Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 29 tháng 3, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Tư 29/3 - Lê Minh Nguyên

Trung Quốc lãnh đạo thế giới bảo vệ môi trường sau khi Mỹ rút lui
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm thứ Ba đã ký một sắc lệnh hành pháp bao trùm nhiều vấn đề mà trên thực tế có hiệu lực hủy bỏ các quy định về môi trường do người tiền nhiệm Barack Obama đưa ra.<!>
Tại lễ ký sắc lệnh, ông Trump nói: "Chúng ta sẽ đưa các thợ mỏ trở lại làm việc và sản xuất than thực sự sạch".
Một ngày sau, Trung Quốc nói hôm thứ Tư rằng họ quyết tâm tôn trọng các cam kết của mình trong khuôn khổ Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói rằng chống biến đổi khí hậu là một thách thức đối với toàn thế giới, và Trung Quốc sẽ duy trì cách tiếp cận của mình ngay cả khi các chính phủ khác thay đổi chính sách của họ.
Thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc Sean Spicer cho hay ông Trump tin rằng ông có thể cân bằng hai mục tiêu song hành là vừa bảo vệ môi trường vừa thúc đẩy sản xuất năng lượng ở Hoa Kỳ.

Trong cuộc họp báo hàng ngày của Tòa Bạch Ốc, ông Spicer nói: "Tổng thống tin tưởng mạnh mẽ là bảo vệ môi trường và thúc đẩy nền kinh tế của chúng ta không phải là những mục tiêu loại trừ lẫn nhau. Sắc lệnh hành pháp này sẽ giúp đảm bảo rằng chúng ta có không khí sạch và nước sạch mà không phải hy sinh tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm".
Sắc lệnh của ông Trump nhắm đến việc đình chỉ, hủy bỏ hoặc rà soát hơn nửa tá các quy định, trong nỗ lực gia tăng sản xuất năng lượng trong nước bằng nhiên liệu hóa thạch.

Sắc lệnh chỉ đạo các cơ quan liên bang lọc ra các quy định mà chính quyền nói là gây cản trở cho việc sản xuất năng lượng trong nước, đó là bước đầu tiên trong một quá trình 6 tháng để lập ra kế hoạch chi tiết cho chính sách năng lượng trong tương lai của chính quyền. Một phần trong việc rà soát sẽ là Kế hoạch Năng lượng Sạch, kế hoạch này hạn chế phát thải khí nhà kính tại các nhà máy nhiệt điện than.

Sắc lệnh cũng hủy bỏ nhiều sáng kiến về môi trường của Tổng thống Barack Obama và loại bỏ việc đòi hỏi các quan chức liên bang phải cân nhắc tác động của biến đổi khí hậu khi đưa ra quyết định.
Ngân sách dự kiến năm 2018 của ông Trump cắt 31% ngân sách của Cơ quan Bảo vệ Mội trường (EPA), trong đó gần như cắt toàn bộ ngân quỹ cho việc nghiên cứu khí hậu.

Các chi tiết của sắc lệnh bị rò rỉ ra đã làm bùng lên những phản ứng của các nhà khoa học về khí hậu.
Tim Barnett, nhà nghiên cứu địa vật lý học thuộc Học viện Hải dương học Scripps ở California, nói rằng ngay bản thân ông, một người ủng hộ Trump, cũng thấy việc hủy bỏ những quy định trong Kế hoạch Năng lượng Sạch là "vô lý". Ông nói: "Tình trạng ấm lên toàn cầu không phải là một vấn đề của đảng Dân chủ hay một vấn đề của đảng Cộng hòa. Nếu nhìn vào những gì diễn ra ở Bắc cực, Nam cực, với việc tiếp tục đưa CO2 vào bầu khí quyển, chúng ta đang làm cho các đại dương có nồng độ axit cao hơn. Người ta cho rằng đến năm 2040, một nửa sinh vật phù du sẽ gặp nguy cơ".

Giám đốc Điều hành Sierra Club Michael Brune gọi sắc lệnh của ông Trump là "cuộc tấn công lớn nhất vào hành động vì khí hậu trong lịch sử Hoa Kỳ". Ông Brune nói việc làm này không chịu nhìn thấy nền kinh tế năng lượng sạch đang phát triển, nền kinh tế này chính là cách tốt nhất để bảo vệ cả người lao động lẫn môi trường. - VOA

2.
Ngoại trưởng Mỹ sẽ đi thăm Thổ Nhĩ Kỳ và NATO trong tuần này

Cân nhắc các bước tiếp theo trong chiến dịch nhằm đánh bại nhóm chủ chiến Nhà Nước Hồi giáo (IS) và ổn định cuộc khủng hoảng người tị nạn với các đồng minh trong khu vực, là chủ đề của  chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đi thăm Thổ Nhĩ Kỳ và các nước NATO trong tuần này.
Trong cuộc họp đầu tiên  với các đối tác NATO, nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ sẽ hối thúc các đồng minh vạch ra một con đường rõ ràng để tăng chi tiêu quốc phòng, theo tường thuật của Thông tín viên Nike Ching của VOA.

Các lực lượng do Hoa Kỳ lãnh đạo đang tăng cường chiến dịch tái chiếm thành phố Raqqa ở Syria từ tay quân chủ chiến Nhà Nước Hồi giáo.
Ổn định các khu vực nơi phiến quân đã trốn chạy và cho phép người tị nạn trở về quê nằm ở ưu tiên  cao trong chương trình nghị sự của Hoa Kỳ và các đối tác trong liên minh chống Nhà nước Hồi giáo.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson trong tuần này sẽ đi thăm Thổ Nhĩ Kỳ và sau đó NATO - để tiếp tục đẩy mạnh những bước tiến đã đạt được trong cuộc họp với các đối tác trong liên minh tại Washington vào tuần trước.

Ông Tillerson nói:

“Trong khi một lộ trình cụ thể hơn cho Syria đang được xác định, tôi có thể nói Hoa Kỳ sẽ tăng áp lực đối với ISIS (Nhà Nước Hồi giáo) và al-Qaeda, chúng tôi sẽ làm việc để thiết lập các khu vực an toàn tạm thời thông qua các thoả thuận ngưng bắn để cho phép người tị nạn trở về nhà.”
Theo ông Daniel Serwer, chuyên gia về các vấn đề Trung Đông, đây là một mục tiêu khó thực hiện. Ông Serwer nói:

"Thổ Nhĩ Kỳ muốn có những khu an toàn, họ đã đề nghị lập những khu như thế này trong nhiều năm rồi, nhưng thực tế là rất khó tạo ra các khu an toàn, và khó có thể bảo vệ và duy trì chúng."
Vài ngày trước cuộc họp đầu tiên của ông Tillerson với bộ trưởng ngoại giao các nước NATO, ông Tillerson gặp ngoại trưởng các quốc gia vùng Baltic. Họ bày tỏ tin tưởng vào sự ủng hộ mà Washington dành cho liên minh NATO.

Việc ộng Tillerson đến dự cuộc họp với NATO trước khi tới Moscow, sẽ ngưng những tranh cãi về quyết định của ông trước đây, tính bỏ qua cuộc họp với các Ngoại Trưởng NATO.

Dự kiến ông Tillerson sẽ nêu rõ rằng Hoa Kỳ không thể tiếp tục đóng góp quá nhiều để trang trải các chi tiêu quốc phòng của NATO. Ông nói tỷ lệ đóng góp bất cân xứng của Mỹ hiện nay là không thể kéo dài.
Ông Tillerson cũng sẽ thảo luận với các đồng minh về cam kết chung của họ nhằm cải thiện an ninh ở Ukraina và NATO cần hối thúc Nga hãy chấm dứt các hành động gây hấn đối với các nước láng giềng. - VOA

3.
Tỉnh trưởng ở Afghanistan nói triển khai thủy quân lục chiến Mỹ sẽ đẩy lùi Taliban

Các quan chức Afghanistan bày tỏ tin tưởng rằng kế hoạch triển khai khoảng 300 binh sĩ thủy quân lục chiến Hoa Kỳ sẽ giúp các lực lượng địa phương đảo ngược những thắng lợi của phe nổi dậy ở tỉnh Helmand.
Được không quân yểm trợ, Quân đội Quốc gia Afghanistan đã tăng cường các chiến dịch tấn công ở Helmand, tỉnh trồng cây thuốc phiện lớn nhất ở miền Nam Afghanistan, sau khi Taliban chiếm trung tâm huyện Sangin, một địa điểm có tầm quan trọng chiến lược, hồi tuần trước, mặc dù các giới chức chính phủ Afghanistan vẫn chưa công nhận tin này.

Tin cho hay các lực lượng Afghanistan đã phát động các cuộc hành quân trong đêm, giết chết hàng chục phiến quân và phá hủy một số xưởng sản xuất ma túy tại Helmand.
Tỉnh trưởng Hayatullah Hayat nói các lực lượng an ninh quốc gia đã chuẩn bị trước, và năm nay được bố trí tốt hơn để đánh bại quân Taliban. Họ đã đuổi sạch quân Taliban tạicác khu vực quanh Lashkargah, thủ phủ của tỉnh Helmand, và các khu vực lân cận.

Ngũ Giác Đài tuyên bố vào tháng 1 sẽ triển khai một lực lượng đặc nhiệm gồm khoảng 300 binh sĩ thủy quân lục chiến trở lại Helmand sau những thắng lợi quân sự của phe nổi dậy khiến các lực lượng Afghanistan chịu thương vong lớn trong mùa chiến sự 2016.
Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ sẽ trở lại khu vực mà trong nhiều năm họ đã tham chiến vào những trận đánh ác liệt và chết chóc với Taliban. Đây sẽ là lần triển khai đầu tiên kể từ năm 2014 khi các lực lượng chiến đấu quốc tế do Hoa Kỳ lãnh đạo đã rút khỏi Afghanistan. - VOA

4.
Miến Điện: Năm cầm quyền đầu tiên đầy khó khăn của Aung San Suu Kyi

Sau một năm cầm quyền, chính phủ của cựu lãnh đạo đối lập Miến Điện Aung San Suu Kyi vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, chiến sự với các sắc tộc thiểu số tái diễn, các cải tổ kinh tế và xã hội dậm chân tại chỗ.
Trong suốt nhiều thập niên, người dân Miến Điện đã phải sống dưới chế độ độc tài quân sự và vẫn mơ đến một nền dân chủ. Họ đã trông đợi rất nhiều vào cuộc tổng tuyển cử lịch sử tháng 11/2015, đưa bà Aung San Suu Kyi và đảng Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ của bà lên cầm quyền.

Do luật không cho phép bà lên làm tổng thống, nên ngày 01/04 năm ngoái, Aung San Suu Kyi đã nắm chức ngoại trưởng kiêm cố vấn đặc biệt của Nhà nước và phát ngôn viên tổng thống. Trong những cương vị này, cựu lãnh đạo đối lập Miến Điện, trên thực tế, là người đứng đầu chính phủ từ một năm nay.
Sau một năm cầm quyền, bà Aung San Suu Kyi vẫn được đa số người dân Miến Điện ngưỡng mộ, thế nhưng ngày càng có nhiều người lên tiếng chỉ trích bà.

Nhưng theo ghi nhận của các nhà phân tích, hầu như không bao giờ họp báo, bà Aung San Suu Kyi nay là một nhân vật ngày càng xa cách. Vào đầu năm nay, bà đã kêu gọi người dân Miến Điện hãy kiên nhẫn, vì theo bà “đối với lịch sử một quốc gia, lịch sử một chính phủ, 10 tháng hay 1 năm chưa là bao”. Cố vấn của tổng thống Miến Điện, ông Aung Tun Thet, cũng cho rằng “hãy còn quá sớm” để đánh giá là chính phủ của Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ đã thành công hay thất bại.

Nhưng không người ít nay tỏ vẻ thất vọng về nhân vật từng được trao giải Nobel Hòa Bình, khi họ thấy tiến trình hòa bình ở Miến Điện vẫn bế tắc, triển vọng kinh tế chưa có gì sáng sủa. Tăng trưởng chậm lại, đầu tư ngoại quốc giảm lần đầu tiên từ 4 năm qua, trong khi vật giá leo thang do lạm phát tăng với tỷ lệ trên 10%.
Về các quyền tự do, sau các tướng lãnh vào thời chế độ quân sự, nay đến lượt các đảng viên của Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ đứng ra truy tố nhiều nhà báo, nhà bất đồng chính kiến và nhà hoạt động về tội “vu khống”. Ngay trong giới chính khách, nhiều người chỉ trích bà Aung San Suu Kyi nắm quá nhiều quyền hành trong tay.

Nhưng cũng cần phải thấy là chính phủ của cựu lãnh đạo đối lập Miến Điện vẫn không được rộng tay để điều hành đất nước. Thứ nhất là bản Hiến Pháp có từ thời chế độ quân phiệt không cho phép bà Aung San Suu Kyi lên làm tổng thống và thứ hai là quân đội vẫn nắm một phần tư số ghế ở Quốc Hội. Mặt khác, quân đội Miến Điện vẫn giữ ba bộ quan trọng : Quốc Phòng, Nội Vụ và Biên Giới, đồng thời vẫn kiểm soát nhiều khu vực kinh tế chủ chốt.
Bà Aung San Suu Kyi cũng bị chỉ trích là đã không biết cách hòa đàm với các lực lượng phiến quân sắc tộc thiểu số, nhất là trong những tháng gần đây, các trận giao tranh đã gia tăng cường độ lên đến mức chưa từng có từ nhiều năm qua. Đối với các nhà phân tích được hãng tin AFP trích dẫn, tình hình này có thể khiến đảng của bà Aung San Suu Kyi bị mất phiếu trong cuộc bầu cử bán phần ngày 01/04 tới.

Trên trường quốc tế, nhiều người rất bất bình khi thấy bà Aung San Suu Kyi không nói gì về khủng hoảng ở bang Rakhine, nơi mà quân đội Miến Điện bị Liên Hiệp Quốc tố cáo đã gây ra nhiều tội ác đối với thiểu số người Rohingya Hồi Giáo. - RFI

5.
Giới trẻ ''thế hệ Putin'' chống Putin

Cuộc biểu tình phản đối nạn tham nhũng và chế độ Putin trên gần 100 thành phố khắp nước Nga ngày Chủ nhật, 26/03/2017, gây bất ngờ đối với chính quyền. Đây là đợt biểu tình lớn nhất kể từ năm 2012, theo một số nhà quan sát. Điều nổi bật được giới quan sát ghi nhận đó là sự hưởng ứng của giới trẻ trước lời kêu gọi của lãnh đạo đối lập, một thế hệ trẻ trưởng thành chính trong thời kỳ cầm quyền của tổng thống Nga Putin, như hàng tựa của một bài viết trên Le Monde “Thế hệ Putin xuống đường” (1).
Theo nhà báo Nga Oleg Kachine (2), cùng với việc nhiều đô thị vốn được coi là “trì đọng” đã tham gia vào ngày phản kháng, việc đông đảo thanh thiếu niên dưới 18 tuổi hiện diện trong phong trào là điều mới mẻ thứ hai. Bởi những thiếu niên ấy đều sinh ra và lớn lên “dưới thời Putin”.

Cách nay một tháng, vào lúc đối lập tuần hành tại Matxcơva để tưởng niệm Boris Nemtsov, hai năm sau ngày ông bị sát hại năm 2015, người ta đã không thấy những người trẻ như vậy.

Nhật báo Nga có xu hướng tự do Moskovski Komsomolets châm biếm : cuộc tuần hành hôm Chủ nhật trên khắp đất nước khiến cho đợt kỷ niệm 19 năm ngày Putin lên nắm quyền bị “lỡ dở”.
Theo OVD-Info, một tổ chức phi chính phủ chuyên theo dõi các phong trào phản kháng tại Nga, trong số 1.030 người bị câu lưu hôm đó tại Matxcơva, ít nhất có 46 người dưới 18 tuổi. OVD-Info không có thống kê chính xác trên toàn quốc, nhưng ước tính tại mỗi trụ sở cảnh sát, ít nhất cũng có hai đến ba thiếu niên bị giữ.

Vịt nhựa, giày thể thao… : Các biểu tượng châm biếm 
Những lời kêu gọi chống tham nhũng, trước hết là chống lại đế chế tham nhũng của thủ tướng Nga, do lãnh đạo đối lập Alexei Nalvany 40 tuổi khởi xướng, dễ dàng đến được với giới trẻ, do tính chất châm biếm. Hình ảnh những “kiểu giày thể thao” đắt tiền mà thủ tướng Dmitri Medvdev ưa dùng, các “con vịt nhựa” để nhắc đến các nơi ở sang trọng, với trang trại gia cầm của thủ tướng Nga... được tung lên mạng hồi đầu tháng ba.

“Vịt nhựa”, “giày thể thao” của thủ tướng Nga là các biểu tượng được giới trẻ mang theo trong cuộc biểu tình.
Tại thành phố Tomsk, cũng ở Siberi, phát biểu của một thiếu niên tên Gleb, mới học lớp 6, lên án tệ nạn “chính trị hóa học đường” trong cuộc tuần hành hôm Chủ nhật đã lan truyền rộng rãi. Theo người thiếu niên này, “không quan trọng ai là người nắm quyền, Navalny, Putin hay ai khác. Điều quan trọng nhất là thay đổi hệ thống của chúng ta, chính trị, giáo dục, y tế. 
Tôi ngạc nhiên khi thấy trường học của mình bị chính trị hóa như thế nào ! Học sinh có thể bị điểm xấu, chỉ vì không mô tả về chính quyền hiện nay đúng theo những gì đã được dậy dỗ”.

Trong khi đó, trên đường phố Matxcơva, người ta có thể đọc thấy những khẩu hiệu mang phong cách bông đùa, như kiểu như “Đả đảo sự bất bình đẳng giữa những con vịt !”.

Tố cáo nạn "chính trị hóa" học đường
Làn sóng châm biếm tràn đi trên mạng trước cuộc xuống đường hôm Chủ nhật. Một sinh viên Học viện Âm Nhạc Matxcơva đã biến thành trò cười một buổi dạy “văn hóa chính trị” của trường, về “lực lượng thứ năm” (thực chất là một hoạt động tuyên truyền chống lại các tổ chức phi chính phủ, bị tố làm gián điệp cho phương Tây). Đoạn video về buổi học được phổ biến rộng rãi trên mạng. Người sinh viên bị đe dọa đuổi học.

Lãnh đạo đối lập Alexei Navalny đã sử dụng được các mạng xã hội, để thoát khỏi hệ thống kiểm duyệt truyền thông của chính quyền, trong bối cảnh mà cỗ máy truyền hình tuyên truyền của Nhà nước “không tác động được đến giới trẻ và chủ nghĩa bài ngoại dân tộc chủ nghĩa cực đoan chính thống chỉ còn khiến người ta ghê tởm. Giới trẻ (muốn) lên mạng Internet để tìm kiếm sự thật về những gì diễn ra trong nước” (theo nhà xã hội học Igor Eidmann).
Một khía cạnh khác của truyền thông trong giới trẻ cũng được Novai Gazeta (3) (một tờ báo Nga có xu hướng cởi mở) nhấn mạnh, đó là ngay cả các mạng xã hội, như Facebook cũng bị giới bảo thủ và những kẻ phá rối thao túng. Những thanh thiếu niên từ 14 đến 20 tuổi hiện nay thích sử dụng mạng xã hội Nga Vkontakte hoặc trao đổi qua các dịch vụ trò chuyện trực tuyến hơn là Facebook.

Tại thành phố Krasnoiarsk, ở Siberi, một giáo viên đại học đã bị buộc phải thôi việc, chỉ vì cho sinh viên xem cuốn phim trên mạng tố cáo thủ tướng Nga tham nhũng, do lãnh đạo đối lập thực hiện và đưa lên mạng Youtube hồi đầu tháng.
Báo Novaia Gazeta cũng ghi nhận trường học Nga hiện nay đang cố phong tỏa tinh thần của giới trẻ, với “các khóa học về lòng yêu nước, giảng dạy các nền tảng của văn hóa chính thống và kiểm duyệt”. Ấn tượng của nhiều học sinh là sự ngự trị của cặp cầm quyền Putin-Medvedev, thái độ đối kháng với thế giới bên ngoài của chính quyền, tuyên truyền hung hăng và sự dối trá của người lớn.

Phẫn nộ về tình trạng bất công

Theo báo Libération, trước sự tham gia bất ngờ của đông đảo thanh thiếu niên trong phong trào phản kháng, chính quyền Matxcơva dường như đang tìm biện pháp ứng phó. Phát ngôn viên của chính quyền tố cáo những người tổ chức biểu tình hứa “thưởng tiền” cho các thiếu niên, nếu họ bị cảnh sát bắt bớ, nhưng không đưa ra bất cứ bằng chứng nào.
Đa số những ngưỡi bị bắt đã được trả tự do ngay trong đêm Chủ nhật qua sáng thứ Hai, sau khi ký vào một biên bản “xử phạt hành chính”, vì tội tham gia vào một cuộc biểu tình không được phép. Tại một số địa phương khác, như Nijni Novgrod trên sông Volga, cha mẹ học sinh trung học tham gia biểu tình cũng bị phạt hành chính, vì tội “không thực hiện nghĩa vụ giáo dục” con cái, theo luật dân sự.

Theo nhà chính trị học Abbas Gallyamov (4), điện Kremlin hiện đang đứng ở ngã ba đường. Hoặc quyết định trừng phạt nặng nề những người trẻ tham gia biểu tình, và điều này sẽ hiến phong trào trở nên quyết liệt hơn, hoặc làm ngơ.
Một trang mạng thông tin địa phương Nga Znak (5) cho rằng vấn đề chủ yếu là sự nổi dậy của giới trẻ chống lại “tình trạng bất công của một chế độ cha truyền con nối” ở Nga, mà họ đang phải đối mặt hàng ngày. Suốt ngày phải nghe những rao giảng về đạo lý, về lòng yêu nước, nhưng trên thực tế họ không có triển vọng tương lai, các vị trí tốt nhất đã có con cái của tầng lớp tinh hoa xí phần. - RFI

Tin Hoa Kỳ
6.
CBS: Mức ủng hộ ông Trump không đổi sau thất bại Obamacare

Mức ủng hộ dành cho ông Donald Trump trong việc điều hành đất nước vẫn duy trì ở mức trên dưới 40% từ khi ông đảm nhiệm chức Tổng thống Hoa Kỳ vào tháng 1 năm nay, nhờ vào sự ủng hộ nhiệt tình của những người theo đảng Cộng hòa. Thành phần này tin rằng sự thất bại trong nỗ lực nhằm thay thế Đạo luật Chăm sóc Y tế Giá Phải chăng - Obamacare, không phải là lỗi của ông Trump.
Một cuộc thăm dò mới đây do CBS News thực hiện từ ngày 25 đến 28/3, cho thấy 40% người Mỹ được phỏng vấn ủng hộ thành tích hoạt động của ông Trump, con số này nhìn chung không thay đổi so với mức 39% vào cuối tháng 2 và mức 40% hồi đầu tháng 2.

Những người theo đảng Cộng hòa tham gia cuộc thăm dò cho rằng dự luật thay thế Obamacare không được lòng công chúng là lý do của sự thất bại của dự luật này, chứ không phải vì Tổng thống Trumpxử lý vấn đề thực thi một trong những cam kết chủ yếu của ông khi ra tranh cử.
49% đối tượng thăm dò cho rằng dự luật thay thế Obamacre của đảng Cộng hòa thất bại vì "nó không được công chúng ưa thích", so với 41% người theo Đảng Cộng hoà có câu trả lời tương tự. 34% người theo đảng Cộng hòa cho rằng dự luật này không được ủng hộ đúng mức vì "những người bên đảng Dân chủ không chịu thỏa hiệp". Chỉ có 14% trong tổng số đối tượng nói chung có câu trả lời như vậy.
40% người Mỹ, trong đó có 67% người theo đảng Dân chủ, tin rằng Nga có can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016 với mục đích giúp ông Trump đắc cử. Chỉ có 13% người theo đảng Cộng hòa đồng ý với đánh giá đó. - VOA

7.
Hơn 40 năm tung hoành, F-15 có thể phải ‘nghỉ hưu’ vì ngân sách

Một loại chiến đấu cơ của Không Quân Mỹ, hoạt động từ thập niên 80 tới nay, nhưng vẫn được coi là thành công nhất trong các cuộc không chiến của lịch sử Mỹ, có thể sắp phải nghỉ hưu để tiết kiệm ngân sách.
Trong 40 năm làm chủ bầu trời, chiếc F-15 Eagle chưa hề thất bại dưới đối thủ nào, nhưng nay có thể phải thua vì nỗ lực cắt giảm chi phí của Không Quân Mỹ.

Các tướng lãnh Không Quân tuần qua đưa ra ý tưởng này trong cuộc điều trần trước Tiểu Ban Quân Vụ Hạ Viện, nói rằng có thể thay thế toàn bộ các phi cơ F-15 loại không chiến hiện có với loại F-16 Fighting Falcon được cải tiến.
Theo kế hoạch này, khoảng 236 F-15C và F-15D sẽ được thay bằng các phi cơ lọc lựa từ chừng 1,200 chiếc F-16 của Không Quân Mỹ rồi tân trang.

Tương lai của loại F-15E Strike Eagle, vốn thường được dùng trong các phi vụ tấn công mục tiêu dưới đất, không được nói tới trong cuộc điều trần vừa qua.
Tuy chiếc F-15, do Boeing chế tạo, có khả năng vượt trội trong không chiến, loại F-16 của Lockheed Martin được coi là đa năng và có thể thi hành các nhiệm vụ khác nhau.

Nếu F-15 phải nghỉ hưu, các tướng lãnh Không Quân Mỹ cho hay họ sẽ trang bị F-16 với hệ thống radar mới, cho có “khả năng cũng giống như F-15”.
Tuy nhiên, một số thành viên Tiểu Ban Quân Vụ Hạ Viện Mỹ bày tỏ sự nghi ngờ là liệu F-16 có thể làm nhiệm vụ như của F-15 hay không. Cho đến nay loại phi cơ F-15 có hơn 100 chiến thắng trong các cuộc không chiến trên khắp thế giới.

Tuy phục vụ đã lâu năm, những chiếc F-15 hiện vẫn tiếp tục được đưa tới những khu vực căng thẳng nhất.

Hồi năm ngoái Không Quân Mỹ gửi các phi đoàn F-15 tới Iceland, Hòa Lan và Phần Lan để trấn an đồng minh NATO sau khi Nga can dự vào tình hình Ukraine.
Không Quân Mỹ từng có kế hoạch thay thế toàn bộ các phi cơ F-15 bằng chiến đấu cơ thế hệ thứ năm F-22 Raptor, nhưng chương trình sản xuất phi cơ này bị ngưng vào năm 2009 và chỉ có 188 trong tổng số 749 chiếc Ngũ Giác Đài dự định mua được sản xuất. - nguoiviet

Tin Việt Nam
8.
Việt Nam: Kinh tế tăng trưởng chậm nhất trong ba năm

Quyết định giảm sản lượng điện thoại Note 7 của Samsung là một trong các ly do khiến kinh tế Việt Nam tăng trưởng mức chậm nhất trong quý Một, theo hãng tin AFP.
Mức tăng trưởng 5.1% theo năm trong quý Một năm nay là mức kém nhất kể từ 2014, và cách xa mức 6,7% trong quý trước đó, theo Tổng cục Thống kê.

Mức tăng này cũng không đạt dự báo 6,3% mà Bloomberg News đưa ra khi làm khảo sát.
"Nếu không có đột biến gì lớn thì khó có thể đạt tăng trưởng 6,7%," ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, được dẫn lời.

"Công nghiệp tăng thấp nhất kể từ năm 2011 đến nay, điều này kéo tụt tăng trưởng GDP, ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế đất nước ", ông Lâm nói. "Dự báo kinh tế nước ta sẽ có nhiều thách thức hơn thuận lợi, khó có thể đạt được mục tiêu đã đề ra".
Tập đoàn Samsung của Hàn Quốc, vốn đầu tư nhiều vào Việt Nam, bị buộc phải giảm lượng điện thoại di động sau sự cố pin dòng điện thoại Galaxy Note 7 bị nổ khiến ngưng sản xuất loại này.
Đây là một trong những lý do được xem là yêu tố dẫn tới kinh tế quý một của Việt Nam tăng ở mức chậm nhất trong ba năm.
Sản lượng tập đoàn Samsung tại Việt Nam giảm 38% trong quí Một và ngành điện tử chiếm khoảng 1/3 lượng xuất khẩu 40 tỉ USD của Việt Nam.

Thời báo Kinh tế Việt Nam cho biết khu vực nông - lâm - thuỷ sản, ngành nông nghiệp cho thấy dấu hiệu khả quan với mức tăng 1,38% so với cùng kỳ năm trước (giảm 2,69%), lâm nghiệp và thuỷ sản đều có tăng trưởng tốt. 
"Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp chỉ tăng 3,85% so với cùng kỳ, thấp nhất kể từ năm 2011 trở lại đây, trong đó ngành khai khoáng sụt giảm mạnh 11,4% so với cùng kỳ; ngành chế biến, chế tạo đạt mức tăng trưởng 8,3%, tăng thấp nhất kể từ năm 2015. 

"Ngành xây dựng tăng 6,1%, thấp hơn so với mức 8,6% của năm 2016", báo này cho biết. 
Việt Nam được xem là một trong các nền kinh tế phát triển tốt nhất trong khu vực Đông Nam Á với động lực chính là hàng xuất khẩu từ giày Nike tới điện thoại thông minh.
Nhưng tăng trưởng hàng năm giảm từ 6,7% vào năm 2015 xuống 6,2% vào năm ngoái.
Chính phủ Việt Nam vào hôm thứ Tư cho biết chỉ số giá tiêu dùng cũng tăng so với cùng kỳ năm ngoái. - BBC

9.
Cắt chế độ xe công là ‘cú hích’ cải cách

Một số lãnh đạo Việt Nam sắp bị cắt chế độ xe công đưa đón mỗi ngày và chuyển sang hình thức khoán kinh phí, theo nội dung văn bản của Văn phòng Chính phủ công bố hôm 29/3.
Theo văn bản này, các lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,25 đến 1,3 (tương đương với chức thứ trưởng) sẽ được khoán xe ô tô đưa đón từ nhà đến sở làm, thay vì được hưởng chế độ xe công mang biển số xanh, phục vụ riêng như trước. Một chuyên gia về Chính sách công của Bộ Kế hoạch và Đầu Tư, Tiến sĩ Phạm Quý Thọ, giải thích thêm về chế độ đãi ngộ quan chức này:

“Tiêu chuẩn là từ thứ trưởng trở lên, thí dụ như trong bộ máy công quyền, thì có chế độ xe đưa đón. Bao nhiêu thứ trưởng thì sẽ có chừng ấy xe. Rồi còn bộ trưởng và những chức vụ tương đương của các ban ngành khác. Rồi ở tỉnh, các lãnh đạo tỉnh như Ủy ban Nhân dân, Hội đồng Nhân dân, bí thư… những chức danh đó đều có xe cả. Ngoài ra, xe công còn tràn lan đến mức độ rất nhiều các doanh nghiệp nhà nước cũng có xe công, các đơn vị sự nghiệp, các viện nghiên cứu, các ban của Đảng, các hội, đoàn thể… đều có xe công. Cho nên lượng xe công là vô cùng lớn ở đất nước này”.
TS. Phạm Quý Thọ cho biết vấn đề quản lý xe công đã được đem ra thảo luận từ lâu, thậm chí từ những năm 1980, nhưng mãi cho đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Tháng 11/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Tài chính xây dựng quy chế quản lý, sử dụng xe công sao cho đến năm 2020 phải giảm từ 30% - 50% lượng xe công ở các bộ, ngành, địa phương.
Đầu tháng này, Hà Nội đã bắt đầu thí điểm khoán kinh phí xe công cho lãnh đạo. Mức khoán được công bố là không vượt quá 9,3 triệu đồng/người/tháng.

TS. Thọ ước tính chi phí hiện nay để “nuôi” một chiếc ô tô công tốn khoảng 300 triệu đồng/năm. Ngoài ra, ngân sách nhà nước còn phải “nuôi theo biên chế” một đội ngũ lái xe hùng hậu và chi trả hàng loạt các chi phí khác đi kèm với lượng xe công khổng lồ.
“Cái ngân sách nó quá lớn rồi. Nợ công quá lớn rồi. Cho nên buộc chính phủ phải ra quyết định là khoán xe công như vậy. Người ta ước tính khi khoán được xe công, sẽ tiết kiệm chi được hàng nghìn tỷ đồng”.

Theo kế hoạch, Bộ Tài chính đưa ra hai phương án khoán kinh phí đi lại cho các lãnh đạo. Thứ nhất, đưa chi phí sử dụng xe vào thu nhập của công chức với mức 6,5 triệu đồng/tháng. Phương án hai là khoán theo đơn giá dựa trên khoảng cách thực tế đưa đón từ nhà đến sở làm hay khoảng cách đi công tác, với mức giá 16.000 đồng/km. Các mức khoán sẽ được điều chỉnh khi chỉ số CPI biến động trên 20%.
Từ cuối năm ngoái, Bộ Tài chính đã bắt đầu áp dụng chế độ khoán xe ô tô cho lãnh đạo của bộ. Tuy nhiên, để có thể áp dụng rộng rãi chế độ mới cho tất cả các bộ, ngành, địa phương, theo TS. Phạm Quý Thọ, có lẽ sẽ cần thêm một thời gian nữa.

“Thậm chí người ta thăm dò xem sự chống đối tới đâu, vì cái này nó đụng chạm đến lợi ích của các lãnh đạo nên sẽ rất khó. Nó vừa là việc buộc phải làm, vì chính phủ đã rất khó khăn về mặt ngân sách, luôn luôn bội chi kéo dài trong nhiều năm rồi, nhưng đồng thời đó cũng là một xu hướng nếu anh không cải cách như thế này thì có lẽ rất nhiều thứ khác cũng không thể làm được”.
Chuyên gia về chính sách công của Việt Nam nhận định rằng ngoài ích lợi về mặt tài chính, cắt giảm xe công còn có ý nghĩa lớn hơn trong nỗ lực cải cách thế chế. Ông nói: “Nó là một việc rất khó mà từ lâu nay anh không làm được, bởi vì nó đụng chạm đến quyền lợi của các lãnh đạo. Thế mà nếu anh làm được việc này thì người ta sẽ thấy rằng đó là một cú hích rất mạnh về cải cách thể chế”.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam, trong năm 2016, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 943,3 nghìn tỷ đồng, trong khi tổng chi ngân sách là 1.135,5 nghìn tỷ đồng, bội chi 192,2 nghìn tỷ đồng. - VOA

10.
Mẹ Nấm: từ ‘tội nhân’ tới giải thưởng quốc tế

Phụ nữ Can đảm Quốc tế 
Những hoạt động đẩy một phụ nữ trẻ tại Việt Nam vào vòng lao lý lại mang về cho cô Giải Phụ nữ Can đảm Quốc tế từ nửa vòng trái đất bên kia. Đó là hành trình chông gai, đẫm nước mắt, đánh đổi sự nghiệp, hạnh phúc gia đình, và cả sự tự do của bà mẹ đơn thân Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, người được thế giới biết đến với bút danh blogger Mẹ Nấm. 

Như Quỳnh là người Việt Nam duy nhất có tên trong danh sách 13 phụ nữ trên toàn cầu được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vinh danh Giải Phụ nữ Can đảm Quốc tế năm 2017.
Khác với những người bạn trong danh sách được vinh danh Giải thưởng năm nay, người phụ nữ Việt Nam này khiến mọi người quan tâm không chỉ vì cô là người nhận Giải vắng mặt duy nhất trong buổi lễ vinh danh, mà cô là người duy nhất trong số những người nhận Giải năm nay đang bị giam cầm.

Phát ngôn nhân Văn phòng phụ trách Đông Á-Thái Bình Dương trong Bộ Ngoại giao Mỹ, Grace Choi, nhấn mạnh sự dấn thân của Quỳnh phơi bày tham nhũng, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và báo cáo vi phạm nhân quyền tại Việt Nam truyền cảm hứng cho giới hoạt động khắp nơi, và nhờ đó, cô trở thành một trong những nhà hoạt động trên mạng nổi tiếng nhất của Việt Nam. 
Bà Choi cho biết Hoa Kỳ nhất mực kêu gọi chính phủ Việt Nam phóng thích Quỳnh ngay lập tức. Vẫn theo lời bà, sự công nhận quốc tế dành cho lòng can đảm của Quỳnh sẽ giúp mọi người lưu tâm đến việc làm của cô và hy vọng Giải thưởng này sẽ càng nêu bật vấn đề về tự do ngôn luận tại Việt Nam. 

‘Tội nhân’ tại Việt Nam 

Cách đây vài tháng, cái tên Mẹ Nấm từng khuấy động chú ý công luận khi cô bị công anh tỉnh Khánh Hòa khởi tố, bắt tạm giam hôm 10/10/2016 với cáo buộc “tuyên truyền chống phá nhà nước,” theo điều 88 Bộ luật Hình sự Việt Nam.
Trong số những ‘chứng cứ phạm tội’ thu giữ tại nhà Mẹ Nấm được truyền thông nhà nước đăng tải có những biểu ngữ như “Cá cần nước sạch, Nước cần minh bạch”, “Khởi tố Formosa”, những khẩu hiệu chống Trung Quốc xâm lược, cùng tập hồ sơ “Chấm dứt nạn công an giết dân thường” với dữ liệu về 31 người chết trong khi bị công an giam giữ được tổng hợp từ báo chí nhà nước.

Vụ bắt giữ ngay lập tức khơi dậy làn sóng phản đối từ giới hoạt động nhân quyền trong lẫn ngoài nước và cộng đồng quốc tế.

Hoa Kỳ và các nước Châu Âu ngay lập tức đã lên tiếng bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về vụ bắt giữ Mẹ Nấm và kêu gọi phóng thích cô ngay lập tức. - VOA

11.
Đạo luật chế tài vi phạm nhân quyền sẽ áp dụng thế nào với Việt Nam?

Ủy ban Cứu trợ Người Vượt biển (BPSOS) hôm 17/3 đã hoàn tất và đệ trình danh sách 168 tổ chức, cá nhân kể cả quan chức, vi phạm nhân quyền trầm trọng ở Việt Nam lên Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ để áp dụng các chế tài trừng phạt theo Đạo Luật Nhân Quyền Toàn Cầu Magnitsky (Global Magnitsky Human Rights Accountability Act).
Đạo luật được thông qua bởi cựu Tổng thống Barack Obama (23/12/2016) quy định các biện pháp trừng phạt đối với những cá nhân, tổ chức bị chính phủ Mỹ coi là đã tham gia các hoạt động tham nhũng hay vi phạm nhân quyền. Theo luật này, một số các Ủy ban của Hạ và Thượng Viện (bên lập pháp), hay bộ phận chuyên trách dân chủ, nhân Quyền và lao Động trong Bộ Ngoại Giao (bên hành pháp) đều có thể lập ra danh sách đề nghị chế tài. Nếu đề nghị được chấp thuận thì những cá nhân hay tổ chức có tên trong “sổ đen” sẽ bị đóng băng tài sản ở Hoa Kỳ cũng như bị cấm nhập cảnh vào Mỹ.

Danh sách BPSOS vừa hoàn tất gồm có 5 giới chức thuộc chính quyền trung ương và 38 giới chức lãnh đạo cấp tỉnh. Số còn lại gồm các viên chức thừa hành cấp tỉnh hay lãnh đạo cấp địa phương. Ngoài ra, có một người đứng đầu một tập đoàn doanh nghiệp liên quan đến việc chính quyền dùng bạo lực để cưỡng chế đất của một xứ đạo Công Giáo năm 2010.
Tiến sĩ Nguyễn Đình thắng, Giám đốc điều hành BPSOS, cho VOA biết rằng ông và các cộng sự của mình đã điều tra, phối kiểm cũng như chuẩn bị danh sách này trong vào 3 năm liền, cho nên khi Đạo Luật này được áp dụng, BPSOS là tổ chức đầu tiên đệ trình danh sách chế tài liên quan.

Theo dự kiến, buổi họp báo mở đầu cuộc vận động áp dụng Luật Magnitsky Toàn Cầu đối với Việt Nam và một số quốc gia sẽ diễn ra trong tháng 4 tại Quốc Hội Hoa Kỳ và cuối tháng 6 sẽ diễn ra Ngày Vận Động thường niên cho nhân quyền Việt Nam. Quá trình vận động sẽ kéo dài đến tận cuối năm nay.
Tuy nhiên, với việc danh sách có tên nhiều quan chức chính quyền Việt Nam, đặc biệt có 5 lãnh đạo cấp cao, nhiều người nghi ngại rằng có thể chính phủ Hoa Kỳ sẽ né tránh và không đặt vấn đề nhân quyền lên trên lợi ích ngoại giao, thương mại giữa 2 nước.

Tiến Sĩ Thắng nói với quan ngại đó, trong năm đầu tiên khi lập danh sách đề nghị, tổ chức của ông cũng đã cố gắng hạn chế những nhân vật lãnh đạo quốc gia, nhưng mọi cuộc điều tra về đàn áp nhân quyền trầm trọng rốt cuộc cũng quay về các nhân vật chủ chốt.
“Nếu như chỉ cần một trường hợp bị đưa vào danh sách chế tài thì cũng đủ để tạo ra sự rúng động, quan tâm và chú ý trong giới lãnh đạo, trong các giới chức của Việt Nam,” Tiến sĩ Thắng chia sẻ.

Nhà hoạt động lâu năm tại khu vực thủ đô nước Mỹ này cũng hy vọng với Đạo Luật Nhân Quyền Toàn Cầu Magnitsky, người dân trong nước sẽ thấy rằng “bây giờ quả thực có một công cụ để trừng phạt những người đàn áp nhân quyền một cách nghiêm trọng ở Việt Nam.”
Thông thường, thời gian để Bộ Ngoại Giao kết hợp với Bộ Ngân Khố và Bộ Tư Pháp mở cuộc điều tra về các nhân vật có trong danh sách đề nghị là từ 6 đến 9 tháng.

Ngày 10/12 năm nay là hạn chót để các cơ quan này nộp bản phúc trình đầu tiên lên Tổng thống Hoa Kỳ. - VOA

Link:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét