Đoạn video được dàn dựng cho thấy cảnh Donald Trump đánh gục CNN.Capture d'écran Twitter
Ngày 02/07/2017 lãnh đạo Nhà Trắng tung một đoạn băng video trên Twitter cho thấy Donald Trump vật ngã một người đàn ông, đầu bị che bằng logo của đài truyền hình Mỹ CNN. Theo giới quan sát, đây là một bước ngoặt trong cuộc đọ sức giữa tổng thống Hoa Kỳ và truyền thông Mỹ.
<!>
Thông tín viên đài RFI từ thủ đô Washington, Anne –Marie Capomaccio giải thích :
"Tổng thống Hoa Kỳ tự dựng phim về mình với hình ảnh cho thấy ông đang đánh gục đối thủ. Lãnh đạo Nhà Trắng đã phát tán đoạn video đó trên mạng Twitter. Trong đoạn phim này người ta trông thấy, trên nền phông một trận đô vật, nhà tỷ phú Trump đứng dưới chân sàn đấu, trong thế tấn công và đánh túi bụi vào đối phương. Nạn nhân của ông thực ra là một người trong ban tổ chức. Khi Donald Trump tung cú đấm, thì logo của đài truyền hình Mỹ CNN che lấp đầu của nạn nhân. Như vậy là CNN ăn đòn.
Đây không phải là một sai sót, mà là một quyết định đã được phủ tổng thống cân nhắc kỹ lưỡng. Marc Short, một quan chức tại Nhà Trắng đã giải thích như trên với đài truyền hình Fox. Kênh truyền hình này có nhiều cảm tình với tổng thống Hoa Kỳ.
Nhân vật này nhắc lại, "trong thời gian vận động tranh cử tổng thống, đã có nhiều dân biểu Mỹ chỉ trích tin nhắn trên Twitter của Donald Trump, dù vậy ông này vẫn đắc cử. Tổng thống Hoa Kỳ ý thức được là ông không cần đến các phương tiện truyền thông truyền thống, để quảng cáo cho chính sách của mình. Ông phải làm điều cần thiết, và tổng thống đang tập trung vào chính sách để tạo công việc làm cho người dân Mỹ".
Về phía đài truyền hình CNN, trong thông cáo chính thức, cơ quan này coi thông điệp trên Twitter của tổng thống Trump là một hành vi "xúi dục bạo hành nhắm vào báo giới và hành động này không xứng đáng với vai trò của Nhà Trắng".
Bất chấp mọi chuyện, tổng thống Hoa Kỳ khẳng định ông "làm chủ các phương tiện truyền thông hiện đại", từ trong nguyên văn.
Nếu như một phần công luận Mỹ có vẻ tán đồng cách hành xử này, thì ngược lại chương trình đang thu hút đông đảo khán giả nhất ở Hoa Kỳ hiện nay, là tiết mục của một cô nhà báo trên đài MSNCB, trong đó người dẫn chương trình mổ xẻ và chỉ trích một cách không khoan nhượng chính sách của tổng thống Trump".
Khủng hoảng Vùng Vịnh: Qatar có thêm 48 tiếng để trả lời tối hậu thư
Ngoại trưởng Koweit, Sheikh Sabah al-Khaled al-Sabah (thứ 2, bên phải), tiếp đồng nhiệm Qatar Sheikh Mohammad Bin Abdulrahman al-Thani, tại phi trường quốc tế Koweit. Ảnh do Koweit công bố ngày 03/07/2017.HO / KUWAIT EMIRI DIWAN / AFP
Ngày 03/07/2017, Qatar đã gửi thư phúc đáp tối hậu thư, hết hạn đêm Chủ Nhật 02/07/2017, của Ả Rập Xê Út và các đồng minh. Trước đó, theo đề nghị của nước trung gian Koweit, bốn « đối thủ » đã cho Qatar thêm 48 tiếng.
Theo AFP, thư phúc đáp 13 yêu cầu của bốn « đối thủ » Ả Rập Xê Út, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Bahrein và Ai Cập được nhà lãnh đạo, cheikh Tamim ben Hamad Al-Thani viết và được ngoại trưởng Qatar trao cho lãnh đạo Hồi Giáo Koweit, Sabah Al Ahmad Al Sabah. Tuy nhiên, nội dung thư trả lời chưa được tiết lộ.
Chính quyền Ai Cập thông báo, ngoại trưởng của bốn nước trên sẽ họp ở Cairo vào thứ Tư 05/07 để thảo luận và quyết định « các bước tiếp theo liên quan đến Qatar », quốc gia bị bốn nước láng giềng cấm vận vì bị cáo buộc « yểm trợ khủng bố » và xích lại gần Iran.
Hôm qua, tổng thống Mỹ đã lần lượt điện đàm với quốc vương Ả Rập Xê Út, hoàng thân Abou Dhabi, lãnh đạo Qatar. Theo thông cáo của Nhà Trắng, tổng thổng Donald Trump nhấn mạnh đến « tầm quan trọng của việc ngừng tài trợ cho khủng bố », một mục tiêu mà ông cho là « tiên quyết », đồng thời phải « làm suy yếu tư tưởng cực đoan ».
Về phần mình, ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel kêu gọi « một cuộc đối thoại nghiêm túc » giữa các bên liên quan đến cuộc khủng hoảng. ÔNg bắt đầu chuyến công du Vùng Vịnh từ ngày 03/07, đầu tiên là Ả Rập Xê Út, sau đó đến Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất và Qatar.
Trước đó, Doha đã bác bỏ danh sách yêu cầu của các đối thủ, trong đó có yêu cầu đóng cửa đài truyền hình Al Jazeera và một căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như giảm quan hệ với Iran. Qatar hy vọng cộng đồng quốc tế gây sức ép để các « đối thủ » giảm bớt căng thẳng.
Luân Đôn: Cấm ngư dân Liên Hiệp Châu Âu đánh bắt trong vùng biển Anh?
Một tàu đánh cá chuyển hải sản thu hoạch được xuống bến ngay cạnh chợ cá Grimsby, ở thành phố Grimsby, miền bắc Anh Quốc. Ảnh chụp ngày 09/01/2017.Oli SCARFF / AFP
Ngày 02/07/2017, chính phủ Anh thông báo quyết định rời Công Ước Đánh Cá Luân Đôn năm 1964 để lấy lại đặc quyền kiểm soát đánh bắt gần bờ biển nước này. Rời khỏi Công Ước được ký kết với năm nước gồm Pháp, Bỉ, Đức, Ai Len và Hà Lan, ngư dân Anh Quốc cũng sẽ mất quyền hoạt động gần bờ biển của những nước này.
Đối với Luân Đôn, đây là bước tiếp theo hoàn toàn lô-gic sau khi Anh Quốc quyết định rời Liên Hiệp Châu Âu. Thủ tục được Luân Đôn kích hoạt ngày 03/07/2017 và phải mất hai năm mới hoàn thành.
Thông tín viên RFI Laxmi tại Bruxelles cho biết Ủy Ban Châu Âu thông báo ghi nhận quyết định của Luân Đôn, đồng thời giải thích rõ một số điểm :
« Theo Ủy Ban Châu Âu, Công ước 1964 dù sao cũng không còn được áp dụng : Một phát ngôn viên giải thích rằng theo quyền tài phán, luật pháp của Liên Hiệp Châu Âu mới có giá trị và đã thay thế thỏa thuận trên.
Vì thế, thông báo của Luân Đôn có lẽ là hành động mang tính thổi phồng. Vẫn theo quan chức của Ủy Ban Châu Âu, điều này làm sáng tỏ quan điểm của Anh Quốc về vấn đề đánh bắt cá : Luân Đôn muốn rút khỏi chính sách đánh bắt chung. Được đưa ra trong những năm 1970, chính sách này cho phép ngư dân quyền được hoạt động bình đẳng trong hải phận của Liên Hiệp Châu Âu, cũng như bình đẳng về cạnh tranh lành mạnh và cùng quản lý trữ lượng cá.
Bộ trưởng Môi Trường Anh cho biết, với quyết định Brexit, Luân Đôn muốn lấy lại quyền cho phép ai có thể được vào vùng biển Anh Quốc. Đây là sự kiện đầu tiên kể từ 50 năm nay.
Ngư dân Liên Hiệp Châu Âu rất quan ngại về hậu quả của Brexit, vì hiện nay, các nước trong Liên Hiệp đánh bắt trung bình 1/3 lượng cá trong vùng biển của Anh. Các cuộc đàm phán trong tương lai sẽ đặc biệt tập trung đến quyền lịch sử của ngư dân, như quyền được thâm nhập các vùng biển của nhau hay tôn trọng nguồn dự trữ cá ».
Posted by: HB <81251tlxt com="" gmail.="">81251tlxt>
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét