Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 29 tháng 7, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Bảy 29/7 - Lê Minh Nguyên

Kim Jong Un: ‘Cả nước Mỹ’ nằm trong tầm ngắm của phi đạn Bắc Triều Tiên --- Tên lửa Bắc Triều Tiên : Mỹ nghiên cứu "giải pháp quân sự"
Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-Un hôm thứ Bảy tuyên bố đất nước của ông sở hữu những phi đạn có thể tấn công toàn bộ lục địa của Mỹ, sau một cuộc thử nghiệm hôm thứ Sáu.<!>
Trung Quốc đã lên án vụ phóng, trong khi Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ tuyên bố sẽ cùng nhau thảo ra một biện pháp mới tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhằm kiềm chế tham vọng hạt nhân của Bắc Triều Tiên.

Bắc Triều Tiên đã gia tăng các vụ thử nghiệm phi đạn dưới thời Kim Jong Un cầm quyền. Vụ phóng hôm thứ Sáu là lần thứ hai trong tháng này Bắc Triều Tiên thực hiện một vụ phóng phi đạn đạn đạo liên lục địa.

Theo Thông tấn xã Trung ương Bắc Triều Tiên, ông Kim khoe rằng vụ phóng mới nhất "là một cảnh báo nghiêm trọng đối với Mỹ." Ông Kim nói rằng vụ thử nghiệm này xác nhận "cả lục địa Mỹ nằm trong tầm tấn công của chúng ta."

Phản ứng về vụ phóng, lực lượng Mỹ và Hàn Quốc đã bắn hai phi đạn vào lãnh hải của Hàn Quốc hôm thứ Sáu.

Một thông cáo của Tòa Bạch Ốc gọi vụ thử phi đạn của Bắc Triều Tiên là một hành động "liều lĩnh và nguy hiểm" mà sẽ khiến nước này càng bị cô lập.

Thông cáo nói rằng "Mỹ sẽ làm tất cả những bước cần thiết để bảo đảm an ninh cho lục địa Mỹ và bảo vệ các đồng minh trong khu vực."

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói vụ phóng mới nhất của Bắc Triều Tiên "vi phạm trắng trợn nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc."

Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ nói thêm: "Là những nước hỗ trợ kinh tế chính yếu cho chương trình vũ khí hạt nhân và phát triển phi đạn đạn đạo của Bắc Triều Tiên, Trung Quốc và Nga chịu trách nhiệm độc nhất và đặc biệt về mối đe dọa ngày càng lớn này đối với sự ổn định trong khu vực và toàn cầu."

Vụ phóng phi đạn đạn đạo liên lục địa của Bắc Triều Tiên là vụ thứ hai xảy ra trong vài tuần. Phi đạn phóng lần này bay cao hơn và xa hơn hơn phi đạn đầu tiên của Bình Nhưỡng thử nghiệm vào ngày 4 tháng 7. - VOA

***
Vài giờ sau vụ bắn thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) lần thứ nhì, Bình Nhưỡng ngày 29/07/2017, khẳng định vũ khí Bắc Triều Tiên có thể bắn tới bất cứ nơi nào trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Washington và Seoul tuyên bố đang nghiên cứu mọi phương án để đối phó, trong đó có cả "giải pháp quân sự". Cộng đồng quốc tế đồng thanh lên án hành vi khiêu khích của chế độ Kim Jong Un.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In ngay trong đêm 28/07/2017, đã triệu tập khẩn cấp Hội Đồng An Ninh và yêu cầu Liên Hiệp Quốc tăng cường các biện pháp trừng phạt Bắc Triều Tiên. Bộ trưởng Quốc Phòng Song Young Moo sáng nay thông báo Hàn Quốc sẽ khẩn trương triển khai lá chắn chống tên lửa THAAD của Mỹ, bất chấp chống đối mạnh mẽ của Trung Quốc. AFP trích dẫn một nguồn tin thông thạo cho biết Seoul đã thông báo trước với Bắc Kinh về quyết định này.

Ngoài ra, không đi sâu vào chi tiết, bộ trưởng Quốc Phòng Hàn Quốc còn cho biết là quân đội Mỹ sẽ được nhanh chóng triển khai "trang thiết bị chiến lược" tại bán đảo Triều Tiên và các vùng lân cận. Tin trên cũng được Lầu Năm Góc xác nhận. Lục Quân Hoa Kỳ sáng 29/07 thông báo, Mỹ và đồng minh Hàn Quốc cùng mở cuộc tập trận chung tại Hàn Quốc, sử dụng hệ thống tên lửa địa đối địa ATACMS của Mỹ và tên lửa đạn đạo Hyunmoo II của Hàn Quốc.

AFP nhấn mạnh "lãnh đạo quân sự Hàn Quốc và Hoa Kỳ đã thảo luận về nhiều phương án, kể cả giải pháp quân sự". Hãng tin Pháp ghi nhận đây là một sự thay đổi quan trọng, vì từ trước tới nay, bộ Quốc Phòng Mỹ chưa bao giờ nêu lên khả năng dùng sức mạnh quân sự để trả đũa Bình Nhưỡng phát triển hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Theo hãng thông tấn Bắc Triều Tiên KCNA, ngày 28/07, Bình Nhưỡng đã thành công trong vụ bắn thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Trực tiếp chỉ huy vụ thử nghiệm này, lãnh đạo Bắc Triều Tiên, Kim Jong Un tuyên bố : "Toàn bộ lãnh thổ Hoa Kỳ trong tầm ngắm" của tên lửa Bắc Triều Tên, loại vũ khí này cho phép Bình Nhưỡng bắn trúng mục tiêu "ở bất cứ nơi nào, vào bất cứ thời điểm nào".

Từ thủ đô Seoul, thông tín viên đài RFI Louis Palligiano cho biết thêm thông tin về vụ Bình Nhưỡng bắn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa ngày 28/07 :

« Đây không biết là lần thứ mấy chính quyền Kim Jong Un lại có hành động khiêu khích. Đêm hôm qua, lúc 23 giờ 41, giờ địa phương, Bình Nhưỡng lại bắn một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Theo Hội đồng Bộ tham mưu liên quân Hàn Quốc, tên lửa lần này được xem là hiện đại hơn cả Hwasong-14 mà Bắc Triều Tiên đã bắn thử hôm 04/07/2017.

Vụ bắn thử lần thứ nhì vào ngày 28/07, được thực hiện từ một khu vực gần biên giới giữa Bắc Triều Tiên và Trung Quốc. Tên lửa đã được phóng lên tới độ cao 3.700 km, bay được hơn 1.000 km trước khi rơi vào vùng biển Nhật Bản, nằm giữa bán đảo Triều Tiên với Nhật Bản.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson kêu gọi Nga và Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng với Bắc Triều Tiên, thuyết phục Bình Nhưỡng chấm dứt các chương trình thử nghiệm vũ khí nguyên tử và tên lửa đạn đạo. Về phần mình, bộ trưởng Quốc Phòng Hàn Quốc tiết lộ quân đội Hoa Kỳ sẽ triển khai trang thiết bị chiến lược trong vùng để phản công trong trường hợp Bắc Triều Tiên lại bắn thử tên lửa.

Vụ Bắc Triều Tiên bắn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa lần này làm đảo lộn chính sách "mở rộng tay" của tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In với nước láng giềng gây nhiều phiền toái này của Seoul. Ông công bố về việc triển khai các bệ phóng phòng thủ tên lửa (THAAD) trên lãnh thổ Hàn Quốc.

Cho dù đã bị Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trừng phạt, Bắc Triều Tiên vẫn tiếp tục nhanh chóng phát triển vũ khí hạt nhân và các loại tên lửa ».

Tại Hoa Kỳ, ngày 28/07, tổng thống Donald Trump tuyên bố Washington "sẽ đề xuất những biện pháp cần thiết để bảo đảm an ninh trên toàn lãnh thổ quốc gia cũng như là để bảo vệ các nước đồng minh của Mỹ trong khu vực". Thông cáo của Nhà Trắng cảnh báo : những vụ thử tên lửa như trên càng "cô lập Bắc Triều Tiên, làm suy yếu nền kinh tế và người dân Bắc Triều Tiên càng bị nghèo đi".

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson quy trách nhiệm cho Nga và Trung Quốc, hai điểm tựa của chế độ Bình Nhưỡng, khiến tình hình "thêm nghiêm trọng". Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng (Geng Shuang) khẳng định vào sáng 29/07 rằng Trung Quốc phản đối việc Bắc Triều Tiên "vi phạm các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc và chống đối những hành vi của Bình Nhưỡng đi ngược với nguyện vọng hòa bình của cộng đồng quốc tế". Đồng thời Bắc Kinh kêu gọi các các bên liên quan giữ thái độ kềm chế. Trung Quốc một lần nữa bày tỏ "lo ngại sâu sắc (…) và quyết tâm chống đối việc Hàn Quốc và Hoa Kỳ triển khai hệ thống lá chắn chống tên lửa THAAD".

Về phản ứng của Nhật Bản, một trong những quốc gia phải đối mặt với đe dọa hạt nhân Bắc Triều Tiên, ngoại trưởng Fumio Kishida, trong cuộc điện đàm với đồng nhiệm Mỹ Rex Tillerson, chủ trương gia tăng sức lực để thuyết phục Nga và Trung Quốc đồng ý ban hành một nghị quyết mới trong khuôn khổ Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc với những biện pháp cứng rắn hơn. Phát ngôn viên phủ thủ tướng Nhật khẳng định là "tên lửa Bắc Triều Tiên đã rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản". - RFI

2.
Mỹ, Anh, Pháp, Đức lên án Iran về vụ phóng hỏa tiễn --- Iran tiếp tục chương trình tên lửa bất chấp trừng phạt của Âu, Mỹ

Mỹ, Anh, Pháp và Đức ra một thông cáo chung lên án vụ phóng hỏa tiễn mới đây của Iran. "Chương trình phát triển phi đạn đạn đạo của Iran có tác động gây bất ổn trong khu vực," thông cáo nói. "Chúng tôi kêu gọi Iran không tiến hành thêm bất kỳ vụ phóng phi đạn đạn đạo nào và các hoạt động liên quan."
Nikki Haley, Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, nói trong một thông cáo: "Chúng tôi sẽ không đơn thuần tin lời của Iran rằng họ đang chấp hành các nghĩa vụ quốc tế. Chúng tôi sẽ tiếp tục áp đặt những hệ quả cho đến khi Iran ngừng các hành động khiêu khích của mình và chấp hành đầy đủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an."

Iran cho biết họ đã phóng thành công một hỏa tiễn chở theo một vệ tinh vào không gian hôm thứ Năm.

Truyền hình nhà nước Iran nói hỏa tiễn "Simorgh," nghĩa là phượng hoàng trong tiếng Farsi, có khả năng chở một vệ tinh 250 kilômét bay xa tới 500 kilômét bên trên Trái đất, nhưng không nói rõ đó là vệ tinh gì.

"Trung tâm Không gian Imam Khomeini đã chính thức khai trương với cuộc thử nghiệm thành công phương tiện phóng không gian Simorgh," đài truyền hình nhà nước đưa tin.

Vụ phóng hỏa tiễn này diễn ra sau khi Mỹ hồi đầu tháng này gia tăng chế tài kinh tế đối với Iran về chương trình phi đạn đạn đạo của nước này.

Vụ phóng hôm thứ Năm không vi phạm thỏa thuận hạt nhân năm 2015, được ký bởi Iran và nhóm các cường quốc thế giới P5+1, mặc dù Mỹ đã bày tỏ lo ngại rằng công nghệ phi đạn đang được Iran phát triển có thể sẽ được điều chỉnh thành phi đạn tầm xa. - VOA

***
Ngày 28/07/2017, người phát ngôn bộ Ngoại Giao Iran, ông Bahram Ghassemi, tuyên bố Teheran sẽ tiếp tục phát triển các chương trình tên lửa "bằng tất cả sức mạnh của mình", bất chấp lệnh trừng phạt mới của quốc tế.

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Iran đánh giá các biện pháp trừng phạt mới của Hoa Kỳ đối với Iran, một ngày sau khi Teheran phóng thành công tên lửa Simorgh, là một hành động "thù địch" và "không thể chấp nhận".Ông cũng cho rằng các biện pháp trên "chỉ nhằm làm suy yếu thỏa thuận hạt nhân" mà Iran đã ký vào tháng 07/2015 với 5 nước Hội Đồng Bảo An cùng với Đức.

Hãng tin AFP nhắc lại, Quốc Hội Mỹ đã thông qua ngày 27/07 một dự luật trừng phạt Nga, Iran và Bắc Triều Tiên. Đối với Iran, các biện pháp trừng phạt nhắm vào các chương trình tên lửa đạn đạo, vấn đề nhân quyền và việc Tehran hỗ trợ cho các tổ chức bị Hoa Kỳ liệt vào danh sách khủng bố. Các biện pháp trừng phạt mới đã được Quốc Hội lưỡng viện thông qua, nhưng còn chờ tổng thống Donald Trump phê chuẩn.

Châu Âu ủng hộ lập trường của Mỹ trong vấn đề Iran. Trong thông cáo ngày 29/07, Washington, Paris, Luân Đôn và Berlin cùng "lên án" Teheran đã thử nghiệm tên lửa đẩy vệ tinh và kêu gọi chính quyền Iran chấm dứt các chương trình thử nghiệm tên lửa đạn đạo. Theo quan điểm của các nước phương Tây, các vụ thử nghiệm đó "không phù hợp với nghị quyết 2231 của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và gây bất ổn trong khu vực". - RFI

3.
Sri Lanka cho TQ kiểm soát cảng biển quan trọng

Sri Lanka vừa ký thỏa thuận trị giá 1,1 tỷ đô la, theo đó trao cho Trung Quốc quyền kiểm soát và phát triển cảng biển nước sâu ở Hambantota.
Thỏa thuận đã bị trì hoãn vài tháng do có các quan ngại về việc quân đội Trung Quốc có thể sử dụng cảng.

Chính phủ nay đảm bảo rằng Trung Quốc sẽ chỉ tiến hành các hoạt động thương mại ở đây, là cảng chính trong tuyến đường biển qua lại giữa châu Á và châu Âu.

Chính phủ Sri Lanka nói rằng số tiền có được từ thỏa thuận sẽ giúp trả nợ các khoản vay nước ngoài.

Theo đề án, một công ty quốc doanh của Trung Quốc sẽ được trao hợp đồng thuê với thời hạn 99 năm trên diện tích 15.000 acres ở gần đó để đặt một khu công nghiệp.

Đề án sẽ dẫn đến chuyện hàng ngàn dân làng sẽ phải rời đi nơi khác, nhưng chính phủ nói họ sẽ được cấp đất mới.

Trung Quốc đã đổ hàng triệu đô la vào các cơ sở hạ tầng của Sri Lanka kể từ khi kết thúc cuộc nội chiến kéo dài 26 năm ở nước này, hồi 2009.

Các cuộc biểu tình phản đối thỏa thuận nổ ra trên đường phố tại Hambantota hôm thứ Bảy.

Một chiếc quan tài được đưa đi diễu phố trước khi những tấm carton vẽ hình Tổng thống Maithripala Sirisena và Thủ tướng Ranil Wickremasinghe của nước này bị châm lửa đốt.

Cảng Hambantota nhìn ra Ấn Độ Dương và được trông đợi là sẽ đóng vai trò then chốt trong sáng kiến "Một Vành đai, Một Con đường", hay còn được biết đến với tên gọi Con đường Tơ lụa mới, nối liền các cảng và các con đường qua lại từ Trung Quốc tới Châu Âu.
Sáng kiến này đang được các đối thủ thương mại trong khu vực, trong đó có Ấn Độ và Nhật Bản, theo dõi sát sao.

Những người phản đối dự án nói họ lo sợ rằng khu vực đang bị biến thành thuộc địa của Trung Quốc. Họ cũng quan ngại rằng hải quân Trung Quốc có thể dùng cảng này làm căn cứ để triển khai các hoạt động.

Để làm giảm bớt các quan ngại trên, chính phủ Sri Lanka tuyên bố một thỏa thuận đã điều chỉnh, nhằm giảm cổ phần của hãng Trung Quốc xuống còn 70%. Giới chức cũng đảm bảo rằng quân đội Trung Quốc sẽ không sử dụng cảng. - BBC
4.
Ông Tập 'chỉ đạo bồi đắp đảo ở Biển Đông'

Chủ tịch Tập Cận Bình là người trực tiếp đứng sau quyết định của Bắc Kinh trong cách tiếp cận tới các tranh chấp ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, một tạp chí hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc tiết lộ.
Trong bài xã luận đăng hôm thứ Sáu trên Thời báo Nghiên cứu (Study Times) của Trường Đảng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Tập được ca tụng là đã có quan điểm cứng rắn trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ với các quốc gia láng giềng ở Á châu, tờ South China Morning Post phát hành tại Hong Kong nói.

"Cá nhân [Chủ tịch Tập] chèo lái một loạt các biện pháp nhằm mở rộng lợi thế chiến lược và bảo vệ các lợi ích quốc gia [của Trung Quốc]," South China Morning Post trích nội dung bài xã luận.

"Trong vấn đề Biển Nam Hải (cách Trung Quốc gọi Biển Đông), cá nhân [ông Tập] đã ra các quyết định xây dựng các đảo, củng cố các bãi đá, và thành lập thành phố Tam Sa. [Những quyết định này] đã làm thay đổi căn bản tình thế chiến lược tại Biển Nam Hải."

Hoa Kỳ ước tính Bắc Kinh đã mở rộng thêm 1.300 ha đất tại bảy địa điểm trên Biển Đông trong thời gian ba năm qua, xây dựng các đường băng, cảng, bãi đỗ, nhà chứa máy bay và lắp đặt các thiết bị viễn thông trên đó, theo Reuters.

Các nhà phân tích đánh giá rằng bài xã luận cho thấy ông Tập đã giữ một mức độ tập trung hóa quyền lực và quyền kiểm soát nhất định đối với chính sách ngoại giao của Trung Quốc, và điều đó khiến ông trở thành nhà lãnh đạo quyền lực nhất kể từ thời Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình, báo South China Morning Post bình luận.

Bài xã luận được đưa ra vào lúc truyền thông Trung Quốc đang ca tụng vai trò của ông Tập, trước khi nước này chuẩn bị có kỳ Đại hội Đảng vào mùa thu, là sự kiện mà danh tính những người được cho là kế vị chức chủ tịch và thủ tướng đương nhiệm - theo kế hoạch sẽ từ chức năm 2022 sau 10 năm cầm quyền - sẽ được tiết lộ. - BBC

5.
Đức: Thủ phạm tấn công tại Hamburg thuộc thành phần Hồi Giáo cực đoan

Chiều 28/07/2017, một thanh niên 26 tuổi, người Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, đang xin tị nạn tại Đức, đã dùng dao đâm chết một người, làm 6 người bị thương tại Hamburg, miền bắc nước Đức. Vụ việc làm dấy lên tranh cãi chung quanh chính sách đón nhận người nhập cư của Berlin.
Hãng tin Pháp AFP, trích lời lãnh đạo cơ quan an ninh của thành phố, ông Andy Grote, trong buổi họp báo sáng 29/07/2017, cho biết hung thủ là một người Hồi Giáo cực đoan, nhưng không nằm trong danh sách các thành phần thánh chiến Hồi Giáo của cảnh sát Đức. Tuy nhiên, theo quan chức này, thủ phạm hiện đang trong "trạng thái bất an về mặt tâm lý".

Vào lúc 15 giờ 10 phút chiều 28/07, hung thủ đã dùng dao đâm chết một người đàn ông 50 tuổi và làm nhiều người khác bị thương trong một siêu thị tại khu Barmbek, phía bắc thành phố. Nhiều nhân chứng cho biết, trước khi ra tay, hung thủ hô to "Allah Akbar - Thượng Đế Vĩ đại".

Tờ báo bình dân Bild đề cập tới liên hệ giữa hung thủ và các tổ chức Hồi Giáo cực đoan. Tờ Der Spiegel thận trọng hơn, cho rằng thủ phạm đang được điều trị về bệnh tâm thần. Trước mắt, cảnh sát Đức cho biết đang tiến hành điều tra theo "tất cả mọi hướng". Theo kết quả điều tra ban đầu, đương sự đã bị bác đơn xin tị nạn tại Đức. Yếu tố này khiến công luận Đức liên tưởng tới trường hợp của Anis Amiri, người Tunisia xin tị nạn tại Đức, đã lao xe tại vào một khu chợ Noel ở thủ đô Berlin hồi tháng 12/2016, làm 12 người thiệt mạng.
Vụ tấn công tại Hamburg lại làm dấy lên tranh cãi về chính sách đón nhận người nhập cư của chính quyền Đức, hai tháng trước bầu cử Quốc Hội. Chính sách mở rộng vòng tay đón nhận người nhập cư của thủ tướng Merkel hồi năm 2015 đã bị một phần công luận Đức phản đối mạnh mẽ.Trong một năm qua, Berlin đã liên tục siết lại các quy chế đón nhận người tị nạn. - RFI

6.
Cựu tổng thống Park Geun Hye, nữ tù nhân ở xà lim 503

L’Express tuần này có bài viết « Park Geun Hye, nữ tù nhân ở xà lim 503 », nằm trong loạt bài về những phụ nữ nổi tiếng trên thế giới. Trước khi bị truất phế vào tháng 03/2017, cựu tổng thống Hàn Quốc lãnh đạo đất nước trong khi chịu sự chi phối của một nhân vật trong bóng tối, như người cha của bà thời trước.
Đặc phái viên của tuần báo tại Seoul mô tả trong phiên tòa, bà Park hết vẽ nguệch ngoạc rồi lại xóa, nghịch với những mẩu vụn của cục gôm. Buổi tối khi trở về xà lim số 503 của trại giam Uiwang ở ngoại ô Seoul, bà ngồi dựa lưng vào tường, thì thầm những từ vô nghĩa. Đôi khi bà yêu cầu quản giáo mang suất ăn đến, trong khi bà mới vừa ăn trưa xong.

Bị truất phế và lãnh án tù vì « tham nhũng, lạm dụng quyền lực và cưỡng đoạt », cựu tổng thống Hàn Quốc bị bệnh thật sự hay chỉ giả vờ để làm cho các quan tòa xúc động ? Từ nhiều tuần qua, các nhà tâm lý học và thẩm phán vẫn chưa tìm được câu trả lời.

Cô gái mồ côi quyền quý nhưng cô độc

« Tôi luôn biết rằng tôi sẽ có một cuộc sống khó khăn » - bà Park đã viết trong nhật ký hồi năm 1990 - nhưng chắc chắn bà không bao giờ tưởng tượng ra một sự xuống dốc thô bạo như vậy. Park Geun Hye (Phác Cận Huệ) sinh ngày 02/02/1952 tại Samdeok Dong ở miền trung. Bà mới lên chín tuổi lúc người cha Park Chung Hee (Phác Chính Hy) lên nắm quyền sau vụ đảo chính. 

Trong 17 năm trời, vị tướng này lãnh đạo đất nước bằng bàn tay sắt, buộc người dân phải hy sinh rất nhiều. Không có ngày nghỉ cuối tuần, các nghiệp đoàn bị cấm hoạt động. Nỗ lực này đã được đền bù : Hàn Quốc trở thành một con rồng nhỏ của châu Á. Trong vòng 10 năm, tổng sản phẩm nội địa tăng vọt, các chaebol (đại tập đoàn) như Samsung, Huyndai… chinh phục thị trường các nước. Tạo ra được « phép lạ Hàn Quốc », nhưng ông Park Chung Hee cũng có lắm kẻ thù. Nhà độc tài này không ngần ngại tra tấn, thậm chí sát hại các đối thủ.

Năm 1974, ông thoát chết trong một vụ ám sát nhưng vợ ông, Yuk Young Su, bị tử thương. Năm đó, Park Geun Hye 22 tuổi, cô sang Pháp học ở Grenoble, rồi về nước theo yêu cầu của cha để đóng thay vai trò đệ nhất phu nhân của người mẹ quá cố. Nhà Xanh, tức Phủ tổng thống Hàn Quốc, như một chiếc lồng sơn son thếp vàng. Park Geun Hye sống khép kín, không bạn bè, người yêu, không tâm sự với ai cả. Chỉ có một người xuyên qua được chiếc vỏ bọc của Geun Hye, đó là Choi Tae Min. Ngay lần đầu tiên gặp mặt, ông này đã khẳng định : « Tôi có thể liên lạc được với mẹ cô ở thế giới bên kia ».

Phải chăng sự cô độc khiến Geun Hye trở nên dễ tổn thương ? Ông Choi Tae Min từng đi tu nhưng sau lấy đến sáu đời vợ, lập ra một giáo phái trộn lẫn giữa Phật giáo và đạo Saman, được Park Geun Hye tin tưởng tuyệt đối. Ông ta cũng chiếm được lòng tin của tổng thống. Ngày 26/10/1979, ông Park Chung Hee bị giám đốc tình báo bắn chết, hung thủ biện minh là muốn làm ông Choi không còn có thể lũng đoạn.

Sau khi cha mất, cô gái mồ côi quyền quý Park Geun Hye vẫn rất thân thiết với Choi Tae Min. Ông này « kiểm soát cả hồn lẫn xác bà Park », theo nhận xét của đại sứ Mỹ tại Seoul, trong một bức điện mật bị WikiLeaks tiết lộ. Park Geun Hye cũng gắn bó với Choi Soon Sil, con gái ông ta, và mối quan hệ này ngày càng chặt chẽ. « Trong những giây phút khó khăn, bà Choi đều bên cạnh tôi », bà Park giải thích. 

Số phận oan nghiệt của con gái nhà cựu độc tài
Năm 1998, Park Geun Hye được bầu làm dân biểu, và leo dần lên những bậc thang của đảng bảo thủ. Bà được mệnh danh là « Nữ hoàng phòng phiếu » vì chưa bao giờ thất bại trong một cuộc bầu cử nào. Đến năm 2012, bà chiến thắng trong kỳ bầu cử sơ bộ và trở thành ứng cử viên tổng thống của đảng. Công bằng xã hội, ưu tiên cho sáng tạo… những ý tưởng của bà được ủng hộ và đến ngày 25/02/2013, Park Geun Hye trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc.

Người vui mừng nhất lại chính là người phụ nữ trong bóng tối, bà Choi Soon Sil. Từ lâu bà Choi đã lợi dụng tên tuổi của bà Park để làm giàu, gợi ý lãnh đạo các chaebol đóng góp tiền bạc cho các tổ chức của bà ta, tổng cộng gần 65 triệu euro, đổi lấy sự dễ dãi của chính quyền trong việc sáp nhập chẳng hạn. 
Khi xì-căng-đan « Choigate » bùng nổ, người dân Hàn Quốc sững sờ nhận ra họ đã bầu lên một con rối, và bà hoàng thực sự chính là Choi Soon Sil. Bà ta duyệt các bài diễn văn của bà Park, bổ nhiệm các quan chức, thông qua những quyết định chiến lược, thậm chí cả việc mật đàm với Bình Nhưỡng. Làm thế nào Park Geun Hye lại để bị thống trị như thế ? Là người cô độc, bà hiếm khi ra khỏi Phủ tổng thống, liên lạc với các bộ trưởng qua thư từ, ăn tối một mình. 

Bị truất phế ngày 10/3/2017 và bị tống giam ba tuần sau đó, Park Geun Hye đã lên tiếng xin thứ lỗi, nhưng bác bỏ tất cả các cáo buộc. Một nhà ngoại giao phương Tây phân tích : « Trong vụ án này có một phần chìm của tảng băng : thông qua đó, nhiều người Hàn Quốc muốn trả thù ông Park Chung Hee. Họ không coi người đứng trước vành móng ngựa là cựu tổng thống, mà là con gái của nhà độc tài, và không hề nhẹ tay với bà Pảk". - RFI

7.
Trung Quốc vượt lên hàng đầu về trí thông minh nhân tạo

Về châu Á trên lãnh vực tin học, Courrier International dịch bài báo « Trung Quốc, phòng thí nghiệm của thế giới » trên tờ The Atlantic, có trụ sở tại Washington, cho biết chính quyền Bắc Kinh mạnh tay tài trợ cho việc nghiên cứu, đặc biệt về trí thông minh nhân tạo và hiện đang đứng hàng đầu, vượt qua cả Hoa Kỳ.

Bài báo mở đầu bằng sự kiện hội nghị thường niên của Hiệp hội vì tiến bộ của trí thông minh nhân tạo (AAAI), tập hợp hàng trăm chuyên gia trên thế giới, lẽ ra được tổ chức vào cuối tháng 01/2017, nhưng do trùng hợp với Tết âm lịch nên vào phút chót đành phải dời lại một tuần vì không thể thiếu sự tham gia của Trung Quốc. 

Tháng 10/2016, một « kế hoạch chiến lược » do Nhà Trắng công bố nhấn mạnh, Hoa Kỳ nay không còn là số một thế giới về deep learning, mà nay Trung Quốc đã chiếm chỗ. Về kinh doanh, các tập đoàn Bách Độ (Baidu, được coi là « Google Trung Quốc »), Didi (thường được so sánh với Uber), Tencent (sở hữu WeChat) đều lập phòng thí nghiệm riêng về thông minh nhân tạo. Còn chính quyền, từ 10 năm qua, hàng năm vẫn tăng trên 10% ngân sách cho lãnh vực này. Tuy nhiên, nhìn chung những tiến bộ quan trọng vẫn từ phía Hoa Kỳ, người Trung Quốc chỉ giỏi áp dụng mà thôi. - RFI

8.
Brexit và thế giới đảo ngược của Trump trong ca khúc của Mick Jagger

Mick Jagger, ca sĩ của ban nhạc Rolling Stones, ngày 28/07/2017 đã phát hành hai ca khúc solo mới : England Lost, thể hiện mối bận tâm của ông về tiến trình Anh Quốc rời Liên Hiệp Châu Âu và Get a grip, nói về thế giới đảo ngược của ông chủ Nhà Trắng Donald Trump.
Từ Luân Đôn, thông tín viên RFI Muriel Delcroix cho biết thêm :

« Ở tuổi 74, Mick Jagger dấn thân vào mạo hiểm mới với hai ca khúc mang tính chất đả kích chính trị mà ông đã sáng tác vì bị giày vò do lo sợ trước bầu không khí bất định tại Anh Quốc và Hoa Kỳ.

Trong ca khúc England Lost (tạm dịch : Nước Anh đã thất bại), nhạc sĩ-ca sĩ người Anh vừa nói vừa hát trên nền nhạc blues-rock với vẻ vỡ mộng : « Tôi đã tìm nước Anh nhưng rồi chẳng thấy đâu. Tôi chán nói về nhập cư. Người ta không thể vào mà cũng chẳng thể nào ra được ». Lời lẽ rõ ràng ám chỉ đến quyết định của Luân Đôn vào năm 2016 rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu mà theo Mick Jagger, là một thời điểm khó khăn trong lịch sử Vương Quốc Anh.

Ngoài chủ đề Brexit, ngôi sao của Rolling Stones cũng trách cả Hoa Kỳ của Donald Trump trong ca khúc thứ hai mang tên Get a grip (tạm dịch : Phải trấn tĩnh lại). Mick Jagger chỉ trích những đợt tấn công liên tục nhắm vào báo chí của tổng thống Mỹ, khi nói bóng gió đến những thông tin sai lạc, những « fake news ».
Mick Jagger cho biết viết những bài hát này rất nhanh vì sợ thông điệp mất đi hứng thú. Làn sóng liên hồi những ca khúc mới về Brexit và về chính quyền Trump có lẽ sẽ nhanh chóng làm ông yên lòng". - RFI

9.
Tổng thống Nga ân xá cho nữ tù nhân ‘phản quốc’

Ông Vladimir Putin hôm 29/7 đã ký lệnh ân xá cho hai người phụ nữ từng bị kết án tù vì gửi tin nhắn cho người quen Gruzia để thông báo về sự di chuyển của thiết bị quân sự của Nga trước cuộc chiến năm 2008.
Reuters dẫn lời điện Kremlin nói rằng theo lệnh trên, hai cô Annik Kesyan và Marina Dzhandzhgava sẽ không phải thụ hết án tù còn lại, và nêu lý do nhân đạo cho việc này.

Hai nữ tù nhân trên bị kết tội phản quốc vì đã gửi tin nhắn để thông báo về sự di chuyển của thiết bị quân sự củ Nga gần vùng ly khai Abkhazia của Gruzia trước khi chiến tranh nổ ra năm 2008.

Theo Reuters, cô Kesyan bị kết án 8 năm tù trong khi cô Dzhandzhgava lãnh án 12 năm. Ông Putin hồi tháng Ba vừa qua đã ân xá cho một người phụ nữ thứ ba.

Các tổ chức nhân quyền từng lên tiếng chỉ trích Nga kết án những người phụ nữ này.

Tin cho hay, cô Kesyan đã gửi tin nhắn cho một người bạn, nói rằng “đúng, chúng đang di chuyển”, khi nhận được câu hỏi về các xe tăng Nga ở Sochi.
Còn cô Dzhandzhgava nhắn tin cho một người quen để thông báo về một đoàn tàu chở binh sĩ Nga, theo Reuters. - VOA

Tin Hoa Kỳ
10.
Trump sẽ ký luật chế tài Nga được Quốc hội đồng lòng ủng hộ

Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ ký luật áp đặt những chế tài lên Nga, Nhà Trắng cho biết hôm thứ Sáu, sau khi Moscow yêu cầu Mỹ phải cắt giảm hàng trăm nhân viên ngoại giao và tuyên bố họ sẽ tịch thu hai cơ sở ngoại giao để trả đũa dự luật này.
Thượng viện Mỹ đã biểu quyết với tỉ lệ gần tuyệt đối hôm thứ Năm để áp đặt những biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Nga, buộc ông Trump phải lựa chọn một lập trường cứng rắn với Moscow và trên thực tế làm tiêu tan hy vọng của ông về mối quan hệ nồng ấm hơn với đất nước này, hoặc là phủ quyết dự luật giữa lúc đang có những cuộc điều tra về sự thông đồng khả dĩ giữa ban vận động tranh cử của ông với Nga.

Bằng việc ký ban hành luật này, ông Trump không thể giảm nhẹ những chế tài nhắm vào Nga trừ phi ông có được sự chấp thuận của Quốc hội.

Quyết định trả đũa của Moscow, được Bộ Ngoại giao loan báo hôm thứ Sáu, gợi nhớ tới thời Chiến tranh Lạnh. Nếu hành động của Nga được xác nhận là sẽ ảnh hưởng đến hàng trăm nhân viên Đại sứ quán Mỹ thì sự trả đũa này sẽ nặng hơn việc chính quyền Obama trục xuất 35 người Nga vào tháng 12 năm ngoái.
Luật này một phần là phản ứng trước kết luận của các cơ quan tình báo Mỹ nói rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, và là để tiếp tục trừng phạt Nga về việc sát nhập Crimea vào năm 2014.

Cuối ngày thứ Sáu, Nhà Trắng ra thông cáo nói rằng ông Trump sẽ ký dự luật này sau khi xem qua phiên bản cuối cùng. Thông cáo không nhắc tới các biện pháp trả đũa của Nga.

Nga đã đe dọa trả đũa từ mấy tuần qua. Phản ứng của Nga cho thấy họ đã gạt qua một bên những hy vọng ban đầu về mối quan hệ tốt đẹp hơn với Washington dưới thời Trump, điều mà nhà lãnh đạo Mỹ, trước khi đắc cử, đã nói ông mong muốn đạt được.

Quan hệ Mỹ-Nga đã suy giảm xuống mức thấp thời hậu Chiến tranh Lạnh do những cáo buộc rằng Nga tấn công tin tặc trong cuộc bầu cử ở Mỹ nhằm thúc đẩy cơ may của ông Trump, điều mà Moscow một mực phủ nhận. Ông Trump đã bác bỏ mọi sự thông đồng giữa ban vận động của ông với các quan chức Nga. - VOA

11.
Vợ tân giám đốc truyền thông Tòa Bạch Ốc nộp đơn ly dị

Bà Deirdre Ball, vợ tân giám đốc truyền thông Anthony Scaramucci của Tòa Bạch Ốc, được tường thuật đã nộp đơn xin ly dị ông “chỉ vì tham vọng chính trị của ông.”
Tuần báo US News trích dẫn nguồn tin của báo The New York Post nói rằng hai người lấy nhau được ba năm.

Một nguồn tin thứ nhì thân cận với ông Scaramucci cho hay ông hoặc không mang nhẫn cưới hoặc đổi sang tay phải, đồng thời cho biết thêm rằng hai người bất đồng về việc trung thành với Tổng Thống Donald Trump.
Đây là hôn nhân thứ nhì của ông Scaramucci, và người ta để ý thấy bà Ball không có mặt trong hội nghị SALT của ông hồi giữa Tháng Năm.

Nguồn tin nói: “Bà Deirdre không phải là người ái mộ ông Trump và cũng không ủng hộ ông Anthony lẫn mưu đồ trở lại làm việc tại Tòa Bạch Ốc của ông.”

Người bạn của ông Scaramucci nói thêm: “Ông Anthony chỉ biết lo cho con cái, cho việc làm phục vụ tổng thống và người dân Hoa Kỳ. Ngoài ra không có gì khác quan trọng đối với ông.”

“Tôi không biết bà Deirdre nghĩ mình đang lấy ai nhưng bất kỳ ai biết ông Anthony đều biết ông ấy là người có tham vọng,” người bạn tiếp. - nguoiviet
|
|

Tin Việt Nam

12.
Bill Hayton: Việt Nam đang 'thân cô, thế cô'

Việt Nam đang ở trong thế 'chỉ có một mình' khi đương đầu với Trung Quốc trong tranh chấp trên Biển Đông, một nhà nghiên cứu Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, đồng thời là phóng viên của BBC nói với Bàn tròn thứ Năm tuần này.

Trao đổi tại cuộc Tọa đàm hôm 27/7/2017, khi đưa ra thông tin bình luận có tính tham khảo về tình huống hiện nay của Việt Nam ở trong khu vực trong lúc có những thông tin khác nhau và quan tâm của dư luận về việc khai dầu, khí của Việt Nam ở khu vực Lô 136-03, ông Bill Hayton nói: 

"Tôi được cho biết rằng luận điểm đã thuyết phục tất cả mọi người (Bộ Chính trị ĐCSVN) là không thể tin cậy vào Hoa Kỳ dưới sự lãnh đạo của Donald Trump trong việc giúp Việt Nam trong tình hình này, ngược với chuyện (nếu Hoa Kỳ) dưới lãnh đạo của bà Hillary Clinton thì có lẽ Việt Nam sẽ nhận được nhiều hậu thuẫn hơn từ Hoa Kỳ. Do đó, Việt Nam sẽ phải một mình đối diện với Trung Quốc. Tôi nghĩ đây là lập luận quan trọng nhất," khách mời này nói với BBC Tiếng Việt.
BBC: Hãng tin Reuters của Anh tuần này, hôm 25/7, nói rằng BBC đưa tin Việt Nam đã dừng khoan dầu ở khu vực sau khi có các đe dọa của Trung Quốc, nhưng không có nguồn tin khẳng định độc lập trong lúc cả giới chức Việt Nam lẫn hãng Repsol đều chưa đưa ra bình luận nào về tin trên. Với tư cách là tác giả bài báo, ông có ý kiến gì?

Bill Hayton: Tôi nghĩ mọi người hiện đều đang ở trong tình huống rất khó. Không ai muốn khẳng định điều này, và điều đó có thể làm người dân ở Việt Nam bối rối, không hài lòng. Đồng thời, cũng có những thu xếp về thương mại ở đây. Hãng Repsol đã bỏ ra hàng chục, có thể là hàng trăm triệu đô-la để khoan tìm khí ở địa điểm đó. Ai sẽ trả cho những khoản chi phí đó?

Thông tin của tôi đến từ ngành công nghiệp năng lượng, không đến từ chính phủ Việt Nam, là tàu khoan đã phát hiện ra một mỏ khí đốt khá quy mô ở khu vực đó. Vì đã tìm thấy khí đốt, họ không thể đơn giản là dừng việc khoan lại và rời đi, bởi vì nó có thể bị nổ. Họ phải làm một số công việc kỹ thuật để dừng, mà theo nghĩa đen là đổ xi-măng vào giếng khoan trước khi có thể rời đi.
BBC: Khi nói rằng Việt Nam đã dừng khoan dầu sau các đe dọa của Trung Quốc, ông đã hỏi chính phủ Việt Nam, chính phủ Trung Quốc, hay các bên liên quan, như hãng Repsol hay chưa?

Bill Hayton: Như đã chỉ ra, cho đến hôm nay, chưa có tuyên bố từ phía giới chức Việt Nam, họp báo (của Bộ Ngoại giao) chưa được tổ chức ngày hôm nay, Repsol không phát biểu gì, công ty khoan dầu ở giếng dầu, khí không phát biểu gì và chỉ có phát biểu ngắn của chính phủ Trung Quốc.

Hệ quả nghiêm trọng?

BBC:Nếu thực sự diễn ra những gì như thông tin ông đưa, mà theo đó do có các đe dọa của Trung Quốc mà Việt Nam chấm dứt việc khoan dầu, thì điều này ảnh hưởng thế nào tới vị thế của Việt Nam, tới uy tín của Việt Nam trong mắt của các đối tác, các nhà thầu, các hàng thăm dò, khai thác dầu khí đã đang hợp tác với Việt Nam ở khu vực? Có nghiêm trọng không?

Bill Hayton: Tôi nghĩ có hai điểm ở đây. Thứ nhất, việc khoan hiện nay có vẻ như đã dừng lại. Tuy nhiên, có một điểm nghiêm trọng hơn, đó là tôi nghe thấy rằng Việt Nam đã hứa sẽ không bao giờ khoan dầu, khí ở vùng biển này nữa.

Và đó là vấn đề nghiêm trọng hơn vì ở đây gọi là những giếng khoan thăm dò, nơi mà các công ty chỉ tìm hiểu xem có bao nhiêu khí đốt ở đó. Nhưng nếu họ (Việt Nam) hứa là sẽ không bao giờ khoan nữa trong tương lai, thì đó sẽ là vấn đề nghiêm trọng hơn rất nhiều.
BBC:Có thông tin nói Trung Quốc không chỉ 'đe dọa', mà thậm chí đã có 'tấn công' thực sự vào một số cơ sở của Việt Nam ở khu vực khoan dầu, ông có bình luận gì về thông tin đó? 

Bill Hayton: Tôi không nghe thấy gì về chuyện đó. Tôi có nghe được cùng một thông tin mà quý vị đã nghe, là đã có một biến cố nào đó, nhưng không phải là một sự cố lớn. Do đó, nếu điều đó xảy ra, tôi nghĩ nó có thể chỉ có tính chất biểu tượng. 
Điều mà tôi nghe được, nhưng trước hết tôi muốn nói là mọi người, tất cả các quý vị khán giả, thính giả đều hiểu là chúng ta không bao giờ biết chắc về điều gì đã xảy ra trong nội bộ chính trị Việt Nam. Có rất nhiều tin đồn, cho nên tôi phải nói trước như vậy, trước khi bàn tới chuyện này. Đó là tôi có nghe một tin đồn mà có thể là thú vị.

Điều mà tôi nghe được nhưng tôi không có cách nào biết được có đúng hay không, là khi Bộ Chính trị bàn luận về sự việc, thì 17/19 (?) ủy viên đã muốn tiếp tục tiến hành khoan tìm dầu, nhưng có hai (ủy viên) thì không. Hai người đó là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch. 

Tôi không có cách nào biết được việc đó là chân thực hay không, vì có các viết lách khác nhau từ mọi người. Nhưng tôi nghĩ người ta đã nhắc đến rằng những người thực sự quyết định việc này là Tổng Bí thư và Bộ trưởng Quốc phòng.

'Thân cô, thế cô'?
BBC: Có gợi ý cho rằng việc thay đổi về hoạt động khoan thăm dò dầu, khí ở Biển Đông của Việt Nam vừa rồi, nếu có, là do lý do thời tiết, bão lớn, mà không phải là vì lý do chính trị nào. Ngoài ra, cũng có ý kiến nói lô dầu, khí (136-03) được đề cập trong bài báo của tác giả Bill Hayton là không chuẩn xác, không phải là lô đố. Ông có bình luận gì?
Bill Hayton: Về điểm thứ hai, tôi muốn nói là Repsol có một số hoạt động ở ngoài khơi Việt Nam. Họ đã mua Talisman-Vietnam, một hãng của Canada vào năm 2015, do đó họ có các hoạt động ở các lô khác nhau, chẳng hạn có lô 07-03, ở rất gần, ngay bên cạnh Lô 136-03, là lô mà tôi nói tới. Chắc chắng Lô 136-03 là lô gây ra vấn đề hiện nay.

Tôi tin chắc rằng đây đúng là giếng khoan và tôi được nghe rằng chính phủ Việt Nam đã yêu cầu Repsol đưa ra lý do kỹ thuật để dừng sớm việc khoan tìm dầu. Họ cần có một lý do nào đó để tuyên bố vì lý do kỹ thuật hoặc do thời tiết xấu mà người ta đã phải ngừng việc khoan thăm dò ở đây. Nhưng Repsol đã từ chối.

BBC:Nếu quả thực có việc vì chính quyền Việt Nam yêu cầu dừng, mà Repsol phải ngừng việc khai thác ở đó, thì chính phủ Việt Nam có phải bồi thường hay không, bồi thường thế nào? Có thông tin nói Repsol đã đầu tư, chi phí hàng trăm triệu đô la và có thông tin nói khoản bồi thường đó có thể lên tới khoảng 1 tỷ đô-la, ông có ý kiến gì?
Bill Hayton: Tôi được nghe rằng giá trị khí đốt ở mỏ khí đốt có trữ lượng khá lớn, khiến cho Repsol khá vui vì đã giành được quyền khai thác. Tôi muốn nói là rõ ràng sẽ có những bàn luận về việc bồi thường, Repsol có các hoạt động khác ở Việt Nam, do đó sẽ có thể có các điều chỉnh, cân bằng về chi phí của họ. Nhưng chúng ta phải nhìn vào các chi tiết của hợp đồng. (Một tỷ) là con số khoảng chừng mà tôi đã nghe được về giá trị của khí ở lô đó. Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn vào chi tiết của hợp đồng mới biết được là ai sẽ phải chịu trách nhiệm cho các chi phí.

BBC:Thông tin ông nói về một 'quyết định' ở cấp Bộ Chính trị ĐCSVN về việc 'ngừng khoan tìm dầu' trong diễn biến này là điều khá đáng quan tâm. Nếu thực sự có quyết định đó, thì làm thế nào ý kiến của một thiểu số (hai phiếu, hay hai ý kiến) lại có thể chống lại được quyết định của đa số trong Bộ Chính trị được?

Bill Hayton: Tôi được cho biết rằng luận điểm đã thuyết phục tất cả mọi người là không thể tin cậy vào Hoa Kỳ dưới sự lãnh đạo của Donald Trump trong việc giúp Việt Nam trong tình hình này, ngược với chuyện (nếu Hoa Kỳ) dưới lãnh đạo của bà Hillary Clinton thì có lẽ Việt Nam sẽ nhận được nhiều hậu thuẫn hơn từ Hoa Kỳ. Do đó, Việt Nam sẽ phải một mình đối diện với Trung Quốc. Tôi nghĩ đây là lập luận quan trọng nhất. - BBC

13.
Mục sư Nguyễn Công Chính tới Mỹ

Người từng bị Việt Nam kết án 11 năm tù giam cùng vợ con hôm 28/7 đã đặt chân tới Mỹ, sau khi được phóng thích khỏi nhà tù.
Dân biểu Ed Royce, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, cho hay, ông “rất vui mừng” về diễn biến mới này, đồng thời bày tỏ mong muốn rằng Mục sư Nguyễn Công Chính sẽ “nhận được quy chế tị nạn tôn giáo sớm nhất có thể”.

Ông Chính bị kết án hơn 10 năm tù giam hồi năm 2012 vì tội “Phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc” theo Điều 87 Bộ Luật Hình sự.

Trong khi chính quyền Việt Nam từng cáo buộc ông "núp dưới vỏ bọc tôn giáo" để "liên hệ, cấu kết với các đối tượng cơ hội chính trị trong và ngoài nước lập ra nhiều tổ chức, hội nhóm tôn giáo bất hợp pháp”, dân biểu Royce lại cho rằng mục sư tin lành này bị “đánh đập” và “gia đình liên tục bị quấy nhiễu chỉ vì bày tỏ niềm tin tín ngưỡng của mình”.
​“Thật đáng buồn, tình cảnh của họ không phải là duy nhất ở Việt Nam”, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ nói trong thông cáo ra ngày 28/7, đồng thời kêu gọi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam trở lại danh sách “các quốc gia gây quan ngại đặc biệt” về tự do tôn giáo.

Ông Royce, thuộc phe Cộng hòa, cho rằng Việt Nam “phải đối mặt với các hậu quả vì vi phạm quyền của người Việt, trong đó có quyền tự do bày tỏ tín ngưỡng”.

Bộ Ngoại giao Việt Nam từng tuyên bố “tôn trọng và bảo đảm các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân” đồng thời chỉ trích báo cáo tự do tôn giáo của Hoa Kỳ “đưa ra một số đánh giá không khách quan, trích dẫn những thông tin sai lệch”, dù “đã ghi nhận một số thành tựu bảo vệ quyền con người của Việt Nam”.

Mục sư Chính được phóng thích hơn một tháng sau khi Hoa Kỳ và Việt Nam tổ chức cuộc đối thoại nhân quyền thường niên. Đây là vấn đề mà đôi bên vẫn còn các “khác biệt”, theo bà Bà Virginia Bennett, Quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Dân chủ, Nhân quyền và Lao động.

Bà cho VOA tiếng Việt hay rằng phía Mỹ “đã nêu hơn 12 trường hợp cụ thể” những người đang bị giam giữ ở Việt Nam. Chưa rõ là tên của mục sư Chính có nằm trong số này hay không.
Hoa Kỳ thời gian qua là điểm đến của nhiều tiếng nói bất đồng ở trong nước sau khi họ được phóng thích khỏi trại giam.

Sau cuộc gặp ở Nhà Trắng hồi cuối tháng Năm, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Mỹ Donald Trump "nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ, thúc đẩy quyền con người và sự liên hệ giữa quyền con người với an ninh và phát triển bền vững của mỗi quốc gia".
Tuyên bố chung công bố sau đó có đoạn: "Hai nước khuyến khích tăng cường hợp tác để bảo đảm tất cả mọi người, bao gồm cả những thành viên của các nhóm dễ bị tổn thương, không phân biệt giới tính, chủng tộc, tôn giáo và khuynh hướng giới tính, cũng như người khuyết tật, được hưởng đầy đủ các quyền con người…” - VOA

14.
Đề cử đại sứ Mỹ nói gì về Việt Nam?

Cựu cố vấn mới được Tổng thống Donald Trump đề cử làm đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội từng nhiều lần lên tiếng về các vấn đề liên quan tới Việt Nam.
Ông Daniel Kritenbrink, cựu Giám đốc phụ trách các vấn đề châu Á thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, được coi là đóng vai trò lớn trong chuyến thăm lịch sử của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Hoa Kỳ năm 2015 và của Tổng thống Obama tới Việt Nam năm 2016.

Trước chuyến công du của “ông chủ” Nhà Trắng, cố vấn an ninh này nhấn mạnh trong một cuộc họp báo rằng “nhân quyền vẫn luôn là một thành tố quan trọng, nếu không nói là trung tâm, trong việc đưa mối quan hệ song phương tiến về phía trước”.

Cùng với quan điểm với ông Daniel Russel, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, ông Kritenbrink khi ấy nói rằng “việc xét tới yếu tố nhân quyền sẽ vẫn là một điều quan trọng trong bất kỳ quyết định bán vũ khí nào với Việt Nam hay với bất kỳ quốc gia nào”.
Liên quan tới Biển Đông, tháng Bảy năm ngoái tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, sau khi ông Thôi Thiên Khải, đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ, lên tiếng cảnh báo khả năng xảy ra “xung đột” và “đối đầu” tại vùng biển tranh chấp vì phán quyết của Tòa Trọng tài Liên Hiệp Quốc, ông Kritenbrink nói rằng Hoa Kỳ không có ý định thổi bùng căng thẳng ở đó để tạo tiền đề hoạt động trong khu vực.

Bạn đọc Diêm Trần bình luận trên Facebook của VOA Việt Ngữ: "Việc đề cử ông Karitenbrink [Kritenbrink] biết tiếng Trung Và Nhật là đại xứ [sứ] tại VN chứng tỏ HK đã coi quan hệ với HN cũng rất quan trọng trong việc [duy trì] an ninh khu vực".

Cựu cố vấn quốc gia Mỹ hồi tháng Hai năm 2016 cũng đã đề cập tới hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN cũng như tầm quan trọng của tuyên bố từ hội nghị ở tiểu bang California này trong việc đưa ra “một tầm nhìn thống nhất cho tương lai của khu vực”.

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng là người tham dự hội nghị này trước khi rời nhiệm sở, và có cuộc gặp song phương với Tổng thống Barack Obama. Thông cáo của Hoa Kỳ nói rằng hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về việc tiếp tục củng cố mối bang giao Việt – Mỹ trong khuôn khổ của mối quan hệ đối tác toàn diện, “nhấn mạnh tới tầm quan trọng của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), vấn đề an ninh biển và nhân quyền đối với việc thúc đẩy quan hệ song phương”.
Tuy nhiên, ngay sau khi lên kế nhiệm ông Obama đầu năm nay, Tổng thống Trump đã rút khỏi hiệp định mà Việt Nam kỳ vọng sẽ mang tới “cú hích” cho nền kinh tế.

​Nhà Trắng hôm 27/7 đã chuyển tên của ông Kritenbrink cùng với 15 đề cử đại sứ khác tới Thượng viện Mỹ, nơi cựu cố vấn an ninh quốc gia này phải ra điều trần trước khi được chuẩn thuận.

Trong một sự kiện tương tự năm 2014, ông Ted Osius, người sau đó trở thành đại sứ Mỹ ở Hà Nội, đã nêu vấn đề Biển Đông.

“Chúng ta có trách nhiệm lớn phải đảm bảo rằng các tranh chấp về lãnh hải và lãnh thổ tại Biển Đông được giải quyết theo luật lệ quốc tế và không phải bằng việc ép buộc hay đe dọa. Thật đáng tiếc, gần đây chúng ta thấy một chuối các bước đi đơn phương của Trung Quốc nhằm thúc đẩy các tuyên bố về lãnh hải và lãnh thổ”, ông Osius nói 3 năm trước.

Nhà ngoại giao này cũng đề cập tới “các khác biệt thật sự” về nhân quyền giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Trước ông Osius, ông David Shear năm 2011 cũng từng tuyên bố tại Thượng viện Mỹ rằng ông sẽ tiếp tục “thúc ép” Hà Nội tôn trọng nhân quyền, trong khi tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực với Việt Nam, nhất là giáo dục, kinh tế và quân sự. - VOA

15.
Xử nặng bất đồng, VN đang 'lợi bất cập hại'

Hiện nay, Việt Nam đang có 'hàng triệu' người có ý kiến bất đồng với chính quyền, mà trong số đó không nhất thiết phải là những người 'đi biểu tình' và 'hô khẩu hiệu', xử 'nặng và chủ quan' đối với họ như hiện nay là 'lợi bất cập hại' đối với chính quyền, ý kiến của khách mời nói với Bàn tròn thứ Năm tuần này của BBC Tiếng Việt.
Nêu quan điểm với cuộc Tọa đàm hôm 27/7/2017, nhân sự kiện Việt Nam mới tuyên bố phạt 9 năm tù giam, 5 năm quản chế với nhà hoạt động Trần Thị Nga ở tỉnh Hà Nam, PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Luật pháp và Phát triển từ Hà Nội, nói: 

"Gần đây tôi thấy một hiện tượng là đối với những người phụ nữ như vậy, tại sao lại kết án ở mức quá nặng như vậy? Mười năm! Tại sao như vậy? Tôi chia sẻ một ý kiến cho rằng phải chăng nhà nước Việt Nam hiện nay đang thấy rằng rất nhiều người bất đồng chính kiến với mình?"

"Ở đây tôi xin nói là bất đồng chính kiến không nhất thiết là cứ phải đi biểu tình và hô khẩu hiệu. Bất đồng chính kiến có thể tìm ở trên mạng xã hội rất nhiều, có thể con số lên hàng triệu. Không đồng tình với nhà nước là bất đồng chính kiến."
"Vậy phải chăng việc xét xử này một cách chủ quan để đưa ra những án rất nặng để răn đe với tất cả những người nào bất đồng chính kiến chăng? Theo tôi, nếu cơ quan quyền lực nhà nước mà nghĩ như vậy, hoặc hành xử như vậy, thì lợi bất cập hại."

Bà Trần Thị Nga là nhà hoạt động có bốn con, trong đó có hai con nhỏ, bị bắt và bị Tòa án tỉnh Hà Nam tuyên án 9 năm tù, 5 năm quản chế về tội tuyên truyền chống Nhà nước CNXHCN Việt Nam theo điều 88 của Bộ luật Hình sự, hôm 25/7.

Quốc tế khuyến cáo
Trước đó, một nhà hoạt động khác là bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, được biết đến với tên gọi blogger Mẹ Nấm, một bà mẹ đơn thân với hai con nhỏ, từng được Hoa Kỳ trao giải thưởng phụ nữ can đảm, đã bị Tòa án tỉnh Khánh Hòa tuyên án 10 năm tù giam cũng theo điều luật trên.

Ông Hoàng Ngọc Giao đưa ra bình luận với BBC về các bản án này:
"Các bản án đối với Mẹ Nấm vừa rồi, hoặc gần đây nhất là cô Trần Thị Nga, theo tôi đánh giá, nó như những bản án mà căn cứ để buộc tội có thể nói là không giống các đất nước văn minh, có nhà nước pháp quyền."

"Nó dựa vào những căn cứ rất mơ hồ, cụ thể như là tội tuyên truyền chống nhà nước, tội lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, rồi tội hoạt động chống lại nhà nước v.v..."

"Những điều luật này khi Việt Nam phải điều trần về vấn đề cam kết thực hiện những Công ước Quốc tế về nhân quyền thì đã có nhiều nước khuyến nghị rằng một là chúng phải được chuẩn hóa, tức là phải đưa ra những tiêu chí rõ ràng về (những) tội này. Hai, tốt hơn hết là [Việt Nam] nên bỏ đi.
"Đó là những khuyến cáo mà quốc tế khuyên Việt Nam nhưng Hà Nội vẫn kiên trì giữ những điều luật đó. Tôi theo dõi cả chục năm nay, thấy việc kết tội với những tội đó phần lớn được đưa ra, rồi kết án với những người thực hiện quyền (có) tiếng nói của mình một cách ôn hòa," PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao nói với BBC hôm 27/7. - BBC

16.
Việt Nam ‘sẵn sàng chiến đấu’ với dân nếu Trung Quốc động binh ngoài biển

Ngay cả dân quân ở cấp phường tại Việt Nam cũng đã được lệnh phải “sẵn sàng chiến đấu chống biểu tình, bạo loạn” vào các ngày cuối tuần nếu “Trung Quốc đưa giàn khoan 760 vào Biển Ðông.”

Ðó là nội dung một văn bản do Ban Chỉ Huy Quân Sự phường 13, quận Bình Thạnh, Sài Gòn gửi đến các thành viên của lực lượng dân quân cơ động trong phường.
Văn bản vừa kể đang được người sử dụng Internet tại Việt Nam chuyền cho nhau xem.

Theo đó, do “tình hình trên cả nước cũng như TP.HCM nói chung và quận Bình Thạnh nói riêng trong thời gian tới sẽ diễn ra nhiều tình huống phức tạp khi giàn khoan Hải Dương-760 của Trung Quốc đặt tại Biển Ðông,” Phòng Tham Mưu của Bộ Tư Lệnh TP.HCM đã phát hành “Ðiện số 16 gửi Ban Chỉ Huy Quân Sự 24 quận, huyện” ra lệnh “sẵn sàng chiến đấu chống biểu tình, bạo loạn.”

Ban Chỉ Huy Quân Sự quận Bình Thạnh dựa vào lệnh này lập một kế hoạch gia tăng lực lượng trực chiến để đối phó với trường hợp biểu tình, bạo loạn xảy ra ở quận Bình Thạnh và đó là lý do Ban Chỉ Huy Quân Sự phường 13 yêu cầu các thành viên của lực lượng dân quân cơ động trong phường phải sẵn sàng thực hiện yêu cầu điều động.

Dân chúng Việt Nam vốn đang sôi sùng sục trước tin chính quyền Việt Nam yêu cầu tập đoàn Respol của Tây Ban Nha ngưng hoạt động thăm dò dầu khí ở lô 136/3 – cách bờ biển Vũng Tàu khoảng 200 cây số vì Trung Quốc dọa sẽ tấn công các tiền đồn của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa. Ngoài tin vừa kể còn có tin Trung Quốc sẽ kéo giàn khoan Hải Dương-760 đến lô 136/3 để thăm dò dầu khí.

Tuy các thông tin đó được nhiều chuyên gia về Châu Á, Ðông Nam Á, biển Ðông và báo chí quốc tế bàn luận sôi nổi nhưng hệ thống công quyền và hệ thống truyền thông của Việt Nam không hề đả động gì.

Giống như Việt Nam, Trung Quốc từ chối trả lời thắc mắc mà báo giới nêu ra trong cuộc họp báo quốc tế theo định kỳ, rằng có phải Trung Quốc dọa tấn công các tiền đồn của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa, nếu Việt Nam tiếp tục để Respol thăm dò dầu khí ở lô 136/3 hay không (?).
Hồi giữa tuần này, tại cuộc họp báo được tổ chức sau khi hội đàm với ông Alan Peter Cayetano, ngoại trưởng Philippines; ông Vương Nghị, ngoại trưởng Trung Quốc, tuyên bố rằng tình hình Biển Ðông đang tiến dần đến chỗ ổn định.

Chuỗi thông tin, sự kiện về tình hình Biển Ðông đang đẩy dân chúng Việt Nam lún sâu vào sự hoang mang về chủ quyền quốc gia. Thay vì thực thi nghĩa vụ của mình – tường trình một cách thỏa đáng về những vấn đề liên quan đến chủ quyền quốc gia, vận mệnh dân tộc, chính quyền Việt Nam tiếp tục im lặng và nay có thêm dấu hiệu cho thấy, lực lượng vũ trang, kể cả quân đội đã được lệnh “sẵn sàng chiến đấu” với dân chúng nếu họ cùng nhau bày tỏ sự phẫn nộ với Trung Quốc.
Tuy chưa thể kiểm tra về mức độ khả tín của văn bản được cho là do Ban Chỉ Huy Quân Sự phường 13, quận Bình Thạnh, Sài Gòn phát hành nhưng nhiều người tin nó là thật. Ít nhất, nội dung văn bản này trùng hợp với một nguồn có thể kiểm chứng khác.

Ngày 27 Tháng Bảy, trang web của Ðại Sứ Quán Hoa Kỳ tại Việt Nam đăng thông báo của tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Sài Gòn, cảnh báo công dân Hoa Kỳ “về tình trạng biểu tình đang nhắm vào các công ty và nhà máy liên kết của Trung Quốc diễn ra tại TP. HCM và tỉnh Bình Dương.” Theo đó “chính phủ Việt Nam đang giám sát các cuộc biểu tình này và tăng cường lực lượng công an bảo vệ khu vực.”

Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Sài Gòn nhắc nhở tất cả công dân Hoa Kỳ “tránh tất cả các hành động chống đối, biểu tình, tụ tập đám đông.” Công dân Hoa Kỳ được lưu ý là nên đề phòng ngay cả khi biểu tình diễn ra một cách ôn hòa vì “có thể trở thành cuộc xung đột và dẫn đến bạo động.”
Những thông báo tương tự như thông báo của tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Sài Gòn thường được các cơ quan ngoại giao phát hành dựa trên những nguồn do giới hữu trách địa phương cung cấp.

Trong bài mà Diplomat đăng hôm 24 Tháng Bảy, Carl Thayer – một chuyên gia về Châu Á, nhận định, bất kỳ cuộc tấn công nào của Trung Quốc tại Biển Ðông cũng sẽ thổi ngọn lửa chống Trung Quốc bùng lên tại Việt Nam và điều này sẽ gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng đối với chính quyền Việt Nam. - nguoiviet

17.
Phi trường Nội Bài hỏng máy tính, cả ngàn khách chờ nhập cảnh

Cả ngàn hành khách từ các chuyến bay quốc tế về phi trường Nội Bài chờ nhập cảnh phải mệt mỏi chờ đợi cả buổi tối do máy tính làm thủ tục của công an bị “trục trặc.”
Nói với báo Tuổi Trẻ tối 28 Tháng Bảy, đại diện nhà chức trách hàng không ở Cảng Hàng Không Nội Bài cho biết việc hành khách phải chờ đợi làm thủ tục nhập cảnh tại nhà ga T2, phi trường Nội Bài từ chiều tối 28 Tháng Bảy là do “hệ thống máy tính làm thủ tục của công an bị trục trặc.”

Theo một hành khách từ Singapore về Hà Nội, từ 5 giờ 15 phút chiều đã xảy ra tình trạng hành khách xếp hàng dài chờ làm thủ tục nhập cảnh ở nhà ga T2.
Do phải chờ đợi lâu trong khi lượng hành khách từ các chuyến bay quốc tế về nhiều nên cả ngàn hành khách ùn ứ tại khu vực chờ nhập cảnh. Nhiều hành khách mệt mỏi vì chờ đợi quá lâu ngồi bệt, thậm chí nằm ra sàn.

“Tôi đợi khá lâu mới thấy loa phát thanh thông báo do mạng trục trặc nên ảnh hưởng đến việc làm thủ tục nhập cảnh trên hệ thống máy tính, mong hành khách thông cảm,” một nữ hành khách nói và cho biết thêm, các nhân viên phải làm thủ tục nhập cảnh bằng cách viết tay.

Một lượng hành khách khá đông bay từ nước ngoài về nối chuyến bay nội địa tiếp theo đi Sài Gòn và các nơi khác tỏ ra khá lo lắng vì sợ chuyến bay tiếp theo có thể bị chậm giờ.

Gần 7 giờ tối, tình trạng hành khách ùn ứ mới giảm dần và khoảng 8 giờ tối, hệ thống máy tính mới ổn định, việc làm thủ tục nhập cảnh ở phi trường Nội Bài trở lại bình thường. - nguoiviet

18.
Dù đầu độc môi trường, Formosa tiếp tục được lấn biển để đổ xỉ thải

Ðể bỏ lượng xỉ khổng lồ lên đến hàng chục triệu khối chất thải trong quá trình luyện thép, công ty Formosa Hà Tĩnh đã được Bộ Tài Nguyên-Môi Trường cấp phép xây hệ thống kè lấn biển để chôn lấp.
Báo Tiền Phong ngày 28 Tháng Bảy, dẫn phúc trình tác động môi trường ở hạng mục đầu tư tổ hợp luyện gang thép công suất 7.5 triệu tấn/năm giai đoạn 1, thuộc Dự án Khu Liên Hợp Gang Thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh, được Bộ Tài Nguyên-Môi Trường (TN-MT) thẩm định bằng quyết định ký ngày 30 Tháng Sáu, 2008 cho biết: “Bãi xỉ lấn biển có diện tích 281.6ha, quy mô 40,256,072 khối. Có thể chứa được 92,595,866 tấn. Bình quân mỗi năm thu gom về bãi xỉ hơn 1.3 triệu tấn, thời gian chứa của bãi xỉ là 70 năm.”

“Bãi chứa xỉ lấn biển này có đê bê tông và lưới lọc nước xung quanh, nước mưa không thể trần qua bãi xỉ vì đê có độ cao hơn 6 mét, áp dụng theo công nghệ đã được sử dụng thành công trên thế giới, bảo đảm không gây ô nhiễm đối với môi trường nước biển.”
Còn tại phúc trình đánh giá tác động môi trường ở hạng mục đầu tư xây dựng nhà máy thép dây, hai trạm xử lý bùn và vật liệu chịu lửa-xỉ thép cũng được Bộ TN-MT thẩm định bằng Quyết Ðịnh 1623, ngày 24 Tháng Sáu, 2015 ghi rõ: “Sau khi nghiền từ tính, xỉ thép không thể thu hồi tái sử dụng, sau xác nhận không thuộc chất thải rắn nguy hại, đổ vào bãi chứa xỉ thép (bãi tro xỉ). Số lượng nhiều nhất là 740,000 tấn/năm.”

Sau gần một tuần yêu cầu được làm việc với lãnh đạo Formosa Hà Tĩnh nhưng không được hồi đáp, phóng viên báo Tiền Phong đã tự tìm hiểu thực tế bãi thải lấn biển được đề cập trên giấy.

Theo mô tả, bãi thải nằm ở phía nam cảng Sơn Dương, gồm đất và mặt nước trong tổng thể Dự án Khu Liên Hợp Gang Thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh, hiện đã hoàn thành việc xây dựng hệ thống đê lấn biển dài hàng cây số, tạo thành một lòng hồ rộng lớn hình chữ nhật tính từ bờ ra. Hệ thống đê lấn biển đổ bê tông kiên cố dài tít tắp. Trong lòng hồ nước biển xanh ngắt sẵn sàng cho việc chuẩn bị tiếp nhận hàng triệu tấn xỉ thải khi nhà máy đi vào vận hành sản xuất.
Nói với Tiền Phong liên quan đến bãi thải lấn biển của Formosa, ông Hoàng Văn Thức, phó tổng cục trưởng Tổng Cục Môi Trường, Bộ TN-MT xác nhận: Bộ đã phê duyệt 2 phúc trình tác động môi trường vào các năm 2008 và 2015 của Formosa, trong đó có bãi xỉ thải lấn biển. Formosa đã hoàn thành hệ thống đê của bãi thải lấn biển, tuy nhiên phải hoàn thành vài hạng mục như: Trải bạt chống thấm tầng đáy, thân đê… mới đưa vào sử dụng.

Trước sự lo ngại của dư luận về việc bãi thải này sẽ thẩm thấu gây ô nhiễm môi trường nước biển, mạch nước ngầm và các rủi ro do thiên nhiên gây ra, ông Thức cho rằng, bãi thải này chỉ được phép chứa những chất thải không độc hại, không gây ô nhiễm môi trường. Trong trường hợp gió bão, động đất, sóng thần có làm vỡ bãi thải cũng không gây ô nhiễm môi trường (!?). Quan điểm của Bộ TN-MT là hết sức cẩn trọng, giám sát chặt việc đổ thải, hạn chế đến mức thấp nhất các rủi ro có thể xảy ra. Tới đây bộ sẽ yêu cầu Formosa khoan thăm dò địa chất ở lòng bãi thải, trải bạt chống thẩm thấu mặt đáy, mặt ngang đúng quy chuẩn mới cho đưa vào sử dụng.

Trả lời câu hỏi trong trường hợp Formosa đổ cả chất thải độc hại xuống bãi thải, cơ chế kiểm soát ra sao, ông Thức nói: “Cái này cơ quan quản lý kiểm soát hết. Tất nhiên mình không mong muốn doanh nghiệp gian dối. Doanh nghiệp phải làm đúng pháp luật. Họ kinh doanh có lợi cho họ, nhưng đồng thời phải đóng góp cho đất nước này. - nguoiviet

Link:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét