Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 5 tháng 4, 2017

KINH HOÀNG! THOÁT VC, GẶP HẢI TẶC THÁI LAN - Đỗ Quốc Anh Thư (Phấn 1)

*Image may contain: one or more people, outdoor and water
LTG: Câu chuyện 'Kinh Hoàng' ở phía dưới được viết theo lời tường thuật của nạn nhân, bí danh là Thuý Hoa (TH). Năm 1980, bà TH cùng gia đình đi vượt biển tỵ nạn Việt Cộng (VC). Mặc dù hàng chục năm trời đã trôi qua, nhưng tất cả những nỗi gian nguy, đau thương, kinh hoàng, đắng cay trên hành trình tỵ nạn vẫn còn đậm nét trong ký ức của bà.<!>
Vì vậy, hồi cuối tháng 6 năm 2005, 'vết thương vượt biển' trong lòng bà trỗi dậy: Khi đọc bản tin 'Tượng Đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân Tỵ Nạn' ở Pulau Bidong bị đục phá, bà TH cảm thấy phẫn uất và xót xa cho thân nhân, bạn bè đồng cảnh và hàng trăm ngàn thuyền nhân khác ─ đã chết đắng cay trên đường vượt biển.

Nếu không phải là VC thì kẻ nào đã chủ mưu ─ vừa gây áp lực ngoại giao, vừa mua chuộc mấy kẻ cầm quyền ở Nam Dương ─ trong việc đục bỏ những hàng chữ 'Tiếc Thương' trên tấm bia 'Tưởng Niệm Thuyền Nhân Tỵ Nạn' ở Pulau Bidong?
Nhưng tại sao VC lại muốn chôn vùi di tích lịch sử của thuyền nhân vượt biển?

Vì thảm trạng thuyền nhân ─ liên tiếp diễn ra vô cùng đau thương trên Biển Đông hơn 21 năm trời (1975-1996) ─ là chứng cớ hùng hồn cho thấy, trong thời VC dân chúng bị kìm kẹp, đời sống lầm than, nghèo khổ quá nỗi, nên từ Bắc chí Nam, ai cũng muốn liều mạng vượt biển để thoát khỏi gông cùm VC.

Nói cách khác, cuộc 'trưng cầu dân ý bằng chân' của hàng triệu thuyền nhân đi vượt biển cho thấy sự thật: KHÔNG hề có vấn đề VC 'Giải Phóng Miền Nam' năm 1975 như lời chúng tuyên truyền lừa bịp. Ngược lại, chỉ có vấn đề VC thi hành chỉ thị của Nga-Tàu, áp đặt ách NÔ LỆ Mác-Lênin từ Bắc vào Nam. Chính Lê Duẩn, Tổng Bí Thư đảng CSVN đã trâng tráo tuyên bố với đồng đảng năm 1976:

‘Chúng ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Sô, đánh cho Trung Quốc và chúng ta đã thành công trong việc cắm lá cờ quốc tế Mác Lê trên toàn cõi Việt Nam’.
Hiển hiện, đó là cội nguồn gây ra muôn vàn khổ đau cho đồng bào VN mà tai vạ hải tặc trên hành trình tỵ nạn chỉ là một hệ quả cụ thể và rõ ràng nhất.

Trở lại câu chuyện 'Kinh Hoàng' ở phía dưới thì khi đọc xong, thể nào cũng có người thắc mắc: Cơ may xẩy ra như thế nào mà chúng tôi nhận được nguồn 'tư liệu' trung thực về tai vạ hải tặc như vậy?
Xin thưa: Khởi nguồn, chuyện xẩy ra ngoại dự kiến của chúng tôi. Vì bà TH ─ một độc giả xa lạ ─ khi đọc câu chuyện 'Con Thằng Hải Tặc' và cuốn truyện dài 'Nửa Đường Gẫy Cánh' của chúng tôi thì xúc động đến độ không ngờ. Chính bà TH đã cho biết, khi đọc hai tác phẩm ấy, bà đã khóc sướt mướt từ đầu đến cuối.

Chắc hẳn, vì mang trong lòng nỗi buồn 'nước mất nhà tan' năm 1975 ─ trong đó tai vạ hải tặc là trường hợp điển hình cho muôn vàn trường hợp khác ─ nên bà TH đã chạnh lòng sâu đậm. Sau đó, bà viết emails, thuật lại thảm trạng vượt biển, gởi cho chúng tôi.
Hiển hiện, đó là nguồn 'tư liệu hiếm quý' và niềm khích lệ, giúp cho câu chuyện 'Kinh Hoàng! Thoát VC, Gặp Hải Tặc Thái Lan' được thành hình.
Thiết tưởng, khi nhìn lại thảm trạng trong thời kỳ 'Vượt Biển Tỵ Nạn', chắc hẳn ai cũng thấy tai vạ hải tặc Thái Lan ─ cướp của, giết người, hãm hiếp và bắt cóc phụ nữ ─ là tai vạ khủng khiếp nhất.

Trong đó, có khá đông nạn nhân, nhiều nhất là nữ giới, cho đó là chuyện 'riêng tư' và cảm thấy 'tủi hổ', nên thông thường họ giữ kín. Hệ quả là tội ác của các hung thủ và bọn cưỡng dâm, chìm vào dĩ vãng.
Ngược lại, một số nạn nhân khác thì có tinh thần cởi mở. Họ đã mạnh dạn, thuật lại với thân nhân và bạn hữu, hay viết 'hồi ký' đăng trên báo. Vì họ có ý thức đúng đắn, tai vạ hải tặc tương tự như tai vạ bị kẻ cướp hay du đãng hành hung, chẳng có gì để cảm thấy 'tủi hổ'.

'Quan điểm' này, tương tự như 'quan điểm' của đa số phụ nữ Âu Mỹ. Họ là những nạn nhân trong các vụ cuỡng dâm, nên họ đã thẳng thắn, thuật lại sự việc với FBI và cảnh sát để truy lùng thủ phạm. Nhiều nạn nhân còn mạnh dạn, xuất hiện trước công chúng ─ như độc giả thường thấy trên màn ảnh TV.

Tuy nhiên, câu chuyện 'Kinh Hoàng' này liên quan đến nhiều nạn nhân mà mỗi người một ý. Nên khi viết lại, buộc lòng chúng tôi phải đặt các nạn nhân trong 'tình trạng ẩn danh' (on condition of anonymity). Có nghĩa là phần 'căn cước' của các nạn nhân, chúng tôi không được tiết lộ: Thay vì tên thật, chúng tôi dùng 'bí danh'.
Thế nhưng, câu chuyện kể trên vẫn là biểu tượng cho muôn vàn trường hợp ─ kinh hoàng, bi thương và cay đắng ─ trên hành trình tỵ nạn VC sau ngày Quốc Hận 30-4-1975.

Khẳng định rằng, khi phổ biến câu chuyện này, chúng tôi không có chủ ý khơi lại đau thương. Không có chủ ý khơi lại hận thù. Chúng tôi chỉ muốn góp phần vào việc nêu lên sự thật về thảm trạng thuyền nhân VN.
Đây cũng là ước muốn của bà TH. Vì bà là nạn nhân vô cùng đau thương, nên bà muốn thuật lại thảm cảnh xẩy ra, vừa để 'tâm sự' với độc giả, vừa để cung cấp thêm chứng tích 'Lịch Sử Thuyền Nhân VN Tỵ Nạn' mà đảng CSVN đã chủ mưu chôn vùi sự thật.

Mặc dù đứng tên là 'tác giả', nhưng chúng tôi không là kẻ 'sáng tác' câu chuyện này. Vì lẽ, việc làm của chúng tôi là 'hệ thống hoá' tư liệu hiện hữu ─ do nạn nhân là bà TH thuật lại ─ bao gồm việc trình bầy, xếp đặt câu chuyện cho mạch lạc, nhất là diễn tả sự kiện và sửa chữa lời văn cho dễ hiểu.

Image may contain: ocean, outdoor and water

*******
Thuý Hoa (TH) vừa là con út, vừa là cô gái duy nhất trong gia đình 'Nguyễn Phúc' ở tỉnh Long Xuyên. Hồi thơ ấu, TH được ba má và bốn người anh chăm sóc, chiều chuộng nhất nhà. TH còn nhớ, hai bên họ nội và họ ngoại ─ có lẽ vì cảm tính hơn là sự thật ─ ai cũng khen TH 'có vẻ đẹp dịu hiền và dễ thương'.

Đầu năm 1974, TH lập gia đình. Lần lượt hai cháu Cường và Hằng ra chào đời. Cả nhà vui mừng. Ba má TH thường xuyên đến thăm và phụ giúp TH chăm sóc hai cháu bé. Còn 'ông xã' của TH ─ trong gia đình thường gọi là 'anh Ba' ─ nhiều lần ngắm hai cháu bé kháu khỉnh thì vừa cười vừa nói với TH:
'Ở hiền gặp lành, nên mình được diễm phước'.

Thật ra, ai làm việc với anh Ba ở Viện Đại Học Hoà Hảo đều biết, bản tính anh hiền hoà và thường hay nhún nhường với bạn hữu. Thế nhưng, khi gặp nghịch cảnh, anh phản kháng quyết liệt. Nhiều khi anh còn liều lĩnh, bất chấp hậu quả xẩy ra.

Chẳng thế mà hồi tháng 7 năm 1975, anh Ba bị VC bắt giam hơn hai năm trời. Chuyện bất hạnh xẩy ra chỉ vì, nhiều lần bọn công an VC lộng hành, 'tác yêu tác quái' trong khu phố. Chúng làm cho gia đình TH cùng dân cư ở đây khốn khổ, nên anh Ba chịu không nổi. Mấy lần anh đã lớn tiếng 'cãi lý' với chúng. Để rồi, chúng buộc tội là 'chống lại nhân viên công lực'.

Quả thật là 'hoạ vô đơn chí'. Trong lúc anh Ba bị đầy đoạ trong ngục tù 'cải tạo' thì ở nhà, gia đình TH bị VC 'đánh tư sản'. Thế là cơ nghiệp bị VC cướp trắng tay.
Đa số giới phụ nữ như TH ─ ngoài việc dậy học, chỉ biết lo việc nội trợ ─ mà cũng bị bọn công an VC theo dõi, hạch hỏi, hăm doạ, hoặc sách nhiễu đủ điều.

Ngay cả trẻ thơ, theo học lớp mẫu giáo cũng phải kê khai lý lịch của ông bà, cha mẹ. Hầu hết các em bị liệt kê vào gia đình 'tư sản, nguỵ quân, nguỵ quyền miền Nam'.
Không những thế, VC còn kiểm soát dân chúng bằng 'sổ hộ khẩu'. Bất cứ ai muốn mua thực phẩm, hay vật dụng cần thiết, đều phải có 'tem phiếu' do VC cấp phát. Có lẽ, gia đình TH là gia đình nạn nhân khổ đau nhất tỉnh Long Xuyên. Vì vậy, sau hơn 5 năm, cả nhà TH đều bằng lòng chấp nhận gian nguy, liều mình đi vượt biển để thoát khỏi chế độ xuẩn động, tàn ác, bất nhân.

Đến đầu tháng 4 năm 1980, cuộc vượt biển vừa sắp xếp xong thì không ngờ, mẹ TH bị tai biến mạnh máu não. Bà qua đời sau đó hai ngày. Hôm tang lễ, cả nhà khóc nức nở. Còn TH thì ngất xỉu khi chiếc quan tài hạ huyệt.
Thế rồi, ngày tháng trôi qua. Nỗi đau thương ấy thuyên giảm ít nhiều. Ngược lại, nỗi thống khổ trong ách cai trị VC thì vẫn còn nguyên như cũ. Nên cuối tháng 10 năm 1980, gia đình TH phải liều mình vượt biển.

TH còn nhớ, vào lúc xế chiều 'ngày biệt xứ', ba TH đến nhà để sửa soạn, đợi đến đêm khuya thì tiễn đưa TH và gia đình đi tỵ nạn. Hồi đó, giá vàng rất cao mà phải trả 15 'cây' vàng cho mỗi người vượt biển. Nên ba TH không đủ khả năng lo cho cả đại gia đình ─ tổng cộng hơn 20 người. Nhưng ông đã thương lượng, trả cho chủ chiếc thuyền vượt biển là chú Hùng, em họ của anh Ba, khoảng 90 'cây' vàng để giúp gia đình TH và hai người anh TH.

Nhưng không ngờ, đến giờ cuối TH mới biết hai người anh của mình bị loại vì hai chỗ trên thuyền đã bị chiếm đoạt. Ngay cả ba TH cũng không được báo tin trước. Vì bị lừa dối, nên ông cảm thấy cay đắng, nhưng phải 'ngậm bồ hòn làm ngọt'! Ông làm lơ chỉ vì muốn giữ 'an toàn' cho TH ─ cô gái cưng duy nhất của ông ─ đã chịu muôn vàn khổ đau sau thảm hoạ VC năm 1975.
*
Sau khi thoát khỏi đoạn đường sơ khởi ─ từ nhà đến điểm hẹn ─ TH cùng gia đình đứng sát bụi cây bên bờ sông. Nơi đây, trời lờ mờ tối. Trong lòng hồi hộp, TH nhìn trước nhìn sau xem có công an VC hay không? Vì kinh nghiệm cho thấy, hàng ngàn người đã bị chúng gài bẫy. Khi nạn nhân sa lưới thì chúng ập đến điểm hẹn, bắt giam.

Sợ hãi không kém là trường hợp gặp công an VC đi tuần tra. Làm sao mà gia đình TH thoát khỏi 'tội' vượt biển? Vì giữa đêm, vợ chồng TH dẫn hai đứa trẻ thơ đến bờ sông để làm gì, nếu không phải là đến nơi hẹn để lên thuyền đi tỵ nạn?

Mặc dù trong lòng lo sợ triền miên, nhưng nhìn 'dòng sông ly biệt', TH buồn rũ rượi. Thật ra thì cả tháng qua, đêm nào TH cũng thức giấc, rồi buồn khôn tả, không sao ngủ lại được nữa. Kể từ khi chuẩn bị cuộc vượt biển, nhiều ý tưởng bi thảm cứ luân phiên hiện ra trong tâm trí, ám ảnh TH:
'Cầu Trời cho..… thoát nạn…. thoát được tất cả tai vạ hiểm nguy.…. Nếu còn sống sót thì biết đến khi nào mình mới về thăm quê hương…. gặp lại ba, gặp lại anh chị Hai…. và những người thân yêu khác'?

Trong lúc tâm trí TH đang quay cuồng với buồn thảm và lo sợ thì ba TH bước tới gần. Ông ôm hôn hai đứa cháu cưng nhất của ông là Cường, 5 tuổi và Hằng, 4 tuổi và dặn dò anh Ba đôi lời trước khi chia tay. Nhìn thấy TH sụt sùi khóc, ông âu yếm ôm TH như hồi TH còn thơ ấu:

'Con đi…. bình an nghe con…. Khi đến được trại tỵ nạn, báo tin cho ba nhé. Dù cuộc sống khó khăn thế nào, con cũng ráng mà sống, chăm lo cho chồng con, cố gắng dậy dỗ hai đứa bé nên người…. nghe con. Cả gia đình 'Nguyễn Phúc' nhà mình, chỉ có một mình con ở nơi xứ lạ….. Lúc nào ba cũng thương con, thương con nhất nhà….'
…. 'Nhưng nếu lỡ… không may mà gặp tai vạ…... hải tặc hay…….. con chết vì gió bão thì thôi…. ba cũng phải chịu… ba chỉ còn biết…. ngày đêm lau nước mắt…. cầu nguyện cho con'….
Chưa nói hết, ông đã nghẹn lời. Ngưng trong giây lát, ông cố gắng lấy lại bình tĩnh được phần nào. Nhưng rồi, ông lại mếu máo, vừa khóc vừa nói:
'Thuý… Hoa ơi! Ba…. sinh ra con….. mà ba không ở bên con để bảo vệ cho con được'!
Lời than khóc đau thương ấy cũng là lời ông đã nói trước đây khi biết TH gặp tai vạ hôm đi 'thăm nuôi' chồng ─ bị đầy ải trong 'ngục tù cải tạo'. Nay ông lập lại lần nữa. Nhưng lần này, TH nghe giọng nói thảm thiết hơn. Hẳn là lời 'trối trăng' trước khi hai cha con vĩnh biệt?
Sau đó, ông ôm TH lần cuối. Ông hôn lên má, hôn lên tóc và lau nước mắt cho TH. Làm xong, ông lặng lẽ quay về phía sau để ra khỏi khu 'dòng sông ly biệt'. Toàn thân TH lạnh ngắt. TH vừa nuốt nước mắt, vừa đứng nhìn theo bóng cha già khuất dần trong đêm tối …..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét