Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 28 tháng 7, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Sáu 28/7 - Lê Minh Nguyên

Bắc Triều Tiên lại phóng tên lửa đạn đạo
Bắc Triều Tiên lại vừa phóng một tên lửa đạn đạo vào lúc 10:45 sáng thứ Sáu ngày 28/07, tin từ Lầu Năm Góc cho hay.Các chuyên gia vẫn đang tiến hành đánh giá vụ phóng, và sẽ sớm có thêm thông tin. Tên lửa được cho là đã rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật bản, theo Reuters.<!>
Thủ tướng Nhật bản Shinzo Abe nói với kênh truyền hình NHK rằng: “Tôi vừa nhận được báo cáo đầu tiên về việc Bắc Triều Tiên lại phóng tên lửa một lần nữa, và rất có thể nó đã rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế [của Nhật].”

Ông Abe cho hay, Hội đồng An ninh Quốc gia sẽ tiến hành nhóm họp, và Nhật Bản sẽ có những bước đi cần thiết để đảm bảo an toàn cho công dân nước này.

Hoa Kỳ tin rằng Bắc Triều Tiên sẽ có khả năng phóng một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mang đầu đạn hạt nhân vào đầu năm 2018, một nguồn tin cho hãng CNN hay. - VOA

2.
Thủ Tướng của Pakistan bị tòa tối cao truất quyền

Tòa án Tối cao Pakistan ra phán quyết truất quyền Thủ tướng Nawaz Sharif, không cho ông giữ các chức vụ công cử và hạ lệnh ông phải từ chức ngay lập tức.
Ngay sau khi tòa ra phán quyết, một phát ngôn viên của văn phòng Thủ tướng cho biết ông Sharif chấp nhận phán quyết đó "cho dù ông có những nghi ngại nghiêm trọng" và ông lập tức từ nhiệm.

Phán quyết của tòa lưu ý ông Sharif không kê khai đầy đủ tài sản ở nước ngoài trong hồ sơ đệ trình cho cuộc bầu cử năm 2013, và đã "khai man hữu thệ. Tòa cho rằng ông Sharif không thành thực, và vì những lý do đó ông không hội đủ các điều kiện để tiếp tục "là một thành viên của quốc hội.
Phán quyết của Tòa Tối cao nói thêm:

"Tổng thống Pakistan cần thực hiện tất cả các bước cần thiết theo Hiến pháp để đảm bảo tiến trình dân chủ không bị gián đoạn"

Các bước kế tiếp 
Theo luật hiện hành, nội các của Thủ Tướng Sharif cũng sẽ bị giải tán và Tổng thống Pakistan sẽ yêu cầu Quốc hội (Hạ viện), bầu một thủ tướng mới.

Toà án kết tội ông Sharif về tội tàng trữ tài sản ở nước ngoài, giấu tài sản và sống xa hoa hơn xa mức thu nhập chính thống.
Một giới chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ mô tả diễn tiến này là một chuyện nội bộ. Ông nói Hoa Kỳ muốn thấy một sự chuyển tiếp suôn sẻ ở Pakistan.

Nói chuyện với các nhà báo sau khi dự phiên tòa hôm thứ sáu, Bộ trưởng Thông tin Pakistan Marriyum Aurangzeb nói đảng đương quyền của bà "không ngạc nhiên nhưng lấy làm buồn" về phán quyết của tòa.

"Lịch sử là một nhân chứng rằng bất cứ lúc nào ông Nawaz Sharif bị truất phế một cách bất công, thì nhân dân Pakistan lại đưa ông trở lại quốc hội với đa số còn cao hơn nữa".
Tòa án đã ra lệnh cho các giới chức chống tham nhũng kết thúc cuộc điều tra của họ đối với con cái của ông Sharif, con rể của ông và Bộ trưởng Tài chính Ishaq Dar trong thời hạn sớm nhất, và công bố phán quyết của họ nội trong sáu tháng.

Một thẩm phán Tòa án Tối cao là người giám sát việc thi hành phán quyết hôm Thứ Sáu.

Bộ trưởng Tài chính Ishaq Dar cũng bị cấm giữ một chức vụ công cử, và do đó đã được lệnh phải từ chức.
Những cáo trạng chống gia đình Sharif và nhiều người khác xuất phát từ các tài liệu tài chính bị tiết lộ được biết đến dưới tên “Hồ sơ Panama”. Hồ sơ này liệt kê tên những người con của thủ tướng Sharif, là chủ các tài khoản ngân hàng nước ngoài và cũng là chủ sở hữu nhiều cơ ngơi địa ốc ở nước ngoài.

Hồ sơ Panama còn nêu danh tính của hàng trăm công dân Pakistan khác. - VOA

3.
Nga trả đũa, yêu cầu Washington cắt nhân viên ngoại giao

Bộ Ngoại giao Nga hôm thứ Sáu 28/7 ra các biện pháp trả đũa luật chế tài Nga được Quốc hội Mỹ thông qua hôm thứ Năm. Bộ Ngoại giao Nga nói luật chế tài mới khẳng định “sự hung hãn cực kỳ của Mỹ trong các vấn đề quốc tế.”
Thông báo của Bộ Ngoại giao Nga nói: “Chúng tôi đề nghị phía Hoa Kỳ giảm số nhân viên ngoại giao và kỹ thuật làm việc tại Ðại sứ quán Mỹ ở Moscow và các tổng lãnh sự … xuống đúng với con số nhân viên ngoại giao và kỹ thuật của Nga ở Mỹ.” Nga nói yêu cầu giảm nhân viên này sẽ đưa tổng số nhà ngoại giao và nhân viên của phái bộ Mỹ ở Nga xuống còn 455 nhân sự.

Bộ Ngoại giao Nga cũng cảnh báo Hoa Kỳ rằng Moscow sẽ đáp trả nếu Washington trục xuất các nhà ngoại giao Nga.
Các nhà lập pháp Mỹ hôm thứ Năm 27/7 thông qua một dự luật trừng phạt mới không chỉ áp dụng với Nga mà còn với cả Iran và Bắc Triều Tiên.

Thượng viện Mỹ đã biểu quyết thông qua dự luật với tỉ lệ áp đảo 98 trên 2, một ngày sau khi Hạ viện và Thượng viện đồng ý về các điều kiện của dự luật.

Trước đó Hạ viện đã thông qua dự luật này với tỉ lệ 419 phiếu thuận trên 3 phiếu chống.

Các nhà lập pháp Mỹ tăng thêm trừng phạt Nga để đáp lại việc Nga phá cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Tổng thống Nga Vladimir Putin bác bỏ những cáo buộc đó và phản đối luật chế tài nước ông.

Luật trừng phạt mới của Mỹ nhắm gây ảnh hưởng lớn đến các ngành công nghiệp của Nga, đánh mạnh vào “túi tiền” của Nga.

Tổng thống Trump phản đối dự luật
Tổng thống Donald Trump phản đối luật chế tài này, nhưng dự luật giành đủ tỉ lệ ủng hộ ở cả hai viện Quốc hội để có thể áp chế phủ quyết của tổng thống. Ông Trump đặc biệt phản đối việc Quốc hội thông qua dự luật hạn chế sự can thiệp của tổng thống với mục tiêu giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt. Tòa Bạch Ốc mấy tuần qua đã vận động để giảm bớt tầm mức ảnh hưởng của dự luật.
Liên hiệp châu Âu cũng lên tiếng lo ngại về luật chế tài mới này. Họ nói luật mới có thể ảnh hưởng đến ngành năng lượng của khối này. - VOA

4.
Putin giữ căn cứ không quân ở Syria thêm gần nửa thế kỷ

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một đạo luật phê chuẩn một thỏa thuận với chính phủ Syria cho phép Nga giữ căn cứ không quân của họ tại Syria thêm gần nửa thế kỷ, những văn bản chính thức cho thấy.
Thỏa thuận ban đầu, được ký kết tại Damascus vào tháng 1, ấn định các điều khoản mà theo đó Nga có thể sử dụng căn cứ không quân Hmeymim ở tỉnh Latakia mà họ vẫn sử dụng để tiến hành các cuộc không kích nhắm vào lực lượng chống Tổng thống Bashar al-Assad.

Ông Putin phê chuẩn thỏa thuận này hôm thứ Tư, sau khi hai viện của quốc hội Nga chuẩn thuận vào đầu tháng này, theo cổng thông tin chính thức của chính phủ Nga.

Văn kiện này nói rằng các lực lượng Nga sẽ được triển khai tại căn cứ Hmeymim trong 49 năm với lựa chọn triển hạn thỏa thuận đó cho các khoảng thời gian 25 năm.
Căn cứ này vẫn là tâm điểm của nỗ lực thâm nhập quân sự của Moscow kể từ khi họ can thiệp vào cuộc xung đột vào tháng 9 năm 2015, giúp đảo ngược cục diện theo hướng có lợi cho ông Assad, một trong những đồng minh thân cận nhất của Nga. - VOA

5.
Iran tuyên bố phóng thành công hỏa tiễn chở theo vệ tinh

Iran hôm thứ Năm tuyên bố họ đã phóng thành công một hỏa tiễn chở theo một vệ tinh vào không gian.
Truyền hình nhà nước Iran nói hỏa tiễn "Simorgh," nghĩa là phượng hoàng trong tiếng Farsi, có khả năng chở một vệ tinh 250 kilômét bay xa tới 500 kilômét bên trên Trái đất, nhưng không nói rõ về trọng tải của hỏa tiễn phóng đi hôm thứ Năm.

"Trung tâm Không gian Imam Khomeini đã chính thức khai trương với cuộc thử nghiệm thành công phương tiện phóng không gian Simorgh," đài truyền hình nhà nước đưa tin.

Vụ phóng hỏa tiễn này diễn ra sau khi Mỹ hồi đầu tháng này gia tăng chế tài kinh tế đối với Iran về chương trình phi đạn đạn đạo của nước này.

Vụ phóng hôm thứ Năm không vi phạm thỏa thuận hạt nhân năm 2015, được ký bởi Iran và nhóm các cường quốc thế giới P5+1, mặc dù Mỹ đã bày tỏ lo ngại rằng công nghệ phi đạn đang được Iran phát triển có thể sẽ được điều chỉnh cho phi đạn tầm xa.

Đầu tuần này, Iran tuyên bố sẽ mở một cơ sở mới để sản xuất phi đạn có khả năng nhắm mục tiêu vào máy bay và phi đạn hành trình. - VOA

6.
Bộ trưởng Quốc Phòng Nhật từ chức vì bị cáo buộc che giấu thông tin --- Nhật trừng phạt công ty Trung Quốc làm ăn với Bắc Triều Tiên

Bị cáo buộc là đã cố tình che giấu tài liệu về hoạt động của lực lượng lính Mũ Xanh Nhật Bản tại Nam Sudan, bà Tomomi Inada, bộ trưởng Quốc Phòng Nhật, đã từ chức ngày 28/07/2017, vì phải nhận trách nhiệm trong tư cách là người đứng đầu bộ Quốc Phòng. Nhưng bà khẳng định không đóng bất kỳ vai trò gì trong vụ tai tiếng che giấu thông tin đó.
Trong thời gian qua, bộ Quốc Phòng Nhật Bản đã bị tố cáo che giấu một phần nhật ký ghi lại các hoạt động của binh sĩ Nhật Bản tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc tại Nam Sudan (châu Phi). Lý do bưng bít thông tin là vì không muốn cho thấy các mối hiểm nguy mà lính Nhật phải trải qua tại châu Phi.

Ngày 28/07, bà Inada xác nhận rằng cuộc điều tra nội bộ do chính bộ Quốc Phòng tiến hành đã phát hiện nhiều lệch lạc nghiêm trọng, vi phạm luật về công bố thông tin. Trong cuộc họp báo, bà Inada tuyên bố : « Tôi chịu trách nhiệm với tư cách là bộ trưởng Quốc Phòng và tôi quyết định từ chức. Tôi đã nộp đơn lên thủ tướng Shinzo Abe. Đơn từ chức đã được chấp thuận ». Tuy nhiên, bà Inada phủ nhận là  đã chỉ đạo che giấu thông tin.
Theo hãng tin Mỹ AP, thủ tướng Abe đã chấp nhận đơn từ chức của bà Tomomi Inada, và cử ngoại trưởng Fumio Kishida tạm thời kiêm nhiệm bộ trưởng Quốc Phòng.

Sự kiện bà Inada từ chức diễn ra trong bối cảnh chính quyền của thủ tướng Abe càng lúc càng bị chỉ trích, và bản thân ông Abe bị cáo buộc lạm quyền và gia trưởng.

Thủ tướng Nhật được cho là sẽ cải tổ nội các vào tuần tới để lấy lại uy tín. Ông bị chỉ trích rất nhiều vì đã chần chừ không cách chức ngay bà Inada khi tai tiếng nổ ra. Các nghị sĩ đối lập dự kiến sẽ chất vấn thủ tướng Nhật vì sao đã chọn bà Inada, một người không một chút kinh nghiệm về an ninh, quốc phòng làm bộ trưởng Quốc Phòng. - RFI

***
Trong khuôn khổ trừng phạt các vụ bắn tên lửa của Bình Nhưỡng, hôm nay 28/07/2017, Nhật Bản thông báo trừng phạt hai doanh nghiệp Trung Quốc trong đó có một ngân hàng bị tình nghi rửa tiền cho Bắc Triều Tiên.

Ngoại trưởng Nhật, Fumio Kishida, được AFP trích dẫn, cho biết, 9 cá nhân và 5 tổ chức pháp nhân, trong đó có 2 công ty Trung Quốc, bị Tokyo xếp vào « danh sách đen »có quan hệ làm ăn với Bắc Triều Tiên. Những đối tượng trên sẽ bị phong tỏa tài sản và bị các biện pháp trừng phạt khác.
Trước các nhà báo tại Tokyo hôm nay, ông Kishida nhấn mạnh các biện pháp này nhằm tăng cường sức ép buộc Bình Nhưỡng phải chấp nhận giải trừ vũ khí hạt nhân. Ngoại trưởng Nhật tuyên bố : « Chúng tôi đề nghị Bắc Triều Tiên phải có hành động cụ thể để giải quyết vấn đề ».

Theo nhật báo Nikkei, trong số các tổ chức bị Nhật trừng phạt lần này có ngân hàng Đan Đông của Trung Quốc, công ty vận tải biển Trung Quốc và một văn phòng thương mại của Bắc Triều Tiên chuyên lo buôn bán than đá và một số nguyên vật liệu cơ bản khác với Trung Quốc.
Ngân Hàng Đan Đông trong tháng này cũng là đối tượng bị Mỹ trừng phạt với lý do rửa tiền tạo điều kiện cho Bình Nhưỡng phát triển chương trình vũ khí hạt nhân.

Đầu tuần, nhiều quan chức Quốc Phòng Mỹ đã lên tiếng cảnh báo có nhiều dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng đang chuẩn bị bắn thử thêm tên lửa. Có thể đó sẽ là tên lửa tầm trung hoặc tầm xa liên lục địa ICBM.
Việc Nhật Bản trừng phạt các công ty của Trung Quốc để gây sức ép với Bắc Triều Tiên có thể lại đổ thêm dầu vào lửa trong quan hệ giữa Tokyo và Bắc Kinh, vốn đang căng thẳng vì những tranh chấp lãnh thổ và các hiềm khích do lịch sử để lại. - RFI

7.
Để chận Trung Quốc, Pháp tạm quốc hữu hóa xưởng đóng tàu STX

Báo chí Pháp mọi xu hướng, các đảng chính trị tả - hữu, tất cả đều ủng hộ quyết định của chính phủ Pháp « quốc hữu hóa công ty đóng tàu STX » kể từ ngày 28/07/2017 nếu không toàn bộ công xưởng ở Saint-Nazaire rơi vào tay tập đoàn Nhà nước Ý Fincantieri. Vì sao một quyết định đi ngược lại trào lưu tự do hóa kinh tế và gây tức giận cho nước bạn lại được tổng thống Macron bật đèn xanh và được công luận Pháp « muôn người như một » ủng hộ ?
Les Echos lưu ý là chính phủ Pháp làm Ý nổi giận. La Croix cho biết Ý rất bất bình « quan điểm ái quốc hẹp hòi » của Pháp. Trong bài « Nhà nước là như vậy », nhật báo Công Giáo ủng hộ lập luận của chính phủ : Để bảo vệ công ăn việc làm, để bảo mật công nghệ hàng hải, chính phủ Pháp không thể ngây thơ trong thế giới cạnh tranh khốc liệt này.

Roma đe dọa xét lại « tình thân hữu Pháp-Ý » và kêu gọi « đừng đối xử với Ý nhẹ hơn với Nam Hàn », là tựa của Libération. Nhật báo thiên tả nhận định tiếp : Yếu tố Trung Quốc là nguồn cội thúc đẩy Paris phải « tung quả bom nguyên tử », và nuốt lời hứa trước đây của tổng thống Holland để cho Ý hai phần ba số cổ phần. Thay đổi quan trọng trong thời gian qua là Fincantieri ký thỏa thuận hợp tác với một công ty đóng tàu của Trung Quốc. Paris không muốn những kỹ năng của Pháp bị chuyển về Thượng Hải.
Không để Trung Quốc chiếm đoạt công nghệ tàu chiến

Bài phân tích « Ba lý do làm cho Pháp phải can thiệp không cho Ý mua lại công ty STX » của Le Figaro giải thích rõ : bảo vệ bí mật quân sự, quản lý cạnh trạnh và chận con ngựa thành Troie, chiến thuật nội công ngoại kích của Trung Quốc đánh cắp công nghệ học của Tây phương.
Theo Le Figaro, các công xưởng đóng tàu của Pháp không chỉ sản xuất du thuyền, xuất khẩu mộng mơ, như phần đông dân chúng lầm tưởng. Tập đoàn STX France ở Saint-Nazaire là công xưởng duy nhất của Pháp có khả năng đóng hàng không mẫu hạm, chiến hạm đa năng, một bảo vật của hải quân trong bối cảnh binh chủng này đang tranh đấu xin thêm một chiếc hàng không mẫu hạm.

Trong lãnh vực dân sự, sổ đặt hàng của STX France và Fincantieri của Ý đều dày kín từ nay đến 10 năm tới. Vấn đề đặt ra là khi đến chu kỳ vắng khách thì phía Ý tính thế nào ? Ưu tiên lấy công việc cho công ty mẹ tại Ý hay bảo vệ công nhân tại Pháp ? Saint-Nazaire sử dụng trực tiếp 2.600 nhân viên và hơn 6.000 việc làm gia công. Chính phủ Pháp phải thận trọng cho dù chính phủ Ý có trấn an.

Tuy nhiên, yếu tố thứ ba mới là nguyên nhân cơ bản : Fincantieri có thể là con ngựa thành Troie của giới doanh nghiệp đóng tàu Trung Quốc. Họ luôn tìm cách thu thập công nghệ đóng tầu biển của thế giới đem về làm của riêng. Năm 2016, tập đoàn Fincantieri ký với hai đối tác Trung Quốc, trong đó có tổ hợp quốc doanh CSSC ở Thượng Hải để đóng du thuyền theo mẫu Vista của Ý.
Lập luận trên đây dường như có cơ sở. Pháp sợ Trung Quốc đánh cắp công nghệ, chứ không đi ngược trào lưu kinh tế tự do. Les Echos, trên trang nhất, loan tin rộng rãi : Air France đón vốn đầu tư của Mỹ và Trung Quốc. - RFI
|
8.
Công ty Đài Loan Foxconn xây xưởng ở Wisconsin, hứa đầu tư $10 tỷ

Công ty Đài Loan chuyên sản xuất các mặt hàng kỹ thuật cao Foxconn vừa loan báo kế hoạch xây một nhà máy ở tiểu bang Wisconsin, trong cuộc gặp gỡ Tổng Thống Donald Trump tại Tòa Bạch Ốc hôm Thứ Tư.
Ông Trump nói rằng số tiền đầu tư $10 tỷ của Foxconn vào khu vực Đông Nam Wisconsin sẽ tạo ra ít nhất 3,000 việc làm nhưng có thể lên tới 13,000 trong tương lai.

Kế hoạch đầu tư này cũng đòi hỏi chính quyền địa phương, tiểu bang, và liên bang cung cấp các trợ giúp lên tới $3 tỷ, theo tờ báo địa phương Milwaukee Journal Sentinel.

Công ty Foxconn được biết đến qua việc sản xuất iPhone, iPad cũng như màn hình phẳng cho máy truyền hình.
“Nước Mỹ hiện không có được một nhà máy xản xuất màn hình phẳng cho các hệ thống máy móc phức tạp,” theo lời chủ tịch công ty Foxconn, ông Terry Gou. “Chúng tôi sẽ thay đổi điều này, khởi sự ngày hôm nay với đầu tư ở Wisconsin.”

Tổng Thống Trump ca ngợi việc đầu tư của Foxconn, cho hay điều này phù hợp với nỗ lực của ông nhằm tạo thêm công việc trong lãnh vực sản xuất ở Mỹ.

“Khi đầu tư này hoàn tất, Foxconn có khả năng tạo thêm nhiều công việc trong ngành sản xuất hơn là những gì chúng ta nhìn thấy từ nhiều thập niên qua,” ông Trump cho hay.

Loan báo này được đưa ra một tuần sau khi Tổng Thống Trump loan báo tuần lễ vinh danh các mặt hàng “sản xuất tại Mỹ.”
Đài CNN cho hay ông Terry Gou đã tính đưa một số cơ xưởng sản xuất sang Mỹ từ mấy năm nay.

Vào năm 2013, công ty loan báo đầu tư $30 triệu để xây cơ xưởng ở Pennsylvania, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thấy có nhà máy nào.
Foxconn hiện có nhà máy ở Virginia và Indiana, thu nhận dưới 1,000 người mỗi nơi.

Foxconn chuyên sản xuất cho Apple, Microsoft, HP cùng các công ty nổi tiếng khác.
Ở thời kỳ hưng thịnh nhất, Foxconn có hơn 1 triệu nhân viên trên toàn thế giới, phần lớn tại Trung Quốc. - nguoiviet

Tin Hoa Kỳ
9.
Kinh tế Mỹ lấy đà

Nền kinh tế Mỹ đã tăng tốc trong tháng Tư, Năm và Sáu, theo tỷ lệ hàng năm là 2,6%, theo phúc trình của Bộ Thương mại Hoa Kỳ.
Dựa trên các dữ liệu GDP công bố hôm 28/7, chi tiêu của giới tiêu thụ và doanh nghiệp đã góp phần đẩy mạnh đà tăng trưởng.

Kinh tế gia Sara Johnson của IHS Markit nói đà tăng của nền kinh tế toàn cầu cũng giúp đẩy nhanh phát triển kinh tế tại Hoa Kỳ.

GDP, tổng sản phẩm nội địa, được coi là chỉ dấu tổng quát của sức mạnh kinh tế của một nước.
Phúc trình này chủ yếu dựa trên các dữ kiện sơ khởi, và có thể được duyệt lại khi nào có những thông tin đầy đủ hơn. Chẳng hạn, mức tăng GDP trong tháng Một, Hai và Ba năm nay đã được điều chỉnh, cho thấy mức tăng trưởng vào lúc đó chậm hơn người ta nghĩ lúc ban đầu.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã vận động tranh cử với hứa hẹn sẽ đẩy tăng trưởng kinh tế lên tới mức 3% và cao hơn nữa bằng cách giảm bớt các thủ tục hành chính, giảm thuế và cắt giảm chi tiêu cho hệ thống chăm sóc y tế trong khi đẩy mạnh chi tiêu trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng.

Trong khi ông Trump đã giảm bớt các thủ tục và quy định, phần lớn nghị trình kinh tế của ông đã dậm chân tại chỗ ở quốc hội, dù cho cả lưỡng viện quốc hội đều do Đảng Cộng hoà của ông kiểm soát.

Một cuộc khảo sát riêng rẽ do Đại học Michigan thực hiện nói mức độ tự tin của giới tiêu thụ đã giảm trong tháng Bảy, tuy vẫn được duy trì ở mức tương đối “tích cực”.

Các nhà kinh tế vẫn theo sát thái độ của giới tiêu thụ bởi vì chi tiêu của thành phần này là nhân tố quyết định trong các hoạt động kinh tế của Hoa Kỳ. - VOA

10.
Căng thẳng nhân sự cao cấp Tòa Bạch Ốc

Trong khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump bị tố cáo là hiếp đáp và tăng sức ép để buộc Bộ trưởng Tư pháp của ông từ chức, thì Giám Đốc truyền thông mới được ông bổ nhiệm lớn tiếng tấn công Chánh văn phòng Toà Bạch Ốc. ‘Cuộc nội chiến’ trong hàng ngũ cao cấp nhất trong chính quyền Tổng thống Trump sẽ đi về đâu? 
Công chúng trong những ngày qua đã chứng kiến những sự chia rẽ trong chính quyền Tổng thống Trump liên quan tới Bộ trưởng Tư pháp, bị đích thân Tổng thống Trump đả kích, và bây giờ là Chánh Văn Phòng Toà Bạch Ốc giờ trở thành đối tượng bị Giám Đốc Truyền thông mới được bổ nhiệm nhưng rất có thế lực, tấn công.

Liệu ông Trump có vẫn tin tưởng Chánh Văn phòng Reince Priebus hay không là điều mà người phát ngôn Toà Bạch Ốc tránh, không muốn trả lời.

Hôm 27/7, bà Sarah Huckabee gạt sang một bên sự căng thẳng giữa Giám Đốc Truyền thông Anthony Scaramucci và ông Priebus, người bị ông Scaramucci quy là nguồn của những thông tin bị rò rỉ từ Cánh Tây Toà Bạch Ốc ra cho giới truyền thông. Bà Huckabee nói:
“Tổng thống Trump thích có cạnh tranh và ông khuyến khích điều đó.”

Nhưng một số nhà lãnh đạo tại quốc hội nói đây là một sự cạnh tranh không lành mạnh, và họ cho rằng cần phải có một cuộc đối thoại theo kiểu khác.

Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan, thuộc Đảng Cộng hoà, phát biểu:
“Reince đang làm rất tốt nhiệm vụ của ông ở Toà Bạch Ốc, và tôi tin ông ấy được Tổng thống tín nhiệm. Thế cho nên, nếu giữa hai ông có những bất đồng, lời khuyên của tôi là xin hãy ngồi xuống và giải quyết những sự khác biệt đó với nhau.”

Ông Scaramucci, người báo cáo trực tiếp lên Tổng thống thay vì Chánh Văn phòng Tổng thống, đã ra những dấu hiệu cho thấy việc giải quyết những bất đồng với ông Priebus, là điều không khả thi.

Một đoạn video của đài truyền hình CNN tải lên YouTube, dẫn lời ông Scaramucci nói:

“Có những người anh em giống như Cain và Abel. Có những anh em đánh nhau rồi bỏ qua mọi việc, quan hệ vẫn tốt đẹp. Tôi không biết liệu quan hệ này (với ông Priebus) có thể hàn gắn được hay không. Mọi quyết định nằm trong tay của Tổng thống.”

Thông tín viên VOA tường trình từ Toà Bạch Ốc, Steve Herman, nói: “nếu chánh văn phòng Priebus thua trong cuộc tranh giành quyền lực này và ra đi, thì điều đó có thể khởi động một làn sóng đáng kể những người trung thành rời bỏ Cánh Tây Toà Bạch Ốc, là những người từng làm việc với ông Priebus trong Uỷ ban toàn quốc Đảng Cộng hoà.” - VOA

11.
Thượng viện không bỏ được Obamacare

Thượng viện Mỹ sáng thứ Sáu 28/7 thất bại trong nỗ lực thay thế một phần Luật chăm sóc sức khỏe giá phái chăng (ACA) đã có hiệu lực thực thi 7 năm qua, hay còn gọi là Obamacare. Ba nhà lập pháp Cộng hòa – John McCain của bang Arizona, Lisa Murkowski của bang Alaska và Susan Collins của bang Maine – cùng các nghị sĩ Dân chủ bỏ phiếu chống để đưa đến kết quả biểu quyết 49 thuận và 51 chống, đánh bại nỗ lực do Ðảng Cộng hòa cầm đầu nhằm bỏ Obamacare.
Tổng thống Donald Trump không lâu sau kết quả biểu quyết đã lên Twitter quở trách các nghị sĩ Cộng hòa bỏ phiếu theo phe Dân chủ. Ông viết: "3 người Cộng hòa và 48 người Dân chủ đã làm người dân Mỹ thất vọng. Như tôi đã nói ngay từ đầu, cứ để cho Obamacare nổ tung, rồi thương lượng. Hãy chờ xem!”

Dự luật được gọi là “sửa đổi một phần nhỏ,” trong số các chi tiết khác, nếu được thông qua sẽ có việc chấm dứt quy định bắt buộc hầu hết người dân Mỹ phải mua bảo hiểm y tế, bằng không sẽ bị phạt, và quy định doanh nghiệp có từ 50 nhân công trở lên phải mua bảo hiểm y tế cho nhân công.

Các nhà lập pháp Cộng hòa suốt 7 năm qua muốn bỏ Obamacare, một thành tựu lập pháp mang đậm dấu ấn của Tổng thống Barack Obama. Khoảng 20 triệu người Mỹ có bảo hiểm y tế theo luật Obamacare. Văn phòng ngân sách Quốc hội lưỡng đảng ước tính dự luật “sửa đổi một phần nhỏ” sẽ làm 16 triệu người Mỹ mất bảo hiểm sức khỏe, còn bảo phí sẽ tăng 20%.
Thượng nghị sĩ John McCain viết trên Twitter: “Dự luật sửa đổi một phần nhỏ không được thông qua vì nó thiếu sự bảo đảm của chúng ta về một luật bỏ và thay thế Obamacare có ý nghĩa.” Sau đó ông viết thêm: “Tôi hy vọng chúng ta phải làm việc trên tinh thần khiêm nhường, hợp tác và độc lập với nhau để phục vụ tốt hơn cho người dân, những người đã bầu chọn chúng ta.”

Thủ lãnh khối thiểu số Thượng viện, Thượng nghị sĩ Charles Schumer của bang New York, nói: “Đã đến lúc lật sang trang mới… Chúng tôi không ăn mừng. Chúng tôi cảm thấy giảm bớt căng thẳng."

Các thủ lãnh Cộng hòa xem nỗ lực sửa đổi này là một cách để thể hiện hứa hẹn lúc tranh cử của họ là sẽ bỏ và thay luật Obamacare. Các nhà lập pháp bảo thủ muốn thay đổi Obamacare càng nhiều càng tốt, trong khi các đảng viên Cộng hòa ôn hòa hơn lo ngại rằng những thay đổi đó có thể ảnh hưởng đến bảo hiểm sức khỏe của nhiều triệu người dân Mỹ nghèo.

Thủ lãnh khối đa số Thượng viện Micth McConnell của bang Kentucky nói: “Rõ ràng đây là thời điểm đáng thất vọng. Tôi lấy làm tiếc nỗ lực của chúng tôi chưa đủ mạnh, vào lúc này.”

Trước đó trong tuần, phe Cộng hòa ở Thượng viện đã thất bại hai lần trong nỗ lực thay đổi Obamacare – hoặc là bỏ hẳn hoặc là bỏ và cùng lúc thay thế bằng một luật mới.

Trong lần thất bại thứ nhất, 9 nghị sĩ Cộng hòa đã cùng phe Dân chủ bác bỏ dự luật thay thế Obamacare do thủ lãnh khối đa số Thượng viện Mitch McConnell đề nghị. Trong nỗ lực thất bại lần thứ hai, các nghị sĩ Cộng hòa đề nghị bỏ hẳn Obamacare hai năm, trong thời gian đó hy vọng Quốc hội sẽ đưa ra luật thay thế. Ở lần biểu quyết thứ hai này, 7 nghị sĩ Cộng hòa hợp cùng khối thiểu số Dân chủ bỏ phiếu chống. - VOA

12.
Tướng Mỹ: Chưa có thay đổi về chính sách quân nhân chuyển giới

Viên chức quân sự hàng đầu của Mỹ nói rằng vẫn chưa có thay đổi nào về chính sách của quân đội đối với quân nhân chuyển giới tính, mặc dù Tổng thống Donald Trump hôm thứ Tư loan báo trên Twitter rằng họ sẽ bị cấm phục vụ trong bất kỳ cương vị nào.
"Sẽ không có sửa đổi nào đối với chính sách hiện tại cho tới khi Bộ trưởng Quốc phòng (Jim Mattis) nhận được chỉ thị của Tổng thống và Bộ trưởng đã ban hành hướng dẫn thi hành," Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, Tướng Joseph Dunford, viết trong một thông báo chính thức mà VOA có được.

Phát ngôn viên của Chủ tịch, Đại tá Hải quân Greg Hicks, nói với VOA rằng ông Dunford đã gửi đi thông báo tới các tham mưu trưởng các nhánh của quân đội, các chỉ huy và các nhà lãnh đạo quân sự khác.

"Trong khi đó, chúng ta sẽ tiếp tục đối đãi với tất cả các quân nhân của chúng ta bằng sự tôn trọng," ông Dunford nói thêm.

Tổng thống Trump loan báo chính sách về người chuyển giới tính trong quân đội hôm thứ Tư trên Twitter. Ông Trump nói ông sẽ ra lệnh cho các lực lượng vũ trang chấm dứt cho phép những người chuyển giới tính phục vụ trong quân ngũ sau khi tham vấn các tướng lĩnh và các chuyên gia quân sự.
"Quân đội của chúng ta phải tập trung vào chiến thắng mang tính quyết định và áp đảo và không thể bị đè nặng bởi những chi phí y tế hết sức to lớn và sự gián đoạn liên quan tới những người chuyển giới tính trong quân đội," ông Trump viết.

Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Sarah Huckabee Sanders sau đó nói rằng ông Trump sẽ "phải làm việc cùng" với Bộ Quốc phòng để "xác định một cách hợp pháp" số phận của những quân nhân chuyển giới tính hiện đang ở trong quân đội. Theo nghiên cứu của Rand Corporation, quân đội Mỹ hiện có khoảng 4.000 quân nhân chuyển giới tính đang phục vụ.
Bà bác bỏ câu hỏi của báo giới nói rằng ông Trump đã không giữ lời hứa lúc vận động tranh cử là sẽ ủng hộ cộng đồng người chuyển giới tính. Tổng thống cảm thấy quyết định của ông là" tốt nhất cho quân đội," bà Sanders nói. - VOA

13.
Hướng đạo Hoa Kỳ xin lỗi về ‘luận điệu chính trị’ của Trump

Chủ tịch hội Nam Hướng đạo sinh Hoa Kỳ hôm thứ Năm lên tiếng xin lỗi các thành viên của tổ chức thiếu niên này vì "những luận điệu chính trị bị đưa vào" cuộc tập hợp toàn quốc của hội trong tuần này của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
"Tôi muốn gửi lời xin lỗi chân thành tới những người trong gia đình Hướng đạo của chúng tôi, những người đã bị xúc phạm bởi những luận điệu chính trị bị đưa vào cuộc đại tập hợp," ông Michael Surbaugh viết trong một bức thư ngỏ được đăng trên website của hội. "Đó không phải là chủ ý của chúng tôi."

Ông nói rằng mọi tổng thống Mỹ, giữ vai trò chủ tịch danh dự của hội, đều được mời đến phát biểu tại cuộc đại tập hợp quốc gia được tổ chức bốn năm một lần kể từ năm 1937, song các Hướng đạo sinh vẫn phi đảng phái "một cách kiên định."
"Chúng tôi chân thành hối tiếc vì chính trị đã bị đưa vào chương trình hướng đạo," ông Surbaugh viết.

Ông nói có 40.000 người tham dự, trong đó có các Nam Hướng đạo sinh, tình nguyện viên, nhân viên và du khách.

Ông Trump, tổng thống Đảng Cộng hòa, mở đầu bài diễn văn trước hàng ngàn cậu bé từ 12 đến 18 tuổi ở bang West Virginia tối thứ Hai bằng việc tán dương sự chăm chỉ và kiên trì. Sau đó ông nhanh chóng buông ra những lời công kích mang tính đảng phái và chế nhạo "giới truyền thông giả mạo."
Ông tấn công các đối thủ Đảng Dân chủ, đả kích luật về chăm sóc y tế hiện hành và hồi tưởng về một bữa tiệc cocktail mà ông đtới dự nhiều thập niên trước với "những người nóng bỏng nhất ở New York."

Bài diễn văn của ông Trump vấp phải chỉ trích kịch liệt từ các Hướng đạo sinh, cha mẹ của các Hướng đạo sinh và những người khác, với nhiều người nói rằng bài diễn văn không phù hợp với những giá trị Hướng đạo và không phù hợp.
Trong khi nhiều gia đình Hướng đạo bày tỏ sự phẫn nộ, một số người cho rằng phản ứng này là thái quá, lập luận rằng tiếp xúc với ngôn luận chính trị thuộc mọi hình thức là một phần quan trọng trong sự phát triển của một Hướng đạo sinh. - VOA
|
Tin Việt Nam
14.
Hà Tĩnh sẽ xử lý 10 quan chức vi phạm trong vụ Formosa

Mười quan chức cấp tỉnh ở Hà Tĩnh được xác định là có vi phạm trong thảm họa môi trường Formosa sẽ bị trừng phạt tương ứng với mức độ phạm tội, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Tĩnh thông báo.
Mười quan chức cấp tỉnh ở Hà Tĩnh được xác định là có vi phạm trong thảm họa môi trường Formosa sẽ bị trừng phạt tương ứng với mức độ phạm tội, theo báo mạng VnExpress dẫn kết quả kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy.
Được biết 5 giới chức có mức vi phạm nghiêm trọng sẽ bị kỷ luật và 5 người còn lại sẽ bị kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Những giới chức này được xác định có sai sót trong việc tham mưu, tổ chức thực hiện dự án nhà máy thép của Công ty Hưng Nghiệp Formosa-Hà Tĩnh.

Trong số năm quan chức bị xem xét kỷ luật có Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường Võ Tá Đinh, hai Phó Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Đặng Văn Thành và Hoàng Thanh Tùng, cựu Phó Trưởng ban này giờ là Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh – ông Ngô Đình Vân – và phó Giám đốc Sở Xây dựng Phạm Văn Tình.
Năm người sẽ phải kiểm điểm gồm hai Phó giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường là Phạm Trần Đệ và Phan Thăng Long, hai phó trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Phan Lam Sơn và Nguyễn Hùng Mạnh và Giám đốc Sở Xây dựng Trần Xuân Tiến.

Kỷ luật cụ thể như thế nào thì còn chờ Ban thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh họp mới xem xét, theo VnExpress.
Tuy nhiên, một số người cho rằng xử lý các cá nhân vi phạm vẫn chưa đủ mà chính quyền Việt Nam cần thay đổi luật lệ và tăng cường quản lý trong lĩnh vực môi trường.

Vụ nhà máy thép Formosa xả thải ra biển vào năm 2016 đã gây ra thảm họa môi trường lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam, ảnh hưởng đến môi trường sống và sinh kế của cư dân bốn tỉnh miền Trung là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế.
Cho đến nay các cán bộ cấp cao nhất bị xác định có trách nhiệm trong thảm họa Formosa gồm cựu Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang và hai cựu Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến, Nguyễn Thái Lai của Bộ Tài nguyên-Môi trường, ông Võ Kim Cự, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh. Các quan chức này thuộc diện trung ương quản lý và đã bị Ủy ban Kiểm tra trung ương quy trách nhiệm.

Ông Cự, trong cương vị người đứng đầu Ban Cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân Hà Tĩnh trong giai đoạn 2011-2016, và các ông Quang, Tuyến, Lai được xác định là đã “thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát” trong quá trình thực hiện dự án Formosa. 
Tất cả bốn cựu quan chức này đều bị xác định là “có vi phạm nghiêm trọng” đến mức phải thi hành kỷ luật. Ngoài ra, ông Hồ Anh Tuấn, người đứng đầu Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng trong giai đoạn Formosa đầu tư xây dựng, cũng bị kỷ luật.

Cho đến nay, chưa có ai cao hơn các vị này bị xem xét trách nhiệm trong vụ Formosa và việc xử lý họ vẫn dừng lại ở mức kỷ luật của Đảng chứ chưa bị truy tố hình sự.

Trao đổi với VOA, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nói việc chính quyền thi hành kỷ luật một số người chỉ nhằm mục đích “xoa dịu sự bức xúc trong dư luận”.

“Nếu kỷ luật ai đi nữa mà Formosa vẫn còn tồn tại, vẫn tiếp tục xả thải lấy mất cơ hội làm ăn kinh doanh của người dân thì đối với họ việc kỷ luật đó là vô nghĩa,” ông nói.
Về trách nhiệm của chính quyền, ông A nói:

“Quốc hội, Chính phủ phải thay đổi luật pháp, thay đổi các quản lý, siết chặt chính sách môi trường để các doanh nghiệp nước ngoài không thể lợi dụng luật lệ lỏng lẻo của Việt Nam để biến Việt Nam thành bãi thải của họ.”
Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói “có khả năng có nhiều cán bộ cấp cao đã bị đồng tiền mua chuộc” để làm ngơ cho Formosa vi phạm môi trường.

Nhận định về cách xử lý, kỷ luật của Đảng đối với các cán bộ làm sai trong vụ Formosa, Tiến sĩ A nói:
“Có một thực tế ở Việt Nam: người tham nhũng đi chống tham nhũng, người làm sai kỷ luật người làm sai. Tất cả đều từ một Đảng mà ra.” - VOA

15.
LHQ lên án Việt Nam việc xét xử nhà tranh đấu Trần Thị Nga 9 năm tù

Hôm thứ Sáu 28/7 LHQ hối thúc Việt Nam trả tự do cho nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng, người vừa bị tuyên án 9 năm tù giam hồi đầu tuần này, sau phiên tòa kéo dài một ngày về tội “tuyên truyền chống phá nhà nước,” theo điều 88 Bộ Luật hình sự.
Người phát ngôn nhân quyền của LHQ Liz Throssell phát biểu tại một cuộc họp báo ở Geneva, Thụy Sĩ về mức độ nghiêm trọng của bản án đối với blogger Trần Thị Nga và việc xét xử bà không đúng tiêu chuẩn thủ tục tố tụng và gây ra "những lo ngại nghiêm trọng."

Bà Throssell nói với VOA:

Trong sáu tháng qua, có ít nhất 7 nhà tranh đấu cho nhân quyền khác đã bị bắt và đang bị truy tố, hiện nay có khoảng chục người đang bị giam giữ, và hai người đã bị trục xuất hoặc buộc phải lưu vong, nhiều người khác bị hăm dọa, quấy rối và đánh đập tàn nhẫn. Các nhà tranh đấu cho nhân quyền không bao giờ bị xem là những người phạm tội đe dọa đến an ninh quốc gia."
Bà Throssell nói với VOA rằng Cao ủy LHQ và các nhóm nhân quyền quốc tế đều tố cáo Điều 88 Bộ Luật hình sự của Việt Nam, được dùng để trấn áp các nhà tranh đấu cho nhân quyền.

"Tất cả các nhà tranh đấu đều cho rằng điều khoản này quá mơ hồ và vi phạm công ước nhân quyền quốc tế; hình sự hoá việc thực hiện các quyền cơ bản, cũng như tự do ngôn luận."
Bà Throssell nói bà Trần Thị Nga, người phải chịu thêm 5 năm quản chế, đã bị giam không cho tiếp xúc với gia đình và luật sư trong sáu tháng qua kể từ khi bà bị bắt hồi tháng Giêng cho đến vài ngày trước phiên xử, và bà Nga không có đủ thời gian chuẩn bị cho việc bào chữa.

Ngày 27/7, Đặc ủy Nhân quyền của Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức, Bà Bärbel Kofler, đã tuyên bố:
"Tôi bàng hoàng trước việc bà Trần Thị Nga bị một tòa án tại Việt Nam tuyên phạt mức án rất nặng là 9 năm tù giam. Bà Nga đã sử dụng các biện pháp ôn hòa để đấu tranh chống tham nhũng và sự tùy tiện cũng như tranh đấu cho dân oan, quyền của người lao động và bảo vệ môi trường. Sự cống hiến của bà đã được tổ chức Ân xá Quốc tế tuyên dương nhân ngày Quốc tế Phụ nữ năm nay.

Bà Kofler nói cũng như trong trường hợp của blogger nổi tiếng Mẹ Nấm – tức Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, người bị kết án mười năm tù giam cách đây chưa đầy một tháng vì sự tranh đấu cho nhân quyền, bản án này cũng đi ngược lại các nguyên tắc về nhân quyền mà Việt Nam đã công nhận cũng như vi phạm Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã tham gia. Ngay cả Hiến pháp Việt Nam cũng bảo vệ sự tự do biểu đạt và tự do báo chí.
Sau sự kiện hai phụ nữ đấu tranh cho nhân quyền Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và Trần Thị Nga bị Việt Nam trấn áp bằng các án phạt tù, nhiều tổ chức và cá nhân vận động gây quỹ hỗ trợ gia đình hai nữ blogger.

Cũng trong ngày 27/7 hơn 25 tổ chức xã hội dân sự độc lập và nhiều cá nhân trong nước ra tuyên bố “bác bỏ hoàn toàn các cáo buộc của nhà cầm quyền Việt Nam đối với bà Trần Thị Nga;

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, đại diện cho Mạng lưới Các Tổ chức Xã hội Dân sự Độc lập cho VOA biết nhận định của ông về bản án đối với bà Nga:

“Trần Thị Nga không có tội gì cả mà bị tuyên án 9 năm tù và 5 năm quản chế là một điều sỉ nhục cho nền tư pháp Việt Nam.”

Các tổ chức nhân quyền quốc tế và tổ chức xã hội dân sự độc lập của Việt Nam kêu gọi Hà Nội trả tự do ngay lập cho nhà tranh đấu Trần Thị Nga và các tù nhân lương tâm khác, vì “cho rằng việc phát biểu ôn hòa về các vấn nạn của đất nước và xã hội Việt Nam, dù trái với quan điểm và chính sách của nhà cầm quyền, dứt khoát không thể bị xem là hành vi phạm tội theo luật pháp hiện hành.”

Trưởng phái đoàn Liên Hiệp châu Âu tại Việt Nam hôm 26/7 nói rằng bản án 9 năm tù đối với bà Nga mâu thuẫn trực tiếp với Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền và Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam là một nước thành viên, trong đó các quyền tự do ý kiến và tự do biểu đạt là những quyền căn bản, không thể thiếu đối với phẩm giá và sự mãn nguyện của mỗi cá nhân, cũng như đã được nêu trong Điều 25 của Hiến pháp Việt Nam.
Quyết định của các cơ quan thẩm quyền Việt Nam không cho phép các đại diện của Phái đoàn EU cũng như của các đại sứ quán các nước thành viên EU quan sát phiên xét xử đã đặt dấu hỏi về sự minh bạch của quá trình xét xử, tuyên bố của đại diện EU tại Việt Nam cho biết.
Liên minh châu Âu nói sẽ tiếp tục theo dõi tình hình nhân quyền ở Việt Nam cũng như hợp tác với các cơ quan thẩm quyền nhằm hướng tới việc cải thiện tình hình nhân quyền tại đây. - VOA

16.
Ngô Xuân Lịch gặp Osius sau vụ rút giàn khoan Repsol

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius hôm 26/7 đã gặp Bộ Trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Đai tướng Ngô Xuân Lịch, để bàn về vấn đề hợp tác quốc phòng Việt-Mỹ. Cuộc họp diễn ra hai ngày sau khi truyền thông quốc tế loan tin Việt Nam đã yêu cầu tập đoàn Repsol ngưng khoan thăm dò tại Biển Đông vì bị Trung Quốc dọa tấn công.
Báo Quân đội Nhân dân đưa tin đại sứ Osius và Đại tướng Lịch bàn về những biện pháp nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng Việt Nam-Hoa Kỳ theo tinh thần Bản ghi nhớ về Thúc đẩy Hợp tác Quốc phòng song phương ký năm 2011, và Tuyên bố Tầm nhìn chung về Quan hệ quốc phòng năm 2015.

Ngày 27/7, Đại sứ Osius viết trên Facebook: “Hôm qua, tôi đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng, Tướng Ngô Xuân Lịch, để trao đổi về cách thức chúng ta có thể tiếp tục tăng cường hợp tác quốc phòng Hoa Kỳ-Việt Nam và mở rộng hợp tác về cứu trợ nhân đạo và ứng phó thảm họa, di sản chiến tranh, an ninh hàng hải, và các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.”

Báo chí Việt Nam và phía tòa đại sứ Hoa Kỳ không đề cập đến cuộc họp ngày 26/7 có bàn đến việc Việt Nam ngừng hoạt động thăm dò khai thác dầu khí tại lô 136-03 của công ty Talisman-Vietnam, một công ty con của Repsol. Công ty này đã bắt đầu khoan tại địa điểm tranh chấp vào giữa tháng 6 trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Tuy nhiên, một nhà báo trích một nguồn tin thân cận với cuộc họp cho biết Bộ Chính trị Việt Nam đã họp khẩn ngay khi Trung Quốc cho tàu thăm dò HYSY 760 tiếp cận khu vực mà công ty Repsol đang thực hiện dự án, và trong cuộc họp ngày 26/7, phía Việt Nam đã thông báo tình hình cho đại sứ Mỹ Osius.

Từ thành phố Hồ Chí Minh, nhà báo độc lập Quang Hữu Minh nói với VOA:
“Việt Nam muốn Mỹ phản đối việc Trung Quốc áp đặt đường lưỡi bò trên Biển Đông, cụ thể là phản đối Trung Quốc đe dọa Việt Nam thực thi quyền khai thác tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý. Việc khai thác dầu của công ty Repsol nằm trong vùng EEZ của Việt Nam. Nhưng phía Mỹ im lặng.”

Nhà báo Hữu Minh cho rằng đại sứ Mỹ có một thông điệp muốn gửi cho phía Việt Nam:

“Việc ông đại sứ Osius gặp đại tướng Ngô Xuân Lịch là Mỹ muốn thông báo với Bộ Quốc phòng Việt Nam rằng an ninh hàng hải vẫn là tiêu chí mà Mỹ đặt lên hàng đầu. Nếu như Việt Nam và Trung Quốc có va chạm thì Mỹ sẽ có động thái để hai bên giảm thiểu căng thẳng.”

Ông Hữu Minh cho rằng chính sách dựa lưng vào Trung Quốc về chính trị thực sự đã làm cho đảng cộng sản Việt Nam lúng túng trong vấn đề bảo vệ lãnh thổ, và chính sách không liên kết quân sự của Việt Nam với các nước đối lập với Trung Quốc, đã đẩy Việt Nam vào thế “đơn độc.”

Theo nhà báo này thì tất cả những điều đó đã “làm cho đảng lúng túng trong truyền thông, phản ứng ngoại giao và tìm kiếm đồng minh hỗ trợ khi cần. Sự lúng túng đó phản ánh rất rõ qua vụ Repsol hôm nay.”

Cho đến hôm 28/7 Việt Nam mới nói rằng Việt Nam có quyền khoan dầu ở Biển Đông, các nước khác nên tôn trọng quyền hợp pháp của Việt Nam.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói trong một thông cáo gửi cho hãng tin Reuters hôm 28/7: "Các hoạt động liên quan đến dầu khí của Việt Nam diễn ra trên biển hoàn toàn thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam được xác lập theo luật pháp quốc tế."

Trước đó, nguồn tin từ các chuyên gia về biển Đông, giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện quốc phòng Úc và học giả Bill Hayton thuộc Viện nghiên cứu Chatham House, cho VOA biết Trung Quốc đã đưa ra lời đe dọa dùng vũ lực, nếu Việt Nam không ngưng khai thác, thông qua đại sứ Việt Nam ở Bắc Kinh. Nhà báo, học giả Bill Hayton nói với VOA: “Sau khi Bộ Chính trị (của Đảng Cộng Sản Việt Nam) xem xét yêu cầu, họ đã quyết định ngừng khoan dầu.”

Hôm 23/7, một ngày trước khi bài báo của BBC và giáo sư Carl Thayer nói về quyết định của Việt Nam ngừng khoan dầu trên biển, hai nhà quan sát có uy tín khác là Giáo sư Vuving và Jonathan London, đều đưa tin trên trang Twitter cá nhân về việc Trung Quốc đang triển khai dàn khoan HYSY-760 cùng 40 tàu hải giám tới khu vực gần bãi Tư Chính, quanh lô 163-03.
Ông Hữu Minh phân tích lý do vì sao mấy ngày qua Việt Nam im lặng, sau khi Trung Quốc tung ra lời de dọa rằng họ sẽ tấn công quần đảo Trường Sa, nếu không làm theo ý họ:

“Việt Nam đang rơi vào thế khó. Nếu Việt Nam thừa nhận có Trung Quốc đe dọa, thì quần chúng đánh giá Việt Nam yếu kém trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Hiện nạy ưu tiên của Mỹ là bán đảo Triều Tiên, hơn là vấn đề Biển Đông. Nếu Việt Nam một mình va chạm với Trung Quốc ở khu vực Trường Sa mà không có Mỹ và các đồng minh của Mỹ ủng hộ thì sẽ rất kẹt cho Việt Nam. Vì vậy Việt Nam buộc lòng phải im lặng trong việc này.”

Một thông báo ra ngày 25/7 của ban chỉ huy quân sự quận Bình Thạnh Tp. Hồ Chí Minh xuất hiện trên Facebook cho biết Bộ Tư lệnh thành phố đã ra công điện ngày 21/7 chỉ đạo “trực sẳn sàng chiến đấu, phòng chống biểu tình, bạo loạn” cao điểm dư kiến vào ngày thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần, do lo ngại sẽ diễn ra nhiều tình huống phức tạp khi “giàn khoan HY 760 của Trung Quốc đặt tại Biển Đông.”

Tin này đã gây rất nhiều chú ý trên các trang mạng xã hội.

Một độc giả của VOA tên Gia Huy nhận xét về sự im lặng của Việt Nam: “Việt Nam làm vậy trong thời điểm này cũng hợp lý. Việt Nam nên tìm kiếm đồng minh và cần đến sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.”

Nhận định về “thế kẹt” của Việt Nam trong tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, nhà quan sát Ann Đỗ từ Australia nói:

“Mọi công cụ, mọi mặt trận và chiến lược trong việc tuyên bố chủ quyền của Việt Nam đã thất bại hoàn toàn, cả kể trong quan hệ ngoại giao. Philippines cũng có tranh chấp với Trung Quốc về vấn đề biển đảo, họ không đối đầu về quân sự, nhưng họ sử dụng rất tốt vấn đề dư luận và pháp lý. Trong khi đó Việt Nam chúng ta, các mặt trận kinh tế, quân sự, ngoại giao… không có, còn dư luận và pháp lý thì thua hoàn toàn. Việt Nam không dám mang những điều này ra đối đầu với Trung Quốc.”
Chia sẻ ý kiến với bà Ann Đỗ, ông Hữu Minh bình luận trên Facebook: “Dĩ nhiên là đảng Cộng sản Việt Nam lâm vào thế khó. Một khi sự việc lùm xùm ra thì công luận sẽ chỉ trích là đảng đã để chủ quyền quốc gia bị suy yếu. Trong bối cảnh cả nước, trong dân lẫn trong đảng đang bức bách ngột ngạt về cải cách chính trị thì sự việc này nếu được đảng thừa nhận chính thức thì rất dễ dẫn đến làn sóng biểu tình có nguy cơ ảnh hưởng đến chế độ.”

Một bạn tên Huong Nguyen viết trên trang VOA: “Tôi hy vọng lãnh đạo Việt Nam sẽ xử lý khôn khéo và cần sự trợ giúp của các nước lớn. Chứ người Việt không bao giờ hèn nhát với lũ bành trướng.”

Trả lời phỏng vấn báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng hôm 28/7, bà Phạm Hải Liên, một nhà nghiên cứu thuộc Học viện Ngoại giao Việt Nam thuộc Bộ Ngoại giao cho biết, Hà Nội sẽ thảo luận việc khoan dầu chung với Bắc Kinh chỉ sau khi vấn đề chủ quyền được giải quyết.
Bà Liên nói tiếp: "Những tranh chấp về biển giữa Việt Nam và Trung Quốc nên được giải quyết theo luật pháp quốc tế. Trong khi chờ đợi quyết định cuối cùng, Hà Nội sẽ không thảo luận về kế hoạch hợp tác với Bắc Kinh - một động thái mà người Việt Nam coi là phản bội." - VOA

17.
Phát giác ‘viên chức đầu tiên’ ở Việt Nam kê khai tài sản không trung thực

Theo báo Tuổi Trẻ, đoàn thanh tra của Thanh Tra Chính Phủ đã hoàn tất kết luận thanh tra về nguồn gốc tài sản của ông Phạm Sỹ Quý, giám đốc Sở Tài Nguyên-Môi Trường tỉnh Yên Bái, là “kê khai tài sản không trung thực.”
Báo Tuổi Trẻ nhấn mạnh, đây mới là “nguồn tin riêng từ Thanh Tra Chính Phủ,” và cho biết: “Dự kiến đầu Tháng Tám tới Thanh Tra Chính Phủ sẽ công bố kết luận này và kiến nghị Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Yên Bái giải quyết trách nhiệm đối với những cá nhân, tổ chức có sai phạm được chỉ ra trong kết luận thanh tra.”

Báo này cho hay, Thanh Tra Chính Phủ cũng làm rõ thông tin ông Quý cung cấp cho báo chí về việc vay ngân hàng gần 20 tỷ đồng để xây dựng tổ hợp trang trại, nhà ở trên diện tích đất 13,000 mét vuông; việc cấp giấy phép xây dựng đối với gia đình bà Hoàng Thị Huệ (vợ ông Quý) tại phường Minh Tân, thành phố Yên Bái.
Hồi đầu Tháng Bảy, Thanh Tra Chính Phủ công bố báo cáo về hoạt động chống tham nhũng trong sáu tháng đầu năm 2017, theo đó cơ quan này không tìm thấy cá nhân nào “không trung thực khi kê khai tài sản,” mà chỉ có một cá nhân bị xác định là đã “thiếu trách nhiệm” khiến cơ quan công quyền do cá nhân này phụ trách xảy ra tham nhũng.

Báo cáo này cũng chỉ công bố một số số liệu liên quan đến việc kê khai tài sản, thu nhập của viên chức hồi năm ngoái. Theo đó, năm 2016 đã có hơn một triệu viên chức kê khai tài sản, thu nhập, đạt tỉ lệ 99.8%. Công việc xác minh tài sản, thu nhập chỉ thực hiện với 77 cá nhân bị báo chí, dân chúng tố cáo nhưng không phát giác trường hợp nào “thiếu trung thực.”

Đến thời điểm này, dường như hoạt động của Thanh Tra Chính Phủ… “tiến bộ” hơn vì tìm ra ông Phạm Sỹ Quý!

Hồi Tháng Sáu, báo chí Việt Nam nêu ra hàng loạt điểm bất thường quanh việc gia đình ông Quý xây dựng dinh thự tại phường Minh Tân, thành phố Yên Bái, với một số biệt thự, nhà sàn, hồ nước, vườn hoa…

Ngoài những thắc mắc liên quan đến chuyện ông Quý đào đâu ra tiền để tạo lập dinh thự trị giá cả trăm tỷ đồng như thế, báo chí Việt Nam còn nêu ra một thắc mắc khác, đáng chú ý hơn là tại sao chính quyền thành phố Yên Bái lại ký tới sáu quyết định, cho phép gia đình ông Quý chuyển đổi các phần đất vốn là rừng, ruộng, vườn… thành thổ cư rồi cấp giấy phép xây dựng một cách dễ dàng, nhanh chóng như vậy.
Sau đó, báo chí phát giác, chính quyền thành phố Yên Bái đã sử dụng “Quyết Định Điều Chỉnh Quy Hoạch Sử Dụng Đất Đến Năm 2020” do tỉnh này ban hành năm 2014 để ra sáu quyết định cho phép gia đình ông Quý chuyển số đất nông nghiệp thành thổ cư.

Ông Quý khi đó là phó giám đốc Sở Tài Nguyên-Môi Trường, kiêm giám đốc Trung Tâm Phát Triển Quỹ Đất của tỉnh. Báo Thanh Niên cho hay, ông Phạm Sỹ Quý là em trai bà Phạm Thị Thanh Trà. Thời điểm này, bà Trà là chủ tịch tỉnh Yên Bái.
Nay thì bà Trà đảm nhiệm vai trò bí thư tỉnh ủy kiêm chủ tịch Hội Đồng Nhân Dân của tỉnh Yên Bái. Tuy nhiên, trước khi rời cương vị chủ tịch tỉnh, chính thức đảm nhiệm vai trò bí thư tỉnh, hôm 9 Tháng Chín, bà ký một trong những quyết định cuối cùng là bổ nhiệm em trai mình, tức ông Quý, làm giám đốc sở.

Đáng chú ý, theo báo điện tử Dân Trí, ông Quý từng bị bắt quả tang vì đánh bạc hồi năm 2005. Báo này cho hay, đêm 20 Tháng Mười, 2005, khi đột nhập vào một ổ bạc ở thành phố Yên Bái, công an tỉnh từng bắt quả tang ông Quý, khi đó là phó Phòng Quản Lý Ðất Ðai của Sở Ðịa Chính tỉnh Yên Bái (sau này đổi tên thành Sở Tài Nguyên-Môi Trường), đánh bạc cùng với ông Ngô Thành Long, viện phó Viện Kiểm Sát thành phố Yên Bái; ông Nghiêm Trọng Tân, kiểm sát viên Viện Kiểm Sát thành phố Yên Bái; và bốn người khác.

Giới hữu trách ở tỉnh Yên Bái chưa cho biết hệ thống công quyền đã phạt những viên chức bị bắt quả tang trong vụ đánh bạc vừa kể ra sao. Tìm kiếm trên Internet thì có thể thấy, sau khi bị bắt quả tang vì đánh bạc, ông Ngô Thành Long được đề bạt làm viện trưởng Viện Kiểm Sát huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Riêng ông Phạm Sỹ Quý thì thăng tiến nhanh hơn.

Năm 2008, ông Quý trở thành giám đốc Phòng Ðăng Ký Ðất Ðai. Ba năm sau, ông được bổ nhiệm làm phó giám đốc Sở Tài Nguyên-Môi Trường kiêm giám đốc Phòng Ðăng Ký Ðất Ðai và đến năm 2016 được chị ruột là bà Trà bổ nhiệm làm giám đốc sở này.
Áp lực của dư luận đã buộc chính phủ phải ra lệnh thanh tra về những vấn đề có liên quan đến ông Quý. Lệnh này không đề cập đến bà Trà – viên chức do Bộ Chính Trị của đảng CSVN quản trị.

Trước đây, báo chí Việt Nam đã công bố bản kê khai tài sản của ông Quý. Theo đó, ngoài dinh thự làm dân chúng choáng váng về mức độ xa hoa, ông Quý còn là chủ một căn nhà 600 mét vuông, một thửa đất 1,000 mét vuông cùng nằm ở trung tâm thành phố Yên Bái, một trang trại diện tích 2 hécta trị giá 1 tỷ đồng (khoảng $44,000) ở Yên Bái, một apartment trị giá 2.5 tỷ đồng tại chung cư cao cấp Mandarin Garden ở quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội. Hệ thống phòng chống tham nhũng từ Yên Bái đến Hà Nội chưa bao giờ thắc mắc về khối tài sản khổng lồ này.
Sau khi trở thành tâm của vụ scandal, ông Quý chủ động gặp gỡ báo giới, phân bua rằng, khối tài sản đó sinh sôi nảy nở từ nguồn vốn mà ông tích lũy nhờ… bện chổi, làm men nấu rượu, làm bánh kẹo, làm giá lúc còn trẻ và nhờ… thừa kế từ cha mẹ! - nguoiviet

18.
Biển Đông: "Hoạt động dầu khí thuộc chủ quyền VN"

Nữ phát ngôn Bộ Ngoại giao của Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng nói với báo chí chiều 28/07/2017 giờ Hà Nội, khẳng định rằng hoạt động dầu khí gần đây diễn ra tại khu vực 'hoàn toàn thuộc chủ quyền' Việt Nam ở Biển Đông.
Tuy không nói rõ vị trí của các điểm mà truyền thông nước ngoài cho là có hoạt động khai thác khí và khoan tìm dầu của Talisman - Vietnam thuộc công ty Tây Ban Nha Repsol, bà Lê Thu Hằng được trích lời nói:

"Hoạt động dầu khí liên quan của Việt Nam diễn ra tại khu vực biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam được xác lập phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). 
"Việt Nam đề nghị các bên liên quan tôn trọng các quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của Việt Nam và cùng nỗ lực đóng góp tích cực và thiết thực vào việc duy trì hòa bình và hợp tác ở Biển Đông" - Nữ phát ngôn Bộ Ngoại giao nêu rõ khi trả lời câu hỏi của phóng viên, theo báo Tuổi Trẻ.

Trả lời BBC Tiếng Việt hôm 26/07 tại London, ông Bill Hayton, nhà báo và cũng là nhà nghiên cứu về Biển Đông nói:

"Repsol hiện đang có một số dự án dầu khí khác nhau tại Việt Nam. Dự án vừa phải ngưng là nằm trong Lô 136-03, ở rìa đông nam của vùng Việt Nam tuyên bố là Đặc quyền Kinh tế. "

Sau đó, tại cuộc thảo luận Bàn tròn thứ Năm, hôm 28/7, ông Hayton cũng đưa ra một thông tin cho rằng có thể đã có một quyết định cấp cao ở Bộ Chính trị của Đảng CSVN về diễn biến khoan dầu ở Biển Đông, ông nói:
"Điều mà tôi nghe được nhưng tôi không có cách nào biết được có đúng hay không là khi Bộ Chính trị bàn luận về sự việc, thì 17/19 (?) ủy viên đã muốn tiếp tục tiến hành khoan dầu, nhưng hai (ủy viên) thì không. Và hai người đó là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch. 

"Tôi không có cách nào biết được việc đó là chân thực hay không, vì có các viết lách khác nhau từ mọi người. Nhưng tôi nghĩ người ta đã nhắc đến rằng những người thực sự quyết định việc này là Tổng Bí thư và Bộ trưởng Quốc phòng."

Khi được hỏi nếu có quyết định đó, thì làm thế nào ý kiến của một thiểu số như vậy lại có thể quyết định đa số, ông Hayton nói với BBC Tiếng Việt:

"Tôi được cho biết rằng luận điểm đã thuyết phục tất cả mọi người là Hoa Kỳ dưới sự lãnh đạo của Donald Trump không thể tin cậy để giúp Việt Nam trong tình hình này. Và tương phản với ý tưởng rằng (nếu) dưới lãnh đạo của Hillary Clinton, có lẽ sẽ có nhiều hơn sự hậu thuẫn đến từ Hoa Kỳ.

"Do đó, Việt Nam sẽ phải đối diện với Trung Quốc chỉ có một mình, tôi nghĩ đây là lập luận quan trọng nhất," nhà nghiên cứu về Biển Đông và chính trị Việt Nam đồng thời là phóng viên BBC nói.

Đe dọa chủ quyền?
Tin rằng Việt Nam phải ngưng dự án này với Repsol cũng được một chuyên gia khác về tình hình Việt Nam và Biển Đông, giáo sư Carl Thayer đăng tải trên trang của ông.
Trong "Thayer Consultancy Background Brief", ông viết rằng ông được nghe hôm 15/07 rằng chính quyền Việt Nam "yêu cầu Repsol ngưng việc khoan dầu tại Lô 136-03". 
Cả hai tác giả này đều nêu ra điều họ tin là "đe dọa từ phía Trung Quốc" khiến Việt Nam phải ngưng hoạt động dầu khí nói trên.

Nhà báo Bill Hayton nói nguồn của ông trong ngành dầu khí cho hay "lãnh đạo Repsol được chính phủ tại Hà Nội thông báo vào tuần trước rằng Trung Quốc đã đe dọa sẽ tấn công các căn cứ của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa nếu không dừng việc khoan thăm dò".
Giáo sư Thayer cho rằng "có tin được nêu rằng Trung Quốc chuyển lời đe dọa tới Đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh và Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam đã họp ngày 14/07 để đồng ý ngưng khoan dầu khí".

Ông Thayer cũng viết rằng không rõ có phải Thượng tướng Phạm Trường Long của Trung Quốc nêu ra lời "đe dọa" đến Việt Nam ngay trong chuyến thăm hồi tháng 6 tới Hà Nội hay được phía Trung Quốc nêu ra sau đó.
Trước đó, báo chí quốc tế và dư luận Việt Nam chú ý đến chuyến thăm bị cắt ngắn của Thượng tướng Trung Quốc, Phạm Trường Long đến Hà Nội trong tháng 6.

Trước khi sang Việt Nam, ông Phạm đã thăm Tây Ban Nha, nước chủ nhà của tập đoàn Repsol.

Báo chí châu Âu đưa tin Thượng tướng Phạm Trường Long đã hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng María Dolores de Cospedal tại Madrid hôm 14/06 để bàn về cách tăng cường hợp tác quân sự với Tây Ban Nha.

Hai bên Trung Quốc và Tây Ban Nha đã bàn về cách "hợp tác huấn luyện quân sự, trao đổi các chuyến tàu hải quân thăm lẫn nhau", theo các báo châu Âu.

Vẫn về Biển Đông, một bài của tác giả Li Yincai trên trang Global Times (Hoàn cầu Thời báo 24/07/2017) nêu quan điểm rằng "thách thức cho Trung Quốc ở Biển Nam Trung Hoa vẫn còn đó".
Bài báo nói "Có một khả năng là Việt Nam và một số nước khác sẽ đem các tranh chấp của họ với Trung Quốc ra cộng đồng quốc tế, hoặc các nước Đông Nam Á sẽ cụm lại với nhau để chống lại Trung Quốc".

Tuy thế, nét chính trong bài viết này là Trung Quốc đang có cơ hội để "dẫn đường và định hình môi trường ngoại giao" tại khu vực láng giềng này.

'Nguy hại cho pháp lý'
Hôm 27/7, từ Hà Nội, PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao, nguyên Phó Vụ trưởng, Ban Biên giới Chính phủ Việt Nam bình luận với BBC về phản ứng của truyền thông chính thức của Việt Nam và tính nguy hại nếu như Việt Nam 'dừng khoan' dưới áp lực của Trung Quốc, ông nói:

"Sự kiện xảy ra tại lô 136-3, ở bãi Tư Chính, sự việc đó xảy ra, cho đến thời điểm này, truyền thông chính thức không hề đưa tin.

"Tuy vậy, trên mạng xã hội, thông tin rất nóng bỏng, và rất nhiều người dân đã bày tỏ lo lắng, cũng như thất vọng rất lớn của mình đối với việc truyền thông của nhà nước tại sao không minh bạch, tại sao không đưa tin về một vấn đề có thể nói là sống còn liên quan chủ quyền lãnh thổ quốc gia như vậy?
"Chính vì vấn đề không minh bạch đó, cho nên khi có những thông tin như nhà báo Bill Hayton đưa..., với những thông tin như vậy, theo tôi về mặt chính trị là không tốt cho thể chế của Việt Nam hiện nay. 

"Bởi lẽ đất nước này, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong khi đó, thềm lục địa mình đang thực hiện quyền của mình rất chính đáng, mà sâu xuống phía Nam, cách xa Hoàng Sa, Hoàng Sa thì họ (Trung Quốc) đã chiếm được và bây giờ họ xuống sâu hơn nữa, mà lại có thông tin rằng Việt Nam dường như cam kết là trong tương lai sẽ không tiếp tục khoan, và điều này nguy hại cả về mặt pháp lý sau này.
"Bởi vì với động thái như vậy, việc yêu cầu Repsol dừng sẽ là một chứng cứ trong tương lai, gọi là 'de facto evidence', là đã thừa nhận bằng cách công nhận là anh không có quyền ở thềm lục địa đó, như vậy rõ ràng nó sẽ nguy hại cho câu chuyện đấu tranh pháp lý sau này. "

"Đây là một vấn đề rất lớn, trong khi đó nhân dân Việt Nam không được biết đến, cái này theo tôi sẽ ảnh hưởng lớn vô cùng đến dư luận xã hội ở Việt Nam - thất vọng với cách thức và đường lối lãnh đạo của Đảng và nhà nước trong công cuộc bảo vệ chủ quyền," ông Hoàng Ngọc Giao nói với BBC một ngày trước khi Bộ Ngoại giao Việt Nam có thông tin ngắn cho báo chí về chuyện này. - BBC

Link:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét