“Đoạn trường” là đứt ruột, “đoạn trường kiều” là cây cầu buồn thảm đến mức đứt ruột, nhưng vẫn phải đi qua, không thể tránh. Trong câu chuyện ngày hôm nay, người đang đi trên cầu đoạn trường là bà Suzanne Hodgkinson, 65 tuổi, vợ góa của ông James Thomas Hodgkinson -người đã nổ súng vào toán bóng chầy (baseball) bắn trọng thương Dân Biểu Steve Scalise và ba người nữa, trước khi bị nhân viên công lực bắn chết. Scalise là một trong nhiều chính khách chủ trương “quyền lực da trắng.”
<!>
Bà quả phụ Suzanne Hodgkinson nói về chồng bà
Ông James Hodgkinson
Người Mỹ tôn trọng tự do tư tưởng; không ai có quyền cấm ông Scalise chủ trương chính sách bất bình đẳng -thượng tôn người da trắng- cũng như không ai đánh, mắng, hay bỏ tù ông Hodgkinson, vì ông chỉ trích Tổng Thống Donald Trump.
Tuy nhiên quyền tự do của ông bị giới hạn vào địa hạt tư tưởng, và bất bạo động, những giới hạn mà ông đã vượt qua, để đi vào địa hạt bạo động bất hợp pháp.
Ông Hodgkinson đã vượt giới hạn tự do tư tưởng, thì cảnh sát cũng vượt quyền cô lập khu vực tội phạm; ông Hodgkinson bắn toán dã cầu của hội tuyển Cộng Hòa tại sân baseball Alexandria, Virginia, mà cảnh sát lại kéo băng vàng “cấm xâm nhập”, cô lập hóa bà Suzanne, tại thành phố Belleville, Illinois, cách khu vực nổ súng vài trăm dặm.
Cảnh sát kéo băng vàng “cấm xâm nhập,” cô lập hóa bà Suzanne
Cảnh sát kéo băng vàng “cấm xâm nhập”
Cả hai việc đều sai, nhưng ngược với quy luật toán “2 âm thành dương,” hai điều vô lý chính trị và tư pháp cộng chung với nhau quanh việc làm của ông Hodgkinson không té ra tí dương hợp lý, hợp pháp nào cả; bà Suzanne kéo màn cửa sổ thật thấp, không tiếp khách, không đính chánh, đính phó gì cả, nhẫn nhục chịu đựng cho đến hôm thứ Tư vừa rồi, 28 tháng 6, 2017- bà mới nhận trả lời một cuộc phỏng vấn.
Bà bảo anh phóng viên, "Sáng sáng tôi thức dậy với mặc cảm phạm tội -cái tội không ngăn cản chồng tôi giết người. Thật ra tôi không biết chồng tôi có ý định giết người; tôi chỉ biết ông ta bất mãn với chính phủ. Nhưng tôi vẫn tự trách tôi là không cố gắng tìm hiểu nội tâm chồng tôi."
Hình ảnh ông bà chụp chung vẫn treo trong phòng khách, một chứng minh là bà không khinh ghét ông chồng tội phạm, mặc dù ông phạm tội khủng bố.
Bà bảo anh phóng viên, "Mỗi đêm là một cơn ác mộng khiếp đảm, nhiều khi tôi thét lên, khiếp sợ, rồi thấy lưng áo ướt đẫm mồ hôi."
Ác mộng không chỉ đến với bà Suzanne trong giấc ngủ; ác mộng thường xuyên “sống” với bà, 24 trên 24, vì bà là vợ của một tên khủng bố; xã hội hành hình bà bằng những cú phôn tục tĩu, những lá thư nặc danh đe dọa.
Hôm thứ Ba, 27 tháng 6, bà Suzanne nhận được một cái email gửi về địa chỉ hãng kế toán bà làm việc; cảnh sát yêu cầu bà xác nhận tấm chân dung họ đính kèm trong attachment; bà mở phụ đính ra để thấy mặt ông đã trương phình. Bà trả lời, “Thats Tom,” rồi vội vã delete cái email -một hình thức ác mộng khác.
Bà Suzanne bảo anh phóng viên, “Thật ra, Tom không phải là người xấu; ổng rất tốt bụng; chúng tôi thành hôn năm 1984; trong 33 năm chung sống, tôi chứng kiến ổng giúp đỡ 35 đứa trẻ mồ côi, trong số đó, chúng tôi nuôi hai đứa.”
Trong thập niên 1990 ông Hodgkinson bị bệnh khá nặng, bệnh tình kéo dài nhiều năm, và ông gặp khó khăn với y phí và bảo hiểm. Bệnh tình và thái độ hất hủi của xã hội đối với người bệnh nghèo, không có khả năng thanh toán y phí, tạo cho ông một cái nhìn khác, về tình trạng nhiều người quá giàu, trong lúc một số khác -nhiều hơn- lại quá nghèo không có tiền trị bệnh.
Không có những hiểu biết sâu rộng về thuế khóa, nhưng ông bắt đầu nghĩ là thuế có thể giúp xã hội Hoa Kỳ công bằng hơn, bằng cách đánh thuế nhà giàu nặng hơn, để lấy tiền đó mua y vụ chăm sóc người nghèo.
Khám phá nhỏ bé đó biến Hodgkinson thành một nhà cách mạng, vận động đánh thuế người giàu để tạo ngân khoản giúp đỡ người nghèo.
Hodgkinson vận động đánh thuế người giàu để tạo ngân khoản giúp đỡ người nghèo.
Ông cầm biểu ngữ đứng bên lề phố, mà có cảm tưởng là đang đứng giữa sa mạc: không ai nhìn thấy ông cả, không ai hiểu ông muốn nói gì, làm gì cả.
Bà Suzanne nói, ít nhất bà cũng hiểu nỗi cô đơn của ông; ông cô đơn cả trong cái chết, giáo đường không nhận làm lễ rửa tội cho ông, không một nhà đòn nào nhận mai táng xác ông. Bà nhờ một người bạn chủ nhà đòn thiêu xác ông, mà không cần một hình thức nghi lễ nào cả, để bà đem tro về rải quanh nhà, hay lén lút chôn đâu đó.
Đang đối đáp với phóng viên truyền hình, bà quay lại nhìn vào tấm ảnh ông bà chụp chung, vẫn còn treo trong phòng khách, rồi bảo ông, "Ông đi mà không nói tiếng nào với tôi cả."
Anh phóng viên im lặng, tôn trọng phút trò chuyện riêng của bà vợ một tên khủng bố, trách ông chồng.
Bà nghẹn ngào bảo anh, "Tôi chỉ mong mọi chuyện sớm lắng xuống, để đám cháu nội tôi có thể trở lại lớp học vào tháng Chín này mà không bị đám trẻ cùng lớp, cùng trường bêu riếu, chế nhạo."
Việc mai táng một tội phạm khủng bố trên đất Mỹ gặp nhiều khó khăn, dù gia đình vô phước đó chỉ xin lén lút “vùi nông một nấm”- dĩ nhiên là không kèn, không trống, không mộ bia. Một trường hợp điển hình là thi thể anh Tamerlan Tsarnaev -một trong hai tên khủng bố sử dụng bom nồi trong cuộc chạy Marathon tại Boston năm 2013- bị mọi nghĩa trang, mọi nhà đòn quanh vùng từ chối. Cuối cùng gia đình Tsarmaev phải nhờ người chôn lén tại một nghĩa trang xa thành phố.
Một trường hợp khác: thể xác của vợ chồng anh Syed Rizwan Farook và chị Tashfeen Malik -hai tên khủng bố trong vụ San Bernardino- cũng phải tổ chức chôn lén trong một nghĩa trang hoang vắng.
Bà Suzanne được cảnh cáo là không nên ra vườn cắt cỏ, vì bà có thể bị một tên quá khích tấn công; bà kể lại trong cuộc phỏng vấn là bà không dám đi chợ, vì có lần bà đã bị tát ngay giữa chợ; người đàn ông tát bà rồi bảo bà, “Về nhà lấy súng ra đây bắn tao đi.”
Bà lái xe về nhà an toàn mặc dù ngoại cảnh nhòa đi, vì nước mắt trào ra, trong những tiếng nấc nghẹn tức tủi.
Cây cầu đoạn trường của riêng bà, bà phải đi một mình thôi; không ai giúp gì cho bà được. (ndt)
Nguyễn Đạt Thịnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét