Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 26 tháng 6, 2017

Hoa Kỳ làm gì Bắc Hàn? - Nguyễn Đạt Thịnh

Inline images 1

Hoa Kỳ cần làm gì để dạy Bắc Hàn một bài học đích đáng về trách nhiệm của người cầm quyền đối với sinh mạng của người khác, và bài học thứ nhì về nhu cầu nể mặt Hoa Kỳ -siêu cường mạnh nhất thế giới?
<!>
Câu hỏi tưởng là dễ, mà vẫn đang làm những khối óc chính trị và chiến lược lỗi lạc Hoa Thịnh Đốn bối rối; nghị sĩ lão thành nhưng trực tính John McCain phổ biến một bản tuyên ngôn ngay hôm 20 tháng Sáu, 2017 -một ngày sau cái chết của anh Otto Warmbier -một sinh viên 22 tuổi, học trường University of Virginia.

Qua văn kiện này, ông McCain tuyên bố, “Hoa Kỳ không nên, và cũng không thể để mặc một quyền lực thù nghịch sát hại công dân Hoa Kỳ.” Ông nói như vậy để chỉ trích thái độ “all talk and no action” của chính phủ Mỹ, sau cái chết của Warmbier. 

Bản tuyên ngôn viết tiếp, “Cần nói rõ mọi sự kiện: Warmbier -công dân Hoa Kỳ- bị chế độ Kim Jong-un cố sát. Trong những năm tháng cuối cùng của cuộc sống, Warmbier phải chia với người dân Bắc Hàn cơn ác mộng dài 70 năm của họ: cưỡng bách lao động, đói khát tập thể, tàn bạo có hệ thống, và giết người vô tội vạ.”

Từ hơn một năm trước, Warmbier đã bị hôn mê, rồi chết hôm thứ Hai, 19 tháng Sáu, 2017, sau khi được phóng thích và tản thương về Hoa Kỳ trước đó sáu ngày.
  
alt
Nghị Sĩ John McCain tuyên bố, “Hoa Kỳ không nên, và cũng không thể  để mặc một quyền lực thù nghịch sát hại công dân Hoa Kỳ.”

alt
Otto Warmbier bị Bắc Hàn bắt đầu năm 2016.

Warmbier bị giam 18 tháng trong bản án tù 15 năm về tội gỡ một tấm bích chương tuyên truyền trong khách sạn anh ở, để đem về Mỹ làm kỷ niệm.

Giải thích cái chết của Warmier, Bắc Hàn nói anh bị ngộ độc, uống một viên thuốc ngủ rồi hôn mê luôn suốt nhiều tháng trời. Các bác sĩ Mỹ tại Trung Tâm Y Khoa của trường University of Cincinnati chăm sóc anh sau khi anh được đưa về Mỹ, nói họ không thấy dấu hiệu ngộ độc, mà chỉ thấy anh mất nhiều lớp quanh óc.

Trong một bản thông báo gia đình Warmbier cho biết, ngay khi về đến nhà, anh đã không nói được nữa, không nhìn thấy gì cả, và không đáp ứng được những khẩu lệnh bảo anh chớp mắt, hay giở ngón tay lên.
Hôm thứ Ba, 20 tháng 6, 2017, Tổng Thống Trump gọi việc Bắc Hàn đối xử với Warmbier là một điều “điếm nhục,” và đánh giá sự can thiệp của Bắc Kinh là không hiệu quả chút nào cả.

Ông viết tweet, “Mặc dù tôi cảm kích trước những cố gắng của chủ tịch Tập Cận Bình và của Trung Quốc giúp tôi giải quyết những khó khăn Bắc Hàn, nhưng thiện chí đó không kết quả; tuy nhiên tôi vẫn nhìn nhận là Trung Quốc có thiện chí.”

Quần chúng phẫn nộ đòi chính phủ Trump trừng phạt Bắc Hàn, nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng, sau một vài tháng mọi nóng giận về cái chết của Warmbier dư luận sẽ dịu xuống, và Hoa Thịnh Đốn chỉ còn cần thúc đẩy Bình Nhưỡng trả tự do cho ba công dân Mỹ họ còn đang giam giữ.
Ông Christopher R. Hill, nguyên thứ trưởng Ngoại Giao, đặc trách vùng Đông Á, và đã từng giữ trách nhiệm trưởng đoàn thương thuyết Hoa Kỳ trong cuộc hội đàm sáu quốc gia nhắm giải giới nguyên tử Bắc Hàn, cho là Hoa Kỳ cần đòi Bắc Hàn tường thuật đầy đủ về cái chết của Warmbier.
 
alt
Nguyên thứ trưởng Ngoại Giao Christopher R. Hill
Nếu Hoa Kỳ không quyết liệt, Bắc Hàn sẽ làm lơ, bỏ qua cái chết của anh thanh niên mới 21 tuổi lúc bị bắt. Bản tường thuật của Bắc Hàn phải minh bạch về những địa điểm giam giữ Warmbier, về thời điểm anh bắt đầu ngã bệnh, và phương thức chữa trị.

Trả lời câu hỏi, “Hoa Kỳ có nên sử dụng phương tiện quân sự, nếu Bắc Hàn không cộng tác trong cuộc điều tra về cái chết của Warmbier không?” ông Hill nói Hoa Kỳ có thế đứng chính danh trong một cuộc tấn công như vậy; tuy nhiên, Bắc Hàn vẫn có khả năng trả đũa bằng cách tấn công Nam Hàn, và lôi kéo Hoa Kỳ vào một cuộc chiến tranh lớn như đã xảy ra trong những năm 1950-1953.

Dĩ nhiên Bắc Hàn cũng biết những khó khăn của Hoa Kỳ; nên họ vẫn tiếp tục khiêu khích -hôm thứ Năm, 22 tháng 6, một viên chức Hoa Kỳ cho phóng viên Reuters biết là ba ngày sau cái chết của Warmbier, họ lại bắn thử một hỏa tiễn tầm xa, mà họ vẫn rêu rao là có tầm bắn đủ xa, để vói tới lãnh thổ Mỹ.
Hành động khiêu khích của Bắc Hàn khiến Tổng Thống Trump phải cảnh cáo là một cuộc “xung đột lớn, vô cùng lớn” có thể xảy ra, vì những cuộc thử nghiệm hỏa tiễn đó; tuy nhiên những viên chức thân cận tổng thống vẫn cho rằng nên sử dụng những biện pháp trừng phạt nặng nề hơn, chứ không nên dùng giải pháp quân sự.
Nhưng cơ quan DIA (Defense Intelligence Agency -Tình Báo Quân sự) lại chủ trương phải tấn công Bắc Hàn; họ tường trình với Quốc Hội là nếu không có biện pháp kềm hãm, thì việc Bắc Hàn có khả năng bắn hỏa tiễn nguyên tử vào đất liền Hoa Kỳ là việc không thể tránh.

Khoảng cách giữa Bắc Hàn và bờ biển Hoa Kỳ là 5,600 dặm (9,000 cây số); loại hỏa tiễn Bắc Hàn đang thử nghiệm là loại ICBM (intercontinental ballistic missile-hỏa tiễn liên lục địa) có tầm bắn tối thiểu 5,500 cây số (3,400 dặm). Tầm bắn có thể xa đến 6,200 dặm (10,000 cây số), hoặc xa hơn nữa.
Tháng trước Tướng Bộ Trưởng Quốc Phòng Jim Mattis nhận định là chiến tranh với Bắc Hàn -nếu không tránh được- sẽ là một “thảm kịch xảy ra trên một quy mô không thể nào tưởng tượng được.”
Không tấn công thì chỉ còn cách thương lượng, nhưng giải pháp thương lượng, đem quyền lợi vật chất đánh đổi lấy hứa hẹn của Bắc Hàn buông bỏ tham vọng nguyên tử đã được thế giới kiên nhẫn theo đuổi nhiều năm, mà vẫn vô hiệu quả.

Tình hình căng thẳng đến mức nghẹt thở; 28,500 quân Mỹ đang trấn đóng tại Yongsan, Seoul dưới quyền tư lệnh của tướng Vincent K. Brooks- chỉ có một tiếng đồng hồ để phản ứng, nếu quân Bắc Hàn lại vượt vùng phi chiến tại vĩ tuyến 38, như họ đã vượt năm 1950 để tấn công Nam Hàn.

alt
Trại Yongsan Garrison chỉ cách vĩ tuyến 38, và những giàn hỏa tiễn Bắc Hàn có một tiếng đồng hồ lái xe.
alt
Ngay phía Bắc vùng “phi quân sự,” Bắc Hàn bố trí hàng ngàn khẩu đại pháo sẵn sàng pháo kích Miền Nam. Một số pháo đội được ngụy trang, nhiều pháo đội khác ràng ràng đặt lộ thiên như để triển lãm khả năng tấn công của Bắc Hàn.
Có thể nói căn cứ quân sự Yongsan của Mỹ và 24 triệu cư dân Seoul nằm trong tầm pháo kích của Bắc Hàn; và yếu tố đó không khuyến khích giải pháp tấn công Bắc Hàn.
Không tấn công được, thương thuyết cũng không được, thì Hoa Kỳ còn có thể làm gì Bắc Hàn để ra khỏi bế tắc hiện tại?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét