Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 4 tháng 4, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Ba 4/4 - Lê Minh Nguyên

IS: Mỹ đang bị điều hành bởi ‘thằng ngốc’
Nhà nước Hồi giáo (IS) hôm thứ Ba (4/4) nói rằng nước Mỹ đang bị nhấn chìm và bị điều hành bởi “một thằng ngốc”.<!>
Trong lời bình luận đầu tiên của IS về Tổng thống Donald Trump kể từ khi ông lên nhậm chức, người phát ngôn của IS nói “Nước Mỹ các người đang bị nhấn chìm mà không có cứu cánh, các người đã trở thành con mồi cho các chiến binh của đế chế Hồi giáo khắp nơi trên thế giới, các người đã bị kiệt quệ và dấu hiệu diệt vong của các người hiển hiện rõ mồn một.”

“…Mọi bằng chứng đều cho thấy các người đang được dẫn dắt bởi một thằng ngốc, không biết gì về Syria, Iraq hay đạo Hồi,” người phát ngôn của IS chỉ trích trong đoạn ghi âm phát trên mạng Telegram hôm 4/4.

Tổng thống Trump đã đặt mục tiêu đánh bại IS là ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ của ông.

Các lực lượng do Mỹ hậu thuẫn đang chiến đấu giành lại hai thành phố lớn nhất của Nhà nước Hồi giáo là Mosul ở Iraq và Raqqa ở Syria.
Tổng thống Trump đang nghiên cứu các biện pháp để thúc đẩy chiến dịch liên minh do Hoa Kỳ dẫn đầu mà các quan chức Mỹ và Iraq nói rằng phần lớn thành công trong việc triệt hạ các chiến binh Hồi giáo ở Iraq và Syria.
Mất Mosul, thành trì lớn cuối cùng của IS ở Iraq, là một thất bại lớn đối với Nhà nước Hồi giáo. - VOA

2.
Ngoại Trưởng Mỹ sẽ gặp Ngoại Trưởng các nước ASEAN

Ngoại trưởng các nước Đông Nam Á theo dự kiến sẽ gặp Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Rex Tillerson, quyền Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Enrique Manalo cho biết hôm thứ Ba.
Hãng tin ABS-CBN trích lời ông Manalo nói chuyện với truyền thông nước ngoài, nói rằng các Bộ trưởng ASEAN hy vọng sẽ có một cuộc gặp với Ngoại Trưởng Tillerson, theo ông thì đây là điều chắc chắn, “chỉ cần thu xếp lịch trình làm việc.”

Ông Manalo nói:

“Philippines đang tìm cách duy trì liên lạc nhằm tăng cường hợp tác song phương với Hoa Kỳ, và ở cấp khu vực, với các nước ASEAN.”
Trang mạng tin tức Philstar của Philippines dẫn lời nhà ngoại giao cấp cao của Philippines nói chính phủ của ông đang xem xét các cơ hội hầu “tăng cường các cuộc thảo luận giữa Philippines và Hoa Kỳ” sau cuộc đối thoại giữa Tổng thống Rodrigo Duterte và Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi đầu năm nay.

Ông Manalo miêu tả quan hệ Mỹ-Philippines là “vẫn mạnh và năng động.”
Trước khi ông Trump lên làm Tổng thống, ông Duterte đã tỏ thái độ thù nghịch với Washington, sau khi Mỹ chỉ trích chiến dịch bài trừ ma tuý đẫm máu của ông Duterte. Ông không ngớt lời chỉ trích Washington, đồng minh truyền thống của Philippines, và có những động thái xích lại gần Moscow và Bắc Kinh.
Sau khi ông Trump lên làm Tổng thống, lập trường bài Mỹ của ông Duterte đã được xoa dịu phần nào. Ông Duterte đã ngỏ lời mời nhà lãnh đạo Mỹ đến dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN tổ chức ở Manila năm nay, trong khi Philippines nắm chức Chủ tịch luận phiên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm nay. - VOA

3.
Asean và TQ 'đạt tiến bộ trong đàm phán COC'

Quyền Ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo nói Trung Quốc và khối Asean đã đạt tiến bộ trong đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC), theo hãng tin Reuters.
Đây là phát ngôn đầu tiên từ giới chức của một nước Asean sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố hồi đầu tháng Ba rằng Trung Quốc và 10 nước trong khối "đã đạt được bản dự thảo đầu tiên của COC" và hài lòng với dự thảo này.

Tuần trước đại sứ Việt Nam ở Kuwait Nguyễn Hồng Thao, trong một bài viết dưới tư cách học giả về Biển Đông, chỉ nhận xét rằng tuyên bố của Ngoại trưởng Vương được đưa ra một cách "đột ngột" (suddenly).

Ông Thao cũng viết: "Cùng lúc, bên ngoài phòng đàm phán là bức tranh khác hẳn".
Các hoạt động khẳng định chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông vẫn đang diễn ra không ngừng nghỉ. Mới nhất, tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Á châu (AMTI) công bố hình ảnh thu được từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang chuẩn bị hoàn tất cơ sở quân sự trên ba đảo nhân tạo mà nước này xây cất, sẵn sàng có thể triển khai quân đội.

Philippines-Trung Quốc 'sẽ đàm phán song phương'

Quyền Ngoại trưởng Enrique Manalo là quan chức nước Asean đầu tiên phá vỡ im lặng về cái được gọi là dự thảo COC Asean-Trung Quốc.
Ông nói: "Chúng tôi đã đạt được tiến bộ tốt trong đàm phán bộ khung cho COC với Trung Quốc". 
Cụ thể, theo ông Manalo, hai bên đã đi được hơn nửa đường.

"Nếu trên thang từ 1-10 thì chúng tôi đã ở nửa trên từ con số không hồi tháng Một. Hai bên đã thống nhất được một số yếu tố và chắc chắn là chúng tôi đã có được bộ khung để từ đó đàm phán nghiêm túc về bản COC."

Ông Enrique Manalo cho hay các nhà đàm phán Trung Quốc và Asean đã có các cuộc gặp tại Indonesia và Campuchia trong hai tháng vừa qua để chuẩn bị dự thảo COC và dự thảo này có thể sẽ được thông qua tại cuộc họp ngoại trưởng Asean ở Manila, Philippines, vào tháng Tám tới.
Philippines và Trung Quốc dự tính gặp gỡ song phương vào tháng tới để bàn các vấn đề liên quan Biển Đông.
Reuters nói có hai nước có cơ chế thảo luận song phương với Trung Quốc là Philippines và Việt Nam.
Điều này dường như mâu thuẫn với tuyên bố về mặt chính thức xưa nay của Việt Nam, rằng họ muốn quốc tế hóa chủ đề Biển Đông. - BBC
4.
Philippines đau đầu giữa 'viện trợ' và 'chủ quyền'

Ngư dân Philippines ở tuyến đầu cuộc tranh chấp lãnh hải đầy cay đắng ở Biển Đông nói trữ lượng hải sản trong vùng biển này đã giảm đi nhiều, một phần vì tàu Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam thường xuyên xâm phạm vùng biển thuộc lãnh hải Philippines, trong khi Manila không có cách gì để ngăn chận các vụ xâm nhập đó. Thông tín viên Ralph Jennings gửi về bài tường trình chi tiết sau đây.
Số lượng cá ở ngoài khơi vùng duyên hải Masinloc, thành phố Philippines gần nhất với bãi cạn Scarborough đã giảm khoảng 50% tính từ năm 2010. Bắc Kinh và Manila đã tranh chấp chủ quyền tại vùng biển này từ năm 2012.

Những khó khăn tại một bán đảo vốn đã nghèo khó nơi cư dân hầu như hoàn toàn lệ thuộc vào biển để có kế sinh nhai, có thể tăng sức ép với Tổng thống Rodrigo Duterte hoặc là phải củng cố quan hệ hữu nghị mới với Trung Quốc, hoặc nữa, phải mời hải quân Mỹ trở lại để tiếp tục tuần tiễu các vùng duyên hải hầu có thể chặn tàu bè nước ngoài.
Theo ông Franklin Cattigay, chỉ huy Đội tuần duyên Philippines thì hiện Trung Quốc hầu như hoàn toàn kiểm soát bãi cạn có diện tích 150 cây số vuông này, một ngư trường phong phú nằm cách Masinloc khoảng 198 km.

Ông Cattigay nói tàu đến từ Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam dùng kỹ thuật ‘trái phép’ như thuốc nổ, hay những ngọn đèn sáng rực chiếu vào ban đêm để nhữ cá. 
Chỉ về hướng Biển Đông từ nơi làm việc lộ thiên của ông bên cạnh chợ cá Masinloc, Chỉ huy trưởng đội tuần duyên Philippines nói:

“Tàu đến từ Trung Quốc qua lại tại đây như chốn không người, trong khi họ không được phép của Philippines. Người Tàu, người Đài Loan, người Việt Nam, đều có mặt tại đó.”

Ông nói tiếp:

“Ngày nay trữ lượng cá không còn như trước, bây giờ nguồn cá suy giảm bởi vì có quá nhiều người tới đánh bắt trái phép, đặc biệt là những người đến từ các nước khác sử dụng các ngọn đèn cực mạnh.”
Sự kiện nguồn cá giảm sút cộng với sức ép từ Trung Quốc đã khiến rất nhiều người trong số 300 ngư dân đã dăng ký hành nghề phải tìm đến những vùng biển trải dài theo bờ biển Philippines, hoặc bị buộc phải đánh bắt những mẻ lưới cá nhỏ hơn.

Trong một thành phố có 49,000 dân, chỉ có 3 tàu Philippines đến từ Masinloc, mỗi chiếc 40 người, là thường xuyên đánh bắt chung quanh bãi cạn Scarborough , theo một nhân viên làm việc cho Phòng ngư nghiệp thành phố, xin giấu danh tính. Thành phố Masinloc cho biết là không yêu cầu ngư dân lánh xa bãi cạn Scarborough nhưng nhiều người vẫn tránh khu vực này vì những rủi ro của nó.
Trung Quốc có hai tàu tuần duyên tại bãi cạn Scarborough và dùng các tàu đó để chận, không cho người Philippines tiến vào vùng biển này, theo ngư dân Philippines. Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough từ năm 2012, một bãi cạn chỉ thấp thoáng nhô trên những ngọn sóng, sau một cuộc đối đầu căng thẳng với Philippines đã phương hại tới các quan hệ song phương, mãi cho tới khi ông Duterte lên nắm quyền vào tháng Sáu năm 2016.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên 90% diện tích Biển Đông nói chung, kể cả các tuyên bố chủ quyền chồng lấn trong khu đặc quyền kinh tế của Philippines trải dài từ đảo Luzon của thành phố Masinloc tới phía Nam đảo Palawan.
Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền của vùng biển giàu tài nguyên rộng 3,5 triệu km vuông. Việt Nam đòi chủ quyền một vùng biển nhỏ hơn, nhưng như Trung Quốc, đã bồi đắp đất và xây dựng trên các đảo nhỏ gần ngư trường truyền thống của Philippines và địa điểm dò tìm nhiên liệu hoá thạch dưới biển.

Tàu cá Việt Nam đã được trông thấy cách bờ biển Philippines khoảng 48 km, theo lời một nhân viên của Hội đồng Thành phố Philippines.
Ngư dân Roy Sevilla, 34 tuổi, đã hành nghề đánh cá trong 20 năm nay, anh chỉ ra biển về hướng tây-bắc từ nơi neo tàu của anh, nói:

“Chạy hai tiếng ra biển là thấy người Việt, 5 chiếc tàu đánh bắt cá và mực. Đấy.”

Đánh bắt cá gần bờ biển thành phố nằm về hướng tây-bắc Manila chỉ thu gom được khoảng 3 tấn cho mỗi chuyến ra khơi, so với từ 10 đến 15 tấn thường kiếm được tại bãi cạn Scarborough, theo Butch Ortega, một cụ ông ngư dân. Ông than van:
“Có tàu Trung Quốc tuần tiễu ở đó nên chúng tôi không đến đó đánh bắt cá được.”

Chính sách của Tổng thống Duterte xích lại gần Trung Quốc, theo ông Ortega, không bàn tới quyền của ngư dân Philippines được tiếp cận bãi cạn Scarborough.

Hồi tháng trước, Tổng thống Philippines nói nước ông không cách nào có thể đánh lại Trung Quốc nếu Bắc Kinh tiến hành kế hoạch xây một trạm quan trắc trên bãi cạn này, như lời tường thuật của truyền thông Trung Quốc. Ông Duterte cũng chưa có hành động nào về đề xuất do ông loan báo hồi năm ngoái, tuyên bố bãi cạn Scarborough là một khu bảo tồn biển.
Bắc Kinh theo chương trình sẽ tuyên bố lệnh cấm đánh bắt cá trên hầu hết Biển Đông, có hiệu lực từ tháng 5 cho tới tháng 8. Cư dân địa phương nói có phần chắc họ sẽ không tuân thủ lệnh này, và Trung Quốc thường không xua đuổi tàu của họ ra khỏi các vùng biển đang trong vòng tranh chấp bên ngoài bãi cạn.

Nhưng hải quân và đội tuần duyên Trung Quốc, củng với các tàu đánh cá Trung Quốc có khả năng thống trị cả vùng biển theo những cách mà các nước khác cũng tuyên bố chủ quyền “không có cơ may gì có thể sánh kịp”, theo ông Greg Poling, Giám Đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington (CSIS).

Ông Poling khuyến cáo rằng Philippines, đảo Borneo và quần đảo Natuna của Indonesia sẽ chịu áp lực khi lệnh đánh bắt cá của Trung Quốc được thực thi. Malaysia và Brunei tranh giành với Trung Quốc quyền khai thác các giải biển nằm về hướng Bắc của Borneo.
Ông Poling nói:

“Họ (người Trung Quốc) sẽ tràn ngập các vùng biển ngoài khơi Borneo và quần đảo Natuna, và chắc chắn sẽ đẩy bật người Philippines ra khỏi những nơi như bãi cạn Scarborough. Điều mà người Trung Quốc muốn ở đây là dân vùng Đông Nam Á phải ngưng chống cự, và chấp nhận trật tự thế giới mới ở Châu Á xoay quanh Trung Quốc, và tôn trọng ‘các quyền lịch sử’ của Trung Quốc.”

Chỉ huy đội tuần duyên Philippines cho biết một hội đoàn các tàu cá của tỉnh Zambales, bao gồm thành phố Masinloc, đã thảo một nghị quyết gửi lên Tổng thống Duterte. Họ muốn Tổng thống Duterte hãy để các tàu hải quân Mỹ trở lại để giúp Philippines tuần tra các vùng duyên hải, bởi vì về mặt quân sự, Philippines không sao có thể chống cự lại Trung Quốc.
Ông kêu gọi Washington giúp đỡ nhiều hơn bởi vì đội tuần duyên Philippines đơn độc và thiếu tài nguyên để có thể tuần tra các tàu nước ngoài.
Giới phân tích nói thắt chặt quan hệ với Trung Quốc có thể giúp Philippines nhận viện trợ và đầu tư của nước này, tuy nhiên rốt cuộc có thể làm dân Philippines giận dữ, bởi vì họ muốn lãnh đạo Philippines trên hết phải bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia. - VOA

5.
Liệu ông Trump có giải quyết được Bắc Triều Tiên?

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson sẽ tới Liên Hợp Quốc cuối tháng này và lần đầu tiên chủ trì một cuộc họp cấp Bộ trưởng của Hội đồng Bảo an về việc kìm chế chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên, một ưu tiên hàng đầu của chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Trước cuộc họp này, Tổng thống Trump đã tuyên bố Trung Quốc có ảnh hưởng lớn đối với Bắc Triều Tiên cả về kinh tế lẫn chính trị và ông muốn Chủ tịch Tập Cận Bình giúp Hoa Kỳ phi hạt nhân hóa quốc gia Đông Bắc Á. Nếu lãnh đạo Trung Quốc không làm như vậy, ông Trump nói ông có thể giải quyết vấn đề mà không cần có Bắc Kinh.

Tuy nhiên, Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên hiệp quốc Nikki Haley khi trả lời phỏng vấn trên đài ABC cuối tuần rồi lại có quan điểm mâu thuẫn với Tổng thống Trump.
“Để chứng tỏ họ quan tâm đến mức nào…, họ phải gây áp lực lên Bắc Triều Tiên. Trung Quốc là quốc gia duy nhất có thể ngăn chặn Bắc Triều Tiên và họ biết điều đó.”

Bà Haley với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng này, cho biết trọng tâm của cuộc họp vào ngày 28 tháng 4 sẽ phụ thuộc rất nhiều vào kết quả cuộc thảo luận giữa ông Tập và ông Trump tại khu nghỉ mát của Tổng thống ở Palm Beach, Florida.
“Hoa Kỳ đã nhìn thấy Trung Quốc trong hơn 25 năm qua nói rằng họ đang quan tâm đến vấn đề Bắc Triều Tiên nhưng chúng tôi đã không nhìn thấy họ hành động theo cách họ có quan tâm,” bà trả lời ABC. "Chính quyền này muốn thấy họ hành động, và tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ gây áp lực lên Trung Quốc để họ làm điều đó.”
Khi phóng viên hỏi rằng Hoa Kỳ sẽ làm gì nếu Trung Quốc không chịu hợp tác, thì bà Haley nhấn mạnh rằng: “Họ sẽ phải hợp tác”. - VOA

6.
Hàng không Iran mua 30 máy bay Boeing

Hãng sản xuất máy bay Mỹ Boeing hôm thứ Ba cho biết họ đã đồng ý bán 30 máy bay phản lực 737 MAX cho hãng hàng không Aseman của Iran, thương vụ này có trị giá 3 tỷ đôla.
Đây là thương vụ thứ nhì của Boeing thực hiện được nhờ vào thỏa thuận hạt nhân năm 2015 do cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama ký kết để dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Iran. Hồi tháng 12 năm ngoái, IranAir đã ký hợp đồng trị giá 16,6 tỷ đôla với Boeing để mua 80 máy bay.

Trong một tuyên bố, hãng sản xuất máy bay của Mỹ nói: "Boeing xác nhận việc ký kết biên bản ghi nhớ với Iran Aseman Airlines, theo đó hãng hàng không dự định mua 30 chiếc máy bay Boeing 737 MAX với giá niêm yết là 3 tỷ đôla. Biên bản cũng trao cho hãng hàng không quyền mua thêm 30 chiếc 737 MAX".
Aseman Airlines dự kiến sẽ bắt đầu nhận máy bay vào năm 2022, mặc dù thoả thuận này vẫn còn chờ chính phủ Hoa Kỳ chuẩn thuận.

Thỏa thuận hạt nhân hạn chế năng lực hạt nhân của Iran, đổi lại, các biện pháp trừng phạt kinh tế quốc tế được dỡ bỏ. Trong chiến dịch tranh cử của ông, Tổng thống Donald Trump đã chỉ trích thậm tệ thỏa thuận này và nói ông muốn đàm phán lại.
Aseman Airlines phục vụ các tuyến bay nội địa và quốc tế từ Iran. Vào tháng 12 năm ngoái, Liên hiệp châu Âu cấm hãng hàng không này hoạt động trong khu vực EU, viện lý do an toàn.
Boeing cho biết hợp đồng này dự kiến sẽ tạo ra hoặc duy trì được 18.000 việc làm. - VOA

7.
Hungary thông qua luật 'đóng cửa Đại học Soros'

Hungary thông qua dự luật cho phép dừng hoạt động của trường đại học do doanh nhân George Soros sáng lập.
Quốc hội đã bỏ phiếu ủng hộ dự luật hạn chế các đại học nước ngoài hoạt động tại Hungary.

Mục tiêu chính được cho là Đại học Trung Âu và nhà sáng lập George Soros.
Chính phủ Thủ tướng Viktor Orban đã phê phán mạnh mẽ trường này. 
Thủ tướng Orban không thích các tổ chức phi chính phủ mang quan điểm tự do, được một phần tài trợ của ông Soros, 86 tuổi. 
Dự luật mới đòi hỏi đại học nước ngoài phải có trụ sở ở cả Hungary và ở quốc gia gốc.

Đại học Trung Âu chỉ đặt ở Budapest.

Trường này thành lập ở Budapest năm 1991, và có 1.400 sinh viên.
Dự luật được xem là nhắm vào George Soros, người gốc Hungary, thường bị Thủ tướng Orban chỉ trích.
Bộ ngoại giao Mỹ trước đó kêu gọi Hungary rút lại dự luật. - BBC

8.
Nga: Nghi phạm vụ St Petersburg 'từ Kyrgyzstan' --- Nga: Mục tiêu hàng đầu của khủng bố Hồi Giáo?

Vụ nổ bom tàu điện ngầm tại St Petersburg có thể có thủ phạm là kẻ đã chết trên tàu, theo ủy ban điều tra nhà nước Nga.
Thông cáo của ủy ban này nói thiết bị gây nổ "có thể là của một người đàn ông, mà một phần thi thể tìm thấy trên toa tàu thứ ba".
Trước đó, an ninh Kyrgyzstan nói nghi phạm nổ ga tàu điện ngầm St Petersburg khiến 11 người thiệt mạng mới ngoài 20 tuổi và đến từ Kyrgyzstan.

Cơ quan an ninh Kyrgyzstan xác định người đánh bom là Akbarzhon Jalilov, sinh ở Osh năm 1995.

Ít nhất 45 người bị thương trong vụ nổ giữa hai ga tàu điện ngầm chiều 3/4.
Một thiết bị nổ khác được tìm thấy và được tháo kíp an toàn tại một ga gần đó.
Interfax và Tass cho hay nghi phạm đã được nhận dạng, nhưng có những báo cáo trái ngược nhau về việc liệu ông ta có phải là kẻ đánh bom tự sát hay không.

Nhà chức trách Saint Petersburg tuyên bố ba ngày tang cho các nạn nhân.

Tổng thống Vladimir Putin, người đang ở thành phố này khi vụ nổ xảy ra, đã đến hiện trường tối 3/4 và đặt hoa viếng các nạn nhân.
Các nhà điều tra Nga mô tả vụ nổ nghi là "hành động khủng bố", nhưng chỉ vài chi tiết được công bố. Chưa có nhóm nào nhận trách nhiệm.
Thủ tướng Dmitry Medvedev cho biết trên Facebook rằng vụ nổ là một "cuộc tấn công khủng bố".
Các nhà lãnh đạo thế giới cùng lên án vụ nổ. Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump miêu tả đây là "điều kinh hoàng" trong khi Thủ tướng Đức Angela Merkel nói đó là một "hành động man rợ".

Federica Mogherini, Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại của EU tuyên bố khối này chia sẻ nỗi đau với người dân Nga.
Những hình ảnh đầu tiên từ hiện trường cho thấy một chuyến tàu tại ga Tekhnologichesky Institut với một lỗ thủng lớn và những hành khách bị thương nằm la liệt trên sàn.

Các báo cáo ban đầu cho biết có hai vụ nổ, một vụ tại ga Sennaya Ploshchad và một tại ga Tekhnologichesky Institut.
Tuy nhiên, Ủy ban chống khủng bố quốc gia Nga sau đó xác nhận chỉ có một vụ nổ giữa hai trạm, vào khoảng 14:30 giờ địa phương.

Viên chức điều tra Svetlana Petrenko nói với truyền thông Nga rằng người lái tàu quyết định chạy tiếp đến ga kế nhằm cứu sống và giải cứu nhanh nhiều người.

Ai có thể đứng sau vụ nổ? 

Frank Gardner, Phóng viên An ninh của BBC, phân tích: 
"Nhà chức trách Nga rất thận trọng trước khi quy trách nhiệm vụ nổ tàu điện ngầm. 
Một báo cáo trước đó của bộ trưởng tư pháp cho hay đó là hành động khủng bố đã nhanh chóng bị rút lại.
Tổng cục An ninh Liên bang Nga FSB sẽ xem xét băng ghi hình của camera an ninh và dư lượng chất nổ để tìm manh mối.

Mối nghi ngờ của họ nhiều khả năng tập trung vào hai nghi phạm chưa được khẳng định. 
Một là nhóm lấy cảm hứng từ IS tức giận vì những cuộc không kích gần đây của Nga ở Syria. 
Hai là những người theo chủ nghĩa dân tộc Chechnya (hoặc thậm chí là cả hai).

Các chiến binh Chechnya và các phần tử thánh chiến quốc tế từng lên kế hoạch tấn công các nhà ga tại Nga, nhất là ở Moscow. 
Khoảng 7.000 người Nga đã đến Syria để tham gia các nhóm cực đoan - và một số đã về nước". - BBC

***
Hiện hãy còn quá sớm để khẳng định rằng vụ nổ ở St-Petersbourg ngày 03/04/2017 là do một tổ chức Hồi Giáo cực đoan gây ra, nhưng việc nước Matxcơva can thiệp vào Syria chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo Daech khiến Nga có thể sẽ thay thế Hoa Kỳ để trở thành mục tiêu hàng đầu của khủng bố Hồi Giáo cực đoan, theo dự báo của các chuyên gia về khủng bố.

Cho tới nay, phần lớn các vụ tấn công khủng bố ở Nga là có liên quan đến Tchetchnia và các nước Cộng hòa khác ở vùng Kavkaz. Nhưng tình hình đã bắt đầu thay đổi kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch không kích vào Syria hồi tháng 09/2015. Trong vụ bắn rơi một máy bay của Nga bay từ Ai Cập đến St-Petersbourg vào tháng 10/2015, khiến toàn bộ 224 người trên máy bay thiệt mạng, tổ chức Daech đã lên tiếng nhận trách nhiệm.

Tuy chiến dịch không kích của Nga thật ra là nhằm yểm trợ cho chế độ Bachar al-Assad hơn là nhắm vào lực lượng Nhà Nước Hồi Giáo ở Syria, nhưng trong một đoạn video phổ biến trên mạng gần đây, một chiến binh người Nga của Daech đã đe dọa trực tiếp tổng thống Vladimir Putin, để trả đủa việc ông đã tung chiến dịch can thiệp vào Syria và yểm trợ cho chế độ Damas.
Theo các nguồn tin được tờ nhật báo Izvestia trích dẫn, những kẻ ra lệnh và những kẻ tiến hành vụ nổ ở St-Petersbourg là thuộc một tổ khủng bố « nằm vùng » ở châu Âu. Thông tin này chưa được xác nhận, nhưng rõ ràng là nếu Raqa, thành trì cuối cùng của lực lượng Nhà Nước Hồi Giáo rơi vào tay lực lượng chính phủ Damas, các chiến binh nước ngoài có thể sẽ trở về nước để tiếp tục thánh chiến.
Theo thống kê của cơ quan FSB, có ít nhất 7000 công dân của các nước thuộc Liên Xô cũ, trong đó có 3.900 người Nga (chiếm số đông nhất trong lực lượng chiến binh nước ngoài) và 600 người Kirghizstan, đã gia nhập các lực lượng thánh chiến, nhất là lực lượng Nhà Nước Hồi Giáo ở Syria. Một số chiến binh này có thể sẽ quay trở về Nga để tiến hành khủng bố trả thù. Cho nên, thông tin cho rằng tác giả vụ khủng bố St-Petersbourg là người Kirghizstan có thể đúng.

Kirghizstan là một quốc gia nhỏ ở vùng Trung Á, có đa số dân là Hồi Giáo và có rất nhiều người sang Nga để làm công nhân. Chính quyền Matxcơva từ lâu vẫn lo ngại những chiến binh theo xu hướng Hồi Giáo cực đoan ở các nước vùng Trung Á, mà nay có quyền tự do đi đến nước Nga, có thể sang đây để tiến hành khủng bố. Nhiều nhân vật thuộc phe dân tộc chủ nghĩa cực đoan ở Nga đã yêu cầu lập chế độ visa đối với công dân những nước vùng Trung Á, nhưng cho tới nay chính quyền Matxcơva không muốn làm như thế vì sợ ảnh hưởng đến quan hệ tốt giữa Nga với các nước thuộc Liên Xô cũ.

Không biết là tổng thống Putin có sẽ thay đổi chính sách đối với các nước Trung Á hay không, nhưng gần như chắc chắn là lãnh đạo Nga sẽ nhân vụ khủng bố này để tăng cường sự kiểm soát của các cơ quan tình báo trên các mạng xã hội và gia tăng áp lực lên các nhà đối lập, trong bối cảnh chỉ còn chưa tới một năm nữa là đến kỳ bầu cử tổng thống Nga. - RFI

9.
Đức không muốn "nghe lời" Mỹ nữa

Trong suốt nửa cuối thế kỷ XX, Cộng Hòa Liên Bang Đức, cường quốc công nghiệp số 1 của châu Âu đã chọn chiến lược “ngoan ngoãn” đi theo Hoa Kỳ. Thế nhưng, theo nhà bình luận Renaud Girard trên báo Le Figaro (04/4/2017) hình ảnh một nước Đức “gọi dạ bảo vâng” đó giờ không còn nữa.
Mỹ bảo tái trang bị vũ khí, Đức mới dám làm (1950). Ký hiệp ước đối tác chính trị với Paris ( tháng 1/1963), Bonn (thủ đô Tây Đức thời bấy giờ) cũng ký nhưng lúc phê chuẩn, nước Đức thêm phần mở đầu khẳng định mối quan hệ ưu tiên với Hoa Kỳ. Khi tướng De Gaulle lên án “chiến dịch quân sự phiêu lưu của Hoa Kỳ” tại Việt Nam, chính phủ Đức lại nín lặng. Người Đức cũng nghĩ đến những điều đó, nhưng họ vẫn muốn trung thành với người bảo hộ hùng mạnh của mình.

Giờ đây, hình ảnh một nước Đức ngoan ngoãn như chú cừu non đó không còn nữa. Ngoài việc chỉ ra những điểm thiếu chính xác trong dòng Twitt của Donald Trump, yêu cầu nước Đức phải bồi hoàn số tiền nợ lớn đối với khối NATO và Hoa Kỳ trong việc bảo đảm an ninh quốc phòng, tác giả nêu bật hai điểm chính cho thấy nước Đức đang có những thay đổi trong mối quan hệ với nước Mỹ.

Về mặt chiến lược, Berlin bắt đầu giữ khoảng cách với Washington kể từ đầu thế kỷ XXI này qua hai việc. Thứ nhất, nước Đức bác bỏ học thuyết tân bảo thủ (theo đó trong việc gìn giữ hòa bình, ưu tiên chính sách xuất khẩu “nền dân chủ”, nếu cần thiết sử dụng vũ lực). Thứ hai, Đức từ chối tham chiến tại Irak năm 2003 và oanh kích Libya năm 2011.
Trên bình diện kinh tế, Đức không thích chính sách bảo hộ mậu dịch của Donald Trump. Quả thật, trong mối quan hệ này, cán cân thương mại nghiêng về phía Đức. Vốn theo sát chủ trương tự do mậu dịch, nên Berlin không hề có ý định thay đổi bất kể đó là chính sách xuất khẩu của mình. Điều này có khả năng sẽ làm cho chính quyền Mỹ bực bội.

Vấn đề đặt ra cho Đức hiện nay là làm thế nào tránh trở thành “một kẻ đáng ghét” đối với ông Trump, nhất là trong trường hợp tổng thống Mỹ có thể đạt được một thỏa thuận với chủ tịch Trung Quốc. Thứ Năm, 06/4 tới đây, một cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung sẽ diễn ra tại tư dinh của tổng thống Mỹ, bang Florida.
Trung Quốc cũng giống như nước Đức có thặng dư mậu dịch quá lớn so với Hoa Kỳ. Nhưng Bắc Kinh có thể mang đến cho Washington một món quà chiến lược : Đó là đưa Bình Nhưỡng vào khuôn phép, trong khi mà, Berlin chẳng có gì để trao tặng.

Bởi vì như đã cho thấy ngay từ đầu nhiệm kỳ, ông Donald Trump chỉ “ra oai với kẻ yếu”, nhưng lại “nhún nhường trước kẻ mạnh”, do đó rất có khả năng, sau khi đã chối bỏ “tình cảm” với Đài Loan, ông Trump lại “ngã vào vòng tay” Tập Cận Bình lần thứ hai và “chĩa mũi dùi” về phía châu Âu, vốn dĩ quá yếu ớt và bị chia rẽ.
Chính tại đây nước Đức có một vai trò lịch sử cần nắm giữ : Biến khối Liên Hiệp Châu Âu, nhất là khối đồng euro, đó là những gì đang vận hành tốt nhất – thành một khối vững chắc có khả năng kháng cự với chủ nghĩa bá quyền về tài chính và tư pháp của Hoa Kỳ. Bài viết kết luận : Để có thể làm được điều này, nước Đức có lẽ cũng nên hiểu rằng không một khối đồng tiền nào có thể tồn tại bền vững nếu mà không có việc các quốc gia giàu có đến hỗ trợ những nước nghèo. - RFI

10.
Donald Trump: "Mỹ ủng hộ Ai Cập 100%"

Tiếp đồng nhiệm Ai Cập, tại Nhà Trắng ngày 03/03/2017, tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ ngưỡng mộ với tướng Abdel Fattah al Sissi và khẳng định Washington là “người bạn lớn, là đồng minh quan trọng” của Cairo.
Từ Washington, thông tín viên Anne-Marie Capomaccio, tường trình:

“Không họp báo hay phát biểu trước công chúng. Hai tổng thống Trump và al Sissi trao đổi với nhau trong một buổi họp kín và nếu như một số các thỏa thuận được ký kết thì không có thông tin liên quan nào được tiết lộ. Tuy nhiên, phát biểu của tổng thống Trump tại văn phòng bầu dục chắc chắn đã khiến lãnh đạo Ai Cập hài lòng. Tướng al Sissi tươi cười bên cạnh tổng thống Mỹ. Ông Trump tuyên bố : Chúng tôi đồng ý với nhau trên biết bao nhiêu chuyện. Nếu còn nghi ngờ thì quý vị nên biết rằng chúng tôi ủng hộ tổng thống al Sissi 100 %. Ông đã làm được những điều tuyệt vời trong hoàn cảnh hết sức khó khăn. Chúng tôi yểm trợ Ai Cập, nhân dân Ai Cập.
Donald Trump đã chỉ trích người tiền nhiệm nêu lên vấn đề nhân quyền trong các các cuộc trao đổi riêng. Dù vậy phát ngôn viên của phủ tổng thống Mỹ, Sean Spicer, cho biết lãnh đạo Hoa Kỳ cũng đã giữ nguyên chính sách của Mỹ với tổng thống Ai Cập. Ông Spicer bày tỏ thông cảm với nỗi trăn trở của công luận, nhưng cho rằng loại hồ sơ này chỉ có thể đạt được những tiến triển trong các cuộc gặp riêng.

Báo chí không biết gì hơn. Mỹ có hứa hẹn trợ giúp quân sự cho Ai Cập hay không ? Trước công chúng, Donald Trump trấn an tướng al Sissi khi nói là Mỹ tiếp tục giúp đỡ Ai Cập nhưng không hề đưa ra những con số cụ thể. Cũng không biết là Hoa Kỳ có đưa tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo vào danh sách đen các nhóm khủng bố như điều  Cairo mong mỏi hay không. Chỉ biết là tổng thống Ai Cập cười rất tươi khi rời Nhà Trắng”. - RFI

11.
58 người chết vì "khí độc" tại Syria

Ngày 03/04/2017, đối lập Syria cáo buộc chế độ Assad sử dụng vũ khí hóa học, tấn công vào một khu vực do phe nổi dậy và thánh chiến kiểm soát.
Theo Đài Quan Sát Nhân Quyền Syria, dựa trên một số nguồn tin y tế tại chỗ, có ít nhất 58 người chết, trong đó có 11 trẻ em, và gần 170 người bị thương tại Khan Cheikhoun, tỉnh Idleb, miền tây bắc.

Liên Minh Quốc Gia, một tổ chức quan trọng của đối lập Syria, cáo buộc chế độ sử dụng « đạn pháo có chứa khí độc ».
Phóng viên của AFP tại bệnh viện Khan Cheikhoun thấy các bệnh nhân sùi bọt mép, và các bác sĩ đang cấp cứu.

Trong một đoạn video, do bộ phận y tế của lực lượng nổi dậy cung cấp, một bác sĩ giải thích : « tất cả những người được cấp cứu đều ở trong tình trạng ngất xỉu, co giật, đồng tử giãn ra, mồm sùi bọt và nghẹn thở ». Hiện tại, tổ chức Đài Quan Sát Nhân Quyền khẳng định không biết đây là loại chất độc là gì.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố với đồng nhiệm Nga Putin trong một cuộc điện đàm hôm qua, là vụ này đe dọa cuộc đàm phán về hòa bình cho Syria đang diễn ra.
Ngoại trưởng Pháp yêu cầu Hội Đồng Bảo An triệu tập họp khẩn để bàn về vấn đề này. Bên lề hội nghị về tái thiết Syria, họp tại Bruxelles, lãnh đạo ngoại giao châu Âu Federica Mogherini khẳng định, vụ việc thật khủng khiếp, và chính quyền Assad chắc chắn phải chịu phần trách nhiệm chính. - RFI

12.
Viên kim cương trị giá 71,2 triệu đô la

Một viên kim cương quý hiếm với tên gọi “Ngôi sao hồng” đã được bán ra với giá trên 71 triệu Mỹ kim trong một phiên đấu giá ở Hongkong, lập kỷ lục thế giới mới.
Viên kim cương hình oval nặng 59,6 carat đã được mua chỉ sau 5 phút đấu giá tại Sotheby's. Đây là viên kim cương được mài dũa lớn nhất trong hạng này đem ra đấu giá.

Năm 2013, nó được bán với giá 83 triệu đô trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở Geneva, Thụy Sĩ , nhưng hãng gọt dũa kim cương Isaac Wolf ở New York ‘lật kèo’. Sotheby’s đành ngậm ngùi giữ lại viên kim cương đắt tiền.
Viên cương được tìm thấy bởi De Beers trong một hầm mỏ ở Châu Phi vào năm 1999 và được chế tác trong 2 năm được chào giá khởi điểm là 56 triệu mỹ kim.

Sotheby’s cho biết người mua lần này là một thương gia bán lẻ trang sức ở Hongkong, Chow Tai Fook. - VOA

Tin Hoa Kỳ
13.
Trump: Gập Tập Cận Bình vừa ‘hấp dẫn’ vừa ‘khó khăn’

Tổng thống Donald Trump sẽ hội đàm lần đầu tiên với Chủ tịch Nước Trung Quốc Tập Cận Bình vào thứ Năm 05/4. Cuộc gặp gỡ diễn ra tại khu nghỉ mát Mar-a-Lago của Tổng thống Trump có thể sẽ mang lại kết quả nồng ấm như khí hậu ấm ám của bang Florida ở miền nam.
Tổng thống Trump viết trên Twitter tiên lượng của ông về cuộc gặp gỡ đầu tiên với chủ tịch nước Trung Quốc. Ông nói rằng đó sẽ là một cuộc thương thảo “rất khó khăn,” bởi vì Mỹ không thể “tiếp tục nhập siêu khổng lồ và thất thoát công ăn việc làm nữa.”

Trong cuộc họp tại Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Trump nói với các nhà kinh doanh có cơ sở sản xuất ở Mỹ rằng họ sẽ thấy rất “hấp dẫn” khi theo dõi cuộc họp của ông với Chủ tịch Tập Cận Bình ở Florida.
Tổng thống Trump nói: "Tôi rất mong chờ được gặp Chủ tịch Tập và phái đoàn Trung Quốc. Và chúng tôi sẽ xem mọi việc sẽ thế nào.”

Theo nhà phân tích kỳ cựu Yun Sun ở Trung tâm Stimson, thì nhà lãnh đạo Trung Quốc có phần chắc sẽ không đến Mỹ với hai tay không.
Bà Stimson nói: "Tôi ước đoán là Trung Quốc cử ông Tập đến Mỹ với một gói quà hào phóng khổng lồ, đó là đầu tư cơ sở hạ tầng nội địa ở Hoa Kỳ, và giúp Tổng thống Trump kiến tạo công ăn việc làm cho nước Mỹ như ông đã hứa."

Nhiều nhà quan sát chuyên về Trung Quốc, như ông Scott Kennedy của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, cảnh báo rằng không phải mọi thứ đều diễn ra đúng theo kịch bản đã soạn.
Ông Kennedy nhận định: "Một điều điên rồ gì đó có thể xảy ra ngoài dự đoán, chắc chắn như vậy. Quý vị biết đó một tin nhắn trên Twitter có thể làm thay đổi cả quỹ đạo của cuộc họp trong một chừng mực nào đó. Nhưng tôi dự đoán sẽ có rất nhiều phàn nàn không được thương thuyết, đặc biệt là rồi phía Trung Quốc sẽ ra về, để lại những lo âu và sốt ruột … và cuối cùng để chờ xem rồi chuyện gì sẽ xảy ra tiếp."

Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Sean Spicer lưu ý nhiều “vấn đề lớn” giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc:
“Tấc cả mọi thứ, từ vấn đề Biển Đông cho đến thương mại và Bắc Triều Tiên. Có những vấn đề lớn về an ninh quốc gia và kinh tế cần phải được đưa ra giải quyết. Và tôi nghĩ rằng có rất nhiều vấn đề sẽ được mang ra thảo luận trong hai ngày hội đàm đó của hai nhà lãnh đạo."

Tổng thống Trump đã có những phát biểu mâu thuẫn nhau về chính sách “một Trung Quốc” và các trao đổi giữa hai ông về vấn đề này sẽ được soi rọi rất kỹ ở cả hai bên bờ Thái Bình Dương.
Trung Quốc xem Ðài Loan và một tỉnh phản loạn và chính sách của Bắc Kinh về Ðài Loan là không thương lượng. - VOA

14.
Chính quyền Trump cắt tài trợ Quỹ Dân Số LHQ

Chính quyền của Tổng thống Trump cắt tài trợ cho Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA), và tố cáo cơ quan này hậu thuẫn cho các vụ cưỡng bức phá thai, hoặc triệt sản không tự nguyện.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã gửi một bức thư tới Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện hôm thứ Hai 3 tháng Tư, cho biết Bộ sẽ không tháo ngân 32,5 triệu đôla cho Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc trong ngân sách năm 2017.

Bức thư này viết rằng UNFPA đã hợp tác với Uỷ ban Y tế Quốc gia và Kế hoạch hoá Gia đình Trung Quốc, là cơ quan đã thực hiện “chính sách hai con” của Bắc Kinh, hạn chế số con cái của các cặp vợ chồng Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao nói số tiền giữ lại sẽ được chuyển sang tài trợ cho những sáng kiến về y tế toàn cầu của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Trong một thông báo bằng văn bản, UNFPA nói cơ quan này lấy làm tiếc về động thái của chính quyền Tổng thống Trump, mà theo UNPFA, được dựa trên những “cáo buộc sai lầm” rằng Quỹ Dân số LHQ ủng hộ cưỡng bức phá thai hay triệt sản không tự nguyện ở Trung Quốc.
Cơ quan này nói sứ mạng của UNFPA tập trung vào các nỗ lực kế hoạch hoá gia đình một cách ‘có trách nhiệm’, cũng như vào công tác chăm sóc sức khoẻ cho bà mẹ và trẻ em.

Đây là quyết định thứ nhì của chính quyền Tổng thống Trump để hạn chế tài trợ cho các tổ chức quốc tế liên quan tới vấn đề phá thai.
Các chính sách này thường thay đổi tuỳ theo chính đảng nào nắm quyền kiểm soát Toà Bạch Ốc. Các thành viên của Đảng Cộng hoà, chẳng hạn như cựu Tổng Thống George W. Bush, cũng duy trì vị thế tương tự như lập trường của ông Trump, vị thế đó lập tức bị lật ngược dưới thời các Tổng thống Đảng Dân chủ như TT Bill Clinton và Barack Obama.

Tuy nhiên, quyết định của ông Trump càng được nêu bật vì ngân sách quốc gia do ông đề nghị, cắt triệt để ngân sách dành cho Bộ Ngoại giao Mỹ, đặc biệt nhắm vào các hoạt động ngoại giao và viện trợ quốc tế, kể cả sự hỗ trợ dành cho Liên Hiệp Quốc nói chung. - VOA

15.
Tesla qua mặt Ford, thành hãng xe lớn thứ nhì nước Mỹ

Tesla đã trở thành hãng sản xuất xe hơi lớn thứ nhì nước Mỹ về mặt vốn hoá thị trường, qua mặt hãng xe Ford giữa lúc số thương vụ bán xe của Ford giảm sút và có nhiều lo ngại về khả năng tăng trưởng của thị trường xe hơi tại Hoa Kỳ, được cho đã bão hoà.
Tesla loan báo công ty đã giao cho khách hàng 25,000 chiếc xe công nghệ cao của hãng trong thời gian từ tháng 1 đến tháng Ba năm nay, tăng 69% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là một dấu hiệu cho thấy Tesla đang trên đường thực hiện mục tiêu là bán 50,000 chiếc xe trước giữa năm nay, 2017.

Nhiều hãng sản xuất xe hơi báo cáo số thương vụ giảm trong tháng Ba so với cách đây một năm, nhưng Tesla đã chứng kiến số xe giao cho khách tăng vọt trong 3 tháng đầu năm.

Thành tích đó đủ để giá cổ phần của Tesla, hãng sản xuất xe hơi chạy bằng điện tăng vọt trong ngày hôm qua.
Cuối năm ngoái là lần đầu tiên Tesla loan báo hoạt động có lợi sau hơn 3 năm, nhưng ngay trong quý kế tiếp, Tesla lại rơi vào thua lỗ.
Bây giờ Tesla chính thức trở thành hãng sản xuất xe hơi lớn thứ nhì, chỉ đứng sau General Motors, hãng chế tạo xe hơi lớn nhất nước Mỹ về vốn hoá thị trường. - VOA

Tin Việt Nam
16.
Liên đoàn Thẩm phán CHLB Đức vinh danh LS Nguyễn Văn Đài

Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, người đang bị nhà nước Việt giam cầm, sẽ được Liên đoàn Thẩm phán Cộng hoà Liên bang Đức trao giải Nhân quyền năm 2017.
Liên đoàn Thẩm phán CHLB Đức (Deutscher Richterbund - DRB) thông báo vào ngày 5/4, Luật sư Nguyễn Văn Đài sẽ được trao giải Nhân quyền 2017 nhân dịp Đại hội của Liên đoàn Thẩm phán Đức tổ chức tại thành phố Weimar ở miền Đông nước Đức. Đây là lần đầu tiên một người Việt Nam được chọn để nhận Giải Nhân Quyền này.

Trang thông tin của phủ Tổng Thống Đức Frank-Walter Steimeier ra thông báo lịch trình làm việc cho biết một cuộc gặp gỡ với người đại diện của Luật sư Nguyễn Văn Đài đã được lên lịch vào lúc 17 giờ ngày 05/04/2017 tại Dinh Tổng thống ở thủ đô Berlin.

Dự kiến tại buổi lễ trao giải, nữ dân biểu quốc hội liên bang Đức Marie-Luise Dött sẽ vinh danh Luật sư Nguyễn Văn Đài, người được Liên đoàn Thẩm phán CHLB Đức chọn trao Giải Nhân Quyền năm 2017. Bà Marie-Luise Dött là dân biểu đã nhận đỡ đầu cho Luật sư Nguyễn Văn Đài từ cuối tháng 2/2016 theo một chương trình của Quốc hội Liên bang Đức, theo VETO, một tổ chức của người Việt Nam có trụ sở ở Đức.
Theo trang web của nữ dân biểu Marie-Luise Dött, bà cùng phái đoàn Nghị sĩ Liên minh Dân chủ/Xã hội Thiên chúa giáo Đức (CDU/CSU) đã gặp Luật sư Nguyễn Văn Đài và hai nhà hoạt động dân chủ khác của Việt Nam ở Hà Nội vào tháng 8/2015.

Tổ chức VETO cho biết vào tháng 10/2016, dân biểu Marie-Luise Dött đã có sáng kiến soạn một thư ngỏ gửi tới chính quyền Việt Nam với sự hỗ trợ của 73 dân biểu thuộc 14 quốc gia trên 4 lục địa, yêu cầu trả tự do cho Luật sư Đài. Cùng vận động kêu gọi ký tên vào thư ngỏ này có Tổ chức Quốc tế Truyền giáo Thiên Chúa Giáo Missio Aachen và VETO!, Mạng lưới Người Bảo Nhân quyền.

Vào ngày 19/02/2016 Mạng Lưới Người Bảo vệ Nhân quyền và VETO! đã cùng 6 tổ chức phi chính phủ quốc tế, trong đó có Ân xá Quốc tế, ký tên phản đối việc bắt giam Luật sư Nguyễn Văn Đài và người cộng sự của ông, cô Lê Thu Hà.
Luật sư Nguyễn Văn Đài bị bắt vào ngày 16/12/2015 tại Hà Nội và bị giam giữ từ đó cho đến nay về tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 88 cuả Bộ luật Hình sự Việt Nam.

Ông bị bắt sau khi thuyết trình về hiến pháp và các quyền con người cơ bản trước một cử tọa chừng 70 người tại nhà riêng của một cựu tù nhân chính trị ở xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
Theo trang Facebook ‘Tự do cho Nguyễn Văn Đài’, thì kể từ ngày ông bị bắt cho đến nay, ông vẫn chưa được gặp gia đình và tiếp xúc với luật sư. Chính quyền Việt Nam đã 3 lần gia hạn lệnh tạm giam đối với Luật sư Đài, lệnh tạm giam lần thứ 3 sẽ chấm dứt vào ngày 17/4 này.

Trước đây, Luật sư Đài từng bị  giam cầm 4 năm về tội “tuyên truyền chống Nhà nước”, ông mãn hạn tù vào ngày 6/3/2011.
Ông Nguyễn Văn Đài là một trong số 8 nhà hoạt động nhân quyền tại Việt Nam được một tổ chức nhân quyền Human Rights Watch của Hoa Kỳ trao giải hồi tháng 2/2007.

Lần này, ông Nguyễn Văn Đài là người Việt Nam đầu tiên được Liên đoàn Thẩm phán CHLB Đức chọn trao Giải Nhân Quyền. Ông từng làm việc tại Cộng hòa Dân chủ Đức trước năm 1990, sau đó ông trở về Việt Nam và theo học tại Đại học Luật Hà Nội.
Tháng 4 năm ngoái, bà Vũ Minh Khánh, vợ của luật sư Nguyễn Văn Đài, đã thực hiện chuyến đi 2 tháng để vận động các dân biểu và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, các cơ quan truyền thông, các tổ chức bảo vệ nhân quyền ở Mỹ, Canada, Châu Âu và Úc trả tự do cho chồng bà. Trong dịp này, bà Vũ Minh Khánh nói với VOA:

“Tôi khẳng định chồng tôi không làm điều gì chống nhà nước Việt Nam. Chồng tôi chỉ đang làm tốt cho xã hội Việt Nam mà thôi. Những hoạt động của chồng tôi là bảo vệ nhân quyền, điều mà ngay cả nhà nước Việt Nam cũng đang nỗ lực làm, theo những gì họ công bố với quốc tế.” - VOA

17.
Người Việt sẽ biểu tình chống Tập Cận Bình

Các cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ sẽ thực hiện một cuộc biểu tình chống Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi ông đến khu nghĩ dưỡng Mar-a-Lago, Palm Beach, Florida vào ngày 6/4.
Thư kêu gọi của Chủ tịch Cộng đồng Người Việt Quốc gia Liên bang Hoa Kỳ Võ Đình Hữu cho biết cuộc biểu tình sẽ diễn ra từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều Thứ Năm, 6/4.

Ông Nguyễn Văn Tánh, Trưởng Ban điều phối cuộc biểu tình và là Cựu Chủ tịch của Cộng đồng Người Việt Quốc gia Liên bang Hoa Kỳ cho biết đến cuối ngày 3/4 đã có hơn 300 người đăng ký tham gia và quyên góp gần 5,000 đô la cho cuộc biểu tình. Theo ông Tánh, dự kiến số người tham gia vào cuộc biểu tình ngày 6/4 sẽ còn tăng cao.
“Chúng tôi hiện tại bây giờ có chừng khoảng 300-400 người. Chúng tôi đang vận động, số người này từ Nam California, các tiểu bang như Florida, New York, North Carolina, Georgia… Chúng tôi cố gắng kêu gọi và liên lạc hằng ngày để có nỗ lực thực hiện cuộc biểu tình này.”

Thư kêu gọi biểu tình viết: “Trung Quốc đã chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa năm 1974, chiếm Trường Sa (đảo Gạc Ma) của Việt Nam năm 1988, lấn chiếm hầu hết vùng Biển Đông mà họ áp đăt chủ quyền theo đường lưỡi bò bất hợp pháp, thiết lập các căn cứ quân sự tạo ra mối nguy hại to lớn cho nền an ninh của Á Châu Thái Bình Dương.”
Ông Nguyễn văn Tánh cho biết thêm ý nghĩa và việc chuẩn bị cho cuộc biểu tình ngày 6/4:

“Cộng sản Việt Nam đã bán đất, dâng biển cho Trung Quốc. Trước tình trạng Formosa, và một số cơ xưởng mà Trung Quốc dần dần gây lực về kinh tế và mọi vấn đề khác tại Việt Nam, chúng tôi cương quyết chống đối hành động của Trung Quốc.  Bởi vậy khi Tập Cận Bình đến Miami thì chúng tôi quyết tâm thực hiện cuộc biểu tình. 9 giờ ngày 6/4, chúng tôi sẽ tập trung ở đó, tôi sẽ có mặt lúc 8 giờ để đón các phái đoàn từ khắp nơi. Chúng tôi lo từ thức ăn, thức uống, cờ, biểu ngữ, âm thanh để thực hiện cuộc biểu tình. Chúng tôi sẽ có những cuộc đối đầu với hơn 1.000 người bảo vệ của ông Tập Cận Bình.”

Cộng đồng Người Việt Quốc gia Liên bang Hoa Kỳ đã gửi thư ngỏ cho Tổng Thống Donald Trump và quyên góp tiền để đăng tin chống chủ nghĩa bá quyền của Trung Quốc trên nhật báo The Washington Times.
Khi ông Tập Cận Bình tới Washington hồi năm 2015 để hội đàm với Tổng Thống Mỹ lúc đó là Barack Obama, Cộng đồng Người Việt Quốc gia Liên bang Hoa Kỳ cũng đã tổ chức biểu tình trước Tòa Bạch Ốc với hàng trăm người tham dự. Những người biểu tình phản đối chính sách bành trướng của Trung Quốc và mạnh mẽ chống đối việc Trung Quốc bồi đắp đất xảy đảo trên Biển Đông, họ cho đây là những vấn đề rất quan trọng cần lên tiếng với chính quyền của Tổng thống Obama lúc bấy giờ. - VOA

18.
Việt Nam: Phi cơ dân dụng lại suýt nổ tung vì quân đội ‘làm chủ vùng trời’

Một phi cơ dân dụng loại Airbus A321 lại suýt nổ tung trên vùng trời phi trường Cam Ranh vì va chạm với phi cơ quân sự. “Quân đội nhân dân” lại suýt gây thảm họa vì không thèm theo ai.
Mãi tới ngày 1 Tháng Tư, Cục Hàng Không Việt Nam mới loan báo về sự kiện vốn thuộc loại hết sức nghiêm trọng trong lĩnh vực hàng không hôm 20 Tháng Hai ở phi trường Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.

Theo đó, đêm 20 Tháng Hai, tại khu vực vừa kể có hai phi cơ, một quân sự, một dân dụng cùng có kế hoạch cất cánh lúc 11 giờ 40 phút đêm. Phi cơ quân sự là một chiếc DHC-6. Phi cơ dân sự là một chiếc Airbus A321 của Vietnam Airlines, bay từ Cam Ranh đến Nội Bài, Hà Nội.

Trong thông báo về “sự cố nghiêm trọng uy hiếp an toàn bay,” Cục Hàng Không Việt Nam cho biết, kiểm soát không lưu của hai bên (dân sự và quân sự) đã thỏa thuận DHC-6 sẽ cất cánh trước rồi thực hiện một vòng bay kín bên trên phi đạo và Airbus A321 sẽ cất cánh sau. Sau khi Airbus A321 đã cất cánh, DHC-6 sẽ tiếp tục thực hiện vòng bay kín, chờ cho đến khi một phi cơ dân dụng khác hạ cánh xong, DHC-6 mới đáp.

Tuy nhiên lúc Airbus A321 vừa vọt lên trời chừng hai phút, chỉ mới đạt độ cao khoảng 762 mét thì phi công cấp báo, hệ thống chống va chạm trên không (TCAS) báo động do có một phi cơ khác chỉ cách Airbus A321 chừng… 152 mét ở phía bên dưới.

Phi cơ khác đã được xác định chính là DHC-6. Lý do khiến Airbus A321 suýt đâm vào DHC-6 khi đang cất cánh vì kiểm soát không lưu quân sự ra lệnh cho DHC-6 chờ… một chỗ, chứ không thực hiện vòng bay kín bên trên phi đạo như đã thỏa thuận mà cũng chẳng thèm thông báo lại cho kiểm soát không lưu dân sự.

Cục Hàng Không Việt Nam nhận định, nguyên nhân sự kiện nghiêm trọng vừa kể là do “kiểm soát viên không lưu dân sự và quân sự phối hợp chưa chặt chẽ.”
Tuy nhiên mô tả của Cục Hàng Không Việt Nam trong thông báo về “sự cố nghiêm trọng uy hiếp an toàn bay” cho thấy, kiểm soát không lưu quân sự không thèm phối hợp và cũng chẳng thèm bận tâm đến hậu quả.

Cục Hàng Không Việt Nam không cho biết chiếc Airbus A321 suýt đâm vào DHC-6 chở bao nhiêu khách. Tùy cách thiết kế ghế của các hãng hàng không, số chỗ trên một Airbus A321 có thể có khác biệt nhất định nhưng trung bình, mỗi Airbus A321 chở được khoảng 220 hành khách.
Cục Hàng Không Việt Nam cũng không cho biết DHC-6 thuộc đơn vị nào của Không Quân Việt Nam nhưng dựa trên các thông tin hiện có trên Internet, chiếc DHC-6 này của Lữ Ðoàn 954. Ðây là lữ đoàn Không Quân thuộc binh chủng Hải Quân, vừa được thành lập năm 2014. Lữ đoàn này đóng tại Cam Ranh, có một phi đội DHC-6.

DHC-6 là phi cơ lưỡng dụng – có thể đáp, cất cánh cả trên bộ lẫn trên biển. Năm 2010, Việt Nam mua của Canada sáu chiếc DHC-6 để tuần tra trên biển.
Vài lần suýt gây đại họa

“Quân đội nhân dân Việt Nam” thường xuyên bảo rằng “không quân nhân dân” đủ khả năng “làm chủ vùng trời” và “hải quân nhân dân” đủ khả năng “làm chủ vùng biển.”
Cho đến nay, vẫn chưa thấy “không quân nhân dân” và “hải quân nhân dân” thể hiện khả năng “làm chủ” trời, biển đối với những hành động xâm hại chủ quyền của ngoại bang, chỉ thấy tư duy “làm chủ” theo kiểu “dọc ngang nào biết trên đầu có ai” với dân chúng Việt Nam thì đã vài lần suýt gây đại họa.

Vào ngày 29 Tháng Mười năm 2014, từng có hai phi cơ, một cũng là Airbus A321 của Vietnam Airlines và một là trực thăng loại Mi 172/423 của “không quân nhân dân” suýt đâm vào nhau ở bên trên phi trường Tân Sơn Nhất.
Theo một báo cáo của tổng giám đốc tổng công ty Quản Lý Bay Việt Nam (VATM) về sự kiện này thì trưa ngày 29 Tháng Mười năm 2014, khi vừa rời khỏi phi đạo của phi trường Tân Sơn Nhất, chỉ mới đạt độ cao là 152 mét, phi hành đoàn của phi cơ Airbus A321 bay từ Sài Gòn đến Huế, thấy trực thăng loại Mi 172/423 cắt ngang… mũi. Khoảng cách giữa phi cơ Airbus A321 và trực thăng chỉ chừng… 60 mét!

VATM giải thích, thảm họa suýt xảy ra vì kiểm soát không lưu quân sự đã ra lệnh cho trực thăng cất cánh sau khi kiểm soát không lưu của phi trường Tân Sơn Nhất ra lệnh cho Airbus A321 cất cánh đúng 9 giây.
Lúc đó, ông Ðỗ Quang Việt, cục phó Cục Hàng Không Việt Nam, nhận định, kiểm soát không lưu quân sự đã không thực hiện đúng quy trình an toàn, không phối hợp với kiểm soát không lưu của phi trường Tân Sơn Nhất, tự ý cho phép trực thăng cắt ngang đường cất cánh-hạ cánh của các phản lực dân dụng.

Ông Việt loan báo, Cục Hàng Không Việt Nam sẽ họp với đại diện của Không Quân Việt Nam để “làm rõ trách nhiệm.”
Hai năm sau, “quân đội nhân dân” tiếp tục chứng tỏ ý thức trách nhiệm tại phi trường Cam Ranh. Họ vẫn “làm chủ vùng trời”! - nguoiviet

19.
Người dân Hạ Long thay tiền Việt bằng tiền Trung Quốc

Người dân thành phố Hạ Long đã dần thay tiền Việt Nam bằng tệ Trung Quốc trong việc mua bán, sinh hoạt, nhộn nhịp đến nỗi khiến nhiều người nghĩ mình đang sinh sống ở “Hán Quốc.”
Tại nhiều khu du lịch, mua sắm như trung tâm thương mại “HaLong Marina,” khu du lịch quốc tế Tuần Châu, khu vực Bãi Cháy… nếu không phải là dân cư địa phương, nhiều người lầm tưởng mình lạc vào “phố Trung Quốc.”

Bởi tại đây, ngoài các cửa hàng treo biển hiệu bằng tiếng Trung Quốc, nhân viên nói tiếng Trung Quốc mà việc bán mua cũng thanh toán bằng đồng nhân dân tệ (CNY).
Theo mô tả của phóng viên báo Thanh Niên, hôm 3 Tháng Tư, ở khu chợ đêm thuộc trung tâm thương mại “HaLong Marina,” phường Hùng Thắng, hàng ngàn khách du lịch Trung Quốc được các xe tour chở đến mua sắm gặp những người bán hàng Việt Nam luôn miệng mời chào bằng tiếng Trung, tay cầm từng xấp CNY.

Việc giao dịch bằng CNY tại chợ đêm này diễn ra một cách bình thường như người Việt đi mua sắm tại các chợ truyền thống. Ông Hoàng Trung, một tiểu thương cho biết, việc này diễn ra từ nhiều năm nay. “Cứ sau 1-2 tháng, mọi người lại gom tiền CNY đem đi đổi. Một tệ đổi được hơn 3,000 VN đồng. Người có nhiều tệ thì bán lại cho những đầu mối lớn hơn để hưởng chênh lệch,” ông Trung nói.
Tương tự, tại một cửa hàng bán nhân sâm, thực phẩm chức năng chật kín khách Trung Quốc ở khu shophouse tại HaLong Marina Plaza, việc giao dịch bằng CNY tại đây cũng như tại khu chợ đêm. Thậm chí, cả những cửa hàng giải khát dọc khu mua sắm này cũng thanh toán bằng CNY.

Thế nhưng, nói với báo Thanh Niên, bà Phạm Thị Minh, trưởng Ban Quản Lý trung tâm thương mại HaLong Marina cho rằng: “Từ khi đi vào hoạt động đến nay, chúng tôi chưa phát hiện được trường hợp nào giao dịch tại chợ đêm bằng ngoại tệ.”
Không riêng tại HaLong Marina, khách Trung Quốc tại thành phố Hạ Long dễ dàng thanh toán bằng đồng CNY, từ việc trả tiền một ly cà phê cho đến mua những đồ lưu niệm đắt tiền.

Bà Nguyễn Thị Huyền, một chủ khách sạn tại khu Vườn Ðào, phường Bãi Cháy cho biết, các cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ tại đây chấp nhận việc thanh toán bằng CNY vì tiện lợi và muốn bán được hàng hay dịch vụ của mình.
Ông Nguyễn Ngọc Thạch, giám đốc Ngân Hàng Nhà Nước chi nhánh Quảng Ninh biện minh, pháp lệnh về ngoại hối quy định ở Việt Nam chỉ sử dụng tiền đồng, không được phép dùng các ngoại tệ khác. “Tuy nhiên việc phát hiện cơ sở thanh toán với khách du lịch bằng ngoại tệ rất khó khăn và phải có sự vào cuộc của lực lượng công an,” ông Thạch nói.
Nói với báo Thanh Niên, ông Phạm Hồng Hà, chủ tịch thành phố Hạ Long ngao ngán cho hay, chính quyền địa phương đã nhiều lần tuyên truyền người dân, doanh nghiệp, nếu bị phát hiện thanh toán bằng ngoại tệ sẽ bị xử phạt thật nghiêm, song tình trạng này đến nay vẫn chưa được khắc phục. - nguoiviet

Link:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét