cầm đừng lạt phai 

Là nguyện cho chàng 
Nguyện cho chàng đặng chữ bằng an 
Mau trở lại gia đàng 
Cho én nhạn hiệp đôi í a.@

PHONG TRÀO ĐỜN CA TÀI TỬ TẠI SACRAMENTO
Cách đây (2017) khá lâu, trên 15 năm, lần đầu tiên thầy đờn Tám Tuồng  đệm lục huyền cầm cho nghệ sĩ Kim Xuân ca tại nhà tôi có sự hiện diện của Linh mục Andrew Nguyễn Hữu Lễ, từ Tân Tây Lan sang, và còn có thêm nhiều thân hữu tham dự.
Từ thời điểm đó, đánh thức sự mê thích đờn ca tài tử trong tôi đã bị chìm sâu quên lảng suốt hơn 60 năm -  tôi có yêu cổ nhạc một thời gian ngắn ở trong tù, rồi cũng lảng quên. Vì vậy, khi tôi nghe tin một doanh nhân trẻ đang hoạt động thành công ngành sửa chửa ôto - Châu Võ, tổ chức đờn ca tài tử tại chỗ làm việc - ga ra - sau giờ nghỉ buổi chiều, tôi vô cùng vui thích để có dịp sống lại với tuổi thơ đã qua hơn 73 năm tại quê nhả.
Từ buổi trình diễn đờn ca tài tử đầu tiên tại gara của Châu Võ mà tôi được mời tham dự, cũng đã hơn 3 năm. Thật tình tôi rất quý mến các em cháu, cả ngày vất vả lo "cơm áo gạo tiền" cho cuộc sống tại quê hương thứ hai Hoa Kỳ mà còn nghĩ đến đờn ca tài tử để làm điểm tựa giải trí, trút bao căng thẳng lo toan hàng ngày, làm thăng hoa cuộc đời thêm đáng sống. Chưa nói đến các em cháu còn có ý nguyện góp công sức nuôi dưỡng và phát huy nền văn hóa nghệ thuật dân tộc: đờn ca tài tử và bộ môn sân khấu cải lương không bị mai một ở đất nước tự do này. (H: Châu Võ trong đêm trình  diễn 3.12.16 tại nhà hàng Hải Thành - ông bầu sáng lập nhóm Đờn Ca Tài Tử Sacramento)
Tại Thủ Phủ Sacramento qua công sức của vợ chồng Châu Võ - một doanh nhân gốc Mỹ Tho tận tình kêu gọi các bạn có tấm lòng trân quý ngành cổ nhạc Việt Nam với đờn ca tài tử và bộ môn nghệ thuật sân khấu cải lương, cùng hợp sức vui chơi giải trí và cùng thưởng thức tự diễn những bài ca cổ mà mình yêu thích. Từ đó, phong trào đờn ca tài tử tại Sacramento thăng tiến không ngừng.

Khi nhà hàng Hải Thành khai trương do Huy Hải, con của một HO, gốc ở Châu Đốc, đồng chủ nhân với một người bạn từ San Jose lên, cả hai đều là nghệ sĩ "nghiệp dư" rất mê thích đờn ca tài tử đã cùng yêu thích như  vợ chồng Châu Võ, đẩy mạnh phong trào Đờn Ca Tài Tử tại Sacramento lên đỉnh cao qua lần trình diễn qui mô, thứ bảy 3.12.2016 tại nhà hàng Hải Thành (nay là Phở City) với hàng trăm khách tham dự cùng với nhiều  nghệ sĩ cải lương và "thầy đờn"  thành danh ở trong nước hay tại hải ngoại từ xa như San Jose và Nam Cali về dự.
Suốt gần 5 tiếng với nhiều trich đoạn cải lương , ca lẻ nhiều bản vắn, vọng cổ được nhiều nghệ sĩ từ San Jose lên cũng với những nghệ sĩ "gạo cội" của Sacramento cùng trình diễn vô cùng xuất sắc, hấp dẫn.
* Gần đây nhứt, đêm 9.9.2017, cũng tại địa điểm gara của Châu Võ lại tổ chức đêm đờn ca tài tử có thêm nhiều trích đoạn cải lương nổi tiếng như Chuyện Tình Lan và Điệp - Hàn Mạc Tử - Tuyệt Tình Ca (ông Cò quận 9)...và  nhiều bản vắn vô cùng hấp dẫn. Lần đầu tiên, một nghệ sĩ thành danh từ trong nước mới sang Hoa Kỳ theo diện cha mẹ bảo lãnh, được hơn  9 tháng - nghệ sĩ Giang Bích Phượng cùng chồng là soạn giả Lam Tuyền (con trai của soạn giả Yên Lang, vừa mới qua đời cách đây vài tháng tại miền Nam Cali) và 3 con nhỏ từ 2 đến 15 tuổi. (H: NS Giang Bích Phượng đang ca - NS Kim Phượng với micro - Thầy đờn kìm Văn Nhược đang đệm đàn).

Ngoài nghệ sĩ Giang Bích Phượng và soạn giả Lam Tuyền còn có nhạc sĩ đàn lục huyền cầm Văn Thù - một thầy đờn cự phách từ miền Nam Cali lên cùng  góp sức thực hiện một chương trình đờn ca tài tử và nhiều trích đoạn cải lương, không thua kém bất cử các buổi trình diễn cổ nhạc nào mà người viết từng tham dự trước đây. Phải nói nghệ sĩ Giang Bích Phượng, một nghệ sĩ tài danh, thanh sắc vẹn toàn, đã qua trường lớp chánh quy ở trong nước, với một chất giọng vô cùng mượt mà quyến rủ, với những luyến láy đặc sắc của một nghệ sĩ chuyên nghiệp.
Châu Võ trịnh trọng giới thiệu vợ chồng nghệ sĩ Giang Bích Phượng với các bạn nghệ sĩ địa phương và bà con tham dự, gia đình nghệ sĩ Giang Bích Phương và soạn giả Lam Tuyền có ý định về định cư ở Sacramento vì thung lũng tình yêu này là nơi đất lành chim đậu - mọi ngưởi vỗ tay vang rần hoan nghênh nhiệt liệt. Trong tương lai gần, Thủ Phủ Sacramento có thêm một nghệ sĩ chuyên nghiệp Giang Bích Phượng và một soạn giả Lam Tuyên chuyên viết tuồng hát cải lương và truyện phim, thành công ở Việt Nam.
Ngoài ra, còn có một nghệ sĩ chuyên nghiệp ở VN cũng vừa định cư ở Sacramento gần đây - Minh Hùng, không những nghệ sĩ này vừa ca hay, diễn giỏi mà còn có ngón đờn điêu luyện với cả đờn kìm và đờn lục huyền cầm. Một nguồn bổ sung thầy đờn vô cùng cần thiết cho phong trào đờn ca tài tử tại Sacramento.
Có thể nói, cộng đồng người Việt Sacramento, từ đây chúng ta có đầy đủ không những đã có một nữ soạn giả Huỳnh Mai Hoa từng đem chuông vàng gióng lên trong chương trình Cổ Nhạc Phương Nam của Đài truyền hình SBTN được khán giả yêu thích. Nay có thêm soạn giả chuyên nghiệp Lam Tuyền, chuyên viết những vỡ tuồng cải lương, vở kịch và truyện phim nổi tiếng ở trong nước cùng đóng góp cho nền cổ nhạc tại Sacto.
 Các "đào thương" ca muồi ở Sacramento có rất nhiều như: Giang Bích Phượng (tương lai) - Kim Xuân - Kim Phượng - Hồng Phượng -Thảo Chi - Thu Nguyệt - Thiên Huơng (hát cả tân nhạc tuyệt vời) và nhiều nghệ sĩ nữ khác nữa.... Còn "kép muồi" cũng không thiếu (chỉ thiếu kép độc như Hoàng Giang - Văn Chung - Văn Hường) như: Huy Hải - Châu Võ - Minh Hùng - Lê Sơn - Lê Hải - Hoàng Nhị...
(H: NS Kim Xuân đang ca - thầy đờn Văn Nhược)
Về dàn đờn có Văn Nhược - đờn kìm - nay có thêm Minh Hùng vừa ca vừa sử dụng điêu luyện cả đờn kìm và đờn ghi ta. Trước đây có anh Tám Tuồng, tôi rất quý mến anh và cũng là chỗ thân tình nữa. Anh Tám Tuồng ra đi về thề giới khác, cho nên Sacramento thiếu một thầy đờn cổ nhạc điêu luyện. Nay có thêm NS Minh Hùng và còn cần thêm vài thầy đờn điêu luyện nữa. Ông Bầu Châu vốn hào sản, thực hiện thêm phông màn, cảnh trí, y trang, đạo cụ và một dàn âm thanh khá tốt thì chuyện Sacramento trương bảng hiệu Đoàn Cải Lương Sacramento cũng là chuyện nhỏ, có thể thực hiện trong tầm tay.

Ông  Bầu Châu dự tính khi vợ chồng nghệ sĩ Giang Bích Phượng trụ hẵn - định cư tại Sacramento, Hội Ái Hữu Đồng Hương Mỹ Tho-Gò Công & Thân Hữu sẽ cùng với các nghệ sĩ đờn ca tài tử Sacramento và các nhà bảo trợ, sẽ tổ chức một đêm diễn chuyên đề về cải lương với nhiều trích đoạn các vở tuồng cải lương nổi tiếng năm xưa ở quê nhà do "đào chánh" Giang Bích Phượng thủ diễn.
ĐỜN CA TÀI TỬ TỪ NĂM 1940 ĐẾN 1944 TẠI QUÊ ẤP BÀ BÀI - CHÂU ĐỐC
Người viết hồi tưởng lại vào những năm từ 1940 đến năm 1944 - những năm yên bình và nên thơ nhứt ở miền quê mà người viết từng sống qua. Lúc bấy giơ, Anh Phương mới 7 - 10 tuổi với tâm trạng háo hức vui sướng tột cùng khi may mắn được theo "ghe hát" làm người sai vặt hay cùng bạn bè đi trên bờ kinh theo ghe hát đang thả trôi trên dòng kinh Vĩnh Tế thanh vắng huyền hoặc đang "đờn ca tài tử". Những đêm trăng sáng  vằng vặt vào mùa thu cũng là mùa nước lớn (nước nổi) có nhiều tôm cá, các nghệ sĩ đờn ca tài tử được các chủ đáy mời ghe hát cập vào hát biểu diễn vài bài thì tha hồ mà ăn tôm cá nướng nóng hôi hổi , đưa cay với nước mắt quê hương "ba xi đế" và mỗi người nghệ sĩ kể cả chú bé theo đoàn sai vặt cũng được phần tặng cá tôm mang về. Gọi ghe hát cho oai, chứ thật ra chỉ là một chiếc xuồng lường không mui chuyên chở không quá mười nghệ sĩ ngồi trên các tấm vạt có trải đệm, có trà có rượu, có bếp lửa ở gần chỗ người cầm lái, và cũng có mồi nhậu hoặc một nồi cháo gà hay cháo cá luôn hâm nóng và một ít bánh trái... để phục vụ các nghệ sĩ thấm mệt, ngơi nghỉ và ăn uống khi xuồng quay trở về "bến cũ". Chỉ cần một người giữ tay lái ở phía sau và trước mũi ghe có thêm một người lo chống đở hay tiếp sức dùng dầm bơi hoặc chèo tiếp sức với người giữ tay lái, khi bận về gặp nước ngược. Còn lại từ 5 đến 7 người gồm có 1 hoặc 2 thầy đờn, thường 1 cây đờn kìm và 1 cây lục huyền cầm (ghi ta) và các nghệ sĩ ca từ 3 đến 5 người.
Một  nhóm nghệ sĩ nông dân, tay lấm chân bùn suốt cả ngày trên đồng áng - tối quây quần bên nhau với cây đờn và các nghệ sĩ cùng đam mê ca hát, nuôi dưỡng phong trào đờn ca cổ nhạc - đờn ca tài tử đang sanh sôi nẩy nở, thăng hoa ở cái ấp khỉ ho cò gáy này - Ấp Bà Bài, xã Vĩnh Nguơn thuộc quận Châu Phú, tỉnh Châu Đốc - nay là tỉnh An Giang.

Không những có những buổi đờn ca tài tử nên thơ tuyệt vời trên sông nước hữu tình mênh mang mà đờn ca tài tử ở nhà quê còn xâm nhập mạnh mẽ vào các tiệc cưới, hay lễ giỗ hay hội họp hoặc sau cúng đình và ngay cả trong các lễ tang cũng có tổ chức đờn ca tài tử. Vì vậy, người dân quê, thời điểm yên bình, không có chiến tranh dày xéo ruộng vườn, chỉ có thú vui giải trí lớn nhứt có ảnh hưởng nhứt đến sinh hoạt, tâm tình của nông dân là đờn ca tài tử. (H: Soạn giả Huỳnh Mai Hoa). Lúc bấy giờ làm gì có radio, truyền hình và cả ấp Bà Bài chỉ có Ba tôi là có mua sắm được 1 máy hát hiệu Pathé của Pháp, được nhiều bà con nông dân thường đến nhà nghe ca vọng cổ hay mở dĩa hát những tuồng cải lương xưa như tuồng San Hậu...hình như có đến 20 dĩa nặng và to.
Miền Tây là cái nôi phong trào đờn ca tài tử của miền đồng bằng sông Cửu Long năm xưa, nay đã hình thành ở Nam Cali và San Jose rất sớm. Riêng Thủ Phủ Sacramento, phong trào đờn ca tài tử cũng đã được nhen nhúm cách đây cũng khá lâu trên dưới 15 năm, thời anh Tám Tuồng còn mạnh khỏe - một nhạc sĩ tài hoa lớn tuổi yêu nghề, cư ngụ ở Sacramento, sau di dời về San Jose và qua đời cách đây vài năm.
Mọi người, tưởng đâu nền cổ nhạc - đờn ca tài tử ở Sacramento theo anh Tám Tuồng cũng lụi tàn.
Bổng nhiên, nghe tin tại garage sửa xe rộng lớn của doanh nhân nghệ sĩ tài tử Châu Võ thường tổ chức những buổi đờn ca tài tử sau khi Châu Võ đứng ra tổ chức Hội Ái Hữu Đồng Hương Mỹ Tho - Gò Công. Mỹ Tho cũng là một trong những cái nôi của ngành sân khấu cải lương ở miền Nam VN. Càng ngày Hội của "ông bầu" Châu Võ càng phát triển mạnh và phong trào đờn ca tài tử cũng đồng hành phát triển. Cái may mắn nữa, bà xã của Châu Võ là Kim Phượng mới tập tành vào phong trào đờn ca tài tử lại mê thích vô cùng nên nghệ sĩ tài tử Châu Võ có thêm người ủng hộ trợ giúp đắc lực, không nề hà tốn kém tiền bạc mời thù tạc với các nghệ sĩ ở xa và đóng góp tài chánh cho nhiều hội đoàn, cộng đồng, tôn giáo tại địa phương tạo thêm mối thâm tình, tiếng vang với mọi người và tỗ chức cộng đồng ở địa hương. (H:NS Hồng Phượng & MC nhóm đờn ca tài tử Sacramento)

Dần dà Hội Ái Hữu đồng Hương Mỹ Tho Gò Công trở thành Hội Ái Hữu Miền Tây hồi nào không ai biết được. Những buổi đờn ca đã là tài tử mà còn gọi là "nghiệp dư" vì sau 8 giờ đi cày vất vả, các bạn trẻ từ nghề buôn bán, công tư chức, thợ nail, thợ tóc, nghề tự do hay sửa xe... yêu thích môn nghệ thuật cải lương nói chung, đờn ca tài tử nói riêng, tích cực tham gia không quản ngại giờ giấc mệt nhọc. Các buổi đờn ca tài tử cũng thường được tổ chức vào các cuối tuần, gần giống như năm xưa ở Miền Tây, cũng sau một ngày làm lụng vất vả tất bật trên đồng áng, ruộng rẫy. Tối đến và đặc biệt những đêm có trăng thanh gió mát, vằng vặc vào mùa thu, nước lên, các nhà nông, tối đến tập họp tại sân nhà ai đó hay trên thuyền thả trôi theo dòng nước, có trà nước, bánh trái hay nồi cháo gà, cháo cá để lót dạ vá làm ấm lòng các nghệ sĩ tài tử đam mê ca cổ, đến họp mặt đờn ca xướng hát, gọi là đờn ca tài tử.
Đây có thể nói là phong trào đờn ca tài tử ở Sacramento thăng hoa nhờ có bạn trẻ Châu Võ, có phương tiện nhà sửa xe rộng rãi, có dàn âm thanh tốt và đặc biệt không nề hà chi tiền mua thức ăn đãi khách đến thưởng ngoạn. Các bạn đờn ca tài tử đến chung vui, san sẻ tâm sự ngổn ngang của mình qua các bản Vắn, Vọng Cổ muồi rệu làm ấm lòng và giải tỏa được mọi buồn phiền, mệt nhọc sau một ngày hay một tuần làm việc tất bật kiếm sống cho kiếp phù sinh tạm bợ trên cõi ta bà thế gian này.
Điều đáng quý, tất cả các bạn đờn ca tài tử luôn yêu nghề, hòa nhã và tương trợ, chỉ dẫn, giúp đở nhau trong lãnh vực ca cổ - Ca hay không bằng có gan ca đại, thích ca, càng ngày càng chắc vững nhịp. Vì vậy, 3 năm trở lại đây, phong  trào đờn ca tài tử - nền văn hóa miệt vườn của Miền Tây - Nam Việt sống mạnh trở lại tại thung lung tình yêu Sacramento. Đặc biệt có sự hổ trợ ủng hộ hết lòng của vợ chồng một nhà kinh doanh trẻ cũng là nghệ sĩ tài tử phục vụ nghệ thuật vị nghệ thuật của Châu Võ, chủ cơ sở chuyên về sơn sửa xe trong khu vực Little Saigon - Sacramento.
Tại cơ sở kinh doanh của Châu Võ, thường xuyên tổ chức những buổi đờn ca tài tử cuối tuần, nhiều lần mời các nghệ sĩ từ xa về tham dự. Các buổi đờn ca tài tử này thường quy tụ vài chục người cùng với các nghệ sĩ cổ nhạc nghiệp dư ở Sacramento và thỉnh thoảng có những nghệ sĩ ở xa như ở Orange County và San Jose lên tham gia trình diễn dưới sự mời gọi và bảo trợ của "ông Bầu" Châu Võ
Đêm thứ bảy 3.12.2016, chủ nhân nhà hàng Hải Thành đã mời một số đông các nghệ sĩ từ San Jose lên trình diễn với một chương trình dưới hình thức đờn ca tài tử, và có nhiều trích đọan những vỡ tuồng cải lương hay, ăn khách trước năm 1975 ở trong nước và sau này ở hải ngoại. Ngoài cổ nhạc, còn có hát tân nhạc nữa.

Với 3 hình thức trình diễn hài hòa vừa bảo tồn văn hóa của nền cổ nhạc - đờn ca tài tử và diễn qua các trích đoạn tuồng tích cải lương nổi tiếng và cả trình diễn tân nhạc. Đây là một mô thức trình diễn văn nghệ đầy đủ ý nghĩa nhứt, làm sống dậy mãnh liệt bộ môn đờn ca tài tử và cổ nhạc - cải lương đã bị mai một, gần như quên lảng của giới trẻ ở hải ngoại, ở Sacramento... (H: ca sĩ tân cổ nhạc Huy Hải)
Chúng ta, cư dân Sacramento rất hãnh diện có được nhiều bạn trẻ - thế hệ thứ 2, thứ 3 của dòng người Việt Nam tỵ nạn cộng sản đang thành công trong kinh doanh, quyết tâm đưa nền Cổ Nhạc Nam Phần VN sống dậy dưới thời hoàng kim ngành cải lương của những thập niên 50 - 60 và đầu thập niên 70 tại quê nhà. Ông Bầu Châu Võ, đã có quyết tâm làm sống lại phong trào đờn ca tái tử và nền nghệ thuật sân khấu Cải Lương tại Sacramento. May mắn, mọi người bạn trẻ hay có tuổi 1 chút đều ưa thích cổ nhạc - đờn ca tài tử và cải lương, các em lại có gịong ca mượt mà, sâu lắng, truyền cảm làm say mê người thưởng ngoạn, hâm mộ cải lương, trong đó có người viết bài này. Dù trước năm 1975, tôi không mê cải lương, giống như những người theo trào lưu văn minh mới. Nhưng khi vào tù cộng sản gần cả chục năm, tôi lại mê thích ca vọng cổ vào các giờ chưa bị cấm trong buồng giam, làm vơi đi nổi buồn nhớ vợ nhớ con, nhớ dĩ vãng và hiện tại đau buồn, khổ cực trong nhà tù - Vọng cổ chửa trị được tâm bịnh và những nổi buồn da diết mất tự do mà các thứ loại hình văn nghệ khác thiếu ma lực làm lay động con tim mạnh bằng vọng cổ (cổ nhạc nói chung).
Những ai còn có cái nhìn thiếu đúng đắn về cổ nhạc - vọng cổ - cải lương - đờn ca tài tử nên bình tâm suy nghĩ lại vì đây là một thể loại văn nghệ diễn tả trung thực nền văn minh văn hóa miệt vườn của đồng bằng sông Cửu Long, giúp chúng ta giải sầu và làm thăng hoa cuộc sống.
Đêm văn nghệ 3.12.16 - đờn ca tài tử, trình diễn trích đoạn các vỡ tưồng hay, ăn khách như Chuyện Tình Lan và Điệp - Hàn Mặc Tử -  Tô Ánh Nguyệt... và ca lẻ. Ở Sacramento với sự đóng góp của nghệ sĩ Kim Xuân trình diễn cả 2 thể loại tân cổ nhạc với chất giọng ngọt ngào truyền cảm. Hai ông chủ nhà hàng Hải Thành - Cơm Tấm Đạt Thành và chủ garage Châu Võ ca vọng cổ "muồi rệu" làm say mê người ghiền cổ nhạc. Đặc biệt, cô Thiên Hương của Hội Gò Công Mỹ Tho trình bày tuyệt vời  nhạc phẩm trữ tình của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh - Chiếc Áo Bà Ba. Phái đoàn văn nghệ sĩ San Jose rất hùng hậu, có thêm nhà báo Nghê Lữ và Như Hà (bà xã của Nghê Lữ), có giọng hát tân nhạc rất mượt mà truyền cảm, nay lại ca vọng cổ - trích đoạn tuồng cải lương, thật đặc sắc cùng với hàng chục nam nữ nghệ sĩ và nhạc sĩ tân cổ nhạc từ San Jose lên trình diễn từ 7 giờ tối đến 12 giờ 30 khuya (3.12.2016). Sau đó, hầu hết các nghệ sĩ lái xe về lại San Jose.
Đêm văn nghệ cổ nhạc, gọi là đờn ca tài tử và trích đoạn cải lương đầu tiên trước đại chúng tại nhà hàng Hải Thành như là một buổi trình diễn Ra Mắt đồng hương Sacramento, dù không có đăng quảng cáo trên báo mà các người hâm mộ đã đến tham dự  trên 130 người.
Mới đây, trong một lần nói chuyện tâm tình với cháu Châu Võ, cháu nói khi gia đình nghệ sĩ Giang Bích Phượng thật sự định cư, bám trụ tại Sacramento lập nghiệp, Hội Ái Hữu Đồng Hương Mỹ Tho-Gò Công & Thân Hữu sẽ tổ chức một đêm diễn tiếp đón và giới thiệu một nữ nghệ sĩ tài sắc vẹn toàn với bà con đồng hương Sacramento và vùng phụ cận ủng hộ một nghệ sĩ tài danh cùng gia đình chân ướt chân ráo mới đến định cư tại Hoa Kỳ và chọn Sacramento làm quê hương mới. Đêm diễn văn nghệ cải lương này sẽ là đêm diễn với "đào thương" nổi tiếng trong nước Giang Bích Phượng thủ diễn vai chánh, sẽ đem hết khả năng diễn xuất và tiếng ca tuyệt vời của mình trong nhiều trích đoạn cải lương vang bóng một thời, được hàng triệu triệu khán giả trong nước nhiệt liệt hoan nghênh ủng hộ. (H: Thiên Hương "người thứ 3 từ trái)

 Ngưới viết bài này, hy vọng đêm diễn đặc biệt đó sẽ đến với nhiều hứa hen thành công rực rỡ!.
* ĐÊM CỔ NHẠC CỨU TRỢ BÃO LỤT HARVEY 15.10.2017 TẠI NHÀ HÀNG ASEAN PEARL
 Hội Ái Hữu Đồng Hương  Mỹ Tho- Gò Công & Thân Hữu sẽ tổ chức Gây Quỹ cứu trợ nạn nhân trận bão lụt khủng khiếp Harvey ở Texas, đêm 15.10.2017 tại nhà hàng Asean Pearl - khai mạc từ 5 giờ chiều, với các  nghệ sĩ và nhạc sĩ nổi tiếng từ Nam lên, như: Nghệ sĩ Ngọc  Đáng - Cẩm Thu - Philip Nam (trong chương trình Cổ Nhạc Phương Nam  của đài SBTN) và đặc biệt có nữ nghệ sĩ nổi tiếng từ trong nước vừa sang định cư tại Hoa Kỳ được hơn 9 tháng GIANG BÍCH PHƯỢNG,  được sự nối kết phối hợp với các nghệ sĩ xuất sắc của nhóm Đờn Ca Tài Tử Sacramento của ông bầu Châu Võ sẽ phô diễn hết tài năng nghệ thuật .
Chỉ có $35/vé bao gồm luôn thức ăn ngon miệng 8 món. Sau khi trừ chi phí, số tiền còn lại tặng hết Cộng Đồng Việt Nam Houston - Texas giúp cứu trợ nạn nhân bão lụt Harvey.
Đêm văn nghệ cứu trợ này chuyên đề cổ nhạc với nhiều trích đoạn cải lương đặc sắc vang bóng một thời làm cho khán giả có dịp hồi tưởng thời vàng son của nền sân khấu cải lương miền Nam và chúng ta cảm phục sự dấn thân chịu khó rèn luyện thụ đắc các tinh hoa nghệ thuật của các nghệ sĩ trẻ hải ngoại với châm ngôn: Nghệ Thuật Vị Nghệ Thuật, làm sống dậy nền văn hóa dân tộc Đờn Ca Tài Tử và Sân Khấu Cải Lương VN.


ANH PHƯƠNG Trần Văn Ngà 
(916.519.8961) - Sacramento 26.9.2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét