Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 4 tháng 7, 2017

"​CUỘC VƯỢT THOÁT KỲ DIỆU​"​ - BS Nguyễn Thanh Liêm




Hồi Ký từ Mặt Trận Khánh Dương. Đèo M’s Drak - Cuối Tháng 3/1975Lời giới thiệu Của NT Trung Tá Bùi Quyền, TĐT TĐ5ND:
Bác sĩ Liêm là Y sĩ trưởng cuối cùng của TĐ5ND khi tôi là TĐT. Trong trận Khánh Dương, khi theo lệnh BCH/ LĐ3ND triệt thoái về sau tuyến II, tức phía sau khu vực TĐ6ND. Tôi quyết định cho TĐ đoạn chiến và triệt thoái vào ban đêm. Khi ĐĐ54 dẫn đầu cánh quân B chạm địch, BS Liêm lại đi cùng cánh quân này vì còn chuyện trò tâm sự với Đại úy Huỳnh Quang Chiêu, ở gần nhà BS Liêm và là SQ được tôi chỉ định kèm cho Trung úy Vũ, tân ĐĐT/ ĐĐ54. Tr.Úy Vũ hy sinh và Đ.Úy Chiêu cùng BS Liêm mất tích. Khi về đến Sài Gòn tôi đến nhà 3 SQ này để phân ưu. Không ngờ khoảng 1 tuần sau, Quân cảnh Vũng Tàu liên lạc với TĐ để xin xác nhận có 2 SQ tên Chiêu và Liêm theo thuyền dân cập bến Vũng Tàu và nhất là họ mang theo chiến lợi phẩm là súng AK-47 của VC. Sau khi xác nhận, ngày sau 2 vị này về Sài Gòn. Tôi rất vui song lúc đó BS Liêm chỉ kể qua loa chuyện vượt thoát của ông. Hôm nay được đọc bài bS Liêm viết chi tiết về cuộc vượt thoát này, tôi rất vui và xin giới thiệu với bạn đọc câu chuyện vượt thoát hy hữu của 1 y sĩ quân y nhẩy dù.<!>
Đã 42 năm qua, tôi những tưởng câu chuyện vượt thoát y như phim ảnh nầy đã chìm vào dĩ vãng. Nào ngờ các bạn Mũ Đỏ gần xa yêu cầu tôi nên ghi lại để được tỏ tường Nhảy Dù là Cố Gắng. Tôi cố gắng nhớ lại để không phụ lòng anh em mong đợi.

Ngày 1 (28/3/1975): Trời chiều của Tháng 3 thật là nóng bức. TĐ5 ND đóng trên sườn đồi gần đèo M’Drak. Đó là khúc đường trên Quốc Lộ 21 dài khoảng 20 Km. Đầu đèo cách Buôn Ma Thuộc (hay Ban Mê Thuộc) 96Km. Đoạn đường đầu đèo dài 4 Km nằm giữa hai dãy núi khá cao, vách núi dựng đứng. Núi Chu Kroa cao 958 m về phía Bắc. Các triền núi nhỏ hơn mà đỉnh cao nhất là 609 m về phía Nam. Các bạn cũng biết, Quốc Lộ 21 nằm giữa Quận Khánh Dương và Quận Ninh Hòa. Từ trên đồi cao, tôi nhìn qua Quốc Lộ 21 là Buôn Làng M’Mo của người ÊĐê với chừng năm ba mái nhà sàn xưa cũ. Tiểu Đoàn có nhiệm vụ ngăn chặn địch từ Ban Mê Thuộc kéo về Nha Trang. Tôi nhìn thấy nhiều Thiết Vận Xa M113 án ngữ trước Buôn M’Mo, gần cây cầu xi măng trên Quốc Lộ 21. Tất cả đều ở tư thế sẳn sàng chiến đấu. Pháo địch bắt đầu rơi, băng qua ngọn đồi rồi rớt ầm đâu đó dưới chân đồi. Tiểu Đoàn vô sự. Đêm xuống dần, Trung Tá Bùi Quyền, TĐT TĐ5 ND tiên liệu địch sẽ trèo lên đồi theo chiến thuật tiền pháo hậu xung nên ra lệnh cho mọi người đều phải sẳn sàng. Trời tối đen như mực, dưới đồi có tiếng chân người đạp lá rừng nghe xào xạc, có vẻ như rất đông người đang bò lên đồi. Lệnh triệt thoái, đi hàng một, im lặng, súng cầm tay, đạn lên nòng; cả tiểu đoàn di chuyễn theo nhau về hướng Đông Nam. Lúc đó là 7 giờ tối. Tôi đi theo theo Tr. Tá Quyền, cố gắng đi gần ông. Phải cố gắng lắm vì trời tối quá, đường đồi nhiều cỏ tranh và khó bước vì trơn trợt. Cũng may có Đại Úy Chương lâu lâu gọi khẻ “Bác Sĩ đâu rồi”. Khoảng 10 giờ đêm thì Tiểu Đoàn dừng lại trên một ngọn đồi thấp. Pháo địch từ chân đồi phóng lên, nhìn rất đẹp y như mấy trái hỏa châu, hướng về TĐ 5 và nổ loạn xạ. Phân tán nhanh. Phân tán nhanh. Mọi người phóng nhanh về điểm hẹn để trực thăng xuống bốc. Tôi lạc đàn từ phút ấy!!!

Ngày 2 (29/3/1975): Nhiều tiếng hét đồng loạt “hàng sống chống chết” vang lên hung bạo và đầy hận thù từ dưới đồi dần dần to hơn, rõ hơn. Miệng tôi đắng lạ thường, tay chân tôi luống cuống, mắt tôi may còn kính cận thị chưa bị rớt. Tôi chui lẹ vào đám rể cỏ tranh rậm rạp mọc cao hơn đầu người, sau khi còn đủ trí khôn lăn long lóc xuống chân ngọn đồi nhỏ. Lúc này, địch dàn hàng ngang, cầm AK có lưởi lê nhọn gắn đầu súng, vừa đi vừa xâm xoi tìm lính Dù để đâm cho chết hoặc bắt làm tù binh. Trong số đó không có tôi. Tôi bình an vô sự. Lục soát đã ngưng, địch rút lui trong yên lặng. Suốt đêm đó tôi nằm yên, lạnh và ướt dưới đám cỏ tranh. Trổi dậy khi trời vừa sáng, tôi nghe có tiếng gọi của ai đó, nằm rất gần. Té ra là Minh, y tá Dù của tôi. Thầy trò mừng quá, ôm nhau và tôi lại có một túi cứu thương khá đầy đủ thuốc men do Minh trao lại “Em giao lại cho Bác Sĩ”. Hai thầy trò cứ nhắm hướng Đông mà đi vì nghĩ đó là hướng biển, hy vọng gặp lại những người cùng cảnh ngộ với mình. Băng rừng mà đi, bụng đói, miệng khát. Nhưng hai thầy trò may mắn gặp được Thiếu Úy H. và Trung Sĩ Q. cùng 3 lính Dù của TĐ5. Riêng Th. Úy H. còn bản đồ hành quân và địa bàn, và mọi người vẫn còn súng M16 và lựu đạn. Ngày nghĩ, đêm đi, cả đoàn 7 người đều còn sức khỏe. Chúng tôi đạp nước theo dòng suối mà đi để địch không tìm ra dấu giày. Dọc đường dây điện thoại màu đen lẫn với lá rừng, nằm chơ vơ khi ẩn khi lộ thiên, đi không khéo đụng chạm, địch sẽ biết. Chúng còn khắc chữ K lên thân cây để chỉ hướng tiến quân về Nha Trang (dấu I và dấu

Ngày 3 (30/3/1975): Đêm nay cả 7 người tiếp tục băng rừng, đi đầu là Th.Úy H. kế đó là tôi, sau tôi là y tá Minh, rồi đến A Chãy (Chãy có nghĩa là Trai) và 2 lính Dù, Tr. Sĩ Q. đi đoạn hậu. Chúng tôi yên lặng đi cách nhau 2 sãy tay, vậy mà đôi lúc người không nhìn thấy bóng bạn phía trước. Tôi nhiều lần kêu khẻ “Th.Úy chậm bước chút xíu”. Cây rừng đan dày đặc, có cây to gốc 3 người ôm mới giáp vòng. Trong đêm tối có cây màu đen, có cây màu trắng do võ cây có lân tinh chiếu sáng. Tôi đưa tay vịn một sợi dây mây, ai ngờ “rột một cái” dây đó rút lẹ lên trên cành cây to, đó là một con rắn lớn thòng xuống rình mồi. Thật hú hồn! Đoàn người cả đêm đi không ngừng vì ngó lại hướng đóng quân cũ thấy ánh lửa sáng rực xa xa, chắc là địch đang đốt cháy tại nơi chúng vừa chiếm đóng. Th. Úy H. nói “mình phải đi thật nhanh hơn nữa”.Ngày 4 (31/3/1975): Gần sáng, cả đoàn mệt và chân đã mỏi nhừ, tìm được một chổ ẩn núp khá an toàn là dưới một thân cây thật to bị đốn ngã nằm ngang do dân làm rừng để lại. Bố trí an toàn xong, cả đoàn nghỉ, nằm với lá cây phủ đầy người mà không dám thở mạnh. Đó đây, nhiều tiếng vượn hú “Húhu u u…Chóc chóc chóc” chúng gọi nhau trên các cây chà là rừng to cao để báo động có người. Lại còn có tiếng chim gì kêu nghe lạ tai “cọc cọc cọc” y như điệp khúc, nghe cũng ơn ớn. Những con vắt, đĩa và sâu đo, mấy ngày qua hút máu ở kẻ ngón chân và trong nách được chúng tôi “giải phóng” với cái bụng no nê đầy máu sau khi chúng tôi cởi giày ra và giủ áo mới thấy chúng còn bám chặt trong nách và các kẻ ngón chân. Miệng tôi đã khô đến nỗi không còn đủ nước bọt mà quyện với cỏ để dùng tay rứt chúng ra! Ngày 5 (1/4/1975): Đã xa vùng hỏa tuyến, chúng tôi thữ đi ban ngày và ngủ vào ban đêm, nhưng vẫn cảnh giác đề phòng địch. Đang đi, bất chợt Th.Úy H. ra dấu dừng lại. Phía trước mặt, chỗ mấy cây cổ thụ to, có một đám lá rừng chất đống bất thường, một bầy ruồi nhăng bay lên với mùi hôi thối của xác chết!!! Địch đã giết chết nhiều lính Dù và lính Bộ Binh, tháo giày vì các xác đều chân trần, rồi phủ lá rừng che lại. Chúng tôi đứng nghiêm chào kính và ngậm ngùi chào tiễn biệt các anh hùng tử sĩ đã vị quốc vong thân. Mong các anh thông cảm cho chúng tôi phải vượt thoát lẹ, cầu mong các anh phù hộ cho chúng tôi về được đến nhà. Bước đi rồi, tôi mới thấy mặt mình sao ướt ướt! Có thể vì tôi vẫn còn nhớ khi học “Chinh Phụ Ngâm Khúc” của Đặng Trần Côn :

“Hồn tử sĩ gió ào ào thổi. 
Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi. 
Chinh phu tử sĩ mấy người. 
Nào ai mạc mặt, nào ai gọi hồn!”

Trên đường đi, chúng tôi còn gặp các tử sĩ dụm năm dụm ba, phủ lá đầy ruồi nhặng và đã phân hũy, do địch giết hại. Đếm được 4 chổ như vậy, chúng tôi nghĩ là còn nhiều nữa trong cánh rừng Khánh Dương này.

Ngày 6 (2/4/1975): Vẫn di chuyễn hàng một với Th. Úy H. đi đầu và Tr. Sĩ Q. đoạn hậu. Ngày đi đêm nghỉ, chúng tôi đang đi vào vùng đất Cọp Khánh Hoà Ma Bình Thuận. Nhiều dấu chân Cọp được chúng tôi nhìn thấy gần các bụi tre gai rừng màu vàng sẩm. Đang đi cả đoàn phải ngồi thụp xuống, ô kìa, phía trước mặt, một bầy nai lông xám, chừng 8 con đang cúi đầu xuống uống nước hố bom, có một con nai đực có gạc to đứng canh chừng. Đừng bắn, đừng bắn, địch nghe tiếng súng M16 sẽ bao vây và chúng ta khó thoát. Cả đoàn nghe lời tôi, mặc dù ai cũng đói vì đã đi 5 ngày rồi. Đàn nai đánh hơi, thấy động, thoáng một cái đã biến nhanh vào rừng. Chúng tôi lấy bi đông ra lấy nước, sau khi bụm tay lấy nước rửa mặt và uống thật no. Tôi cảm thấy cũng không xong vì đói lâu ngày chỉ nên uống vài ngụm. Tiếp tục đi, độ nữa giờ sau, chúng tôi gặp một cái chòi che đậy bằng cành cây lá rừng. Chắc là địch di chuyễn nhanh về Nha Trang nên bỏ trống. Dưới nền đầt đào sâu đủ cho 3 người núp, chúng tôi gom được nhiều lương khô, là các bánh cơm và các thẻ đường vàng bọc ngoài giấy in đầy chữ tàu. Bây giờ, đoàn gặp phải một cái hào nước không sâu nhưng chạy dài về hướng Đông. Thôi đành phải lội, nước ngập tới ngực, súng phải kê cao khỏi đầu, đoàn lội hàng dọc, vén lau sậy mà đi. Vừa lên bờ, chúng tôi chạm trán 2 cán binh địch với 2 súng AK 47 chỉa thẳng vào và bắt tất cả chúng tôi buông súng. Gần đó có một ngôi chùa, chúng tôi bị 2 tên cán binh này dẫn độ về đó. Đến nơi chúng bắt chúng tôi ngồi chung một chổ ngoài hiên chùa. Chúng gom hết súng và lựu đạn của chúng tôi để một chỗ xa hơn trong chùa, xong cả 2 đứa bình tĩnh đi chiên cá chờ đơn vị bộ đội của chúng sắp về ăn cơm chiều. Chúng gác 2 cây súng AK gần bên chảo dầu đang sôi sùng sục thơm nức mùi cá chiên chừng 5 con vừa bắt ở dưới hào.

- Hành động ngay. Hành động ngay. 
Th.Úy H. và Tr. Sĩ Q. bàn chuyện cướp súng và hạ 2 tên này. Kế hoạch được thi hành ngay trong chớp nhoáng, 2 tên ngã quỵ vì đòn hội đồng với que củi tạ. Chúng tôi gom hết cá chiên vào 2 nón cối, quơ luôn 2 súng AK, dép râu cùng dây nịt bằng da nâu. Toàn là chiến lợi phẩm rất hữu dụng sau này trên đuờng vượt thoát gian nan. Thật nhanh và thật gọn, 7 người chúng tôi chạy nhanh ra khỏi chùa để tránh địch trở về biết được và truy lùng. Trời đã về chiều, ống cống thông thũy gần quốc lộ hiện ra cứu chúng tôi. Cả đoàn chui ngay vào và chạy thật lẹ trong đường cống có đường kính cao hơn đầu người. Đường tối om om, chân tôi đạp nước cống bì bõm, mồ hôi nhể nhại, người nóng, tim đập thình thịch. Ra khỏi đoạn đường ống cống là khoảng đất trồng bắp của dân quê vắng ngắt, chúng tôi dừng lại, xúm nhau bốc cá chiên còn nóng và ăn vội vàng. Thật tuyệt vời làm sao! Đói quá nên tôi chưa kịp nhai đã nuốt, may mà không bị hóc xương cá, hay là đã nuốt luôn xương cá nhỏ rồi chăng?! A. Chãy còn đi vào rẩy bẻ trộm bắp non được vài trái, xong cả đoàn chạy bang vào lùm cây trước mặt, thì trời đã tối hẳn, bỏ lại sau lưng tiếng la của dân làng và tiếng chó sủa truy đuổi. Lại một đêm ngủ trong rừng lá thấp, chúng tôi lấy Iodine bỏ vào bi đông nước để lắng chết mấy con đĩa nhỏ, uống ngon lành, chia phiên gác xong, tôi ngủ thiếp đi.

Ngày 7 (3/4/1975): Khi mặt trời đã lên cao, chúng tôi tiếp tục đi về hướng Đông do địa bàn chỉ hướng. Khi qua một bụi tre cao có hai con chim nhỏ như chim cu, cứ bay trên đầu chúng tôi, một con kêu “te te”, con kia kêu “hoạch hoạch”, ai nuôi hay chim rừng? Chúng tôi sợ bị lộ nên cứ chạy thật nhanh để rút vào rừng cây trước mặt. Đến nơi, vừa lăng xuống đất nằm để thở, tôi nhớ lại chuyện Tấm Cám mà mĩm cười một mình “Te Te hoành hoạch, giặt áo chồng tao, phải giặt cho sạch, đừng phơi hàng rào, rách áo chồng tao” Đường đi bây giờ là con đường quanh co và xuống dốc, không còn những cây to và gai rừng cản trở nữa, nhưng vượt qua những khoãng trống thật không phải dễ. Để tránh địch thấy và bao vây bắt trọn, chúng tôi ngụy trang, người cắm đầy cành lá cây rừng địa phương. Bảy bụi cây người di chuyễn chậm qua các khoảng trống. Đến chân một gò cao, ô kìa có cây cam rừng nặng chĩu trái chín xanh xanh vàng vàng. Thế là chúng tôi xúm nhau rung gốc cây, thu được vài chục trái cam chín rụng xuống. 

Thôi rồi! nước cam đắng như nước trái khổ qua! Đàng kia có một cái mương nước đã khô nhưng kẻ đá chặn có nước nhỏ giọt, chúng tôi hứng được nữa bi đông. Đến chiều chúng tôi lọt vào vòng đai của Trung Tâm Huấn Luyện Dục Mỹ (Nha Trang). Tối hôm đó chúng tôi yên lặng nằm nghỉ bên mấy gò mã, nhưng lại thức giấc vì tiếng thở phì phò của vài con bò bị chủ chạy giặc bỏ lại. Tr.Sĩ Q. và ba lính Dù thịt con bò nhỏ, cắt một cái đùi bỏ vào ba lô và lấy lá gan còn nóng hổi chia cả đoàn cùng ăn sống cho đở đói. Gan bò sống, tanh, còn ấm, khó nuốt, nhưng đói quá, tôi cũng nuốt được. Bây gờ, bệnh kiết lỵ của tôi đã bớt nhiều, người gầy ốm và râu cũng mọc dài lưa thưa. Nhờ trời, hai chân tôi vẫn còn đi khỏe lắm.

Ngày 8 (4/4/1975): Trời gần sáng, chúng tôi chạy vội lên một ngọn đồi, lên cao, ngắm nhìn biển đã hiện ra về phía Đông. Xa xa có một hòn đảo nhỏ, bản đồ hành quân ghi là Hòn Bà Lớn. Mặc kệ là Bà Lớn hay Bà Nhỏ, bằng mọi cách cả đoàn phải bơi qua bên đó vì Nha Trang sắp mất hay đã mất. Qua hòn đó rồi coi có chiến hạm Hải Quân mình vớt hay không? Cả đêm nằm suy nghĩ liên miên, tôi khấn vái liên tục mỗi khi thấy một sao sa trên bầu trời đầy sao, rồi khấn nữa khi nhìn xuống quốc lộ xa xa, cả một đoàn xe Molotova chở đầy lính địch ngụy trang lá rừng tiến về hướng Nha Trang. 

Ngày 9 (5/4/1975): Hừng sáng, cả đoàn chạy như điên xuống mé nước. Thật là kỳ diệu, nói ra không ai chịu tin, một chiếc ghe nhỏ cắm sào ở mé nước trong bờ lau sậy và rong biển. Tôi định gọi chủ ghe xin quá giang nhưng ghe vắng chủ. A. Chãy nhảy vào khoang ghe và kêu to “có cá kho. Có cá kho, Bác Sĩ ơi!” Thế là cả đoàn lại được một bửa tiệc Trời cho. Lập tức, 7 người chúng tôi leo lên ghe, nhưng A. Chãy xin ở lại về với bà Dì còn kẹt ở Nha Trang, nên cậu ta khóc từ giã, cởi hết quân phục bỏ lại, chỉ mặc áo thun quần đùi, đi chân không, chạy về phía cây số 4 trên quốc lộ hướng về Nha Trang. Sáu người còn lại, chia nhau 2 tay chèo, 2 tay gở ván làm chèo phụ, còn 2 người thì dùng 2 nón cối tát nước trong ghe để ghe nhẹ đi nhanh. Chúng tôi hì hục, vội vã chèo ghe qua Hòn Bà Lớn. Nắng lên cao, sóng biển không to, nhưng gió thì mạnh và lạnh. Ghe lại bị lổ mọt, hở, nước biển tràn vô. Phải chèo gấp, nước vô ghe sẽ chìm giữa biển! Độ 30 phút sau, ghe cập bến cát và đá ngầm, chúng tôi ướt át hoàn toàn, đem chiến lợi phẩm vào gấp và núp trong một góc đá để nghe ngóng tình hình, chờ hết mệt mới tính tiếp. Đến 10 giờ sáng, cả đoàn họp lại bàn chuyện. Nếu không thoát khỏi đây, thì chắc 6 người sẽ là tù binh của địch. 

Ngoài khơi, tuyệt không thấy bóng một chiếc tàu của Hải Quân Việt Nam mình. Mọi người buồn và suy nghĩ lung lắm. Tôi nghĩ không lẽ mình sẽ chết ở đây?! Ý nghĩ loé lên, đề nghị với Th.Úy H vàTr. Sĩ Q., tôi nói “Đã nằm trong lòng địch, tại sao mình không ăn mặc và nói năng giả làm địch, Th.Úy, Tr. Sĩ và tôi đội nón cối, mang AK và đi dép râu, còn 3 lính Dù thì trói lại, cởi giày làm như tù binh ngụy bị ta bắt được giải về Nam điều tra gì đó theo lệnh cấp chỉ huy. Tôi có cây súng lục nhỏ đi đầu làm chỉ huy, kế đó là Th. Úy, còn Tr. Sĩ cầm AK đi đoạn hậu canh 3 tù binh giả đi ở giữa. Tất cả quần áo Dù và giày, súng M16, nón sắt coi như chiến lợi phẩm, mình tọng vào cái bao tải lớn của bộ đội này rồi Tr. Sĩ mang đi sau chót. Phải đóng kịch cho thật khéo, lộ ra là chết cả đám”. Cả đoàn đồng ý làm theo kế hoạch của tôi, mọi sự phó cho Trời Phật giúp đở. Hoá trang xong, cả đoàn theo thứ tự di chuyễn về phía Nam trên Hòn Bà Lớn. 

Chúng tôi gặp một nhà sư tuổi chạc trung niên, mặc áo vàng, trong cái chòi nung than cây bán vào đất liền đang làm việc đốt than. Nhà sư thấy chúng tôi, đứng lên, từ tốn hỏi “quý vị có cần bần tăng giúp gì không?” Tôi trình bày là tiến quân vào Nam, bắt được 3 tên ngụy hết sức nguy hiểm, lệng Đảng chỉ thị dẫn độ chúng vào Nam, ở đây có phương tiện đường thủy gì không. Sư bèn chỉ về cuối đảo này, có dân quân và dân làng chài có thể giúp đở cho các đồng chí. Chúng tôi cảm ơn nhà sư, và tiếp tục đi thong thả về phía cuối đảo mà trong lòng vô cùng căng thẳng, chưa biết lành dữ ra sao. Lúc đó là 6 giờ chiều, trời nhá nhem tối. Đang đi, chúng tôi bị rất nhiều dân quân bao vây, chúng nổ AK đùng đùng chỉ thiên bắt chúng tôi dừng lại. Xong chúng tiến lại gần, tên chỉ huy trông có vẻ nhà quê, hắn hỏi, tôi trả lời y như khi gặp Sư làm than. Chúng tạm tin và dẫn chúng tôi về làng chài mà không hỏi giấy tờ gì cả. Độ 1 giờ sau, chúng thắp đèn dầu và mời tôi ngồi, rồi rót trà mời uống và nói chuyện. Đến 10 giờ đêm, tên chỉ huy cho mấy dân quân dẫn chúng tôi ra một chiếc ghe chài lớn, trên đó có vợ chồng chủ ghe và 1 em bé còn ẳm trong tay, còn có 1 cậu dân làng theo phụ. Đám dân quân chào tạm biệt chúng tôi y như chúng chào các đồng chí của chúng. Ghe bắt đầu nhổ neo, chúng tôi thở phào thoát nạn. 

Máy ghe chạy tạch tạch thật mau, Nhưng Tr. Sĩ Q. vội la lên “Ê! chạy đi đâu? Tính chạy vào nội à?” Nhanh như chớp, Th.Úy H nhảy vào buồng lái, kê súng AK vào ngực chủ ghe bắt hắn lái về Nam theo hướng Sao Nam Tào đang loé sáng trên nền trời đêm. Cậu phụ ghe thấy mưu gian bị lộ, nhảy ùm xuống biển thoát thân Vợ chồng chủ ghe khai thật, là dân quân bắt họ lái ghe vào đất liền (nội) để giao cho bộ đội lập công. Bây giờ xin các ông tha cho, tụi tôi không dám về lại Hòn nữa, mà theo các ông về Nam, nhưng ghe sắp cạn dầu, không đủ dầu để về đến Vũng Tàu. Sẳn ngụy trang là địch, chúng tôi phải liều một phen nữa. Th.Úy H. đứng đầu ghe, Tr. Sĩ Q. ghìm súng AK ở buồng lái canh chừng tên chủ ghe đang cầm tay lái. Ở phía ngược lại đi về hướng Nha Trang có một ghe chài lớn mang cờ đỏ sao vàng đang lướt tới, đầu ghe có một cán binh địch cầm AK. Th.Úy H. cho ghe chậm lại. Tr. Sĩ Q. hét tên chủ ghe hãm tốc. Ghe bên kia, chưa biết chuyện gì, cũng hãm tốc. Khi 2 ghe cập lại, Th. Úy H. xưng đồng chí, nhờ giúp dầu để về đến Vũng Tàu giao 3 tên ngụy nguy hiểm này theo lệnh đảng. Lập tức 4 thùng dầu được chuyễn qua ghe chúng tôi. Nhờ vậy chúng tôi đi suốt đêm, hướng về Nam. 

Ngày 10 (6/4/1975): Dọc đường biển, ghe chạy ngoài khơi, đất liền khó thấy. Nhưng Th. Úy H. canh địa bàn đúng hướng, im re không nói gì, tôi cũng yên bụng, nhưng lại ói vì say sóng. Uống thuốc vào thì bụng tôi lại yên. Ghe có ghé vào một đảo nhỏ để mua thêm dầu, chúng tôi kè sát vợ chồng chủ ghe vì sợ họ trốn mất. Cả đoàn bây giờ ăn mặc quân phục Dù lại như cũ. Chúng tôi cám ơn lẫn nhau cho màn đóng kịch gạt địch quá phiêu lưu mạo hiểm như thế này. Binh pháp Tôn Tữ chắc cũng có câu “phải đặt mình vào đường chết mới mong tìm ra lối sống”. 

Ngày 11 (7/4/1975): Phải mất thêm một ngày ghe chúng tôi mới cập bến Bãi Trước (Bãi Tầm Dương) của Vũng Tàu. Sống thật rồi! Sống thật rồi! Cả đoàn hân hoan nhìn rất nhiều ghe chạy giặc đang bỏ neo, nhấp nhô lên xuống theo sóng biển vỗ vào bờ đá Bãi Trước. Lúc đó là 11 giờ đêm. 12 giờ đêm là giờ giới nghiêm. Sáu anh em chúng tôi từ giả và cám ơn vợ chồng chủ ghe, sau khi tôi tặng 1 số tiền vài ngàn gọi là đền ơn. Chúng tôi phóng lẹ lên bờ, đi tìm một cái quán gần đó, gọi chủ quán nấu cho 1 nồi canh chua cá bông lau với chục trái ớt dầm nước mắm thật cay. Chủ quán chịu chơi còn mang ra 3 gói thuốc Salem và hộp quẹt. Chưa bao giờ anh em chúng tôi vui mừng ăn cơm canh chua và uống bia, hút thuốc đầy tinh thần Mũ Đỏ sống chết có nhau, tương thân tương ái đến như thế này. Giờ giới nghiêm đã tới. Chủ quán đóng cửa. Đường phố vắng tanh. Anh em chúng tôi lúc này vô gia cư nên đành nằm ngoài sân trước quán mà ngủ. 

Ngày 12 (8/4/1975): Trời đã hừng đông, người qua lại thật tấp nập, lộn xộn, ngơ ngác. Loạn lạc có khác. Sáu anh em Nhảy Dù ra đón xe đò về SàiGòn. Mọi người nhìn chúng tôi với ánh mắt ngạc nhiên, chắc có một chút thán phục và thương hại vì Th. Úy H. luôn miệng nói “chúng tôi về từ mặt trận Khánh Dương và đây là Bác Sĩ Liêm, người về từ cõi chết”. Xe đò dừng lại, phụ xế mời anh em chúng tôi lên xe đang đông nghẹt khách, cho ngồi ghế “súp” vì xe hết chổ, không tính tiền vì nể lính Nhảy Dù. 

Xe về đến Ngã Tư Hàng Xanh thì Quân Cảnh chận lại để xét. Chúng tôi ngồi yên. Quân Cảnh 204 (là Quân Cảnh của Sư Đoàn Nhảy Dù) lên xe và kêu “Ồ! Bác Sĩ Liêm còn sống à! Chào Bác Sĩ, cả Sư Đoàn đều nói Bác Sĩ đã chết. Mời BS và Th.Úy, Tr.Sĩ và 3 anh em đây lên xe Jeep về thẳng Bộ Tư Lệnh. Các nón cối, súng AK, dây nịt, dép râu của địch, tụi tôi xin phép mang về Bộ Tư Lệnh luôn”. Tôi xin phép đi riêng về nhà để tắm rữa, cạo râu và mặc quân phục chỉnh tề, rồi tôi sẽ vào trình diện diện Thiếu Tướng Lê Quang Lưỡng và Trung Tá Bùi Quyền sau. Vừa về đến nhà, chưa kịp hàn huyên với gia đình thì “Két” một cái, xe Jeep của Tiểu Đoàn 5 ND do đích thân Trung Tá Bùi Quyền lái, đến nhà đón tôi về hậu cứ củaTĐ là trại Ngô Xuân Soạn ở Tam Hiệp, Biên Hòa, mổ một con bò khao quân và mừng Bác Sĩ Liêm trở về bình an vô sự. Nhảy Dù Cố Gắng.

Tháng 3, 2017 Westminster, Nam Cali
Mũ Đỏ BS. Nguyễn Thanh Liêm,
Cựu Y Sĩ Trưởng/ Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét