Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 29 tháng 5, 2017

Tạm biệt tháng năm… - Phan

Inline images 1
Sáng nay trên đường xuôi nam về Houston. Xa lộ 45 South ngập nắng vàng, những cánh đồng bất tận cỏ mới như tuổi trẻ vui hè về cùng nhau cười với gió. Cỏ làm sao biết gió vô tình từ vạn đại sẽ làm cỏ khô thành những vuông cỏ tháng mười cho lễ Ma quỷ hằng năm; tuổi trẻ làm sao biết trong nụ cười tháng năm vào hạ đã chứa sẵn mầm nắng vỡ tháng tám, rồi nhạt phai tháng mười như những hồn nhiên, ngây thơ, và chân thiện của tuổi học trò sẽ bụi mờ thời gian…<!>
Những ý nghĩ chợt đến vì trước mắt là tháng năm mùa về trên tay cô bé tôi đã gặp ở cây xăng. Có lẽ cô cùng gia đình từ Houston đổ ngược lên Dallas để cùng họ hàng, bà con nghỉ lễ Chiến sĩ trận vong. Cô cầm trên tay nhánh phượng hồng, phe phẩy thay cho cây quạt giấy. Nhớ bài thơ “Chút tình đầu” của Đỗ Trung Quân. Mới đó đã nhiều năm không gặp. Hôm tình cờ nhắc đến anh, người bạn đồ hoạ đưa cho tôi xem bức ảnh anh mới về Việt nam và chụp chung với Đỗ Trung Quân bên bàn nhậu. Biết rằng ai cũng già đi theo thời gian, nhưng làm sao tránh khỏi ngậm ngùi với thời gian và chút tình văn thi hữu trong thời mạt vận ở quê nhà. Còn chăng chút lòng vui vì anh vẫn giữ được nụ cười hồn nhiên của tâm hồn thi sĩ, và nghe bạn kể về anh, vẫn vui tính và quý mến bạn bè như xưa… Thôi thế cũng an lòng.
Cô gái phe phẩy mãi nhánh phượng hồng thay cây quạt giấy cho đến lúc lên xe, rồi mất hút trên xa lộ 45 North hướng về Dallas. Làm tôi nhớ,
Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng
Em chở mùa hè của tôi đi đâu?
Chùm phượng vỹ em cầm là tuổi tôi mười tám
Thuở chẳng ai hay thầm lặng mối tình đầu…
Rồi tôi cũng phải lên xe để tiếp tục chuyến xuôi nam theo dòng sống là lo toan bất tận của đời thường. Nhưng hoài niệm miên man như những đồng cỏ xuôi nam hai bên đường…
Chỉ một cơn mưa bay ngoài cửa lớp
Là áo người trắng cả giấc ngủ mê
Là bài thơ cứ còn hoài trong cặp
Giữa giờ chơi mang đến lại mang về
Mối tình đầu của tôi là anh chàng tội nghiệp
Mùa hạ leo cổng trường khắc nỗi nhớ vào cây
Người con gái mùa sau biết còn có gặp lại
Ngày khai trường áo lụa gió thu bay…
Nhớ Đỗ Trung Quân một đêm ở nông trường xa thẳm. Thời “đôi dép râu giẫm tan đời trai trẻ/ vành nón tai bèo úp gọn cả tương lai”, nhưng với cây đàn nhỏ trong trí tưởng, anh đã cất lên được tiếng hát, (nỗi lòng) của một thời hoa mộng của bao thế hệ lần lượt giã từ mái trường, thầy cô, bạn học… để đi theo ngã rẽ của cuộc đời mỗi người theo định mệnh, theo nghiệp dĩ, theo lý lịch (sau hoà bình) nữa chứ!
Cảm ơn anh lời thơ một mạc nhưng gói trọn tâm tình một thời tuổi trẻ mà ai cũng trân quý, càng trân quý hơn giữa bể dâu đổi đời lúc bấy giờ; càng trân quý nhất khi quỹ thời gian của đời người không còn nhiều mà quê nhà thì như thơ Nguyễn Bính, “quê nhà xa lắc xa lơ đó/ ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay…”
Thơ Đỗ Trung Quân (thuở ấy) không giàu hình tượng, thơ từ cũng chẳng cao siêu. Mà để làm gì những chất liệu không cần thiết cho bài thơ cứ còn hoài trong cặp/ giữa giờ chơi mang đến lại mang về… Nói cách khác là thơ từ của chân tình, ngây thơ thật tuyệt đến rung động người đọc.
Chỉ một cây đàn nhỏ
Rất vu vơ nhờ bài hát nói giùm
Ai cũng hiểu chỉ một người không hiểu
Nên có một gã khờ ngọng nghịu mãi thành câm
Hình như trong lời nhạc phổ thơ, nhạc sĩ đã thơ hơn cả thi sĩ nên sửa thành “Nên có một gã khờ ngọng nghịu đứng làm thơ”. Nghe thơ hơn…
Dù sao,
Những chiếc giỏ xe trưa nay chở đầy hoa phượng
Em hái mùa hè trên cây
Chở kỷ niệm về nhà
Em chở mùa hè đi qua còn tôi đứng lại
Nhớ ngẩn người tà áo lụa nào xa.
Giá Đỗ Trung Quân ở Mỹ, chắc anh cũng ngậm ngùi thôi chứ biết nói sao với văn hóa cách quê nhà nửa vòng trái đất, cô bé mặc áo hai dây với quần cộc không thể cộc hơn. Thay cho những chiếc giỏ xe (đạp) trưa nay chở đầy hoa phượng, là chiếc xe van Toyota mới toanh. Nhưng em vẫn chở (được) mùa hè đi qua còn tôi đứng lại/ nhớ ngẩn người tà áo lụa nào xa… như Đỗ Trung Quân đã nhớ về thời còn đi học. Tôi thì đứng ngẩn trông vời nhớ Huy Cận, “một hôm ngọn gió tình yêu lạ/ đứng ngẩn trông vời áo tiểu thơ…” Cả Huy Cận và Đỗ Trung Quân đều không biết ở Mỹ chỉ có làn da trắng ngọc trong ngà, không nhiều vải vóc như quê xa… Riêng (hoài niệm) tôi bềnh bồng sông nước về tới Hậu giang vì nhớ giọng hát mượt mà của thằng bé bán vé số trên phà Bình minh mà tôi đã gặp năm xưa, nó chỉ hát một lần để cho tôi nhớ cả đời mấy câu nhạc chế, “chiếc áo bà ba quê mùa em không mặc, bởi đua đòi em mặc áo hai dây, nó đứt một dây tay nào em vói vịn, vói tay nào lông nách cũng đen thui…” Trời ơi! Trong tâm khảm của một người bái biệt quê hương trong thầm lặng vì đi về Rạch Sỏi để vượt biên mà, lặng lẽ chào bái biệt từ cây đòn gánh trên vai người bán hàng rong, chào khóm lục bình như chào tương lai vô định; chào vô danh tiếng hát lạc loài… Chả biết thằng bé lớn lên đã làm nghề gì vì phà không còn nữa thì bán vé số cho ai?
Có những tháng năm không hẹn trong đời thì gặp lại; để tháng năm mong chờ lại gặp hư không khi gió mang mùi tanh rong rêu của biển, vị mặn trong không khí thấm vào khứu giác, những cây phượng vỹ bên đường Houston như những người bạn nhỏ gặp lại. Nhớ tháng năm Dallas với những con đường hun hút lá xanh cây, tìm đâu cho thấy màu hoa phượng, biết gởi về đâu nhớ nhung này; khi nhớ tháng năm quê nhà, hoa phượng rợp trời, bằng lăng rụng tím con đường tình ta đi… Ôi, những con đường dài suốt như đêm dài thao thức, khi tình yêu đã là sự thực, có cánh tay nào che khuất mặt trời đâu, em có về ngang hoa úa tình sầu, hoa lìa cánh rụng vàng trên mặt đất, có tâm sự cùng cỏ xanh những gì đã mất, em chưa một lần tâm sự với anh. Nên chỉ còn điệp vàng chấm phá bầu trời xanh tháng năm và nỗi nhớ. Nắng vàng nghệ và gió hanh hao gầy tiếng ve sầu khúc hát chia xa…
Tháng Năm ký ức chập chùng nắng gắt mưa mau trên những tấm lưng thợ cấy bán mặt cho đất bán lưng cho trời trên những cánh đồng quê xa như ẩn hiện lại những giọt mồ hôi lao khổ xa xưa là oan khiên thời đại của người nông dân có sung sướng gì đâu mà đổi đời còn thêm đổ máu, tù đày với cường quyền cướp đất, chiếm ruộng của nông dân trong nước bây giờ.
Tháng năm lại nhớ những cơn mưa rào nặng hạt xé toạc áo tơi dân nghèo, chênh chao bao mái nhà xiêu vẹo dọc bờ biển miền trung vì gió mưa đột ngột, không ngờ thường đến vào tháng năm. Gió nam Lào tháng năm vượt Trường sơn phả xuống dải đất miền trung làm phai áo mẹ, bạc tóc cha… Tháng năm vẫn về miền trung thương khó, gió nam Lào mùa nhớ dõi mùa đi…
Những dòng nhớ như muôn sông tuôn ra biển mẹ lòng trắc ẩn: Ta từ ấy ra đi, nhưng chỉ còn là con mèo lười hải ngoại, nằm tắm nắng sau gió mưa bạc lòng trước bạo lực cường quyền đang cuồng lũ nơi quê nhà. Nỗi nhớ tháng năm thật khó quên vì kỷ niệm êm đềm khi đời chưa vướng bận, ký ức trong veo trước bạo lực, cường quyền… Để tháng năm chai sạn luyến thương tuổi nhỏ mà ai cũng chỉ có một lần trong đời dài áy náy khi ký ức về mái hiên, hè phố đã đụt mưa với người trăm năm cũ; nụ hôn đầu nhạt nhoà theo gió mưa bay, lòng người đi đổi thay, kẻ ở hao gầy. Những hoài niệm tháng năm luôn đẹp với kỷ niệm khi tay trắng mộng đầy, hoài bão mênh mông. Để chỉ còn nỗi buồn đọng lại ký ức những cảm xúc đầu đời và tâm khảm gào thét trên mui xe như cơn mưa rào Houston nhớ mưa rào cố thổ…
Nhưng không đi làm sao thấy, chẳng có khoảng thời gian nào êm đềm bằng ký ức tháng năm với bạn bè trong trắng qua từng cái nắm tay chia xa, khi đời chưa phải cân đo đong đếm những thiệt hơn trong cõi người, khi đêm về không phải vắt tay lên trán mà nghĩ suy về trách nhiệm với người thân, gia đình, quê cũ… để mệt mỏi riêng một góc trời ấp lẫm suy tư, hành động sao cho xứng đáng với cơm cha áo mẹ công thầy đã ban tặng suốt thời tuổi trẻ, nhưng mãi hoài ta vẫn chỉ là đứa con nít sống lâu năm khi nhìn lại mình, nhìn lại quê nhà mà ta đã từ đó ra đi…
Chút kỷ niệm học trò như mưa vẫn mưa bay qua làn tóc rối, tháng năm lại về cho lá xanh cây, chỉ quê nhà mùa phượng vỹ rợp trời tháng năm đã là màu máu con tim của đồng bào ở lại với hoà bình cộng sản.
Tạm biệt tháng Năm mãi hoài là tạm biệt vì hơi ấm bàn tay chia chung cơn mưa hạ còn hoài trong ký ức, ánh mắt thay lời mãi mãi… xa nhau; nỗi nhớ học trò mong manh như cánh phượng nên tháng năm gió mưa về bất luận. Nhưng tháng năm là mãi mãi của ngày mai và hy vọng, vì hầu như ai cũng đã gần chạm tới ước mơ của tháng xưa cũ để thương hoài những tháng năm lại về, rồi tháng năm khép lại êm đềm vì hiển nhiên của đời sống không như là mơ. Đời người khép lại không như là mơ thì tháng năm vẫn nhẹ nhàng đi qua như thế, không ồn ào cũng không tĩnh lặng, chỉ hết bon chen nhưng vẫn dại khờ khi bằng lăng phai màu tháng sáu, những cánh phượng đỏ ối cả bầu trời tạm biệt tháng năm…


Phan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét