Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 28 tháng 8, 2017

Giai thoại Nỗi Buồn Hoa Phượng

Image may contain: 1 person, wedding, tree, plant, outdoor and nature
Nhạc sĩ Thanh Sơn, tác giả của những ca khúc mang giai điệu buồn thương về tuổi học trò, mái trường, hoa phượng như:Lưu bút ngày xanh, Nỗi buồn hoa phượng, Thương ca mùa hạ, Nhật ký đời tôi, Mùa hoa anh đào, Hương tóc mạ non, Bài ngợi ca quê hương…<!>
Hầu hết ca khúc của ông đều mang âm hưởng dân ca Nam Bộ, lẫn một vài điệu thức của vọng cổ, cải lương như đã thấm đẫm trong tâm hồn ông. Nên vừa trữ tình vừa ngọt ngào, dễ hát, dễ thuộc và đặc biệt là dễ nhớ, vì trong nhạc có nhiều hình ảnh, kỷ niệm phù hợp với tâm tư, tình cảm bình thường của nhiều người. Đã có người ví, nhạc Thanh Sơn như chiếc xuồng quê đưa biết bao tâm hồn trở về với ký ức tuổi học trò, dòng sông, hàng dừa rủ bóng, cánh đồng đầy cò trắng, ngạt ngào hương mạ xanh rờn thắm đượm tình quê…
Có điều ít ai biết, trước khi trở thành nhạc sĩ, Thanh Sơn đã là ca sĩ. Số là vào năm 1959, từ quê nhà Sóc Trăng ông lên Sài Gòn giúp việc cho một gia đình. Vốn có giọng hát hay và từ lâu ôm ấp mộng làm ca sĩ. Một lần ông nghe radio và biết Đài Phát thanh Sài Gòn tổ chức tuyển lựa ca sĩ, ông ghi tên tham dự và đến ngày thi xin gia chủ cho mình nghỉ 2 giờ đồng hồ để đi thi. Sau một năm chờ đợi, ông nhận được thông báo mình đạt vị trí thủ khoa kỳ thi tuyển chọn đó. Và với kết quả này, ông đã được nhiều ban nhạc danh tiếng ở Sài Gòn lúc đó mời cộng tác. Từ đây, Thanh Sơn đã bước vào lĩnh vực ca hát của Sài Gòn hoa lệ, dần dà quen biết, gần gũi với những nhạc sĩ, ca sĩ nổi tiếng như: Hoàng Thi Thơ, Hoàng Trọng, Lê Dinh, Minh Kỳ, Lam Phương, Duy Trác, Kim Tước, Mai Hương… Và về sau này, hai nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ và Lê Dinh đã khuyến khích và giúp đỡ ông rất nhiều trong bước đầu sáng tác.
Về hoàn cảnh ra đời của bài hát Nỗi buồn hoa phượng, ông kể...
"Năm 13 tuổi, học trường Hoàng Diệu - Sóc Trăng, tôi chung lớp và quen với một cô gái khá dễ thương, có cái tên cũng khá lạ: Nguyễn Thị Hoa Phượng, con của một gia đình công chức từ Sài Gòn, biệt phái về làm việc tại Sóc Trăng..."
Ông hồi tưởng: “Thời gian gần gũi hơn một năm, tình cảm bắt đầu thân thiết, bỗng hè năm sau đó, Hoa Phượng đột ngột báo cho biết là gia đình được điều chuyển về lại Sài Gòn, nên cô tìm gặp tôi để chào từ biệt. Trong lúc vừa bất ngờ vừa buồn rười rượi, tôi hỏi xin địa chỉ để sau này liên lạc. Hoa Phượng cũng chỉ buồn bã nói trong nước mắt: “Tên em là Hoa Phượng, mỗi năm đến hè nhìn hoa phượng nở thì hãy nhớ đến em…”. Từ đó, chúng tôi bặt tin nhau.
Bẵng đi thời gian khá lâu, khi đã nổi tiếng ở Sài Gòn với nghệ danh nhạc sĩ Thanh Sơn, một ngày hè năm 1963, bất chợt trông thấy những cành phượng đỏ thắm khi ngang qua một sân trường, tôi bỗng nhớ lại lời của “người xưa” lúc chia tay... Và, vào một đêm hè oi bức, lòng đầy hoài niệm, tôi đã viết:
Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn
Chín mươi ngày qua chứa chan tình thương 
Ngày mai xa cách hai đứa hai nơi 
Phút gần gũi nhau mất rồi, 
Tạ từ là hết người ơi…
Tiếng ve nức nở buồn hơn tiếng lòng 
Biết ai còn nhớ đến ân tình không 
Đường xưa in bóng hai đứa nay đâu 
Những chiều hẹn nhau lúc đầu 
Giờ như nước trôi qua cầu…
Giã biệt bạn lòng ơi 
thôi nay xa cách rồi, 
kỷ niệm mình xin nhớ mãi...
Buồn riêng một mình ai, 
chờ mong từng đêm gối chiếc, 
mối u hoài nào ai có hay?
Có ai đã từng nhặt hoa thấy buồn
Cảm thông được nỗi vắng xa người thương 
Màu hoa phượng thắm như máu con tim 
Mỗi lần hè thêm kỷ niệm, 
người xưa biết đâu mà tìm…
Bài hát sau đó được thu với giọng hát của ca sĩ Thanh Tuyền và rất được nhiều người, nhất là lứa tuổi học trò yêu thích.

Thanh Tuyền - Nỗi Buồn hoa Phượng - Thu Âm Trước 1975

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét