Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 29 tháng 5, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Hai 29/5 Lê Minh Nguyên

Pháp-Nga: Macron tiếp Putin tại lâu đài Versailles
Nhân lễ khánh thành cuộc triển lãm đánh dấu 300 năm quan hệ Pháp-Nga, tổng thống Emmanuel Macron ngày 29/05/2017 tiếp đồng nhiệm Vladimir Putin tại lâu đài Versailles. Buổi làm việc đầu tiên giữa nguyên thủ hai nước diễn ra trong bối cảnh quan hệ Paris-Matxcơva xấu đi nghiêm trọng vì hai hồ sơ Ukraina và Syria.<!>
Theo chương trình nghị sự, vào trưa nay tổng thống Pháp Emmanuel Macron và lãnh đạo Nga, Vladimir Putin làm việc chung trong vòng 40 phút trước khi họp báo. Sau đó nguyên thủ hai nước cùng khánh thành triển lãm về vị hoàng đế Nga, Pierre Đệ Nhất (1672-1725), nhân kỷ niệm 300 năm vị Sa Hoàng này đến cung điện Versailles.
Một ngày trước khi tiếp lãnh đạo Nga, phủ tổng thống Pháp cho biết đôi bên sẽ đề cập đến "tất cả mọi vấn đề một cách thẳng thắn". Về phía Matxcơva, công luận Nga hài lòng trước việc tổng thống Putin được tiếp đón trọng thể tại lâu đài Versailles, biểu tượng lịch sử của nước Pháp và cũng là nơi chiếm một vị trí quan trọng hàng đầu trong chính sách đối ngoại qua các đời tổng thống Pháp.

Từ thủ đô Matxcơva thông tín viên đài RFI Muriel Pomponne : 

" Lễ tiếp đón trọng thể tại lâu đài Versailles, gắn liền chuyến viếng thăm của tổng thống Nga với Pierre Đại Đế : báo chí Nga xem đây là một vinh dự lớn nước Pháp dành cho tổng thống Vladimir Putin. Nhật báo MK thậm chí còn bình luận tổng thống Emmanuel Macron tiếp đón đồng nhiệm Nga với tất cả sự trân trọng dành cho một nguyên thủ thuộc hàng cha chú. Vẫn theo tờ báo này, Pierre Đại Đế với Vladimir Putin là hai người mở cửa, đưa nước Nga đến với Châu Âu. 

Báo chí chính thức của Nga tiếc là quan hệ giữa Matxcơva với Châu Âu đã xấu đi nhiều trong ba năm qua, tuy nhiên các tờ báo Nga tuyệt nhiên không đả động đến nguyên nhân dẫn tới tình trạng đó. 
Cố vấn ngoại giao của điện Kremlin nhắc lại, tổng thống Pháp tiếp đồng nhiệm Nga trong khuôn khổ một cuộc gặp không chính thức. Không một văn bản nào sẽ được ký kết. Do vậy, không thể chờ đợi một số tiến triển trên các hồ sơ lớn, chẳng hạn như là liên quan đến Ukraina hay Syria, vốn gây bất đồng nghiêm trọng giữa Paris và Matxcơva. Có khả năng, đôi bên sẽ đưa ra một vài tuyên bố chung trên vấn đề Lybia, chống khủng bố, hay một vài tiến bộ trong quan hệ song phương.

Nga xem việc tổng thống Pháp Emmanuel Macron mời tổng thống Putin như một bằng chứng cụ thể cho thấy Paris đang khẳng định một sự độc lập với Berlin và Washington. 

Đại sứ Nga tại Paris, Alexander Orlov, người đã thường xuyên tiếp bà Marine Le Pen ứng cử viên tổng thống Pháp đại diện cho đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia, giờ đây không ngớt lời khen ngợi nguyên thủ Pháp, là một vị tổng thống 'có khả năng và xuất sắc' ". - RFI
|
2.
Angela Merkel: Châu Âu hãy tự nắm lấy vận mệnh của mình

Sau khi dự thượng đỉnh NATO và G7 trở về, thủ tướng Đức Angela Merkel, ngày hôm qua, 28/05/2017, từ thành phố Munich, đã kêu gọi châu Âu hãy tự nắm lấy vận mệnh của mình, hàm ý bày tỏ sự thất vọng về mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và châu Âu dưới thời tổng thống Donald Trump.
Từ Berlin, thông tín viên Pascal Thibaut gửi về bài tường trình :

Angela Merkel, rất ủng hộ quan hệ châu Âu-Hoa Kỳ, là người gốc Đông Đức cũ. Trước đây, khi ở bên kia bức tường Berlin, bà đã từng mơ tưởng đến một nước Mỹ biểu tượng cho tự do. Giờ đây, bà gần giống như kẻ si tình bị hắt hủi. Và thủ tướng Đức đã bày tỏ thái độ này với những từ ngữ mà bà không dùng bao giờ.
Sau khi thượng đỉnh G7 ở Sicilia, Ý chỉ đạt được kết quả tối thiểu, hôm thứ Bẩy, 27/05, bà đã công khai bày tỏ sự thất vọng.

Hôm qua, Angela Merkel, trong tư cách như một chuyên gia đã xử lý được các cuộc khủng hoảng trong những năm gần đây, bất chấp sự phức tạp của cơ chế châu Âu, đã khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của bà đối với châu Âu. Bà nói : "Thời kỳ mà chúng ta có thể trông cậy vào những nước khác, hầu như đã qua rồi. Châu Âu phải tự nắm lấy vận mệnh của mình".
Một nhật báo Đức, hôm qua (28/05), nói đến một kế hoạch bí mật của thủ tướng Đức về việc đẩy mạnh hội nhập.

Châu Âu có thể đóng vai trò trung tâm trong chiến dịch vận động tranh cử sắp tới của bà Merkel và lại một lần nữa, thủ tướng Đức sẽ chiếm giữ chủ đề này vốn là một trong những nội dung tranh cử của đảng Xã Hội Dân Chủ. Năm nay, đảng này vận động tranh cử dưới sự lãnh đạo của ông Martin Schulz, cựu chủ tịch Nghị Viện Châu Âu.
Đối mặt với một đồng minh Mỹ kém khả tín, Angela Merkel muốn thúc đẩy châu Âu tiến nhanh, trong lúc công luận Đức mong muốn một châu Âu vững mạnh và Berlin có một đồng minh mới ở điện Elysée, Pháp. - RFI

3.
Bắc Hàn thử tên lửa lần thứ ba trong ba tuần

Bắc Hàn bắn tên lửa dường như là loại đạn đạo tầm ngắn và đây là lần thử thứ ba trong ba tuần.
Tên lửa Scud bay được khoảng 450km trước khi rơi ngoài khơi, quân đội Nam Hàn cho biết.
Giới quan sát cho hay, các vụ thử cho thấy Bắc Hàn có tiến triển về các tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Bắc Hàn nhiều lần thách thức nghị quyết của Liên Hiệp Quốc cấm nước này tiến hành hoạt động hạt nhân và tên lửa.

Nhật phản đối vụ thử mới nhất mà Tokyo nói đã rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của họ.

Bắc Hàn có một kho dự trữ các tên lửa Scud tầm ngắn do Xô viết phát triển. Các phiên bản cải tiến của tên lửa Scud có thể có tầm bắn 1.000 km.

Hai vụ thử trước đó là các tên lửa tầm trung và tầm xa và đều được Bình Nhưỡng tuyên bố "thành công".

Vụ đầu tiên trong số này được Bình Nhưỡng nói là một loại tên lửa mới có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và là minh chứng cho vũ khí hạt nhân tầm xa nhất của Bắc Hàn đến nay.

Bình Nhưỡng tiến hành các vụ thử tên lửa với tần suất chưa từng có và các chuyên gia tin rằng họ đang tiến tới thử nghiệm một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng tấn công vào đất liền Hoa Kỳ.
Bắc Hàn tuyên bố rằng chương trình vũ khí của họ là cần thiết để chống lại việc Mỹ xâm lược. - BBC

4.
Ông Duterte hiệu triệu phiến quân cùng chống IS

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte mới lên tiếng kêu gọi các phiến quân, trong đó có những phần tử Hồi giáo đòi ly khai, đồng lòng hợp tác với quân chính phủ để chống lại các chiến binh liên hệ với Nhà nước Hồi giáo (IS).
Đối mặt với nguy cơ gia tăng về khả năng Nhà nước Hồi giáo đang tìm cách hiện diện tại nước mình, ông Duterte đã đề nghị trả tiền, thậm chí là cung cấp nơi ở, cho các chiến binh từ những nhóm lâu nay vẫn chống lại chính phủ Philippines, nếu họ cùng chống một kẻ thù chung là nhóm Maute.

Nguyên thủ Philippines nói rằng ý tưởng về việc các chiến binh và quân chính phủ cùng đánh IS xuất phát từ một trong các thủ lĩnh của nhóm đòi ly khai.

Các chiến binh Maute thề trung thành với Nhà nước Hồi giáo, và đã kháng cự các binh sĩ chính phủ kể từ khi vây hãm một thành phố ở miền nam sáu ngày trước.
Trong chuyến thăm một căn cứ của quân đội trên đảo Jolo, nơi các binh sĩ Philippines đang chống lại một nhóm chủ chiến Hồi giáo khác là Abu Sayyaf, ông Duterte nói: “Tôi sẽ thuê các anh với lương và các đặc ân giống như các binh sĩ”.

Ông Duterte được Reuters dẫn lời nói rằng ông “sẽ xây nhà” cho các phiến quân tại một số khu vực.

Trong một diễn biến liên quan, quân đội hôm 28/5 sử dụng trực thăng tấn công, đạn pháo và bộ binh để tìm cách giành lại thành phố Marawi trên đảo Mindanao, nơi các chiến binh Maute đã chống đỡ nhiều ngày qua.
6 phiến quân, 15 thành viên lực lượng an ninh và 9 thường dân đã chết trong vụ đụng đọ, trong khi hàng chục nghìn người rơi vào cảnh không nhà. - VOA

5.
Tổng thống Pháp tiết lộ về cái bắt tay với ông Trump

Tổng thống Pháp Emmuel Macron mới cho biết rằng cái bắt tay chặt tới mức tím tái với nguyên thủ Mỹ “không phải không có chủ ý” và đó là một “khoảnh khắc thật”.
Ông Macron nói với truyền thông Pháp rằng ông muốn “cho thấy ông không nhượng bộ, dù chỉ mang tính biểu tượng, nhưng cũng không muốn làm quá lên”.

Trước hội nghị thượng đỉnh NATO ở Brussels, Bỉ, nguyên thủ Mỹ và Pháp đã gặp nhau và đã có một cái bắt tay tốn nhiều giấy mực của báo chí quốc tế.

Hai nhà lãnh đạo đã nhìn thẳng vào mắt nhau trong khi bắt tay nhau thật chặt và rất lâu trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như rút tay lại.
Có thể thấy hai nhà lãnh đạo mím chặt môi, dường như cố gồng mình lên.

Văn phòng của ông Macron đã xác nhận với hãng tin AP về thông tin do tờ Le Journal du Dimanche của pháp đăng tải trước đó.
Cái bắt tay của ông Trump với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe trước đó cũng thu hút sự chú ý của báo giới khi “ông chủ” Nhà Trắng kéo mạnh tay của nhà lãnh đạo “xứ mặt trời mọc” về phía mình khi ông tới thăm Mỹ.

Còn khi Thủ tướng Đức Angela Merkel thăm Hoa Kỳ, ông Trump thậm chí còn không chịu bắt tay bà khi xuất hiện trước báo chí.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 27/5 trở về nước sau chuyến công du đầu tiên kể từ khi nhậm chức.
Trong chuyến đi kéo dài 9 ngày, ông Trump tới Ảrập Xêút, Israel và châu Âu, nơi ông gặp Đức giáo hoàng Francis ở Vatican và tham dự cuộc họp của NATO và khối G7. - VOA

6.
Hàng nghìn người Nga đổ ra đường ở Moscow

Hàng nghìn người dân Moscow của Nga hôm 28/5 đã đổ về khu vực tây nam của thủ đô để phản đối việc tái định cư hàng triệu cư dân khỏi các khu chung cư từ thời Xô Viết.
Trong khi cảnh sát ước tính số người biểu tình là khoảng 8 nghìn người, một người chứng kiến cho hãng tin Reuters biết rằng khoảng 5 nghìn người đã tham gia cuộc tuần hành mới nhất.

Số đó giảm nhiều so với con số 60 nghìn người mà ban tổ chức nói là tham dự một cuộc phản đối hôm 14/5.

Theo kế hoạch, người dân sẽ được chuyển đến các căn hộ hiện đại, nhưng nó lại gây ra quan ngại về quyền sở hữu tài sản.

Nhiều cư dân Moscow cũng lo ngại về địa điểm tái định cư mới vì việc thiếu hụt các dịch vụ cũng như mối đe dọa của các dự án cơ sở hạ tầng mới đối với hình ảnh mang tính lịch sử của thủ đô Nga.
Các cuộc biểu tình bùng ra sau khi chính quyền thành phố khiến các doanh nghiệp nhỏ bức xúc khi phá bỏ các cửa hàng ven đường hồi năm ngoái. - VOA

7.
Gần 100 lính Afghanistan bị giết trong một tuần

Một kẻ thâm nhập thuộc Taliban đã bắn chết 6 lính chính phủ ở miền nam Afghanistan, đưa số binh sĩ và nhân viên cảnh sát bị các phần tử phiến quân giết trong tuần vừa qua lên gần 100.
Các quan chức Afghanistan cũng như phía phiến quân nói vụ việc của "kẻ nội gián" xảy ra trong đêm tại một tiền đồn an ninh ở tỉnh Zabul. Trong vụ này, một nhân viên cảnh sát đã quay súng bắn các đồng nghiệp.

Kẻ này đã bắn chết sáu cảnh sát, bao gồm cả viên chỉ huy đồn. Truyền thông Afghanistan dẫn lời các quan chức địa phương nói tay súng sau đó đã tái gia nhập Taliban và giao đồn cho phiến quân kiểm soát.
Taliban trong tuần qua đã tấn công một số căn cứ và cơ sở quân sự của Afghanistan, đặc biệt là ở các tỉnh miền nam bất ổn, giết chết và gây thương tích cho nhiều binh sĩ thuộc các lực lượng an ninh.

Các quan chức Bộ Quốc phòng Afghanistan nói lực lượng chính phủ cũng đã gây ra thương vong nặng nề cho Taliban trên chiến trường để trả đũa. - VOA

8.
Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ: ‘Chiến thuật chống ISIS nay là tận diệt

Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ, ông James Mattis, nói rằng cuộc chiến chống ISIS nay đang được gia tăng cường độ và chuyển sang chiến thuật “tận diệt.”
Trong cuộc phỏng vấn dành cho chương trình “Face the Nation” của hệ thống CBS News hôm Chủ Nhật, ông Mattis nói rằng: “Chiến lược của chúng tôi lúc này là gia tăng cường độ cuộc chiến chống lại ISIS. Đây là mối đe dọa cho mọi quốc gia văn minh của thế giới.”

Ông Mattis đưa ra lời tuyên bố trên sau khi Tổng Thống Donald Trump hoàn tất chuyến công du ngoại quốc và trở về Mỹ. Khi đến Saudi Arabia, ông Trump kêu gọi các quốc gia Hồi Giáo hãy đoàn kết chống lại khủng bố và “đẩy chúng ra khỏi trái đất này.”

Bộ Trưởng Mattis cũng có những lời lẽ cứng rắn tương tự. Ông nói rằng: “Chúng ta đã chuyển từ các chiến thuật gây thiệt hại hao mòn, từ việc đẩy chúng từ nơi này sang nơi kia ở Iraq và Syria, sang chiến thuật tận diệt, qua việc bao vây chúng.”
“Ý định của chúng ta là các tay súng ngoại quốc sẽ không có cơ hội sống sót để trở về Bắc Phi, Âu Châu, Á Châu, Phi Châu hay Mỹ. Chúng ta sẽ không cho phép chúng làm điều này. Chúng ta sẽ chặn chúng ngay tại nơi đó và đập tan vương quốc Hồi Giáo,” ông Mattis nói tiếp.

Ông Mattis khẳng định rằng chiến lược mới là không cho ISIS rút lui.
“Chúng ta đang thấy điều này xảy ra. Như ở vùng Tây Mosul, nơi đang bị bao vây và lực lượng chính phủ Iraq đang tiến vào để tiêu diệt chúng. Chúng ta cũng bao vây Raqqa, nơi gọi là thủ đô của ISIS. Cuộc hành quân bao vây đang diễn ra và sau khi hoàn tất việc bao vây, chúng ta sẽ tiến vào để dọn dẹp sạch sẽ.”

Tuy nhiên, ông Mattis cũng công nhận rằng một khi ISIS bị tiêu diệt, một thử thách khác vẫn còn tiếp tục: Đó là không để cho một nhóm khác trỗi dậy thay thế.
“Một khi ISIS bị đánh bại—hiện có một nỗ lực lớn hơn đang được tiến hành đó là để bảo đảm rằng không có một nhóm khác thay thế chúng,” ông Mattis nói với CBS News. - nguoiviet

Tin Hoa Kỳ
9.
Mỹ cân nhắc cấm laptop trên mọi chuyến bay quốc tế

Bộ trưởng An ninh Nội địa Hoa Kỳ cho biết ông đang cân nhắc việc cấm mang máy tính xách tay lên khoang hành khách trong tất cả các chuyến bay quốc tế đến và đi từ Hoa Kỳ.
Ông John Kelly nói có dấu hiệu về "những mối đe dọa thực sự" đối với hàng không dân dụng từ các thiết bị điện tử mang trong hành lý xách tay.

Phát biểu trong chương trình truyền hình Fox News Sunday, ông Kelly nói rằng những kẻ khủng bố bị "ám ảnh" với ý tưởng "làm cho máy bay rơi khi đang bay".
Lệnh cấm này sẽ phát triển thêm từ lệnh cấm hồi tháng 3 có ảnh hưởng đến 50 chuyến bay mỗi ngày đến Hoa Kỳ từ 10 thành phố ở Trung Đông và Bắc Phi. Lệnh cấm yêu cầu tất cả các thiết bị điện tử lớn hơn điện thoại thông minh phải được đóng trong hành lý ký gửi. - VOA

10.
Trump công kích truyền thông đưa tin về xáo trộn ở Bạch Ốc --- Trump nói con rể 'là người tốt'

Tổng thống Donald Trump đã trở lại với cuộc sống quen thuộc ở Washington hôm 28/5. Ông công kích báo giới đưa tin về sự xáo trộn bên trong Tòa Bạch Ốc cũng như cuộc điều tra về các phụ tá của ông và mối liên hệ của họ với Nga.
Vào buổi sáng đầu tiên sau chuyến đi kéo dài 9 ngày tới Trung Đông và Châu Âu, ông Trump đã đăng một số bài ngắn từ tài khoản Twitter của ông, tuyên bố rằng chuyến đi của ông “là một thành công lớn của Mỹ. Làm việc vất vả những đạt những kết quả lớn”.

Tuy nhiên, ông nhanh chóng chuyển sang chỉ trích giới truyền thông chính thống của Hoa Kỳ như ông vẫn làm lâu nay.

Ông Trump bày tỏ: "Theo ý kiến của tôi, nhiều vụ thông tin rò rỉ từ Tòa Bạch Ốc là những lời dối trá do giới truyền thông #FakeNews bịa ra".
Ông viết tiếp: "Bất cứ khi nào quý vị thấy những từ như 'các nguồn tin cho hay' trên giới truyền thông đưa tin thất thiệt, và họ không nêu tên, rất có thể là những nguồn tin này không tồn tại mà do những kẻ viết tin thất thiệt bịa ra. #FakeNews là kẻ địch!"

Khi trở lại Mỹ sau nhiều ngày tham gia các sự kiện quốc tế, ông Trump và các phụ tá Tòa Bạch Ốc đối mặt với viễn cảnh là cuộc điều tra dài hàng tuần, hàng tháng về mối quan hệ của họ với các quan chức Nga khi ông Trump tranh cử tổng thống, cũng như về lời cáo buộc của đảng Dân chủ đối lập là ông đã cố cản trở công lý và hạn chế cuộc điều tra.

Con rể Jared Kushner của ông Trump, một cố vấn chủ chốt của Tòa Bạch Ốc, là một tiêu điểm mới của cuộc điều tra. Ông Kushner kết hôn với Ivanka, con gái của Trump. Cô này cũng là một cố vấn của tổng thống.
Trong khi ông Trump ở nước ngoài, báo chí Mỹ nói rằng ông Kushner đã cố thiết lập một kênh liên lạc mật với các quan chức Moscow ở thời điểm vài tuần trước khi ông Trump nhậm chức vào cuối tháng 1. 

Ông Trump thường xuyên bác bỏ việc ban vận động tranh của của ông có liên hệ với Moscow. Ông gọi đó là một lý do bịa đặt của đảng Dân chủ để giải thích về chiến thắng gây bất ngờ của ông trong cuộc chạy đua vào Tòa Bách Ốc trước đối thủ bên đảng Dân chủ là bà Hillary Clinton, cựu ngoại trưởng Mỹ. - VOA
***
Tổng thống Mỹ Donald Trump công khai ủng hộ con rể, Jared Kushner, sau khi có tin viên trợ lý này định thiết lập đường dây thông tin bí mật với Moscow.

Trong thông cáo gửi tới tờ New York Times, ông Trump ca ngợi ông Kushner "đang làm rất tốt"
Nhưng ông không đề cập đến những cáo buộc chống lại chồng của Ivanka.

Có cáo buộc rằng ông Kushner thảo luận về việc thiết lập một kênh ngầm với đại sứ Nga hồi tháng 12/2016.

New York Times và Washington Post nói ông Kushner muốn dùng phương tiện của Nga để tránh sự can thiệp của Hoa Kỳ vào các cuộc thảo luận với Moscow. 

Ông được ghi nhận làm việc này trước khi ông Trump bắt đầu nhiệm kỳ, do vậy ông là dân thường vào thời đó.
Những cáo buộc này xảy đến sau khi ông Kushner được cho là đang trong tầm ngắm của FBI về cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ.
Truyền thông Mỹ cho biết các nhà điều tra tin rằng ông Kushner liên quan vụ này, nhưng chưa hẳn là nghi phạm

Ông Trump - người được cho là đã gặp các luật sư tại Nhà Trắng hôm 28/5 - không do dự trong việc bày tỏ sự ủng hộ cho ông Kushner, trợ lý cao cấp tại Nhà Trắng.
Thông cáo của ông Trump cũng nói "Tôi hoàn toàn tin tưởng Kushner."
"Ông ấy được mọi người kính trọng và đang thực hiện các chương trình giúp tiết kiệm cho nước Mỹ hàng tỷ đôla. Thêm vào đó, ông ấy là người tốt." - BBC

Tin Việt Nam
11.
Tạm dừng quy hoạch phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà

Bản Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà được đề nghị tạm dừng trong vòng 3 tháng nhằm việc tiếp thu ký kiến về vấn đề này được khách quan.
Đây là chỉ đạo mà ông phó thủ tướng Việt Nam, Vũ Đức Đam, đưa ra vào chiều ngày 28 tháng 5. Trước đó một hôm, vào ngày 27 tháng 5, truyền thông trong nước loan tin ông Vũ Đức Đam có chuyến đến khảo sát thực tế tại bán đảo Sơn Trà.

Theo phó thủ tướng Vũ Đức Đam thì bản Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà bắt đầu được soạn thảo từ tháng 5 năm 2013. Bộ Văn hóa- Thể Thao- Du Lịch chủ trì và phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng trong công tác này.
Bản Quy hoạch này được phê duyệt vào tháng 11 năm ngoái và được công bố chính thức vào giữa tháng 2 năm nay. Ngay sau khi bản Quy hoạch này được đưa ra, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng có kiến nghị với một nội dung chính là giữ nguyên hiện trạng của bán đảo Sơn Trà, không xây dựng thêm cơ sở lưu trú trên đó.

Vừa qua, sau khi tin tức về 40 móng biệt thự xây dựng không phép trên bán đảo Sơn Trà được loan đi, đại diện Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng có tâm thư gửi thủ tướng về sai phạm đó. Một chiến dịch kêu gọi cộng đồng lên tiếng vì sự tồn vong của bán đảo Sơn Trà cũng được công khai trên mạng xã hội. - RFA

12.
Formosa vận hành thử nghiệm lò cao số 1

Nhà máy thép Formosa, từng gây thảm họa môi trường biển kể từ tháng 4 năm ngoái, vào chiều ngày 29 tháng 5 chính thức vận hành thử nghiệm lò cao số 1.
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Việt Nam, ông Hoàng Dương Tùng, xác nhận như vừa nêu tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 5 cũng vào chiều ngày 29 tháng 5.

Vị viên chức của Tổng cục Môi trường Việt Nam cho biết sau 24 tiếng đồng hồ thử nghiệm sẽ có được những kết quả bước đầu. Để giám sát việc bắt đầu thử nghiệm lò cao số 1 của nhà máy thép Formosa, theo ông Hoàng Dương Tùng thì từ tuần trước đoàn giám sát của các bộ- ngành, các nhà khoa học trong nước, cũng như cơ quan chức năng địa phương đến tại khu vực nhà máy ở Vũng Áng, Hà Tĩnh.

Cho đến nay nhiều ngư dân và người dân chịu tác động bởi thảm họa môi trường do nhà máy thép Formosa xả hóa chất trực tiếp ra biển vào đầu tháng tư năm ngoái cho biết vẫn chưa thể ổn định cuộc sống.
Thông tin về biển sạch trước đây của cơ quan chức năng, nhưng rồi lại có cảnh báo hải sản tầng đáy từ 20 hải lý trở vào vẫn chưa an toàn mà chính phó thủ tướng Trương Hòa Bình đưa ra gần đây khiến nhiều người dân hoang mang. - RFA

13.
Chuyến thăm của ông Phúc tăng cường quan hệ Việt-Mỹ?

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tuần này có chuyến thăm Mỹ với sự kiện quantrọng nhất là cuộc gặp giữa ông với Tổng thống Donald Trump hôm 31/5 tại Tòa Bạch Ốc.
Trong một bài viết đăng hôm 29/5 trên trang tin Asia Sentinel, David Brown, người từng là một nhà ngoại giao Mỹ với nhiều kinh nghiệm về Việt Nam, cho hay sau khi ông Trump từ bỏ Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), đã xuất hiện những đồn đoán rằng Việt Nam có thể muốn đi đến một hiệp định thương mại song phương với Mỹ dẫn đến nhiều cải cách giống như các điều khoản của TPP.

Trong trương hợp điều này là sự thật, ông Brown nhận định rằng có lẽ việc khởi động đàm phán về thương mại song phương sẽ đứng đầu trong nghị trình của ông Phúc khi đến Washington.
Ông David Brown nhận xét rằng bản thân việc Thủ tướng Phúc gặp 30 phút với tổng thống Mỹ cũng là một sự kiện có ý nghĩa ở 3 khía cạnh.

Thứ nhất, các nhà ngoại giao hàng Việt Nam, trong đó có Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh ở Hà Nội và Đại sứ Phạm Quang Vinh ở Washington, đã thiết kế được một thời khắc quan trọng là cuộc gặp đầu tiên của ông Trump tại Tòa Bạch Ốc với một vị khách Đông Á.
Thứ hai, Việt Nam nhận được lý do để hy vọng rằng đàm phán thương mại có chất lượng như TPP có thể mang lại kết quả.

Thứ ba, ông Phúc sẽ có món quà cho Mỹ, đó là bày tỏ việc Hà Nội muốn mua một số mặt hàng quốc phòng tiên tiến của Mỹ. Đây sẽ là khía cạnh được ông Trump coi như là thành tựu của ông từ cuộc gặp.
Từ Anh quốc, Tiến sĩ về quan hệ quốc tế Đoàn Xuân Lộc viết trong một bài đăng hôm 28/5 trên trang Asia Times rằng xem xét những diễn biến trong quan hệ Việt-Mỹ từ tháng 12 năm ngoái - khi ông Trump trở thành tổng thống đắc cử - đến nay, và những trao đổi cấp cao sắp tới, có thể thấy rõ cả chính quyền của ông Trump và chính phủ Việt Nam đều coi trọng hợp tác Mỹ-Việt và sẵn sàng cải thiện điều này.

Theo Tiến sĩ Lộc, Mỹ và Việt Nam đều có những động lực về lợi ích để tăng cường quan hệ trong nhiều lĩnh vực quan trọng. 
Một trong những lĩnh vực đó là thương mại. Việc ông Trump rút khỏi TPP là một đòn mạnh đối với Việt Nam. Thêm vào đó, Việt Nam bị chính quyền ông Trump liệt vào danh sách 16 nước bị điều tra về gian lận thương mại. Nhưng thay vì phản ứng tức giận, Việt Nam đã chọn thái độ hợp tác. 

Hồi tháng 3, Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang nói với Đại sứ Mỹ Ted Osius rằng Việt Nam “ủng hộ thương mại tự do trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi”. Phát biểu của ông Quang cho thấy Hà Nội lắng nghe quan ngại của ông Trump về sự bất cân đối thương mại và sẵn sàng làm việc với chính quyền của ông để làm cho thương mại trở nên cân bằng và cùng có lợi.

Việt Nam chọn lập trường như vậy vì tiếp cận Mỹ, thị trưởng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, có tầm quan trọng cấp thiết đối với nền kinh tế dựa vào xuất khẩu. 

Trong năm 2016, kim ngạch thương mại Việt-Mỹ là 46,8 tỷ đôla, trong đó Việt Nam xuất sang Mỹ tới 38,1 tỷ đôla. Cũng năm 2016, kim ngạch thương mại Việt-Trung là 71 tỷ đôla, song Việt Nam nhập từ nước láng giềng khổng lồ tới 50 tỷ đôla.

Điều quan trọng hơn là so với thương mại Việt-Trung, thương mại Việt-My có tính bổ sung hơn và vì vậy có lợi hơn. Do đó, Tiến sĩ Đoàn Xuân Lộc cũng nhận xét rằng thương mại sẽ đứng đầu trong nghị trình của ông Phúc khi gặp ông Trump.

Vị tiến sĩ cho rằng một vấn đề quan trọng không kém sẽ được bàn thảo là tranh chấp Biển Đông. 
Hồi tháng 3, Chủ tịch Quang của Việt Nam nói với Đại sứ Osius của Mỹ rằng ông Quang hoan nghênh sự hợp tác mạnh mẽ hơn của Mỹ với các nước trong khu vực để duy trì tự do hàng hải và hàng không, ủng hộ giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp ngoại giao và đối thoại trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Thủ tướng Phúc có lẽ sẽ nhắc lại thông điệp này khi đàm thoại với Tổng thống Trump hôm 31/5.
Vào lúc Philippines “đang tách ra” khỏi Mỹ và Malaysia ngày càng ngả về Trung Quốc, Việt Nam dường như là bên đòi chủ quyền về Biển Đông duy nhất - ở mức độ nhất định - vẫn còn chống lại sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông. Việt Nam cũng là một trong những nước kêu gọi Mỹ có cam kết mạnh hơn đối với khu vực.

Trong bối cảnh như vậy, Việt Nam có phần chắc sẽ trở thành một đối tác quan trọng của Mỹ ở Đông Nam Á trong nhiều năm nữa nếu Washington và Hà Nội đạt được những hiệp định quan trọng về thương mại, an ninh và các lĩnh vực khác để nâng cấp quan hệ hiện ở mức đối tác toàn diện hiện nay.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Lộc chỉ ra rằng do chuyến thăm của ông Phúc diễn ra vào lúc ông Trump đang gặp nhiều vấn đề nghiêm trọng, thật khó nói chắc chắn liệu ông Trump có ở vào vị trí thuận lợi để đạt được những đột phá như vậy hay không. - VOA

Link:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét