Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 27 tháng 5, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Bảy 27/5 - Lê Minh Nguyên

Mỹ không cam kết theo đuổi thỏa thuận khí hậu tại hội nghị G-7
Sáu quốc gia khác thuộc nhóm Bảy Cường quốc (G-7) nhất trí khẳng định cam kết của họ đối với thỏa thuận khí hậu Paris, trong khi chờ đợi quyết định của chính quyền Trump về việc liệu Mỹ sẽ tiếp tục ở lại trong thỏa thuận hay không.<!>

"Hoa Kỳ đang đánh giá chính sách của mình về khí hậu, vì vậy sáu nước G-7 khác sẽ tái khẳng định cam kết của họ đối với thỏa thuận Paris toàn cầu trong khi ghi nhận" lập trường của Mỹ, hãng tin AFP dẫn lời một quan chức Pháp cho biết.
Các quan chức Mỹ đã nói rằng Tổng thống Donald Trump, người từng gọi sự tăng nhiệt toàn cầu do con người gây ra là một "trò bịp" trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống của mình vào năm ngoái, sẽ đợi đến sau hội nghị thượng đỉnh để đưa ra quyết định về vấn đề này.

Gary Cohn, cố vấn kinh tế của Tổng thống, nói ông Trump "đang ghi nhận những gì mà ông ấy nghe được từ các nhà lãnh đạo thế giới" hôm Sáu để quyết định xem liệu có tôn trọng cam kết của Washington cắt giảm phát thải khí nhà kính theo Thỏa thuận Paris ký hai năm trước hay không.
Thủ tướng Anh Theresa May nói với các phóng viên hôm thứ Sáu rằng các nhà lãnh đạo đã có "cuộc thảo luận rất tốt về các vấn đề khí hậu" và nói thêm rằng "không có nghi ngờ gì quanh bàn họp" – kể cả ông Trump – về tầm quan trọng của vấn đề này.

Chủ nghĩa bảo hộ bị lên án

Các nhà lãnh đạo G-7 đã có thể đạt được đồng thuận về một vấn đề khác gây tranh cãi khác: thương mại tự do. Thông cáo của hội nghị thượng đỉnh về thương mại sẽ có những ngôn từ chống lại chủ nghĩa bảo hộ thương mại.
Trước cuộc họp, quan chức từ một số quốc gia G-7 đã bày tỏ lo ngại về những lời lẽ của Mỹ đối với thương mại, đặc biệt là sau khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói rằng Mỹ có quyền bảo hộ nếu họ nghĩ rằng thương mại không tự do hay công bằng.

Với chủ trương “Nước Mỹ trên hết,” ông Trump thường nói rằng Mỹ vẫn có những điều khoản thương mại tồi trong thương mại toàn cầu và đe dọa đáp trả bằng thuế quan và các chính sách khác ưu ái các công ty và người lao động trong nước.

Lãnh đạo châu Phi tham dự

Vào ngày thứ hai và cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh G-7, nước chủ nhà Ý muốn thu hút sự chú ý tới cuộc khủng hoảng di dân và những vụ vượt Địa Trung Hải nguy hiểm mà hàng chục ngàn người thực hiện để tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn ở Châu Âu

Các nhà lãnh đạo từ Ethiopia, Kenya, Niger, Nigeria và Tunisia tham gia các cuộc hội đàm hôm thứ Bảy, vì đây là những nước nguyên quán của những di dân đang tìm cách tới Châu Âu. - VOA

2.
WaPo: Đại sứ Nga báo với Moscow Kushner muốn kênh liên lạc bí mật

Báo The Washington Post loan tin Jared Kushner, con rể và cố vấn cao cấp của Tổng thống Mỹ Donald Trump, đã bàn bạc với đại sứ Nga tại Washington về khả năng thiết lập một kênh liên lạc bí mật giữa nhóm chuyển tiếp của ông Trump và Điện Kremlin.
Tờ báo dẫn lời các quan chức Mỹ hôm thứ Sáu nói rằng hành động này nhằm che giấu những cuộc thảo luận của họ trước lễ nhậm chức để khỏi bị theo dõi.

Các nguồn tin của The Post nói rằng Đại sứ Sergei Kislyak báo cáo với cấp trên của mình ở Moscow rằng ông Kushner đã đưa ra đề xuất trong cuộc gặp gỡ vào đầu tháng 12 tại tòa nhà Trump Tower ở thành phố New York. Các nguồn tin cho biết thông tin được phát hiện qua việc do thám những trao đổi liên lạc của Nga mà đã được các quan chức Mỹ thẩm duyệt.
Hôm thứ Năm, các hãng tin của Mỹ đưa tin ông Kushner đang bị FBI điều tra trong cuộc điều tra về sự thông đồng khả dĩ giữa ban vận động tranh cử của ông Trump và Nga. Tờ The Post đưa tin vào tuần trước rằng một quan chức cao cấp của Nhà Trắng thân cận với tổng thống là trọng tâm chính trong cuộc điều tra, mặc dù khi đó bài báo không nêu tên ông Kushner.

Việc FBI tập trung vào ông Kushner không có nghĩa là ông ta bị nghi ngờ phạm tội, và cũng không có nghĩa ông ta bị xem là đối tượng của cuộc điều tra rộng lớn hơn liên quan tới Nga.
Tiết lộ mới nhất này được loan báo hai tuần sau khi ông Trump đột ngột sa thải giám đốc FBI James Comey, người chịu trách nhiệm giám sát cuộc điều tra đó.

Phó Bộ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein tuần trước bổ nhiệm cựu giám đốc FBI Robert Mueller làm công tố viên đặc biệt để giám sát cuộc điều tra. Trong khi đó ít nhất bốn ủy ban của Quốc hội đang tiến hành các cuộc điều tra riêng của họ về vấn đề này.
Ông Trump đã nhiều lần phủ nhận bất kỳ sự thông đồng nào giữa ban vận động tranh cử của ông với Điện Kremlin, giữa những cáo buộc từ cộng đồng tình báo Mỹ rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã dàn dựng một chiến dịch sâu rộng nhằm nghiêng cuộc bầu cử về phía ứng cử viên Cộng hòa. - VOA

3.
Mỹ-Nhật đồng ý tăng cường chế tài Bắc Triều Tiên --- Mỹ: Trung Quốc giám sát chặt biên giới với Bắc Triều Tiên --- Nguồn tin: Mỹ điều nhóm tàu tấn công thứ ba răn đe Bắc Triều Tiên

Nhà Trắng cho hay Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đồng ý mở rộng các biện pháp chế tài nhắm vào Bắc Triều Tiên vì nước này tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân và phi đạn đạn đạo.
Bình Nhưỡng đã liên tục tiến hành các cuộc thử nghiệm phi đạn trong năm qua, khiến nhiều nước đòi phải áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế nghiêm khắc hơn để thúc đẩy đất nước bị cô lập này hướng đến việc chấm dứt các chương trình vũ khí của họ.

Gặp gỡ trước hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 Cường quốc, ông Trump và ông Abe dành phần lớn cuộc thảo luận tập trurng vào vấn đề này, các trợ lý nói.

"Tổng thống Trump và Thủ tướng Abe nhất trí rằng đội ngũ của họ sẽ hợp tác để tăng cường các biện pháp chế tài đối với Bắc Triều Tiên, bao gồm xác định và chế phạt các thực thể hỗ trợ các chương trình phi đạn đạn đạo và hạt nhân của Bắc Triều Tiên," Nhà Trắng nói trong một thông cáo.
"Họ cũng đồng ý củng cố hơn nữa liên minh giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản, để tăng cường thêm khả năng của mỗi quốc gia nhằm răn đe và phòng vệ trước những mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên.

Ông Trump nói rằng ông sẽ ngăn Bắc Triều Tiên đạt tới năng lực tấn công Mỹ bằng phi đạn hạt nhân, một năng lực mà các chuyên gia nói Bình Nhưỡng có thể đạt tới vào một thời điểm nào đó sau năm 2020.
"Đó là vấn đề cả hai chúng tôi rất quan tâm, nó là một vấn đề thế giới và nó sẽ được giải quyết. Tới một lúc nào đó nó sẽ được giải quyết," ông Trump nói với báo giới trong lúc ngồi cạnh ông Abe.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson trong tháng này kêu gọi các nước khắp thế giới thi hành những các biện pháp chế tài hiện hữu của Liên Hiệp Quốc nhắm vào những chương trình vũ khí hạt nhân và phi đạn của Bắc Triều Tiên, nói thêm rằng chính quyền Mỹ sẽ sẵn sàng sử dụng những biện pháp chế tài thứ cấp để nhắm mục tiêu vào các công ty nước ngoài tiếp tục làm ăn Với Bình Nhưỡng.

Hầu hết thương mại của Bắc Triều Tiên là với đồng minh Trung Quốc của họ, và do đó bất kỳ biện pháp chế tài thứ cấp nào có thể sẽ nhắm vào các công ty Trung Quốc.
Phát biểu tại Bắc Kinh, một quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao Mỹ hôm thứ Sáu cho biết Trung Quốc nhận thức rằng họ không có nhiều thời gian để kiềm chế Bắc Triều Tiên thông qua các cuộc đàm phán và rằng họ sẵn lòng áp đặt thêm chế tài.

Susan Thornton, quyền trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách sự vụ Đông Á và Thái Bình Dương, nói với báo giới rằng Mỹ đang thảo luận với Trung Quốc về một nghị quyết mới của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về những biện pháp để giảm bớt sự chậm trễ trong bất kỳ phản ứng nào đối với những vụ thử hạt nhân thêm nữa hoặc những hành động khiêu khích khác từ miền Bắc. - VOA
***
Các quan chức Trung Quốc nói với Mỹ rằng họ đã thắt chặt những cuộc kiểm tra và giám sát dọc theo biên giới với Bắc Triều Tiên như một phần trong những biện pháp chế tài của Mỹ nhằm chấm dứt các hoạt động hạt nhân và phi đạn của Bình Nhưỡng, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ đặc trách Đông Á cho biết hôm thứ Sáu.
Hành động của Bắc Kinh phản ánh nhận thức ngày càng lớn về việc Trung Quốc cần phải cấp thiết gây sức ép buộc Bắc Triều Tiên chấm dứt thử phi đạn và bom hạt nhân, Trợ lý Ngoại trưởng Susan Thornton nói với các phóng viên ở Bắc Kinh. Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã có những nỗ lực mới để tranh thủ sự giúp đỡ của Bắc Kinh trong những nỗ lực đó sau cuộc hội kiến giữa ông và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng trước.

Đề cập tới những lĩnh vực khác của mối quan hệ này, bà Thornton cho biết chính quyền mới vẫn không thay đổi cam kết của mình trong việc giao tiếp nhiều hơn với các nước trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương hoặc cách tiếp cận của họ đối với những hoạt động hải quân của Mỹ ở Biển Đông có tranh chấp.
Về Bắc Triều Tiên, Mỹ nhận thấy đã có "sự chuyển dịch trọng tâm" trong cách tiếp cận của Trung Quốc đối với nước láng giềng cộng sản, bà Thornton cho biết.

"Họ nói rằng họ đã tăng cường kiểm tra biên giới, tăng cường chức năng giám sát ở biên giới, tăng cường kiểm tra hải quan," bà nói. Bắc Kinh cũng đã thực hiện "một số điều khác với các công ty" giao dịch với Bắc Triều Tiên, bà Thornton cho biết nhưng không cung cấp thêm chi tiết.
Mỹ đã đối thoại với Bắc Kinh về việc có hành động nhắm vào các công ty cụ thể và đang đợi xem Trung Quốc sẽ thực hiện hành động gì, bà nói.

Trung Quốc đã chấp thuận các biện pháp chế tài của Liên Hiệp Quốc và đình chỉ nhập khẩu than đá từ Bắc Triều Tiên cho tới hết năm nay, nhưng nhìn chung vẫn kín tiếng về những biện pháp khác mà họ có thể đang thực hiện để sử dụng sức ảnh hưởng của mình là đối tác thương mại và ngoại giao quan trọng nhất của Bình Nhưỡng.

Khi được hỏi về phát biểu của bà Thornton, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói Trung Quốc vẫn quyết tâm "thực hiện nghiêm chỉnh" các biện pháp chế tài của Liên Hiệp Quốc nhưng không nêu cụ thể chi tiết hoặc những biện pháp khác mà họ có thể đang thực hiện.
Ông Lục cũng nhắc lại lời kêu gọi của Trung Quốc khôi phục các cuộc đàm phán sáu quốc gia về phi hạt nhân hóa vốn đã đóng băng từ năm 2009, nói rằng các bên nên "linh hoạt, tương nhượng và quay trở lại bàn đàm phán sớm nhất có thể." - VOA

***
Mỹ đang điều một lực lượng tấn công hàng không mẫu hạm thứ ba đến khu vực tây Thái Bình Dương trong một cảnh báo rõ ràng nhắm tới Bắc Triều Tiên để răn đe các chương trình phi đạn đạn đạo và hạt nhân của nước này, hai nguồn tin nói với VOA.
USS Nimitz, một trong những chiến hạm lớn nhất thế giới, sẽ gia nhập cùng hai siêu hàng không mẫu hạm khác là USS Carl Vinson và USS Ronald Reagan, ở tây Thái Bình Dương, các nguồn tin nói với thông tín viên Steve Herman của VOA.

Quân đội Mỹ hiếm khi triển khai cả ba hàng không mẫu hạm cùng lúc tới cùng một khu vực.
Tuy nhiên, mối đe dọa hạt nhân và phi đạn đang lớn dần của Bắc Triều Tiên được coi là một thách thức an ninh lớn đối với Tổng thống Donald Trump, người đã tuyên bố sẽ ngăn quốc gia này đạt được năng lực tấn công Mỹ bằng một phi đạn hạt nhân, một năng lực mà các chuyên gia nói Bình Nhưỡng có thể có được sau năm 2020 .

Ngồi bên cạnh Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, ông Trump hôm thứ Sáu phát biểu ngay trước khi bắt đầu các cuộc họp của Nhóm Bảy Cường quốc (G-7) ở Sicily rằng, các nhà lãnh đạo G-7 sẽ "đặc biệt chú trọng vấn đề Bắc Triều Tiên."

Một thông cáo của Tòa Bạch Ốc hôm thứ Sáu cho biết hai nhà lãnh đạo đã đồng ý "tăng cường chế tài nhắm vào Bắc Triều Tiên" trong một nỗ lực ngăn chặn Bắc Triều Tiên phát triển thêm nữa phi đạn đạn đạo và các chương trình hạt nhân. - VOA

4.
Máy bay Trung Quốc lại áp sát phi cơ Mỹ trên Biển Đông --- Chiến hạm Mỹ thực tập cứu người cách đảo nhân tạo Vành Khăn 6 dặm

Một phi cơ tuần thám hàng hải của Mỹ đã bị hai chiến đấu cơ Trung Quốc áp sát « một cách thiếu chuyên nghiệp và không an toàn » trên không phận Biển Đông. Lầu Năm Góc hôm qua 26/05/2017 cho biết sự kiện này xảy ra hôm thứ Tư, 24/05.
Sự cố giữa chiếc phi cơ tuần thám P-3 Orion của Mỹ và hai máy bay tiêm kích J-10 của Trung Quốc là vụ áp sát thứ hai giữa các máy bay hai bên trên Biển Đông, chỉ trong vòng hai tuần lễ. Vụ đầu tiên xảy ra hôm thứ Ba 16/5, khi một phi cơ quân sự Mỹ bị hai máy bay Trung Quốc ngăn chận « một cách không chuyên nghiệp ».

Lầu Năm Góc cho biết chiếc P-3 Orion bị đe dọa lần này đã tiếp tục nhiệm vụ mà không hề hấn gì. Ông Gary Ross, một phát ngôn viên Lầu Năm Góc tuyên bố : « Chúng tôi tiếp tục đánh giá sự kiện và sẽ bày tỏ quan ngại với chính quyền Trung Quốc thông qua các kênh thích hợp ».
Bắc Kinh đòi hỏi chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông, tự tiện đào đắp các đảo nhân tạo và quân sự hóa các thực thể mà Trung Quốc tự cho là của mình, bất chấp phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye khẳng định yêu sách này là vô căn cứ. Hoa Kỳ không tranh chấp với Trung Quốc, nhưng đòi hỏi giải quyết các bất đồng lãnh thổ qua thương lượng chứ không phải do áp đặt những việc đã rồi.

Hôm thứ Năm, Hoa Kỳ đã cho chiến hạm USS Deway đi tuần tra gần Đá Vành Khăn (Mischief Reef), một rạn san hô thuộc cụm Bình Nguyên ở quần đảo Trường Sa, đã bị Trung Quốc bồi đắp và xây lên phi đạo. Bắc Kinh lên tiếng phản đối, cho rằng Mỹ đã « xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền Trung Quốc ». Đây là lần đầu tiên chính quyền Donald Trump cho thực hiện việc tuần tra Biển Đông để bảo vệ tự do hàng hải.
Các sự kiện trên đây diễn ra trước thời điểm khai mạc Diễn đàn An ninh khu vực Shangri-La ở Singapore, hội nghị thường niên của các bộ trưởng Quốc Phòng châu Á-Thái Bình Dương, nơi mà hồ sơ Biển Đông thường xuyên chiếm vai trò hàng đầu. - RFI

***
Khu trục hạm USS Dewey đã thực tập cứu người khi tiến vào cách đảo nhân tạo Vành Khăn ở quần đảo Trường Sa khoảng 6 dặm trong cuộc tuần tra “tự do hải hành” trên Biển Đông, hôm Thứ Tư, 24 Tháng Năm. 
Theo bản tin của Viện Hải Quân Hoa Kỳ (USNI) viện dẫn sự xác nhận của một số viên chức chính phủ, hôm Thứ Tư, lúc 7 giờ sáng, khu trục hạm trang bị hỏa tiễn tấn công USS Dewey (tàu mang số DDG-105) của Hoa Kỳ đã đi vào khu vực đảo nhân tạo Vành Khăn mà Trung Quốc bồi đắp bất hợp pháp tại quần đảo Trường Sa nhằm thách đố tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh.

Chiến hạm Dewey không di chuyển theo cách “đi qua vô hại” (innocent passage) như thông lệ quy định cho những chiếc tàu đi ngang vùng biển chủ quyền của nước khác. Trái lại nó không báo trước hành trình khi đi vào phạm vi 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Vành Khăn và chạy ngoằn ngoèo chữ chi gần đảo này. Tại một thời điểm, thủy thủ đoàn của chiến hạm đã thực tập cứu một người bị rớt xuống biển, theo lời một viên chức chính phủ nói với USNI. 

Theo tin tức của chính phủ Mỹ, chiến hạm USS Dewey bị một khinh hạm của Trung Quốc bám theo suốt hành trình và bị cảnh cáo phải rời khỏi khu vực hơn 20 lần. Nhưng phát ngôn viên của Bộ Quốc Phòng Trung Quốc lại nói họ cho hai khinh hạm tới “xua đuổi” tàu US Dewey. 
Khu trục hạm USS Dewey thực hiện chuyến tuần tra “tự do hải hành” đầu tiên, kể từ khi ông Donald Trump lên làm tổng thống, ở khu vực bên trong phạm vi 12 hải lý của các đảo đang có nhiều tranh chấp chủ quyền giữa nhiều nước trong khu vực. Tháng trước, báo Mỹ tiết lộ Bộ Tư Lệnh Mỹ tại Thái Bình Dương đã nhiều hơn một lần đề nghị thực hiện các chuyến tuần tra hải hành trên Biển Đông nhưng đều bị Ngũ Giác Đài bác bỏ. 

Cũng trong tháng trước, nhóm tàu đặc nhiệm với mẫu hạm USS Carl Vinson đã tới Biển Tây Thái Bình Dương, nhưng chỉ tới Singapore, chạy sang tập trận với Hải Quân Úc, Nam Hàn và Nhật. Trước đó, một số tin tức nói đoàn tàu tới tuần tra Biển Đông để biểu lộ ý chí bảo vệ tự do hải hành trên thủy lộ bận rộn nhất thế giới với $5,000 tỷ hàng hóa chuyển vận qua đây hằng năm.
Trong khi phát ngôn viên Ngũ Giác Đài không xác nhận chuyến tuần tra của USS Dewey, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lục Kháng xác nhận chiến hạm này đã rời khỏi khu vực sáng sớm Thứ Năm. 

“Hành động của tàu Mỹ làm hại chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc mà nhiều phần sẽ gây ra những vụ việc không thích hợp ở vùng biển và vùng trời. Trung Quốc rất không hài lòng và kiên quyết chống lại,” ông Lục Kháng nói trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh. 

Trung Quốc coi các đảo nhân tạo mà họ xây dựng ở quần đảo Trường Sa là khu vực chủ quyền “không có tranh chấp.” Nhưng chúng là những bãi đá ngầm mà họ cướp của Việt Nam năm 1988 sau một trận tấn công. Hiện các đảo này đã trở thành những căn cứ quân sự khổng lồ trên biển với cảng biển, phi đạo cho máy bay chiến đấu, doanh trại, cơ sở radar, truyền tin vệ tinh, các vị trí hỏa tiễn phòng không.
Theo Công Ước Quốc Tế về Luật Biển mà Trung Quốc và Việt Nam đều là thành viên ký công nhận, những bãi đá ngầm và cả những thực thể nhân tạo xây dựng, bồi đắp trên đó không được kể để xác định ranh giới chủ quyền lãnh thổ trên biển. 

Tháng Bảy, 2016, Tòa Trọng Tài Quốc Tế tại The Hague, Hòa Lan, đã phán quyết tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc theo hình “lưỡi bò” chiếm hơn 80% Biển Đông là “vô giá trị.” Tuy nhiên, Bắc Kinh bác bỏ phán quyết. 
Năm ngoái, khu trục hạm USS Decatur đã đi vào bên trong phạm vi 12 hải lý của đảo Tri Tôn, đảo cực Nam của quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc cướp năm 1974 sau một trận hải chiến với Hải Quân VNCH. - nguoiviet

5.
Mỹ thử nghiệm bắn chặn tên lửa liên lục địa

Lầu Năm Góc vào tuần tới sẽ thử nghiệm bắn chặn một tên lửa đạn đạo liên lục địa, loại tên lửa mà Bắc Triều Tiên đang muốn trang bị. Cơ quan Phòng thủ Tên lửa của bộ Quốc phòng Mỹ hôm qua, 26/05/2017, cho biết là cuộc thử nghiệm sẽ được tiến hành vào ngày 30/05.
Trong cuộc thử nghiệm này, một tên lửa liên lục địa sẽ được phóng lên từ quần đảo Marshall ở Thái Bình Dương. Tên lửa này sẽ bị bắn chặn trên không gian bởi một tên lửa bắn đi từ căn cứ Vanderberg của Không lực Hoa Kỳ ở California. Mục đích của cuộc thử nghiệm là đo lường hiệu quả của hệ thống phòng thủ chống các tên lửa liên lục địa. Hệ thống này, đặt ở Alaska và California, dựa vào các radar và các thiết bị cảm ứng đặt rải rác trên khắp thế giới để phát hiện việc bắn những tên lửa của kẻ thù.

Cuộc thử nghiệm lần cuối vào năm 2014 đã thành công, nhưng 3 cuộc thử nghiệm trước đó thì đã thất bại. Theo Lầu Năm Góc, việc bắn chặn một tên lửa liên lục địa là một tiến trình hết sức phức tạp, giống như là bắn một viên đạn để chặn một viên đạn.
Hoa Kỳ sẽ thử nghiệm bắn chặn tên lửa vào lúc Bắc Triều Tiên đang tiến hành nhiều cuộc thử nghiệm nhằm chế tạo một tên lửa hạt nhân liên lục địa có thể bắn tới Hoa Kỳ. Năm ngoái, Bình Nhưỡng đã tiến hành hai vụ thử hạt nhân và đẩy nhanh chương trình tên lửa bất chấp các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc. - RFI

6.
Khủng bố Manchester: Cảnh sát Anh phá gần như toàn bộ mạng lưới

Cảnh sát Anh Quốc đang tiến rất nhanh trong cuộc điều tra về vụ khủng bố tự sát ở Manchester ngày 22/05 khiến 22 người chết, với việc phá vỡ gần như toàn bộ mạng lưới thánh chiến Hồi giáo đứng sau vụ tấn công này.
Hôm nay, 27/05/2017, cảnh sát Anh vừa bắt giữ thêm 2 thanh niên, nâng tổng số các nghi phạm bị tạm giam lên tới 11 người trong cuộc điều tra về vụ khủng bố tối thứ hai vừa qua tại nơi trình diễn của nữ danh ca Mỹ Ariana Grande. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ này.

Theo các chuyên gia, quả bom mà Salman Abedi, thanh niên gốc Libya, sử dụng là một quả bom tự tạo có sức công phá mạnh, với một ngòi nổ rất tinh vi mà thanh niên này rất có thể là không thể chế tạo một mình.

Theo bản tổng kết mới nhất, vụ khủng bố tự sát đã khiến 22 người thiệt mạng, trong đó có nhiều trẻ em, và 166 người bị thương. Trong số những người bị thương, 66 người hiện còn nằm bệnh viện, trong đó 23 người vẫn trong tình trạng rất nguy kịch.
Trong khi đó, hôm qua, các chính đảng ở Anh đã mở lại chiến dịch vận động tranh cử, tạm ngưng sau vụ khủng bố tối thứ hai, theo thỏa thuận giữa thủ tướng Theresa May và lãnh đạo đối lập Jeremy Corbyn. Phe đối lập chỉ trích chính phủ của thủ tướng May về việc đã cắt giảm lực lượng cảnh sát Anh khiến cho rất khó ngăn chận nguy cơ khủng bố. Theo Viện Nghiên cứu Ngân sách IFS, trong thời gian từ 2009 đến 2016, số cảnh sát ở Anh đã giảm khoảng 14%, tức 20 ngàn người.

Trong cuối tuần này, các sự kiện thể thao chính vẫn được duy trì trên khắp nước Anh, nhưng sẽ được bảo vệ an ninh rất chặt chẽ. Riêng câu lạc bộ bóng đá Chelsea đã hủy cuộc diễu hành mừng chức vô địch Anh Quốc, dự trù diễn ra tại Luân Đôn ngày mai.
Vào thứ ba tới, nam ca sĩ Liam Gallagher, cựu thành viên nhóm nhạc Oasis và người gốc Manchester, sẽ trình diễn tại thành phố này. Tiền thu từ buổi diễn sẽ được chuyển cho gia đình các nạn nhân vụ khủng bố tối thứ hai. Ariana Grande, vốn đã đình chỉ chuyến lưu diễn sau vụ khủng bố, hôm qua cũng loan báo sẽ trở lại Manchester để trình diễn gây quỹ, nhưng chưa thông báo ngày giờ cụ thể. - RFI
|
7.
Ai Cập: Khủng bố tấn công xe chở tín đồ Thiên Chúa Giáo, 26 chết, 25 bị thương

Thành phần khủng bố bịt mặt đi trên ba xe SUV, hôm Thứ Sáu nổ súng bắn vào một xe buýt chở tín đồ Thiên Chúa Giáo Coptic, gồm cả nhiều trẻ em, làm thiệt mạng ít nhất 26 người và làm bị thương 25 người khác, theo Bộ Nội Vụ Ai Cập.
Hiện chưa có nhóm nào lên tiếng nhận trách nhiệm về cuộc tấn công này, vốn là vụ thứ tư nhắm vào tín đồ Thiên Chúa Giáo kể từ Tháng Mười Hai tới nay, tuy nhiên giới chức thẩm quyền cho hay nhiều phần đây là ISIS gây ra.

Thành phần phiến quân Hồi Giáo trong mấy năm trở lại đây mở ra cuộc nổi dậy ở phía Bắc Bán Đảo Sinai, dù rằng trong thời gian gần đây có thêm nhiều cuộc tấn công ở các khu vực khác.
Vụ nổ súng xảy ra trong lúc chiếc xe buýt đang đi trên con đường ở sa mạc dẫn tới tu viện ở nơi hẻo lánh thuộc tỉnh Minya, nằm cách Cairo chừng 220 km về phía Nam.

Các giới chức an ninh cho hay nhân chứng kể lại có từ 8 tới 10 kẻ tấn công, mặc quân phục và đeo mặt nạ, bất ngờ nổ súng bắn xối xả vào xe của họ.

Ông Khaled Mogahed, phát ngôn viên Bộ Y Tế chính phủ Ai Cập, nói số người thiệt mạng hiện là 26 nhưng còn có thể tăng cao hơn nữa.
Vài giờ sau, quân đội Ai Cập tấn công một căn cứ ở Libya, nơi họ tin là huấn luyện những người tấn công xe buýt, Tổng Thống Abdel-Fattah el-Sissi nói, nhưng không cho biết thêm chi tiết.

Cho tới nay, chưa có nhóm nào nhận trách nhiệm vụ tấn công, nhưng người Thiên Chúa Giáo Coptic thường là mục tiêu của ISIS trong khu vực.
Hồi cuối tháng qua, khi viếng thăm Ai Cập, Đức Giáo Hoàng Francis lên tiếng kêu gọi chính phủ quốc gia này hãy có biện pháp bảo vệ người theo Thiên Chúa Giáo. - nguoiviet

8.
Ngoại trưởng Úc: Mỹ lo ngại nguy cơ chạy đua vũ trang ở châu Á-TBD

Các quan chức cao cấp trong chính quyền Tổng thống Trump lo ngại sẽ xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á-Thái Bình Dương nếu Bắc Triều Tiên ngày càng trở nên hung hăng và không bị kiềm hãm. 
Hãng tin AFP trích lời Ngoại trưởng Úc Julie Bishop phát biểu hôm 26/5 sau các cuộc hội đàm tại New York.

Bình Nhưỡng đã tiến hành một loạt vụ phóng thử phi đạn trong năm nay, kể cả tên lửa tầm trung Hwasong-12 mà Bắc Hàn nói có khả năng mang đầu đạn hạt nhân “hạng nặng” trong tháng này, làm dấy lên căng thẳng với Washington.
Bắc Triều Tiên đã tiến hành 2 vụ thử hạt nhân kể từ đầu năm ngoái, và một mực nói rằng họ cần có vũ khí hạt nhân để tự vệ mình trước mối đe dọa bị xâm lược.

Hoa Kỳ lo ngại nếu không ngăn chận lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un, thì những nước khác trong khu vực, kể cả Nhật Bản và Hàn Quốc, có thể bị buộc phải tính tới chuyện phát triển khả năng hạt nhân của riêng họ, như một biện pháp phòng vệ.

Ngoại trưởng Julie Bishop nói với tờ The Australian rằng bà đã được nghe về mối lo ngại đó khi tới New York và gặp gỡ đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, Nikki Haley.

“Trong các cuộc thảo luận với các quan chức cao cấp ở Hàn Quốc và Hoa Kỳ, quan điểm chung là nếu Bắc Hàn được công nhận là một nước có vũ khí hạt nhân thì Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ không có lựa chọn nào khác hơn là phát triển khả năng hạt nhân”. 

Trong chiến dịch vận động tranh cử của ông hồi năm ngoái, ông Trump nêu lên khả năng Nhật và Hàn Quốc có thể tự trang bị vũ khí hạt nhân. Vấn đề này đặc biệt nhạy cảm ở Nhật Bản, nước duy nhất bị tấn công bằng bom nguyên tử. Nhưng ông Trump sau này rút lại ý kiến này.
Mỹ từng tuyên bố sẵn sàng đàm phán với Bắc Hàn nếu nước này ngưng thử nghiệm hạt nhân và phi đạn đạn đạo, tuy nhiên Washington cảnh báo vẫn để ngỏ giải pháp can thiệp quân sự, làm dấy lên những lo sợ về nguy cơ xảy ra xung đột.

Ngoại trưởng Bishop nói thông điệp “mạnh mẽ và rõ rệt” của đại sứ Haley là “khi Mỹ tuyên bố để ngỏ mọi giải pháp, điều đó thể hiện quyết tâm của Mỹ, họ không nói đùa hay nói xuông”. Bà Bishop lưu ý rằng Hoa Kỳ đã điều một tàu ngầm hạt nhân đến khu vực.
Theo Ngoại trưởng Úc thì điều đáng khích lệ là đối tác thương mại chính và đồng minh duy nhất của Bắc Hàn là Trung Quốc, có vẻ đang ngả về phía cộng đồng quốc tế. 

Bà nói trong quá khứ Bắc Hàn được coi là nằm trong phạm vi ảnh hưởng của Bắc Kinh, và là một chi nhánh của đảng cộng sản Trung Quốc. Nhưng giờ đây Bắc Hàn trở nên hiếu chiến hơn nhiều, đôi khi tấn công, hoặc làm ngơ Trung Quốc.”
Hoa Kỳ trong nhiều tuần qua đã thương lượng với Trung Quốc để đi đến một nghị quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về một loạt biện pháp chế tài đối với Bắc Triều Tiên. Nhưng đại sứ Haley tuần trước cho biết hai bên không thỏa thuận về một bản thảo cuối cùng nào.
Ngoại trưởng Bishop thúc giục Bắc Kinh thực thi các biện pháp chế tài mới vì có làm như vậy thì mới có thể buộc Bắc Hàn phải ngồi vào bàn đàm phán. - VOA

Tin Hoa Kỳ
9.
Hillary Clinton đả kích khoản cắt giảm ngân sách của Trump là ‘tàn ác’

Bà Hillary Clinton lên tiếng đả kích người đã đánh bại bà trong cuộc đua vào Nhà Trắng trong một bài diễn văn vào ngày thứ Sáu, gọi đề xuất của Tổng thống Donald Trump cắt giảm 3,6 ngàn tỉ đôla chi tiêu chính phủ trong thập kỷ tới là "sự tàn ác không tưởng tượng nổi."
Ứng viên Đảng Dân chủ thất cử không nêu đích danh Tổng thống Cộng hòa trong bài diễn văn của bà trước các sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp tại Đại học Wellesley, trường cũ của bà. Nhưng bà đưa ra những lời chỉ trích bóng gió nhắm vào doanh nhân trở thành chính trị gia này, sau khi đề xuất ngân sách của ông Trump công bố vào đầu tuần này cho thấy những khoản cắt giảm mạnh đối với những chương trình chăm sóc y tế và trợ cấp thực phẩm.

"Hãy nhìn vào ngân sách vừa được đề xuất ở Washington. Đó là một sự tấn công tàn ác không thể tưởng tượng nổi nhắm vào những người dễ bị tổn thương nhất trong số chúng ta," bà Clinton nói với một đám đông tại trường đại học toàn nữ ở ngoại ô thành phố Boston.
"Nó cấp ngân quỹ cực kỳ ít ỏi cho giáo dục công, dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần và thậm chí cả những nỗ lực chống lại tình trạng nghiện opioid tràn lan."

Các quan chức Nhà Trắng mô tả ngân sách đề xuất này cung cấp những khoản giảm thuế mà họ nói là sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế và tạo ra nhiều việc làm trong lĩnh vực tư nhân. Giống như tất cả những đề xuất ngân sách của tổng thống, đề xuất này là của một danh sách những điều mà chính quyền mong muốn nhưng ít có khả năng được Quốc hội chấp thuận ở hình thức hiện tại.
Bà Clinton, cựu ngoại trưởng Mỹ, cảnh báo về sự xói mòn các tiêu chuẩn sự thật được mọi người chấp nhận trong những cuộc luận đàm công cộng ở Mỹ, và có vẻ như công kích ông Trump về vấn đề này.

"Các bạn tốt nghiệp vào lúc đang có một cuộc tấn công toàn phần nhắm vào sự thật và lý trí. Chỉ cần đăng nhập vào mạng xã hội 10 giây là nó đập ngay vào mặt của bạn," bà nói, dẫn ra những bản tin lừa bịp trên mạng nói rằng ban vận động tranh cử của bà có dính líu tới một tiệm pizza ở Washington vận hành một đường dây mại dâm trẻ em.
"Khi những người nắm quyền bịa đặt sự thật của chính mình và công kích những người đặt nghi vấn, nó có thể đánh dấu khởi đầu của sự cáo chung của một xã hội tự do," bà Clinton nói. "Chuyện này không phải cường điệu, đó là điều mà các chế độ độc tài trong lịch sử đã làm."

Bà cũng kêu gọi các sinh viên tốt nghiệp của trường đại học có thiên hướng tự do này, nằm ở một trong những bang ủng hộ Đảng Dân chủ mạnh mẽ nhất ở Mỹ, chớ thu mình vào môi trường chỉ có những quan điểm giống với quan điểm của họ, nói rằng "sự học hỏi, lắng nghe và phụng sự của bạn phải bao gồm cả những người không đồng ý với bạn về mặt chính trị."

Bà Clinton có một sự nghiệp phụng sự công chúng lâu dài kể từ khi tốt nghiệp vào năm 1969 tại Đại học Wellesley. Bà là đệ nhất phu nhân trong suốt hai nhiệm kỳ của chồng bà Bill Clinton trong Nhà Trắng và sau đó được bầu vào Thượng viện Hoa Kỳ đại diện bang New York. Bà từng tranh cử tổng thống không thành công vào năm 2008 trước khi trở thành nhà ngoại giao hàng đầu của đất nước trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Barack Obama.

Bà Clinton, 69 tuổi, dần xuất hiện trở lại trước công chúng kể từ thất bại bất ngờ vào tháng 11. Bà nói rằng bà sẽ không ra tranh cử nữa nhưng sẽ phục vụ trong vai trò là một công dân tranh đấu. - VOA

10.
Chuyên chở thuốc lá bất hợp pháp, UPS bị tòa phạt $247 triệu

Một thẩm phán tòa liên bang ở thành phố New York vừa ra lệnh phạt công ty vận chuyển hàng hóa United Parcel Service Inc. (UPS) số tiền $247 triệu vì chuyên chở thuốc lá bất hợp pháp.
Thẩm Phán Katherine B. Forrest, trong phán quyết dầy 218 trang, công bố hôm Thứ Năm, nói rằng việc chuyên chở hàng trăm ngàn bịch thuốc lá không bị thuế giữa các khu vực sinh sống của bô lạc Thổ Dân Mỹ, các đại lý không giấy phép đến khách hàng tại nhà riêng của họ ở tiểu bang New York, khiến tiểu bang và thành phố New York thiệt mất hàng triệu đô la tiền thuế.

Điều này cũng vi phạm thỏa thuận ký kết năm 2005 giữa UPS và tiểu bang New York, theo đó công ty đồng ý không chở và giao thuốc lá cho những đại lý không có giấy phép.

Phán quyết về đơn kiện nộp năm 2015 này đòi UPS bồi thường $165.8 triệu cho tiểu bang New York, $81.2 triệu cho thành phố New York. UPS nói sẽ kháng án.
Bộ Trưởng Tư Pháp tiểu bang New York, ông Eric Schneidermann, xưa nay vẫn quan tâm ảnh hưởng đến sức khỏe của việc hút thuốc lá, cho hay hồi Tháng Chín năm ngoái rằng hành động của UPS khiến người trẻ dễ hút thuốc hơn vì hạ giá bán và làm suy yếu các nỗ lực chống hút thuốc lá của tiểu bang.

Luật sư của UPS, Carrie Cohen, nói với tòa rằng thành phố New York và tiểu bang New York lầm lẫn các hộp đựng “xì gà nhỏ” với thuốc lá, cho biết thêm rằng công ty hoàn toàn tuân thủ các quy định của tiểu bang và thành phố, bản tin UPI cho hay.
Sau khi tòa đưa ra phán quyết, luật sư Cohen nói các con số bồi thường quá cao. Thẩm phán Forrest nói phải phạt nặng vì sự nguy hiểm của việc hút thuốc lá và “tòa thấy rằng một mức phạt nhẹ nhàng sẽ không ảnh hưởng gì đến công ty UPS.” - nguoiviet

Tin Việt Nam
11.
Biển chết Hà Tiên

Mũi Con Cọp vốn là nơi thu hút khách du lịch ở Hà Tiên, Kiên Giang. Đây cũng là bờ biển đẹp và nhiều hải sản gần bờ nhất Hà Tiên. Nhưng chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, cả một bờ biển dài hơn 15 kilomet trở thành bờ biển chết. Xác tôm, cá, nghêu, sò, mực và các loại hải sản gần bờ nằm sắp lớp trên bờ biển, từ mép nước ra khơi gần 500 mét. Những ngư dân gốc Kh’Mer ở đây cảm thấy hoang mang vô cùng bởi nguồn hải sản gần bờ của họ bị mất hoàn toàn. Hầu hết ngư dân ở đây đều nghèo khổ, không có phương tiện đánh bắt xa bờ.
“Nó chết ốc, cá, nghêu, móng tay… nó xả thải ở đâu mình cũng không biết, nhưng khi đến đây là mấy con trên chết hết à,” ngư dân Ông Văn Khềnh, ấp 7, Chà Và, xã Dương Hòa, huyện Kiên Lương, chia sẻ với VOA.

Một ngư dân khác cũng ở cùng ấp tên Chỉnh Tài Xỉu cho biết thêm: “Do nước thải ở đâu ra nên cá mắm chết hết. Sò, ốc.. cá mắm chết hết. Đánh bắt gần bờ không được nên mình đi phụ hồ, đi làm này làm nọ để nuôi con.”
Hiện tại, các cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang vẫn chưa có lời giải đáp cụ thể về nguyên nhân gây hải sản chết hàng loạt ở bờ biển Mũi Con Cọp. Các cơ sở nuôi tôm, nuôi hải sản gần bờ bị thiệt hại không nhỏ. Nhiều người mất trắng. Các gia đình kinh doanh hải sản, phục vụ du lịch, bán quán hải sản hầu như không ai thoát được tình trạng ế ẩm và thua lỗ.

Dù hải sản chết hàng loạt, trôi dạt kín bờ trong một thời gian dài hơn nửa tháng, nhưng người dân vẫn không nhận được bất kỳ lời khuyến cáo nào từ phía nhà nước để đề phòng hải sản nhiễm độc.
Các hàng quán hải sản vẫn hoạt động như không có chuyện gì xảy ra. Chỉ có khác chăng là người dân tự thấy hải sản nguy hiểm nên không ăn, nhưng khách du lịch vẫn cứ bị thu hút bởi các hàng quán hải sản nơi đây bởi thông tin về những gì đang xảy ra tại bờ biển Hà Tiên, cho đến giờ phút này, xem như hoàn toàn ‘chìm xuồng.’ - VOA

12.
Mỹ bàn giao tàu tuần duyên lớn cho Cảnh Sát Biển Việt Nam

Lực Lượng Tuần Duyên Hoa Kỳ hôm Thứ Năm, 25 Tháng Năm, vừa bàn giao một chiếc tàu tuần cỡ lớn cho lực lượng Cảnh Sát Biển Việt Nam tại Honolulu, Hawaii. 
Việc bàn giao chiếc tàu tuần USCGC Morgenthau (WHEC 722) của Mỹ đã hoạt động gần 50 năm cho Cảnh Sát Biển Việt Nam ở Honolulu diễn ra ba ngày sau cuộc bàn giao sáu tàu tuần tra cao tốc cỡ nhỏ trong buổi lễ diễn ra tại tỉnh Quảng Nam.

Hai cuộc bàn giao vừa kể diễn ra vài ngày trước khi Thủ Tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc công du Mỹ và dự trù được Tổng Thống Donald Trump tiếp tại Tòa Bạch Ốc ngày 31 Tháng Năm. 

Bản tin của Tòa Đại Sứ Mỹ nói rằng chiếc tàu tuần tra cỡ lớn sẽ được phía Việt Nam đổi số hiệu thành CSB 8020 “dự trù sẽ giúp Cảnh Sát Biển Việt Nam cải thiện khả năng tuần tra trong các nhiệm vụ thực thi luật pháp trên biển, thực hiện các hoạt động tìm kiếm và cấp cứu cùng các hoạt động ứng cứu nhân đạo khác.” 

“Con tàu này mang một biểu tượng ý nghĩa và cụ thể về quan hệ đối tác toàn diện Hoa Kỳ-Việt Nam,” Đề Đốc Tuần Duyên Hoa Kỳ Michael J. Haycock, phụ tá tham mưu trưởng về quân dụng và cán bộ chuyên trách quân dụng, phát biểu trong buổi lễ bàn giao. “Tuần Duyên Hoa Kỳ vinh dự được chứng kiến con tàu này tiếp tục duy trì hòa bình và sự thịnh vượng toàn cầu khi trở thành một phần của Cảnh Sát Biển Việt Nam,” ông nói. 

Việc chuyển giao tàu tuần tra nói trên là một phần nằm trong kế hoạch giải quyết các tài sản quân sự dư thừa của chính phủ Hoa Kỳ (EDA) cung cấp cho các đồng minh và các đối tác để “hỗ trợ cho các nỗ lực hiện đại hóa an ninh và quân đội của họ” bản thông cáo báo chí của Tòa Đại Sứ Mỹ viết.
Lực lượng Cảnh Sát Biển Việt Nam có một số tàu tuần tra cỡ nhỏ hoán cải từ các chiến hạm cũ. Mấy năm gần đây, tự đóng thêm được bốn chiếc trọng tải 2,500 tấn theo kỹ thuật do công ty đóng tàu Damen của Hòa Lan chuyển giao. 

Tàu CSB 8020 có trọng tải 3,250 tấn tuy cũ nhưng sẽ là tàu lớn nhất của lực lượng Cảnh Sát Biển Việt Nam. 
Đây vốn là chiếc tàu tuần tra (cutter) USCGC Morgenthau (WHEC 722) của Lực Lượng Tuần Duyên Hoa Kỳ. Nó được hạ thủy năm 1969 và được đưa ngay sang Việt Nam làm nhiệm vụ theo dõi các tàu của CSVN lén lút xâm nhập người và võ khí vào miền Nam Việt Nam từ miền Bắc. Tàu được cho nghỉ hưu từ ngày 18 Tháng Tư, 2017, và được chuyển giao lại cho Cảnh Sát Biển Việt Nam theo một quyết định của chính phủ Obama có từ Tháng Ba, 2016. 

Tàu dài 115 mét, ngang 13 mét, trọng tải 3,250 tấn, được một thủy thủ đoàn 160 người điều hành. Tàu được trang bị hai máy diesel và hai máy turbine khí cho tốc độ 29 hải lý/giờ (khoảng 53.7km/giờ) với tầm hoạt động 14,000 hải lý (22,531 km) trong 45 ngày liên tục. 
Võ khí trang bị trên tàu gồm radar, đại bác Oto Breda 76.2 mm, hệ thống đại bác bắn nhanh 20 mm Phalanx chống mục tiêu gần, đại bác tự động 25 mm Bushmaster và một số súng đại liên từ 7.62 mm đến 12.7 mm. 

Không thấy bản tin của Tòa Đại Sứ Mỹ nói gì về các loại võ khí vừa kể nhưng theo thông lệ của những lần chuyển giao tàu tuần tra cho các đối tác thân hữu, các loại võ khí đều được gỡ bỏ trước khi chuyển giao. 
Trong các năm từ 2015 đến 2017, chính phủ Nhật cũng đã viện trợ cho lực lượng Cảnh Sát Biển và Kiểm Ngư của Việt Nam bảy chiếc tàu từ 400 tấn đến 600 tấn. Một số những chiêc tàu này là tàu đánh cá cũ đã được tân trang và trang bị lại theo nhu cầu thực thi pháp luật trên biển. 
Việt Nam có bờ biển dài hơn 3,000 km và một vùng biển đặc quyền kinh tế lớn nhưng các lực lượng bán quyên sự của Việt Nam gồm Cảnh Sát Biển và Kiểm Ngư quá thiếu phương tiện và nhân sự. - nguoiviet

13.
Ông Phúc đi Mỹ, truyền thông quốc tế nói gì?

Báo chí nước ngoài nói rằng Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc giành “thắng lợi lớn” khi trở thành quan chức Đông Nam Á đầu tiên tới thăm Nhà Trắng dưới chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tin cho hay, ông Phúc sẽ bắt đầu chuyến công du vào ngày 29/5, và hội kiến với nguyên thủ nước chủ nhà vào ngày 31/5. Đây là chuyến đi Mỹ đầu tiên của nhà lãnh đạo chính phủ Việt Nam sau khi nhậm chức năm ngoái.

Trong bài báo có tựa đề “Sau khi nói chuyện với Trung Quốc về Trung Quốc, Việt Nam tới Washington để làm điều tương tự”, một bài báo của tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng viết rằng “khó có thể đoán định kết quả của cuộc hội đàm”.
Tờ báo có trụ sở ở Hong Kong viết tiếp: “Trọng tâm của ông Phúc nhiều khả năng là Biển Đông và thương mại. Ông ấy có thể gây ngạc nhiên cho ông Trump bằng đề nghị mua thêm vũ khí”.

“Ông Phúc nhiều khả năng sẽ không đề nghị sự trợ giúp trực tiếp để [đương đầu] với Trung Quốc vì thời gian qua, Việt Nam đã tự thân duy trì sự ổn định địa chính trị”, bài báo viết tiếp.
Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng nêu ví dụ về chuyện quan chức hai nước trong tháng này có các cuộc gặp nhằm thúc đẩy “tình đồng chí”, nhất là chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Hãng tin Reuters viết rằng “cuộc gặp với ông Trump vào thứ Tư tới là một thắng lợi lớn đối với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, khi ông sẽ là lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên tới thăm Nhà Trắng dưới chính quyền mới”.

Hãng tin Anh cho rằng đó là kết quả của “các cuộc gọi, các lá thư, các cuộc tiếp xúc ngoại giao và các chuyến thăm cấp thấp khởi sự từ trước cả khi ông Trump nhậm chức ở Washington, nơi Việt Nam vẫn duy trì một nhà vận động được trả giá 30 nghìn đôla một tháng”.
Reuters dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Katrina Adams nói rằng “mối quan hệ đối tác Việt – Mỹ là một thành tố quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương”.

Hãng này cũng trích lời một cựu quan chức cấp cao của Mỹ nói rằng ông Trump “có thể phàn nàn với thủ tướng Việt Nam về tình trạng thâm hụt thương mại”.
Một bài viết có tựa đề “Quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ: Câu chuyện của 'Tự do' và 'Công bằng' trên trang web của chính phủ Việt Nam viết rằng “điều phải đến đã đến. Tổng thống Donald Trump sẽ đến Việt Nam năm nay (2017) sau chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc”.
“Hy vọng rằng quan hệ song phương Việt Mỹ không chỉ ấm lên cho Việt Nam hay cho Hoa Kỳ, mà cho cả vùng châu Á-Thái Bình Dương”, VGP News viết. - VOA

Link:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét