Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 24 tháng 4, 2017

5 địa điểm nổi tiếng của Sài Gòn sẽ chỉ còn trong ký ức.

alt

Chẳng bao lâu nữa, những địa điểm nổi tiếng này của Sài Gòn sẽ mãi biến mất, hoặc sẽ được di dời để nhường chỗ cho những công trình mới hơn, hiện đại hơn. Và có lẽ, người ta sẽ chỉ còn được nhớ về nó bằng những hình ảnh đẹp, kí ức đẹp...<!>

Thông tin về việc đóng cửa Thương Xá Tax, một công trình kiến trúc được xây dựng từ những năm 1880 khiến bất cứ ai có ký ức gắn với nơi đây bỗng cảm thấy có chút hụt hẫng và tiếc nuối. Đối với nhiều người, Thương Xá Tax không đơn thuần là một nơi để mua sắm, mà còn là nơi họ đặt chân tới để tìm những hoài niệm của Sài Gòn năm xưa, hay đơn giản là lục lại ký ức, những khi mua cuốn vở, cây bút, món quà sinh nhật nho nhỏ... cũng đạp xe tới đây, háo hức chọn đồ. Công trình hơn 130 tuổi sắp không còn, khiến nhiều người dân thành phố lại một lần nữa hoài niệm về những biểu tượng gắn liền với Sài Gòn đã/sắp mất đi, để nhường chỗ cho những công trình mới hơn, hiện đại hơn phục vụ cuộc sống của người dân thành phố. 

Đó là những hàng cây cổ thụ xanh mướt nằm cạnh công viên Lam Sơn của ngày nào, hay bùng binh Cây Liễu một thời luôn là điểm nhấn vô cùng quen thuộc mỗi khi bạn muốn ghé ngang Thương Xá Tax. Rồi vòng xoay với tượng đài vị tướng Trần Nguyên Hãn hùng dũng, nằm ngay giữa giao lộ 7 ngõ quan trọng của trung tâm thành phố. Tất cả những nơi này đều là nhân chứng lịch sử, chứng kiến Hòn ngọc Viễn Đông trải qua biết bao thăng trầm. 

Chẳng bao lâu nữa, những biểu tượng không thể nào quên này của Sài Gòn sẽ mãi biến mất, hoặc sẽ được di dời để nhường chỗ cho những cái mới hơn, đó là công trình ga tàu điện ngầm đầu tiên của tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên và tòa nhà 40 tầng ngay tại vị trí hiện tại của Thương Xá Tax. Dù biết "đôi khi phải chấp nhận mất đi những cái cũ, để có thể đón những cái mới", nhưng có lẽ vì những nơi này đã quá quen thuộc, chứa đựng rất nhiều kỷ niệm và tình cảm của người Sài Gòn nhiều thế hệ, nên đến nay, phần lớn họ còn mang trong mình sự tiếc nuối và lưu luyến về một Sài Gòn của năm nào, với hàng cây ấy, con đường ấy, vòng xoay ấy,...

Hàng cây cổ thụ "trứ danh" trên đường Lê Lợi

Nếu Sài Gòn khi xưa nổi tiếng với những hàng gòn xanh mát, thì Sài Gòn của sau này cũng nổi tiếng với những hàng dầu kiên cố, chắc khỏe. Đặc biệt những hàng dầu ở khu trung tâm thành phố, như Công Trường Lam Sơn đổ dài về đường Lê Lợi đã nằm ở đó từ rất lâu. Có những cây đến nay đã gần trăm năm tuổi, nên sẽ chẳng quá nếu nói hai hàng dầu này là những bậc lão tiền bối, "người" đã may mắn chứng kiến Sài Gòn thay đổi qua nắng mưa.

alt
Hàng cây xanh mướt từng phủ xanh một góc Sài Gòn hoa lệ của ngày nào

alt
Giờ chỉ là những "kỷ niệm đã qua"

Thời gian vô tình, cuộc sống tấp nập cứ thế kéo người ta càng xa với hồi ức, cho đến khi tận mắt nhìn thấy từng hàng cây, gốc dầu bị đốn hạ, không ít người mới cảm nhận được sự luyến tiếc đến thẫn thờ rằng: "Thường ngày ta vẫn đi qua, đi lại nhưng chẳng có cảm xúc chi, thế mà bây giờ lại quá buồn khi thấy chúng đi".

Giờ thì mỗi lần đi ngang qua đây, dù vẫn con đường ấy, vẫn những tòa nhà, hàng quán ấy,... nhưng chắc chắn bạn sẽ cảm thấy sự trống trải, trơ trọi vô cùng kỳ lạ vì đã vắng đi những hàng dầu cao tít tắp của năm nào.

alt
Góc nhà hát Thành Phố mát mẻ trở nên trống trải hẳn

alt

Công viên Lam Sơn

Nằm ngay cạnh những hàng dầu là một đoạn của công viên Lam Sơn, đây được xem là nơi cực kỳ lý tưởng để nhiều bạn trẻ, các cặp đôi và những gia đình cùng nhau tụ họp ngắm cảnh, vui chơi vào mỗi tối cuối tuần. 

Nói là công viên, nhưng thực chất, nơi này giống với một khu vườn nhỏ, giúp điểm xuyến thêm chút xanh, tạo cảm giác nhẹ nhàng, gần gũi với thiên nhiên hơn cho toàn khu cao ốc thô ráp đã chắn hết 4 bề xung quanh. Vì thế cũng dễ dàng hiểu tại sao mỗi khi có dịp ra đến nhà hát Thành Phố hoặc khu trung tâm, mọi người lại có cảm giác muốn được ngồi ở trong công viên này để tìm chút không gian thư giãn. Thỉnh thoảng, nơi này còn là điểm lưu đọng các khoảnh khắc đẹp, giới thiệu những cột mốc lịch sử hay khung cảnh Việt Nam đến với khách du lịch nước ngoài, qua các buổi triển lãm tranh công cộng. Nên dù xét về mặt nào thì công viên Lam Sơn cũng là nơi tạo được nhiều kỷ niệm đẹp và có lợi ích rất cao đối với người Sài Gòn lẫn du khách quốc tế.

alt
Công viên Lam Sơn của vài tháng trước vẫn còn nhộn nhịp và "hoành tráng" như thế này

alt
Nhưng nay nó lại hoàn toàn khác hẳn

alt
Nhiều người tranh thủ lưu lại những khoảnh khắc cuối cùng của công viên Lam Sơn.

Tuy nhiên "số phận" của khu công viên này cũng giống như những hàng dầu kia, chấp nhận biến mất để nhường chỗ cho những ga tàu mới của thành phố. Không còn công viên để các đôi bạn trẻ đến tâm tình, không còn chỗ cho các em bé, gia đình vui đùa với nhau,... khiến nhiều người cảm thấy tiếc đến ngẩn ngơ.

alt

alt
Hàng cây năm nào, dãy ghế đá với những ly trà sữa mỗi tối chắc sẽ lâu lắm mới được quay trở lại

alt

alt
Mỗi khi đi ngang qua đây, tất cả đều hy vọng con đường này sẽ nhanh hoàn thiện để mọi người lại có nơi thư giãn, vui chơi.

Bùng binh Cây Liễu 

Được xem là giao lộ đẹp và sôi động nhất của Sài Gòn, bùng binh Cây Liễu hay còn được gọi là bùng binh Nguyễn Huệ (cắt Nguyễn Huệ và Lê Lợi), là một trong những biểu tượng tồn tại suốt trăm năm qua của Sài Gòn. Một vòng xoay mà lúc nào cũng được phủ kín với những hàng liễu nhẹ nhàng, thanh thoát, nó đẹp và quen đến mức được gọi thành tên thì chắc không nơi nào có được. 

alt
Bùng binh Cây Liễu của trước đây

Nếu bạn nào có dịp lục lại những ảnh cũ về Sài Gòn, hẳn sẽ thấy, từ thời xưa, bùng binh Cây Liễu này đã được xem là một trong những nơi đẹp và nhộn nhịp bậc nhất của Sài Gòn với hình ảnh xe cộ qua lại tấp nập, một địa điểm tập trung của toàn những người trong giới thượng lưu. Đến nay, dù thời gian có thay đổi, nhưng về cơ bản thì bùng binh Cây Liễu năm nào vẫn giữ nguyên cái "chất", cái "vị" như thế.

Không những thế, ngay tại góc bùng binh này còn là nơi tổ chức đường hoa Nguyễn Huệ, một nét đẹp văn hóa tồn tại được đúng 10 năm mà người Sài Gòn vô cùng yêu quý và nhất định phải đến một lần vào dịp Tết. Khung cảnh tấp nập, tiếng người rộn ràng đi chơi Xuân, những tác phẩm được làm từ hoa vô cùng đặc sắc gắn liền với hình ảnh con đường, bùng binh Nguyễn Huệ này chắc chắn sẽ không thể nào khiến người Sài Gòn quên được.

alt
Những ngày lễ Tết, bùng binh Cây Liễu lung linh hơn, nổi bật một góc Sài Gòn.

alt

alt
Lưu lại khoảnh khắc để nhớ thêm chút kỷ niệm xưa, cái ngày còn bùng binh Cây Liễu một thời.

alt
Không còn hàng liễu và đại lộ rộng, hẳn cái Tết năm nay của người Sài Gòn sẽ trở nên khác biệt hơn rất nhiều.

Thương Xá Tax

Được xây dựng từ năm 1880, trải qua nhiều cái tên từ Les Grands Magazins Charner (GMC) rồi đến Thương Xá Tax, trong suốt hơn 130 năm qua, tòa nhà mang phong cách Pháp xen lẫn nhiều nét đặc trưng của Á Đông này cũng là một địa điểm không thể nào quên của người Sài Gòn.

Trước đây, tòa nhà này nổi tiếng là điểm ăn chơi, tiêu tiền vào những món đồ đắt giá của các "ông lớn", giới thượng lưu và đại điền khắp Nam kỳ Lục tỉnh, toàn bán các mặt hàng ngoại được nhập trực tiếp từ châu Âu. Ngày nay cũng thế, Thương Xá Tax vẫn là một trong những trung tâm thương mại buôn bán sầm uất với đủ các mặt hàng Tây, Ta đa dạng để đáp ứng được các yêu cầu của người dùng. Ngoài ra, vào những dịp Giáng sinh hoặc Tết Âm lịch, Dương lịch, Thương Xá Tax còn là điểm đến để người Sài Gòn vui chơi, chụp ảnh sau khi nó được trang trí và lên đèn. 

alt
Thương Xá Tax sầm uất và vô cùng nổi bật khi về đêm.

alt
Bùng binh Cây Liễu nhìn qua Thương Xá Tax

alt
Khu thương xá nổi tiếng một thời rồi cũng đã "quá già", nhường chỗ cho những cái mới hơn.

alt
Tất cả cửa hàng đều đã trở nên vắng vẻ.

alt
Vị trí đắc địa của Thương Xá Tax nằm ngay hai con đường lớn của Sài Gòn là Lê Lợi và Nguyễn Huệ.

alt

alt
Những bằng khen, chứng nhận mà một thương xá phải tồn tại suốt hơn 130 năm mới có được.

alt

alt
Những hàng ăn uống bình dân dành cho các công nhân viên vào mỗi sáng cũng sẽ không còn nữa.

Vòng xoay tượng đài Trần Nguyên Hãn

Chắc hẳn cái tên vòng xoay tượng đài Trần Nguyên Hãn rất ít bạn nào biết, hoặc đã nghe qua nhưng lại quen gọi nó với một cái tên khác là vòng xoay chợ Bến Thành. Như thế cũng đủ để hiểu, hình ảnh vòng xoay và chợ Bến Thành có sự liên kết, thân thuộc đến nhường nào trong mắt người Sài Gòn.

Hầu hết trong những tấm hình chụp tại điểm này thì vòng xoay và chợ Bến Thành luôn xuất hiện cùng nhau, rất ít khi tách rời. Bởi cả hai đều là biểu tượng cho sự tồn tại, phát triển mà vẫn giữ được những nét rất riêng của Sài Gòn khi xưa. 

alt
Vòng xoay và chợ Bến Thành là hai hình ảnh luôn đi cùng nhau.

alt
Và sắp tới tượng đài này sẽ được di dời về công viên Phú Lâm, quận 6, đểđảm bảo mặt bằng thi công cho dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành – Suối Tiên.

alt
Tượng đài Trần Nguyên Hãn được xây dựng từ trước năm 1975 ở trung tâm thành phố đã trở thành hình ảnh quen thuộc của người dân Sài Gòn.

Đối với người Sài Gòn mà nói, đây là lần đầu tiên họ được tận mắt chứng kiến sự thay đổi vô cùng lớn về diện mạo của thành phố đã quá quen thuộc. Nên dù ít dù nhiều, ai ai cũng có cho mình một cảm xúc riêng, một sự luyến tiếc khi không nỡ mất đi những cái cũ. Tuy nhiên, đây cũng là một cơ hội rất tuyệt vời để bạn có thể ôn lại những kỷ niệm đẹp mà bản thân đã gắn liền với những nơi này. 
Công trình xây dựng nhà ga trung tâm Bến Thành (Q.1) nằm ở vị trí phía trước chợ Bến Thành (khu vực vòng xoay Quách Thị Trang) và nối dài đến công viên 23-9, được xây dựng ở độ sâu khoảng 40m dưới lòng đất.
Nhà ga metro Bến Thành được xây dựng và lắp đặt các thiết bị có công nghệ hiện đại như các nước tiên tiến phục vụ hành khách đi lại. Đồng thời cùng với việc phục vụ hành khách đi metro, nhà ga còn tận dụng không gian ngầm làm trung tâm thương mại nhằm mang tới các dịch vụ tiện nghi cho hành khách đi mua sắm. Nhà ga nằm ở khu vực trung tâm TP nên các cửa lên, xuống nhà ga sẽ kết nối với các khu thương mại dịch vụ ở các khu vực xung quanh như chợ Bến Thành, khách sạn và các trung tâm mua sắm trên các tuyến đường lân cận.
Nhà ga sẽ có bốn tuyến metro hoạt động bảo đảm phục vụ hành khách đi lại trên các tuyến đường từ khu trung tâm đến các cửa ngõ TP, dự kiến cuối năm nay sẽ làm công tác sơ tuyển nhà thầu, trong năm 2015 triển khai thi công và dự kiến hoàn thành công trình vào cuối năm 2018 hoặc đầu năm 2019.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét