Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 21 tháng 4, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Sáu 21/4 - Lê Minh Nguyên

Bắc Hàn-Nhật-Mỹ sắp họp tay ba --- Chuyến đi của ông Pence trấn an Đông Nam Á
Đặc Sứ Hoa Kỳ về Chính Sách Bắc Hàn, Joseph Yun, sẽ lên đường ngày 25 tháng Tư đến Tokyo, Nhật Bản, tham dự cuộc gặp tay ba, Mỹ - Nhật – Bắc Hàn. Thông báo của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ.<!>

Cuộc gặp tay ba gồm đặc sứ Joseph Yun, Kenji Kanasugi (Tổng Giám Đốc Châu Á và Đại Dương Vụ, Bộ Ngoại Giao Nhật Bản), và Kim Hong-kyun (Đặc Sứ Hòa Bình và An Ninh Bán Đảo Triều Tiên).
Cuộc gặp mặt để trao đổi quan điểm, phối hợp hành động, thảo luận diễn tiến hiện thời về tình hình Bắc Hàn, trong khuôn khổ các tham khảo định kỳ giữa ba đại diện.

Sau cuộc hội thảo tay ba, đặc sứ Yun sẽ có các cuộc hội kiến riêng với từng đại diện của cả Nhật và Bắc Hàn.

Lần gặp gần đây nhất giữa ba đặc sứ là vào ngày 27 tháng Hai, tại Washington D.C.
Cuộc gặp mặt lần này diễn ra trong không khí đặc biệt căng thẳng trong khu vực. Hơn một tuần trước, tổng thống Hoa Kỳ, Donald Trump, đưa ra lời cảnh cáo Bắc Triều Tiên chớ nên tham gia những hành động khiêu khích. Lúc ấy, có tin Bình Nhưỡng có thể thử nghiệm hạt nhân để đánh dấu ngày lễ trọng đại nhất của quốc gia.

Hôm 16 tháng Tư, một tên lửa Bắc Hàn “nổ tung gần như ngay lập tức” khi được phóng thử. Vụ nổ này xảy ra chỉ vài giờ trước khi Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence dự kiến sẽ có mặt ở Hàn Quốc để thảo luận về chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng.
Vụ thử nghiệm thất bại này được thực hiện một ngày sau khi Bình Nhưỡng tổ chức cuộc duyệt binh lớn đánh dấu ngày sinh của người lập quốc Kim Il Sung.

Trong buổi lễ, Bắc Hàn đã phô trương sức mạnh quân sự, trong đó dường như có các quả tên lửa đạn đạo mới.
"Bắc Triều Tiên là một vấn đề. Vấn đề này sẽ được giải quyết." Ông Trump tuyên bố tại Tòa Bạch Ốc.

Không chờ đợi, Phó Ngoại trưởng Bắc Hàn, Han Song Ryol, nói tình hình bán đảo Triều Tiên đang trong "vòng luẩn quẩn" và rằng Triều Tiên sẽ không " khoanh tay đứng yên" trước một cuộc tấn công phủ đầu của Mỹ.

Trước đó, Bình Nhưỡng từng cảnh báo sẽ tấn công “tàn khốc” nếu một hạm đội tấn công của Mỹ, có hàng không mẫu hạm do tàu USS Carl Vinson dẫn đầu, tập trận với Nam Triều Tiên, vi phạm chủ quyền và lòng tự trọng của Bình Nhưỡng.
Washington có vẻ đang cùng Bắc Kinh phối hợp tiếp cận Bình Nhưỡng kể từ sau cuộc gặp thượng đỉnh Trump – Tập tại Florida. Bằng chứng là, bên cạnh lời đe dọa, tổng thống Hoa Kỳ nói Trung Quốc “đang cật lực làm việc” để xoa dịu căng thẳng quốc tế về tình hình Bắc Hàn. - VOA

***
Phó Tổng Thống Hoa Kỳ nhấn mạnh quan điểm của Washington về lãnh hải tranh chấp tại Biển Đông trong chuyến viếng thăm Indonesia hôm thứ Năm.
“Hoa Kỳ bảo lưu nền tảng của quyền tự do hải hành và không hành trong khu vực Biển Nam Trung Hoa và toàn bộ vùng Châu Á – Thái Bình Dương.” Ông Mike Pence nói tại cuộc họp báo cùng tổng thống Indonesia, Joko Widodo.

Nhân vật số hai của Hoa Kỳ cũng khẳng định Washington sẽ bảo đảm dòng chảy mậu dịch trong khu vực giữa lúc có nhiều quan ngại toàn cầu.
Ước tính, dòng hàng hóa mậu dịch qua lại các hải lộ Biển Đông lên đến $5 ngàn tỷ hàng năm; và lòng đại dương có trữ lượng dầu lên đến 11 tỷ thùng. Đó là chưa kể đến trữ lượng khí thiên nhiên cùng lượng cá đánh bắt chiếm đến 12% toàn cầu.

Ông Pence nói Hoa Kỳ sẽ bảo đảm dòng chảy thương mại hợp pháp, đồng thời cổ súy đối thoại ngoại giao hòa bình để giải quyết các bất đồng khu vực và toàn cầu.
Tại đây, ông Pence cũng khẳng định tổng thống Hoa Kỳ, Donald Trump, sẽ dự hội nghị Hoa Kỳ - ASEAN và Đông Á tại Philippines; và APEC tại Việt Nam vào tháng 11 năm nay.

Sự hiện diện sắp tới của ông Trump tại Châu Á, theo lời phó tổng thống Pence, là “chỉ dấu của sự cam kết chắc chắn và không lay chuyển của Hoa Kỳ, nhằm xây dựng nền tảng vững chắc mà chúng ta đã chia sẻ.”
Những phát biểu của phó tổng thống Pence, theo nhận định từ giới quan sát, giúp các nước Châu Á yên tâm hơn, sau những nỗ lực tạo sự chú ý từ ông Trump.

Xoay trục về Châu Á đã từng là chiến lược của nhiều đời tổng thống Mỹ, nhưng đến tổng thống Trump thì khựng lại. Các quốc gia Đông Nam Châu Á có cảm giác vị tân tổng thống Hoa Kỳ không xem trọng chiến lược đang được gầy dựng.

Sự hiện diện của Hoa Kỳ tại khu vực là để ngăn chặn ảnh hưởng kinh tế và quân sự Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, giới ngoại giao Châu Á đi lại như con thoi với Washington trong những ngày gần đây. Bộ Trưởng Ngoại Giao Việt Nam có mặt tại Hoa Kỳ theo lời mời của người đồng nhiệm, Tillerson; và các ngoại trưởng khối APEC sẽ đồng loạt gặp nhau vào đầu tháng Năm.
Trong một động thái chưa có tiền lệ, các ngoại trưởng ASEAN sẽ có cuộc gặp với ngoại trưởng Hoa Kỳ, Rex Tillerson, ngay tại Washington, ngày 4 tháng Năm. - VOA

2.
Hội Đồng Bảo An lên án Bắc Triều Tiên bắn hỏa tiễn

Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc hôm qua 20/04/2017 đã nhất trí thông qua nghị quyết cực lực lên án việc Bắc Triều Tiên bắn hỏa tiễn mới đây, đe dọa sẽ có những biện pháp trừng phạt mới.
Mười lăm quốc gia thành viên Hội Đồng Bảo An nhất trí lên án « thái độ gây bất ổn nghiêm trọng » của Bình Nhưỡng, kêu gọi « không nên tiến hành các vụ thử nguyên tử mới ». Hội đồng cũng đe dọa sẽ « có những biện pháp quan trọng, kể cả trừng phạt ».

Nghị quyết lần này ghi rõ từ « trừng phạt », trong khi các văn bản trước đây chỉ nêu ra « các biện pháp bổ sung », cho thấy tính chất nghiêm khắc đã tăng lên. Các thành viên của Hội Đồng Bảo An đã thông qua được nghị quyết, sau khi yêu cầu của Nga đòi nhấn mạnh nhu cầu tìm ra giải pháp « thông qua đối thoại » được ghi nhận.
Trước đó, Nga đã bác bỏ một dự thảo nghị quyết lên án vụ bắn hỏa tiễn của Bắc Triều Tiên, dù Trung Quốc, đồng minh lớn nhất của Bình Nhưỡng đã bật đèn xanh.

Hội Đồng Bảo An sẽ họp lại vào ngày 28/4 tới về hồ sơ Bắc Triều Tiên, dưới sự chủ trì của chủ tịch luân phiên là Hoa Kỳ, do ngoại trưởng Rex Tillerson đại diện. Không có nghị quyết nào được dự trù trong hội nghị này, nhưng Mỹ và các đồng minh dự định nhân dịp này sẽ gây áp lực đối với Trung Quốc để Bắc Kinh tác động lên Bình Nhưỡng.
Về phía Hàn Quốc hôm nay lại đặt trong tình trạng báo động chiến tranh với miền Bắc. Bộ Ngoại Giao Hàn Quốc cho biết sẽ bàn bạc với Hoa Kỳ và Nhật Bản vào thứ Ba tới « để nghiên cứu làm cách nào đối phó với các khiêu khích mới của Bắc Triều Tiên ». Hiện nay cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn mà Bình Nhưỡng luôn cáo buộc là hành động « chuẩn bị xâm lược » - đang diễn ra cho đến ngày 28/4.

Tờ Daily Mail của Anh hôm qua đưa tin, tổng thống Nga Vladimir Putin đã cho gởi quân lính và thiết bị đến vùng biên giới với Bắc Triều Tiên, vì lo sợ Donald Trump sẽ ra lệnh tấn công chế độ Kim Jong Un. - RFI

3.
Mỹ 'ưu tiên' bắt người sáng lập Wikileaks --- CIA, FBI săn lùng kẻ rò rỉ tài liệu tối mật cho WikiLeaks

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions nói bắt giữ Julian Assange, người sáng lập Wikileaks, là một ưu tiên. Phát biểu của giới chức công lực hàng đầu Mỹ được đưa ra trong bối cảnh có tin cho rằng chính phủ Mỹ đang chuẩn bị các cáo trạng chống lại kẻ rỏ rỉ thông tin khét tiếng người Úc.
Phát biểu tại El Paso, Texas, hôm thứ Năm, ông Sessions cho biết Bộ Tư pháp đang đẩy mạnh nỗ lực để truy tố những kẻ rò rỉ thông tin mật cho giới truyền thông.

Ông nói: “Chúng tôi sẽ tăng cường nỗ lực và đẩy mạnh các nỗ lực chống lại tất cả các vụ rò rỉ thông tin. Đây là vấn đề vượt qua mọi giới hạn mà tôi được biết. Chúng tôi có các chuyên gia làm việc trong lĩnh vực an ninh của Mỹ trong nhiều năm. Họ bị sốc vì số lượng tin rò rỉ, trong số đó có những thông tin cực kỳ nghiêm trọng. Chính vì vậy, đúng, đây là một ưu tiên”.
Động thái này được đưa ra sau khi WikiLeaks hồi tháng rồi công bố gần 8.000 tài liệu mà họ nói phơi bày những bí mật về các công cụ gián điệp trên mạng mà CIA dùng để xâm nhập các máy tính, điện thoại di động và thậm chí cả tivi thông minh.

Trước đó, WikiLeaks đã công bố 250.000 công điện của Bộ Ngoại giao và gây bối rối cho quân đội Hoa Kỳ với hàng trăm ngàn tài liệu từ Iraq và Afghanistan.
Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã tiến hành điều tra ông Assange, ít nhất là từ năm 2010, khi WikiLeaks công bố hàng ngàn hồ sơ an ninh bị đánh cắp của Hoa Kỳ.

Assange có thể bị truy tố về các cáo buộc âm mưu, trộm cắp tài sản của chính phủ và vi phạm Luật Gián điệp, mặc dù bất kỳ tội trạng nào gán cho Assange cũng cần phải có sự phê chuẩn của các giới chức cấp cao trong Bộ Tư pháp.
Tuần trước, trong bài phát biểu tại thủ đô Washington, giám đốc CIA Mike Pompeo nói hồi năm 2010, WikiLeaks đã chỉ đạo một nhà phân tích tình báo Mỹ hãy thu thập những “thông tin mật cụ thể”, “tập trung chủ yếu vào Hoa Kỳ". - VOA

***
Hai cơ quan FBI và CIA hiện đang mở cuộc săn lùng một kẻ bị coi là có hành vi phản quốc ở ngay bên trong CIA vì rò rỉ các tin tức, tài liệu tối mật, theo hệ thống truyền hình CBS News.
Hai cơ quan này đang mở cuộc điều tra chung về một trong những vụ vi phạm an ninh trầm trọng nhất trong lịch sử của cơ quan tình báo CIA, qua việc hàng ngàn tài liệu tối mật liên quan đến cách CIA xâm nhập điện thoại thông minh, truyền hình thông minh và các hệ thống điện toán bị tiết lộ ra ngoài.

Bản tin của CBS News cho hay các nguồn tin thông thạo về cuộc điều tra nói rằng nghi can là một kẻ làm việc cho cơ quan này, có thể là nhân viên chính thức của CIA hay nhân viên làm việc theo giao kèo, và từng có dịp tham khảo những tài liệu đó.
CIA đến nay chưa cho biết là các tài liệu bị trộm lúc nào hoặc bằng cách gì.
Phần lớn các tài liệu bị coi là mật và được giữ trong một khu vực bảo vệ kỹ lưỡng của CIA, nhưng các nguồn tin thông thạo cho CBS News hay rằng có hàng trăm người từng sử dụng các tài liệu trên.

Các điều tra viên đang phải xem xét từng người trên danh sách đó.

WikiLeaks phổ biến các tài liệu này hồi Tháng Ba, nói rằng nhận được từ những người từng làm việc cho CIA.
Trong lời phát biểu chính thức đầu tiên kể từ khi lên giữ chức vụ giám đốc CIA, ông Mike Pompeo nói rằng: “Đã đến lúc phải gọi WikiLeaks theo đúng tên của nó— đó là một cơ quan tình báo thù nghịch không thuộc vào quốc gia nào, nhưng thường xuyên trợ giúp các quốc gia như Nga.”

Tuy CIA không bình luận về những tin tức có trong tài liệu, giới truyền thông cho hay CIA có thể xâm nhập vào máy truyền hình thông minh do Samsung chế tạo để biến microphone trong máy này thành dụng cụ thâu âm và chuyển cho người nghe bên ngoài. - nguoiviet

4.
Khủng bố ở Champs-Elysées: Mỹ và châu Âu chia buồn với nước Pháp --- Khủng bố tại Paris: Cảnh sát thẩm vấn thân nhân hung thủ

Tổng thống Mỹ Donald Trump tối ngày 20/04/2017 đã nhanh chóng gởi lời phân ưu đến nhân dân Pháp, sau vụ tấn công trên đại lộ Champs-Elysées mà tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo nhận trách nhiệm. Lãnh đạo nhiều nước châu Âu cũng tỏ tình đoàn kết với nước Pháp trước mối đe dọa khủng bố.
Tổng thống Mỹ tuyên bố : « Đó là điều khủng khiếp đang diễn ra trên thế giới hiện nay (…) Chúng ta phải tỏ ra mạnh mẽ và luôn cảnh giác ». Từ Indonesia, phó tổng thống Mỹ Mike Pence nhận xét vụ khủng bố ở Paris là « vụ mới nhất, nhắc nhở chúng ta là khủng bố có thể tấn công mọi nơi và mọi lúc », đồng thời cho biết Hoa Kỳ nỗ lực không ngơi nghỉ trong việc chống khủng bố.

Thủ tướng Ý Paolo Gentiloni, đang họp báo chung với ông Donald Trump, cũng gởi lời phân ưu và không quên ghi nhận, vụ tấn công xảy ra vào thời điểm chỉ còn ba ngày nữa là đến cuộc bầu cử tổng thống Pháp.
Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố « luôn mạnh mẽ sát cánh với Pháp ».Thủ tướng Anh Theresa May chia buồn với tổng thống Pháp François Hollande và nhấn mạnh : « Anh quốc cực lực lên án vụ khủng bố ghê rợn ở Paris ».

Người đứng đầu chính phủ Tây Ban Nha, ông Mariano Rajoy cho biết : « Tôi theo dõi các thông tin từ Paris với nhiều quan ngại. Chúng tôi chia sẻ nỗi đau của nhân dân Pháp trong thời điểm khó khăn này ». Về phía thủ tướng Bỉ Charles Michel lên án « vụ tấn công hèn nhát và đê tiện". - RFI

***
Đại lộ Champs-Elysées, một biểu tượng của thủ đô nước Pháp, bị khủng bố tấn công trong đêm thứ Năm 20/04/2017. Một cảnh sát tử thương, hai đồng đội bị thương. Hung thủ, sử dụng AK, nổ súng vào một xe cảnh sát, đã bị bắn chết tại chỗ. Daech nhận là « tác giả » nhưng an ninh Pháp đã biết được danh tính và địa chỉ của thủ phạm. Ba thân nhân của hung thủ đang bị câu lưu.
Vụ tấn công diễn ra vào 21 giờ tối hôm qua. Gần như ngay lập tức, qua mạng tuyên truyền Aqma, tổ chức thánh chiến Daech, điều hành nhiều vụ khủng bố giết chết 238 người tại Pháp trong năm 2015, nhận là kẻ chủ mưu. Daech còn cho biết tên của « chiến binh hi sinh » là Abu Yussef le Belge (người Bỉ). Tuy nhiên, vào sáng nay, Abu Yussef đã ra trình diện cảnh sát Pháp sau khi an ninh Bỉ cho biết nghi can chạy sang Pháp và cung cấp thông tin cho cảnh sát Pháp truy nã.

Hung thủ mang bệnh tâm thần ?
Theo AFP, thật ra, an ninh Pháp không lạ gì kẻ khủng bố vừa bị bắn chết ở đại lộ Champs Elysées : Karim Cheurfi, cư ngụ ở Seine-et-Marne, vùng ngoại ô Paris, và từng ngồi tù 15 năm. Vào năm 2001, bị kiểm soát khi lái một chiếc xe ăn cắp, đương sự không ngần ngại rút súng bắn vào một viên cảnh sát. Sau đó, tại trụ sở cảnh sát, y lại đoạt súng của một nhân viên công lực, bắn được 5 phát thì bị khống chế, ra toà lãnh án 15 năm tù. Trong tù, cho đến khi mãn án, Karim Cheurfi không có dấu hiệu bị tuyên truyền theo thánh chiến.

Gần đây, Karim Cheurfi bị đặt trong tầm nhắm của tư pháp chống khủng bố và bị câu lưu hôm 23/02 vừa qua, sau nhiều lần đe dọa giết nhân viên công lực. Nhưng vì « thiếu chứng cớ » để buộc tội, nghi can được tự do. Tối thứ Năm, cảnh sát chống khủng bố tiến hành lục soát nhà của hung thủ và câu lưu « ba người thân » để thẩm vấn. Cảnh sát điều tra muốn biết hung thủ hành động đơn độc hay có đồng lõa.
Trả lời phóng viên AFP, một người bạn của gia đình mô tả Karim Cheurfi là một kẻ «  kỳ quặc, không hung dữ » vẫn sống với cha mẹ cho dù đã trưởng thành. Còn một người láng giềng xin giấu tên thì khẳng định Karim Cheurfi đi đứng, hành động như « người từ sao Hỏa". - RFI

5.
Nữ hoàng Elizabeth mừng sinh nhật 91

Nữ hoàng Anh Elizabeth, người trị vì lâu năm nhất trên thế giới, năm nay mừng sinh nhật lần thứ 91 một cách lặng lẽ như thường lệ vào ngày thứ Sáu.
Đại pháo chúc mừng sinh nhật Nữ hoàng tại Công viên Hyde và Tháp Luân Đôn sẽ đánh dấu dịp này, mặc dù Nữ hoàng, vốn thường mừng sinh nhật trong vòng riêng tư, không có kế hoạch tham gia chính thức vào một hoạt động nào.

Nữ hoàng Elizabeth sinh ngày 21 tháng 4 năm 1926 tại phố Bruton ở trung tâm Luân Đôn, thời ông Calvin Coolidge là Tổng thống Mỹ và Joseph Stalin vừa lên nắm quyền tại Liên bang Xô Viết. Bà trở thành nữ hoàng vào năm 1952 khi mới lên 25 tuổi.
Bất chấp tuổi cao sức yếu, bà vẫn thường xuyên thực hiện các nghĩa vụ của một nữ hoàng. Những năm gần đây, bà đã cắt bớt số sự kiện phải tham gia và chuyển giao những việc này cho các thành viên khác trong hoàng gia Windsor, như con trai là Hoàng tử Charles và các cháu nội, Hoàng tử William và Hoàng tử Harry.

Các cuộc thăm dò cho thấy Nữ hoàng Elizabeth vẫn rất được lòng dân, và các phụ tá nói ít có khả năng Nữ hoàng sẽ thoái vị.

Được vấn an sức khỏe trong chuyến đi thăm Bắc Ireland hồi năm ngoái, Nữ hoàng Elizabeth nói: “Tôi vẫn còn sống đây”.
Ngày sinh nhật chính thức của Nữ hoàng Elizabeth là vào tháng Sáu, được đánh dấu bằng cuộc diễu hành lớn của các quân nhân qua trung tâm London, trong sự kiện được gọi là “Trooping the Colour”. - VOA

6.
Mỹ-Indonesia: Hợp đồng thương mại 10 tỷ đôla

Phó tổng thống Mỹ Mike Pence kết thúc chuyến viếng thăm hai ngày tại Indonesia để làm « sụp đổ » hàng rào quan thuế của cường quốc số một Đông Nam Á. Tổng cộng hai bên đã ký nhiều hợp đồng về năng lượng và vũ khí khoảng 10 tỷ đôla.
Theo tuyên bố của phó tổng thống Mỹ Mike Pence vào ngày thứ Sáu 21/04/2017, tại Jakarta, qua các hợp đồng vừa ký, giới doanh nhân Mỹ cảm nhận được « cơ hội tốt » tại Indonesia. Trong số các thỏa thuận, tập đoàn dầu khí Exxon Mobil, trước đây do ngoại trưởng Rex Tillerson làm chủ tịch, sẽ bán khí đốt hóa lỏng cho Indonesia. Tập đoàn General Electric cung cấp trang thiết bị cho các nhà máy điện của quần đảo trong khi hãng hàng không quân sự Lookheed Martin canh tân các oanh tạc cơ F-16.

Cũng theo ông Mike Pence, trong cuộc hội kiến với tổng thống Joko Widodo, hai bên « bàn thảo một cách chân thành và tương kính » làm cách nào giúp doanh nghiệp Mỹ xâm nhập dễ dàng hơn thị trường Indonesia. Quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á này, 255 triệu dân, có tiếng khó khăn cho giới đầu tư quốc tế vì nạn tham nhũng, hành chính nhiêu khê và nhất là chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp quốc gia.
Hôm qua, phó tổng thống Mỹ viếng ngôi đền Hồi giáo lớn nhất Indonesia và tham gia một cuộc thảo luận kín liên tôn giáo gồm Hồi giáo, đạo Phật, Ấn Độ giáo, Thiên Chúa và đạo Khổng.

Trong dịp này, phó tổng thống Mỹ khen ngợi « tinh thần ôn hòa » của Hồi giáo Indonesia. Theo AFP, nhân vật số hai của hành pháp Mỹ muốn xoa dịu Indonesia sau những lời tuyên bố bốc lửa của tổng thống Donald Trump và sắc lệnh hạn chế nhập cư gây bất bình trong thế giới Hồi giáo. - RFI

7.
Venezuela: Thêm một đêm bạo động tại Caracas

Cướp bóc, xung đột giữa biểu tình và cảnh sát trung thành với tổng thống Nicolas Maduro diễn ra suốt đêm thứ Năm rạng sáng thứ Sáu 21/04/2017. 8 người chết từ khi đối lập kêu gọi xuống đường đòi tổng thống cánh tả từ chức trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế cách nay ba tuần.
Theo AFP, sau một đêm bạo động, đối lập kêu gọi dân chúng tham gia « tuần hành im lặng » trong ngày thứ Bảy 22 tháng 04. Ngày hôm qua, một ngày sau một cuộc biểu dương lực lượng với hàng trăm ngàn người kêu gọi tổng thống từ chức, một cuộc xuống đường khác đã xảy ra tại thủ đô Caracas và một số thành phố lớn. Tại thủ đô, nhiều vụ tấn công cửa hàng thực phẩm diễn ra ở hàng chục khu phố.
Trong khi đó, cảnh sát tập trung lực lượng ngăn chận các đoàn biểu tình từ các nơi đổ về trung tâm thủ đô. Một người biểu tình bị bắn chết trong đêm. Theo thông tiín viên RFI Julien Gonzalez, lãnh đạo đối lập Henrique Capriles và Ana Souquet, đã lần lượt kêu gọi bầu lại tổng thống và cộng đồng quốc tế can thiệp hỗ trợ người dân Venezuela. - RFI

8.
Biển Đông: Bộ trưởng Quốc Phòng Philippines thăm đảo Thị Tứ

Trong một động thái chắc chắn sẽ bị Bắc Kinh phản đối, bộ trưởng Quốc Phòng Philippines vào hôm nay, 21/04/2017 đã đến thị sát đảo Thị Tứ, một đảo đá mà Manila đang kiểm soát dưới tên gọi Pagasa ở vùng quần đảo Trường Sa thuộc Biển Đông. Tháp tùng ông Delfin Lorezana có tướng Eduardo Ano, tổng tham mưu trưởng quân đội Philippines, nhiều sĩ quan cao cấp khác và khoảng 40 nhà báo.
Theo AFP, đây là một hành động nhằm khẳng định chủ quyền của Philippines và công khai thách thức Trung Quốc. Phát biểu với các nhà báo tháp tùng, bộ trưởng Quốc Phòng Philippines khẳng định: « Đây chỉ là một chuyến thăm bình thường » đến một vùng lãnh thổ của Philippines.

Tuyên bố này đã phản bác quan điểm của Trung Quốc tự nhận là có chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông, và trong một vài năm gần đây, đã xây dựng các cơ sở có thể dùng vào mục tiêu quân sự trên 7 bãi đá được bồi đắp thành đảo nhân tạo ở vùng Trường Sa, trong đó có bãi Xu Bi chỉ cách Thị Tứ khoảng 14 hải lý (26km).
Thoe lời ông Lorezana, khi chiếc phi cơ chở phái đoàn Philippines chuẩn bị đáp xuống phi đạo trên đảo Thị Tứ, phi công Philippines đã nhận được thông điệp cảnh cáo của lực lượng Trung Quốc đóng ở Xu Bi, nói rằng phi cơ Philippines đã thâm nhập trái phép lãnh thổ Trung Quốc. Phi công Philippines đã đáp lại rằng máy bay của họ chỉ bay trong không phận Philippines mà thôi.

Theo kế hoạch, bộ trưởng Quốc Phòng Philippines đã đi thị sát phi đạo trên đảo Thị Tứ, ăn trưa với binh sĩ và cư dân tại một làng chài trên đảo.
Chính phủ Philippines dự kiến tu bổ phi đạo dài 1,2 km để có thể tăng chuyến bay đến đây và bảo đảm an toàn, đồng thời có kế hoạch củng cố một số cơ sở trên đảo cũng như trên 8 bãi đá hay rạn san hô nhỏ hơn mà quân đội Philippines chiếm giữ tại Trường Sa.

Ngoài Trung Quốc, Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền đối với đảo Thị Tứ và nhiều thực thể khác của Philippines tại Trường Sa.
Chuyến thăm Thị Tứ của ông Lorenzana diễn ra một tuần sau khi tổng thống Philippines tuyên bố từ bỏ ý định đích thân đến đảo này nhân ngày quốc khánh 12/06 để cắm cờ Philippines khẳng định chủ quyền. Ông Duterte đã giải thích rằng ông đã từ bỏ ý định « vì quan hệ hữu nghị với Trung Quốc ».

Chuyến thăm này cũng được tổ chức một tuần trước Hội Nghị Thượng Đỉnh thường niên của khối ASEAN mà Philippines làm chủ tịch luân phiên. Đây được cho là cách Manila nêu bật vấn đề tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông sắp được thảo luận tại Hội Nghị ASEAN.

Manila điều tra vụ tàu Trung Quốc « sách nhiễu » tàu cá Philippines
Theo Reuters, lãnh đạo quân đội Philippines, tướng Eduardo Ano, hôm nay cho biết là Manila đã ra lệnh điều tra về sự kiện « tàu lạ nước ngoài » sách nhiễu tàu cá Philippines, gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp.

Trả lời báo chí, tướng Eduardo Ano cho biết đã nhận được báo cáo là tàu cá Philippines bị đuổi khỏi khu vực Cụm Sinh Tồn (Union Banks) ở Trường Sa, gần đảo Ga Ven mà Trung Quốc đã bồi đắp.
Đài truyền hình Philippines trước đó cho biết là tàu cá Philippines bị bắn, nhưng phía quân đội chỉ nói đến hành vi « sách nhiễu ».

Theo Reuters, chính quyền Philippines đang gặp các ngư dân trở về để tìm hiểu và khuyến khích họ tường thuật vụ việc với cảnh sát hay lực lượng tuần duyên.

Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã không trả lời câu hỏi của báo giới là « tàu nước ngoài » trong sự kiện trên có phải là tàu Trung Quốc hay không.
Các báo cáo về những sự cố va chạm giữa Philippines và Trung Quốc trở nên khá hiếm từ ngày ông Duterte lên cầm quyền, phía Manila cố dẹp qua những bất đồng hầu giữ được quan hệ kinh tế tốt đẹp. - RFI

9.
Oanh tạc cơ chiến lược Nga liên tục áp sát Alaska

Trong hai ngày liên tục, hai chiếc oanh tạc cơ chiến lược của Nga bay áp sát Alaska, lần này chỉ cách bờ biển khoảng 35 dặm, theo một giới chức Mỹ.
Hôm Thứ Hai là lần đầu tiên trong hơn hai năm, có sự xuất hiện của phi cơ quân sự Nga gần lục địa Mỹ, theo bản tin của ABC News.

Hai oanh tạc cơ chiến lược loại TU-95 Bear của Nga bay dọc theo quần đảo Aleutian vào chiều tối ngày Thứ Ba, theo hướng Đông Bắc về phía lục địa, theo nguồn tin trên.
Tuy các phi cơ này bay trong không phận quốc tế, nhưng lại vào trong Khu Vực Nhận Diện Phòng Không (ADIZ) của Mỹ, vốn mở rộng 200 dặm từ bờ biển.

Các phi cơ quân sự lạ được yêu cầu tự thông báo khi di chuyển qua khu vực này. Không phận của Mỹ kéo dài 12 dặm từ bờ biển.

Một phi cơ trinh sát và báo động sớm E-3 AWAC của Không Quân Mỹ, được đưa từ căn cứ Không Quân Elemendorf ở Anchorage lên để nghênh cản phi cơ Nga, theo ABC News.
Chiếc phi cơ này bay theo hai oanh tạc cơ Nga trong vài giờ đồng hồ trước khi hai chiếc phi cơ này quay đầu lại lúc cách bờ biển Mỹ khoảng 35 dặm.

Hôm Thứ Hai, hai chiếc TU-95 của Nga đến cách đảo Kodiak chừng 100 dặm về phía Nam trước khi quay đầu lại. Hai chiến đấu cơ F-22 và một chiếc E-3 AWAC của Không Quân Mỹ làm nhiệm vụ nghênh cản trong vụ này.
Một phi cơ Nga thứ ba, thuộc loại IL-38 tuần thám biển, cũng vào vùng ADIZ của Mỹ hôm Thứ Hai, nhưng nhanh chóng quay đầu lại trước khi bị phi cơ Mỹ nghênh cản. - nguoiviet

Tin Hoa Kỳ
10.
Donald Trump ra lệnh mở điều tra về thép nhập khẩu

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua 20/04/2017 loan báo mở điều tra xem thép nhập khẩu có là mối đe dọa cho an ninh Hoa Kỳ hay không. Động thái này cho thấy khả năng Mỹ sẽ tăng thuế hải quan, khiến cổ phiếu các công ty luyện kim tăng lên ở Wall Street.
Tổng thống Mỹ tuyên bố : « Đây không chỉ là vấn đề giá cả hay việc làm, mà còn là an ninh quốc gia, vốn chưa bao giờ được nói đến. Thép rất quan trọng cho nền kinh tế và quân đội của chúng ta, đó là một lãnh vực mà ta không được để lệ thuộc vào các nước khác ».

Ông Trump đã ký một văn bản yêu cầu bộ Thương Mại nhanh chóng tiến hành một cuộc điều tra trong khuôn khổ điều 232 Luật Thương mại. Đây là một tiến trình hiếm khi được sử dụng đến, nêu ra lý do quốc phòng để hạn chế nhập khẩu hàng hóa vào Hoa Kỳ. Điều khoản này từng được vận dụng trong thập niên 70 trong cuộc khủng hoảng dầu lửa, và năm 2001 về mặt hàng thép. Bộ Thương Mại có 270 ngày để xem xét tình hình và đưa ra kết luận, sau khi thông báo cho bộ Quốc Phòng.
Đưa ra ví dụ về nhu cầu các sản phẩm bọc thép, bộ trưởng Thương Mại Wilbur Ross nói rằng đây là sự đáp trả trước thép Trung Quốc, hiện đang chiếm 26% thị trường Mỹ. Số lượng nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn tăng lên « mặc dù Bắc Kinh thường xuyên đảm bảo rằng sẽ giảm sản lượng », theo ông Ross.

Chỉ số S&P 1500 trong ngành luyện kim sau đó đã tăng 5,22% trên thị trường chứng khoán Wall Street. Về phía Hàn Quốc hôm nay cho biết đang nghiên cứu các biện pháp đối phó, kể cả việc kiện lên Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO).

Trump chỉ trích Iran về hồ sơ nguyên tử
Về hồ sơ Iran, ông Donald Trump cho rằng Teheran không tôn trọng tinh thần của hiệp định nguyên tử được ký kết năm 2015, mà nhờ đó quốc tế đã giảm nhẹ cấm vận đối với nước này. Tổng thống Mỹ nhấn mạnh rằng hiệp định « lẽ ra không nên được thương lượng với cách thức như đã tiến hành ».

Bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ James Mattis hôm nay gặp gỡ các lãnh đạo Israel để thảo luận về Iran và Syria. Israel trước đó đã lên tiếng cảnh báo về sự hiện diện của quân Hezbollah Liban tại Syria, với sự yểm trợ của Teheran. Bộ trưởng Tình Báo Israel gần đây tố cáo Iran muốn thiết lập một trục nối liền lãnh thổ nước này với Liban, Irak và Syria, gây phương hại cho an ninh của Israel. - RFI

11.
Mỹ: Sân bay Los Angeles không phát hiện được súng

Một nữ cảnh sát trong khi không thực thi công vụ đã bay từ sân bay quốc tế Los Angeles (LAX) và mang theo một súng ngắn mà không bị phát hiện ở sân bay. 
Vũ khí này không được phát hiện trong quá trình kiểm tra an ninh và Noell Grant chỉ nhận ra bà đang mang theo súng khi đổi máy bay ở Đài Bắc.

Bà thông báo với chính quyền địa phương và bị cấm rời Đài Loan cho đến khi vấn đề được giải quyết.
Các quan chức liên bang Mỹ thừa nhận các thủ tục an ninh đã không được tuân thủ nghiêm ngặt ở LAX.

Nhà chức trách "xác định quy trình chuẩn đã không được tuân thủ và một cảnh sát đã mang theo một khẩu súng đi qua khâu kiểm soát an ninh sân bay trên thực tế", Nico Melendez, Cơ quan An ninh Vận tải Hoa Kỳ, cho hay.
"Chúng tôi sẽ buộc những người chịu trách nhiệm việc này phải giải trình."

Cảnh sát Grant, 42 tuổi, thuộc Sở Cảnh sát Santa Monica (SMPD), mang theo một khẩu súng cá nhân, không phải là vũ khí để làm nhiệm vụ, khi bà lên chuyến bay tới Đài Loan hồi tuần trước.
Bà đổi máy bay tại sân bay quốc tế Đào Viên ở Đài Bắc, và định nối chuyến đến Thái Lan để đi nghỉ cùng gia đình, và nhận ra mình đang mang theo súng cùng sáu viên đạn trong hành lý xách tay.

Bà không bị bắt ở Đài Loan, nhưng được ghi nhận vẫn đang ở nước này.
Hiện chưa rõ bà Grant có bị kỷ luật khi trở về Mỹ, Trung úy Saul Rodriguez, SMPD, nói với AFP. - BBC

Tin Việt Nam
12.
Tổng thống Trump mời thủ tướng Việt Nam thăm Mỹ

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã mời thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc sang thăm Hoa Kỳ. Hãng tin Reuters hôm nay 21/04/2017 dẫn nguồn tin từ trang web chính phủ Việt Nam loan báo như trên.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, tướng H.R.McMaster đã chuyển thư mời của tổng thống Donald Trump cho phó thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh, hiện đang viếng thăm Hoa Kỳ. Năm 2016, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cho biết ông sẵn sàng thăm nước Mỹ để xúc tiến quan hệ hai nước.

Trang web chính phủ Việt Nam cho biết thêm, trong cuộc tiếp xúc với ông Phạm Bình Minh, ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và cố vấn an ninh McMaster khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình trong khu vực, tự do hàng hải tại Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Còn bộ trưởng Tài Chính Mỹ Steven Mnuchin bày tỏ sự ủng hộ Việt Nam tiếp tục hưởng các nguồn vốn vay ưu đãi IDA của Ngân Hàng Thế Giới. Washington đã dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam tháng 5/2016, giúp có được quan hệ quốc phòng chặt chẽ hơn cũng như những cuộc tập trận chung.

Reuters nhắc lại, quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã được nâng lên một tầm cao mới dưới thời tổng thống Barack Obama, với mong muốn duy trì sự hiện diện của Mỹ tại châu Á trước mối đe dọa về yêu sách lãnh thổ của người láng giềng khổng lồ Trung Quốc.
Hai chính phủ đã bày tỏ ý hướng siết chặt quan hệ kể từ khi ông Trump đắc cử tháng 11 năm 2016. Tổng thống Trump sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh APEC (Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương) tổ chức tại Việt Nam vào tháng 11/2017.
Việt Nam là một trong những nước được cho là hưởng lợi nhiều nhất trong hiệp định tự do mậu dịch TPP. Tuy hiệp định được thương lượng trong nhiệm kỳ ông Obama đã bị tân tổng thống Trump hủy bỏ, nhưng Hà Nội vẫn nỗ lực xây dựng mối quan hệ với Mỹ trong bối cảnh bị Bắc Kinh chèn ép trên Biển Đông. - RFI

13.
Mỹ Đức: Chủ tịch Hà Nội kêu gọi thả con tin, hứa thanh tra toàn diện đất Đồng Tâm --- Gia đình ông Kình 'bác thông tin chính quyền về ông' --- Thông điệp từ Dương Nội gửi tới Đồng Tâm

Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung hôm qua 20/04/2017 kêu gọi dân làng Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức trả tự do cho 20 cảnh sát cơ động và cán bộ bị bắt giữ từ tuần trước, trong vụ cưỡng chế đất tại đây. Người dân hôm nay đã thả thêm một người là trưởng ban tuyên giáo huyện, hiện chỉ còn 19 con tin. Chính quyền hứa hẹn sẽ thanh tra toàn diện đất ở Đồng Tâm trong vòng 45 ngày.
Ông Nguyễn Đức Chung, chủ tịch thành phố hôm qua đã đến trụ sở huyện Mỹ Đức để tiếp xúc với người dân, nhưng 100 dân làng được mời đã không đến với lý do nhận được giấy mời quá trễ. Reuters cho biết dân làng sợ rằng nếu đến theo lời mời sẽ bị bắt.

Cùng với Reuters, các hãng tin AP và AFP đều đưa tin về sự kiện này. AP dẫn nguồn tin báo trong nước cho hay ông Nguyễn Đức Chung khẳng định sẽ không sử dụng vũ lực để đàn áp. Ông kêu gọi dân làng dỡ bỏ các chướng ngại vật, và sớm trả tự do cho các con tin, nói rằng các cảnh sát trẻ tuổi này cũng như con em của họ. Tuyên bố sẵn sàng đối thoại với người dân, chủ tịch Hà Nội cũng ghi nhận là các cảnh sát và cán bộ bị bắt đều được đối xử tử tế.
Reuters cũng dẫn nguồn tin trong nước, cho biết chính quyền thủ đô Hà Nội hứa hẹn sẽ thanh tra toàn diện đất đai ở xã Đồng Tâm, sau 45 ngày sẽ có kết luận.

Dân làng Đồng Tâm, cụ thể là ở thôn Hoành đã bắt giữ 38 cảnh sát cơ động và cán bộ, giam tại nhà văn hóa thôn nhưng sau đó đã thả 18 người để tỏ thiện chí. Ông Đặng Văn Cảnh, trưởng ban tuyên giáo huyện là người được thả hôm nay xác nhận được chăm sóc đúng mực, không bị đe dọa hay đánh đập.
Phía chính quyền cũng trả tự do cho bốn dân làng bị bắt, và hủy bỏ quyết định tạm giữ đối với ông Lê Đình Kình, 82 tuổi. Ông Nguyễn Đức Chung nói có thể sẽ đối thoại với người dân vào sáng mai 22/4, cam kết không có đối tượng xã hội đen nào quấy nhiễu bà con.

Theo báo chí Việt Nam, chiều hôm nay đại diện người dân Đồng Tâm đã gởi tâm thư cho chủ tịch thành phố Hà Nội, mong muốn không bị truy cứu hình sự và đưa ra 8 đề nghị. Đó là: không tuyên truyền trên loa đài của huyện đất Đồng Sênh là đất quốc phòng và Viettel không xây dựng gì khi chưa làm rõ trắng đen. Công an không về trấn áp, cho điều tra những ai đã bắt người sai trái ; ghi nhận rằng dân làng đã đối xử tốt với con tin, và yêu cầu chủ tịch thành phố trực tiếp xử lý toàn bộ.

AFP ghi nhận, có rất ít báo đài chính thức dám đưa tin đầy đủ về trường hợp chưa từng xảy ra tại Việt Nam, tuy nhiên vụ Đồng Tâm, Mỹ Đức đã được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội. Hãng tin Pháp nhắc lại vụ Đoàn Văn Vươn và Đặng Ngọc Viết trước đây cũng xuất phát từ việc bị cưỡng chế đất đai.
Cư dân mạng cho biết, thôn Hoành ở xã Đồng Tâm hiện vẫn không có internet và điện thoại. Khi ông Nguyễn Đức Chung về huyện Mỹ Đức hôm qua, người dân đã có thể liên lạc nhưng khi chủ tịch thành phố đi thì mạng lại bị cắt. Dân làng đang trong cảnh cô lập, suốt bảy ngày qua phải tự cung tự cấp thực phẩm, ốm đau phải tự chữa vì không có thuốc men. - RFI

***
Con gái ông Lê Đình Kình nói với BBC rằng gia đình không đồng tình với việc chính quyền "đổ tội cho bố tôi" trong giấy hủy bỏ quyết định tạm giữ và cùng thời điểm có tin Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung gặp người dân thôn Hoành chiều 21/4.

Hôm 21/4, tin cho hay Viện Kiểm sát Nhân dân Hà Nội hủy bỏ quyết định tạm giữ đối với ông Lê Đình Kình, 82 tuổi, trú tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức.
"Trước đó, Công an Hà Nội đã có văn bản đề nghị hủy bỏ biện pháp ngăn chặn đối với ông Kình vì ông đã khai báo về hành vi phạm tội, nhân thân chưa có tiền án tiền sự, không cần thiết áp dụng biện pháp tạm giữ," báo Pháp Luật cùng ngày tường thuật. 

Tuy vậy, trả lời BBC từ Đồng Tâm hôm 21/4, bà Lê Thị Hoa, con gái ông Kình, nói: "Lệnh của chính quyền viết sai sự thật, nói ông "bị bắt vì gây rối" trong lúc thực tế thì ông bị bắt cóc trong lúc được mời đi chỉnh mốc giới hôm 15/4."
"Dường như chính quyền chỉ tìm cách đổ tội cho ông thôi."

"Hơn nữa, nói là hủy bỏ quyết định tạm giữ nhưng đến sáng nay, người của Công an Hà Nội vẫn canh gác bố tôi tại phòng hồi sức tích cực Bệnh viện Việt Đức."
"Bố tôi hiện vẫn yếu lắm, gãy đùi do bị đánh mà."
"Hôm qua gia đình vào thăm ông cũng chỉ được phép gặp vỏn vẹn 10 phút." 
"Gia đình hiện cũng chưa biết nên thế nào, mong ông hồi phục rồi tính tiếp, mà chắc nhanh thì chục hôm nữa."
'Cảm ơn nhân dân'

Cùng ngày, truyền thông Việt Nam ghi nhận lúc 10:00 hôm 21/4, ông Đặng Văn Cảnh, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy, một trong 20 người bị giữ tại Nhà văn hóa thôn Hoành, "được người dân Đồng Tâm đưa ra khỏi khu vực tạm giữ".
Một người dân thôn Hoành xác nhận với BBC rằng "ông Cảnh được thả vì lý do ông ấy đang bệnh tật, còn 19 người khác tiếp tục bị giữ, vì dân Đồng Tâm không còn niềm tin nữa."

"Đến tối 20/4, một kênh truyền hình ở Hà Nội vẫn đưa tin bóp méo sự thật, chưa có kết luận của thanh tra mà vẫn cho rằng người dân chiếm đất quốc phòng," người này nói.
"Báo đài trong nước vẫn nói người dân vi phạm pháp luật trong lúc dân Đồng Tâm chỉ tự vệ và mong muốn lớn nhất vẫn là người của trung ương về đối thoại với dân." 

"Nếu có lệnh thu hồi đất và công lệnh của Thủ tướng thì người dân Đồng Tâm sẵn sàng chấp hành nhưng phải được đền bù thỏa đáng." 
Theo báo Tuổi Trẻ hôm 21/4, bản tường trình của ông Cảnh ghi: "Trong thời gian ở tại xã, tôi cùng anh em được người dân đối xử tử tế, chăm lo đầy đủ, thay quần áo, tắm rửa, không bị đánh dập, không bị lăng mạ. Chỗ đau của tôi là do bệnh của tôi."

"Đến hôm nay do điều kiện sức khỏe, tôi được nhân dân quan tâm chăm lo cho về dưỡng bệnh. Tôi xin chân thành cảm ơn nhân dân. Tôi xin cam đoan những lời trình bày trên đây là đúng sự thật."
"Sự việc xảy ra sẽ có chính quyền các cấp giải quyết, bà con yên tâm. Ở đây không có chuyện đánh cắp con tin hay gì cả, Đảng và chính quyền luôn ở bên cạnh, không thể mất người dân Đồng Tâm được, bà con hãy yên tâm." 

Báo này cũng cho hay: "Có những người mặc thường phục vào trong thôn nhằm mục đích bảo vệ cho cuộc gặp giữa Chủ tịch Nguyễn Đức Chung với người dân thôn Hoành dự kiến diễn ra chiều 21/4".
Trong số 19 người còn bị giữ tại xã Đồng Tâm có ông Đặng Văn Triều - Phó Chủ tịch UBND huyện, và ông Nguyễn Thanh Tùng - Phó trưởng Công an huyện Mỹ Đức, báo Việt Nam cho hay. - BBC

***
Gần 10 năm sau khi người dân của làng Dương Nội “vùng lên” để đòi lại đất đai của họ thì những người dân của Đồng Tâm - một xã khác cùng thành phố Hà Nội - cũng phải đứng lên đối chọi với chính quyền vì mất thực địa sản xuất.
Những người dân của làng Dương Nội ở Hà Đông vẫn đang tiếp tục đấu tranh và người dân Đồng Tâm có thể học hỏi được gì từ 1 thập kỷ đấu tranh của người Dương Nội?

Anh Trịnh Bá Phương, người dân xã Dương Nội, cho rằng những người dân Đồng Tâm đang thắng thế trong cuộc xung đột với chính quyền bởi “phía nhà cầm quyền Hà Nội đã phải nhượng bộ thả tất cả những người dân bị bắt giữ trái phép.” Theo người con trai của nhà đấu tranh quyền đất đai Cấn Thị Thêu đang bị nhà cầm quyền giam giữ, người Đồng Tâm có được sự ủng hộ từ nhiều tầng lớp.

“Bà bí thư của xã Đồng Tâm, tức là người có quyền lực cao nhất ở xã Đồng Tâm đã đứng về phía nhân dân, đã cùng với cụ Kình, một người cao tuổi ở Đồng Tâm ra đấu tranh và sát cánh cùng với người dân trong cuộc đấu tranh giành lại thực địa sản xuất. Hiện nay cho dù nhà cầm quyền Hà Nội đang có lợi thế về số lượng báo chí, truyền hình, truyền thông cả hình và viết nhưng người dân Đồng Tâm với số lượng 6000 dân thì tôi tin rằng người dân Đồng Tâm cũng có biện pháp và họ cũng đã lường trước tất cả các tình huống đàn áp từ chính quyền Hà Nội và tôi nghĩ rằng họ đang ở thế thắng.”
Bắt đầu từ năm 2008, người dân Dương Nội, cũng giống như người dân Đồng Tâm hiện nay, đã đồng loạt đứng lên đấu tranh trước chính quyền với mọi tầng lớp từ già tới trẻ tham gia. Theo anh Phương, cũng giống như Đồng Tâm, cuộc “nổi dậy” đó của người Dương Nội đã “làm cho những người làm trong chính quyền cấp thôn xã đều đã phải bỏ trốn hoặc phải ngụy trang và hóa trang khi ra đường.”

"Nhà cầm quyền Hà Nội đã sử dụng trăm mưu ngàn kế để đánh phá người dân Dương Nội” – từ đe dọa tới bắt giam, theo anh Phương. Bà Cấn Thị Thêu, mẹ của anh đã bị kết án 20 tháng tù giam vì đấu tranh cho quyền đất đai của Dương Nội. Nhưng anh Phương cho biết những người dân Dương Nội vẫn đang kiên cường và tạo thành khối đoàn kết để đấu tranh.
“Hiện nay bà con ít xuống đường hơn so với những năm trước. Đó là những phương pháp do bà con ở đây đưa ra đó là đấu tranh trường kỳ. Tức là bà con trong quá trình này sẽ làm những tập phim. Qua những tập phim của các đoàn làm phim có cả phụ đề tiếng Anh để cho toàn dư luận thế giới biết được những tội ác mà nhà cầm quyền Hà Nội đã gây ra đối với người dân Dương Nội.”

Người dân Dương Nội, theo anh Phương, sẽ đấu tranh đến cùng để giành lại đất đai và “bà con không coi việc nhà cầm quyền Hà Nội bắt giữ mẹ tôi là một nỗi đe dọa đối với bà con” và “cũng hiểu được rằng dư luận đang rất phẫn nộ và cũng hiểu được rằng có cộng đồng rất lớn – trong đó có các cơ quan và chính phủ các nước phương Tây rất quan tâm.” Anh Phương cho biết đại diện khối Liên minh châu Âu tại Hà Nội cũng như các đại sứ quán, Tổng thống Pháp và Cục phó Cục An ninh Mỹ Ben Rhodes quan tâm tới trường hợp của bà Cấn Thị Thêu và cuộc đấu tranh của làng Dương Nội.
Nhờ có sức ép của cộng đồng quốc tế mà chính quyền địa phương đã phải “xuống nước” và nhượng bộ. Anh Phương cho rằng về lâu dài người dân Đồng Tâm cũng cần có được sự chú ý và giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế như người dân Dương Nội đã làm.

Người dân Đồng Tâm tiếp theo 1 năm sau hay 2 năm sau có thể áp dụng giống như Dương Nội tức là có thể họ sẽ tổ chức nhiều những cuộc xuống đường tại trung tâm thủ đô, như tại bờ hồ Hoàn Kiếm, theo anh Phương, và họ sẽ tiếp xúc gặp gỡ nhiều cơ quan báo chí và các tổ chức nhân quyền để các chính phủ phương Tây họ quan tâm đến vấn đề đất đai ở Việt Nam. Họ cũng sẽ làm giống như Dương Nội hiện nay là kêu gọi ủng hộ. Và họ không thỏa hiệp không đàm phán với chính quyền thì họ sẽ tiến tới thành công.

Sau 10 năm tranh chấp đất đai, xô xát đã nổ ra hôm 15/4 ở Đồng Tâm khi chính quyền muốn giao 47 ha đất cho công ty bưu chính của bộ Quốc Phòng Viettel. Hiện người dân Đồng Tâm vẫn đang giữ 20 cảnh sát cơ động được điều đến địa phương để “thi hành công vụ.”
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nói tại một cuộc họp tổng kết công tác năm 2016 của ngành tài chính vào đầu năm nay rằng nguồn lực công, đặc biệt từ đất đai không được định giá chính xác là tâm điểm của tham nhũng và lợi ích nhóm. Đất đai vẫn đang là một trong những vấn đề nóng bỏng nhất trong mối quan hệ giữa nhà nước với người dân ở Việt Nam. Số liệu trong báo cáo 2035 của chính phủ và Ngân hàng Thế giới cho thấy 70% trong số khoảng 700.000 đơn khiếu nại gửi đến chính quyền giai đoạn 2009-2011 có liên quan đến vấn đề thu hồi và mâu thuẫn về đất đai. - VOA

14.
Ông Võ Kim Cự bị cách chức nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh [LMN: cũng là chuyện đánh khẽ cho có lệ trong hệ thống trách nhiệm tập thể, tức không ai thực sự chịu trách nhiệm cả]

Nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh bị Đảng Cộng sản quy "chịu trách nhiệm chính" cho các sai phạm tại tỉnh dẫn đến sự cố môi trường của Formosa Đài Loan.
Ban Bí thư Trung ương Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, quyết định xóa mọi chức vụ trong Đảng của ông Võ Kim Cự.

Có nghĩa là ông bị cách chức nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh, chức vụ ông giữ trong thời gian ngắn từ tháng Hai đến tháng 11/2015.
Ông Cự cũng bị kỷ luật xóa mọi chức vụ trong Đảng từ 2005 đến 2015, như các chức Bí thư Ban cán sự đảng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh.

Thông cáo ngày 21/4 của Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản nói ông Võ Kim Cự "chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng Uỷ ban nhân dân tỉnh và Uỷ ban nhân dân tỉnh giai đoạn 2008 - 2016 và Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2010". 
Ông bị kết luận "đã trực tiếp ký nhiều văn bản không đúng quy định trong việc cấp giấy chứng nhận đầu tư; giao và cho thuê mặt nước biển; đồng ý chủ trương cho Công ty Formosa tự giải phóng mặt bằng để xây dựng đường ống xả nước thải không đúng quy định...; thiếu trách nhiệm chỉ đạo, thanh tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện Dự án".

Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh của Đài Loan đã bị buộc trả cho Việt Nam 500 triệu USD bồi thường năm 2016.

Số tiền được nói là để nhận lỗi, bồi thường vì sự cố gây ô nhiễm môi trường ở 4 tỉnh miền Trung đầu năm 2016.
Thông cáo ngày 21/4 của Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản cũng kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Minh Quang, từng là Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhiệm kỳ 2011 - 2016.

Hai thứ trưởng dưới quyền, Bùi Cách Tuyến và Nguyễn Thái Lai bị kỷ luật cách chức Uỷ viên Ban cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhiệm kỳ 2011 - 2016.
Thông cáo yêu cầu Ban cán sự đảng Chính phủ "thi hành kỷ luật về hành chính tương ứng" đối với cả bốn người này. - BBC

15.
Người Việt tại Canada vận động dự luật Magnitsky

Cộng đồng nguời Việt tại Canada đang vận động quốc hội nước này thông qua một đạo luật để trừng phạt những thủ phạm vi phạm nhân quyền quốc tế, trong đó có Việt Nam.
Nhóm Thanh niên Canada Tranh đấu cho Nhân quyền tại Việt Nam (CYHRV) cho biết họ tổ chức cuộc vận động này với mục đích hỗ trợ mạnh mẽ và thiết thực cho công cuộc tranh đấu cho tự do dân chủ của nguời dân trong nước.

Ông Lê Duy Cấn, cố vấn cấp cao cho tổ chức Thanh niên Canada Tranh đấu cho Nhân quyền tại Việt Nam, cho VOA Việt ngữ biết dự luật S-226 Sergei Magnitsky vừa được Thượng viện Canada thông qua vào ngày 11/4, và sẽ được chuyển lên Hạ viện.
Cũng tương tự như Luật Magnistsky của Hoa Kỳ do cựu Tổng thống Obama ký ban hành tháng 12 năm ngoái, dự luật S-226 của Canada cho phép chính phủ Canada tịch thu hoặc đóng băng tài sản của những người ngoại quốc có trách nhiệm hay đồng lõa trong các vụ vi phạm nhân quyền.

Ông Cấn cho VOA biết từ ngày 11/1/2017 cho đến nay, tổ chức Thanh niên Canada Tranh đấu cho Nhân quyền Việt Nam đã vận động được 2.000 chữ ký:

“Bên này có liên lạc với văn phòng của bà Thượng nghị sĩ Raynell Andreychuck cũng như dân biểu James Bezan, nói rằng chúng tôi rất là ủng hộ dự luật này vì nó có ảnh hưởng rất là mạnh đối với vấn đề chiến đấu cho nhân quyền ở Việt Nam. Chúng tôi đi vận động lấy chữ ký ủng hộ dự luật. Cho đến nay có 2.000 chữ ký.”
Trong một thông cáo, cô Nguyễn Khuê Tú, đại diện nhóm CYHRV, cho biết chiến dịch vận động chữ ký sẽ kết thúc vào ngày 11/5.

Theo ông Cấn, người thường xuyên tiếp xúc với các dân biểu Canada, có nhiều khả năng dư luật sẽ được Hạ viên Canada thông qua, khi đó luật sẽ là “một đòn mạnh mẽ nhất đánh trực tiếp vào những thủ phạm đàn áp nguời dân Việt Nam, có tác động hỗ trợ rất lớn cho công cuộc tranh đấu cho tự do dân chủ trong nuớc.”
CYHRV trích lời Thượng nghị sĩ Andreychuck nói trong một thông cáo rằng bà hy vọng Dự Luật Sergei Magnitsky sẽ được Hạ Viện thông qua để “Canada chứng tỏ cho thế giới biết quốc gia này sẽ không để cho những nguời vi phạm nhân quyền dùng làm chỗ dung thân.”

Thỉnh nguyện thư của tổ chức Thanh niên Canada Tranh đấu cho Nhân quyền tại Việt Nam nêu rõ: “Canada không thể để các giới chức ngoại quốc vi phạm nhân quyền dùng làm nơi ẩn trốn an toàn cho bản thân, hoặc cho gia đình họ, hoặc làm chỗ để giấu tài sản mà họ thu được qua những việc làm bất chính.”   
Hoa Kỳ và Estonia cũng đã ban hành đạo luật tương tự. Anh Quốc và Na Uy đang cứu xét việc này và có nhiều triển vọng các quốc gia tôn trọng nhân quyền khác cũng noi theo.

Trao đổi với VOA- Việt ngữ qua email, cô Khuê Tú nói Luật Magnitsky toàn cầu là một thắng lợi quan trọng cho phong trào tranh đấu cho nhân quyền khắp nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Ông Cấn nói các vụ chà đạp nhân quyền xảy ra sâu rộng ở Việt Nam trong khi nhiều người bất đồng chính kiến bị hành hạ dã man.

“Ở Việt Nam, tình trạng vi phạm nhân quyền ngày càng trầm trọng. Những người mới chỉ lên tiếng thôi thì đã bị bắt, bị tù, bị tra tấn. Điều tệ hại nhất là chính phủ dùng các thành phần xã hội đen để đàn áp những người tranh đấu cho dân chủ. Đó là chuyện không thể nào chấp nhận được.”
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, chủ tịch Uỷ ban Cứu Người Vượt Biển – BPSOS, nhận định trên trang Mạch sống rằng: “Luật Sergei Magnitsky ở Canada sẽ biến toàn thể Bắc Mỹ thành nơi không dung chứa các thủ phạm đàn áp nhân quyền. Và những giới chức nào đã chuyển của cải và đưa thân nhân đến Hoa Kỳ và Canada sẽ là cá nằm trên thớt.” - VOA

Link:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét