Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 5 tháng 6, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Hai 5/6 - Lê Minh Nguyên


TQ nổi đóa vì phát biểu ‘vô trách nhiệm’ của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về Biển Đông --- Chiến dịch “Đá Vành Khăn”: Trump mạnh tay với Trung Quốc ở Biển Đông
<!>

Trung Quốc tỏ rõ sự tức giận đối với những phát biểu mà nước này gọi là “vô trách nhiệm” của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis về vấn đề Biển Đông tại một diễn đàn an ninh vào cuối tuần qua.
Theo Reuters, ông Mattis đã cáo buộc Trung Quốc coi thường lợi ích của các quốc gia khác và không tuân thủ luật pháp quốc tế.
Tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La hàng năm ở Singapore, ông Mattis nói việc xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông làm suy yếu sự ổn định của khu vực.
Đáp lại, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói việc xây dựng các cơ sở của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa trên Biển Đông là nhằm cải thiện điều kiện làm việc cho những người đồn trú tại đó, đồng thời duy trì chủ quyền và thực hiện các trách nhiệm quốc tế của Trung Quốc.

Các hoạt động có chủ quyền mà Trung Quốc thực hiện không liên quan gì đến việc quân sự hóa, bà Hoa nói trong bài phát biểu đăng trên trang mạng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào cuối ngày Chủ nhật.
Bà Hoa nói thêm rằng các nước quanh khu vực Biển Đông đã cố gắng làm giảm căng thẳng, nhưng những kẻ khác ở bên ngoài khu vực lại “tìm cách đi ngược lại xu hướng này, liên tục đưa ra những nhận xét sai trái, phớt lờ sự thật và cố tình gây nhầm lẫn với những động cơ mờ ám”.

Người phát ngôn của Trung Quốc nói thêm rằng “Trung Quốc kiên quyết phản đối điều này và kêu gọi các bên liên quan ngừng đưa ra những nhận xét vô trách nhiệm, tôn trọng nỗ lực của các nước trong khu vực nhằm duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, và đóng vai trò xây dựng trong vấn đề này”.
Bộ trưởng Quốc phòng Mattis nói việc tìm kiếm sự hợp tác của Trung Quốc về vấn đề Bắc Triều Tiên không có nghĩa là Washington sẽ không thách thức các hoạt động của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Tuần trước, một tàu chiến của Hải quân Mỹ đã tuần tra trong khu vực 12 hải lý của một hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã xây trên một bãi đá có tranh chấp ở Biển Đông. Đây là thách thức đầu tiên của Washington đối với Bắc Kinh kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền.
Hoa Kỳ sẽ tiếp tục “bay, đi lại và hoạt động bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép, và thể hiện quyết tâm này thông qua hoạt động hiện diện ở Biển Đông và xa hơn nữa”, ông Mattis khẳng định.

Bà Hoa Xuân Oánh nói Trung Quốc luôn tôn trọng quyền tự do hàng hải, nhưng phản đối các cuộc biểu dương lực lượng ở Biển Đông dưới hình thức các cuộc tập trận như là những đe dọa đối với chủ quyền và an ninh của Trung Quốc.
Reuters dẫn nguồn báo China Daily hôm thứ Hai cáo buộc Hoa Kỳ là “đạo đức giả”.

Báo này nói “Quyết định của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump rút Mỹ ra khỏi Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu là một ví dụ mới nhất về cách Hoa Kỳ bất chấp các thỏa thuận quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu trước mắt và ích kỷ của mình”. - VOA
***
Phải chờ đến bốn tháng sau ngày tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức, ngày 25/05/2017 vừa qua mới thấy một chiến hạm Mỹ tiến vào tuần tra bên trong khu vực 12 hải lý chung quanh một hòn đảo nhân tạo mà Bắc Kinh bồi đắp tại vùng quần đảo Trường Sa (Biển Đông).
Trong bài phân tích đăng trên nhật báo Singapore The Straits Times ngày 02/06 vừa qua, tiến sĩ Lynn Kuok, nhà nghiên cứu tại Đại Học Cambridge, Anh Quốc, thỉnh giảng tại Trung Tâm Luật Quốc Tế, Đại Học Quốc Gia Singapore, đã nhận định rằng: chiến dịch khẳng định quyền tự do lưu thông hàng hải tại Biển Đông đầu tiên thời chính quyền Trump là một dấu hiệu cho thấy là Mỹ vẫn tiếp tục dấn thân vào khu vực.

Bên cạnh đó, căn cứ vào một số thông tin hiếm hoi có được về chiến dịch được khu trục hạm USS Dewey, thuộc Hạm Đội 3 Hoa Kỳ thực hiện ở khu vực Đá Vành Khăn (Mischief reef), có thể thấy là lần này, so với thời tổng thống Obama, Washington đã bắn đi một tín hiệu cứng rắn hơn về phía Trung Quốc.
Một cuộc tuần tra cho thấy quyết tâm tiếp tục dấn thân

Mở đầu bài viết mang tựa đề « Chiến dịch tuần tra đầu tiên của chính quyền Trump vì quyền tự do hàng hải ở Biển Đông: Trễ còn hơn không », tác giả bài phân tích trước hết ghi nhận tâm lý nóng ruột của cả giới quan sát lẫn các đối tác và đồng minh trong khu vực trước sự kiện chính quyền mới tại Mỹ có vẻ như bất động về Biển Đông.
Ngay từ đầu, các nhà quan sát đã tự hỏi là liệu chính quyền Donald Trump có tiến hành chiến dịch tự do hàng hải gần những đảo tranh chấp ở Biển Đông hay không, và nếu có thì vào lúc nào, và như thế nào. Theo họ, việc sẵn sàng tiến hành chiến dịch là dấu hiệu cho thấy quyết tâm của Mỹ trong việc bảo vệ luật quốc tế, đặc biệt là những quyền về hàng hải được quy định trong Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS. Nói một cách rộng hơn, đó là một chỉ dấu quan trọng của sự dấn thân của Mỹ trong khu vực.

Năm 2016, tức là năm cuối cùng trong nhiệm kỳ của chính quyền Obama, chiến dịch bảo vệ quyền tự do hàng hải tại Biển Đông đã được thực hiện theo nhịp độ 3 tháng một lần, và dù như thế, vẫn vấp phải lời chỉ trích là quá ít. Đồng minh và đối tác của Mỹ bên trong và cả bên ngoài khu vực đã càng lúc càng lo ngại khi thấy đã 4 tháng trôi qua mà chính quyền Trump vẫn không cho tiến hành một chiến dịch tự do hàng hải nào. Điều đó đã khiến nhiều người tự hỏi là phải chăng chính quyền Mỹ đã bỏ rơi Biển Đông để đánh đổi lấy hợp tác của Trung Quốc ở nơi khác, như trên vấn đề Bắc Triều Tiên chẳng hạn.
Tàu Mỹ tập trận thực sự bên trong vùng 12 hải lý của Đá Vành Khăn

Thông tin về chiến dịch mới đây của chiến hạm Mỹ USS Dewey bên trong vùng 12 hải lý quanh Đá Vành Khăn, quần đảo Trường Sa, như vậy đã chấm dứt hàng tháng trời thắc mắc. Một quan chức Mỹ xin giấu tên, nhấn mạnh rằng « chiến hạm USS Dewey đã thực hiện một cuộc « diễn tập bình thường », với bài tập « điều khiển con tàu » bên trong vùng 12 hải lý của Đá Vành Khăn. Một số thông tin còn nói rõ là chiếc tàu cũng đã di chuyển ngang dọc theo hình chữ Z, thậm chí còn thực hiện một cuộc diễn tập cứu « người bị rơi xuống biển ».
Đối với chuyên gia Lynn Kuok, như vậy là hiển nhiên chiến hạm Mỹ đã không áp dụng thủ tục « qua lại vô hại » khi đi qua vùng biển của một nước khác.

Theo Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, khi đi qua vùng 12 hải lý của một lãnh thổ nào đó, kể cả đảo, tàu một nước khác phải thực hiện cái gọi là thủ tục « qua lại vô hại - innocent passage ». Dù không cần phải xin phép nước có chủ quyền, nhưng khi đi qua thì phải đi thẳng và liên tục, không được có hành vi hay hoạt động không tốt cho « hòa bình, trật tự hay an ninh » đối với quốc gia có chủ quyền, ví dụ như hoạt động quân sự hay do thám. Một bài tập kiểu « cứu người rơi xuống biển » rõ ràng là không phù hợp với quy định về quyền qua lại vô hại.

Còn ở bên ngoài vùng 12 hải lý, theo UNCLOS, đó là quyền tự do hàng hải, với một loạt quyền trong đó có tự do lưu thông hàng hải, hàng không... Tự do hàng hải đối với phần đông các quốc gia trong cộng đồng quốc tế còn bao hàm quyền thao diễn quân sự, hoạt động do thám.
Khi một quan chức Mỹ mô tả là chiếc tàu USS Dewey đã thực hiện những « nhiệm vụ bình thường » và một bài tập « điều khiển con tàu », thì điều đó có nghĩa là Mỹ không áp dụng thủ tục qua lại vô hại, dùng khi đi qua hải phận quốc gia, mà là thực hiện quyền tự do hàng hải, một quyền khi di chuyển trên biển khơi và trong vùng đặc quyền kinh tế tính từ bờ biển.

Không công nhận lãnh hải quanh Đá Vành Khăn

Đối với chuyên gia Lynn Kuok, cách thức được chiến hạm Mỹ áp dụng đầy ý nghĩa, vì nếu chiếc USS Dewey tuân theo quy định trong thủ tục qua lại vô hại, thì điều đó có nghĩa là Mỹ ngầm công nhận Đá Vành Khăn là một hòn đảo đích thực có quyền có lãnh hải.

Chiến dịch tự do hàng hải đầu tiên của chính quyền Trump tại Biển Đông như vậy đã phù hợp với phán quyết tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye tháng 7 năm 2016 về Biển Đông, cho rằng Đá Vành Khăn nguyên là một thực thể nửa chìm, nửa nổi, cho nên không thể có hải phận hay vùng đặc quyền kinh tế, bất kể việc Trung Quốc đã bồi đắp đá này thành đảo nhân tạo.
Theo chuyên gia trên tờ The Straits Times, hiện không có cơ chế nào để thực thi phán quyết của Tòa Thường Trực La Haye, nhưng các chiến dịch tự do hàng hải phù hợp với quy chế các thực thể ở Trường Sa là một cách hậu thuẫn gián tiếp cho phán quyết.

Nói một cách khái quát thì việc thực hiện thường xuyên các chiến dịch này, phù hợp với luật quốc tế, sẽ giúp ngăn chận nỗ lực của Trung Quốc thực hiện trên thực tế việc kiểm soát Biển Đông.
Trung Quốc phản đối nhưng với lập luận không thuyết phục

Trước tiên Bắc Kinh tố cáo Mỹ tác hại đến « chủ quyền và an ninh » của Trung Quốc. Thế nhưng, như phán quyết của Tòa Trọng Tài đã xác định, Trung Quốc không thể có chủ quyền gì trên các bãi ngầm hay thực thể nửa chìm nửa nổi, trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của một quốc gia khác. Đá Vành Khăn lại nằm trong vùng đặc quyền kinh tế Philippines
Điểm thứ hai, Bắc Kinh phản đối việc chiếc USS Dewey đã đi vào  « vùng biển tiếp giáp của các đảo trong quần đảo Nam Sa (tên Trung Quốc gọi Trường Sa) của Trung Quốc mà không được phép của chính quyền Bắc Kinh ».

Thật ra cho dù Mischief Reef là một thực thể có lãnh hải, điều mà phán quyết Tòa Thường Trực đã hoàn toàn phủ nhận, thì tàu chiến vẫn có quyền đi qua theo thủ tục qua lại vô hại mà không cần xin phép trước.
Thứ ba, bộ Ngoại Giao và Quốc Phòng Trung Quốc đã đưa ra một loạt những lời tố cáo các chiến dịch tự do hàng hải: « hành động sai trái », « khiêu khích », « phô trương sức mạnh », « thúc đẩy quân sự hóa khu vực », « hành vi lệch lạc ».

Tuy nhiên, quan điểm của Hoa Kỳ và phần lớn các quốc gia là hoạt động đó chỉ là sự khẳng định quan điểm pháp lý một cách hợp pháp, ôn hòa...

Mỹ cần có thêm hành động dứt khoát chống lại yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông

Với việc chính quyền Trump thể hiện thái độ sẵn lòng tiến hành các hoạt động bảo vệ quyền tự do hàng hải trên Biển Đông, nhiều quốc gia trong khu vực đã thở phào nhẹ nhõm, mặc dù một cách kín đáo và tránh xa ánh mắt giận dữ của Trung Quốc...
Tuy nhiên, theo phân tích của chuyên gia Lynn Kuok, Bắc Kinh nên hiểu rằng cách tiếp cận của Mỹ không phải là chống Trung Quốc, mà bắt nguồn từ việc bảo vệ nguyên tắc của một trật tự dựa trên luật pháp, từ đó thúc đẩy hòa bình và ổn định.

Về phần Hoa Kỳ, nước này không thể chỉ dừng lại một chiến dịch duy nhất, nếu muốn duy trì ảnh hưởng chiến lược rộng lớn của mình trong khu vực. Mỹ cần thường xuyên khẳng định các quyền trên Biển Đông, theo tinh thần phù hợp với Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, đồng thời nên công bố rõ ràng và nhanh chóng các hoạt động bảo vệ tự do hàng hải đó.
Riêng đối với chính quyền Trump, cần phải nghiêm túc thúc đẩy việc phê chuẩn UNCLOS để khỏi bị chỉ trích là đạo đức giả. - RFI

2.
Sáu nước cắt quan hệ ngoại giao với Qatar

Sáu nước Ả-rập trong đó có Ả-rập Saudi và Ai Cập cắt quan hệ ngoại giao với Qatar, cáo buộc nước này làm mất ổn định khu vực.
Các quốc gia nêu trên nói rằng Qatar đang trợ giúp các nhóm khủng bố, gồm cả tổ chức xưng là Nhà nước Hồi giáo (IS) và al-Qaeda, điều mà Qatar bác bỏ.
Hãng thông tấn SPA của Ả-rập Saudi cho biết Riyadh đóng cửa biên giới, cắt đứt liên lạc đường bộ, đường biển và trên không với bán đảo Qatar nhỏ bé nhưng có trữ lượng dầu lửa lớn.
Qatar gọi quyết định trên là "không thỏa đáng" và "không có căn cứ trên thực tế".

Diễn biến không tiền khoáng hậu này được coi như sự phân rẽ to lớn giữa các quốc gia Vùng Vịnh Ba Tư đầy quyền lực, vốn cũng là các đồng minh thân cận của Hoa Kỳ.
Việc cắt đứt quan hệ diễn ra giữa lúc căng thẳng dâng cao giữa các nước vùng Vịnh với quốc gia láng giềng gần đó, Iran.

Tuyên bố của Ả-rập Saudi cáo buộc Qatar cộng tác với "các nhóm khủng bố do Iran hậu thuẫn" trong khu vực Qatif ở miền đông và tại Bahrain.
Việc rút đại diện ngoại giao đầu tiên do Bahrain thực hiện, rồi tiếp đến là Ả-rập Saudi vào đầu giờ sáng thứ Hai.

Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE), Ai Cập, Yemen và Libya sau đó cũng có hành động tương tự.
SPA dẫn lời giới chức nói rằng nước này đang "bảo vệ an ninh quốc gia trước mối nguy của chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan".

Ả-rập Saudi, UAE và Bahrain cho toàn bộ các du khách và người Qatar thường trú hai tuần để ra khỏi lãnh thổ.
Các diễn biến mới nhất:

UAE yêu cầu quan chức ngoại giao Qatar rời đi trong vòng 48 giờ. Các hãng hàng không của UAE gồm Etihad Airways, Emirates và Flydubainói sẽ ngưng toàn bộ các chuyến đi và đến thủ đô Doha của Qatar kể từ đầu giờ sáng thứ Ba 6/6, giờ địa phương

Các đồng minh vùng Vịnh nói đã đóng cửa không phận đối với hãng hàng không của Qatar là Qatar Airways, là hãng đã ngưng toàn bộ các chuyến bay tới Ả-rập Saudi

Hãng thông tấn nhà nước của Bahrain nói nước này cắt quan hệ ngoại giao bởi Qatar đã "gây xáo trộn an ninh và sự ổn định, và can thiệp vào công việc nội bộ của Bahrain"
Khối liên minh Ả-rập do Ả-rập Saudi dẫn đầu đang chiến đấu chống lại các phiến quân Houthi tại Yemen cũng trục xuất Qatar ra do nước này có "hoạt động nhằm củng cố chủ nghĩa khủng bố" và hỗ trợ cho các nhóm cực đoan. - BBC
|
3.
Tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo nhận là tác giả vụ khủng bố tại Luân Đôn

Cơ quan tuyên truyền Amaq của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo trong thông cáo gửi đi chiều Chủ Nhật 04/06/2017 nhận là tác giả vụ khủng bố tại Luân Đôn, làm 7 người chết, gần 50 người bị thương. Công cuộc điều tra tiếp diễn.
"Một đơn vị chiến binh thuộc tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo" đã ra tay trong vụ khủng bố ở Luân Đôn tối thứ Bảy 03/06/2017. Ba hung thủ đã dùng dao đâm một cách vô tội vạ vào người qua lại, khách hàng tại các hiệu ăn và quán bar trước khi bị cảnh sát Anh bắn hạ. Tổ chức thánh chiến Hồi giáo nhận là tác giả vụ khủng bố Luân Đôn trong bối cảnh Anh Quốc, một trong những thành viên của liên quân quốc tế, tham gia các đợt oanh kích nhắm vào tổ chức này tại Irak và Syria.

Cảnh sát Anh đang ráo riết tiến hành công cuộc điều tra. Mặc dù danh tánh ba hung thủ chưa được công bố, nhưng các giới chức tại Luân Đôn cho biết đã nhận diện được ba kẻ tấn công nói trên. Chiến dịch khám xét mở ra trong 24 giờ qua, đặc biệt là tại Barking, ngoại ô phía đông thủ đô nước Anh. Đây là nơi có đông các cộng đồng người nước ngoài sinhsống.
Trước mắt cảnh sát thông báo đã bắt giữ 12 người bị tình nghi có liên quan trực tiếp đến vụ khủng bố cách nay hai hôm. Thông tín viên đài RFI từ Luân Đôn, Muriel Delcroix cho biết thêm về tiến triển của cuộc điều tra :

"Trong một thông cáo mới, lãnh đạo bộ phận chống khủng bố cho biết các nhà điều tra đã tiến khá nhanh và nhận diện được những kẻ khủng bố ở Luân Đôn tối thứ Bảy. Ưu tiên giờ đây là cần phải tìm xem liệu có những kẻ đồng lõa khác giúp đỡ những tên khủng bố này thực hiện các vụ tấn công hay không.
Sáng sớm hôm nay, lực lượng an ninh đã tiến hành một loạt các vụ khám xét, bắt giữ ở ngoại ô Barking, phía đông Luân Đôn. 12 người, trong đó có 4 phụ nữ, đã bị bắt giữ vì có dính líu đến vụ khủng bố. Các nhà điều tra đã khám xét nhiều căn hộ trong một tòa nhà ở Barking và cho thực hiện một vụ phá nổ tại căn hộ của một trong những kẻ khủng bố. Theo những người láng giềng, kẻ này đã có vợ, hai con và sống ở đây trong ba năm.

Trong lúc đó, tại Luân Đôn, cảnh sát giải thích rằng các hàng rào phong tỏa những khu vực bị khủng bố, sẽ được duy trì trong một thời gian và các biện pháp bảo đảm an ninh ở thủ đô Luân Đôn sẽ được xem xét lại. Người dân Luân Đôn sẽ thấy có nhiều cảnh sát hơn, kể cả cảnh sát vũ trang, trên các đường phố. Các biện pháp bảo đảm an ninh cụ thể cho công chúng trên các cầu ở Luân Đôn cũng sẽ được đưa ra ».

Tweet "vụng về" của Donald Trump về Luân Đôn và thông điệp của giới ca sĩ dành cho Manchester

Đô trưởng Luân Đôn, Sadiq Khan kêu gọi người dân "bình tĩnh" trước tình trạng nước Anh tăng cường các lực lượng an ninh, đối phó với những "hành vi dã man" của quân khủng bố. Tại Hoa Kỳ, tổng thống Trump bị chỉ trích lợi dụng khủng bố Luân Đôn để thông qua quyết định đóng cửa nước Mỹ với người Hồi giáo.
Tệ hơn nữa, trong một tin nhắn trên Twitter, tổng thống Hoa Kỳ đã trực tiếp chỉ trích đô trưởng Luân Đôn cho rằng, trong tình trạng dầu sôi lửa bỏng này Sadiq Khan lại kêu gọi dân cư Luân Đôn "bình tĩnh". Một cộng tác viên thân cận của đô trưởng Luân Đôn gạt thẳng, cho rằng ông Khan lúc này đang có quá nhiều việc để giải quyết, thay vì tranh luận với Donald Trump.

Cách Luân Đôn hơn 260 cây số, đêm Chủ Nhật 04/06, tại Manchester, danh ca người Mỹ Ariana Grande đã huy động đông đảo nghệ sĩ trong đêm trình diễn ca nhạc "One love Manchester" tưởng niệm nạn nhân vụ khủng bố tự sát đêm ngày 22/05/2017, làm 22 người thiệt mạng.
Trong vòng ba giờ, cùng với 50 ngàn người tham dự buổi trình diễn, hàng loạt ngôi sao như Justin Bieber, Katy Perry, Coldplay, Robbie Williams, Pharrell Williams, Miley Cyrus, nhóm Black Eyed Peas, đã tặng cho khán giả Manchester những ca khúc hay nhất để cùng băng bó vết thương với một thông điệp : "Thế giới không bao giờ sống trong sợ hãi".

Tối nay đến lượt thủ đô Anh Quốc tưởng niệm các nạn nhân vụ khủng bố ở Luân Đôn. - RFI

4.
Chiến lược chống khủng bố ảnh hưởng đến vị thế của thủ tướng Anh

Mục tiêu giành được đa số rộng rãi ở Hạ Viện để dễ thương lượng với Liên Hiệp Châu Âu về thủ tục Brexit mà bà Therea May đặt ra phức tạp hơn dự kiến. Khủng bố đẫm máu tại Luân Đôn và Manchester biến vấn đề an ninh thành một nhược điểm của chính quyền Anh. Nữ thủ tướng Theresa May đang tìm cách dập tắt tranh luận về sơ sót trong nhiệm vụ bảo đảm an ninh trên lãnh thổ Anh.
Đợt tấn công gần đây nhất, diễn ra chỉ 6 ngày trước bầu cử Quốc Hội, và chưa đầy hai tuần sau thảm họa ở sân vận động Arena, sau buổi trình diễn văn nghệ của danh ca người Mỹ, Ariana Grande. Phát biểu vào trưa Chủ Nhật 04/05, thủ tướng May tuyên bố duy trì bầu cử Quốc Hội vào ngày mồng 08/06/2017 và "xét lại chiến lược chống khủng bố" sau vụ tấn công đêm thứ Bảy. Đây là lần thứ ba trong chưa đầy ba tháng, nước Anh bị tấn công, nâng tổng số tử vong lên 32 người.

Sau vụ khủng bố tự sát tại Manchester, chính quyền Anh đã nâng mức báo động về tình trạng an ninh lên cấp "nguy hiểm" để rồi lại hạ xuống cấp "nghiêm trọng" vài giờ trước một thảm họa mới ở Luân Đôn. Từ sau vụ tấn công đầu tiên nhắm vào Hạ Viện Anh hôm 22/03/2017, ngành an ninh dồn dập thông báo đã phá vỡ các đường dây khủng bố của các nhóm Hồi giáo cực đoan. Bộ Nội Vụ cho biết đã ngăn chặn được ít nhất 5 âm mưu tấn công. Luật chống khủng bố được tăng cường bất chấp một số p hản đối trong công luận cho rằng, các điều khoản khắt khe đó giới hạn một số các quyền tự do cá nhân.
Trong lĩnh vực tình báo, chính phủ Anh cho biết cơ quan phản gián đã tuyển dụng thêm 2.000 nhân viên từ năm 2005, tức sau loạt nổ bom trong hệ thống xe điện ngầm ở Luân Đôn vào tháng 7/2005, làm 56 người thiệt mạng. Luân Đôn một mặt phối hợp chặt chẽ với các đối tác châu Âu trong lĩnh vực này, mặt khác mở rộng thêm các mối liên hệ với tình báo của Úc, Mỹ, Canada và kể cả New Zealand. Nhưng tất cả các biện pháp đó vẫn không tránh khỏi tai họa cho nước Anh.

Trong bài phát biểu hôm qua, thủ tướng May nói tới một "kiểu đe dọa mới" mà nước Anh phải đối mặt, do đó Luân Đôn cần có một "chiến lược an ninh mới" dựa trên bốn hướng chính : tăng cường kiểm soát với các tổ chức tuyên truyền tư tưởng Hồi giáo cực đoan; gia tăng kiểm duyệt các trang mạng có nội dung quảng bá cho những tư tưởng đó. Hướng thứ ba nhắm tới là cần xét lại mô hình hội nhập, mà theo bà Theresa May, là quá dễ dãi đối với các cộng đồng người nước ngoài. Sau cùng, và đây chính là điểm mà chính phủ sắp tới của nước Anh cần đặc biệt quan tâm đó là "tăng cường chiến lược và phương tiện chống khủng bố trên lãnh thổ".

Theo giới quan sát, điểm sau cùng này là một nhược điểm của bà May. Một cách gián tiếp nữ thủ tướng Anh nhìn nhận một số những "lỗ hổng" trong vế an ninh. Hai vụ khủng bố ở Manchester và Luân Đôn vừa qua đang làm thay đổi tương quan lực lượng trên chính trường Anh.
Cuộc chiến chống khủng bố là nhược điểm của bà May trong cuộc chạy đua để giữ chiếc ghế thủ tướng. Thăm dò dư luận về ý định bỏ phiếu mới nhất cho thấy khoảng cách giữa bà May thuộc cánh bảo thủ và ông Corbyn, bên Công Đảng đang thu hẹp lại. Thậm chí có một số nhà bình luận cho rằng, Theresa May sẽ khó chiếm được đa số rộng rãi. Như phân tích của một nhà báo Anh, trên tờ Times có khuynh hướng bảo thủ, lãnh đạo đối lập, ông Jeremy Corbyn, 68 tuổi, chứng tỏ ông là một đối thủ đáng gờm với bà May, người mà nữ thủ tướng Anh luôn chỉ trích là "không có tầm cỡ".

Tự nhận mình là một chính trị gia giàu kinh nghiệm và cứng rắn, cựu bộ trưởng Nội Vụ của thủ tướng David Cameron hứa hẹn sẽ mạnh mẽ bảo vệ quyền lợi của Luân Đôn trong các vòng thương thuyết với Liên Hiệp Châu Âu về Brexit mở ra kể từ ngày 19/06/2017. Bà May lao vào cuộc vận động với khẩu hiệu "hùng mạnh và ổn định" hàm ý bà sẽ cứng rắn với các đối tác và nhất là với những đối thủ nào đe dọa quyền lợi của vương quốc Anh, nhưng cũng là người bảo đảm một sự ổn định cho đất nước.
Hình ảnh đó của nữ thủ tướng May đang bị sứt mẻ sau ba vụ khủng bố liên tiếp nổ ra trên đất Anh trong một thời gian ngắn kỷ lục. Thêm vào đó là lo ngại với Brexit, hợp tác an ninh và chia sẻ thông tin tình báo giữa Luân Đôn với các đối tác trong Liên Hiệp Châu Âu sẽ lỏng lẻo hơn. - RFI

5.
Cam Bốt: Phe đối lập đột phá trong bầu cử hội đồng thành phố

Trong cuộc bầu cử hội đồng thành phố ngày 04/06/2017, phe đối lập Cam Bốt đã có một bước đột phá đáng kể, một dấu hiệu đáng lo ngại cho thủ tướng Hun Sen, cầm quyền liên tục từ khi phe Khơme Đỏ bị lật đổ cho đến nay.
Đảng Nhân Dân Cam Bốt CPP, đảng cầm quyền và Đảng Cứu nguy Dân tộc CNRP, đảng đối lập chính, hôm nay, 05/06, đưa ra kết quả thẩm định gần giống như nhau : 51% cử tri đã bỏ phiếu cho đảng CPP và 49% bầu cho đảng đối lập CNRP.

Cả hai đảng đều xem kết quả đó là một thắng lợi, nhưng theo hãng tin AFP, đảng đối lập có lý do riêng để lạc quan, vì nếu thẩm định nói trên được kết quả chính thức xác nhận, họ sẽ nắm giữ đến khoảng 500 trên hơn 1.600 thành phố, thị trấn, làng xã, so với con số 40 cách đây 5 năm. Kết quả chung cuộc chính thức sẽ được công bố ngày 25/06 tới.
Kết quả bầu cử hôm qua cho thấy là phe đối lập Cam Bốt đã phát triển lớn mạnh mặc dù bị đàn áp dữ dội. Các tổ chức nhân quyền và phe đối lập vẫn tố cáo chính quyền Hun Sen dùng tòa án để truy tố các lãnh đạo đảng CNRP, các nhà bất đồng chính kiến, cũng như các nhà hoạt động nhân quyền.

Theo thống kê của tổ chức Ân Xá Quốc Tế, từ năm 2013 đến nay đã có 27 tù chính trị bị giam giữ và hàng chục người khác đang bị truy tố. Phe đối lập ở Cam Bốt đặc biệt thu hút giới trẻ, vốn vẫn bất mãn về nạn tham nhũng trong giới có chức có quyền hoặc những người có mối quan hệ chặt chẽ với chính quyền.
Tuy vậy, thủ tướng Hun Sen, năm nay 64 tuổi, xem kết quả bầu cử hôm qua là một dấu hiệu tốt cho bầu cử Quốc Hội năm tới. Ông Hun Sen vẫn nói rằng nếu ông rời khỏi chính quyền, đất nước Cam Bốt sẽ rơi vào hỗn loạn và đúng là nhiều người dân ở nước này vẫn tin như thế. - RFI

6.
Đối lập Philippines kiện lên Tối Cao Pháp Viện lệnh thiết quân luật của Duterte

Sáu dân biểu đối lập Philippines ngày 05/06/2017 yêu cầu Tối Cao Pháp Viện tuyên bố lệnh thiết quân luật do tổng thống Rodrigo Duterte áp đặt tại miền nam là vi hiến.
Các dân biểu đối lập đề nghị Tối Cao Pháp Viện bác bỏ lệnh này với lý do « hoàn toàn không có chứng minh cụ thể», và so sánh với thời kỳ của nhà cựu độc tài Ferdinand Marcos. Trong đơn kiện, các dân biểu viết : « Bóng ma ghê rợn của nạn đàn áp, sự tàn bạo, bất công và tham nhũng lại bao trùm lên người dân Philippines, với lệnh thiết quân luật bất hợp lý, vội vã và trái với Hiến pháp ».

Các dân biểu tố cáo các lý do mà ông Duterte nêu ra « hầu hết là không chính xác, sai lạc, dàn dựng hoặc phóng đại». Chẳng hạn vụ một cảnh sát bị chặt đầu mà ông Duterte nói đến, thì giám đốc cảnh sát quốc gia Ronald De La Rosa sau đó đã đính chính là không có thực.
Tổng thống Duterte trước đó đã cảnh báo là ông không quan tâm đến ý kiến của cơ quan tư pháp tối cao, mà chỉ nghe theo cảnh sát và quân đội, là những người « biết được những gì diễn ra trên thực địa ». Tối Cao Pháp Viện có 30 ngày để quyết định.

Hôm 23/5 ông Duterte đã ra lệnh thiết quân luật ở khu vực Mindanao có 20 triệu dân, với lý do để đối phó với mối đe dọa của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (Daech, IS) tại đây. Ông ca ngợi thời kỳ của Marcos - và hứa hẹn chế độ thiết quân luật với sự lãnh đạo của ông sẽ rất « nghiêm khắc ».
Vài giờ trước đó, quân thánh chiến đã giương những lá cờ đen của Daech, tàn phá thành phố Marawi có đa số cư dân theo đạo Hồi, đối đầu với lực lượng an ninh, làm ít nhất 178 người chết.

Thời đại nhà độc tài Marcos kéo dài hai thập niên, đã kết thúc năm 1986 do cuộc cách mạng mang tên « Quyền lực nhân dân ». Hàng ngàn người đối lập, nghi can nổi dậy và những người bị cho là cảm tình viên của họ đã bị tống giam, tra tấn hoặc sát hại, theo giới sử học. Hiến Pháp 1987 quy định những hạn chế trong việc ra lệnh thiết quân luật để tránh những lạm dụng như trong thời Marcos, và trao cho Tối Cao Pháp Viện quyền đánh giá cơ sở thực tế của thiết quân luật. - RFI

7.
Nga: Putin khẳng định chỉ quen sơ một cựu cố vấn của Trump

Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định ông chỉ quen sơ Michael Flynn, cựu cố vấn an ninh quốc gia của Donald Trump. Đây là nhân vật trung tâm trong nghi án thông đồng giữa Matxcơva với những người thân cận của tổng thống Mỹ.
Trong bài trả lời phỏng vấn của đài truyền hình NBC cuối tuần 03-04/05/2017 tại Saint-Petersbourg, được phát toàn bộ tại Hoa Kỳ hôm qua, 04/06/2017, ông Putin nói với người phỏng vấn Megyn Kelly rằng : "Tôi với cô quen biết nhau còn nhiều hơn cả tôi với ông Flynn".

Tổng thống Nga đã nói như trên khi được hỏi về quan hệ của ông với Michael Flynn, cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Trump trong một thời gian ngắn. Ông Flynn đã phải từ chức vào giữa tháng 2/2017 chỉ sau 3 tuần giữ chức vụ này, vì bị cáo buộc đã nói dối về quan hệ giữa ông với các quan chức Nga.
Ngày 08/06 tới, cựu giám đốc Cục Điều tra Liên bang FBI, James Comey trên nguyên tắc sẽ ra điều trần trước Thượng viện về việc Nga có thể đã can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ. Câu hỏi đang được đặt ra là tổng thống Trump có sẽ ngăn cản ông Comey ra điều trần hay không ?

Từ Washington, thông tín viên Jean-Louis Pourtet tường trình :
"Tổng thống thật sự có thể « chặn họng » James Comey bằng cách sử dụng đặc quyền của hành pháp như nhiều tổng thống đã làm trong quá khứ, kể cả Obama. Nhưng trong trường hợp này, điều đó rất khó xảy ra, vì làm như thế sẽ nguy hiểm cho Donald Trump hơn là để James Comey ra điều trần.

Các thành viên Ủy Ban Tình Báo, và cùng với họ là hàng triệu người dân Mỹ, muốn biết những gì ? Ông Trump có đã yêu cầu giám đốc FBI ngưng điều tra về các mối liên hệ của cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn, về những mối liên hệ của nhân vật này với Nga trong thời gian tranh cử tổng thống và thời gian sau đó ?

Nếu đúng như thế thì ông Trump có thể bị truy tố về tội cản trở tư pháp, một lý do đủ để tiến hành thủ tục truất phế. Do đó, nhà tỷ phú New York dường như có lý do để dùng đến đặc quyền của tư pháp như đã nói ở trên.
Nhưng làm như thế thì chẳng khác gì « công nhận mình có tội ». Cho nên, nhiều luật gia không nghĩ rằng tổng thống Trump sẽ ngăn cản James Comey trả lời các câu hỏi của các thượng nghị sĩ trong một cuộc điều trần có lẽ sẽ là một trong những cuộc điều trần được theo dõi nhiều nhất kể từ khi bà Hillary Clinton về vụ Benghazi." - RFI

8.
Zambia bắt 31 người TQ vì khai thác đồng

Zambia vừa bắt giữ 31 người Trung Quốc vì khai thác đồng trái phép ở Chingola nhưng vụ việc đã ngay lập tức bị Bắc Kinh phản đối.
Nhà chức trách Trung Quốc nói phía Zambia không cung cấp đủ bằng chứng phạm tội.
Báo chí Zambia trích lời quan chức nước này nói việc tham gia vào chế biến quặng đồng của người Trung Quốc mà không có giấy phép là "phạm pháp".

Ông Lâm Tùng Thiêm (Lin Songtian), Vụ trưởng Vụ châu Phi của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã viết thư phản đối động thái này của Zambia.

Ông nói Trung Quốc hiểu và ủng hộ hành động trấn áp việc khai thác mỏ bất hợp pháp, hãng Reuters trích lời một thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. 
Tuy nhiên, Zambia đã không đưa đủ bằng chứng phạm tội của 31 người bị bắt giữ, và còn bắt giữ một phụ nữ đang mang thai và hai người khác đang bị sốt rét, ông Lâm nói. 

"Trung Quốc vô cùng quan ngại và phản đối quyết liệt vụ việc này."
Các công ty Trung Quốc đã đầu tư hơn 1 tỷ USD vào Zambia, quốc gia giàu nguồn quặng đồng. Tuy nhiên, nhiều công nhân Zambia cáo buộc các công ty Trung Quốc lạm dụng sức lao động và trả lương thấp. 

Năm 2012, công nhân mỏ Zambia giết hại một đốc công Trung Quốc và làm trọng thương một đốc công khác trong vụ bất đồng về tiền lương ở một mỏ than. 
Trước đó hai năm, cảnh sát Zambia buộc tội hai đốc công khác cũng ở mỏ than này sau khi 13 thợ mỏ bị bắn cũng vì xung đột về tiền lương. 

Trung Quốc, nước thiếu nguyên liệu thô, đang đầu tư mạnh vào châu Phi, nơi cung cấp dầu và nguyên liệu thô như đồng và uran.

Nhưng có những chỉ trích rằng các công ty Trung Quốc này vẫn hoạt động với thói quen xấu về việc bảo vệ quyền công nhân và môi trường. - BBC
|
9.
"Chú Sam" về hưu

Nước Mỹ trong những ngày qua luôn là tâm điểm thời sự. Le Monde quan tâm tới sự rút lui của Mỹ trên chính trường thế giới, với hình ảnh « chú Sam về hưu », nhưng không phải một cách nhẹ nhàng, thanh thản, có suy nghĩ thấu đáo, chuẩn bị kỹ lưỡng như những người đã hoàn thành nhiệm vụ. Sự rút lui của « chú Sam » cay đắng, lộn xộn, gay gắt. Và trong đó có cả sự báo thù.
Thời gian càng trôi đi, chúng ta càng thấy rõ ràng là Donald Trump đã quyết triển khai chính sách nước Mỹ co cụm bên trong đường biên giới và không còn muốn chơi với các quốc gia khác. Trước đây, người ta thường nói tới « vai trò lãnh đạo của nước Mỹ ». Nhưng giờ đây, theo Le Monde, nước Mỹ và vai trò lãnh đạo là hai khái niệm trái ngược. Nước Mỹ có quan điểm : « Những người bạn của bạn tôi không còn là bạn của tôi, mà tôi cũng chẳng cần có bạn ». Khẩu hiệu « Nước Mỹ là trên hết » thực chất là « nước Mỹ rút lui đầu tiên », thậm chí là « nước Mỹ đơn độc » như cựu thủ tướng Thụy Điển Carl Bildt từng nhận xét.

Ngày 01/06/2017, chỉ chưa đầy một tuần sau « hội nghị thượng đỉnh thảm hại » với lãnh đạo các nước thành viên G7 và NATO, tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo rút khỏi Hiệp Định Khí Hậu Paris. Le Monde gọi đó là « phát súng ân huệ » Donald Trump dành cho những người hy vọng là sự thực dụng của tổng thống Mỹ sẽ chiến thắng sự thay đổi tính khí đột ngột và những ảo ảnh của ông.
Le Monde nhận xét, giờ không còn thời gian cho các nước đối tác của Mỹ đặt câu hỏi mà phải thực tế : vì người Mỹ không cần chúng ta nữa, nên chúng ta phải làm khác đi. Việc tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu bằng tiếng Anh sau khi Donald Trump thông báo rút lui khỏi Hiệp Định COP21 thể hiện rõ điều đó : Cộng đồng quốc tế vẫn tồn tại, ngay cả khi Hoa Kỳ đã rút lui.

Tổng thống Mỹ Donald Trump không chỉ rút lui về mặt ngoại giao mà còn rút lui về mặt tinh thần. Bài diễn văn của ông Trump có nhiều điều không đúng sự thật tới mức bộ Ngoại Giao Pháp đã phải tung ra một đoạn băng vidéo « đính chính » những thông tin sai lệch của tổng thống Mỹ. Bản thân Donald Trump cũng ý thức được là các nước đang nhạo báng ông.

Ông Trum thú nhận trong cơn tức giận : « Chúng tôi không muốn các nhà lãnh đạo và các nước khác chế nhạo chúng tôi. Họ không được làm thế nữa. Họ không được làm thế nữa. » Theo Le Monde, uy tín về mặt tinh thần của lãnh đạo Hoa Kỳ đã « bốc hơi ». Chính chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Donald Tusk đã lên lớp Trump về « các giá trị ». Đó là từ mà Doanld Trump chưa bao giờ thốt lên.
Chú Sam rời chính trường, liệu Trung Quốc có sẵn sàng thế chân Mỹ ? Theo Le Monde, Đối Thoại Shangri-La về an ninh châu Á diễn ra tại Singapore hôm thứ Bảy 03/06 cho thấy kịch bản đó sẽ không sớm thành hiện thực. Vì trong khi châu Âu đang rất giận dữ, thì châu Á lại hoàn toàn lúng túng.

Thủ tướng Úc Turnbull đã cảnh báo Bắc Kinh về các mưu đồ bá chủ trong khu vực và kêu gọi Hoa Kỳ duy trì sự hiện diện tại châu Á. Chủ trương duy trì « trật tự quốc tế dựa trên luật pháp » cũng mang hàm ý là ngay cả khi Donald Trump - lãnh đạo cường quốc số 1 thế giới có vẻ không quan tâm, thì vẫn cần gìn giữ mạng lưới quan hệ giữa các quốc gia.

Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, tướng James Mattis đã trấn an các quốc gia tham gia Đối Thoại Shangri-La khi nói về « cam kết bền vững của Hoa Kỳ », như ông đã từng làm cách đây 4 tháng tại hội nghị an ninh tại Munich. Nhưng điều đó có hiệu quả hay không ?
Chắc chắn là không. Cụm từ « vai trò lãnh đạo của Mỹ » từ nay sẽ vắng bóng. Nói cách khác, quá khứ đã xa rồi ! Mặc dù tướng James Mattis rất có uy tín, nhưng ông cũng không thể cứu vãn uy tín cho Donald Trump, vị tổng thống đã chỉ định ông vào vị trí bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ.

Bộ trưởng Quốc Phòng Úc, bà Marise Payne, khi trả lời phỏng vấn về mối quan hệ Úc-Mỹ, chỉ nói rằng quan hệ hai nước tốt hơn con người ông chủ Nhà Trắng. Còn bộ trưởng Quốc Phòng Pháp Sylvie Goulard cho rằng rất may mắn vì Mỹ là một nước rất dân chủ : bên cạnh Nhà Nước Pháp Quyền còn có nhiều thế lực khác. Và những thế lực đó là sẽ thắng. Họ chính là đồng minh của các quốc gia khác trên thế giới.
Một cách tự nhiên hay có ý thức, các đồng minh truyền thống của Washington, dù ở châu Âu hay ở châu Á, dường như đều thực hiện chiến lược « ngăn chặn » Donald Trump, với sự tham gia của các cá nhân, tổ chức dân sự, doanh nghiệp, thành phố … nhằm làm cân bằng trở lại những quyết định của « cá nhân » Donald Trump. Phản ứng của các tổ chức, cá nhân sau khi Trump thông báo rút khỏi Hiệp Định Khí Hậu là một ví dụ điển hình. Và như thế, Le Monde kết luận, việc « bác Sam về hưu » có thể sẽ « rối tung, rối mù ».

Trump rút khỏi Hiệp Định Khí Hậu Paris : những thay đổi tài chính tức thời
Vẫn liên quan tới việc tổng thống Mỹ Donald Trump từ bỏ Hiệp Định Khí Hậu Paris, Le Monde giới thiệu « những thay đổi tài chính tức thời » kèm theo nhận định « nước Mỹ phải đối mặt với những thủ tục phức tạp và bất ổn hơn nhiều so với những gì Donald Trump đã phát biểu » hôm thứ Năm 01/06 từ Nhà Trắng.

Tổng thống Mỹ liên hệ việc rút khỏi Hiệp Định Khí Hậu COP21 với việc ngưng ngay lập tức cam kết tài chính chống biến đổi khí hậu. Nhưng chỉ một ngày sau, cựu thị trưởng New York, tỉ phú Micheal Bloomberg đã đề xuất là Quỹ của ông sẽ đóng góp 15 triệu đô la để bù đắp khoản tiền mà lẽ ra Mỹ phải đóng góp cho Liên Hiệp Quốc trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Đối với Donald Trump, bớt chi tiền chống biến đổi khí hậu toàn cầu có nghĩa là có thêm nhiều tiền để tạo công ăn việc làm cho người Mỹ và hỗ trợ các gia đình Mỹ. Tổng thống Mỹ giải thích là việc tham gia hiệp định COP21 sẽ khiến nhiều công nhân, nhất là trong lĩnh vực khai thác than, mất việc. Tuy nhiên, việc rút lui khỏi Hiệp Định không nhất thiết đồng nghĩa với việc ngành than - vốn ít khả năng cạnh tranh với lĩnh vực năng lượng tái tạo - có thể được khôi phục.

Năm 2015, lĩnh vực năng lượng tái tạo sử dụng tới gần 770.000 lao động, trong khi chỉ có 50.000 nhân công trong ngành than. Trong một thông cáo ngày 01/06, hiệp hội than Hoa Kỳ còn lo ngại quyết định của Donald Trump sẽ khiến các doanh nghiệp Mỹ khó tiếp cận với công nghệ sản xuất « than sạch », hiện đang phát triển mạnh trên thế giới.

Rút lui khỏi hiệp định khí hậu, Hoa Kỳ mất vị thế đầu tầu mà nước này đảm đương cùng Trung Quốc từ nhiều năm nay. Không cần chờ đợi lâu, ngay ngày 02/06, tại thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc, hai bên đã cam kết giảm năng lượng hóa thạch và đóng góp 100 tỉ đô la, từ nay tới năm 2020, để hỗ trợ các quốc gia chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu. Pháp và nhất là Đức, nước chủ nhà thượng đỉnh G20 vào tháng 07 và COP23 vào tháng 11/2017 cũng sẽ chú ý phát huy tính năng động. - RFI

Tin Hoa Kỳ
10.
Bắn súng ở Orlando, Florida: 'Nhiều người tử vong'

Cảnh sát Florida cho hay đã có "nhiều người thiệt mạng" trong một vụ xả súng ở một khu công nghiệp tại Orlando, bang Florida, Mỹ. 
Vụ bắn nhau này xảy ra vào sáng thứ Hai 5/6 ở phía Nam thành phố Orlando, tờ Orlando Sentinel đưa tin. 

Vụ việc này xảy ra chỉ một tuần trước ngày kỷ niệm một năm vụ xả súng tại hộp đêm Pulse ở thành phố này, làm 49 người chết.
Cảnh sát nói hiện trường đã được "bình ổn", chứng tỏ vụ bắn súng không còn tiếp diễn. 

Cảnh sát trưởng Quận Cam sắp có phát biểu ngắn. 

Các nguồn tin từ Florida cho hay vụ việc xảy ra tại một cơ sở sản xuất vải bạt cắm trại, và lực lượng FBI hiện giờ có mặt tại hiện trường. 
Trong vụ tấn công hồi tháng 6/2016, vụ bắn súng gây nhiều thương vong nhất trong lịch sử đương đại Mỹ, kẻ cầm súng Omar Mateen giết hại 49 người và làm bị thương nhiều người khác trong một câu lạc bộ cho người đồng tính. Sau đó hắn bị cảnh sát bắn hạ. - BBC

11.
Luật sư chuyên lo ‘disability’ lừa chính phủ $600 triệu, bỏ trốn trước ngày tuyên án

Một luật sư ở vùng Đông Kentucky, chuyên lo các vụ khai mất năng lực (disability) để được hưởng trợ cấp, đã biến mất trước ngày tuyên án vào tháng tới, về tội lừa chính phủ khoảng $600 triệu, theo tin FBI.
Ông Eric Conn nhận tội hồi Tháng Ba là đã làm giấy tờ gian lận chính quyền liên bang và hối lộ một chánh án.

Ông dự trù sẽ bị tuyên án vào tháng tới và cũng phải trả lại cho chính phủ hàng chục triệu đô la.
Tuy nhiên, hôm Thứ Bảy, cơ quan FBI cho hay ông Conn tháo gỡ vòng điện tử ở chân, vi phạm các điều kiện tại ngoại hậu tra và khiến tòa phải ra trát truy nã, theo David Habich, một giới chức FBI ở thành phố Louisville.

Ông Conn khởi sự văn phòng luật của mình trong một căn nhà di động năm 1993, và sau đó trở thành một trong những tổ hợp luật thành công nhất trên nước Mỹ về lãnh vực “disability.”
Ông tự xưng mình là “Mr. Social Security,” có các chương trình quảng cáo khắp nơi trên truyền hình.

Tuy nhiên, công việc làm ăn của ông Conn sụp đổ khi các điều tra viên chính phủ khám phá rằng ông từng hối lộ một bác sĩ và một chánh án để chấp thuận các đơn xin hưởng tiền trợ cấp mất năng lực dựa trên các chứng cớ y tế giả mạo.
Trong thỏa thuận đạt được với chính quyền liên bang hồi Tháng Ba, ông đồng ý trả chính quyền liên bang số tiền $5.7 triệu và trả tiền lại cho quỹ An Sinh Xã Hội số tiền $46 triệu.
Một chánh án liên bang cũng ra lệnh cho ông Conn trả $12 triệu tiền bồi thường thiệt hại và $19 triệu tiền phạt cho chính phủ và hai cựu nhân viên cơ quan An Sinh Xã Hội từng tìm cách tố cáo ông Conn.

Ông Conn cũng đang bị các khách hàng trước kia đưa đơn kiện tập thể và đòi bồi thường.
Sau khi nội vụ vỡ lở, chính quyền liên bang duyệt xét lại các hồ sơ liên hệ của khoảng 1,500 người. Có khoảng 800 người trong số này bị mất các quyền lợi đang được hưởng. - nguoiviet
|
12.
TT Trump đả kích thị trưởng London sau tấn công khủng bố, gặp nhiều phản đối

Tổng Thống Donald Trump hôm Chủ Nhật, qua một loạt các bản tweet, đả kích thị trưởng London, ông Sadiq Khan, cáo buộc ông này làm nhẹ mối đe dọa khủng bố, một ngày sau khi xảy ra vụ tấn công bằng xe và dao tại thủ đô vương quốc Anh.
Thị Trưởng Khan nhanh chóng bác bỏ điều này, cùng lúc cũng có những người khác lên tiếng, chê trách rằng ông Trump lợi dụng một cuộc tấn công của khủng bố để có phát biểu sai lạc nhằm mục đích làm lợi cho mục tiêu chính trị của mình, theo bản tin của hãng thông tấn AFP.

Một phát ngôn viên của Thị Trưởng Khan cho hay, ngay lúc này ông Khan có “nhiều vấn đề quan trọng hơn để giải quyết hơn là đáp trả các bản tweet sai lạc của ông Trump.”
Ông Trump bày tỏ sự khó chịu khi ông Khan tìm cách trấn an dân chúng sau khi có ba kẻ tấn công lấy xe van ủi vào khách bộ hành trên cầu London Bridge rồi sau đó xuống xe dùng dao đâm những người khác.

“Có ít nhất 7 chết và 48 bị thương trong cuộc tấn công của khủng bố vậy mà Thị Trưởng London nói rằng ‘không có gì để hoảng hốt!’” ông Trump cho hay trong một bản tweet, theo AFP.
Tổng Thống Trump hôm Chủ Nhật nói cuộc tấn công cho thấy tới lúc “phải ngưng có thái độ ‘khéo léo chính trị’ và bắt tay vào việc bảo vệ an ninh cho dân chúng.”

Đêm hôm trước, giữa khi tình trạng hỗn loạn ở London vẫn còn đang tiếp tục, ông Trump gửi tweet ra nói rằng cuộc tấn công chứng minh việc ông ký sắc lệnh cấm người từ một số quốc gia Hồi Giáo đến Mỹ là đúng.
Ông Khan, trong cuộc phỏng vấn dành cho đài BBC chỉ ít giờ sau khi có cuộc tấn công, nói như sau: “Điều tôi muốn gửi đến tất cả người dân London cũng như các du khách đến thành phố của chúng ta là hãy bình tĩnh và đề cao cảnh giác. Quý vị sẽ nhìn thấy có thêm sự hiện diện của cảnh sát, kể cả các cảnh sát viên có võ trang. Quý vị không nên để bị hốt hoảng vì chuyện này.”

Đáp trả lời chỉ trích của ông Trump, một phát ngôn viên của ông Khan nói rằng thị trưởng đang bận phối hợp các biện pháp đối phó với cuộc tấn công, trong khi trấn an người dân London và du khách, có “nhiều việc quan trọng phải làm hơn là đáp trả bản tweet sai lạc của Tổng Thống Donald Trump vốn cố ý diễn dịch sai lời phát biểu của ông Khan.”

Ông David Lammy, một dân biểu Quốc Hội Anh, thuộc đảng Lao Động, gửi tweet nói rằng đây là “một hành động rẻ tiền và không xứng đáng là vị lãnh đạo quốc gia. Những điều như vậy khiến tôi muốn từ bỏ chính trường trong một ngày như thế này. Nhìn chỗ nào cũng thấy ma quỷ.”
Tại Mỹ, cựu Phó Tổng Thống Al Gore cho CNN hay: “Tôi không nghĩ rằng một cuộc tấn công của khủng bố như thế này là cơ hội để chỉ trích một thị trưởng đang tìm cách phối hợp các biện pháp đáp trả của thành phố.” - nguoiviet

Tin Việt Nam
13.
Thủ tướng CSVN sang Nhật, muốn hợp tác an ninh, nhận viện trợ

Thủ tướng CSVN cùng một phái đoàn cấp cao của nhà cầm quyền Việt Nam sang thăm Nhật nhằm “thúc đẩy hợp tác kinh tế toàn diện với Nhật ở cấp trung ương và địa phương,” theo Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tin cho hay, chuyến đi Nhật từ ngày 4 đến 8 Tháng Sáu của phái đoàn cấp cao do Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu, vừa thăm chính thức quốc gia này, vừa tham dự Hội Nghị Tương Lai Châu Á lần thứ 23 tại Tokyo.

Vào ngày 6 Tháng Sáu, Thủ Tướng Nhật Shinzo Abe sẽ gặp ông Phúc mà theo hãng tin tài chính Nikkei, dịp này, có thể sẽ loan báo cụ thể các sự hợp tác giữa hai nước đối với hàng hải, Biển Đông và sáu chiếc tàu tuần tra biển đóng mới mà ông Abe hứa từ hồi đầu năm khi ông đến thăm Việt Nam.
Theo hãng tin Nikkei, khi trả lời phỏng vấn trước khi bắt đầu chuyến đi Nhật, ông Phúc bày tỏ sự cổ võ cho một Hiệp Định Xuyên Thái Bình Dương (TPP) không có Mỹ nên được gọi tắt là TPP11. Ông ca ngợi các nỗ lực của thủ tướng Nhật nhằm thúc đẩy tiến hành hiệp định này cho dù sau này có Mỹ hay không.

Theo nguồn tin Nikkei, ông Phúc nói Việt Nam muốn hợp tác chặt chẽ hơn với Tokyo về vấn đề an ninh Biển Đông cũng như mong muốn nhận thêm viện trợ phát triển và đầu tư của Nhật.
Việt Nam và Nhật thiết lập quan hệ đối tác chiến lược từ đầu năm 2014, ký tuyên bố về tầm nhìn chung quan hệ Việt-Nhật năm 2015. Nước Nhật là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam với kim ngạch thương mại năm 2016 được $30 tỷ. Nhật là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai tại Việt Nam với hơn 1,600 doanh nghiệp đang hoạt động có số vốn tới $42 tỷ.

Nhật cũng là nước cung cấp tín dụng phát triển chính thức (ODA) lớn nhất cho Việt Nam và hai nước đang cùng thực hiện nhiều dự án quy mô lớn tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, năng lượng.

Trong các năm 2015 và 2016, Nhật đã viện trợ cho Việt Nam sáu tàu đã qua sử dụng cho Cảnh Sát Biển Việt Nam. Một số là tàu cũ của Cảnh Sát Biển Nhật, một số lá tàu đánh cá được sửa chữa, tân trang và hoán cải thành tàu tuần tra. Các tàu này nằm trong gói viện trợ không hoàn lại của Nhật dành cho Việt Nam, trị giá 500 triệu yen nhằm giúp Việt Nam cải thiện khả năng bảo vệ an ninh trên biển.
Chuyến đi của ông Phúc diễn ra chỉ sau chuyến đi Washington, Mỹ, vài ngày cho người ta cảm tưởng Việt Nam hối hả tìm cách gỡ khó khăn cho nền kinh tế sau khi chính phủ của ông Donald Trump không có dấu hiệu gì vồ vập lấy CSVN. Không thấy bản tuyên bố chung Hoa Kỳ-Việt Nam đụng chạm gì đến ước muốn của Việt Nam muốn được đàm phán về một thỏa hiệp tự do mậu dịch song phương thay cho Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương đã bị ông Trump xé bỏ.

Một số chức sắc Mỹ kêu rằng những đơn đặt hàng mà nhà cầm quyền Việt Nam khoe rầm rộ lên đến $8 tỷ, thật sự phần lớn là những gì đã được loan báo từ năm ngoái, nên họ muốn CSVN chứng tỏ thiện chí nhiều hơn nữa để giảm bớt thâm thủng mậu dịch. - nguoiviet

14.
Luật sư trả thẻ nếu phải tố giác thân chủ

Các luật sư và nhiều người Việt Nam đang phản đối dự thảo sửa đổi một điều trong luật hình sự đòi luật sư tố cáo thân chủ nếu biết người đó phạm tội nghiêm trọng. Có những luật sư nói sẽ trả thẻ hành nghề cho liên đoàn luật sư nếu điều khoản sửa đổi được thông qua.
Dự thảo sửa đổi khoản 3 của điều 19 trong Bộ luật Hình sự 2015 viết: “...Người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự do không tố giác khách hàng về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác đặc biệt nghiêm trọng quy định tại điều 389”. Có tới 80 tội danh trong danh sách những tội đặc biệt nghiệm trọng.

Vấn đề này được đưa ra thảo luận ở Quốc hội Việt Nam cách đây hơn một tuần, từ đó đến nay đã có nhiều phản ứng bức xúc từ giới luật sư lẫn nhiều người trong công chúng.

Sau khi nhiều luật sư đã bày tỏ quan điểm riêng trên cả báo chí chính thống lẫn trên mạng xã hội, hôm 4/6, khoảng 40 luật sư đã tổ chức tọa đàm tại trụ sở Liên đoàn Luật sư Việt Nam ở Hà Nội.
Luật sư Hoàng Văn Hướng, Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Hưng ở Hà Nội, cho VOA biết cuộc tọa đàm có mục đích thu nhận các ý kiến để gửi một kiến nghị “một cách tích cực” lên quốc hội, đề nghị xem lại dự thảo về khoản 3 điều 19 Bộ luật Hình sự. 

Theo ông Hướng, việc buộc luật sư tố cáo thân chủ là “hoàn toàn không đúng với tôn chỉ, mục đích của nghề”. Ông phân tích thêm về những điểm bất hợp lý:
“Nó cũng không phù hợp với bản Hiến pháp 2013 của Việt Nam. Mục tiêu của Hiến pháp là bảo vệ quyền con người. Quyền bào chữa và quyền được bào chữa là quyền của con người. Trên góc độ về khoa học pháp lý, chưa bao giờ vai trò của người bào chữa lại đi làm cùng một hướng với người thú tội. Và chúng tôi cũng có tìm hiểu luật của những nước đi trước, đã hoàn thiện, thường thường người ta chỉ điều chỉnh vai trò luật sư chỉ đưa vào quy tắc mẫu về đạo đức, chứ điều chỉnh hẳn bằng luật hình thức của hình sự thế này thì rõ ràng là không phù hợp”.

Tại cuộc tọa đàm, luật sư Đinh Việt Thanh, cũng thuộc Văn phòng Luật sư Hoàng Hưng, đã yêu cầu những luật sư đang là đại biểu quốc hội và lãnh đạo Liên đoàn Luật sư Việt nam “tìm mọi cách thuyết phục” quốc hội không thông qua điều luật dự thảo đang gây tranh cãi

Ông Thanh tuyên bố nếu quốc hội vẫn thông qua điều luật được gọi tắt là 19.3, ông sẽ trả thẻ hành nghề cho liên đoàn vì ông không muốn “làm điều thất đức”. Những người có mặt tại buổi tọa đàm cho VOA biết rất nhiều luật sư đã vỗ tay sau khi ông Thanh phát biểu. Có những luật sư cũng khẳng định sẽ làm như ông.
Luật sư Thanh nói rõ thêm về chính kiến của ông:

“Đoàn luật sư đại diện cho tôi. Nếu đoàn không bảo vệ được tôi thì tôi trả lại cho đoàn cái thẻ đoàn đã cấp cho tôi. Phản ứng của tôi là phản ứng đối với tổ chức nghề nghiệp của tôi. Đương nhiên khi nhà nước thông qua [điều 19.3], tôi thấy không phù hợp với tôi. Nếu pháp luật bắt buộc phải tham gia một đoàn luật sư thì mới được hành nghề luật sư, thế thì bây giờ tôi trả lại cho đoàn, có nghĩa là thôi. Nếu như vậy thì tôi hoạt động làm gì nữa, bởi vì cái điều đó mang lại rất là nhiều rủi ro cho tôi. Vì là luật sư, tôi nghĩ rằng mình phải có ý chí của mình. Mình không thể im lặng”.
Giới luật sư cho rằng nếu điều 19.3 được thông qua, đó sẽ là một “bước thụt lùi” trong nền tư pháp Việt Nam, dù trong hơn một thập niên trở lại đây hệ thống pháp luật Việt Nam được giới luật sư đánh giá là “đã hoàn thiện tương đối tốt”.

Trong các thảo luận trên mạng xã hội, một số người nêu ý kiến các luật sư có thể nộp đơn kiện chống lại điều luật mới, nếu nó được thông qua, với lập luận rằng nó trái Hiến pháp. 

Tuy nhiên, luật sư Hoàng Văn Hướng không lạc quan về khả năng này:
“Không thiết thực vì ở Việt Nam chưa có tòa Hiến pháp. Chắc chắn là không làm được. Không có phương pháp tài phán đối với cái vi hiến như thế này”. 

Theo các luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần đăng ký một cuộc gặp với Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, thậm chí có thể mời các nhà khoa học tham gia, để phân tích và thuyết phục phía Quốc hội cân nhắc.
Các luật sư khẳng định nếu so sánh với hầu hết các hệ thống luật pháp trên thế giới hiện nay, sẽ thấy việc ép luật sư phải tố cáo hành vi phạm tội của thân chủ là “lạc lõng” và “phi lý”. 

Họ nhấn mạnh rằng trong rất nhiều hệ thống tư pháp nước ngoài, việc trao đổi thông tin giữa luật sư và thân chủ được bảo vệ bởi “đặc quyền của mối quan hệ giữa luật sư và thân chủ”. Đặc quyền này bắt buộc luật sư phải bảo vệ thông tin của thân chủ một cách tuyệt đối. - VOA

15.
Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái xin lỗi ông Huỳnh Tấn Vinh

Thứ trưởng Bộ Văn hoá thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái nhận trách nhiệm về nội dung trong văn bản yêu cầu xử lý Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, ông Huỳnh Tấn Vinh về phát biểu tại một hội nghị liên quan phát triển du lịch tại Bán đảo Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng vào cuối tháng 5 vừa qua.
Trả lời một số báo chí trong nước ngày 5 tháng 6, ông Huỳnh Vĩnh Ái cho biết văn bản số 2383/BVHTTDL-TCDL ban hành ngày 2 tháng 6 có một số sai sót về nội dung và từ ngữ, khiến luận xã hội bức xúc. Do đó, Bộ đã có công văn thu hồi vào ngày 4 tháng 6.

Ông Huỳnh Vĩnh Ái nhấn mạnh rằng ông xin chịu trách nhiệm trước Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, xin lỗi Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng và cá nhân ông Huỳnh Tấn Vinh.
Ngày 2 tháng 6 vừa qua, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái, đại diện cho Bộ Văn hoá thể thao và du lịch đã ký một văn bản, nêu rõ tại tọa đàm "Phát triển du lịch bền vững khu du lịch quốc gia Sơn Trà"  hôm 30 tháng 5, ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội du lịch TP Đà Nẵng, đã phát biểu các ý kiến liên quan đến Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà "thiếu chính xác".

Nội dung "thiếu chính xác" được Bộ dẫn ra là ông Vinh nói quy hoạch Sơn Trà vi phạm các điều luật như: Luật Bảo vệ phát triển rừng, Luật đa dạng sinh học, Luật tài nguyên môi trường biển và hải đảo...
Hai ngày sau đó, chính ông Huỳnh Vĩnh Ái đã yêu cầu thu hồi văn bản.

Báo Dân trí dẫn lời đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân cho biết việc yêu cầu xử lý phát ngôn của ông Huỳnh Vĩnh Ái đối với Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Huỳnh Tấn Vinh là không đúng thẩm quyền lãnh đạo. - RFA

16.
Úc bỏ lệnh cấm nhập tôm tẩm ướt từ Việt Nam

Úc chính thức dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu tôm tẩm ướt và thịt tôm tẩm ướt vào nước này; và đây là hai mặt hàng tôm chủ lực của Việt Nam xuất sang Úc.
Tin trong nước ngày 5/6 cho biết đại diện Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên Úc ngày 29/5 vừa qua đã gửi quyết định này tới Cục Thú y Việt Nam.

Theo quyết định này, mặc dù lệnh cấm được gỡ bỏ nhưng Việt Nam vẫn cần đáp ứng các điều kiện nghiêm ngặt của Úc để có thể xuất khẩu các mặt hàng vừa nêu. Cụ thể là tôm tẩm ướt chưa nấu chín phải được chứng nhận không mang vi rút gây bệnh đốm trắng, bệnh đầu vàng và đáp ứng các yêu cầu trong dự thảo Giấy chứng nhận thú y.
Tin cho biết thêm là Úc sẽ kiểm dịch và xét nghiệm 100% các lô hàng tại cửa khẩu quốc gia này

Như vậy, kể từ khi ban hành lệnh tạm dừng nhập khẩu tôm của Việt Nam, Úc đã nới lỏng lệnh cấm đối với 7 sản phẩm. - RFA

17.
Phát triển kinh tế gây ô nhiễm môi trường đáng báo động

Giới chức môi trường Việt Nam vào ngày 5 tháng 6 tham gia Hội nghị đối thoại chính sách về môi trường và phát triển bền vững tại khu vực phía nam tổ chức ở Vũng Tàu.
Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên - Môi Trường Nguyễn Linh Ngọc phát biểu tại Hội nghị rằng Việt Nam đang chịu nhiều áp lực lớn từ các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội.

Báo trong nước dẫn lời ông Ngọc cho biết cụ thể cả nước có 67 khu công nghiệp, 532 cụm công nghiệp đang hoạt động chưa hoàn thành hệ thống xử lý nước thải tập trung, hơn 5000 làng nghề còn sử dụng công nghệ lạc hậu.
Theo ông Ngọc, Việt Nam còn nhiều các cơ sơ có nguy cơ ô nhiễm môi trường đang hoạt động, đặc biệt việc khai thác khoáng sản đã và đang gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, ô nhiễm nguồn nước do khí thải phát sinh trong quá trình khai thác.

Cũng trong buổi đối thoại, vấn đề sửa đổi hoàn thiện Luật Bảo vệ Môi trường được nhắc đến. - RFA

18.
Đoàn nghị sĩ Hoa Kỳ kết thúc chuyến thăm Việt Nam

Đoàn nghị sĩ Hoa Kỳ vừa có chuyến làm việc tại Việt Nam ra thông cáo về đợt công tác.
Theo thông cáo do ba thượng nghị sĩ John McCain, Chris Coons và John Barrasso đưa ra thì chuyến thăm được tiến hành trong bối cảnh có những diễn biến đáng ngại khu vực và những thách thức gia tăng tại vùng Biển Đông.

Trong những cuộc tiếp xúc với lãnh đạo Hà Nội gồm ông chủ tịch nước Trần Đại Quang, Bộ trưởng quốc phòng Ngô Xuân Lịch, chủ tịch Quốc hội Nguyễn thị Kim Ngân và những đại biểu Quốc hội khác; chính quyền Việt Nam nhấn mạnh với đoàn cam kết  tuân thủ luật pháp quốc tế và duy trì sự quân bằng quyền lực thuận lợi tại khu vực Châu Á- Thái bình Dương.
Đoàn nghị sĩ Hoa Kỳ tìm cách mở rộng hỗ trợ an ninh và hợp tác quốc phòng với phía Việt Nam. Đoàn cũng thảo luận những cách thức để tăng cường quan hệ thương mại, tăng tiến đầu tư nước ngoài, và vượt qua những rào cản mậu dịch gồm biện pháp loại bỏ chương trình điều tra cá da trơn tốn kém, nặng nề và gia tăng xuất khẩu thị bò, gia cầm Mỹ sang Việt Nam.

Thông cáo cũng cho biết đoàn phát biểu một cách thẳng thắn về tầm quan trọng của việc tôn trọng nhân quyền và khuyến khích nhà cầm quyền Việt Nam tuân thủ những cam kết quốc tế về các quyền tự do hội họp, lập hội.
Đoàn nhấn mạnh chính sự tiến bộ trong vấn đề vừa nêu sẽ giúp cho mối quan hệ Mỹ- Việt được gia tăng.

Đoàn bày tỏ hy vọng nhà cầm quyền Việt Nam sẽ trả tự do cho các tù nhân chính trị như luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài.
Thông cáo của đoàn nghị sĩ Hoa Kỳ nêu rõ điều đáng chú ý là vào khi các vị thượng nghị sĩ Mỹ đang có mặt tại Việt Nam thì chính quyền của tổng thống Donald Trump tuyên bố mong muốn làm sâu sắc thêm mối quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam sau chuyến công du của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Đoàn bày tỏ hy vọng trong tương lai Hoa Kỳ tiếp tục mở rộng mối quan hệ quân sự với Việt Nam và cùng làm việc chặt chẽ hỗ trợ cho quyền tự do hàng hải và hàng không tại khu vực Châu Á- Thái Bình Dương.

Đoàn nhắc lại chuyến lên thăm chiến hạm USS John McCain khi chiến hạm này đang trong chặng dừng kỹ thuật thường lệ tại Cảng Quốc tế Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam. Theo thông cáo thì sự hiện diện của chiến hạm này là một biểu tượng hòa giải giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Điều đó nhắc nhở cho các đồng minh cũng như kẻ thù về cam kết bền vững của Mỹ tại khu vực này. - RFA

19.
Little Saigon: Tạt nước vào mặt phó thị trưởng Westminster, nhà báo Minh Ngữ bị bắt

Nhà báo Minh Ngữ, sáng lập kiêm chủ bút tạp chí Tiểu Thuyết, bị cảnh sát bắt tối Thứ Sáu, 2 Tháng Sáu, sau khi tạt nước vào mặt Phó Thị Trưởng Westminster Tyler Diệp, ngay trước cửa nhà hàng Ngọc Sương, Westminster.
Trả lời phỏng vấn nhật báo Người Việt, ông Tyler Diệp kể: “Lúc đó, tôi vừa bước ra cửa nhà hàng thị bị bà Minh Ngữ tạt ly nước vào mặt tôi. Rồi bà nói bằng tiếng Anh: ‘Ông là người bất lịch sự. Tôi sẽ cho ông biết tay’ (You are impolite. I will take you down).”

“Thế là tôi gọi cảnh sát. Khi cảnh sát đến, họ phỏng vấn nhân chứng, nghe kể lại câu chuyện. Rồi họ phỏng vấn hai phía, nói là có đủ bằng chứng để bắt bà. Rồi họ còng tay bà đưa lên xe,” ông Tyler Diệp kể tiếp.

Khi được nhật báo Người Việt hỏi chuyện này, nhà báo Minh Ngữ cho biết: “Chúng tôi đang bị kiện, luật sư không cho phép nói gì cả.”

Tuy nhiên, trên trang báo Tiểu Thuyết được đăng trên trang Facebook của mình, nhà báo Minh Ngữ kể lại sự việc như sau: “Chuyện khó tin nhưng có thật. Khi chúng tôi tham dự buổi gây quỹ của Nghị Viên Kimberly Hồ tại nhà hàng Ngọc Sương tối Thứ Sáu, 2 Tháng Sáu, Nghị Viên Westminster Tyler Diệp gọi cảnh sát đến bắt chúng tôi, người tạt nước vào mặt hắn. Nhưng rồi, luật là luật, về trạm cảnh sát, ký nhận giấy phạt, và ra về…”
“Điều đáng nói ở đây, không phải ly nước làm hắn run sợ vì nguy hiểm cho tánh mạng để phải gọi cảnh sát, mà hắn muốn gọi cảnh sát ‘làm lớn chuyện’ trả thù cho các quan thầy từng bị báo Tiểu Thuyết vạch trần sự thật, không ngoài mục đích ‘dằn mặt người cầm viết trung thực,’” nhà báo này viết tiếp.

Nhà báo viết thêm: “Một tên thanh niên cao to lớn xác phải dùng hạ chiêu gọi cảnh sát đến mong bắt người đàn bà chân yếu tay mềm tuổi lớn hơn cả bố mẹ hắn. Đây có phải là chiêu thức ‘bịt mồm’ một cơ quan báo chí, của nghị viên thành phố Westminster, mang tên Tyler Diệp?”
“Vì người Việt chúng tôi luôn dồn phiếu cho người Việt trong đó có Tyler Diệp. Sau khi từ trạm cảnh sát Westminster về, tôi cảm thấy tiếc lá phiếu của mình cả đêm,” bài báo được viết tiếp.

Khi được hỏi tại sao phải gọi cảnh sát như bà Minh Ngữ chỉ trích, ông Tyler Diệp cho biết: “Tôi muốn cơ quan công lực truy tố việc này tới cùng vì không muốn có người khác trở thành nạn nhân của bà Minh Ngữ sau này.”
“Nếu chúng ta dung túng cách hành xử lưu manh của bà Minh Ngữ thì xã hội sẽ loạn và ai sẽ tuân thủ luật pháp nữa,” vị phó thị trưởng nói. - nguoiviet

20.
Mỹ thu hồi cá ngừ đông lạnh của Việt Nam và Philippines

Một số cá ngừ cắt khúc hay miếng cá nạc nhập cảng từ Việt Nam và Philippines vừa bị chính phủ Mỹ ra lệnh thu hồi khi xét nghiệm thấy chúng nhiễm viêm gan A.
Theo hãng tin AP, Cơ Quan Kiểm Soát Thực Phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho hay, công ty Hilo Fish Company có trụ sở tại Hawaii cho biết hồi Tháng Năm, họ đã thu hồi loại cá ngừ vây vàng (yellowfin tuna) sau khi xét nghiệm thấy chúng có viêm gan A mà họ nhập cảng từ công ty Sustainable Seafood Company của Việt Nam và công ty Santa Cruz Seafood Inc. tại Philippines.

Công ty Hilo đã phân phối tới các nơi bán lẻ và các tiệm ăn tại California, Texas và Oklahoma. Dù sao, FDA cho biết chưa thấy có báo cáo nào liên quan đến bệnh gây ra từ việc ăn các lô cá đã phân phối kể trên.

Hilo đã thu hồi những sản phẩm đông lạnh được ghi ký hiệu lô 627152 (loại thịt cá nạc 8 ounce) và ký hiệu lô 705342 (cá ngừ cắt khúc) mà mỗi hộp cân nặng 15 pound.
Viêm gan A, theo Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Bệnh tại Atlanta, có thể lây truyền qua thực phẩm và qua sự tiếp xúc với da. - nguoiviet

Link:



Không có nhận xét nào: