Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 17 tháng 4, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Hai 17/4 - Lê Minh Nguyên


Pence cảnh báo Bắc Hàn 'chớ thách thức Mỹ'
Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence mạnh mẽ cảnh báo Bắc Triều Tiên hôm thứ Hai 17/4, đơn cử các cuộc không kích tại Syria và Afghanistan hồi gần đây. Ông nói Tổng thống Donald Trump sẽ sử dụng sức mạnh quân sự nếu cần, để đối phó với mối đe dọa hạt nhân đang tăng từ chính quyền của ông Kim Jong Un.<!>
Phó Tổng thống Pence tuyên bố: "Chỉ trong hai tuần vừa qua, thế giới đã chứng kiến sức mạnh và quyết tâm của tổng thống mới của chúng tôi trong các hành động tại Syria và Afghanistan. Ông khuyến cáo Bắc Hàn chớ có thách thức quyết tâm của ông Trump.
Phó Tổng thống Mỹ đang ở thăm Hàn Quốc, bắt đầu chuyến công du bốn nước châu Á nhằm mục đích củng cố cam kết của Hoa Kỳ đối với các đồng minh trong khu vực, và xây dựng sự hỗ trợ quốc tế để gây sức ép lên chính phủ Kim Jong Un để chấm dứt chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Liên minh không thể lay chuyển

Trong một cuộc họp báo tại Seoul hôm thứ Hai với quyền Tổng thống Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn, ông Pence nhấn mạnh đến sự hậu thuẫn "không hề lay chuyển" của Hoa Kỳ để bảo vệ đồng minh lâu năm này, toàn tâm toàn ý cùng hợp tác với Hàn Quốc để đảm bảo an ninh khu vực.

Ông Pence nói:

"Chúng tôi sẽ tiếp tục tham khảo ý kiến chặt chẽ với Hàn Quốc, và cùng với lãnh đạo Hàn Quốc giữa lúc chúng ta làm những quyết định để tiến tới phía trước."

Nhiều người ở Hàn Quốc ngày càng lo ngại rằng Mỹ có thể đơn phương hành động chống lại Bắc Triều Tiên, và như vậy có nguy cơ đưa khu vực vào chiến tranh.
Trong bài phát biểu của Tổng thống Hàn Quốc, ông nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Bắc Triều Tiên, nhưng ông không nói tới một giải pháp quân sự.

Ông Hwang phát biểu:
"Chúng tôi chia sẻ với nhau nhận thức về tính nghiêm trọng và khẩn thiết của mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên, và đã đồng ý tăng gấp đôi nỗ lực nhằm thay đổi các mưu tính chiến lược của Bắc Triều Tiên bằng cách thắt chặt hơn nữa mạng lưới toàn cầu gây áp lực lên Bắc Triều Tiên.”

Cũng hôm Chủ Nhật, cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ H.R. McMaster có dấu hiệu muốn rút lại lời đe dọa về một cuộc tấn công quân sự đối với Bắc Triều Tiên, ít nhất là trong lúc này.
Phát biểu trên kênh truyền hình ABC, ông McMaster nói rằng:

"Đã đến lúc chúng ta phải thực hiện tất cả các hành động có thể thực hiện, ngoài giải pháp quân sự, để cố gắng giải quyết vấn đề này một cách hòa bình. Chúng tôi đang hợp tác với các đồng minh và đối tác và với lãnh đạo Trung Quốc, để đưa ra một loạt sự lựa chọn."
Chính quyền của ông Trump đang tập trung vào việc tăng cường các biện pháp trừng phạt kinh tế, có thể bao gồm lệnh cấm vận dầu, lệnh cấm toàn cầu đối với các hãng hàng không, chặn tàu chở hàng và trừng phạt các ngân hàng Trung Quốc đang kinh doanh với Bình Nhưỡng.

Phó Tổng thống Pence nhắc lại lời phát biểu gần đây của ông Trump, khen ngợi Trung Quốc về việc tăng cường các biện pháp trừng phạt kinh tế kể cả cấm các chuyến tàu chở than, một trong những món hàng xuất khẩu mang lại lợi nhuận cao nhất cho Bắc Triều Tiên, và hủy bỏ một số chuyến bay đến Bình Nhưỡng.

Trong khi Trung Quốc ủng hộ các lệnh trừng phạt của LHQ nhằm gây áp lực lên Bắc Triều Tiên phải ngồi xuống bàn đàm phán để giải trừ vũ khí hạt nhân, nhưng Trung Quốc tỏ ra miễn cưỡng, không muốn áp dụng các biện pháp mà có thể gây bất ổn ở vùng biên giới của họ hay có thể tăng quyền lực của Mỹ trong khu vực.
Phó Tổng thống Pence còn bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ của Hoa Kỳ đối với tiến trình chuyển đổi dân chủ đang diễn ra ở Hàn Quốc, và bất kỳ ai đoạt được thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống dự kiến vào ngày 9/5.

Trong một cuộc tranh luận gần đây, các ứng viên tổng thống Hàn Quốc đại diện cho cả quan điểm tự do lẫn bảo thủ, đã lên tiếng chống đối giải pháp hành động đơn phương của Hoa Kỳ chống Bắc Triều Tiên. Hai ứng cử viên hàng đầu là ông Moon Jae-in thuộc Đảng Dân chủ và ông Ahn Cheol-soo thuộc Đảng Nhân dân, đều ủng hộ đối thoại trực tiếp với Bắc Triều Tiên để giảm căng thẳng. Lập trường này có thể đặt các ứng cử viên này vào thế đối đầu với các chính sách của Hoa Kỳ.

Trong khi hầu hết các ứng cử viên Tổng thống Hàn Quốc ủng hộ hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD, ông Moon muốn trì hoãn việc triển khai hệ thống này cho đến khi một tổng thống mới lên nắm quyền và có cơ hội xem xét lại vấn đề này cũng như giải quyết mối quan ngại về an ninh của Trung Quốc, thông qua ngoại giao và đàm phán. - VOA

2.
Cựu Tổng thống Nam Hàn Park Geun-hye bị buộc tội

Tổng thống bị truất quyền của Nam Hàn, bà Park Geun-hye, vừa chính thức bị cáo buộc trong một vụ bê bối về tham nhũng dẫn tới việc bà bị luận tội.
Các công tố viên nói những cáo trạng mà bà đang phải đối mặt bao gồm hối lộ, cưỡng ép, lạm dụng quyền lực và làm lộ bí mật quốc gia.

Nữ Tổng thống 65 tuổi hiện đang bị tạm giam bị cáo buộc đã cho phép bạn thân của mình là bà Choi Soon-sil moi tiền từ các công ty để đổi lấy những hỗ trợ chính trị.
Cả hai người đều lên tiếng bác bỏ. Bà Park đã bị truất quyền hồi tháng trước. 

Bà đã bị tước quyền miễn tố dành cho tổng thống và bị bãi nhiệm khi Tòa Hiến pháp giữ nguyên nội dung quyết định của Quốc hội hồi tháng 12 theo đó luận tội bà. 
Bà Choi bị cáo buộc dùng mối quan hệ với Tổng thống để gây áp lực, khiến các công ty phải trao hàng triệu đô la cho các tổ chức phi lợi nhuận mà bà kiểm soát. 

Bà Park bị cáo giác đã đích thân dính líu tới việc này và đã cho phép bà Choi được tiếp cận ở mức không thể chấp nhận được với các tài liệu chính thức.
Trong số các công ty này có cả tập đoàn lớn nhất Nam Hàn, hãng Samsung. Ông Lee Jae-yong, người hiện đang tạm đứng đầu Samsung, và bà Choi đang bị giam giữ tại cùng một trung tâm tạm giam với bà Park trong khi chờ xét xử.

Hôm thứ Hai, Chủ tịch tập đoàn Lotte Group là Shin Dong-bin cũng bị cáo buộc tội đút lót nhưng không bị cơ quan công tố giam giữ. 

Cả Samsung và Lotte nói họ không làm gì sai trái. 
Hwang Kyo-ahn, một người trung thành với bà Park, hiện đang nắm quyền tổng thống. Một cuộc tuyển cử sẽ được tổ chức vào ngày 9 tháng Năm năm 2017. - BBC

3.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ gặp lãnh đạo Pakistan

Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ H.R. McMaster đang đi thăm Pakistan và gặp gỡ với các giới chức dân sự và quân sự về các vấn đề an ninh song phương và các nỗ lực nhằm ổn định tình hình ở nước Afghanistan lân cận.
Ông McMaster tới thủ đô Islamabad của Pakistan hôm thứ Hai, một ngày sau khi hội đàm với các nhà lãnh đạo Afghanistan ở thủ đô Kabul để xem xét và đánh giá tình hình liên quan đến các hoạt động chống nổi dậy và chống khủng bố của quân đội Hoa Kỳ ở Afghanistan.

Sau cuộc gặp giữa ông McMaster với cố vấn chính sách đối ngoại của Pakistan Sartaj Aziz, một thông báo chính thức cho biết Islamabad đã nêu lên những quan ngại về tình hình an ninh đang xấu đi ở Afghanistan.
Thêm vào đó, ông Aziz "tái khẳng định" cam kết của Pakistan trong việc hợp tác với cộng đồng quốc tế để hỗ trợ các nỗ lực hòa bình và hòa giải cho Afghanistan. Thông báo này đề cập việc ông McMaster ghi nhận những sự hy sinh của Pakistan trong cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan và khủng bố.

Đây là chuyến đi đầu tiên của ông McMaster tới khu vực này kể từ khi ông trở thành cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Donald Trump. Chuyến đi cũng được thực hiện sau khi có các tư lệnh quân đội Mỹ kêu gọi tăng quân lên hàng ngàn người, ngoài số 8.400 binh sĩ Mỹ đã có mặt ở Afghanistan, để giúp phá vỡ tình trạng "bế tắc" trong cuộc chiến chống Taliban.
Phát biểu với một đài truyền hình địa phương của Afghanistan sau khi kết thúc cuộc họp ở thủ đô Kabul, ông McMaster không bình luận về câu hỏi liệu một chiến lược mới mà chính quyền tổng thống Trump đề ra có bao gồm quyết định tăng cường lực lượng quân sự Mỹ ở Afghanistan hay không.

Cố vấn An ninh Quốc gia McMaster nói:

“Một phần của chiến lược mới sẽ do Tổng thống Trump quyết định. Tổng thống Trump sẽ quyết định về phương thức hành động tốt nhất để giúp thúc đẩy tiến bộ trong cuộc chiến và mang lại hòa bình và an ninh vững bền cho nhân dân Afghanistan."
Ông cũng có một thông điệp gửi tới các nhà lãnh đạo ở Pakistan, giữa lúc các giới chức Afghanistan tố cáo các phần tử nổi dậy Taliban đã lập căn cứ tại Pakistan và tiến hành các cuộc tấn công xuyên biên giới vào lãnh thổ Afghanistan với sự giúp đỡ của cơ quan tình báo Pakistan.

Các giới chức Pakistan bác bỏ những cáo buộc nói họ chứa chấp quân Taliban và khẳng định các hoạt động chống khủng bố gần đây đã phá huỷ cơ sở hạ tầng của khủng bố, đặc biệt là ở các khu vực biên giới. Islamabad nhấn mạnh rằng quân nổi dậy đã trốn sang hàng chục quận ở Afghanistan hiện đang do Taliban kiểm soát.
Những lời tố cáo lẫn nhau về việc bên nào chứa chấp các phần tử chủ chiến chống lại nhà nước và tài trợ các cuộc tấn công khủng bố ở nước kia, đã làm xấu đi mối quan hệ giữa Afghanistan và Pakistan trong những năm gần đây. - VOA

4
Iraq tố cáo IS sử dụng vũ khí hoá học ở Mosul

Các lực lượng Iraq tố cáo nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) là sử dụng vũ khí hoá học trong trận chiến nhằm chiếm tái chiếm toàn bộ thành phố Mosul từ tay của các chiến binh chống IS.
Hôm Chủ nhật một thông báo của quân đội Iraq viết: "Các băng đảng khủng bố Daesh (một tên gọi khác của Nhà Nước Hồi giáo) đã cố gắng chặn đà tiến của lực lượng quân đội chúng tôi bằng cách sử dụng hóa chất độc hại, nhưng hiệu quả rất hạn chế." 

Các giới chức Iraq không cho biết chi tiết loại khí độc có thể được sử dụng là gì, nhưng nói rằng những vết thương gây ra là không đáng kể. Nhà nước Hồi giáo chưa phản hồi về cáo buộc này.
Chiến dịch của các lực lượng Iraq để lấy lại thành phố Mosul từ tay Nhà nước Hồi giáo đã bước sang tháng thứ sáu. Quân đội Iraq đã nắm quyền kiểm soát ở miền đông Mosul vào đầu năm nay và bây giờ đang nhắm giành lại khu vực phía tây thành phố, bao gồm khu vực nơi toạ lạc đền thờ Hồi giáo al-Nuri, một biểu tượng quan trọng của phố cổ Mosul. - VOA

Tin Hoa Kỳ
5.
TT Trump lại tấn công Đảng Dân Chủ và truyền thông

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm thứ Hai lại tấn công hai mục tiêu ưa chuộng của ông: các thành viên Đảng Dân chủ đối lập và truyền thông đại chúng.

Trong một bình luận trên Twitter, ông Trump viết:
"90 ngày đầu tiên trong nhiệm kỳ của tôi đã phơi bày sự thất bại hoàn toàn của chính sách đối ngoại của 8 năm qua dưới quyền cựu Tổng thống Barack Obama. Đúng như vậy."

Ông Trump không đơn cử bất kỳ thành công cụ thể nào, nhưng trong hai tuần qua ông đã phát động một cuộc tấn công phi đạn vào Syria để trả đũa việc chính quyền nước này sử dụng vũ khí hoá học, điều mà ông Obama đã không làm. Ông Trump còn ca ngợi quân đội Mỹ đã sử dụng bom phi hạt nhân lớn nhất từ trước tới nay để phá hệ thống địa đạo của Nhà nước Hồi giáo ở Afghanistan.
Ông Trump, một ông nhà kinh doanh trở thành chính khách đảng Cộng hòa, cũng bình phẩm về một sản phẩm văn hóa, khi ông ca ngợi "một cuốn sách tuyệt vời dành cho người thích đọc sách". Sách hài dài hơn 260 trang mang tên "Những lý do để bỏ phiếu cho đảng Dân chủ: Cẩm nang đầy đủ".

Trong cuộc bầu cử Quốc hội dự kiến cho thứ Ba, ông Trump lập luận: "Một chính khách siêu Dân chủ Tự do... muốn bảo vệ bọn tội phạm, cho phép các cuộc nhập cư bất hợp pháp và ủng hộ tăng thuế!"
Trong một dòng nhắn khác trên Twitter, ông Trump viết: “Truyền thông Giả mạo (chứ không phải truyền thông chính danh) lại còn tồi tệ hơn kể từ sau cuộc bầu cử tới nay. Mỗi câu chuyện đều thiên vị. Chúng ta phải đưa buộc họ phải tôn trọng sự thật.”

Ông Trump trải qua lễ Phục Sinh cuối tuần tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông ở Florida, hôm thứ Hai ông đã trở lại thủ đô Washington để dự sự kiện nhân Lễ Phục Sinh hàng năm dành cho cho trẻ em và gia đình các em trên thảm cỏ Tòa Bạch Ốc. - VOA

6.
Mỹ: Biểu tình chống án tử hình ở Arkansas

Những người phản đối án tử hình đã tập trung trước trụ sở chính quyền của tiểu bang Arkansas ở miền Nam Hoa Kỳ để phản đối kế hoạch tử hình 7 người trước cuối tháng này.
Cuộc tuần hành của Liên minh Arkansas đòi bãi bỏ án tử hình diễn ra khi một thẩm phán liên bang xem xét liệu có đồng ý với yêu cầu của các tù nhân, đòi ngưng cuộc xử tử sắp tới.

Thẩm phán địa hạt Pulaski Wendell Griffen đã ngăn việc sử dụng một loại thuốc độc mà một nhà cung cấp nói rằng các quan chức đã có được bằng cách gây hiểu lầm.
Thẩm phán Griffen đã ban lệnh cấm tạm thời cho McKesson, một công ty cung cấp dịch vụ y tế từng nói rằng họ bán loại thuốc độc cho tiểu bang để phục vụ mục đích y tế chứ không phải cho việc tử hình.

Các cuộc hành quyết đầu tiên dự kiến diễn ra vào tối 17/4.
Tuy nhiên, theo Washington Post, hai thẩm phán hôm 15/4 đã ra hai phán quyết riêng rẽ, tạm thời cấm Arkansas tiến hành vụ xử tử bằng thuốc độc với các tù nhân trên. - VOA

Tin Việt Nam
7.
Chủ tịch Hà Nội sẽ 'đối thoại' với người dân Đồng Tâm

Chủ tịch thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung, sẽ gặp gỡ và đối thoại với người dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, vào ngày 18/4 để tìm cách giải quyết tranh chấp đất đai tại địa phương này.
VOA nhận được thông tin trên từ các luật sư Trần Vũ Hải và Lê Văn Luân. VOA rất tiếc là đã không liên lạc được với ông Chung - dù đã cố gắng - để có thông tin trực tiếp từ phía ông.

Xã Đồng Tâm, cách trung tâm Hà Nội hơn 30 km về phía tây nam, đang là điểm nóng tranh chấp đất đai, đặc biệt thu hút sự chú ý của công chúng sau khi người dân đụng độ với công an cách đây hai ngày.
Hôm 15/4, chính quyền tìm cách dùng vũ lực để thu hồi đất tại xã, dự kiến sau đó giao cho công ty viễn thông Viettel. Tuy nhiên, người dân đã chống trả quyết liệt, giữ lại 22 lính cảnh sát cơ động, không cho ra khỏi xã. Đồng thời, người dân cáo buộc chính quyền đã bắt đi một số người của xã. 

Luật sư Hải cho hay ông cùng hai luật sư khác là Lê Văn Luân và Nguyễn Hà Luân đã đến xã vào sáng 17/4. Theo mô tả của ba luật sư, bên trong xã “không có gì xáo trộn” và mọi sinh hoạt vẫn diễn ra “bình thường”. 
Tuy nhiên, khi trao đổi ý kiến với người dân về vấn đề đất đai, các luật sư cảm nhận được “sức nóng trực tiếp của bà con”.
Ba ông đã kết nối điện thoại để đại diện người dân nói chuyện với Chủ tịch Nguyễn Đức Chung trong khoảng một tiếng.

Về những điểm chính trong ý kiến của chủ tịch thành phố Hà Nội, luật sư Hải cho VOA biết:
“Thông điệp của thành phố Hà Nội thì họ có nói rõ ràng là đề nghị bà con tìm mọi cách trả tự do cho các chiến sĩ cơ động. Hai là họ cũng hứa giải quyết việc này một cách triệt để. Những cán bộ nào sai sẽ bị xử lý và những vụ việc tồn đọng sẽ được giải quyết. Ông Chung sẽ đứng ra quan tâm và giải quyết theo thẩm quyền của ông. Tuy nhiên, công việc này còn đòi hỏi thời gian. Đối với việc của công an, bắt giữ có lệnh hay không thì ông sẽ đề nghị thanh tra của công an vào cuộc xem xét. Về Viettel, liên quan đến anh bộ đội tham gia làm việc với người dân, họ cũng đề nghị Bộ Quốc phòng xem xét, ông Chung ông nói thế. Ngoài ra, ông nói rằng nếu người dân có làm sai gì thì ‘tôi là lãnh đạo thành phố, tôi cũng không thể làm khác được, cũng phải xử lý pháp luật. Tuy nhiên, chúng tôi rất muốn sự hợp tác, xem xét giảm nhẹ tối đa’. Và ông nói cái điều đó trong cuộc điện thoại với tất cả mọi người, mọi người đều nghe rõ”.

Trong cuộc nói chuyện, ông Chung nói chính quyền sẽ thả toàn bộ những người dân bị bắt, riêng một cụ ông tên là Kình cần ở lại bệnh viện Việt Đức vì bị rạn xương trong quá trình bị bắt giữ. Ít giờ sau cuộc điện thoại, chính quyền đã thả người đúng như lời ông Chung.

Về phía người dân Đồng Tâm, họ vẫn đang giữ các lính cảnh sát cơ động và đối xử tốt với những người lính đó. Ba luật sư xác nhận rằng không có chuyện người dân tẩm xăng vào những người này.
Người dân cũng muốn cụ Kình trở về nhà để đảm bảo rằng chính quyền thực sự không cầm giữ cụ. Luật sư Hải cho biết thêm về lý do vì sao người dân suy nghĩ như vậy:

“Chỗ bệnh viện Việt Đức có đề nghị là ông chưa được về và cần được khám. Lãnh đạo Hà Nội, ông [Bí thư] Hải với cả ông [Chủ tịch] Chung, cũng thiết tha đề nghị như vậy, do là cụ nói cụ bị gẫy xương. Thế nhưng bà con rất muốn ông về vì hiện nay họ đã mất lòng tin từ chính quyền xã huyện, v.v… và họ nói họ bị lừa nhiều lần rồi. Chúng tôi [ba luật sư] cũng giải thích là cụ cần ở bệnh viện hoặc ở lại làm việc với lãnh đạo thành phố là cũng có thật. Bản thân cụ cũng gọi điện thoại mấy lần như vậy. Nhưng nhân dân chưa tin. Nhân dân vẫn yêu cầu là cụ phải về, để nhân dân thấy đúng là như vậy, rồi sau đó cụ tiếp tục đi. Nhưng mà đang nằm bệnh viện thì bác sĩ họ phải là người quyết định. Tôi cũng chỉ đề nghị là người dân thận trọng xem xét”.

Tranh chấp đất đai ở xã Đồng Tâm đã kéo dài khoảng 10 năm nay. Người dân tố cáo lãnh đạo địa phương “tham nhũng đất đai” cũng như “nhập nhèm” trong việc đo đạc ranh giới giữa đất nông nghiệp và đất quốc phòng. Người dân đã khiếu kiện nhiều năm nhưng các cơ quan có trách nhiệm không đưa ra một kết luận rõ ràng.
Vụ xô xát nổ ra ngày 15/4 là đỉnh điểm của những mâu thuẫn khi chính quyền muốn giao 47 hectare đất cho Viettel. Chính quyền nói đó là đất quốc phòng, song người dân khẳng định đó là đất nông nghiệp họ đã sử dụng, canh tác trong hàng chục năm qua.

Luật Việt Nam không công nhận quyền sở hữu đất của các cá nhân mà họ chỉ có “quyền sử dụng đất”, trong khi luật trao cho chính quyền quyền thu hồi đất “để phát triển các dự án kinh tế quan trọng”.
CẬP NHẬT: Theo Luật sư Trần Vũ Hải, hồi 10 giờ tối ngày 17/4, ông Hải đã nhận được điện thoại từ Chủ tịch huyện Mỹ Đức, Nguyễn Văn Hoạt, thông báo rằng người dân Đồng Tâm đã để "15 cán bộ, chiến sỹ về với gia đình". - VOA

8.
Tạm dừng dự án thép Cà Ná

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tỉnh Ninh Thuận nên tạm dừng đề xuất dự án xây dựng nhà máy thép ở Cà Ná do Tập đoàn Hoa Sen làm chủ đầu tư.
Hãng AP loan tin dẫn nguồn từ những đối tượng quan tâm môi trường.

Đề nghị vừa nêu của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đưa ra tại cuộc họp Thường trực Chính phủ tháng 3. Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu chính quyền tỉnh Ninh Thuận cần tính toán lỹ lưỡng nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu về mặt hàng thép để có quyết định thích hợp về quy mô, tổng vốn đầu tư, công suất và thời điểm phát triển dự án thép Cà Ná.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh cần đánh giá kỹ lưỡng về công nghệ và thiết bị của dự án thép Cà Ná để đảm bảo an toàn cho môi trường, không để xảy ra sự cố như nhà máy thép Hưng Nghiệp Formosa trước đây.

Mặc dù thảm họa môi trường biển khu vực 4 tỉnh Bắc miền Trung do nhà máy thép Formosa xả thải có độc tố ra biển hồi đầu tháng 4 năm 2016; Bộ Công thương, vào ngày 25 tháng 8 năm 2016, ra quyết định số 3516/QĐ-BCT chấp thuận Dự án “Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận”, do Tập đoàn Hoa Sen làm chủ đầu tư với mục tiêu góp phần vào hệ thống sản xuất và phân phối thép giai đoạn 2020-2025 của Việt Nam.

Hãng thông tấn AP liên lạc với tập đoàn Hoa Sen sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị tạm dừng dự án thép Cà Ná và được cho biết người phát ngôn của công ty bận việc nên không thể đưa ra nhận định nào liên quan đề nghị này. - RFA

9.
Trang Ba Sàm ‘chính thức chia tay’ ngày 20 tháng Tư

Ba Sàm - một trong những trang web tiếng Việt nổi tiếng và rất đông độc giả sẽ ngưng hoạt động, “chính thức chia tay” từ ngày 20 tháng Tư, 2017, sau gần 10 năm hoạt động.
Theo “Lời Chia Tay” được đăng trên trang Ba Sàm thì bà Đinh Ngọc Thu - Biên Tập Viên Điều Hành trang web này - đã kiệt sức vì “kể từ tháng 6 năm 2011 đến nay, trung bình mỗi ngày làm việc hơn 10 tiếng, mỗi tuần đủ bảy ngày, mỗi tháng đủ 30 ngày, không ngưng nghỉ, không thù lao, ròng rã như thế cũng đã gần sáu năm”. Sau một thời gian dài “cố gắng góp một phần công sức, thời gian, giữ cho Ba Sàm sống sót”, bà Thu quyết định ngưng làm việc vì “ngoài nghĩa vụ với quê hương của mình, tôi còn phải chu toàn nghĩa vụ với nhiều người thân khác”.

Bà Thu đã xác nhận với VOA Việt ngữ về “quyết định ngưng hoạt động” và lý do thì “như đã nêu trong Lời Chia Tay”.
Trang Ba Sàm ra đời vào tháng Chín, 2007 dưới hình thức blog, giới thiệu các bài báo, bài chuyển ngữ của blogger “Anh Ba Sàm,” tên thật là Nguyễn Hữu Vinh.
Sau đó một thời gian, trang Ba Sàm có thêm mục điểm tin tức hàng ngày và là nơi đăng nhiều bài vở do các cộng tác viên đóng góp.

“Anh Ba Sàm” Nguyễn Hữu Vinh – một cựu sĩ quan công an, Đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam bị “bắt khẩn cấp” cùng với một cộng sự là bà Nguyễn Thị Minh Thúy vào ngày 5 tháng Năm 2014, với cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước”. Trong phiên xử sơ thẩm hồi tháng Ba, 2016, “Anh Ba Sàm” Nguyễn Hữu Vinh bị phạt 5 năm tù.

Việc bắt giữ, phạt tù “Anh Ba Sàm” Nguyễn Hữu Vinh bị nhiều tổ chức quốc tế, chính phủ nhiều quốc gia chỉ trích.

Trả lời thêm về quyết định đóng cửa trang Ba Sàm, bà Thu bảo rằng: “Cảm xúc rất khó tả”. Suốt 6 năm qua, lý do duy nhất khiến bà “không đành buông bỏ, dù đã có hàng chục lần bảo với lòng, hứa với gia đình, sẽ dứt áo ra đi” là độc giả. Năm 2016, số lượng truy cập vào trang Ba Sàm khoảng 57 triệu lượt, trung bình 6 triệu lượt truy cập/tháng.
Bà Thu kể đã nhận được rất nhiều email, message cám ơn, trong đó có cả những đề nghị hỗ trợ, những lời kêu gọi tìm cách duy trì trang Ba Sàm và tất nhiên có cả những chỉ trích. Đối với những chỉ trích, bà Thu bảo: “Họ nghĩ sao thì đó là chuyện của họ.” - VOA

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét