Washington (Fox News) – Hạ viện vào hôm nay đã bỏ phiếu với tỉ lệ áp đảo, thông qua dự luật tăng cường chế tài Nga vì đã can thiệp vào bầu cử Mỹ 2016, cùng một lúc cũng buộc Tổng thống Donald Trump phải có sự phê chuẩn của Quốc hội nếu muốn gỡ bỏ hay giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt chống lại Moscow.
<!>
Với 419 phiếu thuận trên 3 phiếu chống, dự luật cũng chế tài cả Iran và Bắc Hàn. “Có nhiều mối đe doạ đối với an ninh quốc gia của chúng ta từ Iran, Nga và Bắc Hàn không thể được đánh giá thấp,” Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan nhấn mạnh, “Những kẻ xấu này lâu nay vẫn tìm cách làm suy yếu Hoa Kỳ và phá vỡ ổn định toàn cầu.”
Ba người bỏ phiếu chống đều là Dân biểu Cộng hoà, gồm Dân biểu Justin Amash (Michigan), Jimmy Duncan (Tennesssee) và Thomas Massie (Kentucky).
Hạ viện bỏ phiếu sau thoả thuận đạt được giữa các nhà đàm phán Hạ viện và Thượng viện vào cuối tuần qua, và diễn ra khi Quốc hội cũng như công tố viên đặc biệt đang điều tra gắt gao liệu có sự thông đồng giữa ban vận động tranh cử của ông Trump với các viên chức Nga hay không.
Theo Bộ Ngoại giao, Dự luật sẽ trừng phạt Nga về việc can thiệp vào bầu cử Mỹ và các hành động xâm lược quân sự ở Ukraine và Syria. Nga chưa thực hiện đầy đủ việc thực thi ngừng bắn ở Tây Ukraine, nơi các phần tử ly khai được Moscow chống lưng đang chống lại quân đội của chính phủ. Dự luật cũng nhắm vào Iran, Bắc Hàn vì những chương trình hoả tiễn đạn đạo xuyên lục địa và ủng hộ khủng bố.
“Dự luật sẽ cho Quốc hội quyền hạn thẩm định và bác bỏ bất cứ hành động giảm nhẹ chế tài mà Tổng thống Trump có thể dành cho Nga,” Chủ tịch Uỷ ban Ngoại giao – Dân biểu Cộng hoà Ed Royce (California) cho hay.
Biện pháp chế tài chủ yếu nhắm vào các dự án dầu khí và khí đốt của các công ty Nga có trụ sở ở Mỹ, Đức và các quốc gia khác, và sẽ gây khó khăn cho ông Trump trong việc nhấc bỏ hay giảm nhẹ trừng phạt Moscow vì buộc phải được Quốc hội chấp thuận. Đây là phần bị Toà Bạch Ốc phản đối mạnh mẽ. Phát ngôn nhân Toà Bạch Ốc, bà Sarah Sanders vào hôm nay cho biết, Tổng thống sẽ xem xét vấn đề. “Tổng thống ủng hộ các biện pháp chế tài đối với những quốc gia này nhưng bên cạnh đó, ông muốn bảo đảm chúng ta có thoả thuận tốt,” bà Sanders phát biểu.
Ông Trump không tỏ dấu hiệu sẽ phản đối dự luật, nhưng Ngoại trưởng Rex Tillerson và các viên chức cao cấp khác đã phản đối phần bắt buộc Quốc hội thẩm định, xem xét nỗ lực trì hoãn hoặc nhấc bỏ chế tài của Tổng thống. Họ lập luận, việc này đe doạ quyền hành pháp của Tổng thống và hạn chế ông trong việc đối thoại và hợp tác với đối thủ thời chiến tranh lạnh.
Dự kiến, Thượng viện sẽ sớm bỏ phiếu dự luật, và chuyển dự luật sang cho Tổng thống ký trước kỳ nghỉ tháng 8 của Quốc hội
Ký một dự luật trừng phạt Nga do can thiệp vào bầu cử Mỹ sẽ đánh dấu một thay đổi đáng kể của ông Trump. Tổng thống vẫn tỏ ra nghi ngờ kết luận từ cộng đồng tình báo Hoa Kỳ rằng Nga nhúng tay gây ảnh hưởng bầu cử Mỹ có lợi cho ứng cử viên Cộng hoà. Ông Trump chỉ trích cuộc điều tra đang diễn ra là việc làm “vạch lá tìm sâu, bới lông tìm vết.
Theo dự luật, Tổng thống phải gởi tường trình lên Quốc hội giải thích tại sao muốn trì hoãn hoặc ngưng chế tài Nga. Các nhà lập pháp có 30 này để thẩm định, đưa ra quyết định đồng tình hay phản đối.
Các biện pháp chế tài Bắc Hàn cấm các tàu hàng hải của họ hoặc của các quốc gia không tuân thủ nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trừng phạt Bình Nhưỡng hoạt động trên lãnh hải Hoa Kỳ hoặc neo đậu tại các hải cảng ở Mỹ. Hàng hoá sản xuất do lực lượng lao động cưỡng bức ở Bắc Hàn bị cấm nhập cảng vào Mỹ.
Các biện pháp chế tài cũng áp dụng bắt buộc lên những cá nhân liên can đến chương trình hoả tiễn đạn đạo của Iran và bất cứ ai làm ăn kinh doanh với họ. Ngoài ra, các biện pháp trừng phạt khủng bố cũng áp dụng đối với Lực lượng Vệ binh Cách Mạng Iran và thực thi lệnh cấm vận vũ khí.
Hương Giang (Theo Fox News)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét