Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 5 tháng 6, 2017

Người giàu ở Hà Nội tìm đường sang Mỹ

HÀ NỘI (NV) – Trong bối cảnh nợ công của Việt Nam sắp vượt trần, phân hóa giàu-nghèo ngày càng cách biệt, đời sống xã hội có nhiều rủi ro, giới giàu có ở Hà Nội đang ráo riết tìm đường định cư ở Mỹ để bảo toàn khối tài sản.<!>  
Sự chênh lệch giàu nghèo thể hiện rõ trên đường phố Hà Nội như trong hình một người buôn gánh bán bưng đi ngang qua cửa hàng thời trang nổi tiếng thế giới Louis Vuitton. (Hình: Getty Images)
Hào nhoáng và bất an
Có mặt tại Hà Nội trong những ngày này, người ta không khó để bắt gặp những chiếc xe BMW, Bentley, Roll-Royce bóng lộn, trị giá cả vài trăm ngàn đô la xuất hiện ngạo nghễ trên những con phố chật hẹp. Nhưng trong tầm mắt của du khách cũng có cả những người buôn thúng, bán bưng chật vật với chuyện kiếm được dăm ba chục ngàn đồng mỗi ngày. Quang cảnh khiến người ta nhớ đến khái niệm “phồn vinh giả tạo” mà một nhà thơ đã dùng để miêu tả thời thế. 
Con đường dẫn vào khu Ciputra ở phía Tây Bắc của Hà Nội, cách trung tâm thành phố khoảng 10 km, khiến tôi có cảm giác như mình mới lạc vào một vương quốc của người giàu. Những chiếc xe hơi hạng sang như Roll Royce đậu trước mỗi nhà. Được biết mỗi khu là một tập thể nhà giàu có cùng điểm chung: cùng là “soái Nga” (từng làm ăn lớn ở Nga) hoặc dân Mộc Châu-Lạng Sơn, hoặc cùng ngành công an, thuế vụ…
An ninh của khu này được bảo đảm với những vòng bảo vệ nghiêm ngặt nên không có chuyện xe sang để ngoài đường bị bẻ kính chiếu hậu, ăn cắp vặt.
Người bạn dẫn đường là thổ địa tiết lộ, giá nhà biệt thự ở đây bét nhất từ 45 tỷ đồng, tức hơn $2 triệu/căn. Chuyện một cư dân Ciputra sở hữu cùng lúc ba, bốn căn biệt thự, chưa kể một, hai căn nhà ở phố cổ trị giá triệu Mỹ kim là việc hết sức bình thường.
Mà Hà Nội bây giờ không chỉ có mình Ciputra, người ta có thể kể thêm một loạt những The Manor, Indochina, Pacific Palace, Golden West Lake… như là minh chứng về đẳng cấp của giới thượng lưu tại thủ đô.
Nhưng đằng sau vẻ hào nhoáng ấy có khi là tâm thế bất an trước thời cuộc. Rất kín kẽ khi đề cập đến chuyện làm ăn, nhưng một nhà giàu mà tôi có dịp tiếp xúc bộc lộ mối quan ngại về rủi ro mà nguyên văn lời ông ta là “báo động đỏ.”
“Nói thật với chú, tôi có nhiều tiền mà chẳng biết làm gì cho hết, tiền nhà cho thuê tại các con phố trung tâm lại dùng để mua đất và tích lũy. Hai đứa con đi học ở Canada, vợ chồng tôi có đi du lịch Châu Âu mỗi năm vài ba chuyến cũng chẳng hết tiền,” vị này nói.
Tôi tin là ông ta nói thật, chứ không khoe mẽ như một số vị đại gia nửa mùa khoe khoang ảnh ăn tiệc cá anh vũ với giá 3 triệu đồng, tức $150/kg trên mạng xã hội để chứng tỏ đẳng cấp hơn người.
Vấn đề cấp bách của vị doanh nhân này cũng như nhiều đại gia kín kẽ khác tại Hà Nội là tìm hiểu cách thức chuyển tiền qua Thụy Sĩ và có thẻ xanh vào Mỹ, cũng như bảo toàn khối tài sản của họ.
Người đàn ông ở tuổi trung niên này bày tỏ rằng ông không tin vào hệ thống ngân hàng trong nước, những cuốn sổ tiết kiệm với dãy số hàng chục con số không có nguy cơ trở thành tờ giấy lộn kể cả bất động sản cũng thành bã trong tình hình này.
Công ty môi giới định cư ăn nên làm ra
Tuy đề nghị không nêu tên thật trên mặt báo nhưng một chuyên gia báo chí làm việc tại đại sứ quán một nước phương Tây ở Hà Nội thẳng thắn cho biết, “Chưa bao giờ khoảng cách giàu nghèo tại Hà Nội trở nên rõ rệt như lúc này. Điều này dễ dàng nhận thấy qua nhà đất, ăn uống và y tế. Người giàu ở nhà to đẹp, có bảo vệ, mỗi mét vuông tính bằng ngàn Mỹ kim. Họ ăn thực phẩm sạch hoặc dùng hàng nhập cảng. Họ đi chữa bệnh ở các bệnh viện quốc tế hoặc ra nước ngoài điều trị.
“Những người giàu nhờ có chức vụ cao trong chính quyền hoặc tham gia buôn bán chính sách thường cho cho con cái đi học ở nước ngoài chứ không làm thẻ xanh đi Mỹ vì họ phải tỏ ra trung thành với chính quyền.”
Theo chuyên gia nêu trên, những người giàu do làm ăn buôn bán tại Hà Nội có thể chia làm hai nhóm: Một tin rằng các điều kiện ở Việt Nam vẫn tốt và Đảng Cộng Sản sẽ còn tồn tại lâu dài. Nhóm còn lại thì bi quan trước thực tại nên tìm cách lo cho cả gia đình ra nước ngoài thông qua các chương trình đầu tư định cư.
 Chơi golf là một trong những thú tiêu khiển mới của người giàu có ở Hà Nội. (Hình: Getty Images)
Bản thân vị chuyên gia này cũng tin rằng nhóm thứ hai mới là nhóm đa số. Bởi trong bối cảnh mỗi ngày mở báo ra đọc là thấy tin chém giết, thực phẩm bẩn, hối lộ, tham nhũng tràn lan, người ta thật khó để bình tĩnh và lạc quan về tương lai của con em mình, nhất là khi họ có điều kiện tài chính để chọn lựa cơ hội đổi đời.
Vị chuyên gia báo chí cũng cho rằng một khi không còn kỳ vọng về sự thay đổi tốt đẹp hơn tại Việt Nam, sẽ ngày càng có nhiều người muốn có cơ hội lấy thẻ xanh vào Mỹ hoặc Canada, nên những công ty môi giới định cư sẽ phát đạt.
Mỹ là miền đất hứa
Điều này được minh chứng trong thực tế. Gần đây, các buổi hội thảo giới thiệu chương trình đầu tư định cư EB-5 lấy thẻ xanh Mỹ được tổ chức dồn dập ngay tại thủ đô Hà Nội và thường không còn một chỗ trống.
Bình quân sau mỗi buổi hội thảo, công ty định cư làm thủ tục cho hàng chục khách hàng với phí dịch vụ khoảng hơn $40,000/1 trường hợp.
Tuy vậy, theo một doanh nhân làm lĩnh vực môi giới định cư cho biết thách thức lớn nhất đối với công ty ông và các luật sư đối tác là chứng minh nguồn gốc tài sản của khách hàng.
Thực tế, trong số những người giàu nứt đố đổ vách tại Hà Nội hoặc được tôn vinh trong danh sách doanh nhân tiêu biểu của Việt Nam hàng năm, sẽ thật khó tìm một nhân vật tay trắng làm nên hoặc làm giàu một cách minh bạch, đóng thuế đầy đủ. Những yếu tố này khiến họ không thể minh bạch nguồn gốc tài sản và nguồn tiền trong quá trình làm thủ tục đầu tư định cư.
Cái khó ló cái khôn, trước khi chính danh tham gia chương trình EB-5 để lấy thẻ xanh tại Mỹ, các đại gia Hà Nội đang được những công ty môi giới định cư mách nước cho chiêu thức đảm bảo tài sản bằng cách tham gia đầu tư sang nước ngoài, chẳng hạn Singapore, Hồng Kông…
Tại thời điểm này, thị trường môi giới định cư đang nở rộ, các công ty làm dịch vụ này phải cạnh tranh gay gắt để thu hút khách hàng. Do vậy, thị phần khách Hà Nội được xem là béo bở tuy không dễ nuốt vì vấn đề “họ giàu thì quá giàu nhưng khó có thể biết nguồn tiền họ kiếm được ở đâu ra.
Khi dân Hà Nội không “chịu” dân Hà Nội
Giám đốc một công ty môi giới dịch vụ định cư ở Mỹ có văn phòng tại Sài Gòn tiết lộ, khách hàng tại Hà Nội của ông thường không chịu nhân viên người Hà Nội làm tại chi nhánh ở thủ đô tư vấn với lý do, “Nhìn mặt và nghe giọng không đáng tin cậy!
Họ đòi nhân viên từ Sài Gòn, nói giọng miền Nam gọi điện ra hoặc họ bay vào Sài Gòn tư vấn trực tiếp. Mặt khác, khi nhân viên tư vấn hỏi về nguồn tiền, câu trả lời quen thuộc của khách hàng tại Hà Nội là, “Tiền do ông bà để lại” hoặc “Hồi trước, tôi đi Nga về.”
Vẫn theo vị giám đốc này, “cách hành xử, thái độ trịch thượng của khách hàng Hà Nội cũng dễ khiến người ta liên tưởng đến tầng lớp trưởng giả Trung Quốc hiện nay.” 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét