Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 2 tháng 5, 2017

BÀI TOÁN BẮC TRIỀU TIÊN CỦA TỔNG THỐNG DONALD TRUMP - Đại-Dương

Suốt 24 năm, qua 3 đời tổng thống Hoa Kỳ đã không giải quyết được vấn đề vũ khí nguyên tử Bắc Triều Tiên. Hoà hoãn, tương nhượng, hội họp quốc tế, mua chuộc kinh tế vẫn không ngăn được Bình Nhưỡng tiếp tục chương trình vũ khí nguyên tử. Thất bại của 3 đời tổng thống do Hoa Kỳ sợ chiến tranh với Bắc Triều Tiên và sự can thiệp của Trung Quốc làm mất cơ hội khai thác thị trường hơn 1.3 tỉ người tiêu thụ. Vì thế, Bình Nhưỡng ngày càng lộng hành qua chủ trương đe doạ huỷ diệt Đại Hàn, Nhật Bản, Hoa Kỳ bằng vũ khí nguyên tử. Tất cả các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đều không được Bình Nhưỡng tôn trọng, thi hành.<!>
Sức mạnh quân sự gia tăng nhanh chóng của Trung Quốc càng làm cho Bình Nhưỡng có chỗ dựa vững chắc để thực hiện chương trình vũ khí nguyên tử.
Chẳng lẽ cộng đồng quốc tế, đặc biệt Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đại Hàn cứ theo đuổi kiểu “chiến lược kiên nhẫn” cho tới  khi bị vũ khí nguyên tử Bắc Triều Tiên huỷ diệt hay sao?
Tâm lý sợ bóng, sợ gió của quốc tế đối với vũ khí nguyên tử của Bình Nhưỡng vẫn còn tiếp tục tạo thành một vũng bùn lầy nước đọng trong khối óc của một số chính trị gia, chuyên viên, nhà truyền thông trên thế giới. Bình Nhưỡng chưa có vũ khí nguyên tử mà họ đã run lập cập thì chỉ còn cách quỳ mọp dưới chân Kim Chính Ân và Tập Cận Bình để xin tha mạng! Chiến lược kiên nhẫn chỉ giúp Kim Chính Ân thêm lộng ngôn và Tập Cận Bình trở thành bá chủ thế giới. Giải pháp nào có thể buộc Bắc Triều Tiên phải từ bỏ chương trình vũ khí nguyên tử, và Trung Quốc không còn cơ hội giật dây Bình Nhưỡng quấy rối thiên hạ để đục nước béo cò?

Thứ nhất, cho tới nay, Bình Nhưỡng chưa có loại vũ khí nguyên tử nào đe doạ tới các dân tộc khác, làm phương hại những chiến cụ tối tân trên thế giới.Vì thế, cần tát khô vũng bùn lầy nước đọng trong óc.

Thứ hai, Bắc Kinh rất sợ chiến tranh nổ ra trên Bán đảo Triều Tiên sẽ tạo ra làn sóng tị nạn tràn sang Trung Quốc, và Liên quân Hàn-Nhật-Mỹ áp sát biên giới.
Bắc Kinh bác bỏ tin đã điều động 150,000 binh sĩ tới biên giới Bắc Triều Tiên.
Tờ The Oriental Daily ở Hồng Kông ngày 27 tháng Tư loan tin một thị trấn gần biên giới Bắc Triều Tiên đã cấp bách tuyển dụng nhiều thông dịch viên Hàn-Trung có kèm theo bản chụp văn kiện nhà nước Trung Quốc. Tổng thống Donald Trump nói với Tập Cận Bình “nếu Trung Quốc không bảo được Bình Nhưỡng thì Hoa Kỳ sẽ làm”. Trump đã đẩy Tập vào vai trò đồng loã với Bình Nhưỡng trong việc gây rối tại Đông Bắc Á mà Bắc Kinh thường che dấu. Nhiều nghị quyết cấm vận của Liên Hiệp Quốc đã không ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế Bắc Triều Tiên vì được Bắc Kinh chi viện đầy đủ.  

Thứ ba, Bình Nhưỡng thường xuyên đe doạ thiêu rụi Đại Hàn, Nhật Bản, Hoa Kỳ và đánh chìm hàng không mẫu hạm lẫn tiềm thuỷ đỉnh nguyên tử của Mỹ.
Từ đầu năm 2017 đến nay đã có 4 lần Bắc Triều Tiên phóng thử hoả tiễn bị thất bại nên khả năng tấn công vào lực lượng quốc tế bằng zero.
Nhưng, các cuộc tập trận Hải, Lục, Không quân Hàn-Mỹ-Nhật vẫn diễn ra trên biển quanh Bán đảo Triều Tiên đúng lịch trình ấn định trong kế hoạch phòng vệ tập thể.
Cuộc tập trận trong tuần lễ đầu tháng 5-2017 gồm có Hải đội Xung kích Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson với Hàng không mẫu hạm Thuỷ bộ Mistral của Pháp, 2 khu trục hạm Nhật Bản, tiềm thuỷ đỉnh nguyên tử USS Michigan.
Hàng không mẫu hạm Trực thăng JS Izumo của Tokyo đang hộ tống các tàu tiếp tế của Hoa Kỳ trong vùng Biển Nhật Bản đã thể hiện vai trò yểm trợ cuộc tập trận của Liên minh Quốc tế Mỹ, Anh, Pháp, Nhật, Hàn tại Bán đảo Triều Tiên. Vấn nạn Bắc Triều Tiên không chỉ gói gọn giữa Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Hoa Kỳ, Đại Hàn, Nhật Bản mà đã trở thành mối quan tâm hang đầu của quốc tế. Tổng thống Trump đã mời các nguyên thủ quốc gia của Phi Luật Tân, Thái Lan, Tân Gia Ba tới thăm Hoa Kỳ trong lúc vận động các nước Đông Nam Á tham gia chiến dịch gây sức ép lên Bình Nhưỡng.

Thứ tư, Hệ thống chống Hoả tiễn Giai đoạn cuối, THAAD, đang được hoàn thành tại Đại Hàn có khả năng kiểm soát mọi hoạt động quân sự của Bắc Triều Tiên lẫn Trung Quốc qua hệ thống radar băng tần rộng TPY-2 X-Band. Bắc Kinh và Mạc Tư Khoa chống đối quyết liệt mà không hiệu quả. Tuy có sự bất đồng về chia sẻ chi phí của THAAD, đặc biệt trong giai đoạn tranh cử tổng thống Đại Hàn, nhưng, vì nền an ninh chung mà Hoa Thịnh Đốn và Hán Thành sẽ san bằng bất đồng.

Thứ năm, Bắc Kinh kêu gọi Bình Nhưỡng tạm ngưng thử nghiệm nguyên tử và hoả tiễn nhằm đổi lấy việc Hoa Kỳ và Đại Hàn ngưng tập trận để trở lại bàn Đàm phán Sáu bên (Nga, Tàu, Mỹ, Nhật, Đại Hàn, Bắc Triều Tiên).
Mô hình này đã không kết quả nhiều lần mà chỉ mang lại lợi ích cho Bắc Triều Tiên và Trung Quốc. Vì thế, gỡ bỏ chương trình vũ khí nguyên tử Bắc Triều Tiên và thay thế lãnh tụ Kim Chính Ân đang nằm trong tầm ngắm của Tổng thống Trump. Điều này cần sự hợp tác tích cực của Trung Quốc.Sự ổn định tại Đông Bắc Á sẽ giúp cho Trung Quốc sớm trở thành một “cường quốc có-trách-nhiệm” trên trường quốc tế. Tổng thống Trump sẽ không để Trung Quốc dẫn vào mê hồn trận như từng xảy ra trong quá khứ.

Thứ sáu, Chính phủ Trump cần tăng cường khả năng bảo vệ Hoa Kỳ qua Hệ thống Chặn đánh Giữa đường, Ground-based Midcourse Defense-GMD được thiết lập ở Alaska, California và cần xây ở Miền Đông Hoa Kỳ. Khi lên cầm quyền, Tổng thống Barack Obama đã huỷ bỏ chương trình trang bị hoả tiễn chặn bắt hoả tiễn đạn đạo trên các chiến hạm Mỹ, đồng thời có ý định giảm tài trợ cho GMD để bảo vệ các đồng minh Châu Âu và Trung Đông.
Siêu cường duy nhất Hoa Kỳ cần một chiến lược hữu hiệu nhằm duy trì, bảo về an ninh, hoà bình, phát triển cho quốc gia và thế giới. Chính quyền Donald Trump cần xây dựng một sức mạnh quân sự để không một ai dám thách đố, bảo vệ các quốc gia đồng minh và đối tác khỏi bị nước khác ức hiếp, tạo một liên minh cùng chia sẻ trách nhiệm và nghĩa vụ công bình, bảo vệ an ninh tuyệt đối cho Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.
                                      
 Đại-Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét