Những người ở gần và nhân viên của khu vực, đã quá quen thuộc với cảnh này từ lâu nên không còn ai thấy lạ và tò mò nữa. Mỗi buổi sáng khi mặt trời vừa ló dạng , người y tá đẩy chiếc xe lăn trên có một người đàn bà dáng nhỏ bé trùm kín trong cái áo dạ dầy , chiếc khăn len quấn trên đầu che lạnh nhưng không che đi được hết mái tóc bạc phơ. Chiếc xe được đẩy tới đầu dãy nhà, sát bên tường ngó ra con đường dẫn vào khu Nursing home này rồi dừng lại. Người đàn bà ngồi một mình lặng thinh ở đó cho tới giờ ăn trưa mới có người ra đẩy xe quay vào.<!>
Trong dáng ngồi ủ rũ, đôi mắt u buồn nhìn xa xăm … Gương mặt bà tuy có nhiều nếp nhăn , nhưng thời gian vẫn còn để lại rất đậm nét dấu vết của một thời xuân sắc . Với nước da trắng xanh, vẻ mặt thanh thoát trông thật hiền lành , bà luôn cười đáp lại khi ai hỏi thăm điều gì, nhưng rất ít khi lên tiếng . Thoạt đầu mọi người nghĩ chắc bà không nghe rõ do tuổi tác ,hay không hiểu ngôn ngữ khác ngoài ngôn ngữ của bà . Dù vậy, nụ cười thân thiện trên đôi môi duyên dáng ấy khiến ai cũng phải có cảm tình khi đối diện. Tất cả đều nghĩ bà ra ngồi sưởi nắng ấm ban mai.
Trong suốt thời gian lui tới nơi đây , đã mấy lần tôi ngỏ ý muốn đẩy xe giúp cho bà, nhưng đều nhận phải sự từ chối khéo qua cái khoát tay nhẹ nhàng và nụ cười xinh đẹp , sau này tôi mới hiểu ra vì chưa đến giờ bà phải quay vào! Bà đã như một thứ rất thân thiết quen thuộc trong mắt trong ý nghĩ của mọi người và của cả tôi từ lúc nào không biết. Tựa một thứ điểm khuyết tự nhiên không thể thiếu như cây cảnh , như bức tượng đá đặt trên lối đi, cạnh bờ tường của khu vực này, dù rằng rất đơn điệu và khó có thể làm cho ai chú ý .
Chúng tôi chưa một lần tìm hiểu sự riêng tư của mỗi người trong họ, vì biết tất cả những ai đã vào sống trong khu nhà này đều có những hoàn cảnh khác nhau. Điểm chung là không thể tự mình lo cho tất cả mọi sinh hoạt cá nhân. Bất kể tuổi tác nào cũng có thể được nhận vào. Chỉ phân loại tùy theo mức độ trầm trọng của bệnh tật để ở những khu vực khác nhau .
1/ Skilled Nursing Facility : (SNF) được chia làm hai phần:
Khu bệnh nhân sau khi giải phẫu , vào để tập dợt một thời gian chờ đợi phục hồi sẽ được trở về nhà.
Những người khuyết tật , nặng hơn như bất toại , hoặc hoàn toàn hôn mê không còn khả năng nhận biết việc gì ngay cả vệ sinh hay ăn uống.
2/ Intermediate care facility (ICF) :
Nơi không đòi hỏi phải săn sóc đặc biệt cho người già cả bệnh tật không thân nhân , vào ở cho đến cuối đời .
3/ Assisted living facility (ALF) :
Những người trong khu vực này còn khả năng tự lo cho vệ sinh, sinh hoạt cá nhân . Họ chỉ cần có người giúp đỡ trong việc nấu ăn , chở đi đây đó hay mua sắm lặt vặt.
4/ Alzheimer facility :
Đây là nơi có bệnh nhân tuy có thể đi đứng bình thường nhưng bị vấn đề trí não. Cần có người để ý thường xuyên 24/24 .
Chúng tôi thường chỉ sinh hoạt ở nơi được gọi là “Activity room”, với những người tuy bệnh tật nhưng còn có thể nghe hiểu được và nói chuyện được ít nhiều . Dù rằng ở nhà con cháu đầy đàn hay chỉ đơn độc một mình, khi vào trong thế giới nhỏ nhoi này ai cũng giống nhau. Việc bất đắc dĩ, và một khi đã đến nơi này, mấy ai còn chút tỉnh táo mà chẳng nuối tiếc hay hồi tưởng thời dĩ vãng xa xưa …! Tôi sợ vô tình khơi dậy những nỗi đau của mỗi người trong họ , vì đã từng nghe và chứng kiến nhiều nên chỉ biết tỏ lòng thương bằng những lần đến giúp cho họ có chút niềm vui , chơi thể thao nhẹ với họ, trò chuyện đôi câu, hay những mùa lễ Tết thì cố gắng gom góp mang đến tặng chút quà tượng trưng cho mỗi người . Dẫu cũng biết họ chỉ vui với món quà trên tay trong vài giây phút hiện tại, rồi sẽ quên ngay và món quà cũng quăng đâu mất hay cho ai đó. Nhưng những sinh hoạt nhỏ trong chừng nửa tiếng đồng hồ cũng đủ làm bừng lên chút ít nét vui trên những khuôn mặt luôn trầm tư. Đời người ai cũng phải trải qua giai đoạn cuối cùng bi thảm, rồi mới về với cát bụi . Việc làm của chúng tôi chỉ mong rằng mang được ít nhiều sinh khí cho những nơi buồn bã ảm đạm như thế này. Người ta bảo, con người sinh ra cho đến khi lìa đời chia làm ba giai đoạn . Mới chào đời còn chập chững , mọi sinh hoạt lúc nào cũng cần cha mẹ chăm lo. Lớn lên tự bươn chải cho cuộc sống và cho gia đình . Rồi cuối cùng sẽ quay lại giai đoạn đầu tiên . Nhưng đây mới là thời gian đáng nghĩ tới nhất, vì dù sao trong mỗi người đã trải qua bao nhiêu vui buồn sướng khổ khó mà quên được . Mà đã quen nếp sống họat động, bây giờ tay chân yếu ớt không thể tự ý muốn làm gì theo ý . Thêm nữa ,trong nội tạng đủ thứ trục trặc cứ nổi hứng bất tử gây phiền hà cho thân xác ngày đêm ! Nhiều người biểu lộ qua cách cáu gắt , bực bội ra mặt với người chung quanh. Người thì trở thành trầm cảm, không muốn tiếp xúc với ai .Chẳng qua là phản ứng từ thân thể đau yếu từ sự cô đơn tủi phận mà ra . Cố gắng tìm hiểu để mà cố gắng cảm thông , để thương cho kiếp làm người hơn .Để suy người mà nghĩ đến ta mai này. Tuy thế, cũng có một số người biết chấp nhận hoàn cảnh , họ tươi cười hát theo khi nghe chúng tôi hát, hay vỗ tay hòa theo .Có người còn cố gắng đứng lên nhảy theo từng điệu , hay xoay vòng chiếc xe lăn chung quanh chúng tôi cùng cười vui. Nhìn những nụ cười tươi trên khuôn mặt họ, lòng tôi thấy dâng lên niềm rộn ràng kỳ lạ và vô cùng ấm áp .
Lần này đã là tuần thứ ba tôi thấy thiếu bóng dáng người phụ nữ vẫn hay ngồi nơi góc tường đằng kia. Đã mấy lần định hỏi thăm nhưng bận lu bu thành ra quên mất . Hôm nay có công việc gần đó xong trước hạn định nên tôi tới nơi hơi sớm, và một câu chuyện thương tâm đã khiến tôi ngậm ngùi mãi cho đến bây giờ khi ngồi viết ra những hàng chữ này.
Tất cả đều đổi thay từ ngày oan nghiệt ấy, trên đường đi làm về vì quá mệt mỏi sau hai “ca” liên tục .Bà Maria đã bị lạc tay lái nên xe đâm sầm vào hàng song sắt chắn ngang bờ vực sâu thẳm .Rào sắt cong vòng lên, chiếc xe nhảy hẳn lên gần ra khỏi mặt đường . Bà bất tỉnh ngay khi vừa có sự va chạm mạnh , đầu xe bẹp dúm tan nát. Vì đã khuya nên ít người chạy ngang lối này, phải mất cả tiếng sau có người đi đường nhìn thấy gọi điện thoại báo thì cảnh sát mới đến nơi. Người ta phải cưa thân xe mới lôi được bà từ trong ra đem đến bệnh viện cấp cứu . Máu chảy ra nhiều khiến bà hầu như kiệt hết sức khi tỉnh lại sau hai ngày . Dù rằng bệnh viện đã tận tâm dùng đủ mọi phương tiện , nhưng kể từ đó đời bà đã dính liền với chiếc xe lăn cũng như dính liền với Nursing home này ! Đã hai mươi lăm năm trôi qua như thế ! Nghe kể không thôi mà tôi đã rùng mình sợ hãi.
Trước đó, thời son trẻ bà Maria là một thiếu nữ thuộc loại xinh đẹp nhất nhì của một vùng. Bao nhiêu chàng trai theo đuổi ,nhưng bà lại yêu một người con trai cùng trường học trên bà hai lớp. Khi ông ra trường thì hai người cưới nhau, bà vừa đi học tiếp vừa sinh con .Tuy vất vả nhưng hai vợ chồng rất vui trong sự đầm ấm hạnh phúc. Hai người cũng có nhà cửa và mọi thứ tiện nghi của một đời sống trung lưu. Ông bà có hai đứa con ngoan và học hành chăm chỉ, đứa con trai mười bảy tuổi và đứa con gái mười lăm tuổi còn đang đi học.
Tưởng mọi sự mãi yên bình, cho đến ngày ông chồng là một kỹ sư điện bị thất nghiệp ,tìm mãi không ra việc mới. Ông bàn với bà bán nhà để lấy vốn kinh doanh địa ốc , cả gia đình dọn đến ở một Apartment hai phòng . Nhưng vận rủi hình như cố tình trêu chọc, tất cả vốn liếng đều trôi nổi theo tình hình xuống dốc của thời cuộc. Ông chán nản để mẹ con bà ở lại mà đi qua Tiểu Bang khác làm ăn với bạn bè. Một mình nuôi con, vì muốn dành dụm tiền để mướn nhà và thêm cho chi phí gia đình, bà phải đi làm thêm một công việc cuối tuần . Sức khỏe bà càng ngày càng suy yếu nhưng vì các con bà vẫn phải cố gắng . Việc làm càng ngày càng khó khăn , bà may mắn còn được trọng dụng nên càng nỗ lực hơn .
Một tai nạn xảy ra đã làm thay đổi một gia đình ,bao nhiêu cuộc đời ! Người chính lo cho cuộc sống gia đình không còn khả năng nữa , chồng bà cũng không tìm lại được việc làm. Đi đến đường cùng, lúc này họ mới đành xin hưởng trợ cấp xã hội, hai đứa trẻ tự bung ra đời lo cho bản thân sau khi đủ mười tám. Tuổi mới lớn dại dột ham vui, cậu con trai đã theo bạn bè rủ rê lâm vào vòng nghiện ngập từ lúc nào không ai hay . Sau thời gian cai nghiện được thì cưới vợ và dẫn nhau đi khỏi thành phố ít khi liên lạc về. Cô con gái bỏ học dở dang và lấy chồng , hoàn cảnh cũng không có gì là khá lắm. Còn người chồng, buồn rầu đâm ra chán nản và dùng rượu để tìm quên …
Thời gian đầu bà nằm trong Nursing home này còn có người trong gia đình thay phiên đến thăm mỗi tuần một lần, càng về sau càng thưa dần và mười lăm năm nay hầu như biệt dạng không còn ai ngó ngàng đến người đàn bà bất hạnh này nữa ! Bà rơi vào tình trạng khủng hoảng tinh thần , trầm cảm không còn muốn mở miệng chuyện trò hay nói năng điều gì . Chỉ dùng ánh mắt để biểu lộ , và qua đó có thể hiểu được sự đau khổ biết nhường nào . Tin tức về chồng con bà như theo cơn gió mà bay mất vào không trung . Tuy thế bà vẫn không từ bỏ niềm hy vọng, mỗi ngày đều có ý mong chờ chồng và con. Từ sáng tới trưa ở ngoài đường, từ chiều tới tối ngồi im lặng trong phòng nhìn ra cửa sổ, từ ngày này sang ngày khác , năm nọ sang năm kia . Mỗi ngày chỉ trừ vài tiếng đồng hồ chìm trong giấc ngủ, còn lại là bấy nhiêu hy vọng mỏi mòn khiến bà như mỗi ngày thêm khô héo ! Những giọt nước mắt tủi thân hầu như đã từ từ khô cạn và chảy ngược vào trong lồng ngực bé nhỏ gầy yếu của bà . Nhưng như một thói quen đã ăn sâu trong tiềm thức, ngày nào trở trời hay mưa gió là cả một sự quay quắt lo lắng hiện rõ trên nét mặt. Bà sợ thời tiết làm cản trở đường đi của gia đình … .
Cổ họng tôi như nghèn nghẹn ,và tim thì đau thắt khi nghe đến đây . Ôi tấm lòng của một người đàn bà cô đơn trong chính gia đình của mình !Sự vô tâm hay tình cảm con người quá hạn hẹp !
Tôi chợt nhớ lại .Buổi trưa hôm đó cách đây hơn nửa tháng, đúng ngày hẹn khi tôi lái xe vừa tới đầu đường cách khu vực Nursing home một blog. Ánh đèn chớp nhòa liên tục của mấy chiếc xe cứu thương cùng tiếng rú còi đang vang lên inh ỏi .Cả đoạn đường dài bị chặn không đi qua được. Tôi tắp xe vào bên lề ngồi chờ , lòng nghĩ thầm chắc lại có ai mới bị gì đó phải đưa đi cấp cứu . Sau đó đành đi vòng qua mấy con đường , đậu xe thật xa rồi đi bộ tới nơi. Tôi vội vàng sợ trễ giờ , rồi sau đó quên bẳng luôn .
Thật bàng hoàng! Bà Maria, người đàn bà tội nghiệp đã bị một tai nạn bất ngờ và qua đời ngay hôm đó . Sự nhung nhớ con đã gây ra cái chết thương tâm , khi đang ngồi như thường lệ đã bao nhiêu năm nay ở góc tường trông ra ngoài mỗi sáng , bà chợt nhìn thấy bóng một người con gái băng qua bên kia đường . Bà cất tiếng kêu lớn nhiều lần nhưng cô gái kia không hề nghe thấy vẫn đi thẳng, bà không kịp suy nghĩ vội tự gạt tay thắng của chiếc xe lăn định theo cô gái mà bà ngỡ là con mình. Khi bà cố gắng đẩy xe vượt qua , bất ngờ quẹt phải bồn hoa đặt gần đó, chiếc xe mất thăng bằng đổ nghiêng hất bà rơi ra giữa mặt đường , người y tá chạy ra nhưng đã muộn, một chiếc xe vừa qua khúc quẹo trờ tới, tuy thắng gấp nhưng cũng đủ gây chấn thương cho một người quá yếu đuối. Đầu chiếc xe tông trúng một bên thái dương của bà , không thấy vết máu. Bà còn tỉnh, trên đường đi đến bệnh viện miệng vẫn thều thào gọi một cái tên với giọng thiết tha: “ July, July ! Please come back to me !” Mọi người hiểu ra câu chuyện .Và bà một mình lẳng lặng rời xa thế giới ngay trong đêm, một nơi mang đến nhiều sầu não cho nhân loại và cho chính bà. Hay bà đi tìm một sự giải thoát cho riêng mình ? Bây giờ tôi mới biết, bà qua đời khi mới chỉ hơn sáu mươi tuổi, vậy mà nhìn bà từ bấy lâu nay tôi ngỡ bà đã gần tám mươi !
Bà bỏ ra đi trong mùa lễ Mother’s day , hai đứa con của bà nếu biết được liệu chúng có nhỏ được giọt nước mắt nào tiếc thương cho mẹ chúng không ? Nếu có sự ăn năn thì tất cả cũng đều muộn màng , những gì mất đi không bao giờ tìm thấy lại. Nhất là duy nhất chỉ có một người mẹ trong đời .Người mẹ yêu thương con , hy sinh không cần đáp trả .
Nhưng con cái có mấy người nhận ra được tấm lòng bao la của người sinh thành ra mình , để không bao giờ phải nói câu hối hận hay không ? Nay bà đã nằm yên trong nấm mộ nhỏ , tất cả những đau khổ đã rời xa … Ở thế giới bên kia mong rằng bà cảm thấy hạnh phúc hơn.
Thu Tâm
5-14
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét