Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 22 tháng 5, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Hai 22/5 - Lê Minh Nguyên

Trump cảnh báo về nguy cơ hạt nhân Iran --- D. Trump thăm Jerusalem: 24 giờ để tạo lòng tin nơi Israel --- Donald Trump bày ván cờ mới ở Trung Đông
Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu chuyến thăm Israel với lời cảnh báo về mối đe dọa từ phía Iran một khi Tehran có vũ khí hạt nhân. <!>
"Iran không bao giờ được phép sở hữu vũ khí hạt nhân," ông nói với các phóng viên tại Jerusalem khi đứng cạnh Tổng thống Israel Reuven Rivlin.
Ông tới Israel sau chuyến thăm Saudi Arabia, một đồng minh chủ chốt của Mỹ, nơi ông phát biểu trước các lãnh đạo Arab và Hồi giáo tại một hội nghị thượng đỉnh.

Ông sẽ có cuộc gặp các lãnh đạo Israel và Palestine. 
Ông gọi hiệp định hòa bình Israel-Palestine là "thỏa thuận tối thượng" nhưng ông không nói rõ thỏa thuận này sẽ theo hình thức nào. Ông nói thêm ông muốn để cho hai bên quyết định với nhau trong các cuộc họp song phương. 

Ông Trump có chuyến thăm Iran hai ngày trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên với tư cách tổng thống Mỹ.

Tổng thống Trump còn nói gì nữa? 
Iran phải "ngừng việc cấp tiền, đào tạo và trang bị cho các lực lượng khủng bố và phiến quân", ông Trump nói tại tư gia của Tổng thống Rivlin. 
Ông nhấn mạnh mối quan hệ chặt chẽ giữa Mỹ và Israel: "Chúng ta không chỉ là bạn lâu năm, chúng ta còn là đồng minh và đối tác thân thiết. Chúng ta luôn sát cánh cùng nhau."

Về tiến trình hòa bình, ông nói: "Trẻ em Israel và Paletine đáng được lớn lên trong môi trường hòa bình và theo đuổi giấc mơ mà không bị bạo lực từng hủy hoại cuộc sống của bao người."
Sau khi rời tư gia của Tổng thống Rivlin, ông đến thăm Nhà thờ Mộ Thánh Chúa (Church of the Holy Sepulchre) nơi Chúa Jesus được chôn và phục sinh, theo truyền thuyết Công giáo. 
Ông Trump được cho là người ủng hộ Israel hơn nhiều so với người tiền nhiệm Barack Obama. Ông có quan điểm mềm mỏng hơn về vấn đề các vùng người Israel chiếm đóng. Ông nói rằng việc họ mở rộng lãnh thổ chứ không phải sự hiện diện của họ mới là điều gây cản trở cho việc tìm kiếm hòa bình. 
Hơn 600.000 người Do thái đang sống ở khoảng 140 khu định cư được xây dựng kể từ khi Israel chiếm vùng Bờ Tây và Đông Jerusalem, khu vực mà người Palestine đòi chủ quyền. 

Các khu định cư này bị coi là bất hợp pháp theo luật quốc tế, nhưng phía Israel không chấp nhận điều đó. - BBC

***
Sau chuyến thăm Ả Rập Xê Út, nhìn chung được coi là một thành công đối với bước khởi đầu của ông Donald Trump trên trường quốc tế, tổng thống Mỹ hôm nay 22/05/2017 đến Israel. Tại đây ông có thể được tiếp đón niềm nở hơn so với ông Barack Obama năm 2013.
Tổng thống Mỹ được chờ đợi tại Jerusalem, thánh địa của cả ba tôn giáo Cơ Đốc, Do Thái và Hồi giáo. Chiều nay ông đến thăm mộ Chúa Giêsu, nơi thiêng liêng nhất của đạo Cơ Đốc. Sau đó, dưới sự bảo vệ an ninh cao độ, Donald Trump đi vài trăm mét trên những con đường nhỏ của thành phố thánh, đến Bức tường than khóc, nơi cầu nguyện nổi tiếng của người Do Thái giáo, và ông Trump là tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đến thăm. Dọc theo bức tường này là khu đền thờ Hồi giáo, thánh địa lớn thứ ba của đạo Hồi Sunni.

Từ Washington, thông tín viên RFI Jean-Louis Pourtet gởi về bài tường trình :
"Quan hệ giữa cựu tổng thống Mỹ Obama và thủ tướng Benjamin Netanyahou rất tệ hại, và nay ông Donald Trump hứa hẹn cải thiện quan hệ giữa Hoa Kỳ và Israel. Người ta chờ đợi những biểu hiện hữu nghị nồng thắm giữa hai ông Netanyahou và Trump trước công chúng. Cả hai cùng có lợi khi đồng thuận với nhau. Nhưng phía sau những nụ cười, vẫn có những vấn đề đã cũ lại trỗi dậy. 

Ông Donald Trump có ý định muốn giải quyết hồ sơ Israel-Palestine. Muốn vậy, ông sẽ phải cố gắng gây áp lực lên Israel để có những nhượng bộ, nhất là việc xây dựng các khu nhà định cư tại Cisjordanie. Mới đây ông Trump đã tiếp chủ tịch Palestine Mahmoud Abbas tại Nhà Trắng, đã thiết lập mối quan hệ tốt, và ông Abbas sẽ tiếp đón ông ngày mai tại Bêlem. 
Giải pháp hai Nhà nước hiện vẫn còn nhập nhằng. Donald Trump cũng sẽ gây thất vọng cho cánh hữu Israel, khi hoãn lại vô thời hạn việc dời đại sứ quán Mỹ sang Jerusalem. Ông sẽ phải giải thích trước Quốc Hội rằng việc này có nguy cơ gây ra một làn sóng bạo động tại Trung Đông, cản trở cơ hội đạt được một thỏa thuận hòa bình ».

Tối qua, theo yêu cầu của Donald Trump, chính phủ Israel đã có những biện pháp tạo điều kiện cho người Palestine : cho phép những người có giấy phép lao động được dễ dàng di chuyển sang Jordanie và mở rộng một cửa ngõ ở bắc Cisjordanie. - RFI

***
Ryad trải thảm đỏ đón tổng thống Mỹ Donald Trump, tin quốc tế của Le Monde. Donald Trump trong chảo lửa của Trung Đông, nhận định của Les Echos. Theo Le Monde, báo chí Mỹ dự đóan tổng thống Donald Trump, trong chuyến công du này, sẽ thông báo thành lập một loại « Liên Minh NATO Ả Rập » để đối đầu với trục Nga-Iran. 
Trong khi đó, không khí tại Israel, trước giờ đón tổng thống Mỹ, cũng khá căng thẳng. Căng thẳng vì vấn đề an ninh nhưng cũng vì tổng thống Cộng Hoà, sau những tuyên bố bốc lửa ủng hộ phe hữu Israel, nay dường như đi theo đường lối của người tiền nhiệm Obama, tìm một quân bình trong quan hệ với Israel lẫn Palestine. Nói cách khác, giấc mơ gặm nhấm đất đai phải tạm thời dừng lại.

Với cái nhìn kinh tế gắn liền với địa chính trị, Les Echos xem chuyến công du đầu tiên của tổng thống Mỹ với trạm đầu tiên Ả rập Xê Út là một « chiến dịch chinh phục cảm tình vương triều Ryad, đồng minh truyền thống của Mỹ . Trong khu vực đang được tái phối trí, tổng thống Donald Trump xác định chủ trương mới của Washington, ủng hộ dứt khóat các nước Hồi Giáo theo hệ phái Su-ni, kêu gọi họ nỗ lực thêm để chống khủng bố. 
Bỏ đi những từ ngữ đồng hóa « Hồi gGáo với thánh chiến », tổng thống Mỹ tập trung kêu gọi một liên minh Su-ni chống thánh chiến và cô lập Iran Shi-a. Kết quả thứ nhất là hai bên ký kết một loạt hợp đồng từ năng lượng, hàng không cho đến quân sự lên đến 380 tỷ đôla. Kết quả thứ hai, các quốc gia vùng Vịnh chuẩn bị nối lại bang giao với Israel, đồng minh cốt lõi. 

Theo La Croix, thông điệp chống khủng bố và ngăn chận Iran « bành trướng » đã là hài lòng các vương triều Su-ni ở vùng Vịnh. Trong khi đó, Libération nhấn mạnh đến « các hợp đồng béo bở ».
Phe ôn hoà ở Iran : lưỡng đầu thọ địch

Thái độ cứng rắn của tổng thống Donald Trump đối với Teheran , đúng vào lúc tổng thống Iran thuộc xu hướng ôn hoà, Hassan Rohani, tái đắc cử vẻ vang, đánh bại đối thủ bảo thủ được bình luận rộng rãi.

Tái đắc cử, Hassan Rohani cam kết « tháo bù lon » chính trị kềm kẹp xã hội Iran, với điều kiện thỏa thuận hạt nhân với quốc tế không bị xét lại, tựa và nhận định của Libération. Đối thủ bảo thủ Raisi không huy động được ủng hộ viên của cựu tổng thống cực đoan Ahmadinejad, nhận định của Le Monde. Khi bầu cho Rohani, người dân Iran chọn con đường cởi mở với tây phương, phân tích của La Croix.

Les Echos và Le Figaro dự báo những khó khăn cho ước mơ đổi mới tiếp tục này. Bởi vì, Rohani đối mặt với phe cực bảo thủ trong nước và Donald Trump ở bên ngoài. Le Figaro liệt kê một loạt chướng ngại : tổng thống Iran, cho dù được 57% cử tri ủng hộ, không có rộng tay để thực hiện lời hứa cải cách chính trị. Cản lực lớn nhất là giáo chủ Ali Khamenei. Trong suốt cuộc vận động tranh cử, ông Rohani không ngừng chỉ trích « hệ thống » chính trị của Iran. Giáo chủ Ali Khamenei có thể sẽ trả thù. Một ngày sau khi có kết quả, Ayatollah không một lời chúc mừng Hassan Rohani. 

Khó khăn lớn thứ hai là giải quyết nạn thất nghiệp (40% thanh niên). Giáo chủ lãnh đạo tối cao đã ra một chỉ thị « thúc giục tổng thống nhanh chóng chăm lo cho người nghèo và bài trừ nạn tham ô ». Vấn đề là phe bảo thủ, qua đại biểu là lực lượng Vệ Binh Hồi Giáo nắm trong tay toàn bộ lãnh vực công, nơi tập trung các tệ nạn móc ngoặt, không để cho tổng thống cải tổ kinh tế vì sợ mất đặc quyền đặc lợi. - RFI

2.
Đàm phán RCEP còn vướng nhiều bất đồng

Những bất đồng giữa các nước Á châu đối với thỏa thuận tự do thương mại được Trung Quốc hậu thuẫn nổi lên trong các đàm phán hôm thứ Hai, Reuters tường thuật, khiến người ta đặt câu hỏi về mục tiêu hoàn tất đàm phán vào cuối năm nay.
Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (Regional Comprehensive Economic Partnership, viết tắt là RCEP) sẽ tạo ra một khu vực tự do thương mại với hơn 3,5 tỷ dân thuộc các quốc gia Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Nam Hàn, Úc, New Zealand cùng các nước Đông Nam Á.

Các cuộc đàm phán RCEP đã được bắt đầu từ 2012, và càng có động lực sau khi Hoa Kỳ tuyên bố rút khỏi Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Tuy nhiên, Reuters dẫn nguồn các quan chức tham gia đàm phán nói rằng mục tiêu hoàn tất việc thảo luận vào cuối năm nay có lẽ khó đạt được, do các bên có những bất đồng về một số vấn đề.

Ấn Độ được cho là đặc biệt ngần ngại trong việc từ bỏ thuế quan.
"Họ lo rằng việc cắt bỏ thuế quan mạnh mẽ sẽ làm giảm doanh thu và sức cạnh tranh, nhất là khả năng cạnh tranh trước Trung Quốc," một viên chức không muốn nêu tên nói với Reuters.

Một người khác nói rằng quan điểm của Ấn Độ cho thấy thách thức lớn nhất mà các bên gặp phải trong các cuộc đàm phán ở cấp bộ trưởng hôm thứ Hai.
Mục tiêu chính của RCEP là giảm bớt mức thuế quan, dẫu không tới mức xuống 0% như nội dung Hiệp định TPP.

Các nội dung điều chỉnh mảng dịch vụ và các hoạt động kinh tế kỹ thuật số thì khiêm tốn hơn nhiều so với các mảng khác, và RCEP cũng không có nội dung bảo vệ quyền lợi cho người lao động hay bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, tuy RCEP có các điều khoản nhằm đảm bảo quyền tự do di chuyển lớn hơn, nhưng đây nhiều khả năng sẽ là một trong những điểm các bên khó đạt được đồng thuận trong quá trình đàm phán.

Cuộc họp tại Hà Nội hôm thứ Hai diễn sau các cuộc thảo luận nảy lửa dịp cuối tuần rồi của các bộ trưởng thương mại khối APEC, cũng là lần gặp gỡ đầu tiên kể từ sau khi Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ chuyển sang chiến lược "Hoa Kỳ trên hết".
Các nước APEC đã không đạt được tuyên bố chung như những lần họp khác, sau khi Hoa Kỳ bác bỏ ngôn từ về việc chống chủ nghĩa bảo hộ mà các nước Á châu muốn đưa vào.

Các thành viên TPP đã đồng ý bên lề kỳ họp về việc tiếp tục theo đuổi hiệp định bất chấp việc ông Trump đã tuyên bố Hoa Kỳ không tham gia nữa. 

RCEP và TPP là các thỏa thuận thương mại không độc quyền, và một số nước có thể tham gia cả hai hiệp định.

Với việc Hoa Kỳ rút lui, người ta nay đang nghi ngờ về tương lai của TPP.
Trong lúc đó, RCEP lại đang được lợi từ sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Trung Quốc, nước vốn đang chiếm thế thượng phong trong khu vực từ sự chuyển hướng chính sách của Hoa Kỳ và từ sáng kiến Một Vành đai, Một Con đường mà Bắc Kinh đang thúc đẩy triển khai trên toàn cầu. - BBC

3.
Tổng thống Philippines Duterte thăm Nga --- TQ tránh nhắc tới 'chiến tranh ở Biển Đông'

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm nay, 22/05/2017, sang thăm Nga để gặp tổng thống Putin và tìm mua vũ khí, trong bối cảnh Manila rời xa đồng minh truyền thống Washington để xích gần lại Matxcơva và Bắc Kinh. 
Philippines và Nga đã thiết lập bang giao từ cách đây 41 năm, nhưng cho tới gần đây, quan hệ giữa hai nước vẫn ở mức độ rất thấp, một phần là do liên minh giữa Philippines với Hoa Kỳ.

Chuyến đi kéo dài 5 ngày sẽ đánh dấu sự cải thiện đáng kể quan hệ giữa Philippines và Nga kể từ khi ông Duterte lên làm tổng thống vào năm ngoái. Ngày thứ năm tới, tổng thống Duterte sẽ gặp tổng thống Nga Vladimir Putin, người mà ông rất ngưỡng mộ.

Hai vị tổng thống đã gặp nhau lần đầu tiên bên lề cuộc họp thượng đỉnh diễn đàn APEC ở Peru vào tháng 11 năm ngoái. Sau đó, hai đội tàu chiến của Nga đã ghé thăm Manila. Bản thân ông Duterte đã lên thăm một chiến hạm của Nga vào tháng trước để thể hiện mong muốn thắt chặt quan hệ với Matxcơva.
Thứ sáu tuần qua, ông Duterte đã tuyên bố rằng một trong những ưu tiên của ông trong chuyến đi thăm Nga là mua loại bom được điều khiển chuẩn xác do Nga chế tạo. Manila muốn sử dụng loại vũ khí này để tiêu diệt lực lượng Hồi giáo cực đoan ở miền Nam Philippines.

Tổng thống Philippines tìm mua vũ khí của Nga vào lúc ông giảm bớt hợp tác quân sự với Mỹ, cụ thể là cắt giảm số lượng và tầm mức các cuộc tập trận chung với Mỹ, không cho quân đội Philippines tham gia tuần tra chung với Mỹ ở Biển Đông và kêu gọi rút quân Mỹ rakhỏi Philippines.
Hiện giờ trao đổi mậu dịch giữa Philippines và Nga vẫn còn khiêm tốn, chỉ đạt tổng cộng 226 triệu đôla vào năm ngoái, trong khi trao đổi mậu dịch Philippines-Mỹ lên tới hơn 18 tỷ đôla. - RFI

***
Trung Quốc hôm thứ Hai đã tránh nhắc tới các tuyên bố của Tổng thống Philippines liên quan tới 'chiến tranh ở Biển Đông', hãng tin AFP nói.
Sau khi gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường tại Bắc Kinh hồi tuần trước, ông Rodrigo Duterte hôm thứ Sáu nói rằng các nhà lãnh đạo đã đề cập tới nội dung tranh chấp, và phía Trung Quốc đã dọa sẽ có 'chiến tranh ở Biển Đông' nếu Philippines khoan dầu tại đó.

"Tôi thực sự đã nói vào mặt họ, rằng [vùng biển] đó là của chúng tôi, và chúng tôi có dự định khoan dầu ở đó," ông Duterte nói.

Tổng thống Philippines nói rằng ông đã nêu các bình luận đó một cách công khai, nhằm đáp trả những lời chỉ trích trong nước theo đó nói ông đã quá yếu đuối trước Bắc Kinh.

"Và họ nói với tôi rằng: 'Chúng ta là bạn hữu. Chúng tôi không muốn cãi vã với ngài. Chúng tôi muốn duy trì mối quan hệ nồng ấm hiện nay. Nhưng nếu ông làm quá thì chúng tôi sẽ bước vào chiến tranh'."
Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano nói cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo đã diễn ra một cách thẳng thắn và thân thiện, chủ yếu nhằm ngăn chặn xung đột chứ không phải là để đe dọa làm nổ ra xung đột, hãng tin Reuters tường thuật.

Chính phủ Trung Quốc hôm thứ Hai không bình luận trực tiếp về những gì ông Duterte nói là đã được đề cập tới trong các cuộc thảo luận, nhưng nói sẽ "làm việc với Philippines để giải quyết tranh chấp một cách hòa bình thông qua hoạt động tham vấn thân thiện."
Tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tìm cách làm giảm nhẹ những gì ông Duterte nói. 

Bà Hoa ghi nhận ông Duterte và ông Tập đã đồng ý "tăng cường liên hệ" trong các vấn đề song phương quan trọng,
Biển Đông, khu vực có nhiều quốc gia đang cùng tuyên bố chủ quyền, được cho là có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào.

Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền với phần lớn vùng biển này, trong lúc các nước khác gồm Malaysia, Brunei, Việt Nam và Đài Loan tuyên bố chủ quyền từng phần.

Phán quyết của Tòa trọng tài Thường trực tại The Hague (PCA) hồi tháng Bảy năm ngoái nói rằng các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc là không có cơ sở, và xử theo hướng có lợi cho Philippines. 
Tuy nhiên, Bắc Kinh nói không chấp nhận nội dung phán quyết được đưa ra sau phiên xử đơn kiện mà chính quyền của người tiền nhiệm của ông Duterte, tổng thống Benigno Aquino, đệ trình.
Ông Duterte lên nắm quyền với nhiệm kỳ 6 năm, bắt đầu từ tháng Sáu năm ngoái và là người có quan điểm nhẹ nhàng hơn trước Trung Quốc. 

Ông coi cách tiếp cận của mình là thực tiễn, và nói việc thách thức Trung Quốc sẽ chỉ đẩy tới nguy cơ nổ ra chiến tranh.
Ông cũng tìm kiếm mối quan hệ gần gũi hơn với Bắc Kinh nhằm đạt được các khoản đầu tư, kinh doanh của Trung Quốc, trong lúc nới dần mối quan hệ đồng minh lâu năm với Hoa Kỳ. - BBC

4.
Bắc Hàn: Sẵn sàng sản xuất hàng loạt tên lửa tầm trung --- Hội Đồng Bảo An lại họp khẩn sau vụ Bình Nhưỡng tiếp tục thử tên lửa

Hội đồng Bảo an LHQ dự định sẽ họp khẩn vào thứ Ba để giải quyết vụ thử tên lửa đạn đạo mới nhất của Bắc Triều Tiên.
Phái đoàn Uruguay tại LHQ cho biết cuộc họp khẩn này do Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản yêu cầu.

Hôm thứ Hai, Bắc Triều Tiên nói họ đã sẵn sàng chế tạo hàng loạt tên lửa đạn đạo tầm trung để trang bị cho quân đội.
Quân đội Nam Triều Tiên cho hay chiều Chủ Nhật Bình Nhưỡng đã bắn thử một tên lửa từ tỉnh Pyeongan nằm ở miền nam của Bắc Triều Tiên. Tên lửa bay khoảng 500 km và rơi xuống biển Nhật Bản. Đây là vụ thử tên lửa thứ hai của Bình Nhưỡng trong một tuần và là vụ thử thứ 10 trong năm nay.

Một tuyên bố chung của các tư lệnh hỗn hợp ở Seoul nói rằng: "Quân đội chúng tôi đang theo dõi sát những hành động khiêu khích mới của quân đội Bắc Triều Tiên và quân đội chúng tôi luôn trong tình trạng sẵn sàng."
Đáp lại các vụ thử tên lửa trước đó của Bắc Triều Tiên, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã phái một hạm đội tác chiến đến vùng ngoài biển khơi bán đảo Triều Tiên để cảnh cáo chế độ cộng sản tại nước này phải chấm dứt chương trình phát triển vũ khí hạt nhân

Ngoại trưởng Rex Tillerson bác bỏ ý kiến cho rằng áp lực của Hoa Kỳ đối với Bắc Triều Tiên ra không hiệu quả.
Ông Tillerson nói với hãng tin Fox News: "Chúng tôi đang ở giai đoạn đầu áp dụng áp lực kinh tế cũng như áp lực ngoại giao đối với chế độ ở Triều Tiên. Hy vọng họ sẽ nhận được thông điệp rằng con đường tiếp tục chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của họ không phải là một con đường để bảo vệ an ninh và thịnh vượng.Việc liên tiếp thử nghiệm tên lửa là điều đáng thất vọng, và gây phiền toái, và chúng tôi yêu cầu họ phải chấm dứt việc thử nghiệm nhưng cho đến nay rõ ràng họ vẫn không thay đổi quan điểm. Nhưng tôi nghĩ việc chúng ta gây áp lực lên họ như vậy chỉ mới bắt đầu".

Ông David Benham, phát ngôn viên của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, nói rằng Mỹ sẽ "tiếp tục theo dõi hành động của Bắc Triều Tiên" và "giữ vững các cam kết của Mỹ đối với sự an ninh các đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản".

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã triệu tập cuộc họp Hội đồng An ninh Quốc gia tại Nhà xanh để thảo luận việc phóng tên lửa của Bắc Triều Tiên. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã gọi vụ thử nghiệm mới nhất này là sự "thách thức đối với thế giới."

Bắc Triều Tiên đã tiến hành một loạt các cuộc thử tên lửa từ đầu năm ngoái với tốc độ chưa từng có. - VOA

***
Theo yêu cầu của Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc triệu tập một cuộc họp khẩn cấp vào ngày mai, 23/05/2017, sau vụ Bình Nhưỡng đã lại bắn thử tên lửa vào hôm qua, 21/05, bất chấp phản ứng mạnh mẽ và trừng phạt của quốc tế.

Ngay sau vụ bắn thử, Seoul đã lên tiếng tố cáo một hành động « nguy hiểm, vô trách nhiệm », trong lúc thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói đến một « thách thức đối với toàn thế giới…, chà đạp lên nỗ lực của quốc tế » muốn có được một giải pháp hòa bình.
Riêng Quân Đội Hoa Kỳ thì đã nhấn mạnh trên « cam kết không gì lay chuyển nổi » của Washington là bảo vệ các đồng minh trong khu vực. Ngoại trưởng Mỹ Tillerson đã lên tiếng cảnh báo là Mỹ chỉ ở « bước đầu » trong chiến dịch gây ép kinh tế và ngoại giao nhắm vào Bắc Triều Tiên.

Bình Nhưỡng vào sáng nay xác nhận là đã bắn thử « thành công » một tên lửa đạn đạo và cho biết thêm là chính lãnh đạo Kim Jong Un đã giám sát việc bắn thử này. Tokyo cho biết là tên lửa này đã rơi xuống vị trí cách bờ biển Bắc Triều Tiên 350km về phía Đông.
Theo hãng tin Bắc Triều Tiên KCNA, được AFP trích dẫn, hỏa tiễn được thử nghiệm - loại Pukguksong 2 - kể từ nay đã sẵn sàng được sử dụng trong các chiến dịch quân sự.

Vào lúc Seoul, Tokyo và Washington cứng giọng với Bình Nhưỡng, Bắc Kinh vào hôm nay lên tiếng kêu gọi các bên đối thoại, giảm căng thẳng.

Trong cuộc họp báo thường kỳ, phát ngôn bộ Ngoại Giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh nhắc lại lập trường của Bắc Kinh là phản đối các hành động phóng thử tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng vi phạm các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, nhưng lại lưu ý rằng tình hình an ninh trên bán đảo Triều Tiên hiện nay rất nhạy cảm và phức tạp, cho nên các bên cần phải bình tĩnh, tránh thách thức nhau và tiếp tục con đường đối thoại.
Vụ thử nghiệm tên lửa hôm qua là vụ phóng thứ hai của Bắc Triều Tiên trong vòng một tuần và là vụ thứ 10 kể từ đầu năm (2017) đến nay. - RFI

5.
Thái Lan: nổ bom ở Bangkok, 24 người bị thương

Các quan chức Thái Lan nói rằng một vụ nổ bom ở thủ đô Bangkok đã làm 24 người bị thương.
Nhà chức trách Thái nói rằng vụ nổ xảy ra tại một bệnh viện quân đội ở Bangkok vào ngày thứ Hai, nhân dịp kỷ niệm năm thứ ba ngày đảo chính quân sự.

Tại hiện trường vụ nổ, người tìm thấy các phần còn lại của pin và dây điện.
Chưa có ai tuyên bố nhận trách nhiệm về vụ nổ, và cũng không rõ liệu vụ nổ có liên quan tới cuộc đảo chính quân sự năm 2014 lật đổ chính phủ dân cử hay không.
Một phát ngôn viên của chính phủ Thái nói: "Xin đừng kết nối vụ nổ này với bất kỳ sự cố nào khác, vì chúng có thể có hoặc không có liên quan." - VOA

6.
Hơn 31 triệu người thất tán trong nước năm 2016

Một tổ chức quan sát tình hình thất tán cho biết trong năm 2016 có 31.1 triệu người bị thất tán ngay trong nước của họ do xung đột, bạo lực và thiên tai.
Hôm thứ Hai, Trung tâm Theo dõi Tình trạng Thất tán Nội địa IDMC thuộc Hội đồng Người tị nạn của Na Uy (NRC) đã phô biến phúc trình với con số thống kê gây sửng sốt như trên.

Ông Jan Egeland, Tổng thư ký NRC, nói rằng: "Trong năm 2016, cứ một giây thì có một người bị buộc phải bỏ nhà cửa ra đi lánh nạn. Những người thất tán nội địa hiện nay đã tăng gấp đôi số người tị nạn. Tình trạng này ngày càng khẩn cấp và nên đưa lại vào trong chương trình nghị sự toàn cầu."
Những người chạy sang nước khác tìm đường tị nạn để xin quy chế tị nạn hợp pháp nhằm có thể được hưởng một số quyền lợi và được quốc tế bảo vệ. Trong khi đó, người thất tán nội địa, hay còn được gọi là IDP, không có tư cách hợp pháp vì các IDP vẫn thuộc thẩm quyền của chính phủ ở nước họ và không xin được quyền lợi nào khác.

IDMC cho biết các cuộc xung đột vào năm ngoái đã khiến 6,9 triệu người thất tán nội bộ, trong đó có 2,6 triệu người đang bị thất tán ở vùng hạ Sahara của châu Phi.

Thiên tai, chủ yếu là thời tiết nguy hiểm như lũ lụt, bão, cháy rừng và điều kiện mùa đông khắc nghiệt là nguyên nhân buộc 24 triệu người phải di dời.

Ông Alexandra Bilak, Giám đốc của IDMC cho biết: "Mặc dù việc thất tán nội bộ là điểm xuất phát của nhiều chuyến đi tiếp theo, trước nay bị lu mờ do toàn cầu tập trung chú ý vào người tị nạn và người di cư. Chúng ta phải thừa nhận rằng nếu không có sự hỗ trợ và bảo vệ đúng mức, thì một người thất tán nội địa hôm nay có thể trở thành một người tị nạn, người xin qui chế tị nạn, hoặc người di cư quốc tế vào ngày mai."

Tuy nhiên, phúc trình cho biết, vào năm ngoái, nhiều viện trợ được cấp cho việc tái định cư người tị nạn hơn là cấp cho các quốc gia mà có khủng hoảng nổ ra.
Ông Bilak nói: "Trong phạm vi mà phúc trình Toàn cầu về Thất tán Nội địa phản ánh, trọng tâm là sự thờ ơ quốc tế, thiếu trách nhiệm giải trình và sự thất bại trong việc bảo vệ người dân của các quốc gia". - VOA

7.
Indonesia bắt 141 người trong 'tiệc đồng tính'

Cảnh sát Indonesia bắt giữ 141 người đàn ông tham dự cái mà họ gọi là 'tiệc tình dục đồng tính' tại một địa điểm xông hơi ở thủ đô Jakarta vào cuối hôm Chủ Nhật.
Cảnh sát nói những người này, trong đó có một người Anh và một Singapore, đã trả 185 ngàn rupiah (14 đô la) để tham dự.

Tại Indonesia hiện đang có tâm lý thù nghịch ngày càng tăng đối với cộng đồng nhỏ những người đồng tính LGBT vốn luôn kín đáo và tránh bị để ý.
Tình dục đồng giới không phải là điều bất hợp pháp theo luật Indonesia, trừ nơi duy nhất là tỉnh Aceh.

Nhưng phát ngôn viên cảnh sát Jakarta Raden Argo Yuwono nói một số những người bị bắt có thể sẽ bị buộc tội theo luật chống khiêu dâm rất hà khắc của nước này.
"Có những người đồng tính bị bắt gặp lột bỏ đồ và thủ dâm tại hiện trường," ông nói với ban BBC Tiếng Indonesia.
Theo các điều luật được viết khá mơ hồ thì việc trút bỏ quần áo nơi công cộng có thể cấu thành hành vi "khiêu dâm".

Hồi tuần trước, hai người đàn ông phải chịu đánh đòn công khai tại Aceh sau khi bị kết tội là có hành vi tình dục đồng giới, là vụ trừng phạt đầu tiên theo luật chống tình dục đồng giới kể từ khi được ban hành tại đây, 2014.
Trước đó, hồi đầu tháng, cảnh sát Indonesia bắt giữ 14 người tại thành phố Surabaya, bị cáo buộc tổ chức tiệc đồng tính. Những người này có thể phải đối diện các cáo buộc theo luật chống khiêu dâm. - BBC

8.
Báo chí Trung Quốc hoan nghênh việc phá vỡ mạng lưới CIA

Báo chí nhà nước Trung Quốc hôm nay 22/05/2017 hoan nghênh công tác chống gián điệp của chính quyền, sau khi New York Times tiết lộ việc Bắc Kinh đã sát hại hoặc bỏ tù đến 20 điềm chỉ viên CIA trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến 2012.
Hoàn Cầu Thời Báo trong bài xã luận đã đắc chí : « Chẳng những mạng lưới gián điệp của CIA đã bị phá vỡ, mà Washington còn chẳng biết chuyện gì xảy ra cả. Có thể nói đây là chiến thắng vang dội. Điều này có nghĩa là nếu CIA lại gầy dựng một mạng lưới gián điệp mới tại Trung Quốc thì chỉ chuốc lấy kết quả tương tự mà thôi ». 

Tuy vậy tờ báo khẳng định một phần của bài viết là sai. «Câu chuyện một điềm chỉ viên bị bắn chết trên sân một hoàn toàn bịa đặt, có lẽ là sản phẩm tưởng tượng kiểu Mỹ, trên cơ sở ý thức hệ ».
Nêu ra ba nguồn tin chính thức, nhật báo Mỹ cho biết một điềm chỉ viên CIA đã bị bắn chết ngay trước mắt các đồng nghiệp, trong sân một tòa nhà chính phủ để làm gương.

Theo New York Times, những thiệt hại của CIA hết sức đáng kể, có thể so sánh với thời kỳ bị tổn thất nặng nề trước cơ quan tình báo trung ương Liên Xô cũ và tại Nga, do các tin tức được hai điệp viên Aldrich Ames và Robert Hanssen cung cấp cho Nga. Ames hoạt động trong thập niên 80, còn Hanssen từ 1979 đến 2001.
Chính quyền Trung Quốc không bình luận gì về bài báo này. Bộ An ninh Quốc gia phụ trách chống phản gián, không có cả số điện thoại lẫn trang web, khác hẳn với các bộ ngành khác.
Cũng như nhiều tờ báo lớn phương Tây, trang web của New York Times không truy cập được tại Trung Quốc. Tuy nhiên nội dung bài báo trên đây đã được phổ biến rộng rãi với nhiều lời bình, trên các trang mạng thời sự Trung Quốc. - RFI

9.
Sản xuất máy bay đường dài, Trung-Nga thách thức Boeing và Airbus

Trung Quốc và Nga hôm nay 22/05/2017 tung ra một dự án đầy tham vọng, nhằm hợp tác chế tạo một kiểu máy bay đường dài để cạnh tranh với Boeing và Airbus, chỉ hai tuần sau khi chiếc máy bay chở hành khách đầu tiên của Trung Quốc cất cánh thành công.
Tập đoàn quốc doanh COMAC (Trung Quốc Thương Dụng Phi Cơ) của Trung Quốc cùng với tập đoàn quốc doanh Nga UAC (United Aircraft Corporation) loan báo đã chính thức thành lập một công ty liên doanh ở Thượng Hải. Dự án này trị giá từ 13 đến 20 tỉ đô la, mỗi bên góp một nửa vốn.

Trung Quốc mới đây đã vượt được một giai đoạn chủ chốt trong tham vọng cạnh tranh với các tập đoàn hàng không phương Tây, qua việc bay thử nghiệm thành công phi cơ tầm trung C919 do COMAC tự sản xuất. Máy bay này có 168 chỗ, có thể sử dụng cho các chuyến bay trong khu vực, là kết quả nửa thế kỷ nỗ lực nhằm giảm lệ thuộc vào Airbus và Boeing.
Các chuyên gia cảnh báo, thách thức này vô cùng lớn khi đối đầu với Boeing và Airbus vốn có rất nhiều kinh nghiệm. Nhưng với chiếc « 929 » liên doanh với Nga, Bắc Kinh được hưởng lợi vì UAC sản xuất ra Sukhoi và nhiều loại máy bay khác. Kiểu máy bay liên doanh Nga-Trung có thể chở được 280 hành khách và có tầm hoạt động đến 12.000 km, cạnh tranh trực tiếp với Boeing 787 và Airbus 350.

Theo ước tính của Airbus, Trung Quốc cần 6.000 máy bay mới có tổng giá trị 945 tỉ đô la cho hai thập niên tới, còn Boeing lạc quan hơn, dự kiến nhu cầu lên đến 1.000 tỉ đô la.
Năm ngoái COMAC cho rằng chiếc máy bay chở khách « Made in China » đầu tiên có thể hoạt động trong bảy năm tới, và việc giao hàng bắt đầu ba năm sau đó. Nhưng AFP ghi nhận nhiều dự án hàng không trước đây của Trung Quốc đã bị trễ rất nhiều so với thời hạn dự kiến. - RFI

Tin Hoa Kỳ
10.
Ông Flyn viện dẫn Tu chính án thứ 5, từ chối trát hầu Thượng viện

Truyền thông Hoa Kỳ cho biết cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Michael Flynn sẽ viện dẫn quyền hạn nêu tại Tu chính án thứ 5 chống lại về việc tự buộc tội và từ chối hợp tác với trát của Thượng viện đòi ông giao nộp các tài liệu liên quan đến cuộc điều tra Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi năm ngoái.
Ủy ban Tình báo Thượng viện đang muốn có các tài liệu này cho cuộc điều tra.

Ông Flynn trước đây đã tìm cách xin được miễn tố.

Ủy ban Thượng viện đang điều tra một trong những cáo buộc về việc bang tranh cử của ông Trump có thể câu kết với Moscow đển giành chiến thắng cuộc bầu cử về cho ông Trump.
Vào tháng Hai năm ngoái, Tổng thống Donald Trump đã sa thải ông Flyn sau khi có tin ông Flyn đã nói dối với Phó Tổng thống Mike Pence về các mối liên hệ của ông với Đại sứ Nga tại thủ đô Washington vài tuần trước khi ông Trump lên nắm quyền vào cuối tháng 1.
Hồi tuần trước, tờ New York Times nói chính quyền mới của ông Trump đã bổ nhiệm ông Flynn làm cố vấn an ninh quốc gia, mặc dù ông Flynn đã nói với các nhóm chuyển tiếp của tân tổng thống trước vài tuần khi diễn ra lễ nhậm chức vào ngày 20/1 rằng ông đang bị chính quyền liên bang điều tra vì bí mật làm việc như một nhà vận động hành lang được trả lương cho lợi ích Thổ Nhĩ Kỳ ở Hoa Kỳ trong suốt chiến dịch tranh cử tổng thống. Ông Flynn đã được trả hơn 500,000 đôla cho việc làm này. - VOA

Tin Việt Nam
11.
TT Phúc, lãnh đạo ĐNA đầu tiên ‘xông đất’ Bạch Ốc --- Trọng tâm thương mại khi ông Phúc gặp ông Trump?

Thủ tướng của Việt Nam hy vọng sẽ tìm ra lời đáp cho Đông Nam Á về vai trò tương lai của Hoa Kỳ trong việc giúp khu vực này chống lại sự bành trướng lãnh hải của Trung Quốc ở vùng biển đang có tranh chấp.
Tuần tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự kiến sẽ trở thành nhà lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên đến thăm Tòa Bạch Ốc kể từ khi ôngTrump nhậm chức tổng thống hồi tháng 1. Các tuyên bố về thương mại và hàng hải ở khu vực Biển Đông đang tranh chấp có nhiều khả năng sẽ nằm trong nghị trình của thủ tướng Phúc.

Các nước Brunei, Malaysia, Việt Nam và Philippines đều có những tuyên bố chủ quyền chồng lấn nhau nhau ở Biển Đông, trong khi Trung Quốc và Đài Loan tuyên bố giành chủ quyền hầu như toàn bộ vùng biển mà họ gọi là Nam Hải này.
Ông Barack Obama, người tiền nhiệm của ôngTrump, với chính sách "xoay trục sang châu Á", đã giúp các quốc gia Đông Nam Á chống lại Bắc Kinh. Nhưng cho đến nay vẫn chưa rõ hướng đi của chính quyền Tổng thống Trump về vấn đề này.

Ông Murray Hiebert, chuyên gia cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho biết: "Là nhà lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên đến thăm Washington, thủ tướng Việt Nam mong muốn khám phá các kế hoạch và mục tiêu của Hoa Kỳ trong việc tăng cường quan hệ với khu vực Đông Nam Á trên phạm vi rộng lớn hơn."

Ông Hiebert nói: "Việt Nam cũng muốn tìm hiểu chính sách và chiến lược của Hoa Kỳ đối với khu vực Biển Đông và các hoạt động của Trung Quốc ở đó, đặc biệt vào thời điểm Washington đang hướng tới Bắc Kinh nhằm kìm chế các chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên.”

Trung Quốc liên tục gây lo lắng cho các nước Đông Nam Á bằng cách đưa các tàu tuần duyên tới các vùng đặc quyền kinh tế 3,5 triệu km vuông và xây dựng các đảo nhân tạo, và cơ sở hạ tầng cho các hệ thống radar và máy bay chiến đấu.
Năm ngoái, ông Obama đã dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam, tăng cường tập trận hải quân chung với Philippines vào năm 2014, và cảnh báo Trung Quốc rằng tàu thuyền của Hoa Kỳ sẽ tự do đi lại trong khu vực mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền - tất cả những điều đó đã làm Bắc Kinh tức giận và phẫn nộ trước vai trò của Hoa Kỳ trong vùng biển mà Washington không có tuyên bố chủ quyền, nhưng lại khẳng định quyền tự do hàng hải.

Trung Quốc sử dụng các chứng cứ lịch sử để tuyên bố giành 95 % diện tích Biển Đông, nơi được cho là giàu tài nguyên thủy hải sản và nhiên liệu hóa thạch.

Ông Trump đang cố gắng làm việc với Trung Quốc để ngăn chặn tham vọng vũ khí của Bắc Triều Tiên, quốc gia phụ thuộc vào sự hỗ trợ chính của Bắc Kinh. Một số nhà phân tích nói rằng ông Trump có thể đã tạm thời ngưng việc can thiệp của Hoa Kỳ trong vấn đề tranh chấp hàng hải, để có thể duy trì mối quan hệ tốt hơn với Trung Quốc, quốc gia mà chính phủ Hoa Kỳ thường xem như là một đối thủ hậu Chiến tranh Lạnh trên sân khấu chính trị toàn cầu.
Ông Frederick Burke, đối tác của công ty luật quốc tế Baker & McKenzie ở thành phố Hồ Chí Minh, nói: "Họ không thực sự cần phải nói, nhưng điều rất quan trọng là khu vực (Đông Nam Á) đang chứng kiến Mỹ vẫn đang tiếp tục tăng cường quan hệ trong khu vực.”

Các chuyên gia tin rằng Việt Nam muốn Mỹ ủng hộ mạnh mẽ hơn để bù đắp cho mối quan hệ thương mại và kinh tế đang ngày càng bất lợi cho Việt Nam, do bị ảnh hưởng từ cựu thù Trung Quốc.

Để giảm ảnh hưởng của Washington, Trung Quốc tăng cường đối thoại song phương với các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, về việc giải quyết tranh chấp biển Đông. Đôi khi Bắc Kinh cung cấp cho các nước khác trong khu vực các khoản viện trợ và đầu tư, cũng như khuyến khích du khách Trung Quốc đi du lịch ở Việt Nam.

Về những vấn đề khác, Thủ tướng Việt Nam, người nhậm chức vào năm ngoái, dự kiến sẽ nhắc Chính phủ Trump về một cam kết của Mỹ trong việc tẩy rửa chất độc Da cam. Hoa Kỳ đã phun thuốc khai quang trên diện tích khoảng 18 triệu km vuông trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam từ năm 1961 đến năm 1972.

Các nhà phân tích tin rằng ông Phúc chắc chắn sẽ bàn với chính quyền của ông Trump về cam kết vào tháng 1về việc đàm phán một thoả thuận thương mại tự do song phương có thể thay thế cho Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) của 12 nước, trong đó có Việt Nam và Hoa Kỳ. Việt Nam đươc cho là quốc gia sẽ hưởng lợi khi trở thành thành viên hiệp đinh cắt giảm thuế quan TPP bởi vì kinh tế Việt Nam phụ thuộc lớn vào xuất khẩu.

Washington đã rút khỏi hiệp định TPP vào tháng 1, sau 1 năm ký kết, nhưng ông Trump cho biết chính phủ Hoa Kỳ sẽ xem xét các thỏa thuận riêng với từng quốc gia, nếu Hoa Kỳ thấy thỏa thuận này có lợi cho người Mỹ. - VOA

***
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc dự kiến sẽ thăm Mỹ và gặp Tổng thống Donald Trump vào cuối tháng 5.

Hà Nội và Washington chưa công bố ngày ông Phúc thăm Washington DC, nhưng đã xuất hiện lời kêu gọi biểu tình phản đối từ nhiều người Mỹ gốc Việt.

Dự kiến ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ là lãnh đạo đầu tiên từ Đông Nam Á thăm Nhà Trắng từ khi ông Donald Trump nhậm chức tổng thống vào tháng Giêng.

Lệnh hành pháp đầu tiên được ông Trump ký tại Nhà Trắng đã rút nước này khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hiệp định mà Việt Nam từng đặt nhiều hy vọng.

Thương mại được cho sẽ là chủ đề chính được hai nhà lãnh đạo bàn thảo.

Đang có những bình luận, như từ Phòng Thương mại Mỹ tại Hà Nội, rằng hai nước cần hướng tới Hiệp định tự do thương mại (FTA).

Hoa Kỳ đang xếp thứ tám trong số các nước và lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với kim ngạch thương mại song phương tăng lên 52 tỷ USD năm 2016.

Chủ đề an ninh cũng sẽ được bàn tới.

Người tiền nhiệm, Barack Obama, đề ra chính sách tái cân bằng về châu Á, tăng cường quan hệ với các nước Đông Nam Á, khiến Trung Quốc giận dữ.

Nhưng chưa rõ chính phủ Donald Trump sẽ có chính sách thế nào tại châu Á. 

Marvin Kalb, một nhà nghiên cứu từ Viện Brookings, Washington DC, nói với BBC: "Chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam chỉ quan trọng khi xem xét phản ứng chung của Mỹ trước sự bành trướng của Trung Quốc ở Đông Nam Á."

"Quan hệ song phương của Mỹ với Việt Nam là thú vị nhưng không quá quan trọng cho lợi ích của Mỹ trong khu vực."

Hôm 23/5 sẽ diễn ra một phiên họp Đối Thoại Nhân Quyền Mỹ-Việt tại Hà Nội, theo thông báo từ Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ.

Bà Virginia Bennett, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, phụ trách vấn đề Dân chủ, Nhân quyền và Lao động, đến Hà Nội tham dự phiên họp với phía Việt Nam.

Đoàn Việt Nam do ông Vũ Anh Quang, Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc Tế, Bộ Ngoại giao, đứng đầu.

Một dân biểu Mỹ, Chris Smith, chủ tịch ủy bạn hạ viện về nhân quyền toàn cầu, hôm 19/5 ra thông cáo.

"Khi Thủ tướng Việt Nam thăm Mỹ cuối tháng này, chính phủ ông Trump có cơ hội khẳng định nhân dân Mỹ sẽ không bao cấp cho sự đàn áp hà khắc các nhóm tôn giáo, người cổ vũ dân chủ, blogger và nhà báo," thông cáo này viết.

Cũng đã xuất hiện lời kêu gọi từ người Mỹ gốc Việt biểu tình phản đối cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo.

Tháng Bảy 2015, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ, và hai nước ra Tuyên bố về tầm nhìn chung về quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.

Tổng thống Barack Obama đã thăm Việt Nam tháng Năm 2016 trước lúc rời nhiệm sở.

Ông Donald Trump đã nhận lời tham dự Hội nghị thượng đỉnh APEC tháng 11 tới tại Đà Nẵng. - BBC
|
|

12.
VN 'tăng việc quản thúc' trước đối thoại nhân quyền

Một số nhà hoạt động dân sự và gia đình của họ nói bị những người mà họ cho là nhân viên an ninh 'quản thúc' trong bối cảnh đối thoại nhân quyền Việt-Mỹ lần thứ 21 sắp diễn ra tại Hà Nội. 

Bà Phạm Đoan Trang, blogger, nhà báo tự do, cho BBC biết có người chặn không cho bà ra khỏi nhà "tới nay là ba ngày rồi". 

Còn bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, mẹ của blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, hiện đang bị tạm giam mà chưa qua xét xử, nói với BBC là trong ngày và tối thứ Bảy 20/5, có tới "cả trăm người" chặn bên ngoài nhà bà. 

Tin tức nói một nhà hoạt động khác, ông Nguyễn Quang A, cũng bị nhiều người tới canh chừng quanh nhà trong những ngày qua.

Cuộc đối thoại nhân quyền Việt Mỹ, một sự kiện diễn ra hàng năm, sẽ diễn ra trong ngày thứ Ba 23/5.

Đại diện phía Mỹ tham gia đối thoại lần này là quyền Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ phụ trách vấn đề dân chủ, nhân quyền và lao động, bà Virginia Bennett. 
Đại diện phía Việt Nam là ông Vũ Anh Quang, Vụ trưởng Vụ các tổ chức quốc tế của Bộ Ngoại giao Việt Nam, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 19/5.

Vì sao bị 'bao vây'?

Khi được BBC hỏi về lý do bị một số người ngăn không cho ra khỏi nhà, nhà báo Đoan Trang nói hôm 22/5: "Lúc đầu tôi không biết nhưng sau đó tôi nghĩ là do Đối thoại nhân quyền Việt-Mỹ."
Bà cho rằng khi phái đoàn Dân biểu EU sang Việt Nam hồi tháng Hai, bà đã gặp được họ nên lần này phía công an "ngăn chặn quyết liệt từ sớm".

Việc canh chừng được thực hiện suốt cả đêm, bà cho biết thêm, bởi "Họ sợ tôi bỏ trốn trong đêm."
Nhà báo Phạm Đoan Trang cáo buộc những người giữ nhiệm vụ canh chừng trong hôm thứ Bảy 20/5 đã "gây sự" với một số người quen tới nhà bà, và đã xảy ra xô xát, dẫn tới việc phía bên kia kéo tới hàng chục người, trong đó, bà nói, có cả "côn đồ" với lời hăm dọa "sẽ đập chết" những người khách nếu bà không nói họ đi về.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Lan cho hay ngày 19/5, an ninh thành phố Nha Trang đến gặp bà và nói bà Tổng lãnh sự Mỹ [Mary Tarnowka] đến Nha Trang và "có thể trao cho bà một cái giải, giải mà vừa rồi cô Quỳnh được nhận, nhưng bà không được phép nhận." 
Bà cho biết hôm trong ngày và đêm thứ Bảy 20/5, "có tới cả trăm người" đứng chặn trước cửa nhà. 

Ngoài ra, "họ còn chở cả các tấm barrier" đến. Các xe tắc xi, xe bốn chỗ đến gần đều bị chặn lại, "họ nhìn vào xe xem có bà tổng lãnh sự không," bà Lan nói thêm.

Đến 8.30h sáng Chủ nhật 21/5, khi bà Tổng lãnh sự Mỹ rời Nha Trang, "họ đã rút quân và không ngăn chặn nhà tôi nữa", bà Lan nói với BBC. 

Bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, được biết đến dưới tên Mẹ Nấm, một blogger và nhà hoạt động môi trường, là một trong số 13 phụ nữ quốc tế được Bộ Ngoại giao Hoa trao giải thưởng Phụ nữ Quả cảm Quốc tế 2017. 

Bà bị bắt giam từ tháng 10/2016 vì tội Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự, hiện vẫn chưa qua xét xử.

Hy vọng gì ở đối thoại nhân quyền Việt Mỹ? 

Nhà báo tự do Đoan Trang nói bà không rõ ai sẽ được mời tham gia đối thoại nhân quyền Việt Mỹ ngày 23/5, nhưng theo bà "các cuộc đối thoại kiểu đó không mời đại diện khối xã hội dân sự độc lập, có chăng thì chỉ có các cuộc gặp bên lề là mời họ. Và đã thành lệ, mọi cuộc gặp bên lề đều bị an ninh phá."
Bà cho biết nhân sự kiện này, những người hoạt động dân sự đã "chuẩn bị sẵn một báo cáo và tuyên bố chung của khối xã hội dân sự độc lập Việt Nam". 

Báo cáo này sẽ "một lần nữa khẳng định rằng mọi thỏa thuận hợp tác thương mại đều phải có điều khoản ràng buộc về cải thiện nhân quyền, thì mới đảm bảo phát triển bền vững."
Về phần mình, bà Nguyễn Tuyết Lan hy vọng "con tôi sẽ được nhắc đến và được giúp đỡ". 

Bà Tuyết Lan cho biết sáng 22/5 bà có đi gửi thực phẩm cho con bà, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, trong tù và đây là ngày thứ 225 bà không được gặp mặt con và "không biết con tôi sống chết ra sao". 
Đối thoại nhân quyền Việt-Mỹ lần này sẽ thảo luận các chủ đề tầm quan trọng của việc tiếp tục quá trình đổi mới luật pháp, pháp quyền, tự do biểu đạt, tự do lập hội và tụ họp, tự do tôn giáo, quyền của người lao động, người tàn tật, chống kỳ thị, hợp tác đa phương và một số trường hợp cá nhân đáng quan tâm, thông cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 19/5. - BBC

13.
Để tái tạo môi trường biển miền Trung phải cần số tiền khổng lồ!

Trong một tuyên bố được coi là khá bất ngờ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Cường cho biết:  “Ở 4 tỉnh miền Trung, phục hồi tái tạo môi trường biển cần một số tiền khổng lồ, nếu không có quỹ sẽ không xử lý được”.
Nhận định này được Bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường đưa ra tại phiên thảo luận của Quốc hội hôm 21/5 về dự thảo luật sửa đổi Luật Thuỷ Sản Việt Nam.

Những tuyên bố của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho thấy mức độ tàn phá môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung do Formosa gây ra là rất lớn, và đến nay vẫn chưa hồi phục được.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, được báo Người Lao Động trích dẫn: “Việt Nam với chiều dài hơn 3.200 km bờ biển, phạm vi ngư trường hàng triệu km2, tiềm năng nghề cá rất lớn nên mới được gọi là “biển bạc”. Nhưng hiện nay, ô nhiễm môi trường là một nguy cơ hiện hữu, nếu không có quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản thì sẽ không xử lý được tức thời.”

Nhận mạnh sự cần thiết của nguồn quỹ này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: ”Chẳng hạn ở 4 tỉnh miền Trung, phục hồi tái tạo môi trường biển cần một số tiền khổng lồ, nếu không có quỹ sẽ không xử lý được.”
Cũng tại phiên thảo luận ở Quốc hội về Luật Thủy Sản, Thượng tướng Phạm Ngọc Minh, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, nêu lên một thực tế đáng báo động rằng “thuỷ sản nước ta đang bị cạn kiệt, chính vì vậy ngư dân ta đi đánh bắt ở nước ngoài rất nhiều”.

Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội thì cho rằng: “Chúng ta nói “rừng vàng, biển bạc”, nhưng khi đề cập đến luật rừng, luật biển thì lại đề cập hết sức đơn giản. Ông cho rằng các quy định cấm trong luật còn quá chung chung, chưa có gì rõ ràng.”
Tưởng cũng xin được nhắc lại, nhà máy thép Formosa do người Đài Loan làm chủ tại khu công nghiệp Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh, đã thải chất độc ra biển làm cá chết hàng loạt vào tháng 4/2016 tại bốn tỉnh miền Trung; Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, và Thừa Thiên Huế.

Formosa đã nhận trách nhiệm và đền bù thiệt hại cho phía Việt Nam một số tiền trị giá 500 triệu đô la Mỹ.

Trong suốt một năm qua, nhiều cuộc biểu tình lớn của dân chúng các tỉnh miền Trung đã liên tục xảy ra, đòi bồi thường thiệt hại và đóng cửa nhà máy Formosa.

Tuy nhiên, trong một quyết định mới nhất, Chính phủ Việt Nam đã cho phép Formosa vận hành thử nghiệm lò cao số 1 và xưởng luyện thép. - RFA

14.
Mỹ chuyển giao cho cảnh sát biển Việt Nam 6 tàu tuần tra

Hoa Kỳ vừa chính thức bàn giao 6 tàu tuần tra Metal Shark dài 14 mét cho cảnh sát biển Việt Nam vào hôm 22 tháng 5 tại Quảng Nam.
Các tàu này sẽ hỗ trợ cảnh sát biển Việt Nam vùng 2 (Quảng Nam) trong hoạt đồng tuần tra liên bờ biển và thực thi pháp luật về buôn lậu, buôn bán bất hợp pháp, cướp biển và các vụ cướp tàu có vũ trang, và đánh bắt cá bất hợp pháp.

Phát biểu tại buổi lễ bàn giao, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius nói rằng sự thịnh vượng của Việt Nam trong tương lai phụ thuộc vào một môi trường hàng hải ổn định và hòa bình. Ông cũng nói Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế cũng hưởng lợi từ sự ổn định trong khu vực.
Đây không phải lần lần đầu tiên Hoa Kỳ bàn giao tàu tuần tra cho phía Việt Nam. Hồi đầu năm 2015, nhân hội nghị thường niên đối thoại chính trị, an ninh, quốc phòng Việt Mỹ lần thứ 7 tại Hà Nội, ông Puneet Talwar, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề quân sự và chính trị cho biết Mỹ đã trao cho Việt Nam 5 tàu tuần tra biển trong kế hoạch hỗ trợ các lực lượng trên biển của Việt Nam.

Hồi tháng 4 vừa qua, cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng (DSCA) cho biết Mỹ chuẩn bị chuyển giao tàu tuần duyên USCGC Morgenthau đã qua sử dụng cho Việt Nam. Theo DSCA, phía Việt Nam đã mua lại 3 tàu tuần tra cỡ lớn của Tuần duyên Mỹ nhưng phía Mỹ cho biết chỉ chuyển giao một chiếc. - RFA

15.
Việt Nam đề nghị Mỹ phối hợp loại bỏ thông tin "xấu độc"

Việt Nam đề nghị Hoa Kỳ cùng phối hợp để loại bỏ các thông tin và dịch vụ vi phạm pháp luật Việt Nam.
Đề nghị này được Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Minh Hồng nêu ra trong buổi tiếp xúc với Trợ lý Đại diện Thương mại Hoa Kỳ phụ trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, bà Barbara Weisel vào sáng thứ Hai, ngày 22/05/2017.

Ông Nguyễn Minh Hồng nói rằng việc phối hợp này nhằm giúp cho các công ty của Hoa Kỳ kinh doanh tại Việt Nam có môi trường hoạt động tốt và phát triển, đồng thời phía Việt Nam có môi trường internet lành mạnh và bền vững.
Tại buổi tiếp xúc, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng còn đề cập đến việc Chính phủ Hà Nội luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài, nêu rõ tên của hai tập đoàn Facebook và Google kinh doanh tại Việt Nam được miễn phí chỗ đặt máy chủ, nhưng ông Thứ trưởng cũng nhấn mạnh tất cả các công ty cần phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam.

Hiện Facebook và Google lần lượt là hai công ty dẫn đầu về doanh số trong lãnh vực kinh doanh trực tuyến tại thị trường Việt Nam. - RFA

16.
Formosa được phép vận hành thử nghiệm lò cao số 1

Nhà máy Formosa được phép vận hành thử nghiệm lò cao số 1 và xưởng luyện thép sau ngày 20 tháng 5.
Đó là kết luận của Hội đồng liên ngành giám sát việc khắc phục hậu quả do sự cố môi trường biển miền Trung.

Kết luận này được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường ký, nêu rõ là Formosa đã khắc phục những vi phạm về môi trường, cam kết nghiêm túc được sản xuất lâu dài và bền vững tại Việt Nam.
Báo chí Việt Nam trích lời kết luận của Bộ Tài nguyên và môi trường nói rằng Formosa đã bỏ ra một số tiền là 343 triệu Đô La Mỹ để đầu tư các công trình xử lý chất thải.

Kết luận của Bộ môi trường bắt buộc Formosa phải chia sẻ thông tin về môi trường trên 1 màn hình trước cổng công ty để dân chúng theo dõi.
Ngoài ra Tổng cục môi trường thuộc Bộ Tài nguyên môi trường cũng được giao nhiệm vụ xây dựng một kế hoạch giám sát môi trường độc lập, phối hợp giữa các nhà khoa học và các cơ quan chức năng của tỉnh Hà Tĩnh.

Nhà máy thép Formosa do người Đài Loan làm chủ tại khu công nghiệp Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh, đã thải chất độc ra biển làm cá chết hàng loạt vào tháng tư năm 2016 tại bốn tỉnh miền Trung; Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, và Thừa Thiên Huế.
Formosa đã nhận trách nhiệm và đền bù thiệt hại cho phía Việt Nam một số tiền trị giá 500 triệu đô la Mỹ.

Trong suốt một năm qua, nhiều cuộc biểu tình lớn của dân chúng các tỉnh miền Trung đã liên tục xảy ra, đòi bồi thường thiệt hại và đóng cửa nhà máy Formosa. - RFA

Link:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét