Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 24 tháng 5, 2017

Đại tá công an muốn hợp pháp hóa việc bắt người nói xấu lãnh đạo

Bà Nguyễn Thị Xuân cởi bộ cảnh phục để thay vào chiếc áo dài để giữ vai trò đại biểu Quốc hội nhưng không để bảo vệ quyền lợi cho người dân, mà là cho lãnh đạo. Ảnh: Quốc hội Viet nam – Đại biểu Quốc hội được bầu ra là để bảo vệ quyền lợi cho người dân, vậy nhưng ở chế độ Cộng sản thì ngược lại. Sáng ngày 24/5, tại kỳ họp Quốc hội khóa 14, bà Nguyễn thị Xuân-Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk lại muốn đem việc bôi nhọ, nói xấu lãnh đạo đảng, chính quyền nhà nước CSVN phải bị xử lý hình sự, nghĩa là phải ngồi tù.
<!>
Bà Nguyễn Thị Xuân cho rằng, trong điều 155 về tội làm nhục người khác và điều 156 về tội vu khống cần phải bổ sung thêm việc xuyên tạc, bịa đặt, lan truyền những nội dung sai sự thật nhằm bôi nhọ, gây mất uy tín lãnh đạo đảng, chính quyền.
Theo bà Xuân, việc nói xấu, bôi nhọ gây mất uy tín thường diễn ra vào những kỳ Đại hội đảng CSVN, bầu cử Quốc hội. Việc tung ra những tin tức sẽ gây hoang mang, giảm sút “niềm tin của nhân dân” đối với các lãnh đạo mà đảng chọn ra.
Trong khoảng 2 kỳ đại hội đảng CSVN gần đây, một số tờ báo lề trái, như: Quan làm báo, Chân dung quyền lực, Tư Sang nham hiểm…đã tung ra rất nhiều thông tin mà ngay cả những tờ báo chính thống lớn không thể có được. Để có những tin tức này, người dân bình thường hoặc cánh phóng viên không thể nào có được, mà nó chỉ rò rỉ chỉ khi phe cánh trong nội bộ đảng CSVN tung ra để đánh phá nhau. Như vậy, kẻ tung tin không hề là người của “các thế lực thù địch”, mà đó là những đồng chí của bà Nguyễn Thị Xuân.
Song, trên cương vị của đại biểu Quốc hội, vai trò của bà Xuân không phải để bảo vệ thanh danh, uy tín cho lãnh đạo đảng, chính quyền CSVN, mà là làm sao cho quyền lợi của người dân luôn được tôn trọng. Đó là chưa nói cần phải định nghĩa như thế nào là bôi nhọ, làm mất uy tín. Nếu những tin tức lan truyền về một lãnh đạo nào đó là chính xác thì liệu đó có bị coi là bôi nhọ, làm mất uy tín để rồi sai công an đi bắt.
Quốc hội Việt Nam mặc dù được tuyên truyền là cơ quan quyền lực nhất của dân, nhưng kỳ thực nó là một trong bốn tổ chức của đảng CSVN, cùng với nhà nước, chính phủ và mặt trận tổ quốc. Do vậy, đại đa phần đại biểu trong Quốc hộ là đảng viên Cộng sản. Bà Nguyễn Thị Xuân cũng không ngoại lệ. Vì là đảng viên nên thay vì phải tìm cách bảo vệ quyền lợi cho người dân, thì bà lại bảo vệ cho lãnh đạo Cộng sản.
Bà Nguyễn Thị Xuân hiện là Đại tá an ninh, phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk. Xuất thân là công an, là thanh kiếm, lá chắn và chỉ biết “còn đảng còn mình” nên việc bà tìm mọi cách để bảo vệ lãnh đạo đảng CSVN không phải khó hiểu.
Bạch Hồng Quyền (trái) và Hoàng Đức Bình hai nạn nhân của điều 258 phi lý. Ảnh: Vnnew
Tại Việt Nam, bất kỳ những hành vi nói xấu chế độ, nói xấu lãnh đạo đều dễ dàng bị quy chụp vào các điều 258 “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”; điều 88 “Tuyên truyền chống chế độ và điều 79 “Âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân”. Đã có rất nhiều người trở thành nạn nhân của những điều luật vô lý này. Ở Việt Nam không hề có tự do, dân chủ nhưng lại có chuyện “lợi dụng tự do dân chủ”. Cũng như chỉ cần nói xấu chế độ, lãnh đạo dễ dàng bị quy chụp vào tội “tuyên truyền chống chế độ”, hay chỉ vì tham gia tổ chức, đảng phái nào đó mà không thuộc quyền quản lý của đảng CSVN liền bị chụp cho tội “Âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân”.
Nay, với việc bà Nguyễn Thị Xuân đề nghị đưa việc nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo vào điều 155, 156 thì ngày càng có nhiều người dân phải vào tù chỉ vì nói xấu lãnh đạo. Cho dù những điều họ nói là chính xác.
Nguoi Quan Sat

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét