Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 19 tháng 8, 2017

Cô Tôi - Thụy Khê


Năm xa Hà Nội tôi mới lên mười. Hình ảnh Hà Nội còn lưu lại trong tôi những ngày xa xưa ấy là hôm mưa dầm gió bấc, gia đình chuẩn bị di cư. Mẹ tôi không mang theo được những bình cổ, mâm đồng, câu đối ... rút cuộc đem bán chợ trời. Tràng kỷ, sập gụ, tủ kinh, chưa chi đã có người quen đánh tiếng khuân ngay. Căn nhà sau Chợ Hôm, cũng có người đặt giá rồi. Cha mẹ tôi mừng rỡ lắm, vì ngay lúc ấy nhà cửa khắp mọi nơi bán tống bán tháo mà chẳng có người mua.

Tôi đi bộ lại khu Chợ Hôm mỗi buổi sáng nực mùi bún riêu bún chả. Bác phở gánh gần nhà mất một món khách kinh niên. Tôi tiếc con đường Phố Huế, mỗi tối sáng rực ánh đèn. Gần Tết mấy chị em rủ nhau đi dọc theo những quầy hàng bầy rẫy đồ chơi, chấm sẵn những món sẽ mua với tiền mừng tuổi. Dạo ấy, tôi chưa "quen" Trần Dần, chưa biết những vần thơ day dứt :
"Trời vẫn quất muôn vàn tảng gió
Bắc Nam đi đứt ruột chia đôi.
Tôi cúi xuống quỳ xin mưa bão
Chớ đổ thêm lên đầu họ,
Khổ nhiều rồi." 

Ba mươi năm sau trở về Hà Nội, bất chấp lời chị tôi vừa khuyên vừa dọa : "Mới về đến Sài Gòn mà đã như người mất hồn, lại còn đòi mò ra Hà Nội làm chi cho vỡ mộng. Cứ ở xa mà 'nghẹn ngào thương nhớ em... Hà Nội ơi' có phải sướng cái thân không ?"
Gia đình ruột thịt tôi ở lại Hà Nội không nhiều, chỉ có một bà cô ruột. Tôi dự tính sẽ đến thăm cô tôi và ở lại với cô vài ngày.
Nhà cũng dễ tìm. Đường Trần Phú là một đại lộ lớn gần khu Ba Đình lăng Bác. Cô tôi ở chung cư nhà nước xây cất cho cán bộ, công nhân sang hoặc thuê với giá rẻ. Ngõ vào chung cư không lấy gì làm lầy lội lắm, gần như khô ráo trong mùa hanh này. Cô tôi ở gian nhà giữa ngõ. Khu chung cư nhà nào cũng giống nhau như đúc, mỗi căn nhà, nói cho đúng ra là mỗi phòng rộng chừng chín mét vuông. Cô tôi ở chung với người con lớn. Xuân, mới góa chồng, có một đứa con trai, thằng Tường, mười lăm tuổi. 
Chồng Xuân là liệt sĩ hy sinh ở mặt trận Kam-Pu-Chia hồi năm ngoái (1).  Nhà chỉ có ba người - ấy là rộng rãi đấy, cô tôi nói thế - chung quanh hàng xóm nhà nào cũng bốn năm người cả. Trong phòng vừa chỗ kê một cái giường hai người sát tường, trên đầu giường chon von cái tủ khập khiễng, bốn chân gẫy một, dưới chân giường là cái trạn thức ăn, trạn trống. Tấm phản con nằm cạnh cửa ra vào. Giữa giường và phản là lối đi.
Xuân đi làm vắng, cô tôi bảo Xuân làm ở xí nghiệp chế biến liên-hợp, tôi chưa quen với những danh-từ mới, nên nhiều khi chữ nọ xọ với chữ kia. Thằng Tường đang ngồi trên phản phì phò điếu thuốc, tôi cũng chẳng biết là thuốc gì, thuốc lá hay thuốc rê. Thấy nó hút thuốc, tôi nhìn lũ trẻ chơi trong xóm, nhiều đứa trẻ hơn nó cũng phì phèo hút lách như thế cả. Đang chuyện trò với cô tôi thì một đứa bạn đến gọi nó ơi ới :
- "Đ.M. thằng Tường có lên Đồng Xuân bây giờ không đấy hả?  Để bố mày chờ mãi ! Muộn đéo nó rồi còn gì ?"
Thằng Tường đủng đỉnh trả lời :
- "Thủng thẳng ông lấy cái xe đạp ông ra ngay, có động mồ động mả cha mày đâu mà rối lên thế ?"
Rồi nó lững thững kiễng chân lên giường, nghểnh cổ, với cái xe đạp cũ treo trên trần bằng sợi giây thừng khá chắc, gọn gàng và nhẹn lắm, nó tháo giây thừng, lôi chiếc xe xuống, lí nhí chào rồi đi. Cô tôi dặn với :
- "Đừng la cà, về ngay con nhá !"
Hai thằng bạn lại cười nói như không, câu chuyện lại nổ như pháo rang, mỗi câu lại mang mồ mả cha, ông làm chấm phẩy. Hình như tôi không thấy cô tôi thở dài.
Thằng Tường và cái xe đi rồi, căn nhà rộng hẳn ra, tôi có dịp nhìn kỹ trong phòng : dưới gầm giường một mâm cơm ăn dở, có lẽ cơm thừa buổi trưa. Trên mâm còn lưng bát cơm hẩm, nửa bát rau rút nấu suông và một bát mắm kho sệt quánh, lổn ngổn xương cá chưa ngấu hết, chắc là mắm cặn, bã cá những nhà làm nước mắm thải ra. Cả phòng sặc mùi mắm ấy. Mâm cơm không có lồng bàn đậy, vài con nhặng xanh sà trên bát mắm, ngần ngừ một lúc rồi lại bay đi, có nhẽ vì thế nên cô tôi chẳng cần cất thức ăn vào trạn. Gầm giường còn nhiều thứ lung tung khác : một cái chậu thau cáu bẩn, trong để mấy cái khăn cháo lòng, góc trái chân giường một cái bô đậy nắp. Nồi niêu xoong chảo cũng xếp ngay cạnh đấy.
Cô tôi bị bệnh căng huyết áp nặng, đi được vài bước là đầu óc quay lơ, ngã bổ chổng ra. Tôi lựa lời khuyên cô tôi không nên ăn mắm nhưng lúng túng không biết dặn cô phải ăn gì thay thế để nuốt trôi cơm. Đã lâu rồi cô tôi di-chuyển trong cái giang- sơn chín thước ấy. Hôm nào khỏe lắm, cô tôi mò ra cửa, chỗ Xuân để sẵn ba hòn gạch châu đầu vào nhau làm đầu rau, cô bắc nồi cơm lên thổi sẵn, đợi Xuân về. Địa phận cô tôi đến đây là hết.
Bên ngoài là đường hẻm, cách mấy chục thước có một cái vòi nước chảy rỉ suốt ngày. Xô thùng đứng xếp hàng dài lê thê. Cô tôi kể : "Ban ngày đông lắm, không tranh được với mấy con nặc nô. Đợi đến đêm khuya, mẹ con Xuân thay phiên nhau thức chờ đợi vài người là đến lượt mình. Xuân tắm trên tổ hợp, sẵn nước hơn. không phải tranh cướp như thế này."
Cô tôi nhất định giữ tôi ngủ lại đêm ấy. Tôi đã dự định như thế từ lâu, nhưng bây giờ thoáng thấy không biết ngủ chỗ nào, mà không dám hỏi, chợt nghĩ lúc nãy cô tôi bảo bên cạnh họ ở bốn năm người cả, tôi hết phân vân.
Xuân đi làm về, thì thầm bàn với mẹ thịt con gà sống nuôi chung với chị bạn để làm cơm tối. May tôi mượn cớ đi lâu chỉ thèm bún riêu bún chả, dúi tiền cho thằng cháu thổ công, nó cười khì : "Có ngay", rồi lảnh mất. Cô tôi không nghi ngờ gì cả.
Tối hôm ấy chúng tôi ngủ cả ba trên giường. Thằng Tường ngáy khò khò trên chiếc phản bên cạnh. Trời đêm cuối thu, gió bấc bắt đầu thổi. Cô tôi bảo : "Giường còn rộng chán, nằm bốn người cũng vừa, hồi chồng Xuân còn sống, thằng Tường vẫn ngủ chung với bố mẹ, cô nằm ngoài phản. Những khi cái Xuyến (em Xuân) ở dưới quê lên, cô chui vào giường ngủ chung với chúng nó, nhường tấm phản cho mẹ con cái Xuyến."
Đêm hôm ấy, cô tôi hỏi hết chuyện này đến chuyện khác, chuyện gia đình trong Nam, chuyện đời sống giầu sang bên Tây, bên Mỹ. Cô tôi cứ chép miệng tiếc mãi : "Bên ấy đồ ăn thừa mứa như thế mà không nuôi lợn. Thế các thức ăn thừa đổ hết đi à ? Rõ hoài của nhỉ?"
Gió càng ngày càng mạnh, rít lên mái tôn từng hồi : hai chiếc xe đạp treo trên trần lảo đảo lắc lư, tôi sợ nó rơi xuống chỗ cả nhà nằm, nhưng Xuân yên trí : "Cột trần chắc lắm chị ạ." Chẳng dám nói ra, tôi sợ mái tôn rã theo với cơn gió lốc. Tiếng Xuân thì thầm bên tai : "Những đêm gió lớn như đêm nay, nếu chị không về em và thằng Tường đi lượm lá rụng, có đêm hai mẹ con quét được nhiều vô kể, bó không xuể nữa, nếu không ai lấy trộm cũng đun được vài tuần ..." Tiếng Xuân thưa dần, thưa dần ... rồi im hẳn. Tôi liên tưởng tới Nhất Linh, tới hai đứa bé nhặt lá bàng. Hà Nội đêm nay sao không khác năm mươi năm về trước, ngày ấy chưa có ai ăn trộm lá bàng ... Tôi thao thức chập-chờn, không tài nào chợp mắt được, chẳng biết có phải tại cốc trà Tàu đậm buổi tối Tường pha bằng cái rê-sô đặc biệt : nó kiếm đâu được một khúc giây đìện, một đầu đem chẻ làm hai, đầu kia gắn vào miếng sắt vòng vèo. Tối nay không cúp điện, nó thọc đầu giây chẻ hai vào chỗ cắm : miếng sắt cong đỏ hỏn lên. Bình tĩnh, nó thả miếng sắt nóng trong ấm nước. Tôi giật bắn người sợ nó bị điện giật. Nó tỉnh khô, cười khì : "Có gì mà sợ", rồi hãnh diện khoe : ở trường, nó được huy-chương dũng-sĩ thi đua xây dựng xã-hội chủ- nghĩa tiến lên, nhờ những "phát-minh khoa-học" như thế. Thao thao bất tuyệt, nó kể những thành tích tốt của nó ở học đường, hãnh diện là thành phần thiếu nhi gương mẫu cháu bác Hồ, có khăn quàng đỏ.
Tôi ngần ngừ định hỏi : "Thế ngôn-ngữ cháu nói với thầy cô có giống như cháu nói với bạn không?"
Có tiếng động, cô tôi mở màn quờ quạng bước xuống giường, tôi đã tính lên tiếng hỏi cô tôi tìm gì, nhưng lại giả vờ ngủ say cho cô tôi yên trí. Cô tôi sờ soạng dưới gầm giường, quen chỗ lắm, mò bô đi tiểu. Từ tối đến giờ, cô tôi đi bốn bận rồi. Trước khi đi ngủ, Xuân ngượng-nghịu chìa cái bô cho cô tôi và bảo :
- "Chị mới về chưa quen nhà xí chung, bẩn thỉu lắm, chịu khó đi vào đây em đổ cho."
Tôi cám ơn Xuân, sẽ lắc đầu. Xuân ngại không dẫn tôi ra cầu tiêu trong xóm. Nếu Xuân biết được thằng Tường chẳng nề-hà gì, chiều nay đã dẫn tôi đi thăm thú khắp cả. Đến chỗ chuồng gà, chuồng lợn của hợp-tác-xã, nó thèm thuồng nhìn những con lợn mũm mĩm và kể : bà nó ước ao cả đời nuôi một con lợn, nhưng không có vốn và cũng chả có đồ thừa cho lợn ăn ; theo ý nó, nuôi lợn hình như lời lắm thì phải. Đang nói loăng quăng đã đến khu chuồng xí hồi nào. Nó lẻn biến đi một lúc, kiếm được cái que gầy tỏng gầy teo như nó, khều những con dòi trắng phau, béo nục nạc, bò lổm nhổm : nó cười hô hố, vừa khuấy dòi vừa dọa tôi : "Bên Tây làm gì có những của quý này mà chơi nhỉ ?"
Hôm tôi đến thăm cô lần cuối trước khi rời Hà Nội, cô tôi vẫn còn chép miệng tiếc rẻ :
"Rõ phí, bên ấy đồ ăn thừa thãi thế mà chẳng ai nuôi lợn, hoài của nhỉ ?"
Trời lấm tấm mưa, tôi lặng lẽ ra khỏi ngõ hẻm của đại lộ Trần Phú, bước nhanh về phía lăng Bác, sạch và thoáng hơn nhiều, từ đây : 
"tôi bước đi
không thấy phố,
không thấy nhà,
chỉ thấy mưa sa trên mầu cờ đỏ."

Thụy Khuê

2003-10-10              13:19:54

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét