Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 27 tháng 6, 2017

hai dầu "thần dược" trị bách bệnh từng khiến người Sài Gòn mê mẩn

Dầu Nhị Thiên Đường,Sài Gòn xưa,dầu gió
Một cây cầu, nhiều giai thoại
Cây cầu Nhị Thiên Đường mới (quận 8, TP.HCM) với nhiều làn xe xuôi ngược. Bên cạnh nó, mặc dù đã bị đập bỏ nhưng vẫn còn dấu tích của cây cầu cũ. Cầu Nhị Thiên Đường cũ xây dựng từ năm 1925 bởi nhà thầu Vallois-Perret. Cầu bắc ngang kênh Đôi, nối liền trục giao thông từ Cần Giuộc về Sài Gòn. Cái tên của cây cầu này gắn với khá nhiều giai thoại. Thuở ấy, tại Sài Gòn có một nhà thuốc đã sản xuất ra loại dầu gió mang tên dầu Nhị Thiên Đường. <!>
Xưởng sản xuất nằm trên đường Trần Hưng Đạo nhưng công nhân đa số cư ngụ phía bên kia bờ kênh Đôi. Mỗi buổi sáng đi làm hay chiều về, công nhân đều phải qua kênh bằng những chuyến đò ngang mất thời gian và cũng rất nguy hiểm.
Ông chủ hãng dầu Nhị Thiên Đường đã mạnh dạn đề xuất với chính quyền bỏ tiền ra xây cây cầu này để thuận tiện cho người dân và cho chính công nhân của mình qua lại.
Cũng có giai thoại cho rằng chính quyền đứng ra xây dựng. Trong quá trình thi công có lẽ thiếu vốn nên họ mới vận động ông chủ Nhị Thiên Đường góp vốn để hoàn thành. Đổi lại cây cầu được mang tên cầu Nhị Thiên Đường...
Cây cầu đã hiện diện tại mảnh đất Sài Gòn này xấp xỉ 100 năm. Cái tên của nó cũng làm cho chúng ta nhớ lại thời hoàng kim của một loại dầu gió mà mãi sau này mới có địch thủ xứng tầm, dầu khuynh diệp bác sĩ Tín.
Dầu gió Nhị Thiên đường là sản phẩm của nhà thuốc đông y Nhị Thiên đường ở tại địa chỉ 47 Canton (nay là đường Triệu Quang Phục, quận 5). Ban đầu, chủ nhân người họ Vi, gốc Quảng Đông (Trung Quốc) bào chế ra dầu nhằm lưu hành trong giới người Hoa ở Chợ Lớn. 
Thế nhưng sau đó, trong các sản phẩm do nhà thuốc bào chế, dầu gió Nhị Thiên đường được tín nhiệm nhiều hơn hết. 
Thị trường được mở rộng, Nhị Thiên Đường không những có mặt trên toàn quốc mà còn được xuất sang các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Chai dầu trị bá bệnh
Chúng tôi đến trước căn nhà số 47, đường Triệu Quang Phục (quận 5). Nhà nằm trong dãy phố liền kề với một trệt 2 lầu, vẫn còn nguyên vẹn dáng dấp cũ xưa. 
Nơi đây - vào những năm đầu thế kỷ 20 - là tiệm thuốc đông y Nhị Thiên Đường. Từ cánh cửa, từ lan can và ngay cả vôi vữa xây dựng đều ghi đậm dấu ấn của thời gian.
Cách đây vài năm, chủ mới của căn nhà đã đục bỏ 3 chữ Nhị Thiên Đường bằng tiếng Hoa ngay trên mặt tiền của tầng 3.
Chúng tôi tìm hiểu về loại dầu gió này và được một bà cụ bán nước gần đó cho biết: "Có thể nói đây là một loại dầu có công hiệu trị được bá bệnh. Những lần đau răng, chỉ cần lấy que tăm bông chấm vào dầu rồi bôi vào lỗ răng sâu. Cơn đau sẽ nhanh chóng được đẩy lùi. 
Không phải chỉ xoa ngoài da, nếu trúng thực cho vài giọt vào ly nước nóng uống. Cần xông hơi, người dân nhỏ vài giọt dầu vào nồi nước sôi là thay thế được lá xông. Hồi ấy, thường thì ai cũng bỏ trong túi một chai dầu Nhị Thiên Đường để phòng khi có sự cố xảy ra".
Trầm ngâm một lát, bà kể tiếp: "Ngày trước những bệnh như cảm cúm được chữa bằng cạo gió, xoa dầu Nhị Thiên đường. 
Tôi vẫn còn nhớ, có lần tôi bị ốm. Chị tôi quẹt một chút dầu vào đầu lưỡi của tôi rồi chị bôi tiếp xuống cuống họng đến sau ót. Chưa dừng lại, chị thoa dầu rồi chà xát mạnh ở vùng ngực, rồi sau lưng.
Dầu Nhị Thiên Đường,Sài Gòn xưa,dầu gió
Trước kia, phía trước lầu 3 có 3 chữ Nhị Thiên Đường bằng tiếng Hoa. Nay đã bị chủ mới đục bỏ. (Ảnh: Nguyễn Minh Vũ/Plo.vn)
Sau đó, chị bắt đầu xoa bóp. Bàn tay của chị xoa đến đâu thoải mái đến đó. Nhờ bàn tay của chị, nhờ sức nóng của dầu Nhị Thiên đường, bao nhiêu cảm cúm trong người như tan biến. Chị tiếp tục cạo gió cho tôi. 
Đồng xu bằng bạc trong tay chị thoăn thoắt đi trên lưng tôi. Tôi lịm dần vào giấc ngủ lúc nào không hay.
Sáng hôm sau tôi thức dậy. Mùi dầu Nhị Thiên đường còn tỏa khắp nhà. Trong người, tôi cảm thấy nhẹ nhõm và khỏe hẳn".
Nói đến dầu gió Nhị Thiên đường những người đứng tuổi không ai không biết. Hiện nay dầu này không còn sản xuất ở Việt Nam nữa nhưng dư âm của nó đến nay vẫn đọng lại.
Chiêu quảng cáo độc đáo
Để đưa được sản phẩm đến với mọi người, ông chủ Nhị Thiên Đường đã sử dụng một cách quảng cáo độc đáo. 
Ngoài đăng quảng cáo trên báo, áp phích, ông chủ này còn nhờ các nhà trí thức trong đó có các nhà văn viết ra một bộ sách gọi là "Vệ sinh chỉ nam" với cả 3 ngôn ngữ là Việt, Hoa và Pháp.
  
Mở cuốn sách bên trong đầy hình ảnh kèm theo những lời thuyết minh cho các loại thuốc, cao đơn hoàn tán. Bên cạnh các trang quảng cáo là những bài thơ, những đoạn văn thậm chí có những trích đoạn các tác phẩm nổi tiếng như Lục Vân Tiên, Nghĩa hiệp kỳ duyên - vốn là những tiểu thuyết ăn khách lúc bấy giờ.
Lúc đầu, "Vệ sinh chỉ nam" chỉ để tặng, không bán. Nhưng sau đó, lượng người xin để đọc quá nhiều, buộc lòng ông chủ Nhị Thiên đường phải in thêm và bán với giá rất rẻ để thu hồi lại chi phí in ấn.
Cách quảng cáo của ông chủ Nhị Thiên đường đã có kết quả hơn cả mong đợi. Bên cạnh đó, văn chương chữ quốc ngữ bình dân có cơ hội phát triển cực kỳ phong phú và được phổ biến rộng khắp trong mọi tầng lớp dân chúng. 

Inline image 3
Inline image 1
Inline image 2
Cầu Nhị Thiên Đường 1 tại quận 8, TP.HCM được xây dựng từ thời Pháp, có niên đại gần 100 năm.
“Nhứt dương chỉ, Nhị Thiên Đường, Tam Tông miếu, Tứ đổ tường, Ngũ vị hương, Lục tàu xá” là câu “thiệu” của dân bài bạc, không phải nói về cây cầu mà ám chỉ chai dầu gió trị tứ thời cảm mạo. Trước khi có cầu Nhị Thiên Đường đã có một hãng dầu và kho gạo mang tên Nhị Thiên Đường nằm tại đây. Nhà thuốc Nhị Thiên Đường là một hiệu thuốc của người Quảng Đông có trụ sở tại Singapore, Mã Lai và Việt Nam. Bán gạo thì không nghe bà con nhắc đến nhiều nhưng chai dầu gió thì cực kỳ nổi tiếng trong vài thập niên đầu của thế kỷ 20. Theo lời kể từ xưa, lúc đó kênh đôi Tàu Hũ, nối liền nội đô với vùng phụ cận, với huyện Cần Đước (Long An) qua Gò Công về các tỉnh miền Tây, người dân thường phải đi đò. Ông chủ Nhị Thiên Đường thấy dân chúng khổ cực bèn bỏ tiền ra xây cầu. Nhưng cũng có ý kiến khác là ông chủ hãng dầu này “xã hội hóa” cùng chính phủ Pháp để xây cầu. Không biết thông tin nào chính xác nhưng chắc nhứt là dưới chân Cầu Mới (tên đầu tiên của cây cầu) có hãng dầu Nhị Thiên Đường. Và cây cầu này được bà con chạy qua chạy lại trên cầu thuận miệng gọi nên “chết tên”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét