Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 30 tháng 5, 2017

LeMinhNguyen - Tin Cập Nhật Thứ Ba 30/5

Tên lửa Bắc Triều Tiên khiến Mỹ bớt chú ý Biển Đông --- Trung Quốc xây hệ thống quan sát dưới nước ở Biển Đông
Ngày 29/05/2017, Bắc Triều Tiên lại thách thức cộng đồng quốc tế với vụ bắn thử tên lửa lần thứ ba chỉ trong vòng ba tuần. Bình Nhưỡng tiến gần thêm đến mục tiêu trang bị tên lửa đạn đạo liên lục địa có thể bắn tới hầu hết các nơi trên thế giới, kể cả lãnh thổ lục địa của Hoa Kỳ.<!>
Trung Quốc rất bực tức trước những vụ bắn thử tên lửa nói trên của láng giềng và cũng là đồng minh, nhưng thật ra đối với Bắc Kinh hành động của Bình Nhưỡng có lợi ở chỗ là nó khiến cho quốc tế, đặc biệt là Mỹ, bớt chú ý đến tình hình Biển Đông. Đó là nhận định của trang thông tin Mỹ, Quartz trong một bài viết đăng ngày 30/05/2017.
Năm ngoái, quốc tế đã kịch liệt chỉ trích việc Bắc Kinh liên tục có những hoạt động xâm lấn vùng Biển Đông, mà một số người cảnh báo là sắp trở thành « ao nhà » của Trung Quốc. Nhưng nay, nhờ Bắc Triều Tiên mà Biển Đông bỗng trở thành vấn đề thứ yếu.

Bằng chứng là trong chương trình Face the Nation (đài CBS) Chủ nhật 28/05/2017, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis đã nói rất nhiều về Bắc Triều Tiên, mà ông xem là « mối đe dọa trực tiếp » đối với Hoa Kỳ. Theo bộ trưởng Mattis, một cuộc chiến tranh với Bắc Triều Tiên rất có thể sẽ là « loại chiến tranh tàn khốc nhất trong đời của nhiều người ».
Trong chương trình hôm đó, ông Mattis không hề nói một câu nào đến Biển Đông, mặc dù chỉ cách đó 4 ngày hải quân Hoa Kỳ đã tiến hành tuần tra bảo đảm tự do hàng hải ở Biển Đông, đưa khu trục hạm USS Dewey đến sát Đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa. Đây là cuộc tuần tra bảo đảm tự do hàng hải đầu tiên dưới thời tổng thống Donald Trump nhằm thách thức những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở khu vực này. Hành động nói trên thậm chí còn thách thức Trung Quốc mạnh mẽ hơn những lần trước, vì khu trục hạm đã tiến hành diễn tập trong lúc di chuyển sát Đá Vành Khăn, thay vì chỉ đi qua khu vực này.

Nhưng trang thông tin Quartz lưu ý rằng, cuộc tuần tra của chiếc USS Dewey đã được tiến hành ngay trước khi diễn ra Đối thoại Shangri-La, Singapore, cuộc họp thường niên giữa các bộ trưởng Quốc Phòng châu Á-Thái Bình Dương, khai mạc ngày 02/06/2017. Nếu không tiến hành một cuộc tuần tra bảo đảm tự do hàng hải nào ở Biển Đông thì ông Mattis làm sao có thể trấn an các đồng minh của Mỹ ở Sanggri-La ? Nói cách khác, cuộc tuần tra đó có thể chỉ mang tính đối phó, chứ chưa hẳn xác nhận là Washington vẫn sẽ có thái độ kiên quyết trên vấn đề Biển Đông.

Mặt khác, tổng thống Trump đã từng tuyên bố vào tháng trước rằng, đổi lấy sự trợ giúp của Trung Quốc để ngăn chận tham vọng của Bắc Triêu Tiên, ông sẵn sàng bớt cứng rắn hơn với Bắc Kinh trên những lĩnh vực khác, kể cả thương mại. Có thể là ông cũng có thái độ tương tự trên vấn đề Biển Đông.

Một số chuyên gia nghĩ rằng chính quyền Trump đã quyết định giảm bớt áp lực lên Trung Quốc trên việc xây các đảo nhân tạo và tiền đồn ở Biển Đông, vì cho rằng làm như vậy sẽ khuyến khích Bắc Kinh giúp giải quyết hồ sơ Bắc Triều Tiên. Trong cuộc điện đàm gần đây giữa tổng thống Trump với tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, hai nhà lãnh đạo cũng không hề nhắc đến vấn đề Biển Đông, mà chủ yếu chỉ bàn chuyện Bắc Triều Tiên. - RFI

***
Trung Quốc có kế hoạch xây một hệ thống quan sát khổng lồ dưới nước, bao phủ vùng Biển Đông và biển Hoa Đông, theo tin của báo chí Hồng Kông ngày 29/05/2017.

Tờ South China Morning Post cho biết, với kinh phí lên tới 2 tỷ nhân dân tệ ( gần 300 triệu đôla ), được xây dựng trong vòng 5 năm, hệ thống quan trắc đáy biển này dự kiến cung cấp thông tin về điều kiện môi trường và các hoạt động dưới đáy biển, trong bối cảnh Trung Quốc đang mở rộng sự hiện diện ở cả hai vùng biển nói trên.

Theo tin của đài truyền hình CCTV, Bắc Kinh gần đây đã phê duyệt kế hoạch này. Một trung tâm dữ liệu cũng sẽ được xây dựng tại Thượng Hải để theo dõi và lưu trữ các thông tin hóa học, sinh học và địa chất thu thập được từ các hệ thống quan trắc dưới nước.

Các hệ thống quan trắc dưới biển sẽ giúp Trung Quốc đạt bước tiến trong nghiên cứu khoa học, phòng chống thiên tai, mà còn giúp bảo vệ an ninh an ninh quốc gia, theo đài CCTV.

Nhật báo The South China Morning Post, trích lời giảng viên Trường Khoa Học Hàng Hải và Địa Cầu thuộc Đại Học Đồng Tế-Thượng Hải, cho biết dữ liệu thu thập sẽ được chuyển cho các cơ quan chính phủ khác để thăm dò các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ lợi ích biển và an ninh quốc gia của Trung Quốc.
Theo nhật báo Hồng Kông, kế hoạch nói trên của Trung Quốc sẽ gây quan ngại cho các nước láng giềng vào lúc Bắc Kinh đang tiếp tục củng cố sự hiện diện dân sự và quân sự ở Biển Đông. Do bao phủ luôn cả biển Hoa Đông, hệ thống quan sát dưới biển của Trung Quốc chắc cũng sẽ gây phản ứng giận dữ từ Nhật Bản, hiện đang tranh chấp với Trung Quốc về chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở vùng biển này. - RFI

2.
TT Hàn Quốc ra lệnh điều tra lá chắn tên lửa THAAD

Tân tổng thống Moon Jae In ngày 30/05/2017 cho biết đã ra lệnh mở một cuộc điều tra về việc bốn bệ phóng tên lửa của hệ thống lá chắn THAAD của Mỹ được triển khai tại Hàn Quốc mà chính quyền mới không hề nhận được thông báo.
Theo AFP, ông Yoon Young Chan - phát ngôn viên của tổng thống Hàn Quốc cho biết là tân tổng thống Moon Jae In, người chính thức nhậm chức tổng thống ngày 10/05/2017, “bị sốc” khi phát hiện bốn bệ phóng tên lửa mới được lắp đặt mà ông cũng như dân chúng không hề hay biết.

Hệ thống lá chắn tên lửa THAAD đươc chính quyền tiền nhiệm cùng với Hoa Kỳ thương lượng và triển khai trên lãnh thổ Hàn Quốc để đối phó với mối đe dọa tên lửa từ Bắc Triều Tiên. Trước khi ông Moon Jae In đắc cử tổng thống, 2 bệ phóng tên lửa đã được quân đội Mỹ triển khai.
Việc Mỹ lắp đặt hệ thống lá chắn tên lửa THAAD tại Hàn Quốc khiến Trung Quốc lo ngại vì Bắc Kinh cho rằng THAAD cũng được Mỹ sử dụng để kiểm soát hoạt động quân sự của Trung Quốc. - RFI

3.
Hạt nhân BTT: Tokyo kêu gọi Bắc Kinh “đóng vai trò lớn hơn”

Ngày 29/05/2017, trong cuộc hội kiến với lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc tại Nhật Bản, cố vấn an ninh quốc gia Nhật kêu gọi Bắc Kinh đóng vai trò lớn hơn trong việc kiềm chế tham vọng hạt nhân Bắc Triều Tiên. Phát biểu được đưa ra vào lúc Bình Nhưỡng lại thử tên lửa, tên lửa rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.
Cố vấn an ninh của thủ tướng Nhật, ông Shotaro Yachi, đã có cuộc trao đổi khoảng năm giờ với ông Dương Khiết Trì (Yang Jiechi), ủy viên Quốc Vụ Viện phụ trách đối ngoại và Đài Loan, tại một địa điểm gần Tokyo. Ông Shotaro Yachi là người đứng đầu Hội Đồng An Ninh Quốc Gia.

Hãng tin Reuters trích lời cố vấn an ninh quốc gia Nhật : “Nhật Bản và Trung Quốc cần làm việc cùng nhau để thuyết phục Bắc Triều Tiên tránh có thêm những hành động khiêu khích mới và tuân thủ các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc”.
Thông báo chính thức của phía Trung Quốc về cuộc hội kiến hôm qua không nhắc đến vấn đề Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, hôm nay, lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì tái khẳng định lập trường của Trung Quốc là vấn đề Bắc Triều Tiên cần phải giải quyết “bằng các biện pháp hòa bình”

Cũng ngày hôm nay, hãng tin Nhà nước Bắc Triều Tiên dẫn lại một phát biểu của lãnh đạo tối cao Kim Jong Un, ra lệnh phát triển các vũ khí chiến lược hùng mạnh hơn, nhằm tự vệ trước đe dọa Hoa Kỳ, và khẳng định vụ bắn thử hỏa tiễn hôm qua là một thành công.

Về vụ bắn thử tên lửa Bắc Triều Tiên hôm qua, theo một sĩ quan Hàn Quốc, mục tiêu của Bình Nhưỡng là trắc nghiệm một công nghệ dẫn đường kiểu mới. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia quân sự Hàn Quốc nghi ngờ về tuyên bố trắc nghiệm thành công của Bình Nhưỡng, trong bối cảnh Bắc Triều Tiên thiếu các phương tiện kỹ thuật cần thiết như vệ tinh.
Seoul cho biết quân đội Hàn Quốc đã có cuộc tập trận phối hợp với oanh tạc cơ siêu thanh B-1B của Hoa Kỳ hôm qua. - RFI

4.
TTg Canada muốn Đức Giáo hoàng xin lỗi trẻ em thổ dân bị lạm dụng

Thủ tướng Canada Justin Trudeau hôm 29/05 lên tiếng thúc giục Đức Giáo hoàng Francis tới thăm và xin lỗi những người thổ dân tại Canada vì cách mà Giáo hội Công giáo đối xử với những trẻ em thổ dân theo học tại các trường do Giáo hội Công giáo điều hành trước đây.
Từ cuối thế kỉ 19, có khoảng 30% trẻ em thổ dân tại Canada (tức khoảng 150.000 em) đã buộc phải theo học tại các trường nội trú, nơi mà chính phủ cố gắng tách các em ra khỏi phong tục tập quán cổ truyền và ngôn ngữ của tổ tiên mình.

Trong suốt hơn một thế kỉ, những ngôi trường này được chính phủ tài trợ, nhưng rất nhiều trong số đó được các Giáo hội Công giáo, phần lớn là Công giáo La Mã, điều hành.

Thủ tướng Trudeau nói với báo giới sau cuộc gặp với Đức Giáo hoàng:
“Tôi nói với ngài ấy về tầm quan trọng của việc người dân Canada tiến về phía trước, trong sự hoà giải thật sự với những người thổ dân nơi đây, và tôi đã nhấn mạnh về việc ngài ấy có thể giúp ra sao nếu đưa ra một lời xin lỗi.”

Thủ tướng Canada nói đã mời Đức Giáo hoàng đến Canada để đưa ra lời xin lỗi.

Năm 2015, Uỷ ban Sự thật và Hoà giải của Canada đã kết luận rằng việc tách các trẻ em thổ dân ra khỏi cha mẹ mình là một dạng “diệt chủng văn hoá”.
Rất nhiều trong số những đứa trẻ đó đã bị lạm dụng tình dục và sức lao động.
Uỷ ban này đã đưa ra 94 lời đề nghị trong đó có việc Đức Giáo hoàng đến Canada đưa ra một lời xin lỗi chính thức tới những người sống sót cùng với con cháu của họ, cho “vai trò của Giáo hội trong việc lạm dụng tinh thần, văn hoá, cảm xúc, thể chất và cả tình dục” những đứa trẻ này.
Các Đức Hồng y của Canada cho biết Đức Giáo hoàng sẽ đến thăm Canada vào năm tới. - VOA
|
|

5.
Pháp-Nga: Macron tiếp Putin tại lâu đài Versailles --- Quan hệ với Putin: Thách thức ngoại giao mới đối với Macron

Nhân lễ khánh thành cuộc triển lãm đánh dấu 300 năm quan hệ Pháp-Nga, tổng thống Emmanuel Macron ngày 29/05/2017 tiếp đồng nhiệm Vladimir Putin tại lâu đài Versailles. Buổi làm việc đầu tiên giữa nguyên thủ hai nước diễn ra trong bối cảnh quan hệ Paris-Matxcơva xấu đi nghiêm trọng vì hai hồ sơ Ukraina và Syria.
Theo chương trình nghị sự, vào trưa nay tổng thống Pháp Emmanuel Macron và lãnh đạo Nga, Vladimir Putin làm việc chung trong vòng 40 phút trước khi họp báo. Sau đó nguyên thủ hai nước cùng khánh thành triển lãm về vị hoàng đế Nga, Pierre Đệ Nhất (1672-1725), nhân kỷ niệm 300 năm vị Sa Hoàng này đến cung điện Versailles.

Một ngày trước khi tiếp lãnh đạo Nga, phủ tổng thống Pháp cho biết đôi bên sẽ đề cập đến "tất cả mọi vấn đề một cách thẳng thắn". Về phía Matxcơva, công luận Nga hài lòng trước việc tổng thống Putin được tiếp đón trọng thể tại lâu đài Versailles, biểu tượng lịch sử của nước Pháp và cũng là nơi chiếm một vị trí quan trọng hàng đầu trong chính sách đối ngoại qua các đời tổng thống Pháp.
Từ thủ đô Matxcơva thông tín viên đài RFI Muriel Pomponne : 

"Lễ tiếp đón trọng thể tại lâu đài Versailles, gắn liền chuyến viếng thăm của tổng thống Nga với Pierre Đại Đế : báo chí Nga xem đây là một vinh dự lớn nước Pháp dành cho tổng thống Vladimir Putin. Nhật báo MK thậm chí còn bình luận tổng thống Emmanuel Macron tiếp đón đồng nhiệm Nga với tất cả sự trân trọng dành cho một nguyên thủ thuộc hàng cha chú. Vẫn theo tờ báo này, Pierre Đại Đế với Vladimir Putin là hai người mở cửa, đưa nước Nga đến với Châu Âu. 

Báo chí chính thức của Nga tiếc là quan hệ giữa Matxcơva với Châu Âu đã xấu đi nhiều trong ba năm qua, tuy nhiên các tờ báo Nga tuyệt nhiên không đả động đến nguyên nhân dẫn tới tình trạng đó. 
Cố vấn ngoại giao của điện Kremlin nhắc lại, tổng thống Pháp tiếp đồng nhiệm Nga trong khuôn khổ một cuộc gặp không chính thức. Không một văn bản nào sẽ được ký kết. Do vậy, không thể chờ đợi một số tiến triển trên các hồ sơ lớn, chẳng hạn như là liên quan đến Ukraina hay Syria, vốn gây bất đồng nghiêm trọng giữa Paris và Matxcơva. Có khả năng, đôi bên sẽ đưa ra một vài tuyên bố chung trên vấn đề Lybia, chống khủng bố, hay một vài tiến bộ trong quan hệ song phương.

Nga xem việc tổng thống Pháp Emmanuel Macron mời tổng thống Putin như một bằng chứng cụ thể cho thấy Paris đang khẳng định một sự độc lập với Berlin và Washington. 
Đại sứ Nga tại Paris, Alexander Orlov, người đã thường xuyên tiếp bà Marine Le Pen ứng cử viên tổng thống Pháp đại diện cho đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia, giờ đây không ngớt lời khen ngợi nguyên thủ Pháp, là một vị tổng thống 'có khả năng và xuất sắc' ". - RFI

***
Hôm nay, 29/05/2017, tân tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiếp đồng nhiệm Nga Vladimir Putin tại Điện Versailles. Nếu cuộc gặp giữa Emmanuel Macron-Donald Trump hôm 25/05 là điều nằm trong dự kiến, thì cuộc tiếp xúc tay đôi Macron-Putin hôm nay khiến nhiều người ngạc nhiên, căn cứ vào quan hệ không mấy thuận thảo giữa Nga và Pháp vào cuối nhiệm kỳ của tổng thống Pháp Hollande, và nghi ngại về khả năng Mátxcơva « chơi xấu » ứng cử viên Macron lúc vận động tranh cử. Trong bối cảnh đó, việc ông Macron chủ động đề nghị cuộc gặp được cho là một thách thức ngoại giao mới mà tân tổng thống Pháp sẵn sàng đối đầu.
Khi đưa ra lời mời hôm 18/05 nhân cuộc điện đàm với tổng thống Nga, ông Macron đã nêu bật lý do khiến ông chủ động gặp ông Putin, bất chấp những dấu hiệu không thiện cảm của Mátxcơva đối với ông trước đó. Ông nói rõ : « Cho dù có khác biệt trong quan điểm về nhiều vấn đề, hai nước Nga và Pháp vẫn có quan hệ lâu đời và đặc biệt ».

Trước ngày 18/05, quan điểm chung của Nga vẫn không mấy tốt đẹp với ông Macron. Trong thời gian Pháp vận động tranh cử tổng thống, trong số bốn ứng viên chủ chốt, chỉ có ông Macron là không được Mátxcơva ủng hộ. Thậm chí ông Putin còn gián tiếp nâng đỡ qua việc tiếp bà Marine Le Pen, ứng viên cực hữu thuộc đảng Mặt Trận Quốc Gia, đối thủ số một của ông Macron, khi bà Le Pen ghé thủ đô Nga.
Sau khi ông Macron chiến thắng, báo chí Nga vẫn còn tiếp tục đả kích người được dân Pháp chọn lựa. Còn có tin là Nga nhúng tay vào các vụ tin tặc tấn công vào ê kíp vận động cho ông Macron.

Thế nhưng Emmanuel Macron là một chính trị gia thực tế, đã thấy rõ rằng nhiều hồ sơ như Syria hay Ukraina sẽ không thể có giải pháp nếu tiếp tục bị Nga chọc gậy bánh xe.
Một nước Nga hung hăng sẽ khiến Tây Âu phải tốn công, tốn của, để dự phòng; đây là điều mà một người mong châu Âu vững mạnh và phát triển như ông Macron hoàn toàn không muốn.

Mặt khác việc ông Macron chìa bàn tay hòa giải với Nga cũng không đi ngược lại quan hệ đặc biệt vốn có giữa Paris và Matxcơva trong thời gian qua, với Pháp luôn có một chính sách đối ngoại độc lập so với các nước phương Tây khác.
Putin muốn Nga thoát khỏi tình trạng bị cô lập

Về phần tổng thống Nga Putin cũng thế, ông cũng là một lãnh đạo thực tế, biết nắm bắt tình hình để tận dụng thời cơ.
Theo các nhà quan sát, nói gì thì nói, Nga vẫn cần châu Âu. Thái độ kình chống châu Âu trong thời gian qua đã không dẫn Nga đến đâu, trong lúc ý hướng xích lại gần nước Mỹ với Donald Trump làm tổng thống thì liên tiếp bị trở ngại.

Trong bối cảnh đó, lời mời của Emmanuel Macron đến thật đúng lúc, và dù không nói ra, Vladimir Putin đã quyết định đến Paris trong cố gắng kéo nước Nga ra khỏi tình trạng cô lập hiện nay.

Đối thoại tái lập với một trong hai đầu tầu của châu Âu là một điều kiện thuận lợi giúp Nga tháo gỡ hệ thống trừng phạt kinh tế của Liên Hiệp Châu Âu đối với Matxcơva đang làm kinh tế Nga điêu đứng.

Nhìn chung, cuộc gặp Macron-Putin là một tín hiệu tích cực. Nhưng theo nhận định của ông Thomas Gomart, giám đốc Viện Nghiên Cứu Quốc Tế Pháp (IFRI), được AFP trích dẫn, do việc hai bên đã mất lòng tin khá lớn, từ sau vụ Nga sáp nhập Crimée, công việc khôi phục lại quan hệ không thể nhanh chóng được.
Riêng đối với tân tổng thống Pháp Macron, cuộc gặp với tổng thống Nga sẽ cho phép ông khẳng định thêm uy tín trên trường quốc tế, một uy thế sẽ gia tăng thêm qua cuộc tiếp xúc với thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 03/06 tới đây. - RFI

6.
Thủ tướng Đức cam kết với quan hệ xuyên Đại Tây Dương

Người phát ngôn của Thủ tướng Đức Angela Merkel nói bà vẫn cam kết với mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương vững mạnh. Trước đó, bà Merkel từng nói Hoa Kỳ không còn là đối tác tin cậy nữa.
Phát ngôn viên Steffen Seibert cho biết: "Vì mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương rất quan trọng đối với thủ tướng, nên theo quan điểm của bà, nói thẳng ra về sự khác biệt là điều đúng đắn".

Tại cuộc vận động tranh cử ở Bavaria, bà Merkel phát biểu: "Thời đại mà chúng ta có thể hoàn toàn tin tưởng vào những nước khác đã không còn nữa, như tôi đã thấy trong vài ngày qua".
Bà Merkel và các nhà lãnh đạo châu Âu khác đã chỉ trích quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump không nhắc lại sự ủng hộ dành cho thỏa thuận Paris năm 2015 nhằm chống lại sự thay đổi khí hậu tại cuộc họp G7 gần đây ở Sicily. 

Trong thông cáo chung bế mạc hội nghị, tất cả các quốc gia G7 trừ Hoa Kỳ đã cam kết hành động để giảm nhẹ sự biến đổi khí hậu. 
Bà Merkel nói rằng thỏa thuận về khí hậu rất quan trọng vì vậy không nên có bất kỳ thỏa hiệp nào về vấn đề này. - VOA

7.
Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường trấn áp IS

Theo các quan chức và các nhà phân tích, Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng cường trấn áp các phần tử chủ chiến gắn với Nhà nước Hồi giáo kể từ sau cuộc tấn công chết chóc tại hộp đêm Reina ở Istanbul vào đêm giao thừa dương lịch.
Số liệu do công ty tư nhân Thổ Nhĩ Kỳ S Bilisim Danismanlik thu thập được cho biết 8 kẻ chủ chiến IS đã bị tiêu diệt ở Thổ Nhĩ Kỳ trong năm nay, ngoài ra có gần 500 kẻ khác bị bắt và 525 kẻ bị kết án.

Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ nói họ vừa kết thúc chiến dịch quân sự ở miền bắc Syria, tiêu diệt 2.288 thành viên IS kể từ khi chiến dịch bắt đầu vào tháng 8 năm ngoái, trong số đó, 750 kẻ bị tiêu diệt trong năm nay.

Trong những năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã bị chỉ trích vì cho phép những kẻ chủ chiến IS đi từ các nước khác qua Thổ Nhĩ Kỳ để vào các nước láng giềng Syria và Iraq, cũng như cho phép những kẻ thân IS lập các hang ổ ở miền đông nam đất nước.
Thổ Nhĩ Kỳ đã bị những kẻ chủ chiến IS tấn công nhiều lần, trong đó có vụ tấn công Reina. Trong vụ này, một tay súng người Uzbekistan đã giết chết 39 người và làm bị thương nhiều người khác.
Khi mối nguy từ IS trở nên rõ rệt, Thổ Nhĩ Kỳ đã nắm một vai trò lớn hơn trong chiến dịch chống IS ở Syria và Iraq vào giữa năm 2015, và đã bắt đầu một cuộc trấn áp có hệ thống ở trong nước. - VOA

8.
Nhà cựu độc tài Panama Noriega qua đời

Nhà cựu độc tài Panama Manuel Noriega vừa qua đời đêm qua 29/05/2017, thọ 83 tuổi, sau khi được giải phẫu một khối u trong não. Trên trang Twitter, tổng thống đương nhiệm Panama Juan Carlos Varela viết : «Cái chết của Manuel Noriega kết thúc một trang sử của nước ta ».
Ông Noriega qua đời khi đang thọ án tù vì trách nhiệm trong những vụ mất tích và sát hại các nhà đối lập dưới thời ông cầm quyền (1983-1989). Gia đình của ông Noriega đã nhiều lần xin cho nhà cựu độc tài được quản thúc tại gia, do ông mắc rất nhiều bệnh nặng, nhưng chính phủ Panama đã bác bỏ những yêu cầu đó, cho biết là ông Noriega sẽ trở vào tù sau khi được giải phẫu.

Nguyên là một nhân viên của CIA, ông Noriega đã lên lãnh đạo Panama vào thập niên 1980. Nhưng từ một đồng minh thân cận của Washington, nhà cựu độc tài Panama đã trở thành kẻ thù của Mỹ do ông tham gia vào việc buôn ma túy.
Tổng thống Hoa Kỳ thời đó là George H. Bush đã ra lệnh đưa quân Mỹ vào Panama để bắt giữ Noriega. Chiến dịch quân sự mang tên « Chính nghĩa » đã khiến 500 người thiệt mạng, theo các số liệu chính thức, nhưng các tổ chức phi chính phủ thẩm định nạn nhân lên tới nhiều ngàn người.

Sau khi chạy vào trốn trong Tòa Sứ Thần ở Panama, Noriega đã ra đầu thú vào ngày 03/01/1990 và bị đưa ngay sang Mỹ. Tại đây, ông bị kết án 40 năm tù vì tội buôn ma túy, nhưng sau khi thọ nửa án tù, nhà cựu độc tài Panama được trả tự do vì được xem là « có hạnh kiểm tốt».
Đến năm 2010, ông Noriega lại bị dẫn độ sang Pháp vì tội rửa tiền và đến năm 2011 bị dẫn độ về Panama. Tại đây, ông bị tuyên 3 án tù, mỗi án tù là 20 năm cho những vụ mất tích và sát hại các nhà đối lập khi ông cầm quyền. Thế nhưng, nhà cựu độc tài không bao giờ nhìn nhận là ông đã gây ra những tội ác đó, tuy rằng vào năm 2015 ông có xin lỗi « bất cứ ai cảm thấy bị xúc phạm, bị ảnh hưởng hoặc bị nhục mạ » do những hành động của ông. - RFI

9.
TQ liên quan đến WannaCry, phân tích cho thấy

Phân tích mới cho thấy tội phạm dùng tiếng Trung có lẽ đứng sau mã độc WannaCry làm ảnh hưởng tới hàng ngàn tổ chức trên toàn thế giới.
Các nhà nghiên cứu từ Flashpoint đã truy cứu ngôn ngữ sử dụng trong thông báo máy tính nhiễm mã độc.

Họ phát hiện chỉ có thông báo bằng tiếng Trung mới sử dụng đúng ngữ pháp và dấu câu, cho thấy người viết "là người bản địa hoặc ít nhất là thông thạo" tiếng Trung.
Các phiên bản khác của thông báo mã độc dường như sử dụng "công cụ dịch thuật".

Thông báo đòi tiền chuộc của WannaCry xuất hiện trong 28 ngôn ngữ khác nhau, nhưng chỉ có bản tiếng Trung và tiếng Anh có vẻ như được người chứ không phải máy tính viết.
Bản tiếng Anh cũng có một số đoạn văn bất thường.

Vụ tấn công mã độc WannaCry ảnh hưởng hơn 200.000 máy tính trên 150 quốc gia, ảnh hưởng các hệ thống chính phủ, y tế và các công ty tư nhân.

Cơ quan Phòng Chống Tội phạm Quốc gia Anh của Anh, FBI và Europol đang điều tra kẻ đứng đằng sau mã độc này.
Một số phân tích trước đó gợi ý rằng thủ phạm có thể ở Bắc Hàn. 

Nhưng các nhà nghiên cứu của Flashpoint nhận thấy thông báo tiếng Hàn được dịch còn tệ hơn bản tiếng Anh.

"Chỉ bản tiếng Trung và tiếng Anh là có vẻ như được một người hiểu biết ngôn ngữ viết ra," chuyên gia an ninh mạng, giáo sư Alan Woodward từ Đại học Surrey nói. 
"Các bản còn lại có vẻ là nhờ Google Dịch. Thậm chí cả tiếng Hàn."

Giáo sư Woodward nói những người đứng đằng sau mã độc tống tiền chưa lấy tiền mà các nạn nhân đã gửi vào Bitcoin, và nói thêm rằng có thể họ đang ẩn mình. - BBC

10.
TNS John McCain: Putin còn nguy hiểm hơn cả ISIS

Khi đang ở Úc tham dự một cuộc họp về an ninh thế giới, Thượng Nghị Sĩ John McCain (Cộng Hòa-Arizona) cho hay ‘Tổng Thống Nga Vladimir Putin còn nguy hiểm hơn cả ISIS.’
Ông McCain nói trong cuộc phỏng vấn dành cho đài ABC của chính phủ Úc rằng tuy ISIS có thể làm những điều tàn hại, nhưng phía Nga lại còn nguy hiểm hơn cả vì đang “cố tìm cách phá hủy những gì căn bản nhất của nền dân chủ, và đó là tìm cách thay đổi kết quả cuộc bầu cử ở Mỹ,” bản tin của ABC News cho hay.

“Do đó tôi coi Vladimir Putin, tôi coi người Nga là thách đố lớn nhất mà chúng ta đang phải đương đầu lúc này,” theo ông McCain, hiện là chủ tịch Ủy Ban Quân Vụ Thượng Viện Mỹ.
Bản tin ABC News cho biết, khi được hỏi về nguồn tin nói rằng con rể của Tổng Thống Trump là Jared Kushner tìm cách thiết lập đường dây liên lạc bí mật với Nga về Syria và các vấn đề khác liên quan đến chính sách của Mỹ, ông McCain nói rằng “Tôi không thích việc này. Tôi không nghĩ đây là ‘quy trình thông thường’ trước ngày lễ tuyên thệ của một người chưa ở vị trí tổng thống.” - nguoiviet

Tin Hoa Kỳ
11.
Mỹ kỷ niệm ngày Chiến sĩ trận vong

Hoa Kỳ đang kỷ niệm Ngày Chiến sĩ trận vong, vinh danh các liệt sĩ của đất nước.
Tổng thống Donald Trump viết trên Twitter: "Hôm nay chúng ta tưởng nhớ những nam nữ quân nhân đã hy sinh mạng sống khi làm nhiệm vụ. Xin cảm ơn, Chúa ban phước lành cho gia đình quý vị và Chúa ban phước lành cho nước Mỹ!"

Ông nói Hoa Kỳ là "ngôi nhà của những người tự do, nhờ có những người dũng cảm". Sau đó, ông Trump tham gia buổi lễ đặt vòng hoa tại Mộ Chiến sĩ Vô danh ở Nghĩa trang Quốc gia Arlington ở ngay bên ngoài thủ đô Washington.

Về mặt không chính thức, ngày này đối với nhiều người Mỹ cũng được xem là thời điểm bắt đầu mùa hè.
Về mặt chính thức, Ngày Chiến sĩ trận vong được kỷ niệm vào ngày thứ Hai cuối cùng của tháng 5. Đây là ngày để vinh danh tất cả những ai ngã xuống khi phục vụ quân ngũ trong suốt lịch sử Hoa Kỳ. Quốc hội đã công nhận Ngày Chiến sĩ trận vong là ngày nghỉ toàn quốc vào năm 1971.

Người ta lên kế hoạch thực hiện các nghi lễ tưởng niệm trên khắp đất nước và ở Washington trong ngày này.

Hàng trăm người tham gia cuộc diễu hành môtô Rolling Thunder (Sấm Rền) ở Washington đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm Thế chiến II và Đài tưởng niệm Cựu chiến binh Việt Nam. 
Những người tham gia Rolling Thunder đi môtô để thu hút sự quan tâm đến những quân nhân hiện là tù binh và các quân nhân còn đang mất tích.

Tổ chức Cựu chiến binh vì Hòa bình tổ chức một số sự kiện ở Washington để phản đối điều mà họ gọi là "đề xuất ngân sách vô lý của Tổng thống Trump, gồm cả việc tăng 54 tỷ đôla cho Ngũ Giác Đài".
Ngày Chiến sĩ trận vong bắt đầu năm 1865, ngay sau khi kết thúc cuộc Nội chiến Mỹ, khi đó một nhóm cựu nô lệ thực hiện hoạt động được coi là lễ tưởng niệm đầu tiên dành cho những quân nhân của đất nước ngã xuống trong chiến tranh.

Trong hơn 50 năm, ngày lễ này chỉ tưởng nhớ những người ngã xuống trong cuộc Nội chiến.
Phải đến khi nước Mỹ tham gia Thế chiến I thì ngày lễ này mới mở rộng ra để tưởng nhớ cả những người ngã xuống trong mọi cuộc chiến. - VOA

12.
Dưới sức ép, TT Trump lên án vụ giết người trên tàu hoả

Tổng thống Donald Trump hôm 29/05 sử dụng trang Twitter cá nhân để lên án vụ một người đàn ông da trắng đâm chết hai người khách đi tàu, sau khi những người này ngăn cản hắn ta quấy rối hai người phụ nữ trông giống người Hồi giáo.
Ông nói:” Vụ tấn công đầy bạo lực tại Portland hôm thứ Sáu là không thể chấp nhận được. Những nạn nhân đã đứng lên chống lại sự thù hận và thiếu khoan dung. Xin gửi lời cầu nguyện đến họ.”

Động thái này của Tổng thống Trump diễn ra vài ngày sau khi Hội đồng Quan hệ của Người Hồi giáo Mỹ lên tiếng kêu gọi Tổng thống Hoa Kỳ lên án vụ việc.

Người đàn ông thứ ba trong số ba người can thiệp vào vụ việc hiện đang được điều trị tại bệnh viện do những vết thương nghiêm trọng.
Nghi phạm là một người đàn ông da trắng tên Jeremy Joseph Christian, 35 tuổi, hiện đang bị cảnh sát tạm giữ và sẽ ra hầu toà vào ngày 30/05.

Nhân chứng cho biết, Christian đã dùng những lời lẽ xỉ nhục tôn giáo nhắm vào hai người phụ nữ đi cùng chuyến tàu, nói họ “Cút về Ả Rập Xê Út đi.”
Ba người đàn ông sau đó đã can thiệp, một người trong số họ nói rằng “Cậu không thể tỏ thái độ thiếu tôn trọng với những người phụ nữ này như vậy.” Sau đó tranh cãi nổ ra, Christain rút dao đâm chết hai người, một trong số đó là Ricky Best, một cựu chiến binh có vợ là một người phụ nữ gốc Việt. - VOA

13.
Phim mới về Chiến tranh Việt Nam chiếu vào tháng 9

Trong chương trình Face the Nation (Đối diện với quốc gia) của đài CBS News hôm 29/5, nhà làm phim Ken Burns đã giới thiệu trước về bộ phim tài liệu mới của ông mang tên “The Vietnam War” (Chiến tranh Việt Nam).
Ông nói có rất nhiều sự chia rẽ ở Hoa Kỳ ngày nay đã bắt nguồn từ thời có cuộc chiến Việt Nam, và bộ phim tài liệu mới nhất của ông miêu tả lại giai đoạn đó,

Ông Burns nói rằng phân tích các sự kiện xung quanh cuộc chiến tranh Việt Nam - kể cả chuyện Tòa Bạch Ốc bị ám ảnh về việc thông tin bị rò rỉ, lẫn một cuộc khủng hoảng liên quan đến báo chí tự do - giúp người Mỹ hiểu rõ hơn về môi trường hiện tại.
Phim "The Vietnam War" dài 18 giờ của ông Burns và bà Lynn Novick sẽ được phát sóng trên đài PBS vào tháng 9.
Hai ông bà Burns và Novick đã dành 10 năm làm bộ phim, tập trung vào một kỷ nguyên mà ông cho rằng nó có lẽ là quan trọng nhất đối với người Mỹ trong nửa sau của thế kỷ 20. 

Theo lời ông Burns, trong dự án này, giống như các dự án khác, đoàn làm phim ban đầu đã cảm thấy "tự tin" rằng họ biết những điều nhất định về lịch sử, nhưng sau đó phải đối mặt với thực tế là họ thực sự biết không được bao nhiêu.
Ông Burns nói nhiều thập kỷ trôi qua và kiến thức học thuật đã tăng lên về chủ đề này, nhờ đó mang lại "cái nhìn sâu sắc mới". Ông nói: "Với thời gian trôi qua, người ta có tầm nhìn bao quát". - VOA

Tin Việt Nam

14.
Thủ tướng Việt Nam đi Mỹ : Biển Đông sẽ là một chủ đề bàn luận --- Kinh tế Việt Nam chưa là ưu tiên cho Trump?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rời Hà Nội hôm nay, 29/05/2017 để bay sang Mỹ, bắt đầu chuyến công du tại Hoa Kỳ, mà đỉnh điểm sẽ là cuộc hội đàm với tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng, Washington hôm 31/05. Theo nhiều nhà phân tích, hai hồ sơ nổi bật trong chương trình nghị sự sẽ là Biển Đông và thương mại song phương.
Theo chương trình dự kiến, điểm dừng đầu tiên của thủ tướng Việt Nam là New York, nơi ông sẽ tiếp xúc với tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres và dự lễ kỷ niệm 40 năm ngày Việt Nam gia nhập Liên Hiệp Quốc.

Yếu tố quan trọng nhất trong chuyến thăm Mỹ là cuộc hội đàm giữa ông Nguyễn Xuân Phúc với tân tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 31/05 tại Nhà Trắng. Thủ tướng Phúc sẽ là lãnh đạo cao cấp nhất của Việt Nam tiếp xúc với tân tổng thống Mỹ từ ngày ông Trump nhậm chức.

Theo báo chí Việt Nam, trích nguồn tin bộ Ngoại Giao, hai lãnh đạo dự kiến sẽ hội đàm trong 90 phút về quan hệ song phương và hợp tác khu vực. Hai bên sẽ có họp báo chung sau cuộc gặp.

Trước ngày thủ tướng Việt Nam lên đường, các nhà quan sát cho rằng hai ông Nguyễn Xuân Phúc và Donald Trump sẽ bàn luận về vấn đề thương mại song phương, trong đó đáng chú ý là việc Mỹ nhập siêu mà ông Trump không tán đồng, và hồ sơ Biển Đông, với mong muốn của Việt Nam là Mỹ tiếp tục hiện diện trong khu vực.
Hồ sơ này đã lại thu hút sự quan tâm trong những ngày gần đây, với sự kiện lần đầu tiên từ ngày ông Trump nhậm chức, Mỹ đã phái chiến hạm đi sát Đá Vành Khăn, một hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp tại Trường Sa, và việc Hoa Kỳ bàn giao cho Việt Nam 6 xuồng tuần tra mới và một chiếc tàu tuần tra cỡ lớn lớp Hamilton đã qua sử dụng.

Trong một bài phân tích dài công bố hôm 27/05/2017 trên tạp chí Mỹ The National Interest, giáo sư Alexandre Vuving, thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu An Ninh Châu Á-Thái Bình Dương đã ghi nhận tuyên bố hôm 20/05 vừa qua của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Đại Diện Thương Mại Mỹ Robert Lighthizer là ông rất muốn Hoa Kỳ  « tiếp tục duy trì sự hiện diện trong khu vực ». Đối với giáo sư Vuving, cách nay chỉ 5 năm thôi, một số lãnh đạo Việt Nam chỉ dám nghĩ như vậy, chứ không thể tuyên bố công khai như vậy. - RFI

***
Trong ngày đầu của chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, một chuyên gia kinh tế nói với BBC rằng "về mặt kinh tế, Việt Nam chẳng mang lại lợi ích gì đáng kể cho Mỹ và có lẽ nằm ngoài những quan tâm trước mắt của nội các Trump."
Trang Thông tin Chính phủ hôm 30/5 tường thuật, sau khi đến New York, Thủ tướng tiếp một số doanh nhân, trí thức gốc Việt tại Hoa Kỳ.

"Bất cứ doanh nghiệp nào làm tốt, đúng pháp luật thì Chính phủ Việt Nam luôn hoan nghênh," trang này dẫn lời ông Phúc nói sau khi nghe Phó chủ tịch Sàn chứng khoán Nasdaq Robert H. McCooey Jr thông báo về việc ký kết bản ghi nhớ với một doanh nghiệp Việt Nam.
Theo những ảnh mà truyền thông Việt Nam đăng tải, dường như không có giới chức Hoa Kỳ nào hiện diện đón tiếp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi máy bay của ông đáp xuống phi trường John F. Kennedy sáng 29/5.

Báo Việt Nam ghi nhận những người ra đón ông Phúc là Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh và Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc Nguyễn Phương Nga.
Hôm 30/5, Tiến sĩ Giang Lê, chủ nhân blog kinhtetaichinh bình luận với BBC: "Thương mại chắc chắn là quan tâm lớn nhất của Việt Nam ở thời điểm này. Tuy nhiên phái đoàn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chắc thừa hiểu Việt Nam không có một khoản nhượng bộ nào khả dĩ để đổi lấy một thỏa thuận có lợi từ phía Mỹ." 

"Tôi cũng không tin Việt Nam có đủ uy tín để có thể đứng ra làm trung gian mời chào Mỹ quay lại bàn đàm phán TPP như có người bình luận." 
"Thảo luận về thương mại Việt - Mỹ nếu có sẽ chỉ mang tính chất xã giao, một vài thỏa thuận nào đó chỉ có tính hình thức." 

"Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu ông Phúc đạt được một thỏa thuận đáng kể, ví dụ thuyết phục được Mỹ chấp nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam."
Trả lời câu hỏi của BBC: "Ông có nghĩ rằng một hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương với Mỹ sẽ là 'đũa thần' với kinh tế Việt Nam?," ông Giang đáp: "Tôi cũng không mấy lạc quan về triển vọng có một hiệp định thương mại tự do như vậy dưới thời Donald Trump." 

"Chính quyền Mỹ hiện tại đã rút khỏi TPP và đang cân nhắc đàm phán lại NAFTA và thậm chí cả các quy tắc của WTO." 

"Về mặt kinh tế, Việt Nam chẳng mang lại lợi ích gì đáng kể cho Mỹ và có lẽ nằm ngoài những quan tâm trước mắt của nội các Trump." 
"Được biết Bộ trưởng Ngoại thương mới của Mỹ, ông Robert Lighthizer là người có quan điểm bảo hộ mậu dịch mạnh mẽ nhất trong số những bộ trưởng gần đây." 

"Do vậy, khó có thể thấy Việt Nam có cửa nào ký được FTA với Mỹ trong vài ba năm tới."
'Đũa thần'

"Tất nhiên với một nền kinh tế nhỏ và dựa vào xuất khẩu nhiều như Việt Nam, việc tiếp cận thị trường Mỹ thông qua một hiệp định thương mại tự do sẽ là một lợi thế lớn." 
"Điều đó rất có thể là "đũa thần" cho đầu tư, tăng trưởng, giá bất động sản, chứng khoán…" 
"Nhưng chưa chắc nó sẽ đem lại cho Việt Nam một xã hội bớt bất công, một môi trường sống trong sạch, và một nền hành chính lành mạnh." 

"Để có được sự phát triển bền vững, bên cạnh các thuận lợi kinh tế từ bên ngoài như một hiệp định thương mại tự do với Mỹ, Việt Nam cần phải có những cải tổ sâu rộng bên trong về thể chế và cơ cấu kinh tế chính trị."
Chuyên gia cũng cho biết thêm: "Theo tôi, thách thức lớn nhất với kinh tế Việt Nam ở thời điểm này là tư duy kế hoạch hóá nền kinh tế còn rơi rớt lại từ thời kinh tế tập trung trước những năm 1990, một ví dụ điển hình là mục tiêu tăng trưởng GDP hàng năm."

"Ngay cả nếu chấp nhận rằng nền kinh tế thị trường hiện tại ở Việt Nam không hoàn toàn "thị trường" mà lại có "định hướng Xã hội Chủ nghĩa." "Việc áp đặt các kế hoạch kinh tế như vậy sẽ làm quá trình phân bổ nguồn lực vật chất lẫn con người bị méo mó, làm triệt tiêu phần nào tính hiệu quả của thị trường." 

"Đúng là Trung Quốc cũng có chỉ tiêu tăng trưởng GDP hàng năm nhưng xem ra tư duy kinh tế của lãnh đạo nước họ ít tính kế hoạch hóa hơn Việt Nam." 
"Tuy vẫn có những chính sách công nghiệp như đầu tư vào tàu cao tốc, pin mặt trời, Trung Quốc đã từ bỏ những nguyên tắc kế hoạch hóa theo kiểu tư duy ngành mũi nhọn, quả đấm thép như Việt Nam."
"Trong khi lãi suất, tỷ giá bị kiểm soát rất chặt và vấn đề nợ xấu cũng không hề nhỏ, thị trường tài chính Trung Quốc ít bị định hướng hơn so với thị trường Việt Nam." 

"Nếu kinh tế Việt Nam trở nên "thị trường" hơn, chỉ cần tương đương với Trung Quốc, triển vọng của Việt Nam sẽ tốt lên nhiều."

"Trở lại các thách thức trước mắt của chính phủ cho mục tiêu tăng trưởng 6,7% cho năm nay. Tôi không biết gần đây có chuyên gia nào ước lượng tốc độ tăng trưởng tiềm năng cho Việt Nam không, nhưng một tính toán của tôi cách đây vài năm cho thấy tốc độ này thấp hơn con số mục tiêu nói trên và có xu hướng giảm dần trong hơn một thập kỷ qua." 
"Một khi đặt mục tiêu tăng trưởng ngắn hạn lớn hơn mức tiềm năng, ngoại trừ có vài may mắn đột xuất như giá dầu bất ngờ tăng hay TPP được khôi phục lại, chính phủ sẽ phải thực thi các chính sách tài khóa và tiền tệ có tính chất kích thích tăng trưởng."

"Về mặt tài khóa, ngân sách Việt Nam trong vài năm lại đây bị sức ép thâm hụt lớn, nợ công tăng nhanh." 

Từ đầu năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Văn Phúc đã phải đốc thúc việc thu ngân sách và tình hình giá dầu thế giới phập phù sẽ tiếp tục là rủi ro lớn cho nguồn thu của Việt Nam." 
"Do vậy, khả năng tăng mạnh chi tiêu hoặc đầu tư công từ ngân sách để kích thích tăng trưởng sẽ rất khó." 

"Có chăng là chính phủ chỉ còn có thể trông đợi từ nguồn ODA mà tốc độ giải ngân sẽ khó có đột biến, nhất là trong bối cảnh gia tăng chiến dịch chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng."

"Về mặt tiền tệ, giới doanh nghiệp trông đợi lãi suất giảm từ mấy năm nay nhưng Ngân hàng Nhà nước đã có sự thận trọng đúng đắn khi đặt mục tiêu kìm giữ lạm phát lên trên mục tiêu tăng trưởng."

"Ngay cả nếu chính phủ ép Ngân hàng Nhà nước phải giảm lãi suất để kích thích kinh tế không có gì bảo đảm việc nới lỏng tiền tệ sẽ có tác dụng ngay vào nền kinh tế thực mà chỉ thổi bùng lại bong bóng chứng khoán và bất động sản." 

"Thực ra Ngân hàng Nhà nước có thể sử dụng một công cụ tiền tệ mà tôi cho rằng sẽ rất hiệu quả là phá giá VND." 

"Tuy nhiên có thể họ rất lưỡng lự sử dụng công cụ này vì sợ sức ép lên nợ nước ngoài." 

"Nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn nên phụ thuộc nhiều vào các yếu tố bên ngoài." 

"Chính phủ Việt Nam hiện tại có lý do để tin rằng trong ngắn hạn, kinh tế thế giới có triển vọng tốt." 

"Mỹ, Nhật, châu u đang trên đà phục hồi dù còn một số khó khăn. Kinh tế Trung Quốc cho đến thời điểm này tương đối ổn định, không còn mấy chuyên gia lo nền kinh tế này sẽ "hạ cánh cứng" nữa."
"Nhưng cũng chính vì độ mở quá lớn nên kinh tế Việt Nam dễ bị rủi ro do tác động của các sự kiện bên ngoài: bất ổn trên bán đảo Triều Tiên, tính khí bất thường khó đoán của Tổng thống Trump, hay chỉ đơn giản một sự cố như vụ nổ pin điện thoại Note 7 của Samsung năm ngoái." 

"Tất nhiên trong ngắn hạn, chính phủ Việt Nam không thể làm gì để đối phó với những rủi ro bên ngoài như vậy." 

"Về dài hạn cải tổ và tái cơ cấu nền kinh tế, mà cách hiệu quả nhất là để thị trường phát huy sức mạnh tối đa, sẽ là chìa khóa cho tăng trưởng bền vững," ông Giang Lê nói với Ben Ngô của BBC Tiếng Việt. - BBC

15.
Hãng công nghệ VN đầu tiên sẽ niêm yết ở Nasdaq?

VNG Vietnam, một start up công nghệ của Việt Nam, vừa ký một thỏa thuận sơ bộ với Nasdaq Inc hôm 29/5 để chuẩn bị IPO (phát hành cổ phiếu cho công chúng lần đầu) ở sàn chứng khoán này, hãng tin Anh Reuters cho hay. 
VNG là hãng công nghệ Việt Nam đầu tiên "quyết tâm niêm yết ở Nasdaq", sàn chứng khoán lớn thứ hai trên thế giới, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc VNG Lê Hồng Minh phát biểu trong một video hôm 29/5 trên trang Zing News, một công ty con của VNG.

Thỏa thuận này, theo đó Nasdaq sẽ giúp VNG chuẩn bị cho IPO, được ký kết bên lề chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, cũng là chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo Đông Nam Á kể từ khi ông Donald Trump lên làm tổng thống Mỹ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong buổi tiếp Phó Chủ tịch Nasdaq Bob McCooey tại New York sau khi thỏa thuận này được ký kết, nói ông muốn NASDAQ "hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa cho các doanh nghiệp Việt Nam được niêm yết trên sàn chứng khoán NASDAQ", trang tin Chính phủ Việt Nam đưa tin.
Trong một video được đăng trên Zing News, ông Lê Hồng Minh nói việc niêm yết ở Nasdaq là thách thức không nhỏ vì VNG phải đáp ứng được những yêu cầu về tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt về kinh doanh và quản trị tài chính mà Nasdaq đưa ra. Điều này cũng "đánh dấu bước phát triển mới của VNG khi chúng tôi quyết định trở thành một doanh nghiệp toàn cầu," ông Minh nói. 

Ông Minh cũng hy vọng sau VNG, sẽ có nhiều công ty công nghệ cũng niêm yết trên các sàn chứng khoán quốc tế. 

Được thành lập năm 2004, VNG cung cấp các ứng dụng game, nghe nhạc và tin nhắn trực tuyến. Ứng dụng nhắn tin trực tuyến Zalo hiện có hơn 70 triệu người dùng, theo Zing News.
Việt Nam đang ủng hộ phát triển các công ty công nghệ và start-up trong lúc nước này cải cách nền kinh tế để ngày càng phụ thuộc ít hơn vào các ngành nghề nhân công rẻ và công nghệ thấp. 

Một số doanh nghiệp tư nhân khác cũng đang có kế hoạch niêm yết cổ phiếu ở các sàn chứng khoán nước ngoài. Hãng hàng không giá rẻ VietJet, có trị giá 1.7 tỷ USD, hồi đầu năm 2017 cho biết họ dự định sẽ lên kế hoạch lên sàn ở nước ngoài. - BBC

16.
Kết thúc Chương trình Đối tác Thái Bình dương 2017

Chương trình Đối tác Thái Bình Dương năm nay kết thúc vào ngày 29 tháng 5 tại Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa sau 10 ngày hoạt động.
Thông cáo báo chí của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết trong suốt 10 ngày diễn ra các hoạt động trong khuôn khổ của chương trình gồm nâng cao năng lực ứng phó thiên tai, trao đổi chuyên môn y tế-xây dựng, khám chữa bệnh và giao lưu cộng đồng.

Đây là năm thứ tư liên tiếp và là lần thứ 8 Chương trình Đối tác Thái Bình Dương được tiến hành tại Việt Nam trong 11 năm qua. Trong chương trình năm nay có thêm sự tham gia của thủy thủ từ hai tàu khu trục thuộc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản là J.S. Izumo và J.S. Sazanami.
Đánh giá về Chương trình Đối Tác Thái Bình Dương năm nay, đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, Ted Osius, cho rằng thành viên các nước đối tác, các cơ quan tại Khánh Hòa phối hợp để cùng nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ y tế địa phương trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân, nâng cao năng lực về hỗ trợ nhân đạo, ứng phó thiên tai, mở rộng hợp tác khu vực và tăng cường hợp tác đa phương với nước chủ nhà Việt Nam. - RFA
|
17.
Cục trưởng Cục Nghệ Thuật Biển Diễn mất chức vì tai tiếng cấp phép nhạc

Ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ Thuật Biển Diễn chịu trách nhiệm về những tai tiếng liên quan việc cấp phép nhạc trước đây cũng như phổ biến nhạc ‘đỏ’, tức nhạc dưới thời của chính quyền Hà Nội, sẽ thôi giữ chức vụ này.
Truyền thông trong nước cho biết như vừa nêu và nói rõ đến hết tuần này, người thay thế kiêm nhiệm chức trưởng Cục Nghệ Thuật Biểu diễn sẽ là ông Vương Duy Biên, thứ trưởng Bộ Văn Hóa - Thể Thao - Du Lịch.

Sau khi bị công luận phản ứng mạnh mẽ đối với việc cấp phép nhạc xưa và việc cập nhật danh sách phổ biến những ca khúc nhạc ‘đỏ’ do Cục Nghệ Thuật Biểu Diễn tiến hành, Bộ Văn hóa - Thể Thao - Du lịch yêu cầu Cục này rút kinh nghiệm, chấn chỉnh công tác tổ chức, nâng cao năng lực cán bộ thực thi pháp luật. Bản thân ông Nguyễn Đăng Chương cũng lên tiếng xin lỗi. - RFA

18.
Xây metro ở Hà Nội: Tiền Trung Quốc nên ‘nguy cơ không an toàn’

Hội Ðồng Nghiệm Thu các công trình xây dựng của Bộ Xây Dựng Việt Nam vừa kết luận, hệ thống đường ray của tuyến metro Cát Linh-Hà Ðông tiềm ẩn nguy cơ không an toàn!
Tờ Thanh Niên cho biết, sau khi kiểm tra, hội đồng này phát giác tuyến metro Cát Linh-Hà Ðông “có một số vấn đề về chất lượng”: Tuy chưa dùng nhưng một số đoạn ray đã bị rỉ sét vì không được phủ lớp chống rỉ. Khe hở ở một số mối nối không đáp ứng yêu cầu cầu kỹ thuật là 8 mm nên các mối nối có thể bị chạy hay ray bị gãy dưới tác động của nhiệt độ. Tại một số vị trí, nhiều ốc liên kết giữa phụ kiện với ray cũng không đúng yêu cầu kỹ thuật.

Hội Ðồng Nghiệm Thu các công trình xây dựng của Bộ Xây Dựng Việt Nam nhận định, nhà thầu Trung Quốc, chưa tính toán rõ ràng những tác động bởi nhiệt độ và hoạt động của các đoàn tàu đến các tấm bê tông liên kết các thanh ray với dầm để đề ra các giải pháp phù hợp về kỹ thuật, tránh hiện tượng nứt. Tuyến metro Cát Linh-Hà Ðông chưa hoạt động nhưng tại một số vị trí đã xuất hiện các vết nứt dài và sâu. Những thanh ray gỗ lắp đặt tại các ga cũng có vết nứt.

Nhà thầu Trung Quốc cũng chưa thực hiện đầy đủ các thí nghiệm theo yêu cầu kỹ thuật về độ đàn hồi, cường độ của phụ kiện, các chỉ tiêu cơ lý của tấm đệm cao su, nhất là chỉ số lão hóa,…
Tuyến metro Cát Linh-Hà Ðông còn tiềm ẩn nguy cơ không an toàn ở các cầu thang lên xuống nhà ga (thiếu dây cứu sinh, lưới an toàn, biển báo)…

Kết luận vừa kể có từ cuối Tháng Tư nhưng đến nay mới được báo chí tiết lộ, sau khi chính quyền Việt Nam ký khế ước vay Trung Quốc thêm 250 triệu Mỹ kim để hoàn tất dự án metro Cát Linh-Hà Ðông hồi trung tuần Tháng Năm.
Tuyến metro Cát Linh-Hà Ðông là dự án metro đầu tiên tại Việt Nam. Lẽ ra dự án này phải hoàn tất vào năm 2013 nhưng đến nay vẫn còn dở dang. Sau nhiều lần điều chỉnh, giới hữu trách Việt Nam… hy vọng là đến giữa năm 2018 sẽ có thể đưa tuyến metro Cát Linh-Hà Ðông vào khai thác thương mại!

Tuyến metro Cát Linh-Hà Ðông được xem là điển hình cho hợp tác Việt-Trung về vốn, nhà thầu, công nghệ nhằm phát triển kinh tế-xã hội.
Trong quan hệ hợp tác bám sát phương châm “16 chữ vàng” (láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai) và “tinh thần bốn tốt” (láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt) vì “có cùng ý thức hệ và thể chế chính trị” này, Việt Nam luôn luôn “ngậm đắng, nuốt cay.”

Sau nhiều lần thất hứa, năm 2014, nhà thầu Trung Quốc thề sẽ hoàn tất công trình xây dựng tuyến metro Cát Linh-Hà Ðông vào Tháng Sáu năm 2015 nhưng đến Tháng Sáu năm 2015 thì có thông báo là thời điểm khánh thành được dời lại đến cuối năm 2015. Ðến cuối năm 2015, có tin phải đến hết quí 1 năm 2016 tuyến metro Cát Linh-Hà Ðông mới hoàn tất và cho chạy thử, song trong năm 2016, sự kiện đáng chú ý nhất liên quan tới tuyến metro Cát Linh-Hà Ðông là Việt Nam phải ký một thỏa thuận đề nghị vay thêm tiền từ Trung Quốc nhằm hoàn tất dự án này (thỏa thuận đó vừa chính thức được ký kết dưới sự chứng kiến của ông Trần Ðại Quang, chủ tịch nhà nước Việt Nam, trong chuyến thăm Trung Quốc từ 11 đến 15 Tháng Năm).
Ngoài sự nổi tiếng vì chậm trễ, công trình xây dựng tuyến metro Cát Linh-Hà Ðông còn nổi tiếng vì thiếu an toàn. Ðến nay đã có ít nhất sáu vụ tai nạn do: Cẩu bị sập, cẩu đứt cáp làm rớt lúc thì cọc thép, lúc thì dầm thép, đè chết và làm người đi đường trọng thương, giàn giáo đột nhiên sập xuống khi đang đổ bê tông.

Dự án tuyến metro Cát Linh-Hà Ðông còn gây phẫn nộ vì sự tráo trở của nhà thầu Trung Quốc. Nhà thầu Trung Quốc đã đòi nâng vốn đầu tư dự án từ 553 triệu Mỹ kim lên 892 triệu Mỹ kim. Tuy yêu sách này phi lý song bất chấp sự can gián của chuyên gia nhiều giới, chính quyền Việt Nam vẫn vay thêm của Trung Quốc 339 triệu Mỹ kim để đáp ứng đòi hỏi của… nhà thầu Trung Quốc!

Khi đến thăm Trung Quốc hồi Tháng Chín năm ngoái, thủ tướng Việt Nam từng đề nghị thủ tướng Trung Quốc “sớm khai triển khoản vay bổ sung cho dự án xây dựng tuyến metro Cát Linh-Hà Ðông, bảo đảm tiến độ, chất lượng, đưa công trình này vào sử dụng theo đúng dự kiến là… năm 2018”!
Theo báo chí Việt Nam thì tổng vốn đầu tư cho dự án xây dựng tuyến metro Cát Linh-Hà Ðông chỉ tăng thêm 250.62 triệu Mỹ kim chứ không phải là 339 triệu Mỹ kim như chính quyền Việt Nam từng đồng ý hồi Tháng Bảy năm 2015!

Lúc đó, ông Nguyễn Hồng Trường, thứ trưởng Bộ Giao Thông-Vận Tải Việt Nam, thú nhận, sở dĩ “lộ trình” thực hiện tuyến metro Cát Linh-Hà Ðông liên tục thay đổi vì tất cả mọi thứ đều phụ thuộc hoàn toàn vào nhà thầu Trung Quốc. Cũng vì vay tiền của Trung Quốc nên ngoài việc phải dùng nhà thầu Trung Quốc, Việt Nam còn phải mua những thứ còn lại của Trung Quốc.
Theo ông Trường, việc mua hệ thống đường ray, hệ thống thông tin-tín hiệu và 13 đoàn tàu có tổng trị giá là 200 triệu Mỹ kim.

Hồi Tháng Hai vừa qua, giới hữu trách Việt Nam cho biết, muốn vận hành tuyến metro Cát Linh-Hà Ðông thì phải tuyển 600 người và phía Việt Nam đã tuyển, gửi 200 người sang Trung Quốc nhờ đào tạo.

Tin vừa kể tiếp tục làm công chúng Việt Nam sôi sùng sục vì một tuyến metro 13 cây số mà cần chừng đó lao động thì khi hoàn tất 300 cây số metro ở Hà Nội như dự trù sẽ cần bao nhiêu người? Tại sao trong khi metro ở các quốc gia khác đã được tự động hóa thì tuyến metro Cát Linh-Hà Ðông lại cần nhiều nhân lực đến vậy? Phải chăng công nghệ Trung Quốc quá lạc hậu và nếu vậy thì việc gì phải vay Trung Quốc hơn 800 triệu Mỹ kim? - nguoiviet

19.
Tàu đánh cá tiền tỉ bất khả dụng: Nhà nước đổ lỗi cho ngư dân

Một đoàn công tác đặc biệt thuộc Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn đến Bình Ðịnh để khảo sát về tình trạng gần như tất cả tàu đánh cá vỏ thép, đóng bằng tiền chính phủ cho ngư dân vay đều bất khả dụng và đổ lỗi này cho ngư dân.
Năm 2014, chính phủ Việt Nam ban hành Nghị Ðịnh 67, khẳng định sẽ đầu tư-phát triển hoạt động thủy sản, đặc biệt là sẽ dành ra một “gói” trị giá 14,000 tỉ hỗ trợ ngư dân bám biển, nhằm khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở biển Ðông.

14,000 tỉ vừa kể chủ yếu được dùng vào việc chuyển đổi các tàu đánh cá bằng gỗ thành tàu có vỏ thép, hiện đại.

Trên thực tế gần như các tàu đánh cá vỏ thép đều không thể ra khơi vì sau một hay vài chuyến hải hành, máy móc, thiết bị đều hư, sửa chữa dù rất tốn kém nhưng không hiệu quả. Chẳng riêng máy móc, thiết bị không an toàn mà vỏ thép của các tàu đánh cá này cũng bị xem là đáng ngờ về chất lượng. Ngoài chuyện rỉ sét rất nhanh và nhiều, có tàu như BÐ 99939 của ông Nguyễn Thư, ngụ ở xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Ðịnh, bị phá nước, chìm giữa biển lúc áp thấp nhiệt đới đang đổ đến ngang trong chuyến hải hành đầu tiên.
Ðáng nói là những tàu đánh cá vỏ thép đang dìm các chủ tàu chìm trong nợ. Phá sản được xem như tất nhiên, chỉ chưa biết là lúc nào.

Mới đây, theo tường thuật của tờ Tuổi Trẻ thì ông Nguyễn Ngọc Oai, tổng cục phó Tổng Cục Thủy Sản, nhân vật giữ vai trò trưởng đoàn công tác đặc biệt, bảo rằng, dù thực tế đúng là như vừa kể nhưng đó là điều mà các cơ quan hữu trách của chính phủ Việt Nam đã “lường trước.” Ông Oai nhấn mạnh, trong quá trình thực hiện Nghị Ðịnh 67, nếu phát hiện trục trặc thì sẽ tìm nguyên nhân để điều chỉnh kịp thời nhằm hỗ trợ cho ngư dân.
Qua các cuộc họp với đoàn công tác đặc biệt, những công ty có liên quan đến chương trình đổi tàu đánh cá vỏ gỗ thành vỏ thép đã lên tiếng. Ðại diện công ty cung cấp máy tàu (Doosan-Nam Hàn) và Nam Triệu – một công ty đóng tàu thuộc Bộ Công An Việt Nam, cho rằng máy tàu hư hỏng vì: (1) Ngư dân vận hành sai với hướng dẫn. (2) Ngư dân tự cải tạo, thay đổi kết cấu của máy. Do vậy, Doosan chỉ thay phụ tùng chứ không đổi máy mới.

Ðối với chuyện vỏ tàu bị gỉ sét nhanh và nhiều, ông Oai nhận định có thể do… sơn chưa tốt. Trưởng đoàn công tác đặc biệt cho rằng “qui trình” (chuyển tiền cho một số công ty đóng tàu để giao cho ngư dân) “rất tốt.” Trách nhiệm giám sát việc đóng tàu (kể cả kỹ thuật) thuộc về ngư dân.

Sau khi nghe ông Oai nhận định, ông Võ Thiên Lăng, phó chủ tịch Hội Nghề Cá Việt Nam, tuyên bố, ông không đồng tình. Ông Lăng nêu thắc mắc, tại sao đã “lường trước” mà không chịu ngăn chặn? Tại sao “qui trình rất tốt” mà gần như toàn bộ tàu đánh cá vỏ thép đều bất khả dụng? Ông Lăng đề nghị thủ tướng Việt Nam nên cử thanh tra, thanh tra toàn diện chương trình đổi tàu đánh cá vỏ gỗ bằng vỏ thép.
Không chỉ có ông Lăng, một phó chủ tịch của tỉnh Bình Ðịnh vừa nói với tờ Pháp Luật TP.HCM rằng, chuyện các công ty đóng tàu tự ý thay thép làm vỏ tàu của Nhật, Nam Hàn bằng thép Trung Quốc, trái với hợp đồng đã ký là không thể chấp nhận. Các công ty này phải đóng lại vỏ tàu bằng thép đúng với cam kết. Máy tàu cũng phải thay mới. Nếu các công ty từ chối, Bình Ðịnh sẽ hỗ trợ ngư dân kiện các công ty ra tòa.

Việt Nam có hơn một triệu ngư dân và 28,000 tàu đánh bắt xa bờ. Thỉnh thoảng, chính quyền Việt Nam lại đưa ra một chương trình hỗ trợ ngư dân bám biển song đến nay, những chương trình hỗ trợ đó chỉ tạo ra cơ hội cho viên chức nhiều ngành, nhiều cấp đục khoét, ngư dân mang thêm nợ rồi mạt.

Năm 1997, chính quyền Việt Nam từng thực hiện chương trình hỗ trợ ngư dân “đánh bắt xa bờ.” Ðến Tháng Tư năm 2006, sau khi ngốn hết 1,400 tỉ, kết quả thanh tra cho thấy, 95% của khoản 1,400 tỉ này bị tham nhũng. Các tỉnh-thành phố, quận-huyện, phường-xã của 29 tỉnh, thành phố nằm trong chương trình này đã thi nhau dựng ra những hợp tác xã ma, công ty ma để rút bằng hết nguồn vốn vay có tính ưu đãi cho ngư dân để chia chác với nhau.
Sau chương trình hỗ trợ ngư dân “đánh bắt xa bờ” hồi 1997, cuối thập niên 2000, chính quyền Việt Nam đề ra một chương trình hỗ trợ khác dành cho ngư dân. Ðó là “lắp thiết bị định vị vệ tinh cho tàu đánh cá.” Chương trình này đã thực hiện thí điểm với 2,000 tàu đánh cá và sau đó, hàng loạt thuyền trưởng của các tàu đánh cá được chọn “thí điểm” đã yêu cầu được trả lại thiết bị vì chất lượng tồi, hiệu quả kém mà lại quá nhiều ràng buộc. - nguoiviet

20.
Hơn 40 giáo dân Nghệ An bị công an, côn đồ hành hung đổ máu

Hơn 40 giáo dân thuộc giáo xứ Phú Yên tại huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An, đã bị cả công an phối hợp với “côn đồ” hành hung bằng gạch, đá và ống sắt, dùi cui, gây thương tích nghiêm trọng.
Theo nhiều facebookers và trang thông tin Công Giáo “Tin Mừng Cho Người Nghèo” kèm theo một số video clip, vụ việc xảy ra sáng 28 Tháng Năm 2017 khi một nữ giáo lý viên tên Nguyễn Thị Trà bị đuổi đánh rồi bắt giữ ở xã Sơn Hải.
Nhiều người hay tin đã đến yêu cầu thả người thì đều bị một lực lượng đông đảo những kẻ mặc thường phục được gọi là “côn đồ” tấn công dã man với sự hợp sức của các công an sắc phục tại địa phương.

Bản tin trên “Tin Mừng Cho Người Nghèo” kể lại theo lời kể của chị Nguyễn Thị Trà cho biết, lúc chị đi ngang qua chiếc cầu thuộc xóm 9, xã Sơn Hải thì chị thấy một nhóm công an, côn đồ và phụ nữ đang đánh một phụ nữ người Công Giáo thuộc giáo xứ Song Ngọc. Chị đứng lại xem thì bị nhóm người đó đuổi theo chửi bới, xé áo, đánh đập và mang đến UBND xã Sơn Hải. Tại UBND xã Sơn Hải, chính công an đã cởi tất cả áo và sờ soạng quần để kiểm tra chị.
Nguồn tin cho biết, khi nghe được tin chị Trà bị bắt thì người dân giáo xứ Phú Yên đã cùng nhau đến UBND xã Sơn Hải đòi thả người, nhưng lúc vừa tới UBND thì người dân giáo xứ Phú Yên bị tấn công bởi rất đông công an, côn đồ và phụ nữ. Mọi người nói con số những kẻ tham gia hành hung khoảng hơn 500 người.

Những người này dùng ống sắt, đá, gậy gộc, dao rựa và cả dùi cui,…để tấn công người dân dù người dân đi đòi người với tinh thần ôn hòa không vũ khí. Theo lời kể của giáo dân giáo xứ Phú Yên thì “chúng đánh người rất dã man, bất kể người Công Giáo nào có mặt đều bị đánh đập và đàn áp. Không những thế, chúng còn buông lời sỉ vả và vu khống Cha Anton Ðặng Hữu Nam và người Công Giáo với ngôn từ thô tục,” theo tin của Tin Mừng Cho Người Nghèo.
Khoảng 12 giờ cùng ngày, giáo dân đã trở về lại giáo xứ để cùng tạ ơn Chúa vì “bị bách hại nhưng không gục ngã.” Khoảng 25 người bị đánh đập nặng, một số đang phải điều trị ở bệnh viện và nhiều người đã trở về nhà nhưng mang trong mình rất nhiều vết thương bầm giập và tinh thần vẫn chưa được ổn định. Chị Nguyễn Thị Trà đã được thả nhưng trên người có rất nhiều vết thương bầm tím và vẫn hoảng loạn sau khi bị đánh đập và bắt bớ.

Giáo dân Công Giáo sống dọc theo biển thuộc huyện Quỳnh Lưu đã nhiều lần biểu tình và đi kiện đòi bồi thường thiệt hại vì nhà máy gang thép Formosa ở Vũng Áng, Hà Tĩnh, xả hàng trăm tấn hóa chất kịch độc ra biển. Tuy nhiên, đơn kiện của họ không được chấp nhận, các cuộc biểu tình của họ cũng không lay chuyển được thái độ của nhà cầm quyền Hà Nội.

Hai vị lãnh đạo tinh thần của giáo dân trong các vụ đi kiện là Linh Mục Ðặng Hữu Nam, giáo xứ Phú Yên, và Linh Mục Nguyễn Ðình Thục, giáo xứ Song Ngọc, bị nhà cầm quyền Hà Nội mở chiến dịch vu khống, phỉ báng, đe dọa bỏ tù và đòi giám mục địa phận Vinh không cho các ông làm cha xứ.
Mới đây, Giám Mục Nguyễn Thái Hợp cầm đầu một phái đoàn mang 200,000 chữ ký của người Việt Nam tới Liên Hiệp Quốc và một số nước ở Âu Châu kêu gọi giúp đỡ đối phó với đại thảm họa môi trường do công ty Formosa gây ra với hệ quả sẽ còn kéo dài nhiều thập niên chưa biết bao giờ mới hết.
Dù vậy, nhà cầm quyền Việt Nam từ chối tất cả mọi lời đề nghị giúp đỡ từ bên ngoài, kể cả Hoa Kỳ, trong khi họ không có một hành động gì cụ thể ngoài những lời dối trá trắng trợn là biển “đã sạch.” - nguoiviet

Link:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét