Mỹ: ‘lập tức bắn hạ tên lửa Bắc Hàn nhắm vào Mỹ và đồng minh’
Các giới chức Mỹ nói Hoa Kỳ trước sau như một vẫn duy trì cam kết với các đồng minh Châu Á tiếp theo sau một loạt động thái đe dọa của Bắc Triều Tiên. Trong hội nghị Mỹ-Nhật về ngoại giao và quốc phòng hôm thứ Năm 17/8, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis tuyên bố Washington sẽ có hành động tức thời và cụ thể để bắn hạ bất cứ tên lửa nào của Bắc Triều Tiên nhắm tấn công lãnh thổ Hoa Kỳ và các đồng minh của Hoa Kỳ.
<!>
<!>
Các cuộc tập trận chung của Hoa Kỳ và Nhật Bản ở Đông Bắc Á trong tuần này, theo các giới chức, chỉ là những ví dụ thể hiện các quan hệ hợp tác an ninh và quốc phòng chặt chẽ giữa hai đồng minh trong bối cảnh những mối đe dọa hạt nhân và tên lửa từ Bắc Triều Tiên.
Sau các cuộc hội đàm với các vị đồng cấp Nhật Bản, Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ đã cùng đưa ra một thông điệp thống nhất hôm thứ năm, gửi tới Bình Nhưỡng: đó là Hoa Kỳ sẵn sàng tự vệ và bảo vệ các đồng minh của mình.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis:
“Cùng sát cánh bên nhau, chúng tôi sẽ răn đe để không xảy ra, và nếu cần, đánh bại bất cứ mối đe dọa nào. Bất cứ động thái nào khởi động thù nghịch sẽ vấp phải sức mạnh áp đảo và hữu hiệu của liên minh. Hai nước chúng tôi sẽ chứng minh sự vững mạnh của liên minh bằng cách tiếp tục các hoạt động song phương, và thông qua việc tăng cường hợp tác với Cộng hòa Triều Tiên."
Ngoại trưởng Rex Tillerson lưu ý rằng trong khi giải pháp ngoại giao cần được cho một cơ hội, giải pháp quân sự vẫn không bị gạt sang một bên.
Ngoại Trưởng Tillerson:
"Rõ ràng là bất kỳ nỗ lực ngoại giao nào trong bất cứ tình huống nào khi mà mức độ đe doạ lên tới mức chúng ta phải đối mặt, một mối đe dọa ở tầm cỡ mà không ai trong chúng ta muốn nghĩ tới, phải được hậu thuẫn bởi hậu quả quân sự nghiêm trọng, nếu Bắc Triều Tiên ra một chọn lựa sai lầm."
Cam kết mới của Hoa Kỳ có mục đích trấn an Nhật Bản, giữa lúc Tokyo đang tìm cách tăng cường phòng thủ chống bất cứ hành động quân sự nào mà Bắc Triều Tiên có thể thực hiện.
Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono tuyên bố Bình Nhưỡng cần chấm dứt những hành động khiêu khích hạt nhân trước khi có thể nói tới đàm phán.
Trong khi đó, lên tiếng tại Seoul hôm thứ Năm, Tổng thống Nam Triều Tiên Moon Jae-in nói ông sẽ xem xét việc cử một đặc sứ đặc biệt tới Bắc Triều Tiên để đàm phán nếu miền Bắc đình chỉ các vụ thử nghiệm hạt nhân và tên lửa. - VOA
2.
Tây Ban Nha chặn đứng một cuộc tấn công khác, bắn chết 5 nghi can --- Xe tông đám đông, vũ khí giết người hàng loạt
Cảnh sát Tây Ban Nha đã bắn chết 5 nghi can khủng bố sau khi chặn các đương sự lại sáng sớm thứ Sáu tại một thị trấn nằm về hướng Nam Barcelona, nơi mà cách đó vài giờ trước, một người được cho là phần tử chủ chiến Hồi giáo lái xe lao vào đám đông trên một đại lộ, giết chết 13 người và gây thương tích cho hơn 100 người. Trong số những người thiệt mạng có nhiều trẻ em. Con số tử vong, theo nhà chức trách, sẽ còn tăng cao.
Cảnh sát cho hay đã giết chết 5 nghi can ở Cambrils, dọc theo bờ biển cách Barcelona 120 km về hướng Nam để chặn đứng một cuộc tấn công khác.
Vụ việc xảy ra vào sáng sớm thứ Sáu, giờ địa phương, giữa lúc các lực lượng an ninh truy lùng tài xế lái chiếc xe van trong cuộc tấn công đầu tiên.
Hãng tin Reuters dẫn lời cảnh sát nói rằng 5 người đàn ông lúc đó đang tìm cách lao xe vào đám đông du khách trên bờ biển Cambrils. Chiếc xe bị lật, các nghi can bắt đầu dùng dao đâm du khách. 4 người bị bắn chết tại chỗ, nghi can thứ 5 bị giết cách đó vài trăm mét.
Vẫn theo nguồn tin cảnh sát một người Ma rốc và một người đàn ông đến từ Medilla, khu vực người gốc Phi ở miền Bắc Tây Ban Nha, đã bị câu lưu, mặc dù hai người này không phải là tài xế chiếc xe van. Đương sự đã tẩu thoát và hiện đang tại đào.
Một người thứ ba bị bắt giữ tại thị trấn Ripoll trong cùng ngày. Cảnh sát sau đó cho biết đã bắt giữ một người thứ Tư có liên quan trong các cuộc tấn công nhưng không cho biết chi tiết.
Trong vụ việc xảy ra ở Cambrils, một phụ nữ Tây Ban Nha bị thiệt mạng, nhiều thường dân và một cảnh sát bị thương.
Nhóm Nhà Nước Hồi giáo nói những người thực hiện cuộc tấn công đã đáp lại lời kêu gọi hành động của họ. Cuộc tấn công diễn ra vào lúc cao điểm mùa du lịch ở Barcelona, một trong những điểm đến hàng đầu ở Châu Âu với ít nhất 11 triệu du khách mỗi năm. - VOA
***
Sau gần 14 năm yên bình, hôm qua, 17/08/2017 nỗi kinh hoàng khủng bố trở lại Tây Ban Nha với hai vụ tấn bằng cách tông xe vào đám đông tại thành phố du lịch Barcelona làm hơn chục người chết và hàng chục người bị thương. Hầu hết các báo Pháp ra ngày hôm nay phủ kín cảnh tượng kinh hoàng xảy ra ở đại lộ Las Ramblas, nơi tập trung đông du khách nhất thành phố. Cách giết người bằng lao xe hơi vào đám đông đang trở nên phổ biến.
Sau các thảm kịch xảy ra ở Nice, Berlin, Luân Đôn, Stockholm giờ đến Barcelona. Dùng xe lao vào vào đám đông để giết người đã trở thành một phương thức khủng bố hữu hiệu được những kẻ khủng bố ưa dùng. « Xe tông người, một thứ vũ khí giết người hàng loạt », Libération nhận định.
Tờ báo nhận thấy, « danh sách các thành phố bị tấn công bằng xe tông vào đám đông vẫn cứ dài thêm một cách tuyệt vọng ». Dù cách thức tiến hành không có gì mới nhưng nó đang được các tổ chức khủng bố kêu gọi sử dụng vì tiến hành đơn giản, rẻ tiền mà lại có thể gây thiệt hại lớn.
Tờ báo nhắc lại vụ tấn công đẫm máu nhất là vụ kẻ khủng bố Mohamed Lahouaij – Boujlel lao xe tải 19 tấn vào đám đông trên đại lộ la Promenade des Anglais tại Nice hôm 14/7/2016, khiến 86 người thiệt mạng và hơn 450 người bị thương. Tất cả các vụ tấn công như vậy không còn là tự phát mà đều có sự tính toán chuẩn bị trừ trước.
Theo Libération, ngay từ ngày 13/12/2013, bộ An Ninh Nội Địa và cơ quan FBI của Mỹ đã cảnh báo : « Những kẻ khủng bố từ nước ngoài đang kích động tiến hành các vụ tấn công bằng xe tông người. Kiểu tấn công như vậy có thể nhằm vào các khu nhà, những nơi tụ tập đông người, như các sự kiện thể thao, giải trí hay trung tâm thương mại. Cách thức tấn công này cho phép những kẻ khủng bố không có được thuốc nổ hay vũ khí, không cần phải đào tạo hay kinh nghiệm gì mà vẫn tiến hành được tấn công tại Hoa Kỳ . »
Libération cho biết là từ năm 2014, một phát ngôn viên của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo bằng những lời lẽ man rợ đã hô hào tấn công giết dân phương Tây « bằng bất kỳ cách nào », bằng bất kỳ thứ gì có trong tay.
Từ đó trở đi các vụ tấn công của chúng ở nhiều nước Tây Âu đã tràn lan và gây thiệt hại lớn về nhân mạng, cho dù lực lượng an ninh ở các nước đã cố gắng đề phòng tối đa.
Nguy hiểm hơn, cách dùng xe hơi lao vào đám đông để giết người cũng được những nhóm cực hữu khác bắt chước. Đó là vụ vừa xảy ra thứ Bảy tuần trước ở ở Charlottesville, bang Virginia ; Hoa Kỳ, khi một kẻ thuộc phong trào phân biệt chủng tộc cực hữu đã lao xe vào đám người biểu tình chống phát –xít. Đầu tuần này, tại một thị trấn nhỏ Sept –Sorts ở tỉnh Seine-et-Marne của Pháp, lại thêm một kẻ điên khùng cũng dùng xe lao vào một quán Pizza làm một bé gái 12 tuổi thiệt mạng và 13 người khác bị thương.
Những hình thức tấn công bằng các phương thức đơn giản mà Le Figaro gọi là « khủng bố giá rẻ (low-cost) »đang khiến an ninh của các nước đau đầu và dường như không tìm được phương cách phòng chống hữu hiệu.
Tại sao lại là Barcelona ?
Trở lại với vụ tấn công tại Barcelona tối qua. Lần này những kẻ khủng bố Hồi giáo cực đoan không những gây thiệt hại lớn về người mà chúng còn thành công khi nhằm vào mục tiêu biểu tượng như thành phố du lịch hàng đầu của Tây Ban Nha.
Le Figaro ghi nhận, Barcelona là « biểu tượng của xã hôi tự do của chúng ta…từ Nice, Berlin hay Luân Đôn, những kẻ khủng bố đều chọn một nơi mang tính biểu tượng để ghi dấu ấn cho hành động của chúng ».
Nhật báo Le Parisien trích dẫn chuyên gia về khủng bố, Jean-Charles Brisard nhận định, một phần ba số phần tử Hồi giáo cực đoan ở Tây Ban Nha xuất thân từ vùng Barcelona. Các ổ khủng bố địa phương ở đây có liên hệ chặt chẽ với phong trào thánh chiến Maroc. Cho dù số lượng dân gốc Tây Ban Nha tham gia thánh chiến tại Syria hay Irak không nhiều bằng Pháp. Nhưng Tây Ban Nha là một vùng đất để chinh phục của nhiều nhóm thánh chiến Hồi Giáo, theo Le Figaro.
Còn nhật báo Libération thì nhận thấy, từ vụ khủng bố đánh bom đoàn xe lửa tại Atocha năm 2004 làm gần 200 người chết, cho đến trước ngày hôm qua, Tây Ban Nha đã được sống yên bình một thời gian khá dài. Cuộc chiến chống thánh chiến của nước này tỏ ra có hiệu quả.
Chính phủ Tây Ban Nha ý thức được quy mô của mối đe dọa và đã hành động : Nhiều kẻ tình nghi liên quan đến Hồi giáo cực đoan bị bắt giữ, kết án hay trục xuất. Nhiều nhóm khủng bố chưa kịp ra tay đã bị phá vỡ kịp thời…. Thế nhưng cuối cùng sự cảnh giác cao độ của an ninh Tây Ban Nha vẫn còn kẽ hở và những kẻ khủng bố đã biết thay đổi phương thức hành động giết người.
Tuy nhiên với Libération, bị tấn công, bị tổn thất nặng nề về người không thể có nghĩa là chúng ta bị khủng bố khuất phục. Xã luận tờ báo kết luận :
"Những người dân thường xuyên bị những kẻ giết người nhắm tới, không chấp nhật thay đổi thói quen của họ vì áp lực khủng bố (…) Dù máu đã đổ, nhiều người đã chết, mặc dù thảm kịch lặp đi lặp lại này đang làm vấy máu lên cả lục địa châu Âu, chiến lược man rợ và ngu xuẩn của những kẻ giết người đang vấp phải sức bền của các nền dân chủ.". - RFI
3.
Tấn công bằng dao gây tử vong ở Phần Lan và Đức
Một người đàn ông đã dùng dao đâm chết 2 người, gây thương tích cho ít nhất 6 người khác trong một vụ đâm chém bừa bãi tại một quảng trường mua sắm ở thành phố Turku, Phần Lan hôm thứ Sáu 18/8.
Cảnh sát bắn nghi can vào chân và bắt giữ ông ta. Họ cho biết là chưa xác định được lý lịch của người đàn ông, được miêu tả là có gốc gác nước ngoài. Cảnh sát cũng chưa xác định được động cơ dẫn đến cuộc tấn công này.
Ngay sau vị tấn công, nhà chức trách khuyến cáo dân chúng chớ nên lai vãng tại trung tâm thành phố, đồng thời siết chặt an ninh trên khắp nước, tăng gia tuần tiễu và siết chặt an ninh, trong trường hợp có nhiều nghi can khác can dự vào cuộc tấn công.
Dân chúng đã được phép vào trung tâm thành phố vài giờ sau đó.
Trong cùng ngày bên Đức, hãng tin Reuters loan tin 1 người bị thiệt mạng và một người khác bị thương trong một cuộc tấn công bằng dao tại khu vực Elberfeld của thành phố Wuppertal, Đức.
Cảnh sát địa phương cho biết kẻ tấn công đã tẩu thoát.
Hãng tin APF tường thuật rằng cảnh sát đang truy lùng 1 hoặc nhiều hung thủ, nhưng trong lúc này không cung cấp thêm thông tin nào về tình huống xảy ra cuộc tấn công. - VOA
4.
Chiến lược mới cho Afghanistan: tăng quân hay rút quân?
Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis cho biết Tổng thống Donald Trump đang tiến gần hơn tới chỗ quyết định một chiến lược mới để ứng phó với chiến tranh ở Afghanistan đã kéo dài 16 năm.
Nhiều giải pháp sẽ được xem xét hôm Thứ Sáu khi ông Trump gặp Phó Tổng thống Mike Pence và toán an ninh quốc gia của ông tại Trại David ở Maryland.
Trước khi thông qua chiến lược mới, chính quyền Trump cho biết sẽ duyệt lại lối tiếp cận với khu vực Nam Á, bao gồm cả Pakistan và Ấn Độ.
Các lựa chọn khác nhau bao gồm việc gửi thêm hàng ngàn binh sĩ sang Afghanistan, hoặc triệt thoái toàn bộ binh sĩ Mỹ, giao lại nhiệm vụ cho các nhà thầu quân sự của tư nhân duy trì nền an ninh mong manh ở nước này.
Bộ Quốc phòng Mỹ tháng trước đã thông qua một kế hoạch để bổ sung thêm 3.800 quân sang hỗ trợ quân đội Afghanistan, nhưng một số quan chức Toà Bạch Ốc đặt nghi vấn về liệu gửi thêm các nguồn lực phụ trội sẽ có hiệu quả hay không.
Tổng thống Trump đã ủy quyền cho Bộ trưởng Quốc phòng Mattis ấn định quân số ở Afghanistan, nhưng vài tháng sau, quân số của lực lượng đồng minh vẫn không thay đổi.
Hiện có khoảng 8.400 binh sĩ Mỹ và 5.000 binh sĩ NATO có mặt ở Afghanistan, chủ yếu trong vai trò cố vấn và huấn luyện.
Hoa Kỳ cũng duy trì một lực lượng ở Afghanistan có nhiệm vụ chiến đấu chống các nhóm khủng bố, kể cả Nhà nước Hồi giáo và al-Qaeda.
Bộ trưởng Mattis đã nói ông sẽ ra quyết định điều chỉnh quân số lực lượng Mỹ một khi chính phủ đạt được thỏa thuận về một chiến lược rõ rệt, hợp lý cho Afghanistan và khu vực rộng lớn hơn, kể cả những sự tương tác của Pakistan với các nhóm khủng bố.
Ông Jonah Blank, chuyên gia về Nam Á của tập đoàn Rand, nói những báo cáo tình báo mà ông nhận được cho thấy tăng quân là lựa chọn được ưa chuộng nhất của chính quyền Tổng thống Trump. Chiến lược gia cấp cao Steve Bannon được cho là một trong số các cố vấn của ông Trump ủng hộ giải pháp rút quân và giao lại nhiệm vụ cho các nhà thầu quân sự tư.
Nhưng nhiều nhân vật Afghanistan có thế lực lo ngại các nhà thầu tư nhân sẽ không chịu trách nhiệm về hành động của họ. Họ lo ngại về nguy cơ tái diễn những hành vi tàn ác mà lính đánh thuê của Công ty an ninh Blackwater đã làm ở Afghanistan và Iraq cách đây một thập niên.
Khả năng đảo ngược tình hình ở Afghanistan vấp cản trở vì chính phủ Afghanistan không có khả năng chặn đà tiến của Taliban, nếu không được yểm trợ. Theo báo cáo mới nhất của Tổng thanh tra đặc biệt Mỹ đặc trách Tái thiết Afghanistan thì phe Taliban đang kiểm soát gần phân nửa nước này.
Các thành viên của Quốc hội Hoa Kỳ đã bày tỏ bực dọc về cuộc chiến dai dẳng ở Afghanistan, và thời gian quá lâu mà chính quyền Tổng thống Trump cần để đi đến một chiến lược mới khả dĩ có thể phá vỡ tình trạng bế tắc ở Afghanistan.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain tuần trước nói:
"Hoa Kỳ đang mất hướng di liên quan tới tình hình Afghanistan."
Ông McCain nói tiếp
"Gần bảy tháng sau khi chính quyền Tổng thống Trump lên nắm quyền, chúng ta vẫn không có một chiến lược nào cả, giữa lúc các điều kiện tại hiện trường ngày càng trở nên tồi tệ hơn".
Thượng nghị sĩ McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Hoa Kỳ, trước đây đề nghị mở rộng hoạt động chống khủng bố và tăng sự hỗ trợ dành cho quân đội Afghanistan. - VOA
5.
Cựu Thống đốc Hong Kong Patten chỉ trích án tù cho thủ lãnh Dù Vàng
Ông Chris Patten, Thống đốc cuối cùng của Hong Kong trước khi vùng lãnh thổ này được trao trả cho Trung Quốc, chỉ trích việc bỏ tù ba thanh niên lãnh đạo phong trào đấu tranh cho dân chủ Hong Kong trong khi chính quyền Hong Kong bác bỏ động cơ chính trị trong vụ án, theo hãng tin Reuters.
Ba thủ lãnh phong trào Dù Vàng là Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), Nathan Law và Alex Chow và một số người biểu tình trong cuộc Cách mạng Dù năm 2014 đã bị tuyên án từ sáu tháng đến tám tháng tù hôm thứ Năm 17/8 về tội tập hợp bất hợp pháp.
Lên tiếng tại Hội sách Edinburgh, ông Patten được dẫn lời nói:
“Tôi cho rằng họ sẽ được mọi người nhớ đến, tên tuổi họ sẽ được ghi nhớ rất lâu sau khi không ai còn nhớ tôi là ai, và có lẽ Chủ tịch Tập Cận Bình là ai.”
Ông Chris Patten, hiện là Viện trưởng Đại học Oxford, nói thêm:
“Chúng ta nên tự hào về những gì mà những thanh niên trẻ tuổi này đang làm”.
Ông Patten từng bị Bắc Kinh cáo buộc là tìm cách gây bất ổn cho Hong Kong khi ông đưa ra các đề xuất cải cách trong thời gian dẫn đến lễ bàn giao Hong Kong lại cho Trung Quốc.
Trong bài phát biểu của ông ở Edinburgh, ông Patten còn chỉ trích cách đối xử của Trung Quốc đối với khôi nguyên Giải Nobel Hòa bình Lưu Hiểu Ba và vợ ông, bà Lưu Hà, mà ông mô tả là “đáng ghê sợ.”
Bà Nancy Pelosi, lãnh đạo phe Dân chủ tại Hạ viện Hoa Kỳ, cũng lên tiếng chỉ trích bản án “bất công” đối với ba nhà hoạt động dân chủ trẻ tuổi ở Hong Kong.
“Sự bất công này xúc phạm những quan niệm cơ bản nhất về tự do và dân chủ, và do đó đáng bị cộng đồng quốc tế đồng thanh và lập tức lên án.”
Thượng nghị sĩ Marco Rubio, người từng ra tranh chức tổng thống Mỹ, và dân biểu Chris Smith cũng lên án điều mà họ gọi là “bản án ô nhục”.
Những lời chỉ trích đó đã khiến Bắc Kinh giận dữ. Văn phòng đại diện của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ở Hong Kong ra thông cáo nói.
“Chúng tôi yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ tuân theo các nguyên tắc cơ bản trong quan hệ quốc tế và có hành động phản đối và chấm dứt những phát biểu và hành động của các nghị sĩ chống đối Trung Quốc và khuấy động bất ổn ở Hong Kong.”
Tờ Hoàn Cầu Thời báo của nhà nước Trung Quốc đã lên tiếng hoan nghênh bản án. Tờ báo cho rằng “luật pháp đã thể hiện quyền lực”.
Tờ báo viết: “Bản án này sẽ trở thành một dấu mốc trong việc quản lý Hong Kong. Từ giờ về sau những ai mà biểu tình bạo động sẽ bị kết án sau khi đã có tiền lệ với bản án này và họ sẽ phải ngồi tù.”
Bộ trưởng Tư pháp Hong Kong Rimsky Yuen bác bỏ vụ án này là mang động cơ chính trị.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói “không ai có thể lợi dụng, viện cái gọi là dân chủ tự do để tiến hành các hoạt động bạo lực phi pháp”.
Bà Hoa nói thêm:
“Tôi muốn lặp lại rằng Hong Kong là đặc khu hành chính của Trung Quốc và những gì diễn ra ở Hong Kong là công việc nội bộ của Trung Quốc. Trung Quốc kiên quyết phản đối bất cứ sự can thiệp nào của các thế lực bên ngoài vào công việc nội bộ và tính độc lập tư pháp của Hong Kong.” - VOA
6.
Nhật sẽ giúp VN và Philippines về an ninh hàng hải
Nhật Bản sẽ viện trợ 500 triệu USD từ năm nay đến năm 2019 cho các nước ven biển khu vực châu Á-Thái Bình Dương để tăng cường năng lực an ninh hàng hải, Ngoại trưởng Nhật Taro Kono tuyên bố hôm thứ Năm 17/8.
Các nước nhận viện trợ là Việt Nam và Phillipines, hai quốc gia đều có liên quan đến tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh ở Biển Đông.
Động thái này được cho là để đáp sự hiện diện hàng hải ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông, theo hãng tin Kyodo, Nhật Bản.
Ông Kono đưa ra thông báo này trong trong cuộc họp báo chung sau cuộc đối thoại an ninh giữa Ngoại trưởng và Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ và Nhật Bản tại Washington D.C.
Bộ Ngoại giao Nhật cũng cho biết với khoản viện trợ phát triển chính thức này, phía Nhật dự kiến sẽ chuyển giao 16 tàu tuần tra cho lực lượng cảnh sát biển Việt Nam và lực lượng tuần duyên Phillippines.
Với khoản viện trợ này, Nhật Bản muốn giúp các nước nhận viện trợ mua tàu tuần tra và thiết bị tuần duyên cũng như đào tạo năng lực cho nhân viên để tăng cường khả năng hành pháp và giám sát biển, một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật nói với báo giới.
Ngoại trưởng Kono cho biết khoản viện trợ khoảng 500 triệu USD sẽ được chi từ năm nay đến năm 2019. Việt Nam cũng nằm trong danh sách các nước nhận viện trợ khi Tokyo dự kiến trao tổng cộng 16 tàu tuần tra cho cảnh sát biển Việt Nam. Phía lực lượng tuần duyên Philippines cũng sẽ nhận được tàu tuần tra theo kế hoạch viện trợ.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản khẳng định kế hoạch viện trợ này không nhằm chống lại hoạt động của bất kỳ nước cụ thể nào mà chỉ để giúp các nước được hỗ trợ cải thiện khả năng tuần tra giám sát và hành pháp.
Ngoại trưởng Kono nói Nhật sẽ mở rộng hợp tác với Mỹ trong việc xây dựng năng lực cho các nước châu Á đang phát triển, đặc biệt là tại khu vực Đông Nam Á.
"Chúng tôi nhất trí rằng Nhật Bản và Mỹ sẽ hợp tác chặt chẽ với nhau để đảm bảo phát triển kinh tế ở khu vực này trong sự minh bạch."
Ông Kono cũng nói Nhật sẽ tăng cường hợp tác an ninh quốc phòng với Úc, Ấn Độ, Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á. - BBC
7.
Biển Đông: Trung Quốc chuẩn bị chiến dịch lấn chiếm tại khu vực đảo Thị Tứ? --- Philippines: Đối lập tố cáo chính phủ coi nhẹ hiểm họa Trung Quốc
Ngày 14/08/2017 vừa qua, bộ trưởng Quốc Phòng Philippines cho biết Trung Quốc cam kết sẽ không tiếp tục bành trướng tại Biển Đông, trong lúc ngoại trưởng Philippines tái khẳng định việc Manila đang đàm phán với Bắc Kinh về kế hoạch khai thác chung dầu khí tại các vùng biển tranh chấp. Tuy nhiên, một số nhà quan sát lo ngại khả năng Trung Quốc có thể đang chuẩn bị một chiến dịch lấn chiếm mới tại khu vực quanh một đảo lớn do Philippines kiểm soát.
Không khí giữa Philippines và Trung Quốc dường như có vẻ tiếp tục đi theo xu hướng hòa dịu và gia tăng hợp tác, như chủ trương của tổng thống Philippines Duterte. Thế nhưng nhiều tiếng nói từ đối lập Philippines, và nhiều nhà quan sát bên ngoài lại ghi nhận Trung Quốc đang có xu hướng gây căng thẳng trở lại ở Biển Đông, cụ thể là tại vùng biển xung quanh đảo Thị Tứ (Pag-asa), quần đảo Trường Sa, do Philippines quản lý (1). RFI xin giới thiệu bài « Biển Đông : Trung Quốc lại làm nóng », của Euan Graham, một chuyên gia về các vấn đề an ninh tại Đông Á, được đăng tải hôm nay, 18/08/2017, trên mạng của Viện Lowy (2).
Nhà nghiên cứu Euan Graham ghi nhận có sự tương phản giữa việc Trung Quốc tuyên bố Biển Đông đang bước vào giai đoạn « tương đối bình yên », tiếp theo việc các nước ASEAN và Bắc Kinh thông qua bộ khung Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông (COC) đầu tháng 8 này, với thực tế là Bắc Kinh đã đưa nhiều tàu chiến và tàu bán vũ trang hỗ trợ các ngư dân tại khu vực biển sát đảo Thị Tứ, vào tuần trước, ngay sau hội nghị Manila.
Nhà nghiên cứu Úc dẫn báo Philippines GMA News cho biết tàu Trung Quốc đã bắt đầu có mặt tại khu vực này từ ngày 11/08. Và kể từ ngày 15/08, nhiều cuộc tuần thám bằng trực thăng, xuất phát từ ít nhất một tàu chiến của Hải Quân Trung Quốc, đã được tiến hành tại một số dải cát ở phía tây đảo Thị Tứ.
Nhà nghiên cứu Viện Lowy cũng dẫn lại phân tích của Tổ Chức Minh Bạch Hàng Hải Quốc Tế (AMTI), theo đó Bắc Kinh đang phô trương sức mạnh Hải Quân tại khu vực xung quanh đảo Thị Tứ nhằm gửi tín hiệu răn đe chính quyền Philippines, để ngăn cản Manila trong kế hoạch sửa chữa đường băng sân bay và hoàn thiện một số cơ sở hạ tầng trên đảo Thị Tứ.
Tuy nhiên, theo tác giả, có khả năng mục tiêu thực sự của Trung Quốc là chuẩn bị cho chiến dịch « phong tỏa » đảo Thị Tứ, thậm chí tổ chức « xâm lấn » một trong các dải cát không có người ở tại khu vực phía tây đảo này.
« Một kế hoạch nham hiểm »
Một « kế hoạch nham hiểm » của Trung Quốc là cảnh báo của nghị sĩ đối lập Philippines Gary Alejano. Nghị sĩ đối lập cho hãng tin GMA News hay là tàu kiểm ngư của Philippines đã bị tàu Trung Quốc ngăn chặn tại khu vực cách đảo Thị Tứ khoảng từ 2 đến 7 hải lý.
Nhà nghiên cứu Úc bình luận : Nếu như thực sự có việc tàu kiểm ngư của BFAR (Cơ Quan Ngư Nghiệp và Thủy Sản) Philippines buộc phải quay đầu vì bị tàu Trung Quốc ngăn chặn như vừa nêu, thì rất có thể trong thời gian tới sẽ tái diễn một kịch bản tương tự như vụ Trung Quốc phong tỏa bãi cạn Scarborough hồi năm 2012, từng buộc Manila phải nhường bước, sự kiện cho thấy những hạn chế của Hoa Kỳ trong chính sách can dự tại Biển Đông.
Nhà nghiên cứu Úc lưu ý nhiều hơn đến việc dải cát Sandy Cay, một trong các dải cát xung quanh đảo Thị Tứ, có khả năng sẽ bị Trung Quốc xâm chiếm trong thời gian tới. Dải cát này đã trở nên nổi tiếng sau cuộc tuần tra « bảo vệ tự do hàng hải » FONOP đầu tiên mà Hoa Kỳ tiến hành tại Biển Đông, do chiến hạm USS Lassen thực hiện, xung quanh rạn san hô Xu Bi (Suby reefs) – nơi Trung Quốc đã xây đảo nhân tạo và nhiều công trình quân sự kiên cố - và một số thực thể địa lý bên cạnh, hồi tháng 10/2015.
Ông Euan Graham nhắc lại : ông đã từng lưu ý về « một hệ quả có khả năng bị coi thường » xuất phát từ hoạt động tuần tra FONOP đầu tiên của Hoa Kỳ. Vào thời điểm này, Washington đã làm nổi bật quan điểm là dải cát Sandy Cay, một thực thể nổi không có người ở, nhưng là « thực thể có thể có thẩm quyền pháp lý 12 hải lý đối với khu vực biển xung quanh », trong đó bao gồm cả đá Xu Bi (nơi Trung Quốc kiểm soát). « Bắc Kinh chắc chắn đã quan tâm đến điều này », ông nhận xét.
Trong phần kết luận bài phân tích, nhà nghiên cứu Úc nhấn mạnh là các hoạt động của Trung Quốc đang diễn ra xung quanh đảo Thị Tứ là đáng lo ngại, vì mang tính « cưỡng bức », và nếu như mục tiêu của các hoạt động này là lấn chiếm dải cát Sandy Cay, thì điều đồng nghĩa với việc căng thẳng tại Biển Đông sẽ bị thổi bùng trở lại.
Ít nhất hai tàu cá Trung Quốc đánh bắt sát Thị Tứ
Báo Rappler của Philippines hôm nay cho biết là Tổ Chức Minh Bạch Hàng Hải Quốc Tế vừa công bố hôm qua một loạt các bức ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy « ít nhất hai tàu cá Trung Quốc » đang hoạt động đánh bắt gần đảo Thị Tứ. Theo thông tin mới nhất của AMTI ngày 13/08, hoạt động của hai tàu cá nói trên được ghi nhận rất rõ. Tổng cộng, ít nhất 9 tàu cá của Trung Quốc hiện diện tại khu vực này, các tàu này được hai tàu « chấp pháp » bảo vệ. Như vậy, thông báo của AMTI xác nhận các thông tin trước đó của nghị sĩ đối lập Philippines (xem thêm : bài Trung Quốc phá hủy môi trường Biển Đông, giới khoa học kêu cứu).
Thông tin của AMTI được đưa ra đúng vào lúc ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano tiếp tục khẳng định hôm thứ Tư, 16/08, vừa qua, là có thể có tàu nước ngoài vào khu vực này, nhưng « tình hình ở đây vẫn rất ổn định ». Trả lời họp báo tại Hạ Viện, ngoại trưởng Philippines trấn an công chúng, và yêu cầu người Philippines nên xây dựng « lòng tin cậy lẫn nhau » với Trung Quốc, giống như với đồng minh lâu đời Hoa Kỳ trước đây. Ngoại trưởng Philippines than phiền về việc có rất nhiều người coi Trung Quốc là kẻ thù, và mỗi động thái của Trung Quốc đều bị phản ứng rất mạnh.
Ông đặt câu hỏi : Tại sao chúng ta không lo ngại về việc Hoa Kỳ tiến hành các hoạt động bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông, mà Manila gọi là Biển Tây Philippines ? và ông tự trả lời : Bởi Mỹ là đồng minh của chúng ta.
Manila vừa chìa tay, vừa phòng thủ
Kể từ khi tổng thống Duterte lên nắm quyền, Manila chủ trương xây dựng quan hệ gần gũi với Trung Quốc, với hàng loạt nhân nhượng, bị đối lập chỉ trích là có hại cho chủ quyền quốc gia của Philippines. Trên thực tế, Philippines đang trong tình thế vừa chìa tay ra với hy vọng hợp tác được với Bắc Kinh, nhưng vừa trong tư thế sẵn sàng phòng thủ.
Theo báo chí Philippines, ngoại trưởng Philippines Cayetano – đại diện quốc gia chủ nhà Hội nghị các ngoại trưởng ASEAN hồi đầu tháng này – cũng chính là người chủ trương không đưa các lời lẽ trực tiếp gợi đến hành vi bồi đắp đảo nhân tạo và quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc vào bản Tuyên bố chung ngày 06/08, theo đề nghị của Việt Nam, với lý do Trung Quốc đã ngừng các hoạt động này trong thời gian gần đây.
Tuy nhiên, chỉ ít ngày sau đó, hôm thứ Sáu tuần trước 11/08, người phát ngôn của tổng thống Philippines, ông Ernesto Abella, khẳng định (3) Manila sẵn sàng thúc đẩy ASEAN nêu vấn đề này trong cuộc họp lần tới, nếu các thông tin về các hành động bành trướng mới đây của Trung Quốc, như AMTI đã đưa ra, là "chính xác". - RFI
***
Sau khi được báo động là 5 tàu Trung Quốc đang áp sát đảo Thị Tứ, ngoại trưởng Philippines ngày 16/08/2017 đã công khai cho rằng sự kiện đó không có gì là quan trọng. Phản ứng trên đây đã lập tức bị một dân biểu đối lập đả kích, cho rằng chính quyền có dấu hiệu thuần phục Bắc Kinh trên vấn đề Biển Đông, và xem nhẹ nguy cơ Philippines lại bị Trung Quốc chiếm đảo.
Hôm 15/08, dân biểu đối lập Philippines Gary Alejano, trích dẫn các nguồn tin quân đội, đã báo động về việc 5 tàu Trung Quốc, gồm tàu chiến, tàu hải cảnh và tàu cá, bên trên chở đông đảo dân quân biển, đã áp sát đảo Thị Tứ ở Trường Sa hiện do Philippines kiểm soát.
Dân biểu này lo ngại trước nguy cơ Bắc Kinh áp dụng trở lại chiến lược lấn chiếm Đá Vành Khăn từ tay Manila vào năm 1995, để chiếm Thị Tứ.
Trong một cuộc họp báo ngày 16/08, ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayatano đã giảm nhẹ tầm mức nghiêm trọng của vụ việc, cho rằng sự hiện diện của tàu Trung Quốc « không có ý nghĩa gì cả », tàu Trung Quốc rất có thể chỉ hành xử quyền tự do hàng hải, tương tự như tàu Mỹ.
Vào ngày 17/08, dân biểu Alejano đã bác bỏ giải thích của ngoại trưởng Cayetano. Theo ông, sự hiện diện của tàu Trung Quốc gần đảo Thị Tứ « thực sự có ý nghĩa », trong bối cảnh các tàu này còn ngăn chặn, không cho tàu ngư chính Philippines đến gần khu vực.
Bên cạnh đó, theo ông Alejano, không thể so sánh các chiến dịch tự do hàng hải của Mỹ với hành động của Trung Quốc vì lẽ Mỹ không hề có mang tiếng là « cướp đảo và sách nhiễu ngư dân Philippines ».
Ông Alejano tự hỏi là phải chăng Philippines đã bắt đầu áp dụng chiến thuật « lặng thinh, bất động và khấu đầu tại biển Tây Philippines để khỏi làm phật ý Trung Quốc". - RFI
Tin Hoa Kỳ
8.
Chiến lược gia trưởng của Trump ra đi
Cập nhật: Chánh văn phòng Tòa Bạch Ốc, John Kelly và ông Steve Bannon vừa đồng ý với nhau rằng hôm nay sẽ là ngày làm việc cuối cùng của ông Bannon tại Tòa Bạch Ốc, theo Reuters.
***
Chiến lược gia trưởng của Tòa Bạch Ốc Steve Bannon vừa rời chức.
ABC News nói ông Bannon từ chức, nhưng nguồn tin của Reuters cho biết ông bị Tổng thống Trump sa thải.
Reuters dẫn nguồn tin thân cận với ông Bannon cho biết ông không tự từ chức.
“Ông Bannon sẽ buộc họ phải sa thải ông,” nguồn tin này nói và cho biết thêm “Ông ấy sẽ không chính thức từ chức. Ông vẫn còn đang làm việc, đang thực hiện các kế hoạch.”
Tờ New York Times dẫn một nguồn tin khác cũng thân cậy với ông Bannon cho biết ông đã đệ đơn từ chức hôm 7/8 và lẽ ra tuần này sẽ loan báo nhưng bị trì hoãn bởi vụ biểu tình bạo động ở Virginia cuối tuần trước.
Ông Bannon bị ‘mất thế’ sau cuộc phỏng vấn với American Prospect mà trong đó ông đưa ra quan điểm mâu thuẫn với Tổng thống Trump về vấn đề Bắc Triều Tiên.
Tổng thống Donald Trump mấy ngày gần đây tỏ ý không hài lòng với chiến lược gia trưởng của mình, đặc biệt là sau những phát biểu của ông Bannon về vấn đề Bắc Triều Tiên và khẳng định của ông Bannon rằng ông có thể thay đổi nhân sự ở Bộ Ngoại giao.
Ông Bannon từng nói với bạn bè rằng sẽ trở lại tòa báo cánh hữu Breitbart News nếu không còn làm việc ở Tòa Bạch Ốc.
Ông Bannan, cựu giám đốc điều hành tờ Breitbart News, là phụ tá cao cấp mới nhất rời khỏi Tòa Bạch Ốc.
Hôm 21/7, phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc Sean Spicer từ chức, sau đó là Chánh văn phòng Reince Priebus.
Vài ngày sau, Giám đốc truyền thông Tòa Bạch Ốc, Anthony Scaramucci, bị sa thải sau khi nhậm chức chỉ 11 ngày. - VOA
9.
Charlottesville: Tổng thống Trump sợ "mất văn hóa Mỹ"
Theo hãng tin AFP, ngày 17/08/2017, tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã chỉ trích hành động dỡ bỏ những bức tượng tướng miền Nam trong cuộc nội chiến Mỹ. Bỏ ngoài tai những lời chỉ trích từ dân chúng, báo giới, thậm chí trong nội bộ đảng Cộng Hòa, ông Trump cho rằng việc dỡ bỏ những bức tượng này sẽ “phá hoại lịch sử và văn hóa Mỹ”.
Tại tòa tháp Trump vào thứ Ba 15/08/2017, khi đề cập đến vụ bạo động tại Charlottesville, ông Trump đã đổ trách nhiệm cho cả hai bên, mặc dù hôm trước ông đã lên án đích danh các nhóm cực hữu và đảng Ku Klux Klan. Do bài phát biểu này, tổng thống Mỹ bị chỉ trích từ nhiều phía.
Ngày 17/08, đến lượt thượng nghị sỹ Cộng Hòa Bob Corker lên tiếng cho rằng tổng thống Trump chưa thể hiện được sự ổn định và năng lực để lãnh đạo Nhà Trắng. Ông Bob Corker nói thêm : "Tôi nghĩ cách tổng thống phát biểu về vấn đề này chưa được hợp tình hợp lý. Gây thêm chia rẽ lòng dân nhằm củng cố phe ủng hộ mình không phải là cách để chúng ta tiến bộ".
Bất chấp những lời chỉ trích đó, sáng sớm 17/08, ông Trump đã tuyên bố trên Twitter về việc dỡ bỏ những bức tượng tại Charlottesville. Ông viết : "Thật đáng buồn khi thấy lịch sử và văn hóa chúng ta bị phá vỡ cùng với những bức tượng này". Một trong những bức tượng mà ông Trump nói đến là tượng của tướng Robert E. Lee đặt tại Charlottesville. Robert E. Lee là vị tướng miền nam nước Mỹ ủng hộ chiếm hữu nô lệ trong giai đoạn nội chiến Hoa Kỳ.
Bức tượng nói trên là nguồn gốc gây ra bạo động tại Charlottesville thứ Bảy 12/08. Nhóm tân phát xít và phe cực hữu đã mượn dịp dỡ bỏ bức tượng này để tuyên truyền những thông điệp cực đoan, dẫn đến bạo động và cái chết của một phụ nữ 32 tuổi trong số những người biểu tình chống kỳ thị chủng tộc. - RFI
10.
Facebook theo sát vụ Charlottesville, lấy xuống nhiều bài liên quan
Ông Mark Zuckerberg, tổng giám đốc của mạng xã hội Facebook, quan tâm đến sự kiện bạo động vừa xảy ra ở Charlottesville, Virginia, hôm cuối tuần.
Ông lên án phong trào tân Quốc Xã và hứa biến Facebook thành “một nơi mà mọi người đều cảm thấy an toàn.”
Trang mạng Recode trích dẫn lời của ông Zuckerberg đưa ra, qua một bài viết hôm Thứ Tư, rằng “nhiều người trong chúng ta từng tự hỏi, lòng thù hận này từ đâu đến. Là một người Do Thái Giáo, đây là điều khiến tôi ưu tư suốt cả cuộc đời. Đó là điều ghê tởm khiến chúng ta vẫn cần phải nói rằng tân Quốc Xã và xem da trắng là thượng đẳng là sai.”
Qua trang Facebook của mình, ông Zuckerberg thêm rằng, mặc dù luôn luôn có sự xấu xa trên thế giới nhưng ông muốn tạo “cân bằng, sắc thái và có chiều sâu hơn trong những cuộc thảo luận công cộng của chúng ta.”
Ông cũng nói rằng Facebook vẫn “luôn luôn lấy xuống mọi bài đăng mang tính chất cổ vũ hoặc ca tụng hành vi thù hận hay khủng bố.”
Hôm cuối tuần, Facebook lấy xuống một trang tường thuật về cuộc tuần hành mang tên “Unite the Right,” nhưng trang này được đăng ít nhất cũng nhiều tuần rồi.
Facebook cũng lấy đi những đường link nối kết với bài viết mang tính thù hận từ trang mạng tân Quốc Xã có tên là Daily Stormer, nơi ca ngợi hành động giết chết cô Heather Heyer, người chống tân Quốc Xã.
Cô Heyer bị giết chết khi một chiếc xe đâm vào đoàn người chống kỳ thị chủng tộc, trong đó có cô. - nguoiviet
Tin Việt Nam
11.
Thủ Tướng Phúc ‘lôi kéo’ Bangkok về phía Hà Nội trong tranh chấp Biển Đông?
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đang ở thăm Bangkok với mong muốn phát triển thương mại và “lôi kéo” Thái Lan về phía Hà Nội trong cuộc tranh chấp chủ quyền Biển Đông. Các chuyên gia nhận định chiến lược của Việt Nam khó có thể thành công giữa lúc chính quyền quân sự Thái Lan ngày càng lệ thuộc hơn vào Bắc Kinh về mặt kinh tế.
Tiến sĩ Lê Minh Nguyên từ thành phố Garden Grove, bang California nhận định:
“Chuyến đi này để lôi kéo Thái Lan về phía Việt Nam trong vấn đề Biển Đông, nhưng tôi nghĩ sẽ không thành công vì Thái Lan càng ngày càng lệ thuộc vào Trung Quốc nhiều hơn, nhất là dưới chính quyền quân phiệt hiện nay.”
Tuy nhiên, với vai trò quan trọng của Thái Lan trong Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), tiến sĩ Trần Đình Lâm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam - Đông Nam Á, nói rằng những nỗ lực của ông Phúc tại quốc gia đối tác chiến lược này cũng giúp củng cố tiếng nói của Việt Nam về tranh chấp Biển Đông.
Từ tp HCM, ông Lâm nói với VOA-Việt ngữ:
“Chuyến đi của Thủ tướng sẽ góp phần thúc đẩy mối quan hệ Việt Nam – Thái Lan tốt hơn, đồng thời tiếng nói về vấn đề Biển Đông sẽ mạnh mẽ hơn. Thái Lan là một nước quan trọng, một nước cầm chịch ASEAN trước đây và những đóng góp của Thái Lan trong thời gian khởi đầu của ASEAN có ý nghĩa đối với Việt Nam.”
Truyền thông trong nước loan tin ông Phúc đi thăm Thái Lan trong chuyến công du chính thức ba ngày, từ 17 đến 19 tháng 8. Thái Lan là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong khối ASEAN.
Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Cơ mật Hoàng gia Thái Lan Prem Tinsulanonda hôm 18/8 cho biết Hoàng gia và chính phủ Thái Lan luôn coi trọng và ưu tiên quan hệ với Việt Nam, thể hiện qua việc Việt Nam hiện là Đối tác chiến lược duy nhất của Thái Lan trong ASEAN.
Thái Lan thường lên tiếng về vấn đề tự do hàng hải ở Biển Đông, nhưng cũng như Hoa Kỳ, Thái Lan không đứng về bên nào trong vụ tranh chấp hàng hải khu vực.
Tiến sĩ Trần Đình Lâm cho rằng tiếng nói của Bangkok vẫn còn có uy tín trong cộng đồng 10 nước Đông Nam Á:
“Từng nước riêng họ có cái nhìn khác nhau, nhưng trong tổng thể là cộng đồng ASEAN thì có tiếng nói chung. Chuyến thăm đến Thái Lan lần này cũng có một tác động nhất định – giúp các nước nhìn nhận lại về vấn đề Biển Đông, và vì Biển Đông là biển của các nước ASEAN và sự hợp tác trong khối có lợi ích lâu dài, duy trì hòa bình ở Biển Đông. Và khi tiếng nói của khối về Biển Đông mạnh hơn thì Trung Quốc khó mà dám làm gì.”
Tiến sĩ Lê Minh Nguyên không chia sẻ ý kiến đó, ông cho rằng vai trò của Thái Lan trong khối ASEAN đang dần lu mờ do lực hút kinh tế từ Bắc Kinh, trong khi hiện tại Việt Nam đang “đơn độc” trong tranh chấp Biển Đông:
“Vấn đề Biển Đông, các sự kiện vừa qua cho thấy Việt Nam rất là đơn độc, bởi vì gần như hầu hết 10 quốc gia Đông Nam Á hoặc là thân thiện với Trung Quốc hoặc ở trạng thái trung dung và Trung Quốc gây ảnh hưởng cả khối ASEAN. Trong trường hợp Thái Lan thì rõ ràng đang thực hiện chiến lược Một vành đai – Một con đường, trong đó có tuyến đường sắt rất quan trọng đi từ Vân Nam, xuống Thái Lan đến tận Singapore, và con kênh Kra mà chính quyền quân sự của Thái Lan rất muốn hợp tác với Trung Quốc. Lợi ích kinh tế của Thái Lan từ việc hợp tác với Trung Quốc quá lớn so với lợi ích kinh tế từ Việt Nam.”
Tiến sĩ Lâm nói rằng chiến lược của Trung Quốc đối với các quốc gia Đông Nam Á không hoàn toàn được hoan nghênh:
“Chiến lược Một vành đai – Một con đường của Trung Quốc hấp dẫn các nước, trong đó có Thái Lan, nhưng đưa đến nhiều hệ lụy. Tất cả những gì Trung Quốc đã làm Lào và Campuchia cũng gây những sứt mẻ trong cộng đồng Đông Nam Á. Đó chỉ là một sáng kiến của Trung Quốc đưa ra, nhưng không phải các nước đều nghe theo.”
Báo VNExpress trích thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam nói Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha hôm 17/8 đã “khẳng định quan điểm tương đồng về Biển Đông khi đón người đồng cấp Việt Nam đến thăm.”
Vẫn theo nguồn tin này, hai vị thủ tướng tuyên bố “tiếp tục ủng hộ ASEAN và Trung Quốc sớm đạt được COC, Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông”.
Báo The Nation của Thái Lan tường thuật rằng thủ tướng hai nước thừa nhận những lo ngại sâu sắc của Việt Nam về vụ tranh chấp ở Biển Đông. Hai nhà lãnh đạo cũng nêu bật tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định, cũng như an toàn và tự do hàng hải trong khu vực.
Hai thủ tướng nhấn mạnh hợp tác an ninh-quốc phòng là một trong các trụ cột của quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - Thái Lan.
Thông tấn xã Việt Nam tường thuật rằng Việt Nam và Thái Lan tái khẳng định cam kết không cho phép cá nhân hay tổ chức nào lợi dụng lãnh thổ nước mình để tiến hành các hoạt động chống phá nước kia; hai bên còn cam kết hợp tác trong nỗ lực phòng, chống khủng bố và các loại hình tội phạm; tăng cường hợp tác xử lý các vấn đề trên biển. - VOA
12.
Không thể xử lý hành vi hợp pháp cho dù hậu quả như thế nào --- Các dự án BOT thu phí đường bộ sai phạm nhiều
Một tuần nay, hiện tượng nhiều lái xe dùng tiền lẻ để thanh toán khi qua trạm trạm thu phí Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang khiến giao thông qua trạm này bị tắc nghẽn. Ùn tắc giao thông kéo dài dẫn đến nhiều lần nhà đầu tư buộc phải xả trạm thu phí.
Việc làm này của giới tài xế, dư luận cho rằng nhằm phản đối việc thu phí quá cao và trạm thu phí đặt ở vị trí bất hợp lý. Mức phí từ 35.000 đồng đến 180.000 đồng tùy từng loại xe, cao gấp nhiều lần so với các cao tốc khác. Còn bất hợp lý ở chỗ, lẽ ra trạm chỉ được đặt ở vị trí sao cho chỉ thu tiền những xe nào đi trên phần đường của dự án chứ không được thu đoạn trên tuyến khác vì lái xe đã đóng tiền bảo trì đường bộ hàng năm.
Việc thanh toán bằng tiền có mệnh giá thấp không chỉ gây ùn tắc giao thông mà làm cho nhà đầu tư thất thu vì phải xả cửa. Có một số ý kiến, trước hết là từ phía nhà đầu tư đòi xử lý lái xe. Tuy nhiên vấn đề tìm ra cơ sở để xử lý họ không đơn giản, không phải cứ muốn là được.
1. Không thể có cơ sở kết luận lái xe trả tiền lẻ là cố tình gây ách tắc giao thông, vì không thể đọc trong đầu người khác cái ý nghĩ “cố tình” mà chỉ có thể ghi nhận được hành vi trả tiền lẻ mà thôi. Cũng như trong Bộ luật hình sự không có tội "âm mưu".
Tiền dù mệnh giá nào cũng là tiền được lưu hành hợp pháp. Chê tiền lẻ là vi phạm pháp luật. Ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tasco, đại biểu Quốc hội khóa XIV, Ủy viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội yêu cầu cấm sử dụng tiền mệnh giá dưới 5.000 đồng khi đi qua trạm là không hiểu biết pháp luật. Việc lái xe dùng tiền lẻ để thanh toán phí không thể qui họ vào lỗi gì, ngược lại coi chừng xử lý lái xe trả tiền lẻ là vi phạm pháp luật.
Điều 3, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 130/2003/QĐ-Ttg ngày 30/6/2003 về việc bảo vệ tiền Việt Nam qui định những hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có hành vi "Từ chối nhận, lưu hành đồng tiền do Ngân hàng Nhà nước phát hành trong lãnh thổ Việt Nam".
2. Theo luật sư Nguyễn Doãn Hùng, Công ty Luật IPIC - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội thì tiền lẻ cuộn tròn bỏ trong chai nhựa là hành vi cố ý để làm cho quá trình mua vé diễn ra rất chậm, hành vi này sẽ gây ra ùn tắc giao thông tại trạm thu phí.
Luật sư Nguyễn Doãn Hùng dẫn nghị định về xử phạt vi phạm hành chính và Bộ luật Hình sự ra rồi cho rằng hành vi bỏ tiền lẻ vào chai nhựa có thể vị xử phạt 2 triệu đến 3 triệu đồng hoặc bị tù từ 2 đến 7 năm.
Nếu dẫn luật đúng thì tiếng nói của luật sư rất có tác dụng. Ông vừa bênh vực quyền lợi của nhà đầu tư, vừa thương các anh công an vất vả, vừa lo cho an ninh trật tự bị rối loạn. Lời răn đe của luật sư Hùng chắc hẳn làm mát lòng nhà cầm quyền cũng như chủ đầu tư. Nhưng khi dẫn giải các điều khoản của luật pháp ra để “đe” như vậy, Luât sư Hùng đã sai bét.
Có thể, hoặc là Luật sư Hùng nhầm lẫn về luật pháp hoặc là ông chọn đứng về phía kẻ có quyền hay có tiền.
Thứ nhất là không thể nhét hai chữ “cố ý” cho một hành vi nào đó vì ý nghĩ con người không thể hiện lên văn bản.
Thứ hai là không có qui định nào cấm cho tiền lẻ vào chai nước để thanh toán, cũng như không có qui định nào cấm các bà nội trợ giắt tiền vào cạp quần, vào áo ngực khi đi chợ.
Thứ ba là an ninh, trật tự công cộng bị rối loạn do hành vi vi phạm pháp luật gây ra thì kẻ có hành vi ấy mới bị xử lý, chứ không thể xử lý người có hành vi hợp pháp dẫn đến trật tự công cộng bị rối loạn. Việc dùng tiền mệnh giá nhỏ, bỏ vào chai nhựa để thanh toán là hành vi hợp pháp (không bị cấm).
Ví dụ: Khi lượng xe tham gia giao thông nhiều, đường hẹp dẫn đến ách tắc giao thông thì không thể xử lý những xe tham gia giao thông. Nhưng hai tài xế quay xe đánh, chửi nhau làm ùn tắc giao thông thì họ bị xử lý.
Một cô gái đẹp xuất hiện trên phố, thu hút sự chú ý của lái xe dẫn đến ùn tắc giao thông - điều này đã từng xảy ra nhưng không thể xử lý cô gái ấy về “tội đẹp”
3. Theo thông tin vừa nhận được, Sở GTVT Tiền Giang đã gửi lên Tổng cục đường bộ danh sách số đăng ký của 19 xe dùng tiền lẻ khi qua trạm BOT Cai Lậy. Đây là những xe trích xuất dữ liệu từ các camera tại trạm mà nhà đầu tư “đòi xử lý”. Tuy nhiên, việc xử lý những xe này là không thể vì như đã diễn giải ở trên là không có căn cứ pháp luật, trừ khi “tức lên xử đại”. Cần phải giải quyết cái gốc của vấn đề, đó là dời trạm về đúng vị trí của nó và định lại mức phí để lái xe có thể chấp nhận được. - RFA
***
Thanh tra Chính phủ Việt Nam nói rằng có rất nhiều sai phạm liên quan đến các dự án BOT xây dựng các trạm thu phí đường bộ.
Thanh tra chính phủ đưa ra kết luận như vậy sau khi thanh tra 7 dự án thuộc loại này trên các tuyến đường bộ từ Bắc tới Nam.
Các sai phạm đó được nêu gồm xây dựng những trạm thu phí ở những nơi có nhiều xe cộ qua lại, và quá gần nhau, làm cho người dân không có chọn lựa nào khác; thu phí cao hơn phương án tài chính đưa ra; không có đấu thầu mà chỉ có chỉ định thầu; một số nhà đầu tư không có năng lực; chưa hoàn tất công trình mà đã thu tiền; một số trạm thu phí đặt bên ngoài vùng đất thực hiện dự án...
Theo thanh tra chính phủ, những sai phạm này dẫn đến việc người dân hoặc là phản đối, hoặc là tìm các đường ngang ngõ tắt để đi, gây hư hại cho các đường sá nhỏ.
BOT là chữ viết tắt của ba từ tiếng Anh: Build (xây dựng) Operate (Vận Hành) Transfer (Chuyển giao). Đây là một hình thức đầu tư, trong đó nhà đầu tư dùng vốn của mình xây dựng công trình, thu chi phí để lấy lại vốn, rồi sau đó chuyển giao cho nhà nước.
Một chuyên gia kinh tế là ông Huỳnh Thế Du, giảng viên Đại học Fulbright tại Việt Nam trả lời truyền thông trong nước rằng hình thức hợp tác để xây dựng BOT giữa nhà nước và tư nhân như vậy dễ dẫn đến chuyện các công ty tư nhân sử dụng những quan hệ thân hữu trong chính quyền để trục lợi, tức là họ sẽ được cho phép thu tiền cao, thu tại nhiều trạm gần nhau, trong khi đó người dân lại không được lợi gì cả, dẫn tới bất bình.
Ông Du nhấn mạnh rằng hình thức BOT càng có tác dụng xấu trong điều kiện điều hành chính sách không minh bạch như ở Việt Nam.
Xin được nhắc lại là trong những ngày gần đây, dân chúng cho là chi phí của trạm BOT Cai Lậy ở Tiền Giang quá cao và việc bố trí các trạm bất hợp lý, đã dùng tiền lẻ để trả, gây kẹt xe, và sau nhiều ngày tranh cãi, trạm thu phí này phải ngừng hoạt động.
Cách đây vài tháng tại trạm thu phí Cầu Giẽ gần thành phố Vinh cũng đã xảy ra chuyện tương tự. - RFA
13.
Dầu thô nhập khẩu của Việt Nam đạt mức kỷ lục
Lượng dầu thô mà Việt Nam nhập khẩu sẽ tăng lên mức kỷ lục trong tháng 8 do nhu cầu lọc dầu gia tăng; trong khi sản lượng dầu thô khai thác trong nước giảm xuống.
Hãng tin Reuters loan tải thông tin vừa nêu vào ngày 18 tháng 8, nói rõ xu hướng tiếp tục trong những tháng tới khi khả năng lọc dầu tăng lên. Đơn đặt hàng dầu thô từ nước ngoài của Việt Nam tăng lên khi mà nhà máy lọc dầu Nghi Sơn lớn thứ hai của Việt Nam chuẩn bị sản xuất khí hoá lỏng, xăng, dầu diesel, dầu hỏa và nhiên liệu máy bay, dự kiến vào đầu năm 2018 nhằm cung cấp cho thị trường nội địa.
Đơn hàng dầu thô nhập khẩu của Việt Nam được nói vẫn còn ít ỏi so với Trung Quốc và Ấn Độ, mà số lượng được nói là chừng 8 triệu thùng mỗi ngày cho Trung Quốc và 4 triệu thùng mỗi ngày cho Ấn Độ.
Sản lượng dầu thô của Việt Nam đạt mức cao nhất hồi đầu những năm 2000, chừng 400 ngàn thùng mỗi ngày. Việt Nam đang thăm dò những giếng mới tại Biển Đông; thế nhưng do xung đột với phía Trung Quốc một số hoạt động bị hoãn lại. - RFA
Link:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét