Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 27 tháng 5, 2017

Con rể Donald Trump bị nghi định lập kênh liên lạc bí mật với Nga - Thụy My

media
Tổng thống Mỹ Donald Trump và con rể Jared Kushner tại Nhà Trắng ngày 23/02/2017.© REUTERS/Kevin Lamarque
Tờ Washington Post tối qua 26/05/2017 cho biết, con rể của tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Jared Kushner đã tìm cách thành lập một kênh liên lạc bí mật với điện Kremlin. Nghi vấn này làm cho áp lực đè nặng thêm đối với ông chủ Nhà Trắng, đang bị nhiều rắc rối về vụ Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm ngoái.<!>
Washington Post dẫn một nguồn tin thân cận với giới điều tra khẳng định, vào đầu tháng 12/2016, Jared Kushner trong một cuộc gặp đại sứ Nga Serguei Kisliak tại Trump Tower ở New York, đã đề nghị thành lập một kênh thông tin bí mật với điện Kremlin. Nguyên cố vấn an ninh Nhà Trắng, Michael Flynn cũng có mặt trong cuộc gặp này. Bị bất ngờ, đại sứ Kisliak đã báo cáo lại cho Matxcơva.
Trước đó Washington Post cho biết : « Các nhà điều tra tập trung vào một loạt cuộc họp của Jared Kushner (…) với đại sứ Nga và ông Serguei Gorkov ».Gorkov là chủ tịch ngân hàng nhà nước Nga Vnesheconombank đã bị Washington trừng phạt từ năm 2014 vì vụ xung đột Ukraina. Còn theo kênh truyền hình NBC, thì cảnh sát « cho rằng ông Kushner có những thông tin quan trọng ».
Dù Jared Kushner chưa phải là nghi can chính thức, nhưng gọng kềm đang siết lại xung quanh Donald Trump, vào lúc mà James Comey, giám đốc FBI bị ông Trump sa thải, kể từ ngày 30/5 tới sẽ ra điều trần trước Ủy ban Tình báo
Thượng Viện và Hạ Viện Hoa Kỳ. Cũng theo Washington Post, thì Ủy ban đã yêu cầu ê-kíp vận động tranh cử của Donald Trump « tập hợp và cung cấp mọi tài liệu, thư điện tử và các cuộc điện thoại ghi âm có liên quan đến Nga từ khi khởi đầu chiến dịch tranh cử tháng 6/2015 ».
Tổng thống Mỹ luôn bác bỏ mọi liên hệ cá nhân với Matxcơva, thậm chí còn gọi các cuộc điều tra là vạch lá tìm sâu, nói rằng đây là một vụ « ngụy tạo » của phe Dân Chủ. Hôm qua, bên lề hội nghị thượng đỉnh G7 ở Sicilia, cố vấn kinh tế của Nhà Trắng Gary Cohn đã bác việc giảm nhẹ trừng phạt đối với Nga.
Theo tin mới nhất của Reuters, thì biện lý phụ trách điều tra cho biết ông Kushner « đã nhận hàng ngàn cuộc gọi » trong thời gian diễn ra chiến dịch tranh cử.

Mỹ : Hillary Clinton so sánh Trump với Nixon

media
Bà Hillary Clinton phát biểu tại Wellesley College, Massachusetts, ngày 26/05/2017.Reuters
Phát biểu vào hôm qua, 26/05/2017, nhân lễ tốt nghiệp của các nữ sinh viên trường đại học Wellesley College gần thành phố Boston, cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, ứng viên đảng Dân Chủ bị thất cử trước ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm ngoái, đã không ngần ngại liệt kê hàng loạt những điểm tệ hại trong chính sách của đối thủ đã loại bà khỏi Nhà Trắng. Đại học Wellesley là trường cũ của bà Hillary, nơi bà đã tốt nghiệp năm 1969.
Từ Washington, thông tín viên RFI, Jean Louis Pourtet, tường trình :
Dù không nêu tên, nhưng trong diễn văn dài 30 phút, bà Hillary Clinton đã chỉ trich ông Donald Trump, tố cáo một ngân sách tai ác khó tưởng tượng được, hay sự lan tràn của các thuyết mưu phản từ lúc ông lên làm tổng thống. Nhưng chỉ khi bà nói về thời thanh niên của mình và cuộc bầu cử tổng thống năm 1969, bà mới làm dấy lên phản ứng phấn khởi nơi các nữ sinh viên.
Bà kể lại : « Chúng tôi rất tức giận sau cuộc bầu cử đưa lên làm tổng thống một người mà nhiệm kỳ đã kết thúc trong ô nhục, bị truất phế vì đã ngăn chặn công việc của ngành tư pháp, sau khi cách chức người của bộ Tư Pháp có nhiệm vụ điều tra về ông ta ».
Khi ám chỉ đến cựu tổng thống Richard Nixon, cựu ngoại trưởng Mỹ đã ngầm so sánh với tình hình hiện tại của Donald Trump. Bà khuyến khích các sinh viên vừa tốt nghiệp là không nên thất vọng mà phải đấu tranh cho sự thật.
Đề cập đến cuộc sống của mình sau cuộc bầu cử thất bại, Hillary Clinton nói một cách hóm hỉnh là bà đang làm một cụ bà, dọn dẹp nhà cửa, đi dạo trong rừng và nói thêm : « Một ly rượu vang Chardonnay nhỏ cũng hữu ích ».

G7 không thỏa thuận được với Mỹ về hồ sơ khí hậu

media
Cuộc họp G7 tại Taormina, Sicilia, Ý. Ảnh 27/05/2017.Reuters
Các nhà lãnh đạo G7 họp tại Taormina (Ý) hôm nay 27/05/2017 nhìn nhận đã không thể đạt được thỏa thuận với Hoa Kỳ về đấu tranh chống hiện tượng biến đổi khí hậu.
Một đại diện phái đoàn Pháp ở G7 cho biết : « Hoa Kỳ đang xem xét lại chính sách về khí hậu, còn sáu nước khác của G7 thì tái khẳng định cam kết về hiệp định khí hậu Paris ». Các nguồn tin châu Âu khác nói rằng trong thông cáo bế mạc cũng đề cập đến việc không đạt được quan điểm chung giữa Hoa Kỳ và sáu nước còn lại.
Khí hậu và thương mại quốc tế là hai hồ sơ gây bất đồng lớn nhất giữa Hoa Kỳ và các đối tác G7 (Anh, Pháp, Đức, Ý, Canada, Nhật Bản) trong cuộc họp thượng đỉnh bắt đầu từ hôm qua.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, vốn đã cảnh báo trước là chỉ khẳng định quan điểm sau G7, vẫn giữ nguyên thái độ, mặc cho sáu lãnh đạo khác đề nghị ủng hộ hiệp định khí hậu Paris. Hiệp định được đồng thuận vào tháng 11/2015 nhắm đến việc kìm giữ nhiệt độ trên trái đất chỉ tăng mức mức « dưới 2°C » so với thời kỳ tiền công nghiệp, vốn là một thành công ngoại giao lịch sử. Theo nguồn tin Pháp, Hoa Kỳ muốn giảm mức độ cam kết, và rút khỏi một vài lãnh vực trong hiệp định.
Về thương mại, một vấn đề gai góc khác trong G7 lần này, Paris hy vọng thông cáo bế mạc sẽ đặc biệt đề cập đến hệ thống đa phương và Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO). Ông Donald Trump, với tư tưởng dân tộc chủ nghĩa về kinh tế để tạo điều kiện cho « Made in America », vào cuối tháng Tư đã quyết định « xét lại » tất cả các thỏa thuận thương mại mà Mỹ đã ký kết, trong đó có WTO.
Từ khi nhà tỉ phú địa ốc lên làm tổng thống, chính quyền Trump luôn chỉ trích hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO, vốn là công cụ chủ yếu để tránh các cuộc chiến tranh thương mại. Thậm chí theo báo chí Mỹ, ông Donald Trump còn muốn làm ngơ trước các quyết định của tổ chức thế giới này, và như vậy trên thực tế sẽ đe dọa WTO không thực hiện được chức năng.
Đạt đồng thuận về chống khủng bố
Trong khi đó, về chống khủng bố, hôm qua tại thượng đỉnh Taormina, các lãnh đạo G7 đã tìm được đồng thuận dễ dàng, thông qua một bản tuyên bố chung, đặc biệt kêu gọi các tác nhân của Internet tham gia nhiều hơn nhằm ngăn chận những nội dung quảng bá cho khủng bố.
Từ thượng đỉnh Taormina, đặc phái viên RFI Romain Lamaresquier, gởi về bài tường trình :
" Điểm mới chủ yếu trong văn bản là lời kêu gọi gởi đến các tác nhân của Internet, thúc giục họ tham gia nhiều hơn vào việc chống khủng bố. Đó chính là yêu cầu chính của bà Theresa May, thủ tướng của Anh Quốc, quốc gia vừa bị tấn công khủng bố ở Manchester.
Do vụ khủng bố này mà tối qua thủ tướng Thesresa May đã trở về nước, rút ngắn thời gian ở Taormina. Nhưng trước đó bà đã nhắc lại với các lãnh đạo khác là cuộc chiến chống khủng bố nay đã chuyển từ trận địa lên mạng Internet. Các lãnh đạo G7 kêu gọi các nhà cung cấp dịch vụ Internet và các mạng xã hội gia tăng nỗ lực để giải quyết vấn đề các nội dung quảng bá cho khủng bố.
Bản tuyên bố này đã được soạn thảo từ trước cuộc họp thượng đỉnh, nhưng các nhà lãnh đạo G7 muốn đi xa hơn, nên mới thêm đoạn nói về các nhà cung cấp dịch vụ Internet và các mạng xã hội. Nhóm G7 khuyến khích họ hành động khẩn cấp, bằng cách phát triển và chia sẻ các công cụ mới để giúp phát hiện những nội dung kích động bạo lực.
Trong bản tuyên bố, các lãnh đạo G7 cũng tái khẳng định quyết tâm hợp tác chống khủng bố để ngăn chận các chiến binh châu Âu trở về nước. Tên tuổi và quốc tịch những chiến binh này phải được chia sẻ cho các nước khác để tránh những thảm kịch mới. »

Mỹ thử nghiệm bắn chặn tên lửa liên lục địa

media
Bắn thử thành công hỏa tiễn chận tên lửa THAAD. Ảnh do bộ Quốc Phòng Mỹ cung cấp.Reuters/File Photo
Lầu Năm Góc vào tuần tới sẽ thử nghiệm bắn chặn một tên lửa đạn đạo liên lục địa, loại tên lửa mà Bắc Triều Tiên đang muốn trang bị. Cơ quan Phòng thủ Tên lửa của bộ Quốc Phòng Mỹ hôm qua, 26/05/2017, cho biết là cuộc thử nghiệm sẽ được tiến hành vào ngày 30/05.
Trong cuộc thử nghiệm này, một tên lửa liên lục địa sẽ được phóng lên từ quần đảo Marshall ở Thái Bình Dương. Tên lửa này sẽ bị bắn chặn trên không gian bởi một tên lửa bắn đi từ căn cứ Vanderberg của Không lực Hoa Kỳ ở California. Mục đích của cuộc thử nghiệm là đo lường hiệu quả của hệ thống phòng thủ chống tên lửa liên lục địa. Hệ thống này, đặt ở Alaska và California, dựa vào các radar và các thiết bị cảm ứng đặt rải rác trên khắp thế giới để phát hiện việc bắn những tên lửa của kẻ thù.
Cuộc thử nghiệm lần cuối vào năm 2014 đã thành công, nhưng 3 cuộc thử nghiệm trước đó đã thất bại. Theo Lầu Năm Góc, việc bắn chặn một tên lửa liên lục địa là một tiến trình hết sức phức tạp, giống như là bắn một viên đạn để chặn một viên đạn.
Hoa Kỳ thử nghiệm bắn chặn tên lửa vào lúc Bắc Triều Tiên đang tiến hành nhiều cuộc thử nghiệm nhằm chế tạo một tên lửa hạt nhân liên lục địa có thể bắn tới Hoa Kỳ. Năm ngoái, Bình Nhưỡng đã tiến hành hai vụ thử hạt nhân và đẩy nhanh chương trình tên lửa bất chấp các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét