Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 27 tháng 6, 2017

ĐỪNG LÀM GIÁO VIÊN – 10 lý do vì sao

Ôi giáo viên, ôi nhà giáo, một cái nghề rất cao quý và được xã hội coi trọng. Vì một người thầy hay một người cô tuy chỉ là một cá nhân nhưng lại có tầm ảnh hưởng rất lớn đến hàng chục, hàng trăm và trong cuộc đời có thể là hàng chục ngàn học sinh trực tiếp và gián tiếp. Nhưng rất tiếc, đó là trước đây, ở một giai đoạn hay thời đại nào đó thôi. <!>
Còn bây giờ trong xã hội Việt Nam thời CNXH thì giáo viên là một cái nghề rất bất công, bạc bẽo và tràn đầy tiêu cực. Tất cả những giáo viên tôi nói chuyện đều nhất trí là nếu cho họ sự lựa chọn thì họ sẽ không chọn nghề nhà giáo. Nhưng tại sao? Sau đây là những lý do.
  1. Làm giáo viên làm gì khi khi đồng lương cho giáo viên thì vô cùng thấp nhưng công việc thì vô cùng nặng. Dạy học đâu phải là dễ. Trừ những trường tư nhân và quốc tế ra thì tất cả các trường công đều trả lương theo chuẩn nhà nước. Trung bình, lương của một giáo viên mới tốt nghiệp trường sư phạm là tầm 3 triệu một tháng. Thử hỏi, với số tiền lương thấp như vậy thì thầy cô nào có thể an tâm giảng dạy được chứ?
  2. Làm giáo viên làm gì khi muốn vô biên chế thì phải chạy chọt mấy trăm triệu. Không phải ai cũng vậy và không phải địa phương nào cũng vậy. Ở Sài Gòn thì có rất nhiều giáo viên không tốn tiền vào mà chỉ thông qua xét tuyển của Bộ Giáo Dục địa phương. Nhưng hầu hết các địa phương tỉnh lẻ khác, nhất là ở ngoài miền Bắc, đều có tiêu cực. Luật bất thành văn là muốn vào biên chế thì phải bỏ ra vài trăm triệu.
  3. Làm giáo viên làm gì khi mình không được dạy sự thật. Nếu là giáo viên lịch sử thì chỉ được dạy theo định hướng của nhà nước. Hoàn toàn chẳng có cái gọi là tư duy phản biện hay phân tích gì cả. Cũng chẳng có cái gì sáng tạo cả.
  4. Làm giáo viên làm gì khi mình phải ép học sinh học thêm để kiếm thêm thu nhập. Đúng, không phải ai cũng vậy, nhưng cái tiêu cực và cơ chế hiện tại nó khiến giáo viên trở nên tham nhũng.
  5. Làm giáo viên làm gì khi mình phải phấn đấu để được kết nạp đảng thì mới có tương lai. Đúng, bạn không cần phải vào đảng, nhưng sự nghiệp của bạn sẽ rất giới hạn.
  6. Làm giáo viên làm gì khi cơ chế này không trọng dụng người tài, mà chỉ coi trọng quan hệ. Bạn là giáo viên giỏi? Mặc kệ. Bạn vẫn phải đi sau mấy đứa con ông cháu cha.
  7. Làm giáo viên làm gì khi chương trình học thì vô cùng nặng mà thời gian để dạy thì quá ít. Vì thế nên giáo viên mới đẻ ra mấy buổi học thêm. Học sinh nào muốn theo kịp chương trình thì phải đi học thêm vì thời gian giảng bài trên lớp quá ít.
  8. Làm giáo viên làm gì khi mình chỉ được trả lương cố định. Trừ những trường quốc tế ra thì các giáo viên chẳng có động lực để phấn đấu. Vì họ đâu có được trả lương để phấn đấu đâu. Mình hiểu biết nhiều, dạy hay hoặc có tâm huyết thì mặc kệ. Lương của mình chỉ được trả theo hệ số đã quy định sẵn. Vậy dậm chân tại chỗ và làm việc thụ động cho rồi.
  9. Làm giáo viên làm gì khi mình không thể đào tạo ra những con người trung thực và có trách nhiệm với xã hội. Vừa dạy những bài về cách làm người, về những tiêu cực trong xã hội thì sẽ bị dìm và trù đập ngay. Nhà trường không cần đào tạo ra con người trung thực, chỉ cần những con người trung thành.
  10. Và cuối cùng, làm giáo viên làm gì khi mình không được giảng dạy đúng nghĩa, mà đơn giản chỉ giúp hệ thống tẩy não này nhồi nhét kiến thức vào đầu các học sinh. Học là vì thành tích, là để thi đua, là để có sĩ diện hoặc để biết rằng mình được học. Vậy thì tới trường làm gì? Vậy thì làm giáo viên làm gì? Nếu muốn nhồi sọ thì thuê một con vẹt làm cũng được mà và nó sẽ không phàn nàn hay cảm thấy bức rức với lương tâm.

Nhà giáo là một nghề cao quý vì nó tác động đến sự hình thành của con người trong một xã hội và xã hội đó. Nó định hướng tương lai của một đất nước và dân tộc. Nhưng hiện tại, dưới cơ chế này và dưới bộ máy nhồi nhét này, giáo viên chỉ là một dụng cụ để sản xuất ra những con vẹt biết đọc và nhớ. Giáo viên chỉ là một công cụ để đào tạo những con người trung thành, những con người học mà không suy nghĩ, lớn mà không cảm nhận và sống mà không cần nhìn thấy thực trạng xã hội. Vậy thì làm nhà giáo làm gì?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét