Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 28 tháng 5, 2017

Tin Cập Nhật Chủ Nhật 28/5 - Lê Minh Nguyên

1.
Châu Âu không yên lòng sau chuyến thăm của Trump --- Mỹ không đồng thuận với khối G-7 về biến đổi khí hậu
Tối 27/5, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Sean Spicer tuyên bố rằng chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Donald Trump trên cương vị tổng thống Mỹ đã thành công. Tuyên bố này được viết trên Twitter vào lúc nhà lãnh đạo Hoa Kỳ bay về Washington “sau 9 ngày rất hiệu quả”.<!>

Phản ứng của châu Âu - đặc biệt là ở hai thủ đô lớn là Berlin và Paris - về chuyến thăm của ông Trump lại rất khác so với mô tả của Tòa Bạch Ốc; và người ta không dùng từ “thành công”.
Các quan chức châu Âu nói các đồng minh hai bờ Đại Tây Dương hiện tại không đoàn kết hơn so với thời điểm trước khi ông Trump đến, và họ tin rằng châu Âu sẽ phải hành động độc lập hơn nữa - điều mà họ đã tiên liệu sau khi ông Trump được bầu.

Đối với họ, Washington không còn là đồng minh có thể trông cậy được nữa. Và đó cũng là quan điểm của phần lớn báo chí châu Âu. Các tít báo trong tuần đã cung cấp thông tin đối lập lại lời mô tả của Tòa Bạch Ốc về các cuộc họp G7. 

Người châu Âu đã hy vọng chuyến thăm của ông Trump có thể cài đặt lại mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương vốn bị xáo trộn do việc ông được bầu làm tổng thống. Họ hy vọng rằng tổng thống Mỹ sẽ được thuyết phục và nhìn thế giới thông qua con mắt của họ nhiều hơn. Nhưng từ Brussels đến Sicily, có những nụ cười gượng gạo, những sự lúng túng, và những rạn nứt không cần che giấu về một loạt vấn đề - từ thương mại, di dân cho đến các lệnh trừng phạt đối với Nga, và biếnđổi khí hậu.

Các nhà lãnh đạo và các quan chức châu Âu phàn nàn với giới truyền thông rằng ông Trump và các cố vấn của ông không biết gì về các dữ kiện cơ bản, đặc biệt là thương mại xuyên Đại Tây Dương.
 
Các quan chức Đức nói với Süddeutsche Zeitung rằng ông Trump và các phụ tá của ông đều có ấn tượng là Mỹ có các thoả thuận thương mại riêng biệt với từng quốc gia EU.

Tờ Le Monde của Pháp đã cáo buộc ông không đưa ra một tuyên bố rõ ràng khẳng định lại Điều 5 của Hiệp ước NATO, theo đó đảm bảo hỗ trợ nhau trong trường hợp xảy ra tấn công vũ trang. Tờ báo cũng chỉ trích việc rao giảng với các nhà lãnh đạo châu Âu về việc chia sẻ gánh nặng tài chính.

Giới truyền thông châu Âu hôm 27/5 tập trung sự chú ý vào độ ngắn gọn của tuyên bố chung khi bế mạc hội nghị thượng đỉnh G7 dài 2 ngày ở Sicily. Tuyên bố chỉ dài hơn 5 trang, so với 32 trang hồi năm ngoái. Nhiều cây viết xã luận cho rằng điều này thể hiện sự thiếu đồng thuận giữa Hoa Kỳ và các thành viên G7 khác.

Việc ông Trump từ chối tái khẳng định hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 nhằm mục đích kiềm chế phát thải khí nhà kính đã trở thành các tít báo lớn liên quan đến hội nghị thượng đỉnh G7 ở Sicily. Các nhà bình luận châu Âu lưu ý rằng nhìn chung các tư tưởng đã không tìm được nhiều điểm chung về vấn đề này.

Báo chí Italia ghi nhận sự thất vọng của Thủ tướng Paolo Gentiloni khi ông nỗ lực tìm cách đạt được sự ủng hộ của Mỹ cho một mối quan hệ hợp tác mới giữa các quốc gia G7 và châu Phi liên quan đến viện trợ và đầu tư nhằm ngăn chặn dòng người di cư qua vùng Địa Trung Hải.

Các tờ báo châu Âu giờ đây gọi G7 là G6+1.

Các báo dẫn lời Thủ tướng Đức Merkel phát biểu khi hội nghị thượng đỉnh gồm lãnh đạo các quốc gia tiên tiến nhất thế giới về kinh tế sắp bế mạc. 

Bà nói: "Cuộc thảo luận về vấn đề khí hậu thật khó khăn, nếu không nói là không đạt yêu cầu. Ở đây, chúng tôi có tình huống là sáu nước chống lại một, có nghĩa là vẫn không có dấu hiệu cho thấy Mỹ sẽ vẫn còn tham gia hiệp định Paris hay không".

Jon Henley, phóng viên chuyên mảng các vấn đề châu Âu của tờ Guardian, đã đánh giá về chuyến đi của ông Trump: "May sao, chuyến đi có lẽ đã trôi qua không có thảm hoạ nào, nhưng chuyến đi xuyên Đại Tây Dương đầu tiên của ông Donald Trump với tư cách tổng thống Hoa Kỳ vẫn còn khiến cho các nhà lãnh đạo châu Âu run rẩy”. - VOA

***
Trong một diễn biến chưa từng có, một thông cáo của Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm Bảy Cường quốc đã dành một vị trí riêng biệt cho Mỹ để nước này có lập trường khác với lập trường chung của các nước còn lại ở một vấn đề lớn.

Trong một bản thông cáo cuối cùng được tiết giảm, tất cả các quốc gia G-7, ngoại trừ Mỹ, đều tuyên bố sẽ hành động để khắc phục tình trạng biến đổi khí hậu.

"Hoa Kỳ đang trong quá trình duyệt lại những chính sách về biến đổi khí hậu và Thỏa thuận Paris và do đó không ở trong vị thế có thể tham gia sự đồng thuận về những chủ đề này," thông cáo viết. "Hiểu được quá trình này, các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ của Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Anh cùng Chủ tịch Hội đồng Châu Âu và Ủy hội Châu Âu tái khẳng định lại cam kết mạnh mẽ của họ nhanh chóng thực thi Thỏa thuận Paris."

Thông cáo này cho biết Mỹ cần "thêm thời gian" để quyết định liệu họ có rời bỏ thỏa thuận mang tính bước ngoặt này hay không để giảm thiểu phát thải carbon do các đại diện của 195 quốc gia đồng ý vào hai năm trước.

"Tôi sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về Thỏa thuận Paris vào tuần sau!" Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter từ Sicily trong tài khoản cá nhân của mình lúc gần kết thúc bữa trưa làm việc của G-7.

"Tôi đã nói với Donald Trump rằng việc Mỹ tiếp tục tham gia trọn vẹn trong thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris là điều thiết yếu," Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói với các phóng viên.

Thủ tướng Đức Angela Merkel nói thỏa thuận khí hậu quan trọng đến mức không nên có bất kỳ thỏa hiệp nào về nó.

"Toàn bộ cuộc thảo luận về khí hậu là rất khó khăn, nếu không nói là gây bất mãn," nhà lãnh đạo Đức nói với các phóng viên. "Không có chỉ dấu nào cho thấy Mỹ sẽ ở lại trong Thỏa thuận Paris hay không."

"Đã có sự trao đổi quan điểm rất thẳng thắn về chủ đề này," Gary Cohn, cố vấn kinh tế hàng đầu của Trump cho biết.

Nhưng ông Trump có đồng ý về ngôn từ trong thông cáo ở phần nói về thương mại, rằng ông nhất trí chống lại chủ nghĩa bảo hộ mặc dù ông thường nhắc đi nhắc lại khẩu hiệu "Nước Mỹ trên hết" trong vấn đề thương mại.

Trong bài phát biểu trước các quân nhân Mỹ tại Căn cứ Không quân Sigonella, Tổng thống không nhắc tới bất kỳ bất đồng nào với sáu quốc gia khác, nói rằng hội nghị thượng đỉnh là "cuộc họp mang lại nhiều kết quả hết sức to lớn" và "chúng tôi kết bạn với rất nhiều người trong tuần này."

Trong một biến khác cũng trái với truyền thống G-7, Tổng thống Mỹ đã không tổ chức họp báo sau khi hội nghị thượng đỉnh kết thúc. Ông là nhà lãnh đạo duy nhất không nói chuyện với báo giới.

Thay vào đó, ông Cohn và cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống, Tướng H.R McMaster, ra trình bày với nhóm phóng viên tháp tùng Nhà Trắng, nhưng camera không được phép ghi hình họ. - VOA

2.
TQ ‘bất mãn’ với tuyên bố G7 về Biển Đông, Biển Hoa Đông

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng hôm 28/5 nói Trung Quốc “rất bất mãn” về tuyên bố của nhóm G7 đề cập đến Biển Đông và Biển Hoa Đông. Ông Lục nói các nước G7 nên ngừng đưa ra những phát biểu vô trách nhiệm.
Người phát ngôn này nói Trung Quốc cam kết giải quyết thích đáng các tranh chấp với các nước liên quan thông qua thương thuyết trong khi duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Ông Lục cho hay Trung Quốc hy vọng G7 và các nước khác sẽ kiềm chế, tránh đưa ra quan điểm, đồng thời tôn trọng các nỗ lực trong việc giải quyết tranh chấp của các nước ở khu vực.

Trong tuyên bố chung hôm 27/5, các lãnh đạo G7 nói họ quan ngại về tình hình Biển Đông và Biển Hoa Đông. Họ cũng kêu gọi phi quân sự hóa “các thực thể có tranh chấp”.

Cho đến tối 28/5, Việt Nam chưa có phát biểu chính thức liên quan đến tuyên bố của G7. 

Hồi giữa tháng 4 năm ngoái, khi các ngoại trưởng G7 ra tuyên bố bày tỏ quan ngại đối với tình hình Biển Đông và Biển Hoa Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khi đó, ông Lê Hải Bình, cho biết Việt Nam “hoan nghênh” tuyên bố của hội nghị ngoại trưởng G7 “theo mục tiêu chung là đảm bảo an ninh, an toàn tự do hàng hải và hàng không, an ninh biển và tôn trọng luật pháp quốc tế”. 

Ông Bình cũng nói rằng Việt Nam “đề nghị các bên có những đóng góp thiết thực vào việc duy trì hòa bình ổn định và thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương”.

Trung Quốc đòi chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, trong khi Việt Nam, Philippines, Đài Loan, Brunei và Malaysia cũng đòi chủ quyền đối với nhiều phần chồng lấn ở vùng biển.

Ở Biển Hoa Đông, Trung Quốc có tranh chấp với Nhật Bản về một số đảo nhỏ không có người ở.

Mỹ đã chỉ trích việc Trung Quốc xây các đảo nhân tạo và tăng cường các cơ sở quân sự ở Biển Đông. Mỹ quan ngại rằng các cơ sở đó có thể được sử dụng để hạn chế tự do hàng hải cũng như để mở rộng tầm hoạt động chiến lược của Trung Quốc.

Đầu tuần vừa qua, một tàu chiến của Hải quân Mỹ đã tiến hành cuộc tuần tra vì tự do hàng hải gần Đá Vành khăn (Mischief Reef) thuộc quần đảo Trường Sa có tranh chấp. 

Cuộc tuần tra lần đầu dưới thời Tổng thống Trump đã gây ra phản ứng tức giận từ Bắc Kinh.

Nhóm G7 gồm có các nước Mỹ, Pháp, Canada, Đức, Anh, Y và Nhật. - VOA

3.
Anh phái chiến đấu cơ chặn máy bay Nga

Bộ Quốc phòng Anh cho biết rằng hai chiếc máy bay chiến đấu của nước này đã được triển khai từ căn cứ không quân hoàng gia tại Scotland hôm 27/5 sau một vụ xâm nhập của máy bay Nga.
Reuters dẫn thông cáo của Bộ này cho biết hai chiến đấu cơ Typhoons đã nhanh chóng được phái đi sau khi hai máy bay chiến đấu của Nga bay vào không phận Anh.

“Cả hai chiếc đã trở về căn cứ an toàn”, sau khi thực hiện nhiệm vụ phản ứng nhanh, thông cáo của Bộ Quốc phòng Anh có đoạn.

Anh thường xuyên triển khai máy bay chiến đấu đi chặn máy bay Nga gần không phận của quốc gia Tây Âu này.

Các vụ chặn máy bay Nga của các thành viên tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, NATO, gia tăng trong những năm gần đây do căng thẳng leo thang giữa phương Tây và Moscow về cuộc khủng hoảng Ukraina. - VOA

4.
Ukraina: Macron tuyên bố đối thoại ''không khoan nhượng'' với Putin

Ngày thứ hai 29/05/2017, tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ được Pháp đón tiếp một cách trọng thể tại cung điện Versailles. Trong cuộc họp báo kết thúc thượng đỉnh G7, tổng thống Emmanuelle Macron tuyên bố là sẽ có những « đòi hỏi khắt khe » với chủ nhân điện Kremlin về hồ sơ Ukraina, cũng như đã có những « trao đổi không khoan nhượng » với tổng thống Mỹ về khí hậu. Tân lãnh đạo trẻ tuổi của Pháp, qua cuộc thử lửa ngoại giao đầu tiên, muốn chứng tỏ có khả năng đóng vai trò chủ động trên các hồ sơ quốc tế.
Từ Taormina, đặc phái viên Valérie Gas phân tích :

« Trong buổi họp báo kết thúc thượng đỉnh G7, Emmanuel Macron đã ca ngợi khả năng biết lắng nghe và tinh thần thực tế của tổng thống Mỹ Donald Trump. Nguyên thủ Pháp còn nói rằng ông tin tưởng là Donald Trump sẽ khẳng định các cam kết của Hoa Kỳ trong Thỏa thuận Khí hậu Paris, nhưng cũng cho biết ông không muốn bình luận về quyết định mà tổng thống Mỹ dự kiến sẽ đưa ra trong những ngày tới. 

Tổng thống Pháp nhấn mạnh đến ý nghĩa tích cực của thượng đỉnh G7, bởi chỉ mới đây thôi Hoa Kỳ đã muốn rời bỏ Thỏa thuận về khí hậu. 

Emmanuel Macron nhấn mạnh đến cơ chế của thượng đỉnh giữa bảy quốc gia phát triển là thuận lợi và hiệu quả, cho phép các nhà lãnh đạo thảo luận trực tiếp. Rõ ràng nguyên thủ Pháp muốn ưu tiên đối thoại và trao đổi hơn là đối đầu. Đây là phương pháp mà ông sẽ triển khai trong cuộc gặp với đồng nhiệm Nga Vladimir Putin vào ngày mai tại Paris. 

Tổng thống Emmanuel Macron cho biết là ông sẽ có một cuộc ‘‘đối thoại khắt khe’’ với tổng thống Nga, bởi nhiều vấn đề quốc tế, đặc biệt là hồ sơ Syria, sẽ không thể được giải quyết, nếu không có một cuộc trao đổi không khoan nhượng với Matxcơva ».

Trả lời phỏng vấn tuần báo chủ nhật Journal Du Dimanche, 28/05/2017, khi được hỏi về cú « bắt tay » như đọ sức với Donald Trump, mà báo chí Mỹ bình luận suốt hai ngày qua, tổng thống Emmanuel Macron cho biết ông cố tình làm như thế. Đó là « thời điểm của sự thật », là « tín hiệu » để đối tác biết rằng mình dứt khoát không nhượng bộ cho dù chỉ là « một hình ảnh tượng trưng ».
Tổng thống Macron xác định nghệ thuật của ngoại giao là đối thoại chứ không phải là dùng lời lẽ thô lỗ để áp đảo. Những người như «  Donald Trump, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan hay tổng thống Nga Vladimir Putin suy nghĩ theo « logic » tương quan lực lượng », tuy nhiên, tôi không để cho họ lấn lướt và như thế họ phải tôn trọng mình, tổng thống Pháp kết luận. - RFI
|
5.
British Airways thông báo hoãn chuyến bay

British Airways khuyến cáo có thể sẽ có trì hoãn hoặc hủy chuyến bay một ngày sau khi có lỗi công nghệ thông tin (IT). 
Lỗi IT vào hôm thứ Bảy ảnh hưởng khiến hầu hết các chuyến bay đến và đi từ các sân bay Heathrow và Gatwick.

Hàng ngàn hành khách bị ảnh hưởng trong khi một số người có lên được máy bay thì lại không có hành lý.
Hãng hàng không này nói họ sẽ bồi thường chi phí hợp lý cho các hành khách và hỗ trợ hành khách đặt lại chỗ.

Được biết gián đoạn sẽ vẫn tiếp diễn trong ngày thứ Hai, là ngày nghỉ lễ ở Anh.

Hành khách được khuyến cáo kiểm tra thông tin chuyến bay tại website www.ba.com before trước khi tới sân bay. Heathrow Airport đang cập nhật thông tin trên trang web của sân bay này và Gatwick cũng vậy. 

Cho tới nay 42 chuyến bay đã rời Heathrow và 29 chuyến bị hủy. 

Tại Gatwick, 19 máy bay đã rời phi trường và một chuyến đi Amsterdam bị hủy. 

Hàng ngàn hành lý gửi bị tắc nghẽn tại sân bay Heathrow Airport, nhưng British Airways khuyến cáo hành khách không quay lại lấy mà họ sẽ gửi tới cho khách.

Có tin về việc một số hành khách rời Heathrow vào hôm thứ Bảy nhưng hành lý gửi không tới nơi họ hạ cánh. - BBC

Tin Hoa Kỳ
6.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ ‘không lo ngại’ về kênh liên lạc ngầm với Nga --- Trở về Washington, tổng thống Trump lại đối mặt với các bê bối

Khi được hỏi về tin tức cho hay con rể của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tìm cách thiết lập một kênh liên lạc bí mật với Nga trước khi Tổng thống nhậm chức, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ H.R. McMaster hôm thứ Bảy nói rằng cái gọi là "liên lạc ngầm" là điều bình thường.
Ông McMaster khi đó đang ở Taormina, Ý, bên lề những hội nghị của Nhóm Bảy Cường quốc (G-7), và ông không nói cụ thể về Jared Kushner, người cũng là cố vấn cao cấp của ông Trump. Khi được hỏi liệu ông có lo ngại không khi ai đó trong chính quyền tìm cách thiết lập một kênh liên lạc ngầm với đại sứ quán Nga hay Điện Kremlin, ông McMaster trả lời "không."

"Chúng tôi có những liên lạc ngầm với một số bất kỳ quốc gia nào. Nói chung, về những liên lạc ngầm, việc đó cho phép bạn giao tiếp một cách kín đáo.

"Nó không để lộ bất cứ nội dung hay cuộc trò chuyện hoặc bất cứ điều gì. Vì thế chúng tôi không lo ngại về nó."

Những phát biểu của ông được đưa ra sau khi bài báo của The Washington Post cho biết Jared Kushner, người con rể và cũng là cố vấn cao cấp của ông Trump, đã thảo luận với Đại sứ Nga tại Washington về khả năng thiết lập một kênh liên lạc bí mật giữa đội ngũ chuyển tiếp của ông Trump và Điện Kremlin.

Bài báo dẫn lời các quan chức Mỹ hôm thứ Sáu nói rằng hành động này nhằm che giấu những cuộc thảo luận trước lễ nhậm chức của họ khỏi bị theo dõi. - VOA
***
Trở về nước hôm qua, 27/05/2017, sau chuyến công du 9 ngày, tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ phải đối mặt trở lại với những vụ tai tiếng, mà mức độ căng thẳng không hề giảm đi, như ông từng hy vọng trước khi lên đường công du. Gọng kềm đang siết chặt quanh Donald Trump.

Từ Washington, thông tín viên RFI Jean-Louis Pourtet giải thích :

« Vụ tai tiếng gần đây nhất trong hồ sơ quan hệ với Nga có liên quan tới Jared Kushner, con rể của tổng thống. Báo Washington Post tiết lộ là hồi tháng 12 năm ngoái, Jared Kushner, cùng đại sứ Nga tại Mỹ, đã tìm cách thiết lập một kênh liên lạc bí mật giữa Washington và Matxcơva. Đó là một ý tưởng bị cựu giám đốc Cơ Quan An Ninh Quốc Gia Micheal Hayden chế giễu, nhưng lại được tướng McMaster - giám đốc Hội Đồng An Ninh Quốc Gia ủng hộ. 
Kushner cho biết sẵn sàng ra điều trần trước các ủy ban điều tra và khẳng định hiện không gặp rắc rối gì. Nhưng bốn nhân vật thân cận khác của Donald Trump đang bị thẩm phán đặc biệt Robert Mueller nhắm tới. Vì thế, theo New York Times, Nhà Trắng muốn thành lập một bộ phận truyền thông đặc biệt để tránh mọi rắc rối cho chính quyền Trump. 

Nhưng bộ phận truyền thông đặc biệt có giúp tổng thống tránh được rắc rối không, khi chính ông Trump bị nghi ngờ đã tìm cách ngăn cản các cuộc điều tra ? Về điều này, phiên điều trần trước Quốc Hội của cựu giám đốc Cục Điều Tra Liên Bang James Comey, người đã bị cách chức vì không nghe lời, có thể sẽ làm mọi chuyện nổ tung." - RFI
|
|

7.
2 người chết trong vụ thóa mạ chủng tộc ở Oregon

Hôm 26/5, trên một đoàn tàu chạy chặng ngắn ở Portland, thuộc bang Oregon miền tây Hoa Kỳ, hai hành khách đã thiệt mạng và người thứ ba nhập viện trong tình trạng nguy kịch sau khi họ cố ngăn chặn một người đàn ông khác thóa mạ sắc tộc và tôn giáo đối với ở hai phụ nữ trẻ có vẻ là người Hồi giáo. Một trong số hai phụ nữ có mang khăn trùm đầu hijab.

Cảnh sát cho hay hôm 27/5 họ sẽ điều tra về những gì được xem ý thức hệ cực đoan của người đàn ông Oregon được xác định danh tính là Jeremy Joseph Christian. Người này bị cáo buộc đã đâm hai hành khác kể trên.

Thị trưởng thành phố Portland Ted Wheeler cho biết chính quyền sẽ có biện pháp bảo vệ tất cả mọi người. 

Ông nói: "Chúng tôi sẽ làm tất cả mọi việc trong khả năng để đảm bảo rằng mọi người thuộc mọi chủng tộc và sắc tộc đều được an toàn trong thành phố của chúng tôi. Hiện nay có quá nhiều hận thù trên thế giới, và quá nhiều bạo lực. Bầu không khí chính trị hiện thời của chúng ta trao quá nhiều không gian cho những người truyền bá niềm tin mù quáng. Những lời lẽ hung bạo có thể dẫn đến bạo lực. Tất cả những lãnh đạo dân cử ở Mỹ, tất cả những người có lương tâm tốt phải làm việc với chủ ý thay đổi cuộc đối thoại chính trị của chúng ta". 
hristian đã đâm ba nam hành khách, giết chết một người tại hiện trường, người thứ hai chết tại bệnh viện, và người ba bị thương nặng, nhưng không nguy hiểm đến tính mạng. Hai người phụ nữ đã rời tàu trước khi cảnh sát đến.

Christian, một kẻ có tiền án 35 tuổi, đang bị cảnh sát giam giữ. Hắn ta bị bắt không lâu sau vụ tấn công hôm 26/5 và đang bị giam ở Nhà tù Quận hạt Multnomah với cáo buộc về các tội giết người dã man, cố sát, hăm dọa và tàng trữ vũ khí khi chưa hết tiền án. 

Hội đồng Quan hệ Mỹ-Hồi giáo, CAIR, đã ra tuyên bố nói họ quy trách nhiệm về sự gia tăng các vụ chống Hồi giáo cho những lời lẽ chống di dân của Tổng thống Mỹ Donald Trump. - VOA

8.
Hoa Kỳ: "Diều hâu" Brzezinski từ trần, thọ 89 tuổi

Cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, Zbigniew Brzezinski, được xem là « diều hâu » của tổng thống Dân Chủ Jimmmy Carter, qua đời hôm thứ sáu 26/05/2017, ở Falls Church, bang Virginia,thọ 89 tuổi. Tuy không nổi danh như Henry Kissinger của đảng Cộng Hoà, tiếng nói của « người tị nạn » Ba Lan cũng có giá trị quyết định trong chính sách của Washington suốt nhiều thập niên từ Chiến tranh lạnh đến thời Barack Obama.
« Cha tôi đã thanh thản ra đi vào tối nay ». Mika Brzezinski, con gái của người quá cố, phóng viên đài truyền hình NBC thông báo như trên, trên Instagram. Cựu tổng thống Jimmy Carter, trong lời vĩnh biệt, đã vinh danh người cố vấn cũ như là một « nhân vật hết lòng phụng sự đất nước » đã đóng « vai trò then chốt » trong mọi sự kiện cốt lõi của chính sách đối ngoại, kể cả việc bình thường hóa bang giao với Trung Quốc, ký với Nga hiệp định tài giảm binh bị SART -2, hiệp định trại David, về Trung Đông….

Sau Chiến tranh lạnh, Zbigniew Brzezinski thuyết phục được liên minh NATO nới rộng biên cương đến… Ba Lan.

Cho đến những tháng gần đây, qua các cuộc phỏng vấn, tham luận, tranh luận, quan điểm của Zbigniew Brzezinski tiếp tục có ảnh hưởng trên các hồ sơ nóng trên thế giới từ Ukraina, Afghanistan, Syria hay Vladimir Putin. Cho dù chỉ ở trung tâm quyền lực Nhà Trắng có bốn năm, với nhiệm kỳ Jimmy Carter (1977-1981), Zbigniew Brzezinski được mô tả là « người có thế lực ». Tổng thống Barack Obama, trong 8 năm cầm quyền, vẫn thường xuyên tham khảo ý kiến của một người anh cả có nhiều kinh nghiệm, mỗi khi có vấn đề.

Lịch sử Ba Lan hướng dẫn tư duy 

Sinh ngày 28/03/1928 tại Vacxava trong một gia đình quý tộc theo đạo Công Giáo, cha là nhà ngoại giao phục vụ tại Canada khi xảy ra Thế chiến thứ hai. Chàng thiếu niên Zbigniew Brzezinski từ chối trở về quê hương bị Đức Quốc Xã và Liên Xô xâu xé. Năm 1940, xảy ra vụ thảm sát Katyn. Hàng chục ngàn người Ba Lan thuộc tầng lớp tinh hoa : sĩ quan, kỹ sư, bác sĩ, luật sư, văn nhân nghệ sĩ, doanh nghiệp bị mật vụ của Stalin hạ sát bằng một viên đạn bắn vào gáy, rồi quy tội cho phát xít Đức. Phải 50 năm sau, Liên Xô (thời Mikhail Gorbachev) mới nhìn nhận sự thật.

Có lẽ vì thế mà trong lòng Zbigniew Brzezinski đã ươm mầm  chống Cộng Sản triệt để, tinh thần này đã trở thành kim chỉ nam cho nhãn quan địa chính trị của cố vấn an ninh quốc gia.

Năm 1953, tại đại học Havard, cố vấn an ninh tương lai trình luận án tiến sĩ với đề tài : Chủ nghĩa độc tài Xô Viết và các cuộc thanh trừng.

Theo nhà nghiên cứu Pháp Julien Vaïsse, tác giả quyển tiểu sử « Zbigniew Brzezinski : Chiến lược gia của đế quốc » thì hoài bão của Zbigniew Brzezinski, ngay từ thời sinh viên, là làm sụp đổ đế quốc Liên Xô, giải phóng Đông Âu. - RFI

Tin Việt Nam
9.
Google ‘hợp tác’ với Việt Nam, xóa thông tin xấu

Lãnh đạo công ty mẹ của Google hôm 26/5 “khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ với phía Việt Nam để gỡ bỏ các thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam”.
Truyền hình Việt Nam dẫn lời ông Eric Schmidt, Chủ tịch Điều hành tập đoàn Alphabet, nói như vậy trong cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Trước đó, ông Phúc đã “đề nghị Google phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam để xử lý, loại bỏ các thông tin xấu độc cho giới trẻ” trên YouTube, một công ty con thuộc Alphabet.
Người đứng đầu chính phủ Việt Nam cũng đề nghị tập đoàn này “sớm mở văn phòng đại diện chính thức ở Việt Nam”.

Tuy nhiên, theo Reuters, Google cho biết rằng chưa có ngay kế hoạch về việc mở cửa văn phòng đại diện ở Việt Nam.
Theo hãng tin của Anh, Việt Nam đầu năm nay đã “bắt đầu gây áp lực cho các công ty quảng cáo trong nước” yêu cầu công ty Google phải gỡ các video của các nhà bất đồng chính kiến hoạt động ở hải ngoại đăng trên trang YouTube.

Trong một thông cáo gửi cho báo chí hôm 14/3, YouTube cho biết rằng “chúng tôi có các chính sách rõ ràng về các yêu cầu gỡ bỏ từ các chính phủ khắp thế giới”.

“Chúng tôi dựa vào các chính phủ thông báo cho chúng tôi các nội dung mà họ tin là trái phép thông qua các kênh chính thống, và nếu thấy hợp lý, chúng tôi sẽ thực hiện việc hạn chế sau khi xem xét kỹ lưỡng”, thông cáo viết tiếp.

Việt Nam thời gian qua bị nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền như Human Rights Watch chỉ trích việc “kiểm soát Internet”, nhưng Hà Nội luôn bác bỏ cáo buộc này. - VOA

10.
Sau Mỹ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi Nhật

Nội các Nhật trong cuộc họp hôm 26/5 quyết định mời Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tới thăm từ ngày 4 tới 8 tháng Sáu, báo chí “xứ sở mặt trời mọc” đưa tin.
Tin cho hay, trong chuyến công du chính thức này, ông Phúc sẽ hội đàm với người đồng nhiệm nước chủ nhà, ông Shinzo Abe và diện kiến Nhật Hoàng và phu nhân.

Người đứng đầu hoàng gia Nhật Bản tới thăm Việt Nam hồi tháng Ba, và ông Phúc được trích lời nói rằng sự kiện đó “mở ra chương mới trong quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước”.
Chánh văn phòng nội các Yoshihide Suga nói tại một buổi họp báo: “Nhật Bản và Việt Nam đã thúc đẩy mối quan hệ hợp tác và hữu nghị trong khuôn khổ mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng”.

“Tôi hy vọng rằng chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Phúc sẽ củng cố thêm nữa sự hợp tác và quan hệ song phương”, ông Suga được Fiji Press trích lời nói.

Theo báo chí trong nước, Nhật hiện là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam với kim ngạch thương mại đạt 30 tỷ USD năm ngoái cũng như là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai ở Việt Nam.

Chuyến thăm “xứ sở mặt trời mọc” của ông Phúc diễn ra ít ngày sau chuyến công du Mỹ, nơi ông dự kiến sẽ bàn với Tổng thống Donald Trump về nhiều vấn đề trong đó có thương mại và Biển Đông.

Chính quyền Tokyo hiện cũng có tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc trên biển Hoa Đông. - VOA

11.
Giáo dân Quỳnh Lưu bị lực lượng địa phương hành hung

Hằng chục người dân, cũng là giáo dân Công giáo, tại huyện Quỳnh Lưu, tinh Nghệ An bị hành hung đến thương tích nặng vào sáng ngày chủ nhật 28 tháng 5.
Những người dân tại xứ Phú Yên và giáo họ Văn Thai thuộc xứ Song Ngọc được yêu cầu đến Ủy ban Nhân dân xã Sơn Hải đón người theo lời của một viên chức công an xã Sơn Hải, nơi có giáo họ Văn Thai.

Người được công an thông báo đến đón về là cô Nguyễn Thị Trà, giáo dân Xứ Phú Yên. Cô này vào khoảng 10 giờ sáng ngày 28 tháng 5 đi đến xóm 9, xã Sơn Hải và nhận thấy có những sự kiện mà theo cô là đáng ghi nhận nên lấy điện thoại ra quay lại. Tuy nhiên, theo những người địa phương cho biết lại thì cô bị một số phụ nữ phát hiện nên ra tay đánh cô này. Dù công an có xuất hiện và can thiệp để đưa cô Trà đi nhưng việc đánh đập cô vẫn tiếp diễn cho đến tận ủy ban nhân dân xã Sơn Hải.

Khi giáo dân, nhất là những người từ Xứ Phú Yên với cô Nguyễn Thị Trà, nhận được thông báo đến đưa người về thì họ đến và có người dùng điện thoại để quay lại sự việc; thế nhưng lực lượng chức năng và những người khác dùng vũ lực ngăn chặn.
Một người dân kể lại sự việc với Đài Á Châu Tự Do vào tối ngày 28 tháng 5 như sau:

“Lực lượng đông đến 500 người của công an trong đó có côn đồ ra tay đánh dân  kể cả phụ nữ và trẻ em vì không cho ai dùng điện thoại quay lại tình hình.”

Theo người này thì có đến 25 người phải đi bệnh viện để chữa trị vết thương.

Bản thân cô Nguyễn Thị Trà sau đó bị đưa đến một chỗ vắng vẻ, tiếp tục bị lục soát thân thể, bị đánh đập và bỏ giữa đường. Cô này may mắn được một người qua được thấy được sau đó và đưa về nhà trong tình trạng thân thể bị đánh bầm dập, tinh thần hoảng loạn.
Sự vụ cô Nguyễn Thị Trà bị hành hung khi đến xóm 9, xã Sơn Hải xảy ra trong thời gian địa phương này tiến hành vụ bắn đạn, nổ mìn trước nhà thờ giáo họ Văn Thai. Theo lời người dân thì chính quyền giải thích là để bảo vệ đường sông; thế nhưng dân chúng địa phương ,nhất là giáo dân Công giáo, không đồng thuận về hoạt động như thế ngay trước nhà thờ của họ.

Linh mục Nguyễn Đình Thục quản xứ Song Ngọc và giáo họ Văn Thai, cho biết ý kiến về hoạt động tập trận bắn súng, nổ mìn trước giáo đường của giáo họ Văn Thai:

“Họ thực hiện việc bắn trước nhà thờ, nơi Thánh, của chúng tôi như thế là hành động thách thức…”
Vụ việc tại giáo họ Văn Thai xảy ra không bao lâu sau vụ ngày 15 tháng 5 khi đoàn xe mục vụ của linh mục Nguyễn Đình Thục bị chặn và một người trong đoàn là anh Hoàng Đức Bình bị những kẻ thường phục bịt mặt bắt cóc đi. Sau đó cơ quan chức năng mới lên tiếng thừa nhận bắt anh Hoàng Đức Bình với cáo buộc ‘chống người thi hành công vụ’ và ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, công dân…’.

Bản thân anh Hoàng Đức Bình trong thời gian qua giúp cho người dân địa phương chịu tác động nặng nề bởi thảm họa môi trường Formosa lên tiếng đòi bồi thường thiệt hại, cũng như làm sạch lại biển để mưu sinh.

Nhiều ngư dân và người dân tại khu vực Quỳnh Lưu, Nghệ An cho biết cuộc sống họ rơi vào bế tắc do thảm họa môi trường Formosa gây nên; thế nhưng số này không được chính phủ Việt Nam đưa vào diện bồi thường. Do đó họ làm đơn khởi kiện và nhiều lần tập trung lên tiếng đòi hỏi quyền lợi chính đáng. Thế nhưng họ bị đàn án mạnh tay như trong lần đi nộp đơn ngày 14 tháng 2 đến tòa án thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh; nơi có nhà máy Formosa gây ô nhiễm.

Từ đó đến nay, theo lời của nhiều giáo dân thì họ tiếp tục gặp phải nhũng nhiễu từ phía lực lượng chức năng mà nay có thêm sự hiện diện của những thành phần thường phục bị chỉ tên đích danh là ‘côn đồ’.

Trong vụ việc vào ngày 28 tháng 5, vào chiều tối Đài Á Châu Tự Do gọi điện đến ông chủ tịch Xã Sơn Hải Trần Văn Hùng và ông trưởng công an xã Thái Bá Hải để tìm hiểu thêm từ phía chính quyền địa phương; nhưng cả hai ông đều từ chối trả lời và cúp máy. - RFA

12.
Hàng không thương mại, ‘cuộc chiến’ khốc liệt tại Việt Nam

Trong một số báo ra cuối tuần trước, tờ Wall Street Journal nói về nữ tỷ phú đầu tiên ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, 46 tuổi, năm 2017 được tap chí tài chính Forbes xếp vào hàng các tỷ phú đô la trên thế giới, với khối tài sản ước tính khoảng $1.7 tỷ.
Bà Phương Thảo là tổng giám đốc điều hành VietJet Air, công ty hàng không tư doanh mới ra đời 10 năm nay nhưng đang trên bước có thể qua mặt công ty hàng không quốc danh Vietnam Airlines.

Giống như tình trạng các nước đang phát triển ở Châu Á, ngành hàng không thương mại tại Việt Nam bành trướng rất nhanh từ đầu thế kỷ 21 với tiềm năng lớn về hành khách trong dân số 90 triệu, môi trường khai thác thuận lợi cho các hãng hàng không vé rẻ bay đường quốc nội và đến các quốc gia trong khu vực.

VietJet Air hầu như chỉ mới được chú ý khi truyền thông đặt cho tên lóng “Bikini Air” do sự kiện Tháng Tám, 2012, trên chuyến bay để khánh thành đường bay từ Sài Gòn đến Nha Trang, hãng này đã để cho các nữ tiếp viên mặc bikini biểu diễn vũ điệu kiểu Hawaii.
Hậu quả là VietJet Air bị Tổng Cục Hàng Không Dân Dụng Việt Nam phạt $1,000 vì không xin phép trước để tổ chức buổi trình diễn khác thường ấy. Nhưng theo lời bà Phương Thảo thì số tiền phạt $1,000 đó quá rẻ trong việc cổ vũ đường bay mới đến thành phố biển và đồng thời là quảng cáo cho cái tên VietJetAir.

Giới kinh doanh quốc tế bắt đầu quan tâm đến VietJet Air vào Tháng Chín, 2013, khi công ty này ký hợp đồng đặt mua 20 máy bay Airbus A321 trị giá $9.1 tỷ. Tới Tháng Năm, 2016, trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng Thống Barack Obama, phái đoàn thương mại Mỹ đã ký thỏa thuận bán cho VietJet Air 100 máy bay Boeing 737 MAX-200 với giá $11.3 tỷ.

Một số người tỏ ra hoài nghi về khả năng tài chính của VietJet, do không theo dõi sát những chuyển biến tại Việt Nam 40 năm sau chiến tranh và sự ra đời của một giai cấp mới được quen gọi là “Tư Bản Đỏ” có điều kiện cơ hội làm giàu nhanh chóng trong xã hội Cộng Sản. Họ là những kẻ có quan hệ họ hàng với giới quyền thế hoặc đã được thụ hưởng ưu đãi nào đó trong chế độ rồi biết vận dụng thời cơ để thăng tiến.

Chủ tịch Hội Đồng Quản Trị công ty cổ phần VietJet Air, bà Nguyễn Thanh Hà, là người đã làm việc lâu năm trong ngành với công ty hàng không và Cục Hàng Không. Bà là con của Tướng Nguyễn Chí Thanh, và chị của tướng tình báo quân đội Nguyễn Chí Vịnh, ủy viên trung ương đảng cộng sản và là thứ trưởng bộ trưởng Quốc Phòng.

Bà Phương Thảo không có những mối quan hệ gia đình như thế, chỉ là nữ doanh nhân lập nghiệp và thành công từ sớm.

Bà Thảo sinh ngày 7 Tháng Sáu, 1970, tại Hà Nội và được qua Liên Xô du học, tốt nghiệp khoa quản trị kinh tế đại học Mendeleev, Moscow, vào thời điểm chế độ Cộng Sản sụp đổ. Bà ở lại Nga, làm thương mại từ bán máy fax, nhựa cao su, plastic, đến nhiều dịch vụ khác giữa Đông Âu và Châu Á.
Theo Bloomberg bà đã kiếm được một số tiền tới $1 triệu khi mới 21 tuổi. Sau năm 2000 bà trở về Việt Nam, những năm đầu kinh doanh trong ngành ngân hàng và địa ốc.

Bà Thảo bước vào lãnh vực kinh doanh hàng không thương mại năm 2007, học kinh nghiệm của các hãng như Southwest Airlines, RyanAir và các hãng hàng không giá rẻ rất thành công ở Đông Nam Á. Sau những khó khăn buổi đầu, VietJet Air tiến nhanh từ 2011, vượt các hãng giá rẻ khác như Pacific và trở thành đối thủ duy nhất đủ sức cạnh tranh với tổng công ty hàng không quốc doanh Vietnam Airlines trên đường bay quốc nội cũng nhưquốc ngoại.
Năm ngoái VietJet Air đã vượt Vietnam Airlines về số lượng hành khách quốc nội. Quý 1 năm 2017, VietJet Air có 3.7 triệu hành khách, tăng 29% so với cùng thời kỳ năm ngoái, thu nhập 5,000 tỷ đồng ($219 triệu). VietJet Air dự tính xin chính phủ cho tăng mức trần thu vốn đầu tư nước ngoài từ 30% lên 49% để đáp ứng với kế hoạch phát triển trên đường bay quốc nội cũng như quốc ngoại.

Cho đến bây giờ, hầu hết máy bay của VietJet Air là thuê của nước ngoài, nhưng trong tương lai gần sẽ nhận được các máy bay đặt mua từ Airbus và Boeing, có khả năng cạnh tranh với Vietnam Airlines trên các đường bay quốc ngoại và đáp ứng nhu cầu du khách đến hay đi từ Việt Nam gia tăng.
Trên đường bay quốc tế, Vietnam Airlines hiện vẫn nắm ưu thế hơn nhờ 11 chiếc Boeing 787 Dreamliners mới nhận được. Tuy nhiên về mặt điều hành và sáng kiến kinh doanh, công ty quốc doanh này không thể có khả năng cạnh tranh linh động như VietJet Air.

Theo nhận định của CAPA, cơ quan thông tin và tư vấn hàng không ở Australia, hiện nay VietJet khai thác 28 đường bay quốc nội và 7 đường bay quốc tế. Trong năm nay VietJet Air sẽ có thêm 12 máy bay mới, đa số là A321, và một số máy bay thuê mướn khác.

CAPA cho rằng với hợp đồng 100 chiếc 737 MAX-200 đã ký kết với Boeing, tới năm 2021 phi đội của VietJet Air sẽ có trên 100 máy bay và vượt qua Vietnam Airlines để trở thànhhãng hàng không lớn nhất Việt Nam.
Tuy nhiên, với nhu cầu đi lại bằng đường hàng không đang tăng mạnh ở Việt Nam, VietJet Air không phải là không gặp những tiềm lực cạnh tranh khác.

Hãng tin Bloomberg cho biết, AirAsia, công ty hàng không giá rẻ lớn nhất khu vực Đông Nam Á, dưới sự lãnh đạo của “đại gia” người Malaysia, Tony Fernandes, dự định sẽ mở một liên doanh tại Việt Nam.

Theo kế hoạch AirAsia sẽ hợp tác với Gumin Co., công ty Cổ Phần Hàng Không Hải Âu, và doanh nhân Trần Trọng Kiên, để mở một công ty hàng không liên doanh tại Việt Nam hoạt động từ đầu năm tới. - nguoiviet

13.
Little Saigon: Cựu hoa hậu kiện linh mục ‘sách nhiễu tình dục’

Linh Mục Nguyễn Ngọc Chuẩn, thuộc Giáo Phận Orange và là giám đốc đài truyền hình VBS 57.6, vừa bị một cựu hoa hậu vùng Little Saigon kiện “sách nhiễu tình dục,” nhưng luật sư của ông cũng như giáo phận đều bác bỏ tố cáo này, theo tin của tạp chí Variety.
Theo bản tin đăng trên trang web của tờ báo này hôm Thứ Năm, 25 Tháng Năm, người đâm đơn kiện vị linh mục là cô Trâm Hồ, thường được biết đến trong cộng đồng là Hoa Hậu Phu Nhân Bích Trâm, và cũng từng là người điều khiển chương trình đấu giá nữ trang trên đài VBS.

Theo đơn kiện nộp hồi Tháng Ba, cô Trâm Hồ tố cáo Linh Mục Chuẩn từng tìm cách ôm, hôn, và muốn “tiến tới” với cô trong văn phòng của đài ở Huntington Beach.

Khi tạp chí Variety liên lạc, Linh Mục Chuẩn chuyển thắc mắc qua luật sư đại diện, ông William Levin, và ông này cho rằng những tố cáo này là “giả tạo.”

“Chúng tôi chờ ngày ra tòa. Hoàn toàn không có điều gì đáng tin trong đơn kiện,” ông Levin được trích lời nói.

Khi được Variety hỏi chuyện này, ông Ryan Lilyengren, phát ngôn viên Giáo Phận Orange, nói rằng: “Giáo phận mạnh mẽ bác bỏ tố cáo của cô Trâm Hồ. Vì vụ kiện đang diễn ra, giáo phận không thể có ý kiến gì khác hơn là chúng tôi sẽ tranh đấu tại tòa, và tin chắc rằng công lý sẽ thắng.”

Đơn kiện của cô Trâm Hồ cũng nêu tên Giáo Phận Orange, vì không giám sát đầy đủ linh mục của giáo phận, và cũng kiện Linh Mục Chuẩn một số chuyện khác trong cộng đồng.

Luật Sư Levin cho biết giáo phận đã tạm thời cho vị linh mục ngưng công tác mục vụ tại giáo xứ St. Anne, Santa Ana, trong lúc có vụ kiện.

Theo Variety, vụ kiện này có thể có liên quan đến tranh chấp giữa VBS và Nutrivita, quảng cáo bán thuốc dược thảo trong cộng đồng Việt Nam, qua truyền hình.

Năm 2013, Nutrivita kiện VBS và Linh Mục Chuẩn vì VBS bán thuốc thoa kem JN-7 Best, bị coi là giống thuốc Arthro-7, nhưng vụ kiện bị hủy vào Tháng Mười Hai, 2015.
Theo đơn kiện, cô Trâm Hồ bị VBS cho nghỉ việc năm 2016, sau nhiều lần từ chối “đòi hỏi” của linh mục.
Sau đó cô sang làm cho Nutrivita của đài KVLA 56.5.

VBS cho rằng cựu hoa hậu mở một chương trình đấu giá trên đài KVLA, tương tự như chương trình cô làm trên đài VBS, chiếu cùng giờ, sử dụng các nhân viên từng làm việc cho VBS.
Thế là VBS nộp đơn kiện Nutrivita và KVLA tội bắt chước, cũng như kéo khách hàng của VBS và sử dụng một số bí mật kinh doanh của đài.

Luật Sư Levin nói với tạp chí Variety rằng đơn kiện “sách nhiễu tình dục” được nộp sau khi VBS kiện KVLA.

Trước đó, cô Trâm Hồ không hề nói với ai về chuyện sách nhiễu, theo ông Levin.
Cô Trâm Hồ nộp đơn kiện lần đầu vào Tháng Giêng, chống lại đơn kiện của VBS.
Chánh Án Cormac Carney của tòa liên bang bác đơn kiện ngày 1 Tháng Ba, cho rằng sự việc phải được tòa tiểu bang xem xét.

Thế là cô nộp đơn kiện mới tại tòa tiểu bang ngày 24 Tháng Ba. - nguoiviet

14.
LS Quân: Quốc hội phải độc lập khỏi Đảng

Gần đây có hai đại biểu quốc hội nói về hai vấn đề được dư luận rất quan tâm.
Thứ nhất là bà Đại tá công an Nguyễn Thị Xuân vừa là phó giám đốc Công an Tỉnh Đak Lắc vừa là Đại biểu quốc hội, khi góp ý về điều 155 về tội làm nhục người khác đã "Đề nghị bổ sung vào Khoản 2 về tội bội nhọ lãnh đạo đảng, nhà nước ".

Thứ hai là bà Nguyễn Thị Thủy, công tác tại Viện kiểm sát tối cao, là đại biểu của Tỉnh Bắc Kạn do Trung ương giới thiệu, lên tiếng ủng hộ dự thảo tại Điều 19 Bộ luật Hình sự là "Luật sư phải tố giác thân chủ khi họ biết thân chủ phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia…" 

Hai người này đều thuộc nhánh hành pháp nhưng được đảng cộng sản Việt Nam đưa sang làm đại biểu quốc hội để làm luật. Những đạo luật được quốc hội thông qua sau này cũng sẽ do chính những người này thực hiện. 

Có thể hai người này biết những ý kiến như vậy có thể bị nhân dân "ném đá" nhưng có thểcoi đây như là cách họ phải thực hiện ý chí của đảng. 

Với tư cách là những đảng viên cộng sản, chắc chắn họ ủng hộ vì nó thỏa mãn sự vị kỷ của chính mình và những đảng viên khác. Nó bảo vệ cho sự an toàn của chế độ lẫn uy tín riêng của từng lãnh đạo, nghĩa là bảo vệ chính họ. 
'Những con chim mồi'
Quốc hội Việt Nam chủ yếu là do đảng cộng sản cơ cấu cho đủ các thành phần, nhiều đại biểu không hiểu biết về pháp luật nói chung và kỹ thuật lập pháp nói riêng. Mà nếu có hiểu biết thì họ cũng không thể độc lập đưa ra ý kiến của mình. 

Đảng đã đưa vào 95,8% đảng viên công khai nằm trong quốc hội. Tuy nhiên, có lẽ vì chưa yên tâm nên đảng quyết tâm đưa bằng được Điều 4 quy định về "Đảng lãnh đạo" vào trong Hiến pháp. Như vậy là trói rất chặt, cả về nội dung và hình thức. 

Trên thực thế thì đảng cộng sản là quyết định hết, từ chuyện to tát ở Trung ương thì do Bộ Chính Trị, cho đến chuyện nhỏ nhặt ở trong làng cũng do chi bộ đảng cộng sản ở xóm quyết định. 

Đảng cũng sắp xếp rất rõ những đạo luật nào thì được ra đời, đạo luật nào chưa và ra đời với những nội dung như thế nào. 

Để thỏa mãn đòi hỏi về tính dân chủ và công khai của dân ngày càng cao cho nên Đảng cũng cần những con chim mồi, nói ra để "làm như thật" rằng họ là tiếng nói của nhân dân, của công luận.

Mọi việc thực sự càng ngày càng tinh vi nhưng cũng không thể che giấu được bản chất yếu kém. Không ít đại biểu quốc hội thường phát biểu một chiều, đầy định kiến và đã bị nhân dân tố giác rất nhiều lần nhưng vẫn không ai chịu trách nhiệm. 
Ví dụ Bộ Luật hình sự 2015 đã được Quốc thông qua nhưng phạm vào những lỗi cực kỳ nghiêm trọng do chính nhân dân phát hiện ra nên đã không thể áp dụng được mà phải lùi lại chỉ 2 ngày trước khi nó có hiệu lực vào 1/7/2016. Cho đến bây giờ cũng chưa ai chịu trách nhiệm về việc này. 
'Chưa ai bị kỷ luật'

Bỏ qua chất lượng của đại biểu quốc hội, chúng ta sẽ thấy rằng muốn làm ra luật tốt ở Việt Nam rất khó vì hai lẽ: thứ nhất là do đời sống xã hội liên tục thay đổi, luật phải chạy theo đời sống; và thứ hai là phải vừa 'đúng ý đảng' mà lại hợp lòng dân, trong khi 2 điều này đang cách xa nhau. 

Nhân dân thì cần rất những đạo luật đơn giản, dễ hiểu, có lợi cho dân và có tính ứng dụng trong thực tế, trong khi đảng cộng sản cần có những đạo luật để bảo vệ sự lãnh đạo và thống nhất quyền lực của mình.

Chính vì vậy những đạo luật cơ bản như: Luật về Hội, Luật biểu tình, luật tiếp cận thông tin, Luật về sự lãnh đạo của đảng cộng sản… rất cấp thiết nhưng đảng chưa muốn thì vẫn chưa thể ra đời, trái lại đảng chỉ đạo ban hành nhiều đạo luật "trên trời" và luôn luôn có tính phòng ngừa hoặc răn đe. 
Nói làm luật khó là khi muốn theo sát đời sống xã hội và để phục vụ dân còn cũng rất dễ nếu cứ theo con đường máy móc cũ, đưa ra những đạo luật kiên quyết bảo vệ đường lối, chính sách của đảng, giao cho một cơ quan trong chính phủ (hành pháp) soạn thảo, xong trình ra quốc hội và "thông qua", thế là thành luật. 

Sau khi có luật thì còn có hàng loạt văn bản quy phạm khác dưới luật được Chính phủ và các bộ ban hành, mà chủ yếu là giành lấy cái lợi và cái dễ cho mình, đẩy cái khó cái thiệt hại cho người dân. Đã từng có đến 1/6 văn bản của quy phạm pháp luật bị tuýt còi nhưng cũng không thấy mấy người chịu trách nhiệm 

Điều 7 "Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật" cũng nêu lên một chùm lằng nhằng gồm đến 8 cơ quan và cá nhân phải chịu trách nhiệm về việc ban hành luật sai, tuy nhiên chưa một ai trong quốc hội bị kỷ luật.

Bởi vì nếu kỷ luật thì có đến 99% số đại biểu phải chịu kỷ luật vì họ thường giơ tay tán thành theo ý của đảng. Tất nhiên, nếu cùng một văn bản như vậy nhưng thường vụ Quốc hội nói là "không thông qua" thì 500 đại biểu sẽ lại rút tay lại.

Bài học nào rút ra? 
Mấu chốt của chúng ta ở đây không phải là sự phê phán cá nhân hai bà nghị sĩ đó mà là phải đấu tranh để Quốc hội phải độc lập khi làm luật, Chính phủ phải độc lập khi thực hiện (hành pháp) và Tòa án phải độc lập khi phán quyết. 

Đó cũng là yêu cầu tối cao của một Nhà nước pháp quyền. 

Muốn vậy, cả ba nhánh quyền lực Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp phải độc lập khỏi Đảng cộng sản. 
Đại biểu quốc hội phải thực sự là của dân, do dân bầu lên chứ không phải "đảng cử dân bầu". 
Đảng cũng không thể có cái quyền rất ngang ngược là điều chuyển "tính đại diện" từ nhóm dân này sang nhóm dân khác như trường hợp Ông Đinh La Thăng và ông Nguyễn Thiện Nhân vừa rồi.

Không ai "điều chuyển" được ý chí của một vùng rộng lớn dân cư từ nơi này sang nơi khác, từ người này sang người khác. 
Quốc hội phải thực sự là của dân; và đảng cộng sản nên có số lượng đại biểu trong quốc hội tương ứng với số đảng viên của mình, nghĩa là khoảng 21 người thay vì chỉ là 21 người ngoài đảng như bây giờ. - BBC

Link:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét